Người Việt hải ngoại: Làng người Việt ở TQ; Chăm lo trẻ vùng cao; Trịnh Việt Cường mất ở Mỹ; Cảnh báo tên lửa ở Hokkaido

Hơn 5 thế kỷ trên đất Trung Hoa, làng người Việt vẫn ham ăn nước mắm, áo dài thướt tha, đàn bầu hát ối a

Trải qua hơn 500 năm lịch sử, bộ tộc Kinh tại làng chài Vạn Vỹ, thị trấn Giang Bình, TP Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vẫn giữ những nét văn hóa truyền thống, dùng tiếng Việt làm phương tiện giao tiếp hằng ngày.

"Yêu nhau cởi áo ối à trao nhau. Về nhà dối rằng cha dối mẹ a à a á a qua cầu, tình tình tình gió bay" - giọng hát hòa vào tiếng gảy đàn bầu cổ khiến chúng tôi không khỏi xúc động khi được nghe ở bên kia biên giới nước bạn.

Thấy khách đến nhà, bà Tô Tiết - người phụ nữ thuộc bộ tộc Kinh - thì tay bắt mặt mừng khoe: "Người Việt Nam đây này. Người Kinh qua thăm người Kinh đây này!".

Dù đã 500 năm trôi qua, trong làng chài nhỏ Vạn Vĩ (thị trấn Giang Bình, TP Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) nhiều người bà con như bà Tô Tiết vẫn dùng lời ca, tiếng hát để giữ gìn tiếng mẹ đẻ và văn hóa Việt Nam.

Bộ tộc duy nhất ở Trung Quốc nói tiếng Việt

Cách cửa khẩu Móng Cái 30 km về hướng Bắc, thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) hiện ra với những dãy nhà cao tầng, trung tâm thương mại sầm uất. Ở đây, vùng làng chài Tam Đảo là nơi sinh sống duy nhất của bộ tộc Kinh. Và hằng ngày họ vẫn dùng tiếng Việt giao tiếp, con em được giáo dục thông qua những cuốn sách giáo khoa bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Theo gia phả ghi lại, vào thế kỷ thứ 17, một bộ phận người Việt từ Đồ Sơn (Hải Phòng) đã sang Tam Đảo (Trung Quốc) định cư và hành nghề chài biển. Thời đó chữ quốc ngữ chưa ra đời nên tất cả sổ sách, chữ viết là chữ Nôm.

Ban đầu, vùng đất này có 3 thôn là Vạn Vĩ, Mu Đầu và Sơn Tâm, chưa đầy 100 người với 12 dòng họ: Tô, Đỗ, Nguyễn, Hoàng, Vũ, Bùi, Cao, Ngô, La, Cung, Khổng và Lương.

Sau này, nhờ sự bù đắp phù sa nên 3 hòn đảo đã hợp thành đất liền và phát triển thêm một số thôn xóm khác. Thế nhưng, cái tên Tam Đảo vẫn còn giữ nguyên vẹn. Đồng thời, bộ tộc có nguồn gốc Việt Nam được ghi nhận là tộc Kinh cùng 56 dân tộc khác của Trung Hoa.

Trải qua 500 năm, Tam Đảo hiện nay ước tính có gần 20.000 người gốc Việt thuộc thế hệ thứ 9-10. Mặc dù đã không còn mối liên hệ với gốc gác tại Việt Nam, thế nhưng họ vẫn luôn giữ gìn bản sắc, ngôn ngữ mẹ đẻ thông qua việc sử dụng hằng ngày.

Nói tiếng Việt, biết đánh đàn bầu, ăn nước mắm

Dường như bỏ mặc thời gian, làng chài Vạn Vĩ hiện ra đầy đủ những nét bản địa với cây đa, bến nước, mái đình. Đặc biệt, ngay trước cổng làng, chính quyền địa phương đã cho xây dựng một bảo tàng, lưu giữ tất cả văn hóa của người Việt Nam để nhắc nhở cội nguồn cho con cháu bộ tộc Kinh.

Hình ảnh tranh vẽ rước kiệu, áo dài, điếu cày, chum vại, vó đánh cá, truyện Thạch Sanh hay những món đặc sản nước mắm, bún, miến, đồ khô tẩm ướp gia vị… khiến chúng tôi không khỏi xúc động.

Bước vào bên trong làng, thấy chúng tôi là khách phương xa, một cụ bà ngoài 80 đặt câu hỏi: "Người Việt Nam sang hả?". Nhận sự gật đầu, cụ nở nụ cười niềm nở. Dù chưa từng nghe qua địa danh TPHCM, nhưng biết tôi là người Việt gốc, cụ vẫn rất tự hào.

Đón chúng tôi trước cửa nhà, cô Tô Tiết với giọng tiếng Việt sõi của mình đã khoe ngay với gia đình: "Người Việt Nam đây này. Người Kinh qua thăm người Kinh đây".

Cô Tiết chia sẻ, tổ tiên cô đã sang vùng biển này lập nghiệp được hơn 500 năm. Mặc dù từ đó chưa từng quay về Việt Nam tìm gốc gác, thế nhưng bằng việc cùng ba mẹ sử dụng tiếng Kinh nên bà đều có thể nghe và hiểu. Mãi đến đời con cháu hiện tại đã sinh sống với người Hán, nói tiếng phổ thông nên việc duy trì trở nên khó khăn.

Thế nhưng, dường như cái cảm giác thèm tiếng Việt khiến bà cứ tay bắt mặt mừng, hỏi đủ chuyện về phía bên kia biên giới.

"Hàng xóm ở đây chủ yếu là người Kinh, từ 12 đến 17 tuổi thì có thể nói tiếng Việt. Mặc dù đã không trở về quê hương, nhưng ai cũng có ý thức giữ nguyên văn hóa bản địa…" - bà Tiết nói.

Bên cạnh ngôn ngữ, tộc Kinh ở Trung Quốc vẫn giữ gìn đầy đủ văn hóa lễ Tết của Việt Nam. Đặc biệt với ngư dân, ngày 6/9 hàng năm luôn là lễ hội lớn nhất để người dân cầu mưa thuận gió hòa.

"Từ thời mẹ nằm trong đoàn văn nghệ làng, nên tôi đã tiếp xúc với đàn bầu cổ, sáo trúc, và hát các làn điệu dân tộc. Cứ vào ngày cầu Hải Long Vương tôi sẽ đảm nhiệm đàn hát. Ba đảo làm lễ ba ngày khác nhau, giúp dân làng đổ về đó chung vui và cầu may" - cô Tiết chia sẻ thêm.

Chị Nương (hướng dẫn viên du lịch tại Trung Quốc) nói: "Tam Đảo hiện nay là nơi duy nhất còn sử dụng tiếng Việt. Thậm chí, trên các biển báo giao thông vẫn còn đề chữ quốc ngữ cho người dân sử dụng.

Ở đây lâu, mình đã gặp rất nhiều bà con Kinh. Họ rất tự hào dân tộc, mến khách và có lòng tự tôn lưu, giữ văn hóa cao".

(Nguồn: Dân Việt)

Làm dâu Thuỵ Sĩ, cô gái Việt vẫn lo cơm cho trăm trẻ vùng cao

Chỉ sau một thời gian ngắn kêu gọi, Quỳnh Anh đã trở thành cầu nối để hỗ trợ bữa ăn cho 99 đứa trẻ và 14 cụ già neo đơn.

Sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo ở Nghệ An, Quỳnh Anh hiểu hơn ai hết những buồn tủi và thiếu thốn của một đứa trẻ nghèo thời thơ ấu. Những thiệt thòi ấy thậm chí còn gây ra những tổn thương trong tâm hồn cô suốt một thời gian dài khi đã trưởng thành.

Ý thức về sự nghèo khó của bản thân và gia đình, Hoàng Quỳnh Anh (SN 1989) khao khát kiếm tiền để thoát nghèo ngay khi học xong. Cô lăn lộn kinh doanh tự do ở TP.HCM suốt 11 năm trước khi sang Campuchia mở rộng thị trường. Ở đây, cô quen bạn trai người Thuỵ Sĩ mà bây giờ là chồng cô.

Cả hai sau đó kết hôn và trở về Thuỵ Sĩ sinh sống. Hiện tại, Quỳnh Anh vẫn làm kinh doanh tự do, trở thành một người sản xuất nội dung số với hàng trăm ngàn người theo dõi.

Cuộc sống đầy đủ vật chất và yên bình ở một đất nước châu Âu xinh đẹp không khiến cô lãng quên những phận đời kém may mắn ở quê nhà.

“Thời sinh viên, tôi cũng hay giúp những người khó khăn xung quanh, có lúc 5 ngàn đồng, 10 ngàn đồng thôi nhưng thấy vui lắm. Tôi nghĩ làm việc tốt thì không cần phải nhiều tiền, quan trọng nhất là những cảm xúc trong trái tim mình”.

Là một đứa trẻ thoát nghèo thành công, Quỳnh Anh luôn cho rằng, con đường gần như duy nhất để thoát nghèo là giáo dục. Chính vì thế, có 2 thứ mà cô luôn quan tâm trong hành trình làm thiện nguyện của mình, đó là trẻ em và giáo dục.

Sau một thời gian dài quan sát những cô giáo vùng cao ở Mèo Vạc, Hà Giang, Quỳnh Anh nhen nhóm ý tưởng nuôi cơm cho các em đi học. Cô muốn tận dụng kênh nội dung của mình, kêu gọi các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ.

Ý tưởng ban đầu của Quỳnh Anh là mỗi mạnh thường quân đóng góp tối thiểu 50 nghìn đồng/tháng. Cứ 10 mạnh thường quân thì sẽ có số tiền 500 nghìn đồng/tháng để hỗ trợ cho 1 đứa trẻ vùng cao.

Sau khi kêu gọi và hỗ trợ thành công cho những đứa trẻ đầu tiên, các cô giáo vùng cao đã đề xuất hỗ trợ thêm cho các cụ già neo đơn ở địa phương. Vượt quá sự mong đợi và kỳ vọng ban đầu, Quỳnh Anh nhận được sự tin tưởng của rất nhiều người – hầu hết là người Việt trong nước.

Cho đến nay, cô trở thành cầu nối để hỗ trợ bữa ăn cho 99 đứa trẻ và 14 cụ già neo đơn, mỗi tháng 500 nghìn đồng/người.

“Lúc đầu, tôi nghĩ mình chỉ có thể kêu gọi được cho 5 bé nhưng sau đó số lượng các mạnh thường quân tăng lên rất nhiều và trở thành một dự án như bây giờ.

Thậm chí, vẫn còn nhiều mẹ mong muốn được hỗ trợ các bé nhưng tôi đang để trong danh sách chờ vì chưa xác minh thêm được các trường hợp mới cần hỗ trợ”, Quỳnh Anh chia sẻ.

Vì không ở Việt Nam nên hành trình làm thiện nguyện của cô dâu Thuỵ Sĩ cũng phải thông qua nhiều đầu mối từ xa. “Các hoàn cảnh khó khăn do các cô giáo lựa chọn. Lúc đầu, tôi nhờ các cô đến tận nhà mỗi bé để quay hình xác nhận hoàn cảnh. Sau đó, thấy các cô quá vất vả đi đường núi rừng nên tôi nhờ các cô xin xác nhận hộ nghèo ở từng xã. Tôi cũng thấy được những trăn trở và tấm lòng của các cô nên càng tin tưởng hơn”.

Quỳnh Anh thú thật rằng, cô chưa từng biết cách thức hoạt động của các nhóm thiện nguyện khác, mà chỉ làm theo những gì mình cho là đúng và tốt nhất cho bọn trẻ. Sở dĩ, nhiều mạnh thường quân vẫn ở trong danh sách chờ được ủng hộ vì Quỳnh Anh không muốn lưu quỹ số tiền lớn. “Tôi chỉ nhận số tiền từng tháng, tháng nào sẽ chi tiêu tháng đó để tránh các tiêu cực về việc tồn dư tiền”.

Trước rất nhiều sự việc bê bối xung quanh việc làm thiện nguyện, Quỳnh Anh cho biết cô cũng rất ngại những rắc rối ập đến.

Hiện tại, số tiền hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng được quy định rõ ràng các khoản chi tiêu cho 1 đứa trẻ, gồm: 270 nghìn cho 20kg gạo, 50 nghìn mắm muối, 180 nghìn thức ăn mặn thay đổi mỗi tháng.

“Giá cả của từng món đều được đối chiếu với các sạp bán lẻ ở vùng cao. Bên cạnh đó, ê-kíp của tôi cũng đang hoàn thành các số liệu và thông tin trên một file drive để mọi người luôn có thể tự kiểm tra. Tôi cũng yêu cầu cô giáo lập một tài khoản ngân hàng mới để tiện cho việc sao kê và minh bạch tiền”.

"Tôi nghĩ ai cũng sợ những chuyện không hay cho mình, nhưng tôi tin là nếu mình làm điều gì đó bằng cả tấm lòng và trái tim thì nhất định sẽ có những kết quả tốt đẹp. Dù có thể sẽ có những lời ác ý nhưng tôi tin bản thân mình ngay thẳng thì mọi chuyện sẽ có con đường”, Quỳnh Anh bộc bạch.

Quỳnh Anh chia sẻ, cô khá bất ngờ khi nhận được nhiều sự tin tưởng từ những người xa lạ, chỉ biết cô qua những video. “Tôi thật sự rất xúc động và biết ơn. Đó cũng là nguyên nhân quan trọng nhất để tôi dám thực hiện những điều to lớn hơn chút nữa, ước mơ xa hơn chút nữa”.

Cô gái Nghệ An tin rằng, trong sâu thẳm mỗi người luôn mong muốn được chia sẻ với cộng đồng. Đó cũng là lý do cô chọn mức hỗ trợ khá thấp để kêu gọi – 50 nghìn đồng/tháng, để ai cũng có cơ hội được bày tỏ tình yêu thương của mình với những hoàn cảnh khó khăn hơn.

“Có nhiều mẹ ủng hộ nhiều hơn nhưng tôi luôn khuyên mọi người lựa chọn số tiền vừa sức mình để có thể đi lâu dài hơn với các bé. Đó mới là điều quan trọng nhất”, cô nói.

Mới đây, Quỳnh Anh thông báo đã lập một quỹ từ thiện riêng có tên là Edelweiss – được đặt theo tên một loài hoa màu trắng mọc nhiều ở dãy núi Alps. “Tôi sợ rằng sau một thời gian số lượng mạnh thường quân sẽ giảm, các bé sẽ mất đi nguồn hỗ trợ. Nên tôi lập quỹ này ra để có thể tự mình tích cóp tiền trong kinh doanh, bù vào các khoản thiếu hụt. Xa hơn, nếu được, tôi có thể làm các tủ thuốc tại mỗi điểm trường vùng cao. Lâu dài hơn nữa là cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.

Quỹ này là của riêng vợ chồng tôi, hoạt động độc lập với dự án Chân nhỏ đến trường mà chúng tôi và các mạnh thường quân đang thực hiện ở Hà Giang”, Quỳnh Anh chia sẻ về các dự định thiện nguyện trong tương lai.

"Tôi đã luôn cố gắng làm những gì mình có thể cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình trong suốt một thời gian dài. Tôi luôn nghĩ đó là việc mình nên làm để thấy bản thân có trách nhiệm với cuộc sống và giữ được cho mình một trái tim biết khắc khoải yêu thương. Cứ làm thôi, làm theo sức của mình, làm đúng và làm chắc chắn nhất có thể là được".

(Nguồn: Vietnamnet)

Ca sĩ Trịnh Việt Cường qua đời ở Mỹ do đột quỵ

Người hâm mộ bất ngờ trước thông tin ca sĩ - nhạc sĩ Trịnh Việt Cường mất tại Mỹ, do đột quỵ. Nhiều văn nghệ sĩ gửi lời chia buồn đến gia đình anh.

Ca sĩ, đồng nghiệp thân thiết Quang Thành cho biết nam ca sĩ Trịnh Việt Cường qua đời tối 9-4 (giờ Mỹ), hưởng thọ 74 tuổi.

Qua đời vì đột quỵ

Quang Thành cho biết theo lời kể của vợ ca sĩ - nhạc sĩ Trịnh Việt Cường, chiều tối 9-4 khi gia đình chuẩn bị dùng bữa tối, ca sĩ Trịnh Việt Cường nói khó tiêu muốn nghỉ ngơi.

Sau khi loạng choạng đi vào phòng ngủ, nam ca sĩ ngã xuống giường, bất tỉnh. Gia đình gọi xe cấp cứu, vài phút sau Trịnh Việt Cường nhập viện. Bác sĩ thông báo nam ca sĩ ngừng tim, não chết do đột quỵ.

Theo thông tin từ gia đình, ca sĩ - nhạc sĩ Trịnh Việt Cường từng định tổ chức một đêm nhạc tại Việt Nam vào tháng 7-2023. Tuy nhiên bây giờ mọi thứ đã khép lại, khiến nhiều người tiếc nuối.

Nhiều văn nghệ sĩ như Kim Tiểu Long, Lệ Thu… đã gửi lời chia buồn, đưa tiễn người đồng nghiệp.

Nhạc sĩ "Tự tình quê hương"

Tang lễ của ca sĩ Trịnh Việt Cường diễn ra tại Peek Funeral Home (Mỹ), trong hai ngày 18 và 19-4. Đến trưa 19-4, linh cữu của nam ca sĩ được an táng tại phần đất gia đình.

Ban tổ chức lễ tang thông tin dành tiền mua hoa và phúng điếu đóng góp vào quỹ từ thiện, gửi đến các chùa giúp các hoàn cảnh khó khăn.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Người Việt ở Hokkaido tỉnh giấc trong cảnh báo tên lửa

Tiếng cảnh báo về việc “sơ tán ngay lập tức” sau khi một quả tên lửa được phóng đã đánh thức nhiều người Việt ở Hokkaido sáng 13/4. Tuy nhiên, họ không quá lo lắng về sự cố này.

Anh Hữu Thạch - đang làm việc tại thành phố Sapporo, tỉnh Hokkaido - nói mình nhận được cảnh báo trú ẩn trên điện thoại vào khoảng 7h55 ngày 13/4 (giờ địa phương).

“Tôi đang ngủ thì nghe thấy tiếng cảnh báo khẩn cấp. Rút kinh nghiệm từ lần trước, tôi bình tĩnh tắt cảnh báo và chờ thông tin mới nhất trên các trang tin tức”, anh Thạch nói với Zing, nhớ lại tình huống tương tự vào tháng 10/2022 khi giới chức Nhật cũng cảnh báo người dân tìm chỗ trú ẩn vì tên lửa đạn đạo.

“Lần ấy, tôi sợ xanh mặt (khi nghe cảnh báo), tính chạy tìm chỗ lánh nạn nhưng không biết nên đi đâu”, anh kể lại.

Theo chia sẻ của anh Thạch, sau cảnh báo sáng 13/4, các phương tiện giao thông công cộng trong thành phố như tàu điện ngầm, tàu JR đều tạm dừng, khiến nhiều nhà ga trở nên đông đúc.

“Các ga tàu rất đông, nhiều người bị trễ giờ học và giờ làm”, anh nói.

Tuy nhiên theo quan sát của anh Thạch, lần này người dân địa phương không còn quá bận tâm. “Đợt tháng 10/2022 mọi người bàn tán nhiều, nhưng lần này họ gần như đã quen nên cũng không nhắc nhiều đến cảnh báo. Ngoài tình trạng tàu đông đúc, mọi (hoạt động) vẫn diễn ra bình thường”, anh chia sẻ.

Chung cảm nhận với anh Hữu Thạch, chị T.V cũng bình thản khi nghe tin cảnh báo khẩn cấp sáng 13/4. Điều này một phần do chị đã quen với vô số cảnh báo trong gần 5 năm kể từ khi sang Nhật và sinh sống tại Hokkaido.

“Hồi mới sang Nhật, mỗi lần nhận được tin cảnh báo về động đất, bão lớn thì tôi cũng có chút hoảng. Tuy nhiên, sau nhiều lần như vậy, vào sáng nay, tôi lập tức mở rèm cửa sổ sau khi nhận được thông báo. Nhìn ra đường, tôi vẫn thấy người Nhật đi lại, sinh hoạt như bình thường nên cũng không có gì phải lo lắng”, chị chia sẻ với Zing.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận của Zing, trong hội nhóm của người Việt tại Hokkaido trên Facebook, nhiều người cũng chia sẻ về việc liên tiếp nhận được cảnh báo “sơ tán ngay lập tức”, liên quan đến một tên lửa.

Tuy nhiên, sau khoảng thời gian ngắn, chính phủ Nhật Bản đã rút lại cảnh báo sơ tán với cư dân Hokkaido. “Tôi không nhận được thông báo đính chính trên điện thoại, nhưng thấy báo chí đưa tin tên lửa lần này không có khả năng rơi xuống Hokkaido”, anh Thạch nói.

Theo Yahoo Japan, các tuyến tàu JR Hokkaido tiếp tục hoạt động trở lại từ 8h17 sau khoảng 20 phút tạm dừng để đảm bảo an toàn. Tàu điện ngầm ở thành phố Sapporo cũng trở lại hoạt động lúc 8h23.

Chính phủ Nhật Bản ban đầu đã phát cảnh báo khẩn cấp J-Alert tại Hokkaido, yêu cầu người dân tìm kiếm nơi trú ẩn sau khi xuất hiện thông tin về tên lửa đạn đạo. Nhưng sau đó, cảnh báo này được nhà chức trách dỡ bỏ.

Các quan chức chính quyền địa phương ở Hokkaido sau đó cũng khẳng định tên lửa "không có khả năng" rơi xuống hòn đảo này.

Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno, "cảnh báo J-Alert được đưa ra để thông báo cho người dân về nguy cơ tên lửa rơi xuống nhằm ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dân".

Nhật Bản đã ban hành lệnh sơ tán tương tự vào tháng 10/2022, khi một tên lửa tầm trung bay qua nước này, Guardian đưa tin.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang