Truy trách nhiệm cựu Bộ trưởng Y tế; Trương Mỹ Lan dư tiền bồi thường; Kỷ luật ông Trương Hòa Bình; Giải pháp tăng tốc đường sắt

TRUY TRÁCH NHIỆM CỦA CỰU BỘ TRƯỞNG Y TẾ TẠI 2 DỰ ÁN SAI PHẠM

Thanh tra Chính phủ nêu rõ trách nhiệm của cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng 2 cựu thứ trưởng liên quan đến hàng loạt sai phạm tại dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức.

Theo kết luận thanh tra cùng các tài liệu kèm theo được Thanh tra Chính phủ công bố ngày 4-4, cựu bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có trách nhiệm liên quan trong hàng loạt sai phạm xảy ra tại dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức.

Bản kết luận thanh tra cho thấy dự án 2 bệnh viện bị dừng thi công, “trùm mền” nhiều năm nay, cùng với những sai phạm trong quá trình triển khai đã gây thiệt hại và lãng phí hơn 1.200 tỉ đồng.

Bộ trưởng kết luận có nội dung trái quy định

Thanh tra phát hiện tại một số gói thầu xảy ra hành vi cố ý vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng trong việc trình phê duyệt chủ trương thuê tư vấn nước ngoài lập dự án khi chưa làm rõ về khả năng đáp ứng của đơn vị tư vấn trong nước.

Đáng chú ý, bộ trưởng Bộ Y tế kết luận tại thông báo số 417 ngày 9-5-2014 “có nội dung trái quy định” Luật Đấu thầu năm 2005, khi xác định rõ Công ty VK Group (là đơn vị tư vấn nước ngoài) phải lập xong dự án đầu tư bao gồm thuyết minh và thiết kế cơ sở khi chưa triển khai các bước lựa chọn nhà thầu.

Ngoài ra, tại một số gói thầu còn để xảy ra các hành vi bị cấm trong đấu thầu như cố ý báo cáo sai, không trung thực khi đánh giá hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả chỉ định thầu.

Theo cơ quan thanh tra, các tổ chức liên quan đến sai phạm trên là Bộ Y tế, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (nay là Cục Hạ tầng và Thiết bị y tế), các đơn vị thuộc Ban Y tế trọng điểm…

Bộ trưởng Bộ Y tế, thứ trưởng được phân công phụ trách cùng vụ trưởng, vụ phó thời điểm đó có liên quan được chỉ rõ liên quan đến các sai phạm tại hai gói thầu TVBM-04 và TVVĐ-04. Sai phạm tại hai gói thầu này bị xác định gây thiệt hại tài sản nhà nước tạm tính 80 tỉ đồng.

Các lãnh đạo trên của Bộ Y tế cũng có trách nhiệm liên quan đến các sai phạm của 2 gói thầu XDBM-01 và XDVĐ-01. Giá trị một số thiết bị trong hai gói thầu này cao hơn nhiều lần giá trị nhập khẩu sau thuế, có nguy cơ gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Cựu bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có trách nhiệm như thế nào?

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với bộ trưởng, thứ trưởng phụ trách hai dự án theo từng thời kỳ liên quan đến các vi phạm, sai phạm được nêu trong kết luận.

Kiểm điểm theo quy định của pháp luật đối với thứ trưởng có liên quan đến vi phạm khác của Ban Y tế trọng điểm đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra.

Theo tài liệu đính kèm kết luận được công bố, Thanh tra Chính phủ chỉ đích danh trách nhiệm của các lãnh đạo Bộ Y tế qua từng thời kỳ.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng Bộ Y tế giai đoạn 2011-2019, là người trực tiếp ký các quyết định liên quan đến cả hai dự án trong thời gian từ năm 2013-2017.

Ông Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng phụ trách xây dựng cơ bản, đồng thời là người đứng đầu Ban Quản lý dự án chuyên trách từ 2016-2019.

Ông Nguyễn Trường Sơn, thứ trưởng, phụ trách Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế từ ngày 27-3-2021.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ “điểm tên” bà Nguyễn Thị Kim Tiến có trách nhiệm trong hàng loạt sai phạm xảy ra tại dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức.

Cụ thể, đối với nội dung cố ý trình phê duyệt chủ trương thuê tư vấn nước ngoài lập dự án đầu tư, các tổ chức, cá nhân vi phạm được nêu ra gồm bà Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Nguyễn Chiến Thắng (giám đốc Ban Y tế trọng điểm)…

Bà Tiến, ông Thắng cũng được nêu trong phần tổ chức, cá nhân vi phạm đối với nội dung cố ý trình, phê duyệt kế hoạch tuyển chọn phương án kiến trúc khi không đủ cơ sở, không đảm bảo tính cạnh tranh.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cùng thứ trưởng Bộ Y tế được phân công phụ trách theo từng thời kỳ bị xác định “thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý”, thiếu kiểm tra, giám sát, theo dõi công tác đấu thầu thực hiện hợp đồng đối với chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Theo Thanh tra Chính phủ, công tác tổ chức lựa chọn các nhà thầu tư vấn tại 2 gói thầu và nhà thầu thi công tại 4 gói thầu đã xảy ra nhiều vi phạm quy định của pháp luật.

Đối với nội dung trên, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan đến vi phạm được Thanh tra Chính phủ liệt kê gồm: bà Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Nguyễn Chiến Thắng, ông Nguyễn Hữu Tuấn (giám đốc Ban Y tế trọng điểm 2017-2020), ông Nguyễn Minh Tuấn (vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thời điểm đó)…

Bà Tiến và ông Thắng cũng bị “điểm tên” trong phần tổ chức, cá nhân vi phạm liên quan đến một số gói thầu “có nhiều vi phạm quy định về pháp luật” tại dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai.

 

 

BÀ TRƯƠNG MỸ LAN DƯ TIỀN ĐỂ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Trình bày trước Tòa, luật sư của bà Trương Mỹ Lan chứng minh sau khi trừ đi 30.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả, bà Trương Mỹ Lan còn dư trên 13.000 tỷ đồng.

Chiều 3/4, tại phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại TPHCM, xét xử giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát, HĐXX đã cho các luật sư bào chữa cho các bị cáo bào chữa với quan điểm luận tội của đại diện Viện Kiểm sát.

Tại phiên tòa này vào sáng nay, đại diện Viện KSND cấp cao tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX tuyên giảm án cho bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Cơ sở để đại diện Viện Kiểm sát đề nghị là vì bà Trương Mỹ Lan khắc phục 1/4 thiệt hại (Viện Kiểm sát thông tin bà Trương Mỹ Lan đã khắc phục được 8.000 tỷ đồng và dự kiến tiếp tục thu từ các tổ chức, cá nhân khác khoảng 15.000 tỷ đồng) .

Bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn luật sư TPHCM) đề nghị HĐXX và Viện Kiểm sát khoan hồng đặc biệt đối với bà Trương Mỹ Lan.

Đáng lưu ý là luật sư Huyền Trang trình bày bà Lan ngoài khả năng khắc phục trên 30.000 tỷ đồng, còn có thể dư trên 13.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2 vụ án này.

Cụ thể, luật sư Huyền Trang nêu, 30.000 tỷ đồng là số tiền mà bà Lan bị HĐXX sơ thẩm tuyên có nghĩa vụ bồi hoàn cho các bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tính đến nay, Cục thi hành án TPHCM đang tạm giữ tổng số tiền hơn 8.000 tỷ đồng và theo phần luận tội của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa hôm nay thì có cơ sở để xác định rằng bà Lan, các bị cáo và người liên quan đã nộp cùng các tài sản bị kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch trong vụ án nên dư để khắc phục, bồi hoàn toàn bộ số tiền 30.000 tỷ đồng.

Luật sư Trang nói rằng, đại diện Viện Kiểm sát cho biết số tiền bà Lan và các bị cáo khác đã nộp để khắc phục hậu quả trong các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm lên đến hơn 8.000 tỷ đồng. Theo luật sư Trang, số tiền mà Viện Kiểm sát cho biết như trên hiện đã tăng lên đáng kể khi các bị cáo, trong đó có bị cáo Trương Mỹ Lan, tiếp tục tự nguyện nộp bổ sung trong giai đoạn xét xử phúc thẩm của vụ án.

Đề nghị thu hồi hơn 15.000 tỷ đồng mà SCB đã chuyển

Ngoài ra, luật sư Trang cho biết, cần thu hồi theo dòng tiền số tiền khoảng 15.712 tỷ đồng mà Ngân hàng SCB chuyển cho các ngân hàng khác để khắc phục hậu quả cho vụ án. Số tiền này xuất phát từ nguồn tiền trái phiếu nên cần được thu hồi để khắc phục cho trái chủ.

Đồng thời, luật sư Trang cũng nêu danh sách các tài sản đang bị kê biên, ngăn chặn giao dịch để đảm bảo thi hành án trong vụ án, gồm: Số tiền Công ty Twin Peaks đề nghị nộp khắc phục thay bà Lan là 2.112 tỷ đồng; Số tiền hiện có trong các tài khoản ngân hàng bị phong tỏa (của bà Lan, các bị cáo khác và các tổ chức có liên quan) khoảng 271.784 tỷ đồng; Số tiền 10 cá nhân có nghĩa vụ phải nộp trả để đảm bảo nghĩa vụ của bà Lan trong vụ án là tỷ 1.025 tỷ đồng; Quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại số 268-270 đường Võ Văn Kiệt, quận 1, TPHCM, lô đất CN1 Khu công nghiệp Nội Bài, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội và ngăn chặn, tạm ngừng giao dịch 4 quyền sử dụng đất có giá trị khoảng 28 tỷ đồng; Giá trị các cổ phần, phần vốn góp bị kê biên, ngăn chặn giao dịch để đảm bảo nghĩa vụ cho bị cáo Lan có giá trị tạm tính hơn 12 tỷ đồng...

Ngoài ra, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cũng đề cập đến Dự án Sing Việt tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM, cả Công ty CP tập đoàn TTD Capital và Công ty CP Đầu tư Singapore – Việt Nam đều đang chờ sự chấp thuận của Tòa án để nộp khắc phục thay bà Lan (để được giao cho tiếp tục thực hiện dự án) với số tiền ít nhất 147 triệu USD.

“Như vậy, tổng số tiền này đã lên tới gần 43.000 tỷ đồng. Con số này không chỉ đủ mà còn dư để khắc phục hoàn toàn hậu quả của vụ án, đảm bảo bồi hoàn đầy đủ số tiền 30.000 tỷ đồng cho các bị hại cũng như những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã nhận chuyển nhượng trái phiếu. Điều này cho thấy rõ ràng nguồn lực tài chính để khắc phục hậu quả là hoàn toàn khả thi” – Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang nói.

 

 

ĐỀ NGHỊ KỶ LUẬT ÔNG TRƯƠNG HÒA BÌNH

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, ông Trương Hòa Bình trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Trong các ngày 31/3 và 3/4/2025, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 55 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc .

Theo thông cáo kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã tiếp tục xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật ông Trương Hòa Bình , nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

UBKT Trung ương nhận thấy, ông Trương Hòa Bình trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, đến mức phải thi hành kỷ luật.

Căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật ông Trương Hòa Bình.

Tại kỳ họp, UBKT Trung ương cũng xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật các ông: Nguyễn Văn Hiếu , Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Trần Việt Trường , Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Mạnh Dũng, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk.

UBKT Trung ương nhận thấy: ông Nguyễn Văn Hiếu, trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Cần Thơ và ông Trần Việt Trường, trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải thi hành kỷ luật.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị công tác, đến mức phải thi hành kỷ luật.

Ông Phạm Ngọc Nghị đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải thi hành kỷ luật.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo các ông: Nguyễn Mạnh Dũng, Trần Việt Trường, Phạm Ngọc Nghị và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Hiếu.

UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ chỉ đạo, xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

 

 

GIẢI PHÁP TĂNG TỐC ĐƯỜNG SẮT

Để thành công tiến vào kỷ nguyên đường sắt, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo ngành giao thông phải tăng nội địa hóa, phát triển bằng được ngành công nghiệp đường sắt. Muốn như vậy, làm chủ công nghệ là yếu tố quyết định đảm bảo sự bền vững. Thực tế, trước nay chúng ta nói rất nhiều về chuyển giao công nghệ, yêu cầu đối tác chuyển giao nhưng không rõ chuyển cho ai, chuyển phần nào, chuyển như thế nào, dẫn đến chưa thực hiện thành công.

Năm nay, Vương quốc Anh và thế giới kỷ niệm 200 năm ngày ra đời tuyến đường sắt công cộng đầu tiên trên thế giới, nối Stockton và Darlington ở phía đông bắc nước Anh. Từ đó đến nay, công nghệ về đường sắt đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt trong những thập kỷ gần đây cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Như phân tích ở bài trước, Chính phủ muốn nội địa hóa, muốn phát triển được ngành công nghiệp đường sắt được thì chúng ta phải được chuyển giao công nghệ và muốn chuyển giao công nghệ thành công thì phải có đầu tư cho nghiên cứu, cho con người.

Khoảng trống nghiên cứu chuyên sâu về đường sắt

Gần đây, Bộ Chính trị, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách, quyết sách mạnh mẽ về phát triển khoa học công nghệ, điển hình là Nghị quyết số 57-NQ/TW. Nghị quyết mới tạo cơ sở chính trị vững chắc để đẩy mạnh đầu tư vào các nền tảng công nghệ cốt lõi và việc xây dựng chính sách ưu tiên cho công nghệ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh hơn tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế, giúp doanh nghiệp và các ngành sản xuất nâng cao hiệu suất, giảm chi phí và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để cụ thể hóa cho lĩnh vực đường sắt thì cần một chiến lược bài bản, dài hơi.

Chính phủ cần có những chương trình nghiên cứu phát triển (R&D) thực chất thì kỹ sư Việt, doanh nghiệp Việt mới có thể nắm rõ về công nghệ đường sắt. Khi làm việc với các đối tác nước ngoài, tôi thường được hỏi giới thiệu một viện nghiên cứu mạnh về đường sắt ở Việt Nam để họ phối hợp, nhưng đáng tiếc chúng ta gần như không có một đơn vị nào như vậy. Việt Nam hiện đã có một số viện nghiên cứu về vật liệu, kết cấu, cơ khí, điện, điện tử, công nghệ thông tin ở những lĩnh vực riêng và họ gần như chưa "chạm" đến lĩnh vực đường sắt trong khi hệ thống đường sắt là tổng hợp của tất cả các lĩnh vực khoa học đó.

Cần phải nhấn mạnh rằng, chỉ khi hiểu và nắm rõ về kỹ thuật công nghệ thì chúng ta mới đủ sức lựa chọn một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp - yếu tố rất quan trọng trong lĩnh vực đường sắt. Hệ thống đường sắt đòi hỏi tính an toàn, thuận tiện và liên thông trong vận hành rất cao.

Hiện nay, ba dự án đường sắt đô thị đã thực hiện ở Việt Nam đang sử dụng ba hệ thống tiêu chuẩn khác nhau, phụ thuộc hoàn toàn vào quốc gia cung cấp tín dụng và sự lựa chọn, tư vấn của các chuyên gia, kỹ sư quốc tế. Qua thực tiễn khai thác vận hành các tuyến đường sắt vừa rồi cũng đã bộc lộ một số vấn đề về thiết kế, công nghệ liên quan đến tiêu chuẩn chưa thật sự phù hợp trong điều kiện thời tiết, khí hậu ở Việt Nam.

Mặt khác, việc lựa chọn và xây dựng được một hệ thống tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Việt Nam, không quá sức với trình độ công nghiệp trong nước, rất quan trọng. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia quá trình nội địa hóa dễ dàng hơn, góp phần đẩy nhanh phát triển công nghiệp đường sắt. Sau khi đã lựa chọn được hệ thống tiêu chuẩn phù hợp, chúng ta hoàn toàn có thể tính đến việc mô - đun hóa được một số kết cấu, bộ phận của đường sắt, từ đó giúp cho việc triển khai thi công nhanh hơn, thuận tiện hơn, đồng bộ hơn, công tác bảo trì được dễ dàng hơn, tiết kiệm hơn.

Nghị quyết 188 cho phép chính quyền 2 thành phố được lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp khi triển khai các dự án đường sắt đô thị. Bộ Xây dựng cũng đang gấp rút thực hiện một đề tài rất lớn về xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn cho metro. Tuy nhiên, với khối lượng lên đến hàng nghìn tiêu chuẩn áp dụng cho 1 tuyến đường sắt, cùng yêu cầu các quy chuẩn, tiêu chuẩn phải đảm bảo an toàn, tin cậy, tích hợp được các dự án đã triển khai trong điều kiện của Việt Nam, đây sẽ là nhiệm vụ rất nhiều thách thức trong thời gian tới.

Nhân lực là vấn đề cốt lõi

Để phát triển lĩnh vực đường sắt, cần bốn nhóm nhân lực khác nhau. Ngoài nhóm nhân viên vận hành chiếm đa số - trong tương lai, con số có thể lên đến hàng chục nghìn người cho 2 thành phố - thì nhóm kỹ sư trực tiếp thực thi các công việc xây dựng, lắp ráp, sản xuất, bảo trì trang thiết bị cũng lên đến hàng nghìn người. Đó là chưa tính đến nhân lực cho các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt liên vùng, liên thành phố cũng đang được triển khai đồng thời trong giai đoạn sắp tới.

Nhóm tiếp theo, trực tiếp nắm sâu về kỹ thuật công nghệ là các chuyên gia kỹ thuật, các nhà khoa học. Đây là nhóm quyết định sự thành công của quá trình nội địa hóa lĩnh vực đường sắt. Cuối cùng là nhóm các chuyên gia, nhà hoạch định về chính sách, pháp lý, hiểu rõ được vai trò quan trọng của đường sắt với mối tương quan với các lĩnh vực khác trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Ngành đường sắt Việt Nam đã có lịch sử hơn 100 năm phát triển, nhưng trong suốt mấy chục năm gần đây, việc đào tạo kỹ sư, công nhân lĩnh vực đường sắt gần như rất hạn chế. Từ khi đất nước đổi mới, ngành giao thông vận tải tập trung chủ yếu đầu tư phát triển lĩnh vực đường bộ nên công tác đào tạo cho lĩnh vực đường sắt cũng ít được quan tâm. Cả nước hiện nay không có một trường đại học nào đào tạo chuyên sâu vào lĩnh vực công nghệ đường sắt trong khi chỉ có một trường cao đẳng làm nhiệm vụ đào tạo chủ yếu cho công tác vận hành.

Hệ thống đường sắt quốc gia hiện nay có khoảng 25.000 nhân sự, chủ yếu tham gia công tác quản lý vận hành, duy tu, bảo trì mạng lưới đường sắt hiện hữu với nền tảng công nghệ hết sức lạc hậu. Đội ngũ này cần phải được tăng cường đào tạo, đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu về phát triển thêm các tuyến mới, đặc biệt là công nghệ mới.

Một số dự án xây dựng metro gần đây ở hai thành phố có kỹ thuật công nghệ cao hơn nhưng chủ yếu được thực hiện bởi các chuyên gia nước ngoài, nhân lực trong nước phần lớn là "tay ngang" tham gia, chủ yếu tham gia công tác quản lý dự án, không được chuyển giao công nghệ nên kiến thức thu được cũng hạn chế.

Để nắm được kỹ thuật công nghệ thì nhân lực triển khai lại là một vấn đề cốt lõi. Do đó, ngoài các chính sách về chuyển giao công nghệ như đã nói ở bài trước thì với nhóm nhân lực là kỹ sư, chuyên gia, cần phải được đào tạo chuyên sâu thông qua việc gửi sang các cường quốc đường sắt để học tập, nghiên cứu hoặc mời các chuyên gia, nhà khoa học của các nước đó đến làm việc, hỗ trợ cho các cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực đường sắt ở Việt Nam.

Lĩnh vực đường sắt liên quan đến nhiều chuyên ngành, nhiều lĩnh vực nên ở các quốc gia khác, mỗi trường đại học sẽ được giao đào tạo các nhóm chuyên ngành khác nhau, như nhóm về hạ tầng, nhóm về cơ khí hay nhóm về điện, điện tử, thông tin, tín hiệu. Các tập đoàn, công ty đường sắt trên thế giới thường có các viện, trung tâm vừa để tư vấn, vừa để đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ nhân sự của mình.

Đường sắt là một chuỗi khép kín từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành, sau đó là tiếp tục nâng cấp, làm mới nên các kiến thức ở giai đoạn này sẽ hỗ trợ cho giai đoạn kia và chỉ có những người tham gia trực tiếp mới là những người thầy thực tiễn nhất, hiệu quả nhất.

 

Nguồn: Tuổi Trẻ; Kenh14; Soha; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Tỷ phú Elon Musk rơi lệ trên sóng truyền hình khi nhắc đến Việt Nam – Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk – người đàn ông đứng sau SpaceX, Tesla, và hàng loạt công nghệ thay đổi thế giới - đã bất ngờ bật khóc ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi được hỏi về Việt Nam. Khoảnh khắc ấy khiến cả thế giới sững sờ, còn người dẫn chương trình không dám hỏi thêm một lời nào. Điều gì ẩn sau giọt nước mắt của một tỷ phú từng được xem là "người thép"? Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến toàn bộ câu chuyện chưa từng được công bố: Từ bức thư cũ mà Elon nhận được từ một cậu bé Việt Nam, cho đến lời hứa bí mật giữa ông và một người lính gốc Á năm xưa. Mỗi chi tiết hé lộ một phần của sự thật – một sự thật có thể thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam mãi mãi.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang