Người Việt hải ngoại: Quảng bá văn hóa ở Đức; Hội sinh viên tại Hàn; Nhà hàng bún đậu ở New York; Hàng nước mía ở Úc

Cộng đồng người Việt tại Đức giữ gìn và quảng bá văn hóa dân tộc

(Ảnh minh họa).

Sau 12 năm thành lập, Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười đã trở thành tổ chức đi đầu trong cộng đồng người Việt tại Đức trong việc quảng bá truyền thống văn hóa dân tộc tới bạn bè Đức và quốc tế.

Khi nói về hoạt động văn hóa nghệ thuật của cộng đồng người Việt tại Đức, không thể không nhắc tới Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười tại Berlin.

Sau chặng đường 12 năm hình thành và phát triển, cho tới nay Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười đã trở thành tổ chức đi đầu trong cộng đồng người Việt tại Đức trong việc quảng bá truyền thống văn hóa dân tộc tới bạn bè Đức và quốc tế.

Sau những bộn bề công việc và cuộc sống hằng ngày, mỗi buổi chiều chủ nhật, các thành viên câu lạc bộ lại tập hợp bên nhau; cùng nhau giao lưu, chia sẻ; cùng nhau lên ý tưởng cho các hoạt động của câu lạc bộ và luyện tập các tiết mục văn nghệ, đặc biệt là múa và hát các làn điệu dân gian truyền thống của dân tộc.

Bằng sự đoàn kết, sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết của những người con xa xứ, những năm qua Câu lạc bộ đã dàn dựng và biểu diễn thành công hàng chục chương trình văn nghệ mang đậm màu sắc dân tộc.

Bên cạnh đó, nhiều buổi giới thiệu về trang phục truyền thống, nhạc cụ cổ truyền và văn hóa ẩm thực của dân tộc, hay các hoạt động thiện nguyện, chung tay vì cộng đồng, cũng đã được câu lạc bộ tổ chức.

Các chương trình này không những mang tới niềm vui, niềm hứng khởi cho bản thân các thành viên trong câu lạc bộ, mà còn góp phần gìn giữ và quảng bá những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc, được cộng đồng người Việt và bạn bè Đức đánh giá cao.

Những thành tựu đạt được trong 12 năm qua là kết quả của những nỗ lực của tất cả các thành viên Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười.

Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của câu lạc bộ, ngày 23/4 tại Berlin, Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười đã tổ chức thành công đại hội, bầu ra ban chấp hành mới với 7 thành viên và định hình các chương trình hoạt động của câu lạc bộ trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Thắng được các hội viên nhất trí cao bầu làm Chủ tịch mới của câu lạc bộ.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu tại đại hội, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức Chu Tuấn Đức bày tỏ ấn tượng với hành trình 12 năm phát triển của Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười.

Trong suốt hành trình đó, câu lạc bộ đã có rất nhiều hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy giao lưu, trao đổi văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Đức.

Câu lạc bộ còn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, từ thiện, hướng về quê hương đất nước và là mái nhà chung của gia đình các thành viên trong câu lạc bộ.

Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức cảm ơn những đóng góp hết sức thiết thực của câu lạc bộ trong những năm qua và chúc câu lạc bộ sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

Ông Rolf Schulze, Chủ tịch Hội Đức-Việt, một người thường xuyên tham gia các hoạt động do Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười tổ chức, bày tỏ vui mừng khi thấy câu lạc bộ luôn đoàn kết và đạt nhiều thành công.

Việc tham gia những hoạt động này giúp ông và bạn bè Đức hiểu rõ hơn về những nét đẹp văn hóa cũng như truyền thống lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Theo ông Schulze, những năm qua, Hội Đức-Việt và Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười đã phối hợp rất tốt với nhau.

Cả hai tổ chức đều chung tay vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc Đức và Việt Nam ngày càng nồng ấm hơn. Ông mong muốn ban chấp hành mới sẽ tiếp tục dẫn dắt câu lạc bộ đạt nhiều thành công mới.

Trong tất cả các hoạt động, Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười luôn đặt tinh thần đoàn kết gắn bó, tương thân tương ái và hướng về quê hương đất nước lên hàng đầu.

Với tinh thần đó, thay mặt ban chấp hành mới, Chủ tịch Nguyễn Đức Thắng đã thể hiện quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, đoàn kết tất cả các hội viên trong câu lạc bộ để xây dựng tập thể vững mạnh, ngày càng phát triển hơn nữa.

(Nguồn: VietnamPlus)

Hoạt động của Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc ngày càng chất lượng

Trong nhiệm kỳ qua, VSAK có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, tập trung phát triển mô hình điểm là các chi hội nổi bật về nghiên cứu khoa học, các hoạt động cộng đồng để nhân rộng khắp Hàn Quốc.

Chiều 23/4, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Seoul, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK) đã tiến hành Đại hội lần thứ IX bầu ra Ban chấp hành mới nhiệm kỳ 2023-2025.

Đại hội được tiến hành theo hình thức kết hợp trực tiếp lẫn trực tuyến.

Phát biểu khai mạc đại hội, anh Trần Thiện Quang, Chủ tịch VSAK khóa VIII, cho biết trong nhiệm kỳ vừa qua, hội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện như Hội thảo các nhà khoa học trẻ ACVYS 2022; Đại hội Thể dục thể thao và Phong trào Sinh viên 5 tốt, Chương trình Rộn ràng ngày Tết (Tết Quý Mão 2023)...

Những chương trình này đã khơi gợi sức sáng tạo, đồng thời cung cấp những tri thức mới, mở ra các cơ hội mới cho sinh viên.

Các chương trình trực tuyến này không chỉ thu hút sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc mà còn lôi cuốn các bạn sinh viên, các trí thức trẻ Việt Nam trên toàn thế giới.

Song song với đó, VSAK cũng đã vận động được hàng trăm suất học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh, kết nối mạng lưới hỗ trợ tìm việc làm, giúp các bạn sinh viên có thêm nguồn hỗ trợ trong thời gian dịch bệnh COVID-19 và là động lực để các bạn hoàn thành xuất sắc việc học tập cũng như công tác.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, VSAK có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, tập trung phát triển mô hình điểm là các chi hội nổi bật về nghiên cứu khoa học cũng như về công tác hoạt động cộng đồng để nhân rộng ra khắp Hàn Quốc.

Hội đã thường xuyên quan tâm và giải quyết những vấn đề bức xúc của hội viên, sinh viên.

Việc báo cáo thông tin về cơ cấu tổ chức, các hoạt động thường niên từ các chi hội lên hội được quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc qua các quý hằng năm.

Ngoài ra, sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc trong thời gian qua còn có rất nhiều hoạt động ủng hộ, thiện nguyện hướng về quê hương, đất nước, khẳng định sự lớn mạnh của hội trong việc dẫn dắt sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc tham gia các hoạt động cộng đồng, đoàn kết một lòng hướng về quê hương.

VSAK đã phối hợp cùng Công ty SDV tổ chức hội thảo chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng, thông tin công việc, môi trường làm việc và chế độ phúc lợi dành cho nhân viên; phỏng vấn trực tiếp để sàng lọc ứng viên tiềm năng.

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc và Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18/5), VSAK đã phối hợp với Văn phòng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức buổi tọa đàm chia sẻ các hướng nghiên cứu trong một số lĩnh vực với các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam tại Hàn Quốc, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn mới, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Năm 2022, VSAK đã có 3 ứng cử viên sáng giá vượt qua vòng loại và lọt top 20 đề cử xuất sắc nhất thuộc 5 lĩnh vực xét trao Giải thưởng Khoa học và Công nghệ “Quả Cầu Vàng” năm 2022; có 1 sinh viên đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt cấp trung ương" và 3 sinh viên đạt giải thưởng “Sao Tháng Giêng” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát động.

Hiện, số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Hàn Quốc ngày càng tăng cả về số và chất lượng với khoảng 70.000 sinh viên, nghiên cứu sinh tham gia sinh hoạt tại 110 chi hội (tăng thêm 25 chi hội) ở các trường đại học, viện nghiên cứu trên toàn Hàn Quốc.

Trong bài phát biểu chào mừng, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng đã chia sẻ những khó khăn của các bạn sinh viên tại Hàn Quốc, động viên, tư vấn và giải đáp một số câu hỏi của các bạn sinh viên tham dự đại hội.

Đại sứ cũng nhấn mạnh đến vai trò kết tiên phong, dám nghĩ dám làm của thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu và làm việc tại Hàn Quốc; phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước.

Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh Ban chấp hành VSAK khóa mới cần duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Đại sứ quán thông qua bộ phận phụ trách cộng đồng để kịp thời chia sẻ, hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả, góp phần đưa VSAK trở thành một hình mẫu để hội sinh viên Việt Nam ở các nước khác noi theo.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành VSAK khóa mới với 23 ủy viên. Cũng tại đại hội, Ban chấp hành VSAK khóa IX đã tiến hành họp phiên đầu tiên bầu chức danh chủ tịch, phó chủ tịch và các chức danh chủ chốt.

Anh Nguyễn Trần Hưng, nguyên Trưởng ban Thể thao Văn hóa, Ủy viên Ban kiểm tra VSAK khóa VIII, được các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh tín nhiệm, bầu giữ chức Chủ tịch VSAK khóa IX, nhiệm kỳ 2023-2025.

(Nguồn: VTV4)

Nhà hàng Việt bán bún đậu mắm tôm 800 nghìn VNĐ/suất ở New York: Lọt top 30 quán ăn ngon nhất của báo Mỹ, thực đơn khiến khách ca ngợi hết lời

(Ảnh minh họa).

Những món ăn Việt Nam, đặc biệt là bún đậu mắm tôm, được bán tại thành phố New York đã thu hút sự chú ý của nhiều tín đồ ẩm thực.

Nhà hàng đậm chất Việt trên đất Mỹ

"Món ăn Việt Nam thú vị nhất trong thành phố vào thời điểm này đến từ một nhà hàng nhỏ nhưng đặc biệt và chỉ mở vào cuối tuần (từ tối thứ 6 đến Chủ nhật). Rất khó để nói chính xác quán ăn có tên là "Mắm" sẽ mang đến cho bạn món ăn gì. Mùa hè năm ngoái, Jerald Head và vợ, chị Nhung Dao Head, chuyên chế biến món bún đậu mắm tôm - một bữa ăn trưa kiểu Hà Nội gồm đậu phụ tự làm, bún lá, dồi và các món ăn khác chấm với nước mắm tôm lên men với mùi hương mạnh - đã bắt đầu mở quán ăn này.

Gần đây, họ bắt đầu chuyển sang những món như bún hến. Các món chính được giới thiệu và đặt bàn trước vài ngày, nhưng hãy để ý đến các món khai vị bất ngờ."

Đây là những lời giới thiệu mà tờ New York Times dành cho quán ăn Việt Nam với vị trí thứ 26 trong bảng xếp hạng top 100 nhà hàng ngon nhất thành phố New York. Sự xuất hiện của nhà hàng Mắm đã khiến nhiều tín đồ món ngon Việt Nam ở Mỹ cảm thấy thích thú.

Nhà hàng này ra đời sau khi đầu bếp Jerald Head giới thiệu món bún đậu mắm tôm trong thực đơn ở nhà hàng khác có tên "Đi ăn đi" ở Greenpoint, Brooklyn vào năm 2019. Kể từ đó, anh Head và vợ, chị Nhung Dao, đã không ngừng cải thiện chất lượng món ăn và quyết định mở nhà hàng mới có tên Mắm, xuất phát từ cụm "bún đậu mắm tôm".

"Làm như thế này ổn hơn rất, rất nhiều," anh Head nói.

Chị Nhung Dao và chồng Jerald Head làm mắm tôm bằng sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, pha với đường, nước cốt chanh và ớt Thái. Sau đó, món ăn được bày biện theo cách truyền thống, bắt đầu với chiếc lá tre và các thành phần được xếp thành hình tròn. Đậu phụ được làm từ chiếc máy nặng 27kg mà 2 vợ chồng mang về từ Việt Nam còn dồi lợn được làm theo công thức mà Head học từ bố vợ.

Đĩa bún đậu cơ bản được bán với giá 14 USD (khoảng 320 nghìn VNĐ), nhưng thực khách có thể thêm nhiều đồ ăn kèm tùy thích. Chị Nhung Dao và chồng cũng đang điều chỉnh thực đơn để thêm các món đặc sản khác, chẳng hạn như ốc nhồi, cá nướng nguyên con và một số món nổi tiếng khác. Nhưng hiện tại, món nổi tiếng nhất vẫn là bún đậu. Theo New York Times, phần bún đậu "cao cấp nhất" có giá 35 USD (khoảng 820 nghìn VNĐ) và đủ lớn để chia cho mọi người cùng ăn.

Điểm đến ưa thích của thực khách

Trên Instagram của nhà hàng, thực đơn các món ngon liên tục được cập nhật để khách hàng đặt trước. Tới thời điểm hiện tại, các món bún hến, bún riêu ốc chả, cháo lòng, bún bò huế, lẩu gà lá é, ốc bươu... được bán tại quán đều thu hút sự chú ý của thực khách.

Rất nhiều người để lại bình luận trong các bài viết, ví dụ nhiều tài khoản đã kêu gọi nhà hàng "Mang món cháo lòng quay trở lại" sau khi nhà hàng ngừng kinh doanh vì đã bán hết.

Trong bài đăng về bún bò Huế, các bình luận viết: "Đây là món khoái khẩu nhất của tôi" hoặc "Thật tuyệt vời, không thể đợi thêm được nữa".

Gần đây nhất, khi các bài viết về quán Mắm được đăng tải trên New York Times, chủ nhà hàng viết:

"Đối với chúng tôi, tập trung vào từng món ăn Việt Nam là cách chúng tôi bảo vệ chất lượng và nền tảng làm nên ẩm thực Việt. Đây là một chiến thắng cho Việt Nam cũng như cho tất cả chúng tôi. Chúng tôi tự hào là người góp phần đưa ẩm thực và văn hóa Việt vượt qua mọi ranh giới để đến với thế giới".

Đáp lại thông tin này, các thực khách từng đến ăn nhà hàng đều chúc mừng và khẳng định "Đây là phần thưởng xứng đáng, đồ ăn của các bạn rất tuyệt vời", "Trên cả xứng đáng, xin chúc mừng" hay "Chúng tôi nóng lòng muốn đến ăn thử! Chúng tôi đã đến Việt Nam vào tháng 2 và đã phải lòng đất nước, con người và ẩm thực nơi đây".

(Nguồn: Soha)

Xôn xao hàng nước mía của người Việt tại Úc: giá đắt gấp 10 lần, ép cùng đủ loại quả

Nước mía Việt Nam không chỉ gây sốt tại Hàn Quốc mà sang tận Châu Âu cũng hấp dẫn không kém với 7,5 đô vẫn tấp nập người mua.

Thời gian vừa qua, hình ảnh về xe bán nước mía quen thuộc xuất hiện trên đường phố Hàn Quốc khiến dân tình không khỏi thích thú. Dù chỉ là một xe mía ép nhỏ nép bên phố nhưng lại thu hút rất đông khách hàng đứng chờ mua.

Ít ai biết rằng, không chỉ tại Hàn Quốc, ở rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới, nước mía Việt trở thành một trong những loại đồ uống được rất nhiều người dân khắp nơi ủng hộ. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào về hương vị Việt được lan toả muôn nơi thì cách chế biến cũng như giá cả cho mỗi ly mía "xuất ngoại" ấy cũng được dân tình đặc biệt quan tâm.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip hàng nước mía với giá 7,5 đô tương đương 118.000 đồng/ ly tại Úc đang khiến cộng đồng mạng bàn luận xôn xao. Cụ thể, một vị khách người Úc chia sẻ loại nước uống mà anh ấy vô cùng yêu thích. Đó chính là nước mía tại một cửa hàng do người Việt mở ở Stockland Merrylands (Úc).

Thế nhưng bên cạnh giá cả thì cửa hàng này cũng có cách chế biến nước mía khá độc lạ. Không chỉ là nước ép mía đơn thuần mà tại đây, mía sẽ được kết hợp, ép cùng đủ các loại hoa quả như dâu, chanh, dứa, cam hoặc thậm chí là có cả gừng.

Đoạn clip thu về lượt tương tác lớn, bên cạnh đó dưới phần bình luận cộng đồng mạng đã đưa ra rất nhiều ý kiến tranh cãi.

Trong khi nước mía ở Việt Nam có giá rẻ bèo chỉ khoảng 10.000 đồng là có một ly nước mía giải nhiệt thì sang đến Úc ly nước mía ấy có giá khá đắt đỏ. Ngoài ra, việc nước mía ép với cùng đủ loại quả như vậy sẽ làm mất đi độ ngon nguyên chất của mía. Và ly nước ấy có lẽ không nên quá cầu kỳ hay "màu mè" như vậy, bởi chỉ cần thêm một chút tắc cùng vài hạt muối thôi là đã tuyệt hảo lắm rồi.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến bác bỏ. Không chỉ riêng gì ở Úc mà tại các quốc gia khác giá cho một ly nước mía khá cao đều dao động từ 90.000 đồng - 160.000 đồng. Lý do cũng vì giá cả nguyên liệu ở các quốc gia này cũng không hề rẻ, đặc biệt là những cửa hàng có mặt bằng tại các khu vực trong trung tâm thương mại như thế này.

Bên cạnh đó, việc nước mía ép cùng các loại hoa quả chủ yếu cũng do sở thích cũng như khẩu vị của mỗi người, có người sẽ thích những sự kết hợp ấy giống như chàng trai trong clip.

Hiện tại, đoạn clip vẫn nhận về nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng. Và biết đâu, nếu có dịp du lịch đến Việt Nam, những vị khách người nước ngoài ấy lại phải một lần nữa trầm trồ bởi giá cả rẻ, đặc biệt là hương vị nước mía thơm ngon hiếm có ở các nơi khác.

(Nguồn: Kenh14)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang