
Thật kinh hoàng và quá lạ đối với thuế nhập khẩu Mỹ
Ngạc nhiên nhất là không biết các cơ quan tham mưu của Tổng thống Trump lấy đâu ra con số Việt Nam đánh thuế Mỹ tận 90%! Từ đó ông Trump bảo, tôi yêu Việt Nam, Việt Nam cũng yêu tôi, nhưng Việt Nam oánh thuế nhập khẩu lên hàng của Mỹ tận 90% nên tôi có giảm chút và đánh lại 46% lên hàng hoá Việt Nam nhập vào Mỹ!
Ông Trump đánh thuế tương tự lên một loạt các đối tác thương mại, ít nhất là 10%, nhiều nhất là 49% lên Campuchia.
Chưa biết điều này mang lại những lợi ích gì cho nền kinh tế Mỹ, nhưng ngay lập tức thị trường chứng khoán Mỹ đã chao đảo và chỉ số tinh thần của thị trường đã rơi xuống mức thấp nhất là “cực kỳ lo sợ - Extreme Fear”! (Vnexpress. Thứ năm, 3/4/2025, 04:11).
Ông Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với hàng chục nền kinh tế
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức 46%.
Tại sự kiện, Tổng thống Mỹ cũng mang theo tấm bảng ghi mức thuế áp dụng với từng nền kinh tế. Trong đó, Anh, Brazil, Singapore sẽ chịu 10% thuế. Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu 20-26%. Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%.
Khoảng nửa giờ sau khi cầm chiếc bảng công bố mức thuế đối ứng với từng đối tác thương mại, Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp thuế.
CNN trích lời một quan chức Chính phủ Mỹ cho biết thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4.
"Chúng ta sẽ chỉ áp mức thuế bằng nửa mức họ đang áp với mình. Tức là sẽ không áp dụng mức đầy đủ. Tôi có thể làm như vậy, nhưng việc đó sẽ gây khó khăn cho nhiều nước. Chúng tôi không muốn làm điều đó", ông Trump tuyên bố tại Nhà Trắng.
Trên chiếc bảng công bố mức thuế, Nhà Trắng liệt kê mức thuế các nước "đang áp cho Mỹ" nhưng không đưa ra giải thích cách tính toán các con số đó. Ví dụ, theo họ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu đang áp mức thuế lần lượt 67%, 39% với Mỹ.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết trước các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện rằng thuế đối ứng sẽ là "mức trần" mà Mỹ áp dụng với các nước. Mức này có thể giảm xuống nếu các đối tác thương mại đáp ứng yêu cầu của chính quyền Trump.
Ông Trump cũng cho biết sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, từ ngày 5/4. Tức là tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ đều phải chịu mức thuế nhập khẩu chung 10% này và áp dụng từ 5/4. Sau đó, kể từ ngày 9/4, các đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn, theo bảng ông Trump đã công bố.
Trong bài phát biểu hôm 2/4, ông liên tục ca ngợi thuế nhập khẩu mới, gọi đây là "tuyên bố về sự độc lập kinh tế của Mỹ. Ông cũng lặp lại khẳng định việc làm và các nhà máy sẽ quay lại Mỹ, đồng thời giá cả với người tiêu dùng sẽ giảm xuống khi "sản xuất và cạnh tranh nội địa tăng lên". "Đó sẽ là thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ", Trump tuyên bố.
Tổng thống Mỹ cho biết ông đang "đặt nước Mỹ lên trên hết". "Với các hành động hôm nay, chúng ta đang bảo vệ những người nông dân tuyệt vời của mình. Họ đã chịu tổn thương bởi các nước trên khắp thế giới", ông tuyên bố.
Bảng thuế nhập khẩu của Mỹ (gồm 2 chỉ số: Tính toán và áp dụng trước mắt)
.jpg)
.jpg)
.jpg)
.jpg)
Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ đi xuống
Xảy ra ngay sau khi ông Trump công bố thuế đối ứng. S&P 500 tương lai giảm 1,7%, trong khi Nasdaq tương lai mất gần 2%. Việc này cho thấy nhà đầu tư dự báo Wall Street sẽ lao dốc trong phiên giao dịch 3/4. Giá vàng giao ngay thế giới cũng lập đỉnh mới tại 3.159 USD một ounce.
Hồi tháng 2, ông Trump đã ký biên bản ghi nhớ, yêu cầu các quan chức thương mại Mỹ nghiên cứu chính sách thương mại của từng quốc gia và đề xuất thuế tương ứng. Gần đây, ông liên tục ca ngợi ngày 2/4 là "ngày giải phóng" của nước Mỹ.
Trump cho rằng doanh nghiệp và người dân Mỹ chịu thiệt hại vì các hiệp định thương mại tự do, khiến 3.000 tỷ USD hàng nhập khẩu tràn vào Mỹ mỗi năm. Sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và thế giới khiến thâm hụt hàng hóa tại đây lên tới 1.200 tỷ USD.
Ngoài giải quyết vấn đề thương mại, ông còn coi thuế nhập khẩu là công cụ kiềm chế buôn lậu ma túy và người di cư bất hợp pháp vào Mỹ, tăng ngân sách chính phủ và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Các chính sách của Trump khiến căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang. Đến nay, cả Canada, Trung Quốc và châu Âu đều đã công bố biện pháp trả đũa Mỹ. Niềm tin đầu tư, tiêu dùng và kinh doanh tại Mỹ vì thế cũng sụt giảm. Các nhà kinh tế học thì cảnh báo chính sách bảo hộ thương mại sẽ chỉ khiến lạm phát trong nước và toàn cầu tăng lên. Nếu ông Trump tăng thuế nhập khẩu thêm 20%, một hộ gia đình Mỹ sẽ tốn thêm trung bình 3.400 USD một năm, theo nghiên cứu của Đại học Yale.
Bộ Tài chính nói gì về con số 90% thuế nhập khẩu Việt Nam áp với Mỹ
Chiều 3/4, tại Họp báo thường kỳ Quý I của Bộ Tài chính, ông Trương Bá Tuấn, Cục Phó Cục Chính sách thuế phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã có nhưng chia sẻ về việc Mỹ công bố thuế đối ứng với Việt Nam.
Liên quan đến con số mà Mỹ tính toán là Việt Nam đang áp thuế với họ lên tới 90%, từ đó đưa ra con số thuế đối ứng 46%, ông Tuấn khẳng định, mức thuế của chúng ta đang thấp hơn rất nhiều mức 90%, ngoài thuế còn những yếu tố khác mà Mỹ đưa vào khi tính toán thuế đối ứng.
Ông cho biết, mức thuế đối ứng mà Mỹ công bố tính toán và công bố sáng nay lên tới 46%, trong đó Mỹ tính toán Việt Nam áp thuế 90% với Mỹ.
Khi rà soát để ban hành Nghị định 73, Bộ Tài chính đã rà soát không chỉ thuế nhập khẩu ưu đãi mà còn có các sắc thuế liên quan, ví dụ như thuế giá trị gia tăng áp dụng với hàng nhập khẩu hay thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với 10 nhóm hàng nhất định hay thuế bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi đã rà soát tổng thể để xem mức thuế mà chúng ta đang điều chỉnh như thế nào để làm căn cứ để tham mưu cho Chính phủ khi ban hành Nghị định 73?”, ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nếu chiếu vào con số thuế đối ứng mà Mỹ công bố sáng nay thì đúng là cần phải làm rõ cơ sở, căn cứ nào để Mỹ đưa ra con số thuế như vậy không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều đối tác thương mại khác.
Trong tài liệu gần đây của Bộ Thương mại Mỹ, mức thuế nhập khẩu bình quân của Việt Nam đối với Mỹ cũng chỉ là 9,4% và “phần lớn các mặt hàng của Mỹ khi xuất khẩu sang Việt Nam hầu hết đều dưới 15%, ngoại trừ một số ít các mặt hàng”.
“Nói như vậy là mức thuế của chúng ta đang thấp hơn rất nhiều mức 90% theo tính toán hay kể cả mức thuế đối ứng mà Mỹ sẽ áp dụng. Vậy ngoài yếu tố thuế còn yếu tố gì để Mỹ đưa vào khi tính toán và đưa ra con số thuế đối ứng để từ đó có giải pháp phù hợp, chứ nếu thuần tuý chỉ thuế thì không thể đến con số 90% như tính toán”, ông Tuấn nói.
Theo Cục Phó Cục Chính sách thuế phí và lệ phí, cần nghiên cứu, làm rõ các yếu tố này để tham mưu cho Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền để các giải pháp ứng phó với các diễn biến tới đây.
Nguồn: FB Vũ Quang Minh; Website Công ty VietNewsCorp
Đức Việt Online
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá