Cẩm nang dành cho người tỵ nạn và giúp đỡ tỵ nạn

Đưa người nhập cư bất hợp pháp

Theo Luật lưu trú, giúp đỡ người nhập cư và lưu trú bất hợp pháp đều có thể bị phạt hình sự. Với quy định pháp lý không rõ ràng hiện nay, thì ngay cả nhập cư hợp pháp bằng vi sa du lịch, về nguyên tắc vẫn có thể bị phạt, nếu ở lại quá thời hạn. Như vậy nhập cư bất hợp pháp, thông qua tổ chức đưa người hay không, không khác nhau. Vấn đề rắc rối nằm ở mối quan hệ giữa người nhập cư bất hợp pháp và kẻ đưa người. Thường kẻ đưa người đòi phí tổn khá cao và đòi phải trả hết khi đặt chân đến nước mình mong muốn. Ở đây vấn đề pháp lý cũng rối rắm. Rõ ràng hoạt động đưa người là vi phạm hình sự ngay cả khi không thu tiền. Nhưng nếu chẳng hạn người lưu trú bất hợp pháp bằng vi sa du lịch không bị phạt thì kẻ dẫn đường họ cũng vậy, dù nhận tiền hay không.

Khi người nhập cư bất hợp pháp vi phạm pháp luật

Nếu phạm tội hình sự hay vi phạm hành chính, bị cảnh sát bắt được, đa phần bị trục xuất thay vì điều tra xét xử. Vì vậy nhập cư bất hợp pháp phải tránh tối đa vi phạm như có thể. Ngay cả khi được lưu trú hợp pháp cũng vậy. Theo Luật lưu trú, người nước ngoài có giấy phép lưu trú ở Đức sẽ bị trục xuất, nếu bị kết án có hiệu lực ít nhất 3 năm tù hay tù áp dụng cho thanh niên, hoặc trong 5 năm gần nhất bị tổng cộng ít nhất 3 năm tù hoặc bị quản chế sau tù (theo Điều 47 đoạn 1 Luật lưu trú). Riêng phạm tội ma túy hay gây mất trật tự trị an, nếu bị phạt tù không được hưởng án treo, theo Điều 125 hoặc 125a Bộ luật hình sự, sẽ bị mất quyền lưu trú, phải ra khỏi nước Đức.

Đặt đơn xin tỵ nạn

Bất cứ ai nhập cư bất hợp pháp đều có thể đến một văn phòng tư vấn cho người tỵ nạn, ở đó miễn phí và hoàn toàn tin cậy. Có thể xin tư vấn không cần khai nhân thân. Quyền tỵ nạn quy định trong Luật lưu trú dành cho những người bị theo dõi chính trị. Đơn có thể đặt ở bất cứ cơ quan công quyền nào hoặc ở cảnh sát. Họ có trách nhiệm chuyển tiếp đến các cơ quan hữu quan và chuyển người tỵ nạn đến đó. Cơ quan Liên bang về tỵ nạn và di cư sẽ xét đơn. Khi đặt đơn, người xin tỵ nạn phải có mặt. Đơn tỵ nạn cần đặt ngay sau khi nhập cảnh, để tránh chờ đợi lâu có thể gây hậu quả xấu. Trước khi đặt đơn, nên đến tham khảo ý kiến một văn phòng tư vấn về tỵ nạn. Các nước EU quy định, mỗi người xin tỵ nạn chỉ được đệ đơn ở một nước châu Âu. Về nguyên tắc, người xin tỵ nạn chỉ được đặt đơn tại nước họ đến đầu tiên hoặc nước cấp vi sa nhập cảnh. Do vậy, người xin tỵ nạn có thể bị trục xuất trở lại nước EU mà họ tới đầu tiên. Ai cũng có thể hướng dẫn người xin tỵ nạn các thông tin trên, nhưng nếu đi cùng đặc biệt cùng có mặt tại cơ quan công quyền với tư cách cá nhân có thể bị liên đới.

Người đặt đơn

Quyền đệ đơn xin tỵ nạn áp dụng cho bất kỳ ai trốn khỏi nước họ để lánh nạn, như vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, hay thuộc một tầng lớp xã hội nhất định, hoặc thể hiện quan điểm chính trị, bị cơ quan nhà nước họ đe doạ, theo dõi. Được coi vì lý do chính trị bị theo dõi, nếu do hoạt động chính trị hay tôn giáo, hay thuộc nhóm có quan điểm khác, nên quyền pháp lý của họ bị xâm phạm, bị cô lập khỏi cộng đồng. Biện pháp theo dõi có thể như: Sử dụng bạo lực, gây áp lực tâm lý kể cả tình dục, các biện pháp pháp lý, hành chính, công an và tư pháp, phân biệt đối xử hoặc tương tự, bắt bớ, truy nã không theo quy định hay không xét xử, áp dụng hình phạt bất công. Cả người lớn và trẻ em đều có thể đặt đơn xin tỵ nạn. Trẻ dưới 16 tuổi được tự động xét cùng, nếu bố mẹ đặt đơn tỵ nạn nhập cảnh cùng con cái, hoặc đã sống bất hợp pháp sẵn ở Đức. Điều đó cũng áp dụng cho cả trường hợp đến sau hoặc sinh ra ở Đức. Trẻ em có thể được chấp nhận tỵ nạn không phụ thuộc bố mẹ, kể cả sau đó bố mẹ không được công nhận tỵ nạn.

Thẩm vấn khi xét tỵ nạn

Thẩm vấn là một lịch hẹn quan trọng khi xét tỵ nạn, trong mọi tình huống đều không nên bỏ qua, bởi sẽ làm giảm cơ hội được công nhận tỵ nạn. Trước khi thẩm vấn, nhất thiết cần đến văn phòng tư vấn về người tỵ nạn để được chỉ dẫn.

Tạm dung (Duldung)

Tạm dung là hình thức tạm hoãn trục xuất, không phải một dạng lưu trú nào và cũng không có nghĩa lưu trú bất hợp pháp được hợp pháp hoá. Người nước ngoài được cấp giấy tạm dung sẽ được bảo vệ không còn bị bắt giữ do tội lưu trú bất hợp pháp (theo Điều 95, đoạn 1, mục 2c, Luật lưu trú). Ngoài tạm dung trên còn có tạm dung nhân đạo theo Điều 60 a đoạn 2 Luật lưu trú cũng được cấm trục xuất do nhà chức trách cân nhắc dựa theo các lý do của đương sự xin cứu xét, như:

- Phẫu thuật hoặc chữa trị một căn bệnh mà ở nước người đó chưa có điều kiện chữa.

- Kết thúc chữa bệnh đủ khả năng di chuyển, nhưng trong thời gian điều trị chưa được cấp tạm dung.

- Kết thúc một khóa học hoặc sắp kết thúc.

- Kết thúc một năm học.

- Chăm sóc thân nhân bị ốm nặng.

- Sắp cưới một người Đức hoặc người nước ngoài có quyền lưu trú ở Đức, hiện đang chờ lịch cưới.

- Vì lợi ích nước Đức, ở lại để làm nhân chứng cho vụ án, hoặc góp phần chống tội phạm.

- Và những nguyên nhân khác.

Không cấp giấy tạm dung cho các trường hợp

- Không có lý do nào khác, ngoài hoà nhập như có bằng tiếng Đức điểm khá. Nói cách khác, bằng tiếng Đức không phải lý do xin tạm dung.

- Bị hủy giấy phép lưu trú để chuyển sang mục đích lưu trú khác, vì điều kiện để được cấp giấy phép lưu trú cũ không còn. Đặc biệt vì lý do như mất việc hoặc nhà ở, không được tự động chuyển sang Duldung.

- Có ý định chuyển mục đích lưu trú sang dạng khác mà những điều kiện hiện tại lại không thỏa mãn. Khi đó, chỉ có thể làm đơn xin tạm dung, nếu không được cấp giấy phép lưu trú khác.

- Chỉ mỗi lý do thực hiện phán quyết tòa án hoặc tham gia một vụ án tranh chấp về quyền làm cha thì không thể cấp giấy tạm dung.

- Đang chờ xét thỉnh nguyện thư cấp giấy phép lưu trú theo mục đích cũ (Petition).

Những lý do không thể trục xuất

- Không thể đi lại do ốm đau, có thể được tạm hoãn.

- Không có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu, mà kinh nghiệm Sở Ngoại kiều cho thấy không thể trục xuất hoặc đã thực hiện nhưng bất thành, sẽ được tạm hoãn.

- Do đường giao thông trục trặc không thể tiến hành trục xuất.

- Các giấy tờ cần thiết như thỏa thuận vận chuyển, vi sa, hoặc phương tiện giao thông cản trở trục xuất.

- Người không quốc tịch hoặc nước tiếp nhận từ chối, không thể trục xuất tiếp.

Giúp đỡ nạn nhân buôn người, bị cưỡng bức tình dục

Trong đó, đặc biệt đối với nạn nhân mua bán dâm trái phép, lao động chui và cưới giả. Ai trở thành nạn nhân tội phạm trên có thể viện tới tổ chức SOLWODI có trụ sở khắp liên bang, chuyên giúp đỡ phụ nữ khi bị lâm vào hoàn cảnh bế tắc. Đồng thời còn có nhiều hiệp hội tương tự ở nhiều địa phương. Hoặc nhờ tới Văn phòng tư vấn chuyên sâu JADWIGA chuyên giúp đỡ nạn nhân buôn bán phụ nữ, trụ sở tại München, Nürnberg và Bayern.

Giúp đỡ nạn nhân bạo hành trong hôn nhân

Thực tế nhiều người không giấy phép lưu trú phải chấp nhận hôn nhân bạo hành, để tránh trục xuất. Các Hiệp hội Xã hội Y tế (Wohlfahrtsverbände) đều có luật sư giúp phụ nữ giải quyết các vấn đề liên quan trên, tư vấn về những khó khăn không thể trục xuất. Nếu do kết hôn được quyền lưu trú, thì khi ly hôn quyền lưu trú không hẳn bị mất, nhất là trong trường hợp bị bạo hành. Khi hôn nhân bị bạo hành, nạn nhân có thể tìm đến các văn phòng chuyên tư vấn cho phụ nữ, được miễn phí và bảo đảm bí mật. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể chuyển tới ở nhà dành riêng cho phụ nữ (Frauenhaus) có tại mọi thành phố. Nếu không biết, có thể hỏi cảnh sát, họ sẽ đưa tới.

Bảo hiểm y tế

Người xin tỵ nạn được Sở Xã hội nơi sinh sống đóng bảo hiểm y tế chiểu theo Luật về tiêu chuẩn của người xin tỵ nạn. Người xin tỵ nạn, vợ/chồng hoặc bạn đời và con cái của họ cũng được bảo hiểm theo. Khi đơn tỵ nạn bị bác, các bảo hiểm này sẽ bị cắt. Tuy nhiên theo Điều 11 mục 5 với Điều 4 Luật tỵ nạn, người nhập cư bất hợp pháp cũng có quyền được chăm sóc y tế, nhưng họ phải đến Sở Xã hội đệ đơn.

Trường hợp cấp cứu

Bác sỹ và bệnh viện trong mọi trường hợp đều phải giúp đỡ họ cho dù có thanh toán viện phí hay không chiểu theo Điều 323 c Luật hình sự. Nếu không thực hiện có thể bị phạt. Bệnh viện sẽ tính viện phí trực tiếp với Sở Xã hội. Cả hai bên đều có trách nhiệm bảo vệ bí mật không cung cấp tiếp dữ liệu cho Sở Ngoại kiều.

Thuê nhà, chữa bệnh miễn phí và ẩn danh

Do chữa bệnh liên quan tới viện phí, nên trước khi chữa bệnh cần tới văn phòng tư vấn cho người xin tỵ nạn (Flüchtlingsberatungsstelle) để tham vấn, hoặc tới các cơ sở dịch vụ y tế dành cho người nhập cư MMM (được miễn phí và ẩn danh).

Người xin tỵ nạn không được phép tự thuê nhà và đăng ký hộ khẩu như người có giấy phép lưu trú. Nhờ người đứng tên thuê hoặc thuê lại đều không chắc chắn, bởi chủ nhà có thể hủy ngang hợp đồng. Chỉ còn cơ hội ở nhờ người thân quen, hoặc vào các cơ sở nhà thờ, nhà chùa, xin họ cho tá túc tạm thời. Tuy nhiên, khi bị thẩm vấn để tránh liên lụy, người thân quen đó phải chứng minh được không liên quan gì tới nhập cư bất hợp pháp vào Đức của người ở nhờ.

Lao động chui và tiền lương

Theo luật lao động chui, thuê lao động chui là vi phạm hành chính. Kể cả trường hợp thuê làm việc nhà. Tuy nhiên, người lao động chui vẫn có quyền đòi tiền lương trên cơ sở thoả thuận miệng hay hợp đồng lao động, trong đó có các quy định về thời gian, chỗ làm việc và mức lương. Mặc dù vậy, cần cẩn thận, chủ lao động có quyền hủy ngang hợp đồng, nếu trước đó người lao động chui không báo cho họ biết. Trường hợp này, lao động chui sẽ không có quyền đòi tiền lương từ hợp đồng hủy ngang đó. Theo các án lệ, người lao động chui vẫn có quyền đòi tiền lương theo luật dân sự, nhưng chỉ trong trường hợp chủ lao động biết rõ người lao động làm chui ngay khi ký hợp đồng, nhờ thế mà hợp động không bị vô hiệu lực hay hủy ngang. Nếu chủ lao động không trả lương, người lao động có thể kiện ra toà, không bắt buộc phải có luật sư như các vụ kiện hình sự. Nếu thuê luật sư thì người kiện không cần có mặt tại toà. Toà án chỉ xử khiá cạnh tranh chấp hợp đồng lao động về tiền lương không liên quan tới lưu trú bất hợp pháp hay không.

Làm chui vẫn được bảo hiểm tai nạn

Theo điều khoản bảo hiểm tai nạn lao động quy định tại Bộ luật Xã hội quyển VII, không phân biệt lao động hợp pháp hay bất hợp pháp, tất cả đều được bảo hiểm tai nạn.

Khi cần đến luật sư

Danh sách luật sư có thể tìm thấy trên mạng tại các điạ phương. Những người thu nhập thấp không có khả năng thuê luật sư hay trả án phí có thể tìm tới các điểm tư vấn Beratungsstellen, tại các toà án điạ phương (Amtsgerichte), hoặc các ban ngành tại điạ phương về người lánh nạn, nhờ tư vấn và trợ giúp.

Đi học

Từ năm 2011, các trường học và nhà trẻ không buộc phải báo cho Sở Ngoại kiều biết về các học sinh lưu trú bất hợp pháp. Bởi theo công ước liên hợp quốc Đức ký kết, trẻ em dưới 16 tuổi có quyền đi học. Nhìn chung, tại Đức, giáo dục bắt buộc áp dụng cho cả trẻ tị nạn. Tuy nhiên, việc những trẻ này được đi học ngay hay phải đợi nhiều tháng, còn phụ thuộc từng tiểu bang và hoàn cảnh từng địa phương: Tại một số tiểu bang như Berlin, Bremen, Hamburg, Saarland và Schleswig-Holstein, trẻ được đi học ngay. Trong khi đó, sau khi xét duyệt đơn tị nạn 3 tháng (như tiểu bang Bayern và Thüringen) hay 6 tháng (Baden-Württemberg) trẻ tị nạn mới được nhập học. Từ mùa thu cách năm trước, trẻ tị nạn chỉ đi học khi không còn ở trong cơ sở tiếp nhận đầu tiên và được chỉ định đến từng thành phố (như tại Brandenburg, Hessen, Mecklenburg-Vorpommern, Niedersachsen, Nordrhein-Westfalen, Rheinland-Pfalz và Sachsen-Anhalt). Về cơ bản, thời gian đợi tối đa khoảng 6 tháng. Thông thường, trẻ tị nạn thường theo học tại các lớp dự bị dành cho người nước ngoài tại trường Realschule. Dần dần, trẻ được tham gia vào các tiết học bình thường. Tại một số tiểu bang như Mecklenburg-Vorpommern, trẻ tị nạn được học các tiết bình thường ngay từ đầu và học thêm tiếng Đức. ***Nhà trẻ mẫu giáo

Không có quyền gửi con nhỏ vào nhà trẻ, nhưng nhà trẻ về cơ bản có thể tiếp nhận. Khó khăn nằm ở vấn đề tài chính. Ở một số địa phương, lệ phí được tính theo thu nhập bố mẹ. Chứng minh thu nhập lao động chui lẽ dĩ nhiên là không thể được và vì thế phải chấp nhận mức lệ phí cao nhất.

Học đại học

Theo Điều 5 và 16 Luật lưu trú, người xin tỵ nạn có thể được cấp giấy phép lưu trú cho mục đích học đại học. Điều kiện: Đủ 18 tuổi, đảm bảo cuộc sống, học hệ tập trung dài hạn. Nơi liên hệ: Bộ phận phụ trách học sinh nước ngoài tại các trường Đại học DAAD.

Kết hôn, đoàn tụ gia đình

Kết hôn với người Đức hoặc người nước ngoài được quyền lưu trú ở Đức có thể được ở lại Đức (ăn theo). Hồ sơ gồm: Hộ chiếu; giấy khai sinh hoặc giấy tờ xác nhận nguồn gốc; giấy xác nhận đủ điều kiện kết hôn; các giấy tờ cần thiết khác theo quy định của nước người nhập cư đó; các giấy tờ trên đều phải qua Đại sứ quán tại Đức xác thực. Tất cả những người không giấy phép lưu trú đều có thể hợp pháp hoá quyền lưu trú qua hôn nhân. Trục xuất, về nguyên tắc được đình chỉ, khi hồ sơ thủ tục cưới xin đã xong.

Cưới giả

Trong trường hợp nghi vấn, nhà chức trách có thể kiểm tra nơi ở và thẩm vấn cả hai. Nếu nghi vấn được xác thực, sẽ bị từ chối lịch cưới. Nếu đã cưới, vẫn có thể bị trục xuất. Không cưới cũng có thể được quyền lưu trú áp dụng cho những người cha, người mẹ sinh con ngoài giá thú, nếu người con này được quyền ở lại Đức theo người bố hoặc mẹ đã có giấy phép lưu trú ở Đức.

Ly dị và trục xuất

Theo luật lưu trú sau khi kết hôn sẽ được quyền lưu trú theo vợ/chồng. Vì vậy, nếu ly hôn quyền lưu trú „ăn theo“ vợ/chồng sẽ mất. Tuy nhiên sau 3 năm chung sống, quyền lưu trú đó sẽ được độc lập không còn phải ăn theo nữa. Trong trường hợp này, nếu ly dị, quyền lưu trú độc lập sẽ được kéo dài thêm từng năm một cho tới khi đủ điều kiện cấp giấy phép thường trú Niederlassungserlaubnis, nếu không có dấu hiệu kết hôn giả. Ly dị trước 3 năm vẫn có thể được quyền lưu trú độc lập, nếu vì lý do bất khả kháng, như bị chồng/vợ bạo hành, hay nếu bị buộc về nước cuộc sống sẽ khó khăn không thể chịu đựng được, chẳng hạn sau khi cưới đã bán hết tất cả mọi thứ trong nước, nay trở về sẽ không có điều kiện sống để tồn tại, hoặc việc làm của họ ở Đức có ích cho nước Đức.

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang