.jpg)
TRỊNH VĂN QUYẾT NỘP THÊM 1.400 TỶ KHẮC PHỤC HẾT HẬU QUẢ, ĐIỀU GÌ DIỄN RA TIẾP THEO?
Rất ít vụ án hình sự mà giai đoạn phúc thẩm bị cáo bồi thường đến 1.400 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Đây là tình tiết mới, có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
Như VietNamNet đã đưa, mới đây, bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) đã nộp tại Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội số tiền hơn 1.400 tỷ đồng để khắc phục cho chồng.
Động thái mới này của vợ ông Quyết được thực hiện trước ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm (17/6), đã giúp chồng khắc phục xong toàn bộ hậu quả vụ án 'Thao túng chứng khoán' và 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' xảy ra tại tập đoàn FLC là khoảng 2.400 tỷ đồng.
Đánh giá về diễn biến mới này, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, rất ít vụ án hình sự mà giai đoạn phúc thẩm bị cáo lại tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả với số tiền lớn như vậy. Đây là tình tiết mới, có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
Việc ông Trịnh Văn Quyết bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là một trong những căn cứ quan trọng để tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ một phần hình phạt đối với bị cáo.
Theo luật sư, đối với các vụ án thuộc nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu hoặc tội phạm về kinh tế thì việc bồi thường khắc phục hậu quả là một trong những yếu tố quan trọng để tòa án xem xét quyết định hình phạt.
Việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả trong các vụ án tội phạm xâm phạm quyền sở hữu và nhóm tội phạm về kinh tế là biểu hiện thái độ thành khẩn, ăn năn của bị cáo, đồng thời khắc phục được những hậu quả do hành vi phạm tội gây ra ở mức độ nhất định.
Trong trường hợp bị cáo đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đánh giá không chỉ về thái độ, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của bị cáo mà còn đánh giá về tính chất mức độ của hành vi phạm tội, đánh giá về hậu quả của hành vi phạm tội để có mức hình phạt phù hợp. Trong nhiều trường hợp, tại phiên tòa cấp phúc thẩm có thể quyết định sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm hình phạt cho bị cáo.
Ở giai đoạn sơ thẩm, ông Trịnh Văn Quyết nhận mức án 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 3 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", tổng hợp hình phạt là 21 năm tù. Theo luật sư Đặng Văn Cường, bản án sơ thẩm đã tuyên hình phạt như trên là rất nghiêm khắc đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết.
Trước đó, phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Quyết và các đồng phạm đã nhiều lần phải tạm hoãn vì lý do sức khỏe của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC. Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra hôm 25/3, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - luật sư của bị cáo Trịnh Văn Quyết cho hay, kết quả hội chẩn ngày 14/3 cho thấy, bị cáo Quyết bị suy tim cấp độ 3, bị cáo mắc nhiều bệnh, nguy kịch đến tính mạng, không đủ sức khỏe để dự tòa nên xin hoãn tòa.
Theo Tiến sỹ Đặng Văn Cường, việc bị cáo mắc trọng bệnh cũng là tình tiết mà HĐXX có thể căn cứ vào quy định tại Điều 51 BLHS để xem xét giảm một phần hình phạt cho bị cáo. Việc quyết định hình phạt phải đảm bảo yếu tố nhân văn, nhân đạo, trên cơ sở pháp luật. Việc quyết định hình phạt cũng phải đảm bảo tính khả thi, vừa thể hiện sự răn đe, nhưng cũng thể hiện tính chất khoan hồng, cho bị cáo có cơ hội sửa chữa, cải tạo…
Việc xem xét chấp nhận kháng cáo của các bị cáo để giảm nhẹ hình phạt cho những người đủ điều kiện là phù hợp với chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta giai đoạn hiện nay, trên tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và khuyến khích người phạm tội nhận thức sai phạm, ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả, làm giảm bớt những thiệt hại do hành vi phạm tội đã gây ra đối với xã hội.
VỤ TẬP ĐOÀN PHÚC SƠN: 5 CỰU BÍ THƯ TỈNH ỦY, HẬU 'PHÁO' VÀ 35 BỊ CÁO SẮP HẦU TÒA
Ngày 24/6 tới, TAND TP Hà Nội sẽ đưa 41 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan ra xét xử theo trình tự sơ thẩm.
Theo quyết định của TAND TP Hà Nội, ngày 24/6 tới, tòa sẽ đưa 41 bị cáo trong vụ án ''Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi'' xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan ra xét xử theo trình tự sơ thẩm.
Thẩm phán Trần Nam Hà sẽ ngồi ghế chủ tọa phiên tòa. Đại diện VKSND TP Hà Nội tham dự phiên tòa gồm có: Bà Đặng Thị Hồng Thúy và ông Nguyễn Huy Khánh, đều là kiểm sát viên cao cấp; bà Bùi Thanh Hằng, Nguyễn Thị Minh Hiển và Đào Hoàng Vân, đều là kiểm sát viên trung cấp.
Trong số 41 bị cáo, ông Nguyễn Văn Hậu (còn gọi là Hậu "Pháo", Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Phúc Sơn) bị đưa ra xét xử về các tội: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Khước (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) bị đưa ra xét xử về tội Nhận hối lộ…
Theo cáo buộc, để Tập đoàn Phúc Sơn được tạo điều kiện trong những phi vụ làm ăn "hốt bạc'', ông Nguyễn Văn Hậu đã sẵn sàng chi hơn 100 tỷ đồng mang đi hối lộ.
Cụ thể, Hậu “pháo” đã đưa cho bà Hoàng Thị Thúy Lan 25 tỷ đồng và 1 triệu USD; đưa 3 tỷ đồng và 20.000 USD cho ông Nguyễn Văn Khước.
Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn còn đưa hối lộ cho ông Lê Duy Thành 20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD; đưa cho ông Phạm Hoàng Anh (cựu Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, nguyên GĐ Sở Xây dựng Vĩnh Phúc) 400 triệu đồng và 20.000 USD...
Ông Hậu đưa 1,45 tỷ đồng cho ông Hoàng Văn Nhiệm (cựu PGĐ Sở Tài chính, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc); đưa 100 triệu đồng và 20.000 USD cho ông Chu Quốc Hải (cựu PGĐ Sở TN&MT, thành viên Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc);
Đưa 22,6 tỷ đồng và 240.000 USD cho ông Đặng Văn Minh (cựu Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi), trong đó ông Minh hưởng lợi cá nhân 10,6 tỷ đồng và 40.000 USD; đưa 6 tỷ đồng (thông qua Đặng Văn Minh) và 20.000 USD cho bị can Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi); Đưa 6 tỷ đồng (thông qua Đặng Văn Minh) cho ông Lê Viết Chữ (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi).
Danh sách 41 bị cáo bị đưa ra xét xử:
Bị cáo Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu 'Pháo': Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long, bị đưa ra xét xử về các tội: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Tội Nhận hối lộ:
1. Bà Hoàng Thị Thúy Lan: Cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
2. Ông Lê Duy Thành: Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc
3. Ông Phạm Hoàng Anh: Cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
4. Ông Nguyễn Văn Khước: Cựu Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc
5. Ông Hoàng Văn Nhiệm: Cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc
6. Ông Chu Quốc Hải: Cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc
7. Ông Cao Khoa: Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
8. Ông Lê Viết Chữ: Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi
9. Ông Đặng Văn Minh: Cựu Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
Tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
1. Ông Phạm Văn Vọng: Cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
2. Ông Phùng Quang Hùng: Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc
3. Ông Hà Hòa Bình: Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc
4. Ông Ngô Đức Vượng: Cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ
5. Ông Nguyễn Doãn Khánh: Cựu Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ
6. Đinh Thị Thu Hương: Cựu Trưởng phòng giá đất bồi thường tái định cư, Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc
7. Cao Đại Nghĩa: Phó phòng giá đất, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường
8. Nguyễn Ngọc Huy: Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn TN&MT Nam Hà
Tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi:
- Đặng Trung Hoành: Cựu Chánh văn phòng huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long
Tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng:
1. Phạm Ngọc Cương: Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn
2. Đỗ Hữu Vinh: Cựu Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn
3. Phan Văn Vị: Cựu Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn
4. Đỗ Ngọc Hóa: Cựu Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn APEC
5. Nguyễn Minh Ân: Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Vạn An - Hà Nội
6. Bùi Minh Hồng: Cựu Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc
7. Hoàng Quốc Trị: Cựu Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc
8. Khổng Văn Thuyết: Cựu Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc
9. Đàm Hữu Tuấn: Cựu Trưởng ban quản lý dự án huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc
10. Nguyễn Xuân Nhâm: Cựu Hiệu trưởng trường Trung học VHNT tỉnh Vĩnh Phúc
11. Nguyễn Tiến Khôi: Cựu Giám đốc khu di tích lịch sử Đền Hùng
12. Lưu Quang Huy: Cựu Trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Đền Hùng, Bí thư huyện ủy Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ
13. Lê Đức Thọ: Trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Đền Hùng
14. Trần Xuân Nghĩa: Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Thọ
15. Hà Hoàng Việt Phương: Cựu Phó giám đốc Sở giao thông vận tải, Trưởng ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi
16. Lê Quốc Đạt: Cựu trưởng phòng, Sở giao thông vận tải, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi
17. Phạm Ngọc Thủy: Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi
Tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng:
1. Nguyễn Thị Hằng: Phó TGĐ Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn
2. Đỗ Thị Mai: Kế toán trưởng Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn
3. Hoàng Thị Tuyết Hạnh: Kế toán Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn
4. Nguyễn Hồng Sơn: Cựu Trưởng phòng kinh doanh, Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn
5. Trần Hữu Định: Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Á Group
KẾ HOẠCH LỚN CỦA TP HCM
.jpg)
TP HCM đã xác định các mục tiêu cụ thể của thành phố trong việc thực hiện Nghị quyết 57 theo từng giai đoạn thực hiện.
Thành ủy TP HCM vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là Nghị quyết 57).
Trong kế hoạch hành động, TP HCM đã xác định các mục tiêu cụ thể của thành phố trong việc thực hiện Nghị quyết 57 theo từng giai đoạn thực hiện.
Theo đó, TP HCM đặt mục tiêu đến hết năm 2025, tỉ lệ phủ sóng 5G tại TP HCM sẽ đạt từ 60% trở lên. Đến hết năm 2030, tỉ lệ này sẽ đạt 100%.
Với sóng 6G, TP HCM đặt mục tiêu đến hết năm 2035, tỉ lệ phủ sóng đạt 50%. Đến hết năm 2040, tỉ lệ này sẽ đạt 80%. Tỉ lệ này đạt 100% vào cuối năm 2045.
TP HCM cũng đặt mục tiêu tỉ lệ cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng kỹ năng số căn bản đạt từ 80% vào cuối năm 2025. Tỉ lệ này đạt 100% vào cuối năm 2030.
TP HCM cũng đặt mục tiêu 100% cán bộ, công chức thành phố được bồi dưỡng kỹ năng số căn bản vào cuối năm nay.
Đến hết năm 2030, 100% cán bộ, công chức, viên chức làm chủ kỹ năng số, ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành.
Đến hết năm nay, TP HCM có 80% dân số trưởng thành tiếp cận dịch vụ số (y tế, giáo dục, bảo hiểm, giao thông).
TP HCM cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết 57. Trong đó, có việc hoàn thiện thể chế, chính sách tạo đột phá, bảo đảm nguồn lực.
Theo đó, chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của TP HCM hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để ban hành chính sách ưu đãi trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ số, tháo gỡ các điểm nghẽn, các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách và nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển mang tính đột phá của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
TP HCM cũng sẽ xây dựng và hình thành các quỹ. Trong đó có quỹ phát triển khoa học - công nghệ, quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp (nếu đủ điều kiện). Ưu tiên bố trí ngân sách cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm, dự án chuyển đổi số, đồng thời kêu gọi xã hội hóa.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, viện, trường. Rà soát, cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình, giảm thời gian xử lý hồ sơ, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến chất lượng cao, phi địa giới hành chính. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ, startup tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực.
Cho phép thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước. Hình thành các Quỹ đầu tư mạo hiểm và chính sách tương ứng (vốn vào ra, vận hành, thoái vốn, cơ chế chia sẻ lợi ích,...) cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ (nếu đủ điều kiện).
Ưu tiên bố trí ngân sách cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm, dự án chuyển đổi số của TP HCM. Xây dựng các mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong đầu tư phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
DOANH NGHIỆP PHẢI NỘP TIỀN ĐẤT BỔ SUNG: VÔ LÝ!
Đó là nhận định của HoREA trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính góp ý sửa Nghị định 103 về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trong đó áp mức thu tiền đất bổ sung 5,4% trên số tiền đất phải nộp trong thời gian chưa tính xong tiền đất.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trường hợp chậm xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hoặc chậm xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (bổ sung) thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp không có lỗi trong các trường hợp này.
Doanh nghiệp chỉ có lỗi trong trường hợp cơ quan thuế đã thông báo tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hoặc xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (bổ sung) mà trong thời hạn pháp luật quy định, doanh nghiệp không hoàn thành nghĩa vụ tài chính này thì bị phạt chậm nộp theo quy định của pháp luật về thuế.
Cũng không có căn cứ pháp luật để quy định người sử dụng đất phải nộp khoản tiền bổ sung cho thời gian chưa xác định giá đất từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất đến ngày 1.8.2024.
Hơn nữa HoREA nhận thấy, cần phải quán triệt và thực hiện ngay chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu năm 2025 phải cơ bản tháo gỡ các điểm nghẽn do quy định pháp luật; ưu tiên trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tổng Bí thư nhận định: Đây là dấu mốc thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong việc đổi mới tư duy, cách thức lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật nhằm tháo gỡ nhanh nhất các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển bứt phá của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu ngay trong tháng 6 này, các bộ, ngành soạn ngay dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để sửa một số Nghị định, Nghị quyết bất cập hoặc soạn ngay dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để sửa các quy định pháp luật chưa phù hợp tại các luật hiện hành, đặc biệt là luật Đất đai.
Chính phủ hoàn toàn có thẩm quyền sửa đổi ngay Nghị định 103/2024 để đảm bảo việc thu ngân sách nhà nước đối với khoản tiền thu bổ sung theo quy định tại luật Đất đai 2024 là phù hợp với thực tế và theo quy định tại luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025.
Do vậy, HoREA đề nghị không quy định khoản tiền bổ sung cho khoảng thời gian chậm xác định tiền sử dụng đất trước thời điểm ngày 1.8.2024. Chỉ xác định khoản tiền bổ sung cho khoảng thời gian chậm xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả một lần cho cả thời gian thuê kể từ ngày 1.8.2024 cho đến ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của cơ quan thuế, trừ đi khoảng thời gian 180 ngày là thời hạn mà UBND cấp có thẩm quyền phải ban hành quyết định giá đất theo quy định tại luật Đất đai 2024.
Việc xem xét sửa đổi điều 50, điều 51 Nghị định 103/2024 và điểm d khoản 2 điều 257 luật Đất đai 2024 là rất cần thiết và cấp bách, cần được Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giải quyết sớm để gỡ vướng cho doanh nghiệp, giảm chi phí đầu vào cho nền kinh tế và thị trường bất động sản về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, để khơi thông nguồn cung nhà ở.
Nguồn: Báo Mới; Vietnamnet; Soha; Thanh Niên
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá