Người Việt hải ngoại: Trung tâm VN học ở Thái Lan; Dạy tiếng Việt miễn phí ở Anh; Giải quần vợt tại Nga; Ăn trộm ở Nhật, 4 người bị bắt

TRUNG TÂM VIỆT NAM HỌC THỨ HAI TẠI THÁI LAN CHÍNH THỨC RA MẮT

Trường Cao đẳng Học giả châu Á (College of Asian Scholars - CAS) ở tỉnh Khon Kaen, Đông Bắc Thái Lan, đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khỏn Kèn tổ chức buổi lễ ra mắt “Trung tâm Việt Nam học” đặt tại khuôn viên nhà trường.

Sự kiện có sự tham dự của Giáo sư, Tiến sĩ Krasae Chanawongse, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan, đồng thời là nhà sáng lập trường; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Khỏn Kèn Chu Đức Dũng; Phó tỉnh trưởng Khon Kaen Siriwat Phinitphanit; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kasom Chanawongse, Hiệu trưởng nhà trường cùng các giảng viên và đại diện Hội người Việt tỉnh Khỏn Kèn.

Đây là Trung tâm Việt Nam học thứ hai ở Thái Lan sau trung tâm đầu tiên được mở tại Đại học Hoàng gia Udon Thani, thể hiện mối quan tâm ngày càng tăng của người Thái Lan đối với đất nước Việt Nam và ngôn ngữ tiếng Việt, đồng thời cho thấy nỗ lực quảng bá tiếng Việt tại các cơ sở giáo dục ở Thái Lan của các cơ quan đại diện Việt Nam tại đây.

Phát biểu tại sự kiện, Tổng Lãnh sự Chu Đức Dũng bày tỏ niềm vui mừng được tham dự và đồng tổ chức buổi lễ khai trương “Trung tâm Việt Nam học” tại trường CAS. Tổng lãnh sự đánh giá việc thành lập Trung tâm Việt Nam học sẽ mở ra một giai đoạn mới trong định hướng phát triển của nhà trường trong bối cảnh quan hệ Thái Lan – Việt Nam đang phát triển hết sức tốt đẹp và ngày càng có nhiều nhu cầu về sự hiểu biết cũng như hợp tác giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực từ chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội đến du lịch - thể thao...

Ông Chu Đức Dũng tin tưởng việc thành lập Trung tâm Việt Nam học của nhà trường sẽ góp phần tạo ra nguồn nhân lực cung cấp cho các công việc liên quan đến Việt Nam, đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng trong các cơ quan chính quyền, các tổ chức doanh nghiệp hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam, trong công tác giảng dạy, làm ăn buôn bán, phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch với Việt Nam…

Tổng lãnh sự Chu Đức Dũng cũng bày tỏ mong muốn nhà trường và trung tâm trong thời gian tới sẽ tăng cường các thỏa thuận hợp tác với một số trường đại học của Việt Nam để trao đổi sinh viên, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên giữa trường và đối tác Việt Nam trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy và làm việc có thời hạn; Đưa nội dung giảng dạy tiếng Việt vào nhà trường để sau này sẽ trở thành một môn học chính thức, cấp một số học bổng cho sinh viên Việt Nam tham gia học ở trường; Đóng vai trò cầu nối để kết nối các cơ quan, viện nghiên cứu, tổ chức, cá nhân nhà khoa học và doanh nghiệp Thái Lan đang hoạt động trên lĩnh vực khoa học công nghệ với các đối tác của Việt Nam…

Trường đại học CAS do Giáo sư, Tiến sĩ Kasom Chanawongse thành lập tháng 2/1999. Trường được đánh giá cao trong chất lượng đào tạo cũng như trong công tác quản lý sinh viên, đáp ứng các nhu cầu tuyển dụng nhân lực có chất lượng cao của các ngành nghề của đất nước Thái Lan.

KHAI GIẢNG CHƯƠNG TRÌNH DẠY TIẾNG VIỆT MIỄN PHÍ CHO CON EM KIỀU BÀO TẠI ANH

Ngày 9/6, lễ khai giảng chương trình dạy tiếng Việt miễn phí cho con em kiều bào tại Anh được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của các giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội và khoảng 200 học sinh.

Chương trình do Hội người Việt tại Anh (VAUK), Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) và trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp tổ chức nhằm hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Anh trong quá trình gìn giữ, phát triển tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.

Giai đoạn 1 của chương trình kéo dài 15 tháng với 16 lớp học, chia thành 3 trình độ A, B, C, với 228 học viên. Các lớp học được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào Chủ Nhật hàng tuần, mỗi lớp có 15 học viên do một giảng viên Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, trường Đại học Ngoại ngữ, phụ trách. Cuối khoá học, các học viên được cấp chứng chỉ của trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà nội.

Chương trình cũng bao gồm các trại hè thường niên nhằm mang lại những trải nghiệm tiếng Việt và văn hoá Việt Nam ở quê hương cho các thế hệ người Việt trẻ xa xứ.

Giáo trình giảng dạy của chương trình do PGS.TS Nguyễn Lân Trung - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - biên soạn và được cung cấp miễn phí cho học sinh. Toàn bộ 32 giảng viên tham gia giảng dạy đều làm việc trên tinh thần tình nguyện.

Ông Tăng Tuấn Tú, Chủ tịch VAUK, bày tỏ tự hào được đồng hành cùng trường Đại học Ngoại ngữ và phụ huynh, học sinh Việt Nam tại Anh trong chương trình dạy tiếng Việt, giúp kết nối cộng đồng người Việt tại Anh, lan tỏa tiếng Việt trong các thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên tại Anh.

Ông gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ và đóng góp tình nguyện của PGS.TS Nguyễn Lân Trung và các giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ để VAUK có thể tổ chức một chương trình ý nghĩa, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc ở nước ngoài.

Lễ khai giảng thu hút sự tham dự của khoảng 200 học sinh trên khắp Vương quốc Anh, là chương trình dạy tiếng Việt ở nước ngoài thu hút số lượng học viên lớn nhất cho đến nay.

Bà Đào Thị Hồng, Bí thư thứ nhất phụ trách Giáo dục, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, đánh giá chương trình dạy tiếng Việt trực tuyến là hoạt động ý nghĩa, mở ra một kênh hiệu quả để bảo tồn và phát triển tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời giúp các thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên tại Anh hướng về cội nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thế hệ trong các gia đình người Việt tại Anh.

Bà Hồng tin tưởng với giáo trình bài bản và sự chuyên nghiệp của các giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ, cùng với mong muốn học tập của học viên, chương trình sẽ thành công tốt đẹp, giúp các thế hệ trẻ người Việt tại Anh không chỉ học tốt tiếng Việt mà còn hiểu biết về lịch sử và văn hóa dân tộc.

Bà Nguyễn Minh Tuyến, Tổng Thư ký VAUK kiêm Trưởng Ban tổ chức chương trình, bày tỏ vui mừng vì chương trình nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con kiều bào. Trong vòng 5 ngày kể từ khi thông báo, chương trình đã thu hút gần 230 học viên đăng ký tham gia.

Bà Tuyến nhấn mạnh chương trình dạy tiếng Việt là một trong những trọng tâm trong hoạt động của VAUK và sẽ được duy trì lâu dài.

VAUK đang gây Quỹ khuyến học dành cho con em người Việt đỗ thủ khoa tại các trường cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và đoạt giải các môn năng khiếu ở Vương quốc Anh, nhằm khuyến khích và nuôi dưỡng tài năng trẻ, xây dựng uy tín và phát triển cộng đồng người Việt tại Anh ngày một lớn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, tác giả biên soạn giáo trình dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, chia sẻ kinh nghiệm dạy và học tiếng Việt tại lễ khai giảng.

Ngay sau lễ khai giảng, PGS.TS Nguyễn Lân Trung và giảng viên Nguyễn Lan Hường đã giới thiệu với phụ huynh và học sinh về chương trình học tiếng Việt, đồng thời giải đáp những thắc mắc về chương trình nói riêng và việc học tiếng Việt nói chung.

Với số lượng học sinh đăng ký tham gia lớn nhất cho một chương trình dạy tiếng Việt ở nước ngoài, chương trình phản ảnh nhu cầu cao đối với việc học tiếng Việt và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam của bà con kiều bào tại Anh nói riêng và ở nước ngoài nói chung.

Chị Trang Lâm, một phụ huynh tham dự lễ khai giảng, rất cảm động trước sự nhiệt tình của PGS.TS Nguyễn Lân Trung, các giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội và VAUK trong việc hỗ trợ cộng đồng kiều bào duy trì ngôn ngữ tiếng Việt ở nước sở tại.

Chị cho biết sẽ đồng hành cùng con trong quá trình học tập - yếu tố mà PGS.TS Nguyễn Lân Trung cho là động lực quan trọng để con em người Việt ở nước ngoài học tốt tiếng Việt.

KHAI MẠC GIẢI QUẦN VỢT THƯỜNG NIÊN VITAR 2024 TẠI LB NGA

Trong hai ngày 8 - 9/6, tại trung tâm quần vợt Spartak ở thủ đô Moskva, Hội quần vợt Việt Nam tại LB Nga (ViTAR) đã tổ chức giải quần vợt thường niên ViTAR Open 2024.

Đây là năm thứ 16 ViTAR tổ chức giải mùa hè đồng thời cũng là giải quần vợt lớn nhất, được mong chờ nhất trong năm của những tín đồ Việt Nam đam mê quần vợt tại LB Nga. Tham gia giải là gần 90 vận động viện đến từ 7 câu lạc bộ quần vợt của người Việt Nam và cũng là năm đầu tiên sau 5 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 có sự tham gia của các vận động viên đến từ tỉnh Nghệ An, Hà Nội, và TP. Hồ Chí Minh. Giải năm nay cũng nhằm kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Liên đoàn Quần vợt Việt Nam mà ViTAR là thành viên duy nhất ở nước ngoài, cũng như kỷ niệm 20 năm thành lập Hội người Việt Nam tại LB Nga.

Phát biểu tại lễ khai mạc giải, Tham tán Công sứ Lê Quang Anh, Trưởng Ban công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga khẳng định đây là giải đấu lâu đời và có sức hút rất lớn, nó cũng không chỉ gắn kết cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga mà còn hướng về tổ quốc với những chương trình quyên góp từ thiện. Trong khi đó ông Huỳnh Thanh Điền, Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt tỉnh Nghệ An cho rằng giải ViTAR không chỉ có truyền thống lâu đời nhất tại LB Nga mà còn góp phần tạo ra sự đoàn kết xuyên biên giới.

Căn cứ vào trình độ, các vận động viên tham gia tranh tài ở 3 cấp độ - cấp độ A, cấp độ B, và cấp độ C (phong trào) với các nội dung đơn Nam, đôi Nam, đôi Nữ, và đôi Nam-Nữ phối hợp. Trong năm nay ngoài sự trưởng thành hơn nữa của các vận động viên trẻ thuộc câu lạc bộ (CLB) Future, giải cũng ghi nhận một số lượng động đảo các vận động viên tham gia ở cấp độ phong trào. Đúng với tình thần của một giải được trông đợi nhất trong năm, ViTAR Open 2024 đã diễn ra với hàng loạt trận đấu thú vị và căng thẳng, nhiều trận đấu phải phân định thắng thua bằng loạt tie-break may rủi. Với sức trẻ cùng những quả bạt tay phải uy lực, vận động viên Hồ Sỹ Hải Sơn của CLB Future đã lần lượt vượt qua các đối thủ để góp mặt trong trân chung kết và giành chiến thắng chung kết thuyết phục để năm thứ 3 liên tiếp nâng cao Cup Vàng đơn Nam A danh giá nhất. Tuy nhiên, trận đấu hấp dẫn nhất lại là trận chung kết đôi nam A, giữa hai vận động viên Hưng – Khôi Nguyên của CLB Sông La với hai vận động viên Quang – Bách đến từ tỉnh Nghệ An. Hai bên so kè nhau từng điểm, từng game đấu với nhiều pha bóng, căng thẳng, hấp dẫn, đậm chất kỹ thuật và rốt cuộc chiến thắng chỉ đến với đôi vận động viên Hưng – Khôi Nguyên sau loạt tie-break đầy cân não.

Giải ViTAR Open 2024 của Hội quần vợt Việt Nam tại LB Nga đã khép lại một cách thành công, với nhiều điểm sáng báo hiệu tương lai ngày càng phát triển cho những người Việt Nam đam mê quần vợt tại xứ sở Bạch Dương.

ĐỘT NHẬP NHÀ TRỐNG Ở FUKUOKA, 4 NGƯỜI VIỆT BỊ BẮT

Bốn nam giới quốc tịch Việt Nam bị bắt vì tình nghi đột nhập vào nhà trống/nhà hoang ở thành phố Kasuga, tỉnh Fukuoka với ý định trộm tài sản.

Các nghi phạm bị bắt vì tình nghi có ý đồ trộm cắp là Đỗ Sĩ Hồng Quang (?, 23 tuổi), Đỗ Huy Cần (?, 27 tuổi), Phạm Văn Thành (?, 22 tuổi), Đỗ Đạt (?, 24 tuổi). Theo cảnh sát, 4 người này bị nghi ngờ đã phá cửa sổ một ngôi nhà trống ở thành phố Kasuga vào ngày 22 tháng 4 năm nay, đột nhập vào nhà và định trộm tài sản. Camera an ninh gần hiện trường đã ghi lại 4 người. Cảnh sát chưa cho biết các nghi phạm đã thú nhận hành vi của mình hay chưa.

Cảnh sát cũng bắt giữ Thái Tùng Dương, (?, 26 tuổi, quốc tịch Việt Nam) vì tình nghi chứa chấp 4 người tại nhà riêng ở Hinosato, thành phố Munakata, tỉnh Fukuoka. Nghi phạm Dương phủ nhận cáo buộc và nói: “Tôi không cho họ sống trong nhà tôi với ý định chưa chấp”.

Khoảng 50 vụ trộm và âm mưu trộm các ngôi nhà trống đã xảy ra ở thành phố Chikushino và Kasuga kể từ tháng 12 năm ngoái. Cảnh sát đang điều tra xem liệu chúng có liên quan đến nhóm người Việt bị bắt lần này hay không.

Nguồn: VTV4; Báo Quốc Tế; Báo Tin Tức; LocoBee

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang