Người Việt hải ngoại: Hội nghị BCH ở Séc; Vui Tết với Lào, Campuchia; Đi chợ ở Singapore; Lao động ở Nhật chờ cơ hội

Hội nghị Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại CH Séc

Các hoạt động trong cộng đồng năm qua đã có thêm nhiều nét mới về hình thức lẫn nội dung, thu hút được đông đảo sự quan tâm của bà con kiều bào.

Ngày 12/4, tại Praha, diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc nhằm kiểm điểm đánh giá và chia sẻ thông tin về tình hình, hoạt động trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh bà con người Việt ở nhiều nơi gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi lạm phát và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng dự và phát biểu chỉ đạo.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Ukraine, công tác chung của Hội người Việt tại Séc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, Đại hội của các chi hội người Việt ở các địa phương tại Séc đã được tổ chức thành công và bầu ra đội ngũ lãnh đạo là những người luôn tích cực trong các hoạt động hỗ trợ bà con hội nhập tốt với nước sở tại và đoàn kết hướng về quê hương đất nước.

Trong năm qua cũng ghi nhận sự nỗ lực của Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc bằng các hoạt động ủng hộ, hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn tại Séc cũng như người dân ở Việt Nam.

Các chi hội người Việt đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như tổ chức các lễ trung thu, giỗ tổ Hùng vương, đặc biệt là tổ chức các hoạt động văn hóa chào đón Tết cổ truyền của dân tộc. Qua đó, các hoạt động đã thu hút sự quan tâm của hàng chục nghìn người Việt trên toàn cộng hòa Séc.

Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc Nguyễn Duy Nhiên cho biết, các hoạt động trong cộng đồng năm qua đã có thêm nhiều nét mới về hình thức lẫn nội dung, thu hút được đông đảo sự quan tâm của bà con.

Để đảm bảo tốt hơn vai trò thông tin rộng rãi tới cộng đồng, gắn kết kiều bào với quê hương, đất nước, Hội người Việt đã thành lập Ban thông tin truyền thông của Hội, qua đó đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền các hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ, các hoạt động hỗ trợ giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn cũng như đưa những thông tin chính thống, bổ ích, tăng cường hơn nữa tình đoàn kết và hội nhập tốt với nước sở tại.

Tại hội nghị, Đại sứ Thái Xuân Dũng đánh giá cao sự đoàn kết và các hoạt động của cộng đồng luôn hướng về quê hương, đất nước.

Đại sứ điểm lại những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của Đảng, nhà nước trong năm qua; đồng thời tin tưởng, với sự đoàn kết, nỗ lực của cộng đồng người Việt tại Séc sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt, hội nhập tốt ở nước sở tại cũng như đóng vai trò là cầu nối trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam – Cộng hòa Séc.

(Nguồn: VOV)

Việt Nam chung vui Tết cổ truyền cùng Lào và Campuchia

Nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay của Lào và Chol Chnam Thmay của Campuchia năm nay, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã đến chúc mừng các đồng nghiệp Lào và Campuchia.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã đến chúc mừng các Phái đoàn đại diện thường trực của Lào và Campuchia tại Liên hợp quốc nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay của Lào và Chol Chnam Thmay của Campuchia năm nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, tại trụ sở Phái đoàn Lào, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã tặng hoa và gửi tới Đại sứ Anouparb Vongnorkeo, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Lào tại Liên hợp quốc, cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Phái đoàn bạn những lời chúc tốt đẹp nhất; bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đất nước và nhân dân Lào anh em sẽ tiếp tục đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa về mọi mặt, không ngừng nâng cao vị thế của Lào ở khu vực và trên trường quốc tế.

Đại sứ Anouparb Vongnorkeo chân thành cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của Đại sứ Đặng Hoàng Giang và các đồng chí, đồng nghiệp Việt Nam dành cho Lào; đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hai Phái đoàn Lào và Việt Nam thời gian qua tại Liên hợp quốc, cũng như trong triển khai các thoả thuận song phương, theo đúng tinh thần quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.

Tại trụ sở Phái đoàn Campuchia, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã tặng hoa và chúc mừng Đại sứ Sophea Eat, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Campuchia tại Liên hợp quốc, cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Phái đoàn bạn; đánh giá cao những thành tựu mọi mặt Campuchia giành được thời gian qua; chúc Campuchia tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII (tháng 7/2023) và tiếp tục phát triển thịnh vượng.

Đại sứ Sophea Eat bày tỏ trân trọng tình cảm và sự ủng hộ, giúp đỡ của Việt Nam dành cho Campuchia qua các giai đoạn lịch sử; phấn khởi về sự phát triển của quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và hợp tác tại các diễn đàn đa phương, nhất là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên hợp quốc.

Tết cổ truyền Bunpimay thường diễn ra từ ngày 14-16/4 dương lịch hằng năm. Trong ngày Tết, nhân dân Lào thường tập trung ở các đền, chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo, tắm Phật và té nước vào nhau, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất để năm mới lại đến trong hạnh phúc, may mắn, đủ đầy.

Trong khi đó, Chol Chnam Thmay là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của người dân Campuchia, thường tổ chức khoảng đầu tháng Chét của lịch Phật giáo Khmer (khoảng giữa tháng 4 dương lịch), kéo dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4 ngày.

Trong các ngày Tết, gia đình nào cũng tập trung dọn dẹp, sửa sang nhà cửa. Người dân thường ăn mặc đẹp để tham gia các hoạt động mừng năm mới; đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau tài lộc, sức khoẻ, phát đạt và cùng nhau tham gia các trò vui.

(Nguồn: VietnamPlus)

Nàng dâu Việt ở Singapore kể chuyện đi chợ truyền thống với mẹ chồng: Giá niêm yết sẵn nhưng xem mà choáng, tìm mỏi mắt không thấy thứ quen thuộc này

Dù không hay đi chợ nhưng Trinh nhận thấy đồ bán ở chợ đắt hơn siêu thị, có thể vì đồ tươi mới hơn.

Đảo quốc sư tử Singapore nổi tiếng là quốc gia hiện đại bậc nhất thế giới nên nhiều người lầm tưởng rằng nơi đây chỉ toàn trung tâm thương mại và siêu thị hiện đại, sầm uất. Tuy nhiên, thực tế thì đất nước này còn tồn tại rất nhiều khu chợ truyền thống tấp nập và náo nhiệt, chắc chắn sẽ khiến người Việt cảm thấy gần gũi, thân thuộc.

Mới đây, một nàng dâu Việt ở Singapore tên Trinh đã giới thiệu về một khu chợ truyền thống ở gần nhà chồng của cô với rất nhiều mặt hàng nông sản rau củ quả tươi rói. Tuy nhiên, chợ này vẫn có những nét khác biệt với chợ ở Việt Nam khiến cô nàng và cả bà ngoại ngỡ ngàng.

Đăng tải lên tài khoản TikTok có tên @trinhtrinhsingapore, cô nàng Trinh phấn khích cho biết: "Nhân tiện bà ngoại mình mới từ Việt Nam qua đây nên mình dẫn bà đi ăn sáng và đưa bà đi chợ truyền thống ở đây luôn. Từ lúc làm dâu Singapore đến giờ, đây là lần thứ 2 mình mới phải dậy sớm để đi chợ".

GIF.

Trinh cho biết chợ truyền thống ở Singapore thì cũng giống hệt chợ ở Việt Nam. Có bán đầy đủ thịt, cá, rau củ, trái cây tươi. Và đặc biệt, người ta cũng bày ra các sạp, phân chia từng loại như ở chợ Việt. Điều khác biệt là có những quầy hàng niêm yết sẵn giá để tránh mất công hỏi giá, mặc cả. Cô cũng thừa nhận mua cá ở chợ thì được cái là tươi, người bán làm sạch sẽ cho mình luôn.

Dù không hay đi chợ nhưng Trinh nhận thấy đồ bán ở chợ đắt hơn siêu thị. Điều này cô nàng không khẳng định được với tất cả các mặt hàng nhưng lấy ví dụ rằng một con gà đã làm sạch lông ở siêu thị bán 11 đô la Singapore (tương đương gần 200.000 VNĐ), nhưng ở chợ bán tới 18 đô la Singapore (tương đương 318.000 VNĐ).

Trinh nói: "Luật ở Singapore thì chắc chắn không được bán trứng vịt lộn, nhưng chẳng lẽ trứng vịt bình thường cũng không có luôn hả mọi người?".

Chợ truyền thống không còn phổ biến ở Singapore?

Năm 2022, Channel News Asia đã có bài viết đánh giá về sức hút của các khu chợ truyền thống ở Singapore. Và thực tế cho thấy chợ truyền thống dần mất đi "vị thế" khi mà các siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng nhiều.

Bài viết của Channel News Asia cũng chỉ ra rằng, các siêu thị thường nằm ở các vị trí thuận lợi, mở cửa muộn hơn, giúp người dân thuận tiện mua đồ khi đi làm về. Bên cạnh đó, mua sắm trong siêu thị thoáng mát sạch sẽ cũng thoải mái hơn tại các khu chợ ẩm ướt. Các siêu thị lớn cũng có thể cung cấp các mặt hàng đa dạng và phong phú hơn ở chợ.

Chưa hết, sau đại dịch Covid-19, chợ truyền thống còn phải cạnh tranh với một loại hình kinh doanh nữa là đặt hàng online. Các ứng dụng như Deliveroo và Foodpanda giúp việc mua đồ ăn trực tuyến trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Người dân cũng sẵn sàng trả số tiền cao hơn để đổi lấy sự tiện lợi.

Đó là những lý do khiến các khu chợ truyền thống ở Singapore trở nên kém sức hút hơn. Nhưng đó không phải nguyên nhân lớn nhất.

Thế hệ trẻ Singapore không còn muốn tiếp quản các quầy hàng của cha mẹ họ. Rất nhiều tiểu thương đã trả gian hàng cho chính quyền khi đã nhiều tuổi. Việc cho thuê lại quầy trở nên khó khăn hơn vì không ai muốn bán.

Trước đây, giá thuê một gian hàng đã có lúc lên tới hàng chục nghìn đô la Singapore nhưng giờ được đấu thầu với giá khởi điểm chỉ 10 đô la Singapore/tháng. Nhiều khu chợ truyền thống ở Singapore giờ vắng vẻ thay vì cảnh tấp nập, đông đúc.

Nói với Channel News Asia, đại diện Cục Môi trường quốc gia Singapore nhận định chợ truyền thống hiện không còn phổ biến như xưa. Nguyên nhân là vì "những thay đổi về nhân khẩu học, hành vi của người tiêu dùng, các mặt hàng tươi sống, sẵn có trong siêu thị và trung tâm mua sắm".

(Nguồn: Kenh14)

Lao động Việt Nam tại Nhật chờ cơ hội tốt hơn

Bắt đầu từ ngày 10-4, các hãng thông tấn lớn của Nhật Bản đăng tải thông tin một hội đồng chuyên gia của chính phủ Nhật Bản đề xuất bãi bỏ chương trình thực tập kỹ năng (TTKN) dành cho người nước ngoài.

Thông tin này nhanh chóng nhận được sự chú ý của thực tập sinh (TTS) nước ngoài đang làm việc tại đất nước mặt trời mọc. Ban đầu không ít TTS người Việt lo lắng cho tương lai của mình một khi thông tin trên thành sự thật.

Chị Hà Thị Phượng Loan (27 tuổi, quê Quảng Bình) đang là TTS tại tỉnh Aichi cho biết các tờ báo lớn của Nhật đồng loạt đưa thông tin này nhưng một số bài báo sau đó đã phân tích sâu hơn nên họ phần nào yên tâm. Chủ xưởng nơi chị Loan làm việc cũng đã gửi email đến 12 TTS nước ngoài để trấn an và cho biết đó là động thái bước đầu để thay đổi một chính sách lớn.

"Tôi còn hơn 1 năm nữa là hết hạn hợp đồng nhưng nếu theo chương trình cải tổ, tôi có thể ở lại làm việc thêm 5 năm nữa, với điều kiện đầu vào, thu nhập, an sinh cho TTS sẽ cao hơn chương trình hiện tại. Tôi nghĩ đó là cơ hội lớn hơn cho những ai muốn đến Nhật làm việc trong tương lai" - chị Loan bày tỏ.

Anh Phạm Ngọc Quang (26 tuổi, quê Tây Ninh) đang là TTS ngành xây dựng tại vùng Chugoku. Quang mới đi được 1/3 quãng đường TTS của mình nên không biết sẽ như thế nào nếu không còn chương trình TTKN. "Khi báo Việt Nam đăng thì ba mẹ tôi lo lắng gọi cho tôi xem bên này ra sao. Tôi nói với ba mẹ là đất nước họ sẽ chuẩn bị kỹ trước khi có một thay đổi lớn nào đó. Một số anh chị người Việt tại công ty tôi cũng đã bình tâm hơn sau những lo lắng ban đầu" - anh Quang nói.

Thông tin Nhật Bản bỏ chương trình TTKN nhanh chóng được thảo luận trong các hội, nhóm trên mạng xã hội. Chia sẻ của một nhóm TTS người Việt có hơn 90.000 thành viên trên Facebook, tài khoản "Son Pham" cho rằng không phải là bỏ chương trình TTKN mà có thể đổi tên thành một chương trình khác để phù hợp hơn. Tài khoản "Phuoc Vuive" cũng bình luận rất có thể sắp tới Nhật Bản sẽ có một chương trình ưu việt hơn và TTS có thể được nâng lên một thứ hạng mới cao hơn. Tài khoản "Lena ở Nhật" chia sẻ ông chủ của mình bảo không có TTS nước ngoài thì công ty đóng cửa, không thể hoạt động.

Ông Takebe Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội Toàn quốc về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài Nhật Bản (NAGOMi), khẳng định chương trình TTKN là một chủ trương lớn của Nhật Bản nhằm giúp các nước đang phát triển đào tạo nguồn nhân lực thông qua việc chuyển giao kiến thức và kỹ năng của Nhật Bản cho TTS trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, chương trình này gần đây nhận một số ý kiến trái chiều về điều kiện làm việc, mức lương thấp, đối xử với TTS chưa tốt... hay việc TTS phải tốn chi phí quá nhiều để sang Nhật.

Do vậy, xem xét lại TTKN dành cho người nước ngoài là cần thiết và nhiều khả năng chương trình sẽ được thay thế bằng một cơ chế mới, trong đó nhấn mạnh các TTS nước ngoài như những lao động có trình độ, kỹ năng nghề giúp Nhật Bản khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, phát triển kinh tế. Như vậy, đây là một cơ hội tốt hơn cho người lao động nước ngoài, bao gồm người Việt Nam tại Nhật Bản.

(Nguồn: Người Lao Động)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang