Tiếng vang buổi hòa nhạc tại “Berliner Philharmonie” với nhóm nhạc Việt kỷ niệm 70 năm thành lập trường âm nhạc Schostakowitsch Schule

Đại sứ VN tại CHLB Đức Vũ Quang Minh cùng phu nhân tặng lẵng hoa chúc mừng lãnh đạo trường âm nhạc Schostakowitsch Schule

Ngày 23.09.2024 tại Trung tâm Hòa nhạc lớn nhất Thủ đô Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức mang tên “Berliner Philharmonie”, buổi biểu diễn kỷ niệm 70 năm thành lập trường âm nhạc Schostakowitsch Schule đã thành công tuyệt vời.

Trường âm nhạc Schostakowitsch Schule với vợ chồng nghệ sỹ Phương Hoa và Mạnh Hùng

Đây là buổi hòa nhạc do Quận Lichtenberg, Berlin đứng tổ chức kỷ niệm tròn 70 năm ngày thành lập Trường Âm nhạc "Schostakowitsch Schule" nằm trên địa bàn quận. Trường thành lập năm 1954 do chính quyền quận cấp kinh phí và quản lý, được đặt theo tên của nhạc sỹ nổi tiếng người Nga Dmitri Shostakovich. Học sinh bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên, thậm chí cả người lớn phân theo khóa học và bộ môn được đào tạo. Nhà trường dạy hát, lý thuyết âm nhạc, giáo dục âm nhạc và các nhạc cụ khác nhau. Ngoài ra học sinh còn có cơ hội để tham gia các dàn nhạc, ban nhạc, dàn hợp xướng, hòa tấu...

Đến năm 2007, bà Trần Phương Hoa cùng chồng mở Bộ môn Nhạc cụ dân tộc Việt Nam tại trường nhạc Schostakowitsch, trực tiếp giảng dạy tại bảy cơ sở khắp các quận nội thành, thu hút hàng trăm học sinh thuộc nhiều sắc dân, phân khoá theo các độ tuổi, học viên nhí từ 4, 5 tuổi, thanh thiếu niên từ 18, 20 tới các cô bác từ 50, 60 tuổi.

Trước đó, ông Lê Mạnh Hùng tích cực vận động lãnh đạo các cơ sở văn hoá thủ đô Berlin cho mở bộ môn giảng dạy âm nhạc dân tộc Việt Nam. Còn bà Trần Phương Hoa xây dựng đề cương giảng dạy, lập dự án tổ chức bộ môn âm nhạc dân tộc Việt Nam, bảo vệ tính khả thi và hiệu quả của nó. Bà trực tiếp giảng dạy các nhạc cụ, tranh, bầu, sáo, nhị, t´rưng, klongput, nhạc dân tộc truyền thống, dân ca các miền bằng hai ngôn ngữ Việt-Đức, với những bản nhạc nổi tiếng như Bèo dạt mây trôi, Làng Tôi, Giọt Mưa Thu, Lòng Mẹ, Lên Ngàn, Lý Chiều Chiều...

Vở Opera "Con rồng cháu tiên" từng chinh phục nước Đức năm 2014

Bị thuyết phục bởi nhóm làm nghệ thuật cuả ông bà Phương Hoa - Mạnh Hùng, nhà soạn nhạc Đức Karsten Gündermann cùng Nhà hát Giao hưởng thính phòng nổi tiếng Tiểu bang Bremen đi đến quyết định dựng vở Opera đồ sộ mang tên “Con rồng cháu tiên“, dựa theo cốt truyện cổ “Sự tích qủa dưa hấu“ nhằm diễn tả tính cách Việt thể hiện qua cuộc sống nhập cư người Việt ở Đức. Tổng số diễn viên trực tiếp và hỗ trợ lên tới trên 600 người.

Trải qua nửa năm trời lao động miệt mài vất vả, vở Opera do nữ đạo diễn Julia Häbler phụ trách dàn dựng, và nhạc trưởng Christoffer Nobin chỉ huy dàn nhạc, được công diễn trên sân khấu lớn ở Bremen có sức chứa trên ngàn người trong các ngày 08-09.05.2014, với sự tham gia của gần 160 nghệ sĩ, diễn viên của dàn nhạc giao hưởng Bremen, nhóm nghệ sỹ ông bà Phương Hoa - Mạnh Hùng, thầy trò trường Trung học Bremen Ost, hai ca sĩ, diễn viên gốc Việt Nguyễn Hồng Uyên Khanh và Nguyễn Đan Thy. Các sô diễn đều “cháy“ vé, trở thành sự kiện thu hút giới truyền thông Đức, nổi bật trên các chương trình của Đài truyền hình quốc gia ZDF, Đài phát thanh Đức Deutschlandradio và hầu hết các báo Đức.

Tiếng vang lớn của vở diễn đưa Nhà hát giao hưởng Bremen tới Dinh Tổng thống Đức. Ngày 15.6.2014, Nhà hát cùng toàn đoàn được mời trình diễn một số trích đoạn tại Cung điện Bellevue cho Tổng thống Đức Joachim Gauck cùng các vị khách quý thưởng thức với sự có mặt của Đại sứ Việt Nam tại Đức lúc đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàng Anh. Một lần nữa vở Opera „Con rồng cháu tiên“ được truyền thông nhiệt liệt ca ngợi như một đóng góp của nhạc Việt với dấu ấn tên tuổi của Nhóm nghệ sỹ ông bà Phương Hoa - Mạnh Hùng, làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc truyền thống nổi tiếng Đức.

Tiết mục hòa nhạc nhóm “Ensemble Hanoi”chinh phục khán giả

Các diễn viên thuộc thế hệ trẻ, do hai vợ chồng Nghệ sỹ Phương Hoa và Mạnh Hùng dầy công đào tạo, vun trồng. Với lòng đam mê cháy bỏng, năng khiếu trời phú, các diễn viên trẻ cùng với thầy cô mình biểu diễn những nhạc cụ dân tộc độc đáo như đàn tranh, sáo trúc, đàn bầu, thập lục, trống cơm và có cả phèng la cự kì điêu luyện, chinh phục cả hội trường.

Với 3 tiết mục được ưu tiên mở màn “Trống cơm”, “Ing Lả ơi”, “Lý ngựa ô” đã làm cho cả hội trường rộng lớn với sự có mặt khoảng 2.400 khán giả trong đó có khoảng 10% người Việt, trầm trồ, nức nở khen ngợi và đồng loạt đứng dậy vỗ tay cổ vũ kéo dài nhiều phút.

Những làn điệu âm thanh phát ra từ những nhạc cụ truyền thống dân tộc, mà nhóm “Ensemble Hanoi” là món quà vô giá trao tặng cho cộng đồng người Việt ở Đức, hâm nóng trong lòng họ một tình yêu cháy bỏng, đằm thắm, thiết tha đối với quê hương, đất nước cội nguồn.

Chia sẻ của nghệ sỹ Mạnh Hùng trên FB

Buổi hòa nhạc đã diễn ra đúng như nó cần phải diễn ra như thế. Xin cảm ơn sự cổ vũ nhiệt tình của hơn hai nghìn khán giả trong khán phòng lớn của Berliner Philharmonie. Cảm ơn sự cố gắng cao nhất của các em, các cháu thành viên Hà Nội Ensemble trong nhiều tháng qua. Cảm ơn các bậc phụ huynh học sinh đã thầm lặng dõi theo và hết lòng hỗ trợ khuyến khích con em mình phấn đấu luyện tập thành công…

Xin được ảm ơn tất cả!

Thank you for the music, for giving it to me!

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang