Người Việt hải ngoại: Lễ hội mùa xuân tại Yale; Lễ hội VN tại Nhật; Cơ hội giao lưu tại Đức; Hương vị Việt ở Vancouver

Lễ hội mùa xuân của sinh viên Đông Nam Á tại Yale

(Ảnh minh họa).

Tuần qua, Hội đồng Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Yale ở thành phố New Haven thuộc bang Connecticut (Mỹ) đã tổ chức Lễ hội mùa xuân Đông Nam Á để các sinh viên có thể ăn mừng, chia sẻ và học hỏi từ các nền văn hóa của nhau.

Theo trang Yale News, hơn 50 người gồm sinh viên, giảng viên, nhân viên và gia đình họ ngày 31.3 đã tập trung tại hội trường Luce của Yale để thưởng thức các món ăn Đông Nam Á như cà ri xanh Thái Lan, gỏi gà Việt Nam và thịt nướng Satay Indonesia. Họ còn được xem các tiết mục văn hóa của Philippines, Thái Lan, VN, Lào và các nước Đông Nam Á khác.

Lễ hội thường niên này được bắt đầu tổ chức vào năm 2003 và đây là lần đầu tiên lễ hội quay lại sau 3 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19. Tại sự kiện, các sinh viên lớp Việt ngữ 120 và Việt ngữ 142 đã hát bài dân ca Bèo dạt mây trôi. Các thành viên của Hội Sinh viên VN tại Yale sau đó còn mặc áo dài trình diễn tiết mục múa quạt.

Ông Erik Harms, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Đông Nam Á, cho biết mục tiêu của đơn vị này là đa dạng hóa chương trình giảng dạy và các lớp ngôn ngữ Đông Nam Á tại Yale. "Không có nhiều sinh viên và học giả Đông Nam Á trong các trường đại học, không chỉ ở Yale mà trên khắp nước Mỹ. Điều này thật đáng tiếc vì Đông Nam Á là nơi có một số nền kinh tế năng động nhất, các hình thức văn hóa và sự đa dạng sinh thái quan trọng nhất", ông Harms chia sẻ và cho biết đang có kế hoạch thúc đẩy việc cung cấp nhiều cơ hội, học bổng cho khu vực Đông Nam Á hơn và mở rộng các lớp ngôn ngữ để có thêm nhiều luận án, bài nghiên cứu đẳng cấp thế giới.

(Nguồn: Thanh Niên)

Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản: Cầu nối giao lưu văn hóa giữa hai nước

Ngày 8/4, Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản đã khai mạc tại công viên Ikebukuro, thủ đô Tokyo. Lễ hội là dịp để cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản và các bạn Nhật Bản quan tâm yêu quý Việt Nam có cơ hội giao lưu, hiểu biết lẫn nhau.

Với hơn 20 gian hàng tại lễ hội, bạn bè Nhật Bản và quốc tế tại thủ đô Tokyo được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc do các nghệ sĩ hai nước biểu diễn cũng như trực tiếp trải nghiệm những món ăn truyền thống nổi tiếng của Việt Nam.

Ngoài ra, trong suốt 2 ngày diễn ra lễ hội (8-9/4), nhiều hoạt động quảng bá về đất nước, con người, du lịch Việt Nam được Đại sứ quán và các doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp tổ chức.

Theo ông Nguyễn Đức Minh, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, lễ hội là cơ hội để cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản và đông đảo người dân bản địa cùng gặp gỡ giao lưu, thưởng thức các món ăn ngon của Việt Nam, nghe những bài hát của Việt Nam, qua đó cảm nhận rõ hơn về quan hệ ngày càng gắn bó giữa hai nước.

Ông Kei Takagi, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho biết, sau lễ hội này sẽ có nhiều hoạt động giao lưu sôi động giữa hai nước, không chỉ là giao lưu nhân dân, địa phương mà còn giao lưu ở cấp chính phủ. Thông qua các hoạt động giao lưu chắc chắn sẽ có nhiều người Nhật Bản quan tâm đến Việt Nam hơn, lựa chọn Việt Nam là điểm đến du lịch.

Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2008, các Lễ hội Việt Nam tại Tokyo hàng năm đã trở thành cầu nối giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia. Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển tốt đẹp, trên tinh thần đối tác chiến lược sâu rộng, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Trong đó Lễ hội Việt Nam đã trở thành hoạt động giao lưu thường niên của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản, qua đó cũng góp phần quan trọng vào việc tăng cường hợp tác, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.

(Nguồn: Việt Báo)

Cơ hội giao lưu cho giới trẻ Việt tại Đức

(Ảnh minh họa).

Dự kiến hội trại thanh niên sinh viên Việt Nam trên toàn nước Đức sẽ diễn ra vào tháng 8-2023.

Ước tính 700 người sẽ tham gia sự kiện tiếp nối truyền thống của phong trào sinh viên Việt Nam tại Đức nói chung và tiếp nối sự thành công của Trại hè sinh viên Hamburg 2022 nói riêng này.

Tại cuộc họp báo ngày 1-4 do Ban Chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam tại Đức (SiviDuc) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt thực hiện, SiviDuc cho biết trại hè năm nay tổ chức ở Frankfurt - thành phố có số sinh viên, học sinh người Việt khá đông tại Đức.

Trong 3 ngày 2 đêm (từ ngày 11 đến 13-8), hội trại sẽ mang đến nhiều hoạt động thú vị và bổ ích, như hội thảo khoa học - hướng nghiệp, các chương trình văn nghệ, thể thao...

Theo SiviDuc, mục tiêu của trại hè là kết nối cộng đồng người Việt Nam trên toàn nước Đức với nhau, không chỉ đem lại một trải nghiệm tuyệt vời, đáng nhớ mà còn góp phần tạo cơ hội phát triển toàn diện cho thế hệ trẻ Việt Nam ở đây.

Hội trại vừa là nơi để các bạn trẻ giao lưu, học hỏi, tương trợ lẫn nhau vừa là nơi gìn giữ, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ở xứ người, chứng minh được rằng đồng bào Việt Nam ở nơi xa quê hương vẫn luôn thương yêu, đoàn kết và giúp đỡ nhau.

Theo TTXVN, không chỉ nhắm đến du học sinh, thanh thiếu niên đang sinh sống, học tập, làm việc tại Đức, hội trại thanh niên sinh viên Việt Nam trên toàn nước Đức còn mong muốn kết nối nhiều hơn với các Việt kiều, với các anh chị, con em thế hệ thứ hai, thứ ba sinh sống tại Đức.

Thông qua chủ đề "Phố trong làng", hội trại hy vọng vẽ nên bức tranh tổng thể về cuộc sống của người Việt giữa đô thị hiện đại. Nếu "làng" là hình ảnh ẩn dụ nét đẹp văn hóa, truyền thống của người Việt thì "phố" tượng trưng cho lối sống hiện đại gắn liền với những tòa nhà chọc trời, trung tâm mua sắm, những chuyến tàu điện xuyên đêm dọc TP Frankfurt.

Trong "làng có phố" và trong "phố có làng", mối liên hệ hòa quyện này cho thấy sự hiện diện của cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc trên nước Đức.

Với hội trại này, SiviDuc nói chung và Hội Sinh viên Frankfurt nói riêng còn muốn triển khai nhiều lớp trao đổi ngôn ngữ Đức - Việt, trong đó có dạy tiếng Việt cho các Việt kiều, để thế hệ trẻ không quên tiếng mẹ đẻ cũng như gìn giữ được văn hóa Việt Nam trên quê hương thứ hai của mình.

Phát biểu tại buổi họp báo nêu trên, ông Phan Quang Văn, Bí thư thứ nhất phụ trách hợp tác giáo dục và quản lý lưu học sinh tại Đức, đánh giá cao việc tổ chức một sân chơi bổ ích cho thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Đức.

Theo ông Văn, các hoạt động của hội trại đều hướng tới lan tỏa tinh thần thanh niên sinh viên lành mạnh; phát huy, cổ vũ tinh thần học tập, nghiên cứu khoa học và sáng tạo khởi nghiệp; ngoài kết nối cùng nhau còn góp phần đưa hình ảnh Việt Nam tới gần hơn với bạn bè Đức và quốc tế.

(Nguồn: Người Lao Động)

Obanhmi- hương vị Việt ở Vancouver

Tròn bốn năm kể từ khi Obanhmi xuất hiện trên con phố Vancouver (Canada), tưởng chừng bánh mì - món ăn dân dã chỉ phù hợp với đường phố Việt Nam, ấy vậy mà nó đã và đang ngày càng đến gần hơn với thực khách quốc tế, chinh phục khẩu vị của bạn bè quốc tế.

Mang hương vị quê nhà đến với xứ sở lá phong

Cái tên “Obanhmi” mang nét nghĩa vô cùng đặc biệt, nó là phiên âm của từ “ổ bánh mì” để người nước ngoài có thể dễ dàng nhận diện được đây là món ăn truyền thống của người Việt. “ Đặt tên cho một doanh nghiệp theo tên sản phẩm có thể là một cách đơn giản và hiệu quả để tạo ra sự nhận diện thương hiệu và truyền tải sản phẩm chính của doanh nghiệp. Nó cũng nói lên tính chất không phải là quá cầu kỳ của các nhà hàng của chúng tôi”, anh Eric D - một trong những người sáng lập nên Obanhmi chia sẻ.

Sinh sống và làm việc tại Vancouver đến nay đã sang năm thứ 20, anh Eric D nhận thấy rằng nhu cầu cho các nhà hàng phục vụ đồ ăn nhanh Việt Nam rất cao trong vùng British Columbia, việc bắt đầu một nhà hàng trong một không gian vốn đã đông đúc có thể vừa đầy thử thách lại cũng đầy hứa hẹn. Từ đó, anh cùng với những người bạn của mình ấp ủ dự định mở chuỗi quán ăn bánh mì Việt Nam, biến bánh mì trở thành một tên gọi phổ biến trong mỗi gia đình người nước ngoài và dễ dàng tiếp cận giống với các món ăn nhanh như hamburger, Submarine sandwiches hay gà rán KFC. Tháng 03/2019, quán bánh mì Obanhmi lần đầu tiên đến với thực khách Vancouver với menu đầy ắp những món bánh mì bắt mắt hấp dẫn.

Biến những thách thức trở thành cơ hội

Để cho ra những ổ bánh mì mang đậm lúa non nước Việt không phải là một điều đơn giản, anh Eric D cùng với những người bạn đã phải đi trên con đường không mấy dễ dàng. Xuất phát từ một người con xa xứ nhớ quê hương dân tộc, anh Eric D cùng với những người khác đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm hương vị chung để vừa giữ được bản sắc dân tộc trong mỗi chiếc ổ bánh, vừa có thể đáp ứng được khẩu vị của người dân nơi đây.

Tưởng chừng đây sẽ là một bài toán nan giải nhưng thật may mắn, đa số các thực khách tại xứ sở lá phong lại vô cùng yêu thích hương vị dân dã của chiếc bánh mì thuần túy Việt Nam. Anh Eric D chia sẻ: “ Chúng tôi phát hiện ra rằng khách hàng muốn có bánh mì thuần túy Việt Nam như chả lụa, pate, thịt nguội,... quen thuộc như lúc họ đi du lịch Việt Nam…”. Có thể thấy, những nguyên liệu mộc mạc, giản dị mang đậm hồn Việt quê hương đã khiến món ăn dân dã, bình dân này trở thành một hương vị khó quên, lắng đọng trong lòng người dân nơi đây.

Nhưng dù vậy, không phải tất cả khách hàng đều bị chinh phục bởi món ăn này. Do đặc thù trong tín ngưỡng tôn giáo, trong quan điểm lối sống của một số thực khách mà anh Eric D phải bổ sung thêm nhiều lựa chọn khác nhau trong thực đơn. Tưởng chừng đây sẽ là một thách thức lớn trong việc đáp ứng nhu cầu khẩu vị của một số vị khách “khó tính”, nhưng anh Eric cùng với những người khác đã biến “câu đố hóc búa” đó trở thành cơ hội để mở rộng, đa dạng cho sản phẩm của mình. Anh chia sẻ: “ Chúng tôi cũng phải cung cấp các lựa chọn khác như chay, chay trường, và chay theo đạo Hồi. Thực đơn không quá nhiều món, nhưng chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu của đa dạng khách hàng ”.

Giống như bao nhà khởi nghiệp khác, Eric D cùng với những người đồng sáng lập cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức trong quá trình mở quán. Đầu tiên không thể không nhắc đến vấn đề nhân sự nội bộ, việc tìm kiếm và tuyển dụng nhân viên chất lượng là ưu tiên hàng đầu của anh, không chỉ phục vụ chất lượng tốt từ sản phẩm mà chất lượng phục vụ của nhân viên phải được đào tạo cẩn thận, bài bản. Tiếp đó, vấn đề giá thành sản phẩm luôn là nỗi niềm đau đáu khiến anh phải quan tâm, chi phí nhập khẩu nguyên liệu cùng với chi phí bảo dưỡng các chuỗi cửa hàng là không hề rẻ.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn được tốt và đáp ứng được sự kỳ vọng từ khách hàng, đòi hỏi phải nhập những nguyên liệu chất lượng với giá thành tương xứng với nó. Khó khăn tiếp theo được anh Eric D chia sẻ đó chính là độ nhận diện. Khoảng thời gian mới thành lập Obanhmi, độ nhận diện quán chưa được cao, rất ít người biết đến quán, đây luôn là vấn đề nóng mà anh đặt lên hàng đầu, anh cùng với những người bạn đã dành hàng giờ, hàng tháng để nghiên cứu cách tiếp cận của quán đến với khách hàng.

Giờ đây, trải qua bốn năm thăng trầm gây dựng và phát triển, Obanhmi đã trở thành một chuỗi cửa hàng bánh mì Việt với khoảng 8 cơ sở trên khắp đất Canada. Với phương châm “mở rộng kinh doanh một cách có trách nhiệm”, Obanhmi vẫn luôn giữ được chất lượng và tính nhất quán trong từng món ăn, bởi nếu không chú trọng vào chất lượng sản phẩm, “ khách hàng sẽ nhận ra Obanhmi “không còn giống như trước”", anh Eric D chia sẻ. Có thể nói, Obanhmi đã từng bước đưa ẩm thực Việt nói chung và bánh mì Việt nói riêng xích lại gần hơn với bạn bè quốc tế.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang