Hàng ngàn lãnh đạo ai đi ai ở; Trương Mỹ Lan lấy tiền đâu bồi hoàn; Vụ sai phạm ở VEAM; 2 bệnh viện ngàn tỷ bỏ hoang nhiều năm

HÀNG NGÀN LÃNH ĐẠO AI ĐI AI Ở SAU SÁP NHẬP?

Một trong những vấn đề quan trọng khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là công tác bố trí và tuyển chọn cán bộ, công chức, nhất là cấp lãnh đạo, quản lý; ai đi, ai ở là một bài toán đặt ra không hề đơn giản.

Hiện nay, việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp cơ bản đã hình thành tổng thể. Với sự triển khai quyết liệt, sự đồng thuận trong toàn xã hội, việc hoàn thành chủ trương này chỉ còn trong thời gian ngắn.

Vấn đề mấu chốt tiếp theo để bộ máy vận hành thực sự hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả như mục tiêu đề ra, cùng với hoàn thiện thể chế phải lựa chọn được cán bộ thực sự đủ đức, đủ tài và bố trí đúng người, đúng việc.

Để công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới, rất cần thiết nhìn lại, đúc rút những kinh nghiệm từ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thời gian qua để lựa chọn, bố trí cán bộ nhằm thực hiện cho được chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, không để xảy ra tình trạng cán bộ vừa mới quy hoạch, bổ nhiệm lại bị xử lý”.

Sau một thời gian Đảng, Nhà nước kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 chỉ ra là "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" đã được nhận diện ngày càng rõ và xử lý có hiệu quả.

Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng đến nay, đã có hơn 90.500 đảng viên bị xử lý kỷ luật Đảng, trong đó có hơn 160 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Trung ương quản lý (nhiều hơn hai lần so với cả nhiệm kỳ 12); hơn 60 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (nhiều hơn ba lần so với cả nhiệm kỳ 12).

Đây là những con số biết nói, đặt ra cho chúng ta yêu cầu làm sao công tác quản lý, bố trí, sử dụng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng tới đây không lặp lại những hạn chế như đã xảy ra. Nếu tiếp tục xảy ra, đó là điều mà cán bộ, đảng viên, Nhân dân không thể chấp nhận và cũng không có lý do gì để biện giải thuyết phục.

Kết quả phát hiện, xử lý những cán bộ, đảng viên sai phạm, tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã có tác dụng rất to lớn trong việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, tăng cường xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Còn nhiều việc phải trăn trở, suy nghĩ

Bên cạnh đó, cũng còn nhiều việc phải trăn trở, suy nghĩ, trong đó có ba vấn đề cần mạnh dạn nhìn nhận liên quan đến công tác lựa chọn, bố trí cán bộ.

Thứ nhất, những cán bộ, đảng viên sai phạm đã không giữ vững được thành trì cuối cùng, đó là khả năng kiềm chế “lòng tham”, nên trước những cám dỗ về vật chất đã không thể vượt qua.

Thứ hai, mặc dù cán bộ, đảng viên sai phạm đã bị xử lý nghiêm minh, nhưng vẫn còn những trường hợp không biết sợ, cố tình vi phạm, bất chấp pháp luật và đạo lý.

Bằng chứng là, hầu hết các sai phạm bị phát hiện, xử lý thời gian qua chủ yếu xảy ra từ các nhiệm kỳ trước, song vẫn có những sai phạm do không được phát hiện, xử lý nên tiếp tục tiếp diễn hoặc ngay trong khi các cơ quan chức năng đang xử lý các sai phạm với tính cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe rất cao mà sai phạm mới vẫn diễn ra. Vụ án xảy ra tại công ty Việt Á là một minh chứng điển hình.

Thứ ba, việc xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm thời gian qua cũng đặt ra vấn đề là một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nảy sinh tư tưởng “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn là đứng trước hội đồng xét xử”.

Từ đó, họ thiếu quyết liệt, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, dẫn đến trì trệ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Bài toán đặt ra không hề đơn giản

Để thực hiện hai mục tiêu 100 năm mà Đảng ta đã đặt ra, trước mắt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và hai con số liên tục trong các năm tiếp theo, thời gian đầu sau sắp xếp bộ máy và đơn vị hành chính còn vô vàn khó khăn, phức tạp phải giải quyết ở phía trước.

Một trong những vấn đề quan trọng, đó là công tác sắp xếp, bố trí và tuyển chọn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cấp lãnh đạo, quản lý ở đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã mới sau khi sắp xếp.

Bởi khi sáp nhập 63 tỉnh thành còn 34 tỉnh, thành có nghĩa là có 29 bí thư, chủ tịch cấp tỉnh và hàng trăm giám đốc sở, ngành cùng cấp phó cần sắp xếp lại. Không tổ chức cấp huyện có nghĩa là 696 bí thư, chủ tịch cấp huyện và hàng ngàn cấp phó cần bố trí, giải quyết. Sáp nhập 10.035 xã còn khoảng 5.000 xã tức là hơn 5.000 bí thư, chủ tịch xã cũng cần phải tính toán.

Ngoài ra, hàng trăm nghìn công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cũng là những người cần được quan tâm giải quyết công việc, chế độ chính sách khi sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã.

Đây là một bài toán đặt ra không hề đơn giản nhưng cũng là cơ hội để Đảng, Nhà nước sàng lọc lại đội ngũ cán bộ, công chức, chọn những người ở lại giữ trọng trách quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Thành hay bại trước hết và xét đến cùng là ở yếu tố then chốt - con người, cán bộ. Từ việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm, tham nhũng, tiêu cực thời gian qua giúp chúng ta có thêm nhiều kinh nghiệm và cũng đặt ra yêu cầu kiên quyết, dứt khoát phải loại bỏ những cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu bản lĩnh khắc chế “lòng tham” để lựa chọn những cán bộ có “ham muốn” đổi mới, phát triển.

Đây cũng là cơ hội loại bỏ những cán bộ không biết sợ, cố tình vi phạm hoặc không dám làm, né tránh, đùn đẩy để lựa chọn được những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, với động cơ trong sáng, không vụ lợi.

Vì vậy cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy lần này còn là cuộc cách mạng về công tác cán bộ. Có như vậy, con đường bước vào kỳ nguyên mới của dân tộc Việt Nam mới thành công.

TRƯƠNG MỸ LAN LẤY TIỀN ĐÂU BỒI HOÀN?

Bản án sơ thẩm buộc bà Trương Mỹ Lan phải khắc phục hơn 30.000 tỉ đồng cho bị hại và người liên quan. Hiện, trái chủ đã kê khai thông tin và mong chờ sớm được thi hành án.

TAND TP.HCM đang xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 liên quan sai phạm về trái phiếu, vận chuyển tiền.

Trái chủ kiến nghị miễn phí thi hành án

Bên lề phiên tòa, ông Lê Văn Quân (Hà Nội), một bị hại trong vụ án cho biết nhiều nhà đầu tư từng mua các gói trái phiếu của Công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra đang mong chờ sớm thi hành để lấy lại tài sản.

Ông Quân cho biết, phiên tòa xét xử vắng mặt các bị hại cho nên ông không thể có ý kiến trực tiếp tại phiên tòa. Tuy nhiên, ông và rất nhiều nhà đầu tư khác theo dõi sát sao diễn biến phiên tòa.

Theo chia sẻ của ông Quân, bản thân ông đã tham gia ký đơn kiến nghị Tòa phúc thẩm xem xét giải quyết các quyền lợi của các trái chủ và đề nghị miễn phí thi hành án. “Chúng tôi ký đơn tập thể, mỗi đơn có hàng trăm chữ ký, chia thành nhiều nhóm vì số lượng trái chủ lớn, ở rải rác trên khắp cả nước” - ông Quân nói.

Ông Lê Văn Quân cho biết thêm vào đầu năm nay Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã yêu cầu Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) phối hợp cung cấp thông tin trái chủ theo biểu mẫu. Đồng thời, hỗ trợ hướng dẫn trái chủ cung cấp hồ sơ thực hiện thi hành án.

Việc này nhằm để đẩy nhanh quá trình thi hành án sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, hạn chế việc người dân phải chờ đợi.

Sau đó, Công ty chứng khoán Tân Việt đã thông báo cho các trái chủ để kê khai trên phần mềm cũng như nhằm đảm bảo cắt giảm tối đa thời gian thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo trái chủ vụ án giai đoạn 2 sớm nhận được tiền thi hành án.

Bản thân ông Quân và nhiều nhà đầu tư khác trong nhóm của ông đã thực hiện kê khai và mong sớm được nhận lại số tiền đã đầu tư.

Thu hồi gần 9.000 tỉ đồng tiền mặt

Tại phiên tòa phúc thẩm vụ án giai đoạn 2, bà Trương Mỹ Lan cam kết thanh toán toàn bộ tiền trái phiếu cho những trái chủ có yêu cầu bồi thường và bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện để khắc phục hậu quả.

Thông tin về tình hình thu hồi tài sản để khắc phục hậu quả vụ án, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người bào chữa cho bà Lan, cho biết thời gian vừa qua, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã rất nỗ lực, quyết liệt trong việc thu hồi tài sản liên quan đến vụ án để ưu tiên thanh toán cho các trái chủ theo phán quyết của các bản án.

Căn cứ vào Công văn số 1948/CTHADS-NV2 của Cục thi hành án dân sự TP.HCM, tính đến ngày 24-3-2025, về tiền mặt đã có hơn 8.659 tỉ đồng nằm trong tài khoản của Cục thi hành án và trong các tài khoản bị phong tỏa. Có hơn 15.383 tỉ đồng là tiền mà các cá nhân, tổ chức phải trả cho bà Trương Mỹ Lan. Tổng số tiền theo Công văn 1948 là hơn 24.043 tỉ đồng.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, bản án sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 còn kê biên hàng loạt cổ phần, bất động sản với tổng trị giá hơn 10.000 tỉ đồng để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bà Trương Mỹ Lan.

Một khoản tiền khác cũng có thể được sử dụng để khắc phục hậu quả, đó là hơn 15.712 tỉ đồng có nguồn gốc từ gói trái phiếu An Đông được trả cho 6 tổ chức tín dụng. Đây là nguồn tiền rất lớn, nếu thu hồi triệt để theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 47 Bộ luật hình sự về xử lý vật chứng, bị hại sẽ được nhận lại tài sản nhanh chóng, đầy đủ nhất.

Uớc tính, tổng cộng ba nguồn tiền trên sẽ có hơn 50 ngàn tỉ để bà Trương Mỹ Lan lấy bồi thường cho các bị hại trong vụ án.

Theo bản án sơ thẩm, ngoài trách nhiệm về hình sự, bà Trương Mỹ Lan có nghĩa vụ phải bồi hoàn toàn bộ số tiền hơn 30.092 tỉ đồng cho những người bị hại và người liên quan.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Trương Mỹ Lan giữ nguyên kháng cáo, không đồng ý với mức án tù chung thân mà cấp sơ thẩm đã tuyên.

Hiện có 25.000 trái chủ yêu cầu hoàn tiền, còn hơn 10.000 trái chủ chưa khai báo. Bà Lan cam kết sẽ giải quyết cho các trái chủ và đề nghị Tòa án, VKS buộc những cá nhân, tổ chức sử dụng tiền trái phiếu phải cùng phối hợp để giải quyết cho người dân.

VỤ SAI PHẠM Ở VEAM: CỰU TỔNG GIÁM ĐỐC CHỈ ĐẠO NÂNG KHỐNG HOÁ ĐƠN GÂY THIỆT HẠI 3 TỶ ĐỒNG

Phan Phạm Hà – cựu Tổng Giám đốc VEAM (thuộc Bộ Công Thương) chỉ đạo cấp dưới thực hiện hợp thức thanh toán chi phí kê tăng khống giá trị hợp đồng gây thiệt hại hơn 3 tỷ đồng.

VKSND Tp.Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố 7 bị can, trong đó có 4 bị can là cựu lãnh đạo Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, thuộc Bộ Công Thương) trong vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Các bị can này gồm Phan Phạm Hà - cựu Tổng Giám đốc VEAM, Nguyễn Thị Mai Hương - cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính – Kế toán VEAM, Thái Đức Minh - cựu Trưởng Ban Kinh doanh và phát triển thị trường VEAM, Nghiêm Trọng Thăng - cựu Phó Chánh Văn phòng VEAM, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Hai bị can khác là Trần Tuấn Kiệt - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển dịch vụ và du lịch Mặt Trời Việt và Bùi Thanh Dũng - Quản lý nhà hàng San hô; Lê Thị Hiền - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thương mại Song Linh, bị truy tố về tội "Mua bán trái phép hóa đơn" theo quy định tại Điều 203, khoản 2 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, từ tháng 1/2021 - 1/2024, Phan Phạm Hà với cương vi Tổng Giám đốc VEAM chỉ đạo Nguyễn Thị Mai Hương, Thái Đức Minh, Nghiêm Trọng Thăng thực hiện hành vi hợp thức thanh toán chi phí kê tăng khống giá trị hợp đồng; sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng khống để đề nghị VEAM thanh toán lấy tiền hoàn ứng cho các khoản chi phí ngoại giao.

Thực tế theo quy định, các khoản tiền này không được VEAM thanh toán. Do đó, gây thiệt hại cho VEAM tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Cụ thể, theo sự chỉ đạo của Hà, Thái Đức Minh đã mua 67 tờ hóa đơn Giá trị gia tăng dịch vụ ăn uống khống để thanh toán hoàn ứng các khoả chi không đúng quy định. Khi Minh báo cáo, Hà chỉ đạo các Phòng, Ban của VEAM lập đề nghị thanh toán 64 hóa đơn Giá trị gia tăng gây thiệt hại cho VEAM số tiền gần 1 tỷ đồng.

Đối với Nguyễn Thị Mai Hương được xác định lập đề nghị, xét duyệt hồ sơ đề nghị VEAM thanh toán chi phí tiếp khách của Bộ Công Thương 736 triệu đồng; Hương xét duyệt thanh toán 14 tờ hóa đơn Giá trị gia tăng khống dịch vụ ăn uống (do Thái Đức Minh mua) 200 triệu đồng; sử dụng hóa đơn để hoàn ứng tiền cá nhân chi để ủng hộ kinh phí cho Công đoàn Vụ Kế hoạch - Tài chính 109 triệu đồng.

Còn Trần Tuấn Kiệt hợp thức hồ sơ chào thầu để Công ty mặt trời Việt ký hợp đồng tổ chức hội nghị - sự kiện cho VEAM, kê khống giá trị hợp đồng để trả tiền chênh lệch gây thiệt hại cho VEAM gần 1,2 tỷ đồng.

Nghiêm Trọng Thăng hợp thức hồ sơ lập đề nghị VEAM thanh toán chi phí tiếp khách của Bộ Công Thương; hợp thức hồ sơ chào thầu để Công ty mặt trời Việt ký hợp đồng tổ chức hội nghị - sự kiện cho VEAM…

Trong khi đó, Lê Thị Hiền sử dụng pháp nhân là 7 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống do Hiền điều hành để bán trái phép 67 tờ hóa đơn khống trị giá hơn 1 tỷ đồng cho Bùi Thanh Dũng. Dũng đã bán hóa đơn khống cho Thái Đức Minh hưởng lợi số tiền 23 triệu đồng.

Đến nay số tiền thiệt hại hơn 3 tỷ đồng trong vụ án đã được thu hồi lại toàn bộ. VKSND đề nghị tòa án cũng cấp đưa vụ án ra xét xử.

2 BỆNH VIỆN NGÀN TỶ BỎ HOANG NHIỀU NĂM, VÌ SAO?

Khởi công từ cuối năm 2014 tại tỉnh Hà Nam, nhưng sau hơn 10 năm, cả hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Kết luận thanh tra số 528 về thanh tra dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức tại tỉnh Hà Nam đã được Thanh tra Chính phủ công bố chiều 31-3.

Nhiều sai phạm

Tại đây, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường cho biết quá trình thanh tra đã chỉ ra những sai phạm có tính hệ thống khi triển khai dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức.

Các yếu tố chủ quan xảy ra ở hầu hết các khâu, từ chuẩn bị đến đầu tư, phê duyệt chủ trương, lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu.

Qua đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với Bộ trưởng, Thứ trưởng được phân công phụ trách 2 dự án theo từng thời kỳ liên quan đến các vi phạm, sai phạm nêu trong kết luận.

Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm tại dự án Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức cơ sở 2 đến Bộ Công an xem xét, điều tra.

"Sau thanh tra, con số hàng ngàn tỉ đồng được phát hiện cao gấp rất nhiều lần so với thiệt hại tạm tính khoảng 100 tỉ đồng ban đầu. Qua thanh tra, chúng tôi nhận thức rõ về bản chất lãng phí là giá trị bị mất đi, không thể lấy lại được"- ông Cường nói.

Hai bệnh viện chục ngàn tỉ đồng bị bỏ hoang nhiều năm

Tháng 12-2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức được khởi công và kỳ vọng sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng. Sau khi dự án hoàn thành, người dân sẽ được tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại khu vực Hà Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.

Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 120.000 m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày, tổng diện tích xây dựng hơn 125.000 m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi. Dự án với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng cho mỗi bệnh viện

Tháng 10-2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành.

Tuy nhiên, sau đó, chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian từ tháng 3-2019 đến tháng 3-2020 rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Trong khi đó, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 cũng chỉ cắt băng khánh thành và chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.

Trong đợt dịch COVID-19, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 được thay đổi chức năng thành bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại khu vực Hà Nam. Sau khi dịch bệnh hạ nhiệt, bệnh viện lại trở về cảnh "đóng cửa", dừng tiếp nhận bệnh nhân.

Lý do bệnh viện chưa thể hoạt động

Nhiều năm qua, việc đưa khu khám bệnh của hai bệnh viện này vào hoạt động vẫn chưa được thực hiện, trong khi các hạng mục xây dựng đã dần xuống cấp.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân dẫn đến 2 dự án chậm tiến độ là do chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhất là việc thực hiện các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, cụ thể là thực hiện các hợp đồng xây dựng, nên phát sinh các vướng mắc trong thực hiện các hợp đồng và thanh quyết toán, giải ngân vốn.

Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết trong quá trình xây dựng có nhiều điều chỉnh, thay đổi nhiều hạng mục theo ý kiến của 2 bệnh viện như thay đổi hệ thống điều hòa, nước nóng, số lượng điều hòa, khu vực nội trú cho y bác sĩ… nên thời gian thực hiện bị vượt quá.

Năm 2019, Bộ Y tế đã xin tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện dự án. Tiến độ dự án đã được điều chỉnh thời gian thực hiện đến ngày 31-12-2020.

Tuy nhiên, đến nay, cả hai bệnh viện này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thành. Phần lớn trang thiết bị y tế chưa được mua sắm, lắp đặt. Đặc biệt, nhiều khu vực phụ trợ xuống cấp, một số khu vực tường bị bong tróc phủ rêu, sân, vườn cỏ dại mọc um tùm, trở nên hoang hóa.

Năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi khảo sát hiện trường, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chủ trương đầu tư 5 bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối đến nay đã trải qua 3 nhiệm kỳ. Trong 5 bệnh viện, có 3 bệnh viện giao cho địa phương làm chủ đầu tư thì đã hoàn thành, trong khi 2 bệnh viện do Bộ làm chủ đầu tư thì vẫn dang dở. Việc đầu tư hai bệnh viện hiện đã chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn.

Thời điểm đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Bộ Y tế làm Tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Hà Nam

Ngày 8-1-2025, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam. Thời kỳ thanh tra từ năm 2014 đến 2024.

Theo quyết định được công bố, thời kỳ thanh tra hai dự án Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 từ ngày 1-1-2014 đến ngày 31-12-2024, khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ nêu trên. Thời hạn thanh tra là 40 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Tổng Bí thư yêu cầu có kết luận thanh tra đối với 2 dự án này trước ngày 31-3-2025. Sau đó triển khai ngay các biện pháp để đưa 2 bệnh viện này vào sử dụng.

Trước khi có quyết định thanh tra, chiều 31-12-2024, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết tại phiên họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu phải tiến hành thanh tra dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam.

Nguồn: Vietnamnet; Pháp Luật; Người Đưa Tin; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Tỷ phú Elon Musk rơi lệ trên sóng truyền hình khi nhắc đến Việt Nam – Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk – người đàn ông đứng sau SpaceX, Tesla, và hàng loạt công nghệ thay đổi thế giới - đã bất ngờ bật khóc ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi được hỏi về Việt Nam. Khoảnh khắc ấy khiến cả thế giới sững sờ, còn người dẫn chương trình không dám hỏi thêm một lời nào. Điều gì ẩn sau giọt nước mắt của một tỷ phú từng được xem là "người thép"? Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến toàn bộ câu chuyện chưa từng được công bố: Từ bức thư cũ mà Elon nhận được từ một cậu bé Việt Nam, cho đến lời hứa bí mật giữa ông và một người lính gốc Á năm xưa. Mỗi chi tiết hé lộ một phần của sự thật – một sự thật có thể thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam mãi mãi.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang