Người Việt hải ngoại: Ngày VN tại Nhật 2023; 'Ngày lao động VN' tại Hàn; 'Kiếp nạn' bán café muối ở Phần Lan

Ngày Việt Nam tại Nhật Bản 2023: Tôn vinh tình hữu nghị và văn hóa Việt

(Ảnh minh họa).

Tổ chức vào ngày 30/11 tại tỉnh Fukuoka, chương trình “Ngày Việt Nam tại Nhật Bản 2023” không chỉ quảng bá thành công hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam mà còn thắt chặt tình hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia, hai dân tộc.

Diễn ra tại Đại học Y khoa Kyushu, tỉnh Fukuoka, Chương trình “Ngày Việt Nam tại Nhật Bản 2023” được Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023). Sự kiện góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai quốc gia, đồng thời tập trung giới thiệu những nét đẹp trong văn hóa Việt Nam tới công chúng Nhật Bản.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc

“Ngày Việt Nam tại Nhật Bản 2023” thu hút đông đảo người dân xứ sở hoa anh đào và Việt kiều sở tại với chương trình biểu diễn nghệ thuật độc đáo cùng không gian văn hóa đậm đà bản sắc của Việt Nam.

Trong đó, điểm nhấn của chương trình là buổi biểu diễn nghệ thuật mang tên “Hương sắc Việt Nam” được tổ chức vào tối 30/11. Trong chương trình, bà Vũ Chi Mai, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka chân thành chia sẻ: “Đối với cộng đồng người Việt Nam xa xứ, chúng tôi cảm thấy vô cùng xúc động khi được trải nghiệm một không gian hội tụ những nét tinh hoa văn hóa của người Việt như thế này”.

Với các tiết mục được dàn dựng chuyên nghiệp và bài bản, buổi biểu diễn đã đem tới một “bữa tiệc” nghệ thuật mãn nhãn, để lại nhiều cảm xúc trong lòng người xem. Qua đó, chương trình đã quảng bá thành công văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với những nét đẹp truyền thống như ca Huế, múa Chăm, dân ca Ví - Giặm hay trình diễn áo dài xưa.

Để ca ngợi tình hữu nghị Việt - Nhật bền chặt, chương trình nghệ thuật cũng lồng ghép những câu chuyện lịch sử nổi tiếng như chuyện tình của Công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sorato hay tình bạn đẹp giữa nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro.

Không gian văn hóa đa trải nghiệm

Ngoài chương trình nghệ thuật, Không gian Văn hóa cũng là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Chương trình “Ngày Việt Nam tại Nhật Bản 2023”. Được thiết kế và bài trí tỉ mỉ, không gian này tái hiện những hình ảnh hết sức thân thuộc với bao thế hệ người Việt như một góc phố cổ Hà Nội, gian hàng bày tranh dân gian, bộ bàn ghế tre, những ấm trà nóng hổi hay những tô phở Thìn thơm mùi kỷ niệm, … Đây là nơi mang đến nhiều trải nghiệm văn hóa mới mẻ với công chúng sở tại, đồng thời là món quà đầy ý nghĩa dành cho những người Việt đang xa quê hương.

Họa sĩ sơn mài Lương Minh Hòa đã trưng bày những bức tranh sơn mài dành riêng cho dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Ông cũng nhiệt tình hướng dẫn người xem tự sáng tạo cho riêng mình các sản phẩm lưu niệm bằng sơn mài.

“Sơn mài Nhật hạn chế dùng nước, phẳng phiu và sắc nét, không tạo chất liệu trên bề mặt. Trong khi đó, sơn mài khắc của Việt Nam được vẽ bằng nhiều lớp, tạo được hiệu ứng hấp dẫn bởi càng nhìn càng thấy nhiều lớp màu ẩn hiện bên trong”, họa sĩ Hòa nói về nét khác biệt làm nên bản sắc riêng của nghệ thuật sơn mài khắc.

Cũng trong không gian này, nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Tâm tự tin trình diễn kỹ thuật in tranh bằng bản khắc gia truyền có tuổi đời hàng chục năm. Ông giới thiệu với người dân Nhật Bản bức tranh dân gian “Đấu vật”, như gợi nhắc về hình ảnh nổi tiếng của các võ sĩ sumo.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm vừa bày tỏ: “Những người làm tranh dân gian Đông Hồ phải rất tỉ mỉ trong từng công đoạn: từ sáng tác, tạo bản khắc đến chuẩn bị giấy dó và in tranh. Thông qua các bức tranh được làm từ những nguyên liệu thiên nhiên như như sỏi son, lá cây chàm, hoa hòe, lá tre, sò điệp…, tôi mong muốn bạn bè quốc tế phần nào hiểu được đời sống sinh hoạt của người dân đồng bằng Bắc Bộ tại Việt Nam”.

Khách tham dự “Ngày Việt Nam tại Nhật Bản 2023” còn được khám phá về trà Việt và nghệ thuật nặn tò he độc đáo của Việt Nam.

Nghệ nhân Đào Đức Hiếu giới thiệu cho công chúng Nhật Bản những tách trà shan tuyết lấy từ các cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên đỉnh núi Suối Giàng - một trong những nơi khởi nguồn của Trà trên thế giới. Đây cũng là dịp mà nghệ nhân trình diễn kỹ thuật pha trà, thưởng trà của người Việt để công chúng Nhật Bản có thể thưởng thức, chiêm nghiệm nét giống và khác nhau giữa văn hóa trà của hai nước.

Nghệ nhân Tò he Đặng Đình Thường khiến khách tham quan bất ngờ khi khéo léo nặn những món đồ chơi truyền thống của trẻ em Việt Nam. Bằng đôi tay điêu luyện, anh tỉ mỉ tạo hình ra những biểu tượng của văn hóa Nhật Bản như quốc kỳ “mặt trời mọc”, núi Phú Sĩ, Samurai, Geisha,… Nhiều khách tham dự tỏ ra vô cùng thích thú và không ngại thử sức nhào nặn những món đồ chơi của riêng mình.

Đại diện cho Ban tổ chức, ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao, cho biết: “Vừa qua, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Việt Nam và Nhật Bản đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Hai nước đều có nền văn hóa lâu đời, đa dạng và độc đáo. Hiện tổng số người Việt Nam tại Nhật Bản đạt gần nửa triệu người, đứng thứ hai trong số các cộng đồng người nước ngoài tại Nhật Bản. ‘Ngày Việt Nam tại Nhật Bản 2023’ là một hoạt động ngoại giao văn hóa ý nghĩa, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị, hợp tác 50 năm Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời cũng là dịp để giới thiệu hình ảnh Việt Nam giàu bản sắc nhưng không kém phần hiện đại tới công chúng tại Nhật Bản”.

"Ngày lao động Việt Nam 2023" tại Hàn Quốc

Ngày 10/12/2023, tại Trường Đại học Khoa học và Kĩ thuật Gyeonggi, Hàn Quốc diễn ra "Ngày lao động Việt Nam 2023".

Sự kiện diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, thực hiện bởi Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, Ban Quản lý lao động, Văn phòng QLLĐ Việt Nam theo Chương trình EPS cùng các đơn vị phối hợp thực hiện tổ chức.

Tại sự kiện, người lao động Việt Nam có thể cập nhật chính sách mới về Chương trình EPS của Việt Nam và Hàn Quốc, tư vấn lao động E9, đổi visa, đào tạo cao đẳng, đại học. Bên cạnh đó, người tham dự có thưởng thức tiết mục giao lưu văn hóa hai nước. Sẽ có các gian hàng ẩm thực đủ 3 miền: Bắc - Trung - Nam cùng nhiều phần quà bốc thăm may mắn giá trị đến từ các nhà tài trợ như 4 vé máy bay, điện thoại và nhiều phần quà hấp dẫn.. Cùng màn giao hữu bóng đá giữa 4 đội hấp dẫn.

Bộ đôi ca sĩ Ngọc Anh, Sao mai điểm hẹn và Tô Minh Đức sẽ đến Hàn Quốc và mang tới tất cả mọi người những ca khúc đầy nội lực và cảm xúc.

3 thanh niên Việt bỗng nổi tiếng sau 7749 "kiếp nạn" bán cafe muối ở Phần Lan: Thu nhập thì sao?

(Ảnh minh họa).

Nhóm bạn trẻ chia sẻ trải nghiệm thú vị khi kinh doanh "hot trend" tại Phần Lan.

Dạo gần đây, một nhóm bạn trẻ người Việt nhận được sự quan tâm rầm rộ trên mạng xã hội vì những câu chuyện hài hước kể lại hành trình “khởi nghiệp" cà phê muối tại Phần Lan của mình. Được biết, nhóm bạn trẻ này gồm Phan Minh Na Uy (17 tuổi), Phùng Gia Phát (17 tuổi) và Phạm Minh Quân (15 tuổi), hiện đang học tập và sinh sống tại thành phố Sulkanva, Phần Lan. Song song việc học tập, cả ba nảy ra ý tưởng tập tành kinh doanh “hot trend" trên đất khách kiếm tiền.

“Khởi nghiệp" để… giết thời gian

Mới rời Việt Nam sang Phần Lan hồi tháng 8 năm nay, với mong muốn có thể nhanh hòa nhập cuộc sống với, cả ba người bạn chung nhà nảy ra ý tưởng… kinh doanh.

Na Uy chia sẻ: “Trong thời gian đầu qua Phần Lan này tụi mình cũng có những khó khăn giống như các bạn du học sinh khác, chẳng hạn như nhịp sống mới, ngôn ngữ mới… vì vậy tụi mình rất muốn cố gắng nói chuyện, tiếp xúc nhiều hơn với những người ở xung quanh.

Bán cà phê muối – lý do thứ nhất là tự tạo cho mình một điều kiện để giao tiếp, gặp gỡ với mọi người. Lý do thứ hai vì nhịp sống bên Phần Lan không được nhộn nhịp giống Hà Nội hay TPHCM, tụi mình cũng muốn có hoạt động gì đó để giết thời gian, không phải buồn khi chỉ loanh quanh ở nhà.”

Nhóm bạn cho biết khi muốn bán các món ăn của Việt Nam, bánh mì là món cả ba nghĩ đến trước. Tuy nhiên để bán được bánh mì thì nguyên liệu sẽ khó tìm, nếu không sành sỏi thì hương vị bánh mì Việt Nam sẽ không ngon. Sau khi biết được thông tin người Phần Lan rất chuộng uống cà phê, các bạn nhận thấy món này là hợp khả năng hiện tại nhất. “Chúng mình định bán cà phê đen, cà phê sữa. Thế nhưng nếu vậy thì họ ở nhà cũng tự làm được nên quyết định bán cà phê muối để vừa độc lạ vừa đánh vào được sở thích uống cà phê.” – Na Uy nói.

Về công thức pha cà phê muối, Gia Phát cho biết đã tìm kiếm và học được trên mạng. Tuy nhiên: “Công thức trên mạng sẽ hướng dẫn làm ra cà phê muối có hương vị, khẩu vị của người Việt Nam. Chúng mình sợ không hợp với khẩu vị ở đây nên cũng phải điều chỉnh một chút như vị mặn của kem, độ đậm của cà phê. Trong quá trình bán khách hàng phản hồi ra sao thì tụi mình cũng cân nhắc, từ đó điều chỉnh dễ cho khẩu vị người địa phương hơn.”

Quê của Na Uy ở Huế, đây cũng như “món ruột” của cậu bạn. “Mình đã thưởng thức rất nhiều lần cà phê muối chính gốc nên cá nhân nghĩ hương vị cà phê muối mà pha giống tầm 90% phần kem. Về phần cà phê, bởi vì cách uống cà phê ở đây của người Phần Lan rất nhạt, không đậm như người Việt mình, mình sợ nếu pha đậm giống hệt thì họ sẽ bị say cà phê hoặc mất ngủ nên sẽ pha loãng hơn một chút. Cách pha loãng hơn chứ vị vẫn giữ”.

Trải nghiệm "ngồi trong tủ lạnh" bán cà phê, được lên trang nhất một tờ báo in ở Phần Lan

Trong quá trình tập tành khởi nghiệp, các bạn ghi lại rất nhiều khoảnh khắc và chia sẻ trên tài khoản TikTok cá nhân, được đặt tên là "Kiếp nạn".

“Kiếp nạn" khó nhất mà Phát chia sẻ là bán cà phê giữa thời tiết lạnh cóng như đang ngồi lâu trong tủ lạnh. “Tụi mình phải ngồi ngoài trời giữa thời tiết âm 10 độ, phủ đầy tuyết, còn rất gió nữa, ba đứa phải thay phiên nhau chạy vào siêu thị kế bên để sưởi ấm. Đã thế sữa, muỗng múc kem được 10 phút là đã đóng băng rồi.”

“Một khó khăn khác trong lúc bán hay xảy ra là rào cản ngôn ngữ. Đa số những người Phần trong khu tụi mình không thuận dùng tiếng Anh, họ mua sắm sẽ nói bằng tiếng Phần Lan. Nhưng vì mới qua đây tụi em không quá thạo tiếng Phần nên phải hỏi lại, song song dùng điện thoại dịch để hiểu được nhu cầu của khách hàng, để giới thiệu, mô tả về món cà phê muối.” - Minh Quân nói thêm.

“Đổi lại là cả ba phát triển kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp khá nhanh.” - Na Uy tự hào nói.

Khi còn ở Việt Nam nhóm bạn chưa từng thử buôn bán bao giờ, nhờ quyết định táo bạo lần này mà cả ba học được rất nhiều điều trong kinh doanh. Chẳng hạn như tính toán chọn lựa sản phẩm tiềm năng, tìm mua nguồn hàng ở chợ Châu Á, thử tặng cà phê để tiếp cận khách hàng. Ngoài ra, nhóm bạn cũng không pha nhiều cà phê sẵn trước ở nhà mà chọn cách đem phin ra pha tại chỗ. Mục đích làm cho khách hàng tò mò và giới thiệu cho người nước ngoài biết về cách pha cà phê bằng phin rất "Việt Nam".

Na Uy cho biết chính tình yêu thương được nhận từ mọi người là nguồn động lực để cả ba duy trì dự án.

"Khi trình bày ý tưởng, bọn mình đã xin phép và được Hội đồng thành phố, cô hiệu trưởng đồng ý. Trong khi cô hiệu trưởng nỗ lực quảng cáo giúp thì địa phương cũng không yêu cầu phải xin giấy phép kinh doanh gì cả, vì đây là thành phố nhỏ cần các hoạt động thu hút mọi người.

Những ngày lạnh, siêu thị cho phép chúng mình được bày bán bên trong cửa hàng. Cô chú đi ngang còn hỗ trợ leo thang nối điện giúp…"

Tiết lộ về doanh thu, Gia Phát tươi cười nói rằng: "Mặc dù mới bán chỉ hơn 1 tháng, nhưng theo tụi mình đánh giá thì tình hình thuận lợi lắm. Đa số người Phần Lan đều phản hồi tích cực, khen đồ uống lạ và ngon. Có rất nhiều khách hàng thử mua lần đầu và quay lại thưởng thức tiếp nhiều lần sau, và đa phần đều là khách hàng lớn tuổi."

Mỗi ly cà phê muối có giá 2 euro (53.000 đồng), cà phê sữa 1,8 euro (47.000 đồng) và cà phê đen 1,5 euro (39 nghìn đồng). Khu vực nhóm bạn sống khá thưa thớt dân cư nhưng trong 2-3 tiếng bán khoảng 20 ly. Ngày thứ 4 mở bán, trong 15 phút có đến 7 khách hàng.

Hiện tại 3 bạn nhận được hưởng ứng rất lớn trên TikTok, rất nhiều người bình luận muốn mua online. Mới đây nhóm bạn còn gây chú ý khi được lên trang nhất một tờ báo in ở Phần Lan. Về ý định phát triển dự án khởi nghiệp non trẻ này, Na Uy cho biết trước mắt sẽ mở rộng hình thức bán online trong khu vực sinh sống để tiện giao hàng và đảm bảo chất lượng cà phê vẫn còn ngon.

Nguồn: Tin Nhanh Chứng Khoán; Thời Đại; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang