Nhà văn Quốc tịch Đức gốc Việt Khuê Phạm & Hành trình vượt qua sự im lặng

Trải qua nhiều biến động thời cuộc với những ly tán và chia cắt, câu chuyện của các gia đình gốc Việt hải ngoại thường được viết nên từ các ẩn ức xuyên qua nhiều thế hệ. Nhà văn, nhà báo Khuê Phạm có lẽ là người hiểu điều này hơn ai hết.

Sinh năm 1982 tại Berlin, Khuê Phạm là nhà báo cho tuần báo Đức Die Zeit suốt 15 năm. Năm 2012, cô đồng tác giả cuốn sách phi hư cấu We new Germans, nói về những người nhập cư thế hệ thứ hai tại Đức.

Tiểu thuyết đầu tay của Khuê, Wo auch immer ihr seid (tạm dịch: Dù ở nơi đâu, tựa tiếng Anh: Brothers and Ghosts) đã nhận nhiều phản hồi tích cực khi ra mắt tại Đức năm 2020. Tác phẩm được xuất bản tại Anh, Úc và Mỹ vào năm ngoái và được chuyển thể thành vở kịch KIM.

Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện với Khuê Phạm - một người quốc tịch Đức gốc Việt trẻ trong xã hội châu Âu quyết tâm tìm lại cội rễ của những biến cố gia đình, cũng như bản sắc của chính mình thông qua thực hành viết.

Khi viết, chị thường đặt ra những câu hỏi gì?

Phần lớn tác phẩm viết của tôi xoay quanh những suy tư về "nhà". Tôi sinh ra tại Berlin, nhưng cha mẹ tôi đều đến từ Việt Nam, nên khi ở nhà, tôi được nuôi dưỡng trong văn hóa Việt. Mặt khác, tôi cũng sống một cuộc sống rất Đức.

Tôi lớn lên trong những năm 1990, khi nước Đức vẫn còn rất bảo thủ, nhiều vụ bạo lực phân biệt chủng tộc đã xảy ra. Từ khi còn nhỏ, tôi đã phải đối mặt với sự khác biệt trong ngoại hình và phong cách sống của mình; cách người khác nghĩ về tôi và cách tôi nghĩ về chính mình.

Đồng thời, tôi cũng phải đối mặt với sự cách biệt về suy nghĩ trong chính gia đình mình. Giống như nhiều cha mẹ là người nhập cư khác, gia đình tôi luôn bảo bọc con cái, làm sao để con không bị lạc trong xã hội tự do kiểu phương Tây.

Đây là một trải nghiệm mà nhiều cá nhân thế hệ thứ hai từ các gia đình nhập cư có lẽ sẽ đồng cảm - các va chạm về giá trị trong gia đình, áp lực từ kỳ vọng của cha mẹ. Những người trẻ này cũng thu nhận các giá trị phương Tây, vì vậy họ cũng bắt đầu kháng cự lại.

Dù sinh ra và lớn lên tại Đức, tôi luôn có cảm giác mình tách biệt với các bạn đồng trang lứa khác, nhưng cũng có phần xa cách với chính gia đình mình. Đây cũng là cảm giác của nhân vật chính trong cuốn sách: Cô khá cô đơn vì không ai xung quanh có trải nghiệm giống mình.

Chị là một nhà báo giàu kinh nghiệm, với thời gian làm việc cho tờ Die Zeit. Tại sao chị lại chọn tiểu thuyết hư cấu làm phương tiện để giải quyết các câu hỏi này?

Ban đầu, tôi dự định viết cuốn sách này theo hướng phi hư cấu, mô tả trải nghiệm của chính gia đình mình, bởi trải nghiệm của chúng tôi có lẽ phản ánh trải nghiệm của rất nhiều gia đình người Việt hải ngoại khác.

Chúng ta thường nhìn vào cuộc chiến giữa Mỹ và Việt Nam dưới góc độ quân sự hoặc ý thức hệ, nhưng tôi quan tâm nhiều hơn câu chuyện con người: Việc các gia đình chia cắt và những người anh em dạt về hai nửa khác nhau của lằn ranh ý thức hệ. Họ đã đối mặt với việc ấy như thế nào? Sao còn có thể nói chuyện trong gia đình khi người còn lại có tư tưởng đối nghịch hoàn toàn so với ta?

Đến cuối cùng, tôi quyết định đề cập các câu hỏi này bằng cách tạo ra một gia đình tưởng tượng, lấy cảm hứng phần nào từ gia đình tôi. Ngoài nhân vật chính Kiều, ta còn có Minh, cha của Kiều, đã tới Đức học từ năm 1968; cùng với đó là Sơn, em trai Minh, người đã rời Việt Nam sau năm 1975 và có một cuộc sống mới tại Mỹ.

Tôi nghĩ rằng nhiều độc giả tại Việt Nam có thể đồng cảm với cách mà hai anh em trong sách giải quyết các khác biệt: tuyệt nhiên không đề cập đến chúng. Nhiều người chọn cách này, nhưng nó cũng dẫn đến nhiều hệ lụy?

Tôi biết - tôi nghĩ tôi cũng có sự im lặng ấy trong mình. Trong văn hóa Việt, khi ta có bất đồng, ta thường cố che đậy chúng đi bằng sự im lặng. Đây có lẽ cũng là thứ kết nối tôi với văn hóa Việt. Trong xã hội châu Á, ta thường tránh giải quyết trực diện vấn đề. Đôi khi vậy là tốt, nhưng đôi khi không, vì khi đó ta chỉ ngậm đắng nuốt cay mà, đúng không?

Nhưng đồng thời, đây cũng là cách giải quyết thường thấy khắp thế giới khi đối diện với ẩn ức. Ví dụ: Hãy nhìn vào nước Đức và vụ diệt chủng người Do Thái. Những cựu binh phát xít từng giết người sẽ không hé nửa lời với con cháu về sự kiện này.

Đôi khi, các nạn nhân của bạo lực cũng chọn cách tương tự. Tôi hiểu lý do vì sao người ta không muốn mở lời - vì sợ mở ra các vết thương cũ, thay vào đó, họ lờ đi để vết thương ngày một lan rộng.

Quá trình viết và xuất bản cuốn sách này, không chỉ ở Đức mà còn Anh, Mỹ… có ý nghĩa như thế nào với chị?

Tôi chưa từng tưởng tượng rằng cuốn sách sẽ có một hành trình dài qua nhiều nước như vậy. Đại chúng nước Đức không biết nhiều về Việt Nam. Họ biết về cảnh đẹp du lịch, ẩm thực Việt Nam cũng như một vài ký ức từ cuộc chiến. Nhiều độc giả Đức nói với tôi rằng cuốn sách đã truyền cảm hứng để họ tìm hiểu sâu hơn về văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Với cá nhân tôi, cuốn sách là một cách để giải quyết những xung đột nội tại trong mình. Bạn biết đấy, tôi không thường ngồi lại với cha mẹ hoặc người thân để hỏi về quá khứ của họ. Với tư cách một nhà văn, tôi lại có thể biến chúng thành những câu chuyện.

Với tôi, viết là một cách để phá tan sự im lặng trong chính mình. Quá trình nghiên cứu và viết sách đã giúp tôi vượt qua nhiều rào cản hiểu biết: Tôi hiểu thêm về gia đình mình, về lịch sử Việt Nam, thứ ở rất xa mà cũng rất gần tôi.

Quá trình đó kéo dài bốn năm. Trong khoảng thời gian này, tôi vẫn làm việc như một nhà báo. Tôi đã sinh đứa con đầu lòng. Công việc khi ấy chồng chất, nhưng cũng đã cho tôi rất nhiều thứ. Với bản sách tiếng Anh, tôi đã có thể chạm đến độc giả ở Úc, Mỹ, Anh.

Một vài người Việt hải ngoại thế hệ thứ hai đã nói với tôi: "Tôi đã đọc cuốn sách - tôi sẽ trò chuyện thêm với gia đình mình về quá khứ của họ". Điều ấy thật tuyệt vời. Tôi cũng sẽ tới Việt Nam vào tháng 5 này, và rất mong chờ được nghe suy nghĩ của độc giả Việt Nam về cuốn sách.

Tôi hiểu rằng viết là cách để chị phá tan sự im lặng, cũng là để tìm câu trả lời cho những câu hỏi hết sức cá nhân. Nếu cuốn sách chạm tới nhiều độc giả hơn, có lẽ nó cũng sẽ truyền cảm hứng để nhiều sự im lặng khác được xua tan?

Tôi mong có nhiều độc giả Việt Nam có thể ngồi xuống trò chuyện với cha mẹ, ông bà của mình về quá khứ. Nếu tôi là một cây viết tại Việt Nam, tôi sẽ rất mong được nói chuyện với những người đã trực tiếp kinh qua cuộc chiến, có thể kể những câu chuyện cá nhân. Nhiều người trong số họ vẫn còn sống, nhưng sẽ không thể sống mãi.

Cuộc chiến chống Mỹ của Việt Nam là một cuộc chiến lớn, có tầm quan trọng. Chúng ta đã biết về góc nhìn của nước Mỹ qua hàng loạt tác phẩm Hollywood và phim tài liệu, đồng thời ta cũng có góc nhìn từ chính sử Việt Nam. Việc thu thập góc nhìn từ các gia đình bình thường theo tôi cũng rất quan trọng - có thể đóng góp vào một dự án nghiên cứu hoặc một bộ phim tài liệu.

Với mỗi chúng ta, việc có thể làm là phá tan bầu không khí im lặng trong gia đình mình. Tôi biết việc này rất khó. Nhưng đôi khi, mọi thứ chỉ cần bắt đầu bằng một vài câu hỏi nhỏ.

 

Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối tuần

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang