Tết xa nhà ở GBRS; Khắc phục hậu quả ở Nhật; Bị bắt vì bán tài khoản ngân hàng; Nữ nghiên cứu sinh ở Úc

Người lao động Việt Nam đón Tết xa nhà tại Liên doanh dầu khí GBRS

Đội ngũ cán bộ, kỹ sư dầu khí chất lượng cao của Việt Nam tham gia dự án chiếm số lượng không nhiều nhưng lại đang đảm trách nhiều khâu quan trọng và được các đối tác đánh giá cao.

Trong 2 ngày 22 và 23/1, đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria do Đại sứ Trần Quốc Khánh dẫn đầu đã có chuyến thăm nhằm tìm hiểu tình hình, điều kiện làm việc cũng như động viên các kỹ sư, người lao động Việt Nam phải đón Tết xa nhà tại dự án liên doanh dầu khí Groupement Bir Seba (GBRS).

Liên doanh dầu khí GBRS tại Algeria là dự án đầu tư khai thác dầu khí đầu tiên ở nước ngoài mà Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đứng vai trò là nhà điều hành. Các bên liên doanh trong dự án này có Công ty Dầu khí Quốc gia Algeria (Sonatrach) và Công ty Dầu khí Thái Lan (PTT).

Sau đội ngũ cán bộ, kỹ sư dầu khí chất lượng cao của Việt Nam tham gia dự án chiếm số lượng không nhiều nhưng lại đang đảm trách nhiều khâu quan trọng và được các đối tác đánh giá cao về chất lượng công việc.gần 8 năm đi vào khai thác, GBRS đã chính thức đóng thùng dầu thứ 50 triệu vào ngày 28/10/2023, đưa liên doanh này trở thành một trong những dự án đầu tư ra nước ngoài hiệu quả nhất của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Công ty Liên doanh GBRS đang khai thác tại Lô 433a & 416b mỏ Bir Seba ở sa mạc Sahara, miền Nam Algeria. Được triển khai từ năm 2003, dự án này được đánh giá có tổng trữ lượng khoảng 1 tỷ thùng dầu. Hiện, giai đoạn 1 của dự án đang hoạt động với sản lượng khai thác khoảng hơn 16.000 thùng dầu/ngày và các bên tham gia đang đàm phán giai đoạn 2 nhằm nâng tổng công suất của dự án lên mức 40.000 thùng dầu/ngày.

Đây là dự án mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai ngay từ việc tham gia đấu thầu quốc tế, trực tiếp điều hành trong giai đoạn thăm dò thẩm lượng (từ năm 2003 đến 2008) đến điều hành trong giai đoạn phát triển mỏ và vận hành khai thác.

Hiện tại, đội ngũ cán bộ, kỹ sư dầu khí chất lượng cao của Việt Nam tham gia dự án chiếm số lượng không nhiều nhưng lại đang đảm trách nhiều khâu quan trọng và được các đối tác đánh giá cao về chất lượng công việc.

Ông Nguyễn Thanh Hải, đồng Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Groupement Bir Seba (GBRS), cho biết hiện Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (một đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN) đang có khoảng 28 lao động người Việt Nam tham gia dự án. Trong đó, đa số đều đang đảm nhận các vị trí rất quan trọng như các vị trí giám đốc hoặc trưởng phòng. Bản thân các kỹ sư Việt Nam cũng là những người đứng đầu về mặt kỹ thuật và tham gia đưa ra các quyết định quan trọng trong dự án này.

Ngoài việc tham gia công tác vận hành nhà máy, đây cũng là dự án đầu tiên mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đưa được hoạt động khoan và dịch vụ khoan dầu khí ra nước ngoài khi Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) đã đưa được giàn khoan đến mỏ Bir Seba và khoan hàng chục giếng, với tiến độ, chi phí và sự hiệu quả được các đối tác trong liên doanh đánh giá cao.

Trong chuyến thăm, đoàn công tác của đại sứ quán đã có buổi làm việc với các bên tham gia dự án để nắm bắt tình hình hoạt động chung; trao đổi với đội ngũ cán bộ, kỹ sư người Việt đang làm việc tại dự án để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như thăm các phòng ban, cơ sở của nhà máy xử lý trung tâm, giàn khoan và các giếng khoan đang hoạt động.

Đại sứ Việt Nam tại Algeria Trần Quốc Khánh đánh giá dự án khai thác dầu khí tại Bir Seba, Algeria là một trong những dự án đầu tư nước ngoài thành công nhất của Tập đoàn dầu khí Việt Nam đồng thời khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ để dự án có thể tiếp tục phát triển tốt trong giai đoạn hai và mở rộng của dự án.

Trong điều kiện làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt, mùa Đông có thể xuống 0 độ C trong khi mùa Hè có thể lên đến 60 độ C các công nhân, kỹ sư dầu khí Việt Nam vẫn luôn cố gắng bám trụ, hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo dòng vàng đen tuôn chảy không ngừng nghỉ, góp phần mang lại nguồn thu lợi nhuận cho tập đoàn dầu khí và cho ngân sách quốc gia.

Hỗ trợ cộng đồng người Việt khắc phục hậu quả động đất tại Nhật Bản

Sau trận đống đất làm rung chuyển bản đảo Noto, tỉnh Ishikawa Nhật Bản, các doanh nghiệp, hội đoàn Việt Nam đang tích cực gây quỹ, giúp đỡ những nạn nhân khó khăn.

Ngày 1/1/2024, trận động đất mạnh 7,6 độ đã làm rung chuyển khu vực bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa và các khu vực lân cận thuộc miền trung Nhật Bản, để lại thiệt hại nặng nề. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng người Việt tại đây gói hỗ trợ 2 triệu Yên Nhật và hàng loạt gói hỗ trợ cơ sở vật chất khác ổn định cuộc sống.

Hơn 5000 người Việt tại Ishikawa Nhật Bản đối mặt với hậu quả nặng nề sau thảm kịch

Hậu quả của trận động đất xảy ra vào đầu năm 2024 xảy ra ở bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa và các khu vực lân cận thuộc miền trung Nhật Bản đã làm ít nhất 180 người thiệt mạng, 120 người mất tích và 565 người bị thương, trong đó thành phố Wajima thiệt hại nặng nề nhất với 81 người thiệt mạng, thành phố Suzu với 71 người thiệt mạng, thị trấn Anamizu 18 người thiệt mạng… Thiệt hại cũng được xác nhận đối với ít nhất 1.425 ngôi nhà và khoảng 150 công trình xây dựng.

Theo chính quyền tỉnh Ishikawa, trong số khoảng 5.000 người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập tại đây, có khoảng 600 người ở bán đảo Noto - tâm chấn của trận động đất lớn vừa qua. Thống kê đến 15h ngày 4-1 cho thấy đã có 80.906 căn nhà bị hư hại, 12 cơ sở xử lý rác và nước bẩn đã bị phá hỏng mà chưa biết khi nào có thể khôi phục.

Động đất cũng làm hỏng các đường ống dẫn nước nên nhu cầu về nước sạch sinh hoạt đang rất cấp thiết tại các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã nối lại hoạt động và cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết. Số trạm xăng hoạt động ổn định lại cũng đã tăng từ 38 lên 73 trạm.

Tinh thần sẻ chia đồng bào lan tỏa, sẵn sàng hành động vì cộng đồng của doanh nghiệp Việt Nam

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với các hiệp hội, tổ chức, đơn vị tại Nhật họp để tìm ra biện pháp hỗ trợ công dân người Việt gặp nạn và những du học sinh gặp khó khăn sau trận động đất. Chủ tịch Hiệp hội người Việt tại tỉnh Saitama, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Sun Shine - Ông Phạm Đình Thương trực tiếp tham gia họp bàn và đưa ra phương hướng hành động cùng Tổng lãnh sự Osaka, Tổng lãnh sự Fukuoka, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản, Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, đại diện của các nhóm tình nguyện viên, các hội đoàn người Việt tại các địa phương.

Sun Shine là một doanh nghiệp Việt Nam có phạm vi hoạt động và kinh doanh tại Nhật Bản, với dịch vụ trải rộng từ dịch vụ viễn thông, chăm sóc sức khỏe, y tế - dịch vụ du lịch, hướng tới mục tiêu trở thành hệ sinh thái đa dịch vụ cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Doanh nghiệp và các hiệp hội Việt Nam tại Nhật bản cũng chủ động đề xuất Liên hiệp hội lập Ban thông tin để cung cấp kịp thời thông tin thiết yếu, xác thực những nơi thực sự khó khăn, nắm bắt thông tin chính xác về những nơi chưa được hỗ trợ, những nơi cần hỗ trợ.

Ngoài ra, để khắc phục kịp thời hậu quả và giúp đỡ những nạn nhân khó khăn sau thảm họa động đất, công ty Cổ phần Sun Shine sẵn sàng thực hiện gói hỗ trợ 2,000,000 Yên Nhật và kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị gây quỹ hỗ trợ các du học sinh mua lại đồ dùng sinh hoạt như: lò vi sóng, tủ lạnh... thay thế các thiết bị này đã bị hỏng do động đất để sớm ổn định cuộc sống sinh hoạt, tập trung học tập.

Đại diện công ty chia sẻ, đơn vị đã phục vụ lên đến hơn 100,000 khách hàng cá nhân và tạo lập mạng lưới hệ thống đối tác với hơn 50 doanh nghiệp tại Nhật Bản nhằm đem đến chất lượng dịch vụ tốt nhất, sự an tâm để người Việt vững bước phát triển tại đất nước Nhật Bản.

Kinh doanh vị nhân sinh, các hoạt động dành cho cộng đồng để an cư lạc nghiệp, các hoạt động tăng cường giao thoa văn hóa Việt - Nhật là những giá trị vô hình mà các doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật đang nỗ lực đem lại.

Bán tài khoản ngân hàng của mình – Một người Việt ở Nhật bị bắt

Vào ngày 23/1, Sở cảnh sát Fukiai thuộc tỉnh Hyogo đã bắt giữ một nam giới Việt Nam thất nghiệp (31 tuổi) ở quận Higashinada, thành phố Kobe vì nghi ngờ vi phạm Luật Phòng chống chuyển lợi nhuận hình sự. Đối tượng bị tình nghi vì cung cấp tài khoản ngân hàng của mình cho bên thứ 3.

Nghi phạm bị bắt vì tình nghi cung cấp số tài khoản và mã PIN của tài khoản ngân hàng đứng tên mình cho ai đó thông qua mạng xã hội (SNS) vào khoảng ngày 15 tháng 1. Trong quá trình điều tra, anh ta đã thừa nhận cáo buộc và nói rằng: “Tôi biết điều đó là bất hợp pháp”.

Theo đồn cảnh sát, người này đã bán tài khoản ngân hàng trên SNS. Tài khoản này được sử dụng trong một vụ lừa đảo ở tỉnh Osaka trong tháng này và đã bị đóng băng. Tuy nhiên, cảnh sát đã phát hiện nghi phạm khi người này cố gắng rút tiền từ tài khoản.

Quả thực, những năm gần đây, tình trạng lừa đảo “chuyển tiền tay ba” hay hack tài khoản mạng xã hội nhằm mục đích lừa đảo diễn ra ngày một nhiều. Việc bán tài khoản ngân hàng cũng chính là hành vi tiếp tay cho những kẻ xấu và sẽ ảnh hưởng đến chính các bạn. LocoBee hi vọng các bạn hiểu điều này là bất hợp pháp và không nên bán hay cung cấp tài khoản ngân hàng cho bất kỳ kẻ đáng nghi nào nhé!

Nữ nghiên cứu sinh Việt tại Úc nghiên cứu cách chẩn đoán bệnh thần kinh hiếm gặp

Hội chứng ALS là loại bệnh hiếm gặp khi thần kinh điều khiển các cơ trong cơ thể chết đi hàng loạt không rõ nguyên nhân khiến người bệnh bị teo cơ và liệt người. Người bệnh không thể điều khiển cơ tay chân, thường tử vong do suy hô hấp sau 2-5 năm sau khi được chẩn đoán. Hiện chưa có cách điều trị bệnh, thuốc Riluzole được sử dụng chỉ kéo dài sự sống từ 2-3 tháng.

"Các phương thức hiện nay đều không giúp các nhà khoa học tìm được nguyên nhân trực tiếp gây bệnh ALS, đây là lý do nhóm theo đuổi thiết kế phương thức nghiên cứu ở động vật có thể tái hiện lại quá trình phát triển bệnh lý từ đó tìm hiểu được tác nhân động cơ phát triển bệnh", Bảo Châu cho biết.

Trần Lê Bảo Châu, 27 tuổi và cộng sự tại Viện nghiên cứu thần kinh và tâm thần học Florey, thuộc Đại học Melbourne thực hiện nuôi tế bào thần kinh gốc từ bệnh nhân mắc bệnh ALS cấy vào não chuột. Điều này sẽ giúp giảm thiểu những nhược điểm của nuôi cấy tế bào đơn thuần trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu ở động vật. Hiện thí nghiệm thành công, chuột sau hơn 9 tháng được cấy tế bào thần kinh người vào não, vẫn sống khỏe mạnh.

Bảo Châu cho hay, nếu thành công tái hiện quá trình phát triển bệnh, các nhà khoa học có thể sử dụng nghiên cứu nguyên nhân phát triển bệnh, qua đó giúp chẩn đoán chính xác và tìm cách kìm hãm bệnh phát triển. Đồng thời có thể sử dụng mô hình động vật để thử nghiệm thuốc trước khi vào thí nghiệm lâm sàng.

Nghiên cứu của Bảo Châu sử dụng những kỹ thuật công nghệ mới như nuôi cấy tế bào gốc, hóa mô miễn dịch (immunohistochemistry), chụp hình ảnh thần kinh thông qua kính hiển vi quét laser đồng tiêu (laser scanning confocal microscopy) và tạo dựng cấu trúc thần kinh thành hình ảnh 3D. Đây là những kỹ thuật và công nghệ mới, tiên tiến trong ngành.

Hồi tháng 11/2023, Trần Lê Bảo Châu là nữ sinh người Việt duy nhất trong số 6 người được xướng tên tại Graeme Clark Institute (GCI) in STEM Student Award. Giải thưởng do Viện nghiên cứu Graeme Clark, thuộc đại học Melbourne tổ chức, nhằm ghi nhận và tôn vinh các nhà nghiên cứu nữ tại đại học Melbourne có đề án trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh và đóng góp đáng kể trong cộng đồng nghiên cứu STEM.

Bảo Châu nhận học bổng học tiến sĩ toàn phần Nancy Frances Curry, dành cho sinh viên nghiên cứu hội chứng ALS (xơ cứng cột bên teo cơ). Cô đang làm nghiên cứu tiến sĩ tại Viện nghiên cứu thần kinh và tâm thần học Florey năm thứ ba, đồng thời là cố vấn khoa học tại Gene Technology Access Centre (GTAC).

Nguồn: VietnamPlus; VTV; LocoBee; Nhịp Cầu Đầu Tư

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang