Người Việt hải ngoại: Đối thoại ở Mỹ; Cơ hội cho lao động ở Macau; Diệu Hương ở Mỹ; Sách Ever-Green Vietnamese được đề cao

Đối thoại về thách thức của người trẻ gốc Á khi lớn lên tại Mỹ

(Ảnh minh họa).

Hội Sinh viên gốc Việt (VSA) tại Đại học Bắc Carolina - Charlotte (Mỹ) vừa tổ chức sự kiện thường niên Viet Night (Đêm Việt) vào đầu tháng này với chủ đề "Lotus in Bloom" (Hoa sen nở), theo tường thuật hôm 11.4 của Niner Times, trang tin tức sinh viên của trường.

Chủ đề sự kiện lần này bàn về cuộc sống của những người gốc Việt nói riêng và gốc Á nói chung tại Mỹ. Câu chuyện về hoa sen đại diện cho những khó khăn của họ khi lớn lên trong một môi trường mà các bạn trẻ "phải cố gắng thích nghi với một xã hội hoàn toàn xa lạ".

Theo Niner Times, "Lotus in Bloom" là cuộc đối thoại về những gì người trẻ gốc Á phải đối mặt hằng ngày khi lớn lên ở Mỹ. Bằng cách biến điều này thành chủ đề của Viet Night, VSA kêu gọi những người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau ở châu Á nhận ra tầm quan trọng của cộng đồng và các giá trị của chính họ.

(Nguồn: Thanh Niên)

Mở rộng cơ hội cho người lao động Việt Nam làm việc tại Macau

Hiện có khoảng 7.000 người Việt Nam đang làm việc tại Macau (Trung Quốc), giảm hơn một nửa so với thời kỳ trước đại dịch, thu nhập trung bình từ 500-1.000 USD/tháng.

Từ ngày 13-14/4, ông Phạm Bình Đàm, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong và Macau (Trung Quốc) đã có chuyến thăm và làm việc tại Khu hành chính đặc biệt Macau lần đầu tiên kể từ sau khi đặc khu này mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19.

Tại trụ sở chính quyền Macau, Trưởng đặc khu Hạ Nhất Thành đã tiếp và trao đổi với Tổng lãnh sự Phạm Bình Đàm về quan hệ giữa Macau (Trung Quốc) và Việt Nam. Ông Hạ Nhất Thành đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Macau trên nhiều lĩnh vực, nhất là về thương mại, lao động, du lịch và đầu tư.

Ông nhấn mạnh Việt Nam có nhiều mặt hàng được người dân Macau ưa chuộng, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 150 triệu USD năm 2022, tăng 100% so với năm trước, người lao động Việt Nam có kỹ năng tốt, chăm chỉ và đã có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế Macau, đồng thời còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa tại địa phương.

Ông Hạ Nhất Thành nhận định kinh tế Việt Nam đã duy trì được mức tăng trưởng ngoạn mục trong những năm qua bất chấp đại dịch. Do đó, các doanh nghiệp Macau rất quan tâm và mong muốn mở rộng hợp tác, làm ăn với Việt Nam.

Tổng lãnh sự Phạm Bình Đàm cảm ơn chính quyền đặc khu đã quan tâm, tạo điều kiện cho người Việt Nam làm việc và sinh sống tại Macau, nhất là trong thời kỳ đại dịch.

Tổng lãnh sự cũng đã nêu một loạt đề xuất về mở rộng tiếp nhận lao động Việt Nam, tích cực trao đổi các đoàn doanh nhân, tham gia sự kiện thương mại do hai bên tổ chức, phối hợp xử lý tốt các vấn đề phát sinh liên quan đến lao động và gỡ bỏ hạn chế thị thực (visa) đối với du khách Việt Nam.

Ông Hạ Nhất Thành ủng hộ các đề xuất và vui vẻ nhận lời mời sang thăm Việt Nam cùng đoàn các doanh nghiệp nhằm tăng cường hợp tác, hiện thực hóa các cơ hội hợp tác kinh tế-thương mại.

Tại cuộc làm việc với Viện Xúc tiến đầu tư và thương mại Macau (IPIM), ông Phạm Bình Đàm cho rằng tiềm năng hợp tác giữa Macau và Việt Nam rất lớn và chưa được khai thác hết.

Ông khuyến khích các doanh nghiệp Macau và Việt Nam cần tăng cường tìm hiểu các cơ hội hợp tác thông qua các chuyến thăm hoặc tham gia các sự kiện triển lãm tại cả Việt Nam và Macau. Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Macau luôn sẵn sàng là địa chỉ kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp của hai bên.

Chủ tịch IPIM, ông Vincent U, chào mừng Tổng lãnh sự đến thăm và làm việc tại viện nhằm thảo luận các phương thức mở rộng hợp tác cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Macau. Ông Vincent U cho biết Việt Nam là điểm du lịch ưa thích của người dân Macau, tiềm năng hợp tác du lịch giữa hai bên là rất lớn.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, ông Phạm Bình Đàm đã có cuộc làm việc với Liên minh quần chúng xây dựng Macau. Tại cuộc gặp, ông Phạm Bình Đàm cũng hy vọng liên minh sẽ tiếp tục dành sự giúp đỡ cho người lao động Việt Nam cũng như hợp tác hiệu quả hơn nữa với Hiệp hội người Việt Nam tại Macau.

Hiệp hội người Việt Nam tại Macau sẽ là cầu nối tuyên truyền các văn bản pháp luật đến với người lao động tại Macau. Ngoài ra, ông Phạm Bình Đàm cũng đề xuất liên minh có tiếng nói đóng góp với chính quyền đặc khu nhằm gỡ bỏ rào cản visa đối với người lao động Việt Nam.

Theo ông Dương Trung Đức, Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Macau, sau thời kỳ dịch bệnh, công việc của người lao động đã dần trở lại ổn định. Hiệp hội cũng thường xuyên có các hoạt động giao lưu với Liên minh quần chúng xây dựng Macau để tìm biện pháp hỗ trợ người lao động, từ đó đưa số người lao động tại Macau tăng dần trở lại như trước thời kỳ dịch bệnh.

Trong chuyến thăm công tác tại Macau lần này, Tổng lãnh sự đã gặp các thành viên Ban chấp hành Hiệp hội người Việt Nam tại Macau.

Chia sẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Macau, Tổng lãnh sự Phạm Bình Đàm cho biết trong cuộc làm việc với chính quyền Macau ngày 13/4, ông cũng đã đề xuất sau khi phía Macau phục hồi kinh tế, tăng tiếp nhận người lao động Việt Nam, Trưởng đặc khu Hạ Nhất Thành cũng đã ủng hộ việc tăng cường tiếp nhận lao động Việt Nam trong các lĩnh vực.

Ngoài ra, ông Phạm Bình Đàm cũng nhấn mạnh nội dung trong cuộc làm việc với chính quyền Macau là người lao động Việt Nam hết hạn visa phải về đúng hạn.

Ông cho rằng cần tăng cường tuyên truyền giáo dục để bà con tuân thủ pháp luật, đây là mấu chốt cho việc mở rộng lao động sang Macau làm việc, người Việt tại Macau cần tiếp tục phát huy, quảng bá hình ảnh của Việt Nam tại sở tại.

Tổng lãnh sự cũng khẳng định những đóng góp của hiệp hội cho đất nước nói chung cũng như trong hỗ trợ, phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Macau.

Hiện có khoảng 7.000 người Việt Nam đang làm việc tại Macau, giảm hơn một nửa so với thời kỳ trước đại dịch, thu nhập trung bình từ 500-1.000 USD/tháng.

Trong chuyến công tác Macau lần này, Tổng lãnh sự cũng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tập đoàn Galaxy, tập đoàn Melco. Nhìn chung, các doanh nghiệp này đều đánh giá tốt về người lao động Việt Nam như học nghề nhanh, học tiếng phổ thông, tiếng Quảng, tiếng Anh nhanh, kỷ luật lao động tốt, mong muốn tiếp nhận thêm nhiều người Việt Nam.

(Nguồn: VietnamPlus)

Từ căn bếp ở Mỹ, diễn viên Diệu Hương khiến ai nấy chết thèm bởi 7 mâm cơm mà chị em có thể học ngay!

(Ảnh minh họa).

Ngay trong những ngày mới sang xứ người, bà mẹ đảm này đã trổ tài vào bếp làm món ăn đậm chất Việt.

Diệu Hương là một trong những nữ diễn viên được yêu thích của bộ phim truyền hình Hoa hồng trên ngực trái. Ngoài đời, nàng San đã là mẹ 2 con, có cuộc sống hạnh phúc bên ông xã Trần Ngọc Linh. Trong đời thường, Diệu Hương là một người phụ nữ vô cùng đảm đang, cô từng nhiều lần khoe mâm cơm đẹp của gia đình mình trên mạng xã hội và thường xuyên hướng dẫn chị em những món ăn ngon, bổ cho cả nhà.

Đang thành công và gây chú ý, Diệu Hương bất ngờ sang Mỹ định cư. Mới đây, cô đã ghi lại cuộc sống của gia đình mình những ngày đầu đến Mỹ. Không chỉ nhớ người thân, bạn bè, cô còn nhớ da diết những món ăn quê hương. Và ngay trong những ngày mới sang xứ người, bà mẹ đảm này đã trổ tài vào bếp làm món ăn đậm chất Việt.

Cô cho biết sau 1 tuần được người chị đãi món ngon các nước thì cả nhà cô "chính thức thèm phở". Để làm phở Hà Nội tại nơi cách nửa vòng trái đất, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng rất khó kiếm các nguyên liệu thuần Việt, Diệu Hương cho hay:

"Ngày trước, gia vị đặc trưng như quế, hồi, thảo quả mình thường gửi sang cho chị nhưng giờ chợ Á bên này đầy đủ rồi cả nhà ạ. Khu mình ở không có người Việt, cuối tuần vừa rồi chị đưa xuống chợ Á cần gì cũng có và kiều bào mình quý người lắm, thân thương lắm!"

Tô phở Hà Nội do Diệu Hương làm trên đất Mỹ được nhiều người khen ngợi trông vừa chất lượng vừa đẹp mắt.

Cô hóm hỉnh: "Nôm na là phở bò bà Bòng" (biệt danh của mình), còn người thân của Diệu Hương đặt cho cái tên Tây hơn hẳn: “Rose noodle beef by San San” (Tạm dịch: Phở bò hoa hồng thực hiện bởi San San, trong đó San San là tên trong phim của cô).

Nhìn tô phở của Diệu Hương, những người xa quê không khỏi cảm thấy nao lòng và đồng cảm với nữ diễn viên, một cư dân mạng bình luận: "Xa quê, lúc nào cũng chỉ khao khát hương vị quê nhà! Em có thể ăn phở, bún ngày ba bữa... Không cần cơm luôn ấy".

Nhờ bàn tay nấu nướng khéo léo của mình, Diệu Hương đã không lo việc thiết đãi người thân, bạn bè món Việt khi sang Mỹ, không sợ thèm phở mà không có ăn nữa. Cô bày tỏ rằng món phở của mình tại Mỹ không được chuẩn vị nhà 100% nhưng cũng ngon.

Bạn bè hóm hỉnh khen nữ diễn viên "Đảm đang toàn cầu" nhưng cô chỉ khiêm tốn nói rằng bản thân vẫn rất thuần Việt. Không ít người quen khuyên Diệu Hương mở nhà hàng Việt tại Mỹ song cô chỉ muốn là "đầu bếp gia đình" vì còn dành thời gian chăm lo cho các con nhỏ.

(Nguồn: Người Nổi Tiếng)

Sách Ever-Green Vietnamese được đề cao

Theo đó, quyển sách trên là sự lựa chọn tuyệt vời cho những người đang tìm kiếm món quà hoàn hảo cho mẹ (hoặc bất kỳ người nào quan trọng trong cuộc đời bạn) thích nấu ăn và đối mặt với thử thách đến từ các món ăn mới mẻ.

Được xuất bản trong tháng 4 này, Ever-Green Vietnamese là quyển sách nấu ăn thứ bảy của bà Nguyen, hiện là cây bút cộng tác trang ẩm thực của tờ The New York Times. Sách bao gồm hơn 125 công thức cho những món ăn mùi vị đặc trưng của người Việt mà người nước ngoài ít biết đến. Các món ăn trong sách chủ yếu sử dụng những nguyên liệu như rau cải và hải sản tươi sống thay cho nguyên liệu thịt. Từ món phở chay với món nước lèo ngọt ngào vị nấm đến món bánh trái cây với gia vị từ tiêu đen, đinh hương và cà phê espresso, quyển sách được cho có thể thay đổi quan niệm lâu nay của người phương Tây về ẩm thực Việt, từ đó thúc đẩy mọi người ăn rau nhiều hơn.

Trả lời Thanh Niên vào dịp năm mới 2023, đầu bếp Nguyen bày tỏ mong muốn thông qua sách có thể giúp nhiều người nhận ra nhiều hơn nữa tiềm năng của hương vị và kỹ thuật nấu ăn của Việt Nam. “Tôi hy vọng quyển sách mới sẽ là nguồn cảm hứng để mọi người đưa thêm nhiều rau củ vào cuộc sống của họ và trân trọng nguồn dinh dưỡng này. Nấu ăn tập trung vào rau củ sẽ giúp phản ánh ẩm thực truyền thống Việt Nam, cũng như tốt hơn cho sức khỏe của con người và môi trường”, bà cho biết.

(Nguồn: VinaExpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang