Người Việt hải ngoại: Liên hiệp Hội người Việt tại Đức; Thắt chặt đoàn kết tại Thụy Sĩ; Giảng viên đại học ở Mỹ

Đại hội thành lập Liên hiệp Hội người Việt tại Đức

(Ảnh minh họa).

Ngày 3/12, tại hội trường Nhà Văn hóa Trung tâm thương mại Đồng Xuân ở thủ đô Berlin, Đại hội thành lập Liên hiệp hội người Việt tại CHLB Đức đã diễn ra với sự tham gia của nhiều khách mời và trên 300 đại biểu, đại diện cho hơn 80 tổ chức, hội đoàn người Việt, nhân sĩ, trí thức đang sinh sống và làm việc tại 16 bang trong cả nước Đức. Đây là dấu mốc mới mang ý nghĩa quan trọng khẳng định tình đoàn kết và sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Đức.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tại đại hội, sau khi các đại biểu đã thảo luận và thông qua điều lệ hội, nhất trí đặt tên hội là “Liên hiệp Hội người Việt tại CHLB Đức”, thông qua phương hướng và nhiệm vụ của hội, các đại biểu đã tiến hành bỏ phiếu kín và nhất trí bầu ra ban chấp hành gồm 40 thành viên, trong đó ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng Giám đốc Trung tâm thương mại Đồng Xuân Berlin, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch. Giáo sư Nguyễn Xuân Thính, giảng viên Trường Đại học Kỹ thuật Dortmund - CHLB Đức được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực cùng 6 Phó Chủ tịch khác.

Phát biểu tại đại hội, Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh khẳng định Đại hội thành lập Liên hiệp Hội người Việt tại Đức là một sự kiện được mong đợi từ rất lâu. Bởi với trên 200.000 người Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Đức, nhu cầu và lợi ích của cộng đồng về một “ngôi nhà chung” để đại diện cho quyền lợi chính thức của cộng đồng người Việt Nam là hết sức rất cần thiết. Việc Đại hội thông qua được điều lệ được xem như định hướng cho sự phát triển của Liên hiệp hội trong thời gian tới và đặc biệt hơn việc bầu ra một ban chấp hành của Liên hiệp Hội với đủ thành phần, đến từ mọi miền của nước Đức thực sự cho thấy ban trù bị và ban tổ chức đã làm việc nghiêm túc và dành nhiều công sức trong hơn một năm qua.

Theo Đại sứ Vũ Quang Minh, những gương mặt xứng đáng đại diện cho cộng đồng người Việt Nam ở Đức sẽ thực sự đóng góp vào sự phát triển cũng như quyết tâm xây dựng một cộng đồng người Việt Nam vững mạnh ở sở tại.

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Hiền khẳng định với gần 200.000 người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc, khoảng 10.000 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh đủ các ngành nghề, cộng đồng người Việt đang là một cộng đồng châu Á lớn mạnh, được đánh giá cao trong quá trình hội nhập tại Đức. Ông cho biết trước đây, các tổ chức hội đoàn người Việt đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản về hội đoàn đặt ra tại địa phương, hay tổ chức chuyên môn, nhưng vẫn thiếu một “mái nhà chung”, Liên hiệp Hội người Việt tại Đức được thành lập sẽ là một tổ chức đại diện cho tiếng nói chung của cộng đồng ở cấp liên bang nhằm phối hợp, hỗ trợ, liên kết hoạt động các hội đoàn người Việt ở mọi địa phương trên mọi lĩnh vực.

Không chỉ là một tổ chức phi lợi nhuận, tập hợp rộng rãi các hội đoàn, cá nhân người Việt, gốc Việt, không phân biệt quốc tịch, Liên hiệp Hội còn là tổ chức phục vụ, bảo vệ, đại diện cho quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt, đóng góp và xây dựng một cộng đồng người Việt ngày càng vững mạnh, đoàn kết, phát triển, tiếp tục hội nhập thành công, có vai trò vị thế ngày càng cao đối với hai quê hương Đức và Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Hiền khẳng định sự ra đời của Liên hiệp Hội cũng đóng góp tích cực vào việc vun đắp, xây dựng tình hữu nghị truyền thống và hợp tác cùng có lợi Việt Nam - Đức và Đức - Việt Nam vì hòa bình hợp tác, tiến bộ xã hội, khu vực và trên toàn thế giới.

Thắt chặt tình đoàn kết của cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ

Hội hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam cùng cộng đồng người Việt Nam ngày 3/12 đã tổ chức Ngày Đoàn kết 2023 tại thành phố Zurich.

Phát biểu tại sự kiện, ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho biết lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ về tinh thần và vật chất, các dự án của Hội hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam triển khai tại Việt Nam góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cũng như những đóng góp của Hội Người Việt Nam tại Thụy Sĩ và cộng đồng người Việt Nam nói chung tại Thụy Sĩ hướng về quê hương, có nhiều hoạt động ý nghĩa như dạy tiếng Việt cho trẻ em, duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam, hỗ trợ cho đồng bào khó khăn ở trong nước.

Ông khẳng định: “Hội hữu nghị Thụy Sĩ – Việt Nam và Hội người Việt Nam ở Thụy Sĩ luôn hỗ trợ, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bern, cũng như Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva trong các hoạt động thúc đẩy giao lưu nhân dân, văn hóa, cũng như hỗ trợ quyên góp giúp đỡ đồng bào khó khăn ở Việt Nam, qua đó động viên cộng đồng người Việt Nam ở Thụy Sĩ và ở các nước khác cùng hướng về quê hương Việt Nam, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Thụy Sĩ và người Việt Nam”.

Cũng tại sự kiện, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai điểm lại những đóng góp trong nhiều năm qua của Hội hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam và hy vọng các thành viên của Hội Hữu nghị Thụy Sĩ -Việt Nam, Hội Người Việt Nam tại Thụy Sĩ tiếp tục duy trì và mở rộng các hoạt động của hai Hội, thu hút thêm nhiều người Thụy Sĩ, cộng đồng người Việt Nam ở nhiều bang khác nhau của Thụy Sĩ tham gia.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam, bà Anjuska Weil bày tỏ tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Bern cùng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, các chương trình giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam sẽ được triển khai nhiều hơn trong thời gian tới. Bà cho biết: “Hôm nay, tôi rất vui khi mọi người tới đây với mong muốn đóng góp cho thành công của sự kiện. Chúng tôi luôn nỗ lực để thể hiện tình đoàn kết vì các trường hợp gặp khó khăn ở Việt Nam”.

Cùng tham gia sự kiện Ngày Đoàn kết 2023 tại Zurich còn có đại diện tới từ cộng đồng người Việt tại Pháp và Italy, cũng như các học sinh đang theo học ở trường Bình Minh. Sự kiện diễn ra trong bầu không khí vui tươi, đầm ấm với nhiều chương trình phong phú, đa dạng như các tiết mục ca hát và múa rối của các bé thiếu nhi và học sinh trường Bình Minh, màn biểu diễn của ca sĩ Bích Hường tới từ Bologna, cùng nhiều tiết mục văn nghệ khác của cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ.

Từ cậu bé Điện Biên đến giảng viên đại học ở Mỹ

(Ảnh minh họa).

PGS.TS Vũ Tiến Hồng hiện là giảng viên báo chí tại Đại học Kansas (Hoa Kỳ). Cho đến sau khi học thạc sĩ, ông chưa từng nghĩ mình sẽ làm nghề giáo.

PGS.TS Vũ Tiến Hồng đã công bố gần 40 bài báo khoa học về lĩnh vực báo chí truyền thông. Thỉnh thoảng ông về Việt Nam nói chuyện với học viên sau đại học ở các trường, trao đổi học thuật...

Nghề chọn người

Khi còn trẻ, ông có từng nghĩ mình sẽ đi Mỹ làm giảng viên không?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Cuối những năm 1980 đầu 1990, đó là vùng rất hẻo lánh. Cho đến khi hết THPT, tôi vẫn chưa được học tiếng Anh vì trên đó không có giáo viên. Thế nên mãi đến khi học xong đại học, đi làm nhiều năm, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ đi Mỹ nói gì đến việc làm giảng viên ở đại học Mỹ.

Vậy cơ duyên nào đưa ông làm giảng viên đại học Mỹ?

- Năm 1995, sau khi tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ học, công việc tôi tìm được đầu liên là phóng viên, rồi đi làm kinh doanh, tư vấn, tổ chức các khóa dạy tiếng và văn hóa Việt cho người nước ngoài, làm cho Đại sứ quán Úc tại Hà Nội...

Nói chung giai đoạn này tôi làm rất nhiều công việc khác nhau rồi sau đó lại quay về làm cho một tờ báo điện tử. Làm báo điện tử một thời gian, tôi chuyển qua làm cho Hãng tin AP. Tôi không học báo chí nên có những câu hỏi về nghề báo mà lúc đó tôi không trả lời được.

Làm cho AP được 3 năm, tôi quyết định dừng lại và đi học để tìm câu trả lời. Tôi nhận được học bổng Fulbright năm 2009 với dự định học xong sẽ quay lại làm báo. Thế nhưng có những ngã rẽ mình không lường trước được, không theo dự tính ban đầu.

Chương trình đã gửi tôi đến học tại Đại học Kansas - một đại học nghiên cứu ở Mỹ. Sau khi hoàn thành thạc sĩ, tôi nhận được học bổng tiến sĩ tại Đại học Texas ở Austin. Năm 2015, tôi hoàn thành tiến sĩ và ứng tuyển vị trí giảng viên ở các đại học Mỹ. Hai trường chấp nhận, trong đó có Đại học Kansas, và tôi làm việc ở đó đến nay.

Ông nói hết THPT vẫn chưa học tiếng Anh. Vậy ông đã học tiếng Anh như thế nào để đủ điều kiện du học Mỹ?

- Tới cuối năm 3 đại học, tôi mới học tiếng Anh ở trung tâm bên ngoài. Tốt nghiệp đại học, tôi có chứng chỉ B tiếng Anh. Khi ra trường, vừa làm báo, tôi vừa dạy kèm tiếng Việt cho người nước ngoài. Đó là cách để có thêm thu nhập, vừa có thể học tiếng Anh. Tôi học tiếng Anh theo kiểu thực hành như vậy. Dần dần tiếng Anh tốt lên.

Với tôi, tiếng Anh dù học muộn nhưng nó mở ra cho mình cả thế giới. Tôi không đến lớp học tiếng Anh nên chật vật lắm. Bằng B không đủ để giúp mình giao tiếp nên mình nói họ không hiểu, họ nói mình cũng ú ớ. Lúc đó tôi toàn phải viết ra. Đi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài thì thường xuyên phải mang từ điển to đùng.

Mình học tiếng Anh viết chủ yếu bằng cách đọc báo. Mình thường bắt buộc bản thân là có những ngày chỉ đọc báo tiếng Anh. Rồi dán đầy những cái sticker ở chỗ đánh răng, cạnh giường ngủ để xung quanh mình toàn tiếng Anh hết.

Mình bắt buộc mình phải đọc sách tiếng Anh, mới đầu đọc cứ u u mê mê vì quá nhiều từ mới nhưng dần dần mình đọc nhanh hơn, học luôn cách viết qua việc đọc. Tiếng Anh giúp mở ra cho mình những cái nhìn khác, cũng thấy đổi cơ hội làm việc của mình.

Gắn bó nghề giáo 8 năm, ông thấy nghề này thế nào?

- Ở quê tôi ngày trước, người ta chỉ nói đến các nghề phổ biến như giáo viên, bác sĩ hay bộ đội. Nghề giáo đòi hỏi sự mô phạm, nghiêm túc. Tôi thích đùa giỡn nên cảm thấy mình không hợp và cũng chưa từng có ý niệm sẽ làm giáo viên.

Lúc đó tôi thích làm nhà văn nên mới thi vào khoa văn, sau đó chuyển qua ngành ngôn ngữ. Nghề giáo đã chọn mình chứ ban đầu mình không chọn nghề giáo.

Tuy nhiên, qua thời gian làm nghề, tôi lại cảm thấy càng thích nghề này. Tôi yêu nghề báo vì sự phóng khoáng. Được dạy các bạn làm báo về nghề lại càng thích.

Tôi dạy cho các bạn kỹ năng làm báo, khuyến khích các bạn đọc nhiều, nghiên cứu nhiều. Điều này giúp mình có cái nhìn tổng quan về báo chí, có thể trả lời và lý giải những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp.

Giảng viên ở Việt Nam dạy quá nhiều

Ông thấy giáo dục đại học Mỹ và Việt Nam có nhiều khác biệt không?

- Khác nhiều. Theo cảm nhận của tôi, giáo dục phổ thông Việt Nam rất nặng trong khi lên đại học, sau đại học lại nhẹ nhàng. Ở Mỹ thì ngược lại. Phổ thông học nhẹ và nặng dần khi học các bậc cao hơn. Chẳng hạn khi tôi học thạc sĩ, phải học toàn thời gian và áp lực kinh khủng, chứ không vừa làm vừa học thạc sĩ như Việt Nam.

Giảng viên đại học ở Mỹ cũng chia ra tùy vào đại học nghiên cứu hay giảng dạy. Ở các đại học nghiên cứu như Kansas, thời gian dạy khoảng 40%, nghiên cứu 40%, còn lại làm các công việc khác của trường.

Nguồn thu của Kansas đến từ nhiều nguồn khác nhau như hiến tặng của cựu sinh viên, hỗ trợ của chính phủ. Các nguồn như học phí và tiền tài trợ nghiên cứu cũng rất quan trọng. Do đó trường không quá bị áp lực về doanh thu để chi trả cho hoạt động.

Tôi thấy giảng viên đại học Việt Nam phải dạy rất nhiều, thậm chí còn dạy nhiều trường. Có thể vì số lượng giảng viên ít, nguồn thu của các trường hay vì áp lực kinh tế của bản thân mà giảng viên phải căng mình đi dạy. Giảng viên không bị áp lực kinh tế đè nặng sẽ thoải mái hơn trong việc giảng dạy và nghiên cứu.

Ông có thường kết nối với các đại học, giảng viên ở Việt Nam?

- Khi có thời gian, tôi về Việt Nam trao đổi cùng các trường đại học và học viên tại Việt Nam. Một số bài báo khoa học tôi và các giảng viên Việt Nam phối hợp thực hiện. Tôi may mắn hơn nhiều đồng nghiệp Việt Nam khi được đào tạo và được tạo điều kiện nghiên cứu.

Có thể thấy, nhu cầu nghiên cứu và công bố quốc tế của các đại học và giảng viên Việt Nam tăng lên trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, tôi thấy giảng viên (lĩnh vực nhân văn) có số giờ dạy nhiều, lại không được đào tạo các kỹ năng theo hướng xuất bản quốc tế. Là người Việt, tôi muốn làm cùng với các giảng viên Việt Nam để học hỏi lẫn nhau.

Nguồn: Báo Tin Tức; Thời Đại; Tuổi Trẻ

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang