Người Việt hải ngoại: Liên hiệp tại Nhật Bản; Tiến sỹ tặng sách; Đi chợ ở Phần Lan; Cô gái Pháp tìm mẹ

Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Nhật Bản: Một cộng đồng, kết nối 2 nền văn hóa

(Ảnh minh họa).

Ngày 6/4, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã diễn ra Đại hội thành lập Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Nhật Bản.

Sự ra đời của tổ chức hứa hẹn sẽ góp phần làm sâu sắc hơn cho sự phát triển của cộng đồng người Việt đang ngày một lớn mạnh tại đây. Tham dự đại hội có đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đại diện các hội, nhóm, doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản.

Ông Phạm Chiến Thắng - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy- tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã công bố quyết định Công nhận Ban thường vụ Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Nhật Bản khóa 1 nhiệm kỳ 2023-2025 gồm 9 người trong đó ông Vũ Công Tánh-chủ tịch danh dự, ông Nguyễn Hồng Sơn-chủ tịch, ông Nguyễn Bình Khiêm-phó chủ tịch thường trực. Ban thường vụ Liên hiệp hội sẽ có trách nhiệm lãnh đạo các hoạt động theo quy chế mà hội đã đề ra, đồng thời tuân thủ luật pháp của Nhật Bản và Việt Nam.

Phát biểu chúc mừng thành công đại hội, ông Nguyễn Đức Minh đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, sự ra đời của Liên hiệp hội là dấu mốc quan trọng và hết sức ý nghĩa khi diễn ra đúng vào năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Sự thành lập Liên hiệp hội là kết quả của cả một quá trình mà các hội trao đổi, thống nhất để tạo ra bước phát triển mới cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

“Hội sẽ trở thành nồng cốt để kết nối các hội người việt nam tại Việt Nam khác tạo giá trị lớn hơn, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng người việt nam tại Nhật Bản cũng như quan hệ vn nhật bản nói chung và hướng về quê hương đất nước. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản ủng hộ ý tưởng thành lập Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Nhật Bản ngay từ những ngày đầu tiên và trong thời gian tới chúng tôi sẽ luôn đồng hành và ủng hộ, hỗ trợ cho hội để chia sẻ và thực hiện những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng chung của chúng ta", ông Nguyễn Đức Minh nói.

Cộng đồng người Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Nhật Bản với khoảng hơn 500.000 người đang phát triển nhanh chóng về cả số lượng và chất lượng, mặc dù có những khó khăn nhất định trong việc thích nghi với một nền văn hóa mới lạ nhưng các hội, nhóm người Việt đang hoạt động hiệu quả và đóng góp đáng kể cho kinh tế xã hội Nhật Bản.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Tân Chủ tịch Liên hiệp hội cho biết, mục tiêu đầu tiên của Liên hiệp hội sẽ là liên kết các hội nhóm đang hoạt động và có chương trình hành động tốt để đưa đến, chia sẻ những kinh nghiệm cho hội nhóm khác, qua đó góp phần cùng kết nối và làm cho giá trị cộng đồng thêm thăng hoa.

“Với sự ra đời Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, chúng tôi hy vọng liên hiệp hội sẽ là một tổ chức để kết nối các hội nhóm của cộng đồng người Việt Nam trên toàn Nhật Bản và với mục tiêu “một cộng đồng kết nối hai nền văn hóa” cùng với các hội nhóm tạo nên các giá trị cộng đồng đồng thời đưa đến cho người Nhật Bản cái nhìn tích cực hơn về cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản”, ông Nguyễn Hồng Sơn nói./.

(Nguồn: VTV4)

TIẾN SỸ VÕ TÁ HÂN TẶNG SÁCH TRỊ GIÁ HƠN 33 TỶ ĐỒNG CHO CÁC THƯ VIỆN

10.674 cuốn sách khoa học, kỹ thuật với tổng trị giá 1,434 triệu USD (hơn 33 tỷ đồng) đã được gửi tặng Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM và 19 thư viện của các trường đại học, cao đẳng tại thành phố.

Sáng 7/4, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ trao tặng sách khoa học, kỹ thuật (trị giá hơn 33 tỷ đồng) do tiến sỹ Võ Tá Hân, kiều bào Hoa Kỳ tài trợ cho các thư viện, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Thành Chất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Dù ở bất cứ nơi đâu, người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc.

Tiến sỹ Võ Tá Hân, người Việt Nam định cư ở Hoa Kỳ trong suốt 20 năm qua đã âm thầm đóng góp cho đất nước qua những việc làm thiết thực, ý nghĩa như trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là mang hàng triệu cuốn sách quý, có giá trị về Việt Nam, góp phần phát triển tri thức cho đất nước.

Trong đợt trao tặng sách lần này, 10.674 cuốn sách khoa học, kỹ thuật với tổng trị giá 1,434 triệu USD (hơn 33 tỷ đồng) đã được gửi tặng Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và 19 thư viện của các trường đại học, cao đẳng tại thành phố.

Đây là đợt tiếp nhận, trao tặng sách lần thứ 3 từ sự vận động quyên góp, hỗ trợ của tiến sỹ Võ Tá Hân cho các thư viện, trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Trong 2 năm (2020-2021), Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh đã kết nối, hỗ trợ tiến sỹ Võ Tá Hân tiếp nhận 3.339 cuốn sách khoa học kỹ thuật do World Scientific xuất bản, trị giá 1,152 triệu USD (hơn 26 tỷ đồng), trao tặng sách đến 25 trường đại học, cao đẳng trong cả nước.

Phát biểu trực tuyến từ Hoa Kỳ, tiến sỹ Võ Tá Hân xúc động chia sẻ quá trình vận động, quyên góp sách để gửi về Việt Nam; bày tỏ niềm vui và tự hào khi số sách gửi về đã được các trường đại học, cao đẳng sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực cho sự phát triển tri thức đất nước.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, tiến sỹ đã liên hệ xin hỗ trợ sách điện tử (ebook) cho các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam.

Đến nay, nhà xuất bản World Scientific (Singapore) đã đồng ý trao tặng sách điện tử cho 5 trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh theo hình thức truy cập (không tải về) vào website của nhà xuất bản.

Theo tiến sỹ Võ Tá Hân, trước mắt, việc sử dụng ebook này sẽ được thử nghiệm tại Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh với 500 đầu sách cung cấp kiến thức, tri thức cập nhật mới nhất của thế giới (trị giá khoảng 90.000 USD), sau đó sẽ nhân rộng ra 4 trường khác.

Tiến sỹ Võ Tá Hân cũng bày tỏ mong muốn và đang triển khai các hoạt động kết nối hướng tới việc quảng bá, giới thiệu và xuất bản sách tiếng Anh của Việt Nam ra thế giới.

Tại buổi lễ, đại diện các đơn vị thụ hưởng đã gửi lời tri ân sâu sắc đến tiến sỹ Võ Tá Hân, cảm ơn tình cảm và những nỗ lực đầy trách nhiệm của tiến sỹ đối với sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Những cuốn sách của tiến sỹ Võ Tá Hân gửi về Việt Nam đã góp phần thiết thực lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, cao nhận thức về tầm quan trọng của sách, giúp sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu tiếp cận nguồn tri thức của thế giới trong quá trình giáo dục, xây dựng nền khoa học và tri thức của đất nước.
Năm 1988, tiến sỹ Võ Tá Hân bắt đầu chương trình “Books4Vietnam” quyên góp sách từ nước ngoài chuyển về Việt Nam nhằm giúp thế hệ trẻ nâng cao kiến thức, góp phần xây dựng đất nước.

Đến nay, ông đã trao tặng thư viện các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam hơn 1 triệu quyển sách về khoa học, kỹ thuật.

Nguồn sách do tiến sỹ Võ Tá Hân trao tặng góp phần tạo nguồn lực thông tin tri thức về khoa học-kỹ thuật, tạo môi trường học tập, nghiên cứu thuận lợi cho cán bộ giảng dạy, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trên cả nước.

(Nguồn: Quê Hương Online)

Người Việt ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới kể chuyện đi chợ giữa thời lạm phát: Giá tăng phi mã, toàn rau quả nhập khẩu tươi rói đắt cũng phải mua

(Ảnh minh họa).

Người Việt ở Phần Lan kể chuyện đi chợ thời "bão giá", cứ chợ nào bán rẻ là đi, phải cân đối chi tiêu để đảm bảo ổn định cuộc sống.

Lạm phát, bão giá là những cụm từ mà chúng ta có thể nghe thấy ở bất kỳ đâu và ở nhiều quốc gia trên thế giới trong giai đoạn này. Khi mà tiền lương thì chẳng tăng mấy, thậm chí còn giảm, thì giá lương thực thực phẩm cứ tăng ào ào như thể chạy đua với sức chịu đựng và khả năng hoạch định, tính toán chi tiêu của mọi người.

Ở đất nước 6 năm liền giữ danh hiệu "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới" là Phần Lan, người dân cũng không nằm ngoài "cuộc chiến" với lạm phát. Cộng đồng người Việt ở Phần Lan cũng ít nhiều chịu tác động. Bài toán đặt ra là mỗi người đều phải cân đối chi tiêu để đảm bảo cuộc sống ổn định.

Mới đây, bạn Quế Thanh (quê thành phố Hồ Chí Minh), người đã có thời gian 6 năm học tập và làm việc ở Phần Lan, đã dựng hẳn một video chia sẻ lên Youtube về cách gia đình mình (gồm 2 vợ chồng trẻ) chi tiêu để đảm bảo cân đối giữa thời "bão giá".

Bạn Thanh sang Phần Lan vào năm 2015 theo diện du học ngành Kinh doanh Quốc tế (International Business) ở Turku, cố đô Phần Lan. Chồng của cô cũng là du học sinh. Sau khi tốt nghiệp chồng Thanh xin việc và đi làm ở Phần Lan còn cô về Việt Nam vào năm 2020 khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Khi dịch lắng xuống, cô được chồng bảo lãnh sang theo diện đoàn tụ gia đình. Hiện tại gia đình cô đang sống ở thủ đô Helsinki.

Thanh tâm sự: "Thật ra nếu sống ở Phần Lan trong một thời gian dài, sẽ cảm thấy Phần Lan như nhà của mình vậy đó. Lúc về Việt Nam, mình cũng thấy nhớ Phần Lan. Ngoài việc chính phủ luôn có nhiều chính sách hỗ trợ dân nhập cư, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại đây, hay du học sinh như mình, thì việc người Phần Lan cực kỳ thân thiện, môi trường sống an toàn cũng là thứ khiến mình thấy sống ở đất nước này rất lý tưởng".

Mình đã đi du lịch châu Âu rất nhiều rồi, tầm gần 20 nước. Theo mình, sự khác biệt lớn nhất của Phần Lan so với các nước khác vẫn là an sinh xã hội", Thanh cho biết thêm.

Chia sẻ về câu chuyện giá cả tăng vọt thời lạm phát, Thanh cho biết Phần Lan cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều. Bản thân cô thấy so với hồi năm 2020, giá cả lương thực thực phẩm có vẻ tăng 5 - 10% tuỳ mặt hàng. Tất nhiên, dù giá cả tăng cao nhưng không thể không mua ăn được.

Bên cạnh đó, vì điều kiện thời tiết không thể trồng nhiều loại rau nên đa số các loại rau ở Phần Lan đều phải nhập khẩu, chẳng hạn như từ Tây Ban Nha, Nam Mỹ... Nông dân ở đây chỉ có thể trồng được các loại củ như khoai tây, cà rốt... Vì thế mà giá nhập khẩu cũng cao hơn so với tự sản xuất.

Mỗi tháng đi chợ, vợ chồng cô tiêu hết khoảng 500-600 euro (tương đương 12-15 triệu đồng). Đó là còn chưa kể cô được hỗ trợ ăn trưa ở công ty. Thanh nói: "Mình thấy mức chi tiêu cho riêng đồ ăn thức uống như vậy so với ở Việt Nam thì khá cao, nhưng còn tùy thuộc vào mức lương của từng gia đình và điều kiện riêng. Bản thân mình thấy vợ chồng mình chi tiêu như vậy là hợp lý. Đấy là bọn mình còn ít khi ra ngoài ăn hàng".

Trong video chia sẻ trên kênh Youtube cá nhân, Thanh cho biết vợ chồng cô thường đi chợ theo tuần. Mỗi tháng đi khoảng 4 lần để mua đồ ăn. Cả 2 phải đi tổng cộng 3 chợ cho 1 lần: chợ địa phương (tức chợ của người Phần Lan), chợ Lidl (chợ Đức), và chợ châu Á. Nếu ai là du học sinh có lẽ sẽ biết chợ Lidl vì ở đây bán đồ khá rẻ. Nó được xem là chợ rẻ nhất tại Phần Lan.

Cô thường mua rau củ quả trong chợ địa phương vì đồ ở đó rất tươi, sạch, thậm chí về chỉ cần rửa sơ qua cũng có thể ăn luôn được.

Sau thời gian 6 năm sống ở Phần Lan, Thanh nhận thấy người dân bản địa cũng có thói quen đi chợ khá giống ở Việt Nam. Việc đi chợ thường xuyên hay không sẽ tuỳ thuộc vào từng nhà. Thanh cũng để ý thấy rằng người lớn tuổi bên này họ rất thích đi chợ, nó như kiểu một hoạt động trong ngày của họ vậy.

Cô nói: "Mình thấy đi chợ ở Phần Lan khá dễ dàng với mình, vì mọi thứ nó rõ ràng. Hầu hết ở đây mọi người sẽ đi siêu thị vì siêu thị ở bên đây cũng khá giống chợ. Ở mỗi khu vực đều có siêu thị, nhỏ lớn đều đủ cả, nên cũng tiện lợi.

Tuy nhiên, họ vẫn cũng có chợ truyền thống, và chợ thì thông thường giá sẽ đắt hơn siêu thị, có thể vì đồ tươi hơn".

Còn chợ châu Á, Thanh nhận thấy hàng hóa cũng khá đầy đủ để cô có thể nấu những bữa cơm gia đình như ở Việt Nam. Các mặt hàng đa dạng, tuy nhiên giá cả sẽ đắt hơn ở Việt Nam. Thanh thường vào chợ châu Á để mua gia vị, còn lại nếu mua được ở siêu thị thì cô sẽ mua luôn.

(Nguồn: Afamily)

Cô gái Pháp khát khao tìm người mẹ Việt chỉ với "manh mối" duy nhất

Bé gái bị mẹ ruột bỏ rơi từ khi lọt lòng, được một cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi. Sau 25 năm, cô bắt đầu hành trình tìm về nguồn cội, dù với những thông tin ít ỏi.

Điều duy nhất về mẹ

Từ TP Toulouse (miền Nam nước Pháp), Colomba Thanh (25 tuổi, sinh viên) bày tỏ khát khao tìm kiếm người mẹ Việt, vì cô biết "nếu không bây giờ hoặc sẽ không bao giờ". Những gì Colomba biết về nguồn gốc của mình, gói gọn trong tờ giấy khai sinh và biên bản trẻ bị bỏ rơi.

Cô gái Pháp có tên khai sinh là Trần Thị Thanh, sinh ngày 13/7/1998, tại Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM). Phần thông tin về cha mẹ trong giấy khai sinh bị bỏ trống. Nhiều giấy tờ chưa chính thống cho biết Thanh còn có hai anh trai.

Theo biên bản trẻ bị bỏ rơi, mẹ ruột của Thanh là bà Trần Thị Hoa, được xác định đã bỏ rơi con tại bệnh viện. Đứa trẻ được đưa đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (TPHCM), trước khi được một cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi.

Năm 1998, ông Didier (39 tuổi) và bà Christine (38 tuổi) đã đến Việt Nam gửi hồ sơ tới một số trại trẻ mồ côi. Họ mong muốn nhận nuôi một bé trai người Việt, bởi 5 năm trước đã hạ sinh một bé gái.

Sau một tuần, cặp vợ chồng quyết định đón Thanh về nhà, trái với ý định ban đầu. Họ ở lại Việt Nam trong hai tháng chờ làm các thủ tục đưa con gái nuôi về Pháp.

"Từ lúc nhận thức được, tôi luôn biết mình không phải con đẻ của bố mẹ bởi sự khác biệt về ngoại hình giữa hai chị em", Thanh nói, miêu tả mái tóc đen, thẳng của mình không giống với bộ tóc vàng, xoăn của chị gái.

Tính cách hai chị em cũng trái ngược nhau. Thanh điềm tĩnh và hướng nội, trong khi chị gái vô cùng năng động. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản họ yêu thương và quan tâm nhau.

"Được một gia đình người Pháp nhận nuôi, tôi đã chịu đựng sự phân biệt từ khi còn nhỏ. Ngay cả hiện tại, tôi vẫn thường nghĩ rằng mọi người không coi tôi là một phụ nữ Pháp, vì tôi không phải người da trắng", Thanh tâm sự.

Sống trong tình thương của bố mẹ nuôi, nhưng cô gái gốc Việt chưa bao giờ thôi trăn trở về nguồn gốc của mình. Cô mong muốn biết bố mẹ ruột của mình là ai. Điều này càng trỗi dậy mãnh liệt khi cô đủ trưởng thành để quyết định cuộc đời mình.

"Dù tôi được sinh ra từ bất cứ hoàn cảnh nào, tôi vẫn muốn biết sự thật", Thanh nói.

Cô gái 25 tuổi đã làm nhiều cách để tìm kiếm mẹ ruột, nhờ một số người bạn Việt Nam đăng tải thông tin lên các trang mạng xã hội, nhưng chưa có kết quả. Điều duy nhất cô biết về mẹ mình, chỉ là cái tên Trần Thị Hoa.

"Các giấy tờ không thống nhất về tên người mẹ, nên tôi không biết cái tên đó có chính xác hay không?", cô kể.

Hành trình gian nan nhưng không bỏ cuộc

Colomba Thanh quen biết chị Phan Thị Quỳnh Liên (27 tuổi, sống và học tập tại Pháp) thông qua một sự kiện. Họ kết thân với nhau từ những cuộc nói chuyện về văn hóa, lễ Tết và con người Việt Nam.

Biết Thanh đang tìm kiếm mẹ ruột người Việt, Liên đã hỗ trợ đăng bài lên hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, hy vọng câu chuyện được quan tâm và lan tỏa. Hai cô gái thừa nhận đã gặp nhiều khó khăn, vì thông tin người mẹ rất ít và không chắc chắn.

"Chúng tôi cũng đã liên hệ với một YouTuber người Việt thường giúp đỡ tìm kiếm gia đình cho các con nuôi người Pháp. Anh ấy bảo rằng những bà mẹ bỏ rơi con thường khai tên giả, nên chỉ dựa vào tên người mẹ thì hy vọng rất mong manh", Liên nói.

Video về trường hợp của Colomba Thanh sau đó được đăng tải lên YouTube, một người phụ nữ tự nhận là dì đã liên hệ với cô, song thông tin không trùng khớp. Thanh buồn, nhưng nghĩ đến người bạn gốc Việt khác đã tìm thấy mẹ bằng cách liên hệ với bác sĩ sản khoa, cô lại có thêm động lực để tiếp tục hành trình gian nan này.

"Tôi không oán hận mẹ mà luôn tôn trọng mọi quyết định của bà. Tôi chỉ muốn biết vì sao mình bị bỏ rơi, phải chăng lúc đó mẹ không còn lựa chọn nào khác mà đau khổ bỏ rơi tôi hay không?", Thanh tâm sự.

Tháng 7 tới, cô sẽ về Việt Nam, lần đầu tiên kể từ khi được bố mẹ Pháp nhận nuôi. Cô gái trẻ thực sự muốn biết quê hương của mình trông như thế nào, 3 miền Bắc - Trung - Nam đặc biệt ra sao, từ đó hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam.

Nhân chuyến đi này, Thanh cũng dự định sưu tầm hình ảnh, tư liệu, để tổ chức một triển lãm nhỏ khi quay lại Pháp.

Cô chia sẻ đang học tiếng Việt, để ngày gặp mẹ, có thể nói với bà: "Mẹ thân mến, con đã sống thật hạnh phúc và khỏe mạnh tại Pháp. Con không trách, càng không oán giận, mà luôn nghĩ về mẹ mỗi ngày".

"Tôi hy vọng có một phép màu để Colomba gặp lại mẹ. Cô ấy rất muốn biết mẹ hiện sống ra sao, cũng như muốn bà ấy biết mình đang rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, bên gia đình bố mẹ nuôi", Liên gửi gắm.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang