.jpg)
TOÀN CẢNH VỤ TRANH CHẤP TÀI SẢN CỦA ĐỨC TIẾN
Sau gần 1 năm cố diễn viên Đức Tiến qua đời, giữa mẹ và vợ anh xảy ra tranh chấp căng thẳng liên quan đến tài sản.
Tháng 5/2024, cố diễn viên Đức Tiến đột ngột qua đời tại Mỹ do nhồi máu cơ tim. Tại thời điểm đó, bà xã của cố diễn viên là Hoa hậu Bình Phương đứng ra lo liệu tang lễ cho anh tại Mỹ, còn mẹ ruột của cố diễn viên là bà Nguyễn Ngọc Ánh tổ chức lễ viếng cho con trai ở Việt Nam.
Sau tang lễ của Đức Tiến, xuất hiện một số thông tin cho rằng mối quan hệ của bà xã và mẹ của nam diễn viên không tốt. Đồng thời trên mạng xuất hiện clip mẹ của cố diễn viên Đức Tiến nói rằng con dâu không ký giấy bảo lãnh để làm thủ tục cho bà sang Mỹ với con cháu. Sau đó, vợ cố diễn viên Đức Tiến đã lên tiếng khẳng định không cắt liên lạc với mẹ chồng, thời điểm đó không gửi giấy chứng tử của anh để bà làm hồ sơ là vì chưa được cấp.
Dù người trong cuộc không bàn luận gì thêm nhưng nghi vấn mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu "cơm không lành, canh không ngọt" vẫn gây nhiều bàn tán trên mạng xã hội. Cho tới khi giữa hai bên xảy ra tranh chấp liên quan đến quyền thừa kế, câu chuyện giữa mẹ và vợ của cố diễn viên Đức Tiến lại trở nên căng thẳng hơn.
8/3/2025: Vợ cố diễn viên Đức Tiến kiện mẹ chồng đòi chia thừa kế
Sau khi cố diễn viên Đức Tiến qua đời, bà Bình Phương gửi đơn lên tòa đề nghị được nhận lại các tài sản của chồng và phân chia tài sản theo pháp luật. Vụ kiện tranh chấp khối tài sản thừa kế của cố nghệ sĩ Đức Tiến được Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM thụ lý.
Trong đơn kiện, bà Bình Phương nói rằng chồng đã lập di chúc trước khi qua đời. Nội dung di chúc nói rằng cô được sở hữu căn nhà tại phường Linh Đông (TP Thủ Đức) và thửa đất tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) của anh. Bà Ngọc Ánh - mẹ đẻ nam diễn viên và con gái anh được nhận phần thừa kế tương đương mỗi người 666 triệu đồng.
Mẹ cố diễn viên Đức Tiến phản tố
Sau khi được tòa thông báo, bà Ngọc Ánh đã gửi đơn phản tố. Bà Ánh cho rằng di chúc của con trai do bà Bình Phương đưa ra, dù đã được công chứng tại Mỹ, nhưng không phù hợp với pháp luật Việt Nam. Bà yêu cầu được nhận 50% giá trị tài sản (khoảng 2,7 tỷ đồng).
Theo bà Ánh, căn nhà tại phường Linh Đông (TP Thủ Đức) do bà và cố diễn viên Đức Tiến chung tiền mua vào năm 2009, nhưng một mình con trai đứng tên để thuận lợi hơn cho việc làm thủ tục, phần vì bà cũng đã cao tuổi và không am hiểu luật. Khi mua, căn nhà chỉ có một tầng, sau đó mấy mẹ con mới xây dựng thành nhà 3 tầng. Khi cố diễn viên sang Mỹ định cư, mẹ và chị gái của anh tiếp tục sống tại căn nhà này và duy trì đóng các loại thuế, phí.
Tương tự, với thửa đất tại Long An, bà đề nghị hưởng 50% giá trị, tạm tính 300 triệu đồng.
Đối với phần di sản còn lại (khoảng 3 tỷ đồng), bà đề nghị chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất, gồm bà, con dâu và cháu nội, mỗi người nhận khoảng 720 triệu đồng.
27/3/2025: TAND TP.HCM mở phiên hòa giải
Theo dự kiến, phiên hòa giải vụ tranh chấp thừa kế tài sản của cố diễn viên Đức Tiến diễn ra vào sáng ngày 27/3/2025. Do bà Bình Phương và bà Ánh đều không có mặt mà ủy quyền cho người đại diện pháp lý và luật sư tham gia, nên tòa đã không mở phiên hòa giải như dự kiến, chỉ lập biên bản ghi nhận ý kiến của các bên.
Phía bà Bình Phương vẫn giữ quan điểm muốn phân chia quyền thừa kế theo di chúc của Đức Tiến. Phía mẹ cố diễn viên bổ sung yêu cầu tòa xác định thửa đất ở Long An là tài sản riêng của cố diễn viên Đức Tiến và phân chia lại tỷ lệ thừa kế.
30/3/2025: Bà Bình Phương lên clip chứng minh căn nhà là tài sản riêng của chồng
Khi vụ kiện đang được xử lý, bà Bình Phương đăng tải đoạn clip chứng minh căn nhà ở Thủ Đức là tài sản riêng của cố diễn viên Đức Tiến chứ không phải tài sản chung với mẹ.
Thời điểm quay clip là vào năm 2023, khi cố diễn viên Đức Tiến về Việt Nam và rao bán căn nhà này. Trong đó, anh nói: "Đây là căn nhà tôi đã bỏ công sức để xây. Tôi là người đi chọn từng viên gạch, cục sắc tại đây. Lúc xây nhà này, tôi đổ rất nhiều trụ cột bê tông nên rất chắc chắn.
Đây là một trong những căn nhà đầu tiên xây ở đây, khi khu này còn là đất trống. Giờ thì xung quanh đây toàn biệt thự lớn. Tôi bỏ ra 1 tỷ đồng để làm lại căn nhà này, dọn dẹp sạch sẽ, đi lại toàn bộ hệ thống điện, vệ sinh, bếp cũng mới hoàn toàn.
Tôi là người sở hữu căn nhà này đầu tiên luôn chứ không phải mua lại qua chủ khác. Tình hình này thì bán nhà rất khó nhưng tôi lại không ở Việt Nam thường xuyên, ở nước ngoài là chính. Mẹ tôi hiện về Biên Hòa ở rồi nên căn nhà này bỏ trống, quý vị có thể vào xem thoải mái".
Hiện tại, vụ tranh chấp giữa mẹ và vợ cố diễn viên Đức Tiến vẫn đang diễn ra căng thẳng và chưa có phán quyết cuối cùng. Trên trang cá nhân, bà Bình Phương thường xuyên chia sẻ về con gái và chồng quá cố. Động thái gần đây nhất của cô là đăng tải bức ảnh cố diễn viên Đức Tiến bên con gái, đồng thời tâm sự về việc con gái hỏi về ba khiến cô khó xử không biết nên trả lời ra sao.
PHÁT SÓNG ĐỜI TƯ KIẾM TIỀN: SỰ TRƯỢT DỐC ĐẠO ĐỨC THỜI HIỆN ĐẠI?
Khi cá nhân có thể kiếm tiền từ việc "phát sóng" đời tư, còn khán giả sẵn sàng tiêu tốn thời gian và tiền bạc để theo dõi, thì đây không còn là sự hiếu kỳ vô hại nữa mà là biểu hiện của sự lệch chuẩn trong cách tiếp nhận và đánh giá thông tin.
Tôn sùng drama : Sự trượt dốc giá trị và tha hóa đạo đức?
Chỉ sau một buổi tối, livestream của ViruSs thu hút đến 4,8 triệu lượt xem, đỉnh điểm lên đến 1,6 triệu người theo dõi cùng lúc. Điều đáng nói, câu chuyện được hàng triệu khán giả quan tâm không phải là chủ đề ý nghĩa hay thông tin hữu ích.
Buổi livestream hút view kia xoay quanh ồn ào, drama tình cảm của những người được cho là nổi tiếng, có nhiều fan trên mạng xã hội. Và khi nhìn lại, con số này khiến không ít người phải giật mình.
Con số gần 5 triệu lượt xem không chỉ phản ánh sự tò mò thông thường của công chúng, mà còn cho thấy cách mạng xã hội ngày nay đang vận hành như sân khấu lớn, nơi mọi câu chuyện riêng tư đều có thể trở thành một "sự kiện giải trí" đại chúng.
Điều đáng nói ở đây không phải là việc có một bộ phận khán giả quan tâm đến drama - điều vốn dĩ đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, mà là ở mức độ lan tỏa và cường độ mà nó chiếm sóng trong không gian truyền thông hiện đại.
Một câu chuyện riêng tư, dù có phần kịch tính, cũng không nên trở thành tâm điểm của hàng triệu người. Nhất là khi nó không mang lại giá trị tích cực hay đóng góp gì đáng kể cho xã hội.
Hàng giờ dành để theo dõi, bình luận, tranh luận về drama đồng nghĩa với việc hàng triệu người đang lãng phí thời gian quý báu của mình vào một nội dung vô nghĩa.
Hay nói chính xác hơn, một loại “rác thông tin” được ngụy trang dưới lớp vỏ của sự giải trí. Từ những vụ bóc phốt giới showbiz , các cuộc khẩu chiến bị công khai, đến những màn vạch mặt được dàn dựng, công chúng ngày càng bị cuốn vào vòng xoáy tiêu thụ nội dung giật gân thay vì tìm kiếm tri thức, sự thấu hiểu hay chiều sâu.
Sự thật đáng lo hơn nằm ở việc công chúng ngày càng đắm chìm trong những vụ drama tình cảm không chỉ là xu hướng giải trí mà còn là biểu hiện của sự sụt giảm hệ giá trị trong xã hội hiện đại.
Khi những câu chuyện cá nhân được tôn lên thành sự kiện, khi scandal trở thành đề tài chính của dư luận, chúng ta phải tự hỏi: Những giá trị nào đang thực sự được đề cao?
Sự tôn sùng drama cho thấy điều đáng buồn, những điều đáng để quan tâm như lòng nhân ái, đạo đức, sáng tạo, tri thức đang dần bị lu mờ trước những điều phù phiếm.
Khi cá nhân có thể kiếm tiền từ việc "phát sóng" đời tư, còn khán giả sẵn sàng tiêu tốn thời gian và tiền bạc để theo dõi, thì đây không còn là sự hiếu kỳ vô hại nữa mà là biểu hiện của một xã hội đang lệch chuẩn trong cách tiếp nhận và đánh giá thông tin.
Thậm chí, hành vi "tiêu thụ drama" còn dễ dẫn đến sự vô cảm hoặc thỏa mãn ngầm trước nỗi đau của người khác. Cảm giác được đứng trên lập trường đạo đức để phán xét có thể khiến người ta thấy hả hê.
Nhưng về lâu dài, điều bào mòn khả năng đồng cảm làm giảm sự tôn trọng lẫn nhau và góp phần tạo nên cộng đồng mạng đầy thù ghét, phán xét và thiếu lòng vị tha.
Khán giả trả tiền để được hóng drama và phán xét
Xã hội ngày càng xuất hiện điều không kém phần mâu thuẫn: Khán giả một mặt chỉ trích streamer ViruSs, mặt khác sẵn sàng bỏ tiền để được vào bình luận trong buổi livestream. Đây là biểu hiện rõ ràng nhất của nền văn hóa "thị phi", nơi phẫn nộ và tò mò cùng tồn tại trong một con người.
Nhiều người không ủng hộ nhân vật chính, nhưng vẫn muốn "coi cho biết", thậm chí muốn can dự vào cuộc tranh cãi, góp lời mạt sát. Nó giống như một dạng "nghiện drama", nơi những nội dung tiêu cực mang lại cảm giác hồi hộp, gay cấn như xem phim.
Chính điều này tiếp tay cho việc biến drama thành mô hình kiếm tiền, không chỉ là công cụ bộc bạch cảm xúc, mà là chiến lược tạo lợi nhuận của những người biết cách khai thác đám đông.
Nguy cơ lớn hơn nữa là ranh giới giữa việc lên án cái xấu và vô tình đẩy cái xấu thành "ngôi sao" đang bị xóa nhòa. Trong nhiều trường hợp, người bị chỉ trích không chìm xuống mà ngược lại, trở nên nổi tiếng hơn, nhiều người theo dõi hơn, kiếm được nhiều tiền hơn từ chính scandal của mình.
Khi công chúng đổ dồn sự chú ý vào vụ việc, thuật toán mạng xã hội sẽ hiểu rằng đó là nội dung hấp dẫn và đẩy mạnh hiển thị. Thế là, dù người ta đang chỉ trích, nội dung đó vẫn trở thành "trend". Cuối cùng, những người tạo ra drama không hề bị trừng phạt bởi dư luận mà còn được lợi từ chính những gì họ bị lên án.
Những người tạo drama không hề vô tình. Họ hiểu rõ cách vận hành của truyền thông và tâm lý công chúng. Họ biết cách dẫn dắt, tung hỏa mù, hứa hẹn "sự thật gây sốc" để giữ chân khán giả.
Và khán giả, vì không muốn bỏ dở câu chuyện, vẫn tiếp tục theo dõi. Tâm lý "phải biết cái kết" khiến họ mắc kẹt trong vòng xoáy đó, vừa phản đối, vừa không thể dứt ra.
Vì vậy vấn đề không chỉ nằm ở người tạo drama, mà ở chính khán giả. Chừng nào công chúng vẫn còn tiếp tục tiêu thụ những nội dung rẻ tiền, chừng đó drama vẫn còn đất sống. Và chỉ khi thói quen tiêu thụ thay đổi, khi người ta ưu tiên những giá trị thật sự hơn là trò tiêu khiển nhất thời thì vòng lặp tiêu cực mới có thể được phá vỡ.
VÌ SAO HÀ NỘI Ô NHIỄM HƠN TP.HCM?
.jpg)
Mức ô nhiễm ở Hà Nội cao hơn Thành phố Hồ Chí Minh do điều kiện thời tiết bất lợi, đặc biệt là những ngày cuối năm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho biết, ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn là vấn đề đã hình thành trong nhiều năm gần đây, tập trung chủ yếu ở 2 khu vực kinh tế trọng điểm. Đó là khu vực phía Bắc (xung quanh vùng Thủ đô Hà Nội) và khu vực phía Nam (xung quanh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh).
"Mức ô nhiễm không khí ở Hà Nội cao hơn TP.HCM do điều kiện thời tiết bất lợi, đặc biệt là những ngày cuối năm. Thành phần chính gây ô nhiễm được cơ quan chuyên môn và giới chuyên gia xác định, chủ yếu là bụi đường, bụi PM10 (các hạt vật chất dạng rắn hoặc lỏng, có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet, lơ lửng trong không khí) và bụi mịn PM2.5 (những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống). Thời điểm ô nhiễm không khí chủ yếu xảy ra vào các tháng mùa Đông-Xuân (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau). Có 4 nguyên nhân chính, trong đó nguồn phát thải từ hoạt động giao thông là nguyên nhân trực diện nhất, bao gồm: Bụi đường; khí thải từ phương tiện giao thông cũ, nát; xe tải chạy dầu DO cũ; xe chở vật liệu xây dựng (đặc biệt là tại Hà Nội). Từ hoạt động sản xuất công nghiệp mà trọng tâm là các nhóm ngành sản xuất như vật liệu xây dựng, ximăng; nhà máy nhiệt điện; sản xuất sắt thép", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ.
Trong đó, đối với hoạt động xây dựng, theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nguồn phát thải này được hình thành trong quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ dẫn đến các công trình không che chắn, không có biện pháp ngăn bụi phát tán.
Nguyên nhân nữa là các hoạt động đốt hở; đốt rác; phụ phẩm nông nghiệp; hoạt động dân sinh. Thực tế thời gian qua cho thấy hoạt động này diễn ra phổ biến tại các điểm tập kết rác; đốt rơm rạ ngoài cánh đồng sau thu hoạch; đốt sinh khối để sưởi ấm; nướng thực phẩm khu vực ẩm thực; đốt vàng mã.
Một yếu tố khác được Thứ trưởng Thành đề cập là điều kiện địa hình và khí hậu, thời tiết bất lợi cũng là tác nhân gây ô nhiễm không khí.
"Hà Nội nằm trong vùng khí hậu gió mùa, bao quanh là dãy núi cao phía Tây, độ ẩm cao; ít mưa; nghịch nhiệt; không gió gây nên hiện tượng chất ô nhiễm không thể khuếch tán, lắng đọng. Đây cũng là nguyên nhân khiến mức ô nhiễm ở Hà Nội cao hơn Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt là những ngày cuối năm, Tết Nguyên đán ô nhiễm hơn do tăng hoạt động sản xuất, hoạt động giao thông”, Thứ trưởng Thành nhấn mạnh.
Muốn kiểm soát ô nhiễm không khí, các đô thị lớn cần phải làm gì?
Trước thực trạng trên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị, trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các đô thị lớn cần kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động xây dựng như: Tổ chức giám sát các công trình xây dựng (xây dựng khu đô thị; khu nhà cao tầng; công trình giao thông; công trình công cộng, công ích; công trình cải tạo mặt đường, vỉa hè), bắt buộc che chắn bụi, phun nước giảm bụi.
Cùng với đó là quản lý chặt chẽ hoạt động giao thông theo hướng quy hoạch tuyến đường cho xe tải, kiểm soát xe cũ, tăng cường giao thông công cộng; tăng cường vệ sinh đô thị thông qua các giải pháp như rửa đường, quét bụi, lắp đặt hệ thống giàn phun nước tại các tuyến giao thông chính.
Ngoài ra, các địa phương cần kiểm soát đốt rác, phụ phẩm nông nghiệp thông qua việc siết chặt quản lý đốt rác, đốt rơm rạ sau thu hoạch, khuyến khích tái chế rơm rạ; quản lý chặt đốt sinh khối để sưởi ấm, nướng thực phẩm ngoài trời, đốt vàng mã; phân công và giám sát thực thi trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp huyện, xã.
Giải pháp tiếp theo là kiểm soát nguồn khí thải công nghiệp bằng các giải pháp như giám sát tự động khí thải từ các nhà máy, xử lý nghiêm vi phạm. Đặc biệt là nâng cao ý thức cộng đồng như tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ô nhiễm không khí và các biện pháp giảm thiểu.
CHÁY NHÀ, 3 NGƯỜI TỬ VONG
Đám cháy bùng lên tại căn nhà ở quận 8 (TPHCM) khiến 2 người lớn và một trẻ nhỏ tử vong.
Ngày 2/4, các đơn vị nghiệp vụ Công an TPHCM đang điều tra nguyên nhân vụ cháy nhà làm 3 người tử vong.
Thông tin ban đầu, rạng sáng cùng ngày, người dân phát hiện căn nhà trên đường Mạc Vân (phường Xóm Củi, quận 8) xảy ra cháy nên hô hoán tìm cách dập lửa và báo cơ quan chức năng.
Do gặp vật liệu dễ cháy, ngọn lửa bùng phát dữ dội và lan rộng khiến công tác dập lửa ban đầu bất thành.
Tiếp nhận tin báo, lực lượng chữa cháy kịp thời có mặt khống chế, ngăn cháy lan.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 2 người lớn và 1 trẻ nhỏ tử vong . Một số nhân chứng cho hay, thời điểm xảy ra cháy, căn nhà có 8 người và 5 người đã kịp thời chạy thoát ra ngoài.
Danh tính nạn nhân và nguyên nhân vụ cháy đang được công an điều tra, làm rõ.
Nguồn: Afamily; Soha; CafeF; Kenh14
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá