Người Việt hải ngoại: Nhịp cầu hữu nghị ở Malaysia; Ni sư cưu mang người ở Nhật; Vụ 39 thi thể; 166 người kêu cứu ở Myanmar

Nhịp cầu hữu nghị của người Việt ở Malaysia

(Ảnh minh họa).

Không chỉ tăng cường quan hệ đối ngoại nhân dân giữa hai nước, Hiệp hội hữu nghị Malaysia-Việt Nam góp phần kết nối và hỗ trợ tích cực cho cộng đồng người Việt tại đây.

Chia sẻ với TG&VN sự phát triển của Hiệp hội hữu nghị Malaysia-Việt Nam (MVFA) sau hơn một năm thành lập, bà Trần Thị Chang – Chủ tịch MVFA, bày tỏ niềm tự hào khi cộng đồng người Việt ngày càng gắn kết và khẳng định được vị thế tại nước sở tại.

Từng là người vận động thành lập Ban liên lạc người Việt Nam tại Malaysia, rồi Hội phụ nữ Việt Nam tại Malaysia và đến nay là MVFA, đây hẳn là bước tiến mới trong việc phát triển hoạt động hội đoàn của cộng đồng người Việt?

MVFA được Bộ Nội vụ Malaysia cho phép thành lập là một bước quan trọng để hợp thức hoá các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, tạo điều kiện cho quan hệ giao lưu nhân dân ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.

Hoạt động của Hiệp hội hướng tới việc thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa nhân dân hai nước, giữa cơ quan, đoàn thể của Việt Nam và Malaysia; nâng cao quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội; thúc đẩy các chuyến thăm lẫn nhau nhằm trao đổi sáng kiến và thực thi các dự án có lợi cho người dân của cả hai nước; tuyên truyền và hỗ trợ người dân Việt Nam tuân thủ luật pháp của nước sở tạị, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bà con…

Là tổ chức đại diện cho cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, chúng tôi cũng là cầu nối giữa cộng đồng với Đại sứ quán Việt Nam, cổ vũ thành viên giữ gìn, duy trì truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc trên lãnh thổ Malaysia và cùng hướng về quê hương, đất nước.

Hiệp hội có những hoạt động nổi bật gì để thu hút sự tham gia của các thành viên, tạo nên làn gió mới cho cộng đồng?

Hiện tại, Hiệp hội có khoảng 200 thành viên là người Việt và Malaysia với đội ngũ cố vấn gồm nhiều trí thức lớn của Malaysia.

Chúng tôi luôn đồng hành với những sự kiện lớn của người Việt ở Malaysia như Tết cộng đồng, Ngày Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3, Tết Trung thu, Ngày Phụ nữ Việt Nam, quảng bá văn hoá, du lịch, ẩm thực Việt Nam, khám bệnh miễn phí cho cộng đồng, giải bóng đá cộng đồng…

Điển hình như cùng với việc phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh Việt Nam (1945-2023), 66 năm ngày quốc khánh Malaysia (1957-2023) và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Malaysia (1973-2023), được sự cho phép của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và sự hỗ trợ của UBND TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi đã tổ chức Đêm nhạc MVFA Concert nhằm phục vụ cộng đồng người Việt Nam.

Đây là chương trình nghệ thuật hoàn toàn miễn phí, là điểm đến hấp dẫn, thú vị mà Hiệp hội muốn mang tới cho tất cả bà con cộng đồng, giúp họ gác lại bộn bề cuộc sống, cùng thưởng thức và thư giãn sau những ngày làm việc vất vả.

Đặc biệt, dù ở xa quê hương, nhưng trước thông tin vụ hỏa hoạn chung cư mini thảm khốc xảy ra tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, Hiệp hội đã khẩn trương viết bài kêu gọi cộng đồng người Việt tại Malaysia hưởng ứng và vận động đóng góp để ủng hộ các nạn nhân.

Nhân chuyến về nước công tác, Đoàn chúng tôi đã bố trí thời gian bay từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, trực tiếp đến Bệnh viện Bạch Mai, nơi đang điều trị cho 27 nạn nhân trong vụ hỏa hoạn để trao quà nhằm chia sẻ khó khăn với họ.

Được biết, Hiệp hội đang quan tâm đến việc quảng bá các sản phẩm của Việt Nam tại Malaysia và đồng hành cùng doanh nghiệp Việt tìm kiếm cơ hội phát triển hàng hóa tại đây?

MVFA hội tụ nhiều hội viên làm việc trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, trong đó có các doanh nhân Malaysia và Việt Nam. Với tiềm năng phong phú về kinh tế, văn hoá, du lịch… của Malaysia và Việt Nam, chúng tôi muốn đồng hành cùng với các bộ, ngành, doanh nghiêp cũng như Đại sứ quán của hai nước nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người, các sản phẩm hàng hóa Việt Nam tại Malaysia.

Ngày 31/10, tại Trung tâm triển lãm và thương mại quốc tế Malaysia (MITEC), MVFA và Văn phòng Thương mại và công nghiệp ASEAN (ACCI) - đơn vị tổ chức Hội nghị và triển lãm thương mại xuất khẩu Malaysia ASEAN (MASTEX 2024) đã ký Bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Malaysia và Việt Nam trong các lĩnh vực văn hóa du lịch và giao thương.

MASTEX 2024 dự kiến diễn ra từ ngày 23-26/1/2024 tại MITEC do ACCI tổ chức, tập trung vào các lĩnh vực như thực phẩm và đồ uống, du lịch, dược phẩm, máy móc chế tạo, nông nghiệp và tài chính.

Ngoài ra, còn có một số lĩnh vực đặc biệt, như kinh tế xanh và kinh tế số, công nghệ cao, môi trường, xã hội và quản trị (ESG), hệ sinh thái công nghiệp Halal và sản phẩm sáng tạo.

MASTEX 2024 là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp tại các nước thành viên ASEAN thúc đẩy mối quan hệ thương mại.

Chủ tịch ACCI Sohaini Shahadan bày tỏ hy vọng dựa trên Bản ghi nhớ vừa ký kết, ACCI và MVFA sẽ đồng hành trong các sự kiện kết nối giao thương. Theo đó, vào năm 2025, chúng tôi có thể sẽ tổ chức sự kiện Hội nghị và triển lãm thương mại xuất khẩu ASEAN.

Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh việc thu hút nguồn lực kiều bào vào phát triển đất nước. Là một người Việt tiêu biểu tham gia tích cực trong các hội đoàn, bà có những suy nghĩ và nguyện vọng gì đóng góp cho quê hương?

Tôi đánh giá cao chủ trương của Đảng và Nhà nước thu hút nguồn lực kiều bào vào phát triển đất nước.

Hiện nay, Việt kiều ở các nước có trình độ cao là khá lớn. Nếu thu hút được lực lượng này đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước thì rất tốt. Rất nhiều người mong muốn và sẵn sàng đóng góp nhưng cần có chính sách cụ thể khuyến khích những người này đóng góp chất xám, đầu tư…

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách để giữ chân lực lượng trí thức trẻ ở lại Việt Nam, tránh chảy máu chất xám.

Bản thân tôi, hiện đang công tác tại Viện Tim quốc gia Malaysia luôn mong muốn y tế Việt Nam ngày càng được cải thiện, trình độ y bác sĩ ngày càng nâng cao, giúp người bệnh đỡ vất vả. Chính vì lý do đó, tôi đã trở thành cầu nối chuyên ngành tim mạch của Viện Tim quốc gia Malaysia với Việt Nam.

Thời gian qua, ngoài nỗ lực hoạt động phục vụ cộng đồng người Việt tại Malaysia, tôi đã kết nối để các giáo sư, bác sĩ Viện Tim quốc gia Malaysia sang Việt Nam phẫu thuật tim từ thiện ở các bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Viện Tim Hà Nội, Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Tim Tâm Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Vinmec.

Ngoài ra, tôi còn kết nối để các bác sĩ sang Malaysia thực tập nâng cao nghiệp vụ cũng như giúp đỡ các bệnh nhân Việt Nam sang Malaysia khám chữa bệnh.

Ni sư Việt cưu mang hàng nghìn đồng bào tại Nhật Bản

Ni sư Thích Tâm Trí, trụ trì chùa Đại Ân tại Saitama, đã cưu mang hàng nghìn người Việt gặp khó khăn trong thảm họa động đất sóng thần năm 2011 và đại dịch ở Nhật.

Khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm chính thức Nhật Bản ngày 27-30/11, ông đã có buổi gặp gỡ các trí thức đại diện nhiều thế hệ người Việt tại Nhật Bản, trong đó có ni sư Thích Tâm Trí, trụ trì chùa Đại Ân Honjo ở Saitama, người đã có nhiều hoạt động từ thiện, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật.

Là con út trong gia đình thuần nông nghèo khó có 9 anh chị em ở Ayunpa, tỉnh Gia Lai, Thích Tâm Trí, tên thật là Nguyễn Thị Dư, xuất gia tại chùa Bửu Tịnh từ khi 7 tuổi. Bà tu học tại TP HCM, rồi theo học triết học Đông Phương tại Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM.

Mối lương duyên với Nhật Bản bắt đầu khi bà gặp ân sư, hòa thượng Daichi năm 1998. Nghe hòa thượng Daichi giảng về văn hóa Phật giáo Nhật Bản, Tâm Trí dần tìm hiểu và nuôi dưỡng đam mê về nước này. Năm 2001, bà tới Nhật Bản du học, tốt nghiệp thủ khoa thạc sĩ triết học Ấn Độ ở đại học Taisho 8 năm sau đó.

Năm 2011, khi bà đang tu tập tại chùa Nisshinkutsu ở Tokyo, nơi hòa thượng Daichi trụ trì, thảm họa động đất sóng thần xảy ra làm rung chuyển nước Nhật. Thảm họa khiến nhiều thực tập sinh, sinh viên Việt Nam tại đông bắc nước này mất nhà cửa, không còn nơi để về giữa chốn đất khách quê người.

Nhiều người đã gọi điện đến đại sứ quán mong tìm nơi lánh nạn, nhưng do sứ quán không có nơi tiếp nhận nên liên lạc với Thích Tâm Trí. Hòa thượng Daichi đã đồng ý tiếp nhận với số lượng "bao nhiêu cũng được", miễn là các thực tập sinh, sinh viên Việt Nam được đưa về chùa nhanh chóng, an toàn.

Sứ quán sau đó phối hợp cùng ni sư Tâm Trí đón 84 công dân Việt Nam ở tâm nạn về chùa Nisshinkutsu, giúp họ ổn định tinh thần và cuộc sống. "Chúng tôi khi đó chỉ có hai kg gạo cùng vài vắt cơm đông lạnh, đem rã đông nấu một nồi cháo lớn chia cho mọi người. Vật chất thiếu thốn nhưng lòng đoàn kết sưởi ấm tình người trong cơn hoạn nạn", ni sư nhớ lại.

Bà sau đó kêu gọi cộng đồng giúp đỡ những người gặp hoạn nạn tại chùa. Chỉ sau hai ngày, lương thực, mì gói từ khắp nơi được đưa về, giúp các thực tập sinh, sinh viên Việt Nam cầm cự trong một tháng lánh nạn ở chùa. Chùa Nisshinkutsu khi đó trở thành mái nhà, những người xa lạ trở thành ruột thịt, cùng nhau san sẻ, làm việc trong tình yêu thương, Tâm Trí cho hay.

Kể từ đó, hình ảnh ni sư Việt Nam hoạt động Phật sự tại Nhật Bản được nhiều người biết đến hơn. Năm 2013, khi hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản được thành lập, bà được bầu làm hội trưởng và mở 4 đạo tràng xung quanh Tokyo, đón người Việt đến thắp hương mỗi dịp rằm, lễ Tết.

Năm 2018, bà được mời là trụ trì chùa Đại Ân Honjo, ngôi chùa được xây dựng ở Saitama nhờ sự chung tay của nhiều đoàn thể, mạnh thường quân. Chùa Đại Ân đã trở thành điểm sinh hoạt tâm linh, cũng là nơi cưu mang kiều bào gặp khó khăn, đồng thời là nơi cầu siêu, mai táng những người con Việt Nam không may tử nạn ở xứ người.

Tháng 7/2019, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tổ chức lễ tuyên dương và trao bằng khen cho các cá nhân và tổ chức có những đóng góp nổi bật cho việc phát triển mối quan hệ ngoại giao của chính phủ Nhật Bản nói chung và quan hệ Nhật - Việt nói riêng. Ni sư Tâm Trí là một trong 4 người Việt Nam được Bộ Ngoại giao Nhật Bản trao bằng khen tại sự kiện.

Đến đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 ập đến khiến Nhật Bản áp lệnh phong tỏa kéo dài, hàng chục nghìn người Việt ở nước này lâm cảnh thất nghiệp, nợ nần, không ít trường hợp hết visa, mang bầu, nhưng không thể về nước.

Giữa tâm dịch, Tâm Trí cùng các hội đoàn mở chương trình "Món quà chia sẻ yêu thương" với các hoạt động phân phát lương thực thực phẩm, tư vấn trấn an tinh thần, cầu siêu cho những người xấu số, mở ba khu nhà ở cộng đồng gần chùa để tiếp nhận những người Việt có hoàn cảnh khó khăn.

"Thời điểm Nhật Bản căng mình chống dịch, chính điện, hành lang chùa Đại Ân đêm nào cũng có 60-70 người nằm ngủ. Kiều bào trú tại chùa và ba khu nhà ở không ai nhiễm virus, đó là phép nhiệm màu rất lớn", ni sư nhớ lại.

Chương trình của ni sư gây chấn động xã hội Nhật Bản khi đó, nhiều người bắt đầu gửi thư, gạo, tiền, nhu yếu phẩm về chùa. "Chùa Đại Ân đã tiếp nhận 50 tấn gạo, 600 thư từ người Nhật, trong đó có những lá tri ân, sẻ chia, có những lá chứa đựng lời xin lỗi", bà cho hay.

Suốt hai năm đại dịch, chương trình từ thiện của ni sư đã phân phát tổng cộng 218 tấn gạo, hơn 9.000 thùng mì, hàng nghìn tấn lương khô. Số tiền các nhà hảo tâm Nhật Bản gửi về được bà sử dụng để trang trải tiền điện, sinh hoạt phí cho hơn 2.000 người Việt đang nương náu tại chùa để đợi ngày về nước.

Trong số hàng nghìn đồng bào được bà cưu mang, có những số phận đau lòng mà Tâm Trí không thể nào quên, trong đó có thực tập sinh Nguyễn Thị Nhung.

Khi số ca nhiễm, tử vong vì Covid-19 ở Nhật lên cao, Nhung mất việc, không thu nhập, không nơi ở, lại không thể về nước nên đã liên lạc với sư cô Thích Tâm Trí, xin nương nhờ cửa Phật chờ chuyến bay giải cứu. Nhưng một ngày sau, Nhung không may gặp tai nạn giao thông, qua đời sau hai ngày nằm viện.

Sau khi làm lễ tang và hỏa thiêu, ni sư Thích Tâm Trí đưa tro cốt Nhung về chùa. Kiểm tra hành lý để làm giấy tờ, bà phát hiện hai cuốn tập, bên trong chép tay những dòng kinh nắn nót. Những trang cuối cùng, Nhung viết những lời cầu nguyện, mong hai con nhỏ ở quê nhà bình an giữa đại dịch.

"Lật từng trang, nước mắt chúng tôi cứ òa ra. Chúng tôi cứ đau đáu, phải chi đưa Nhung về chùa sớm hơn thì đã không xảy ra sự cố như vậy", ni sư kể với giọng nghẹn ngào. "Trong hai năm đại dịch, câu chuyện của Nhung thành nỗi trăn trở, nên chúng tôi luôn dặn lòng làm sao không để sót một ai đang cầu cứu".

Ngày 5/6/2020, chuyến bay giải cứu đầu tiên đưa công dân Việt Nam tại Nhật Bản hồi hương. Trên máy bay có 6 bình tro cốt "không cần mua vé", được an trí nhiều tháng tại chùa Đại Ân, trong đó có tro cốt của Nguyễn Thị Nhung được đưa về với gia đình.

Giông tố qua đi, bình yên trở lại, ni sư Tâm Trí tiếp tục phát nguyện phụng sự cộng đồng, trấn an tâm lý, cầu siêu, kết nối việc làm cho người Việt, giảng Phật pháp cho người Nhật tại các trường đại học. Sau khi khánh thành chùa Đại Ân thứ hai tại Tochigi năm 2021, bà đang thúc đẩy dự án mới, xây dựng chùa Đại Ân thứ ba tại thủ đô Tokyo.

Ni sư đã được bà Akie Abe, phu nhân cố thủ tướng Shinzo Abe, trao tặng bằng khen Cống hiến Xã hội, dành cho những người đóng góp to lớn cho xã hội Nhật Bản.

Trong cuộc gặp tháng 3/2022, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài đề cao ý nghĩa những việc làm của ni sư Thích Tâm Trí và Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, góp phần kết nối tinh thần đoàn kết giữa người Việt Nam trong và ngoài nước, từ đó củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

"Những việc làm của sư cô thể hiện truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam, mang lại tình cảm quê hương ấm áp, gần gũi cho những người con xa xứ", ông Tài bày tỏ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Fumio Kishida ngày 27/11 thông báo nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Chủ tịch nước gọi đây là sự kiện quan trọng mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng phát triển, sư cô Thích Tâm Trí mong người dân hai nước tiếp tục kết nối yêu thương, sẻ chia để "có thể đến với nhau trước tiên bằng tình người".

"Đối với kiều bào, Việt Nam là quê hương, còn Nhật Bản là nhà, nên rất mong cộng đồng chung tay góp sức tạo khối đại đoàn kết, xây dựng cộng đồng ngày càng vững mạnh", sư cô Thích Tâm Trí dẫn lại lời Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói trong cuộc gặp cộng đồng người Việt Nam ở Nhật.

Vụ 39 thi thể người Việt trong container: Nghi phạm cuối cùng lãnh án

(Ảnh minh họa).

Tòa án Anh mới đây tuyên 7 năm tù giam với Caolan Gormley, 26 tuổi, vì liên quan đến vụ 39 người Việt thiệt mạng trong container vào năm 2019, The Mirror đưa tin ngày 30-11.

Gormley, chủ công ty vận tải Haulage, là nghi phạm cuối cùng trong đường dây buôn người liên quan đến vụ việc thi thể 39 người Việt được phát hiện bên trong 1 container ở hạt Essex - Anh vào ngày 23-10-2019.

Gormley bị "lòng tham và sự cám dỗ" thôi thúc khi tham gia vào hoạt động "cực kỳ sinh lợi nhuận" là đưa người nhập cư trái phép vào Anh - Thẩm phán Richard Marks KC tuyên bố.

Gormley, đến từ khu vực Tyrone của Bắc Ireland, tiếp tay cho những kẻ tìm cách trục lợi từ những người muốn nhập cư trái phép.

Gormley phủ nhận liên quan đến vụ việc, khẳng định anh ta chỉ nghĩ rằng mình đang hỗ trợ đưa rượu lậu vào Anh.

Bồi thẩm đoàn đã cân nhắc trong hơn một giờ để kết luận Gormley phạm tội âm mưu hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp.

Họ nhấn mạnh Gormley bị lòng tham cám dỗ khi tham gia hoạt động đưa người di cư trái phép từ châu Âu đến Anh 3 lần vào tháng 10-2019.

Một chuyến đi trong số này đã bị lực lượng biên phòng Pháp chặn lại, với một số người di cư trong chuyến đi này bị cho là đã thiệt mạng vài ngày sau đó trong một hành trình xuyên đêm "chết chóc" ngày 22 và 23-10-2019.

Bản án của Gormley nâng tổng số người bị kết án trong vụ 39 người Việt thiệt mạng trong container lên 11 người, với 5 trong số này bị kết tội ngộ sát.

Trước đó, trong phiên tòa tổ chức tại Tòa án hình sự Old Bailey (Anh) vào năm 2021, Gheorghe Nica và Ronan Hughes, những kẻ cầm đầu đường dây buôn người nêu trên, đã bị tuyên án tù giam lượt là 27 và 20 năm.

Ngày 23-10-2019, giới chức Anh phát hiện 39 thi thể người Việt Nam trong một thùng xe container đông lạnh đậu tại khu công nghiệp ở thị trấn Grays, vùng Essex.

Chiếc xe này di chuyển từ miền Bắc nước Pháp đến Bỉ, rồi đến Anh qua đường phà. Theo kết quả điều tra, các nạn nhân đã trả tới 13.000 bảng Anh (16.500 USD) mỗi người cho chuyến đi nhưng lại phải chịu cái chết thảm thương do bị ngạt khí và nhiệt độ tăng cao trong thùng xe đóng kín.

166 người Việt kẹt giữa vùng chiến sự Myanmar kêu cứu vì hết lương thực

“Chúng tôi là người Việt Nam, ở đây 40 ngày rồi, không có cơm ăn, không điện, không nước. Giờ chúng tôi lạnh quá, hết tiền ăn, lương thực giờ đã cạn kiệt.

Xin Đại sứ quán Việt Nam cứu chúng tôi về Việt Nam càng sớm càng tốt. Cứu, cứu, cứu!”

Đó là tiếng kêu đồng thanh của nhóm người Việt đang bị kẹt lại ở vùng chiến sự ở biên giới giữa Myanmar và Trung Quốc, trong video mà thân nhân của một trong số họ gửi cho Đài Á Châu Tự Do (RFA).

Họ nằm trong số 166 người bị lừa sang làm việc cho những công ty cờ bạc trực tuyến ở phía bắc Myanmar, được quân đội của chính quyền quân sự giải cứu vào ngày 20/10 vừa qua, và sau đó được bố trí sống tạm trong một trường học bị bỏ hoang.

Một giọng nam khác tiếp lời khi đám đông ngừng hô:

“Đại sứ quán bảo xác nhận được (thông tin của các công dân Việt Nam-PV) nhưng mà vẫn chưa thấy đến thăm gặp chúng tôi và xử lý cho chúng tôi để chúng tôi về.

Mong tất cả Đại Sứ quán và Chính phủ Việt Nam sẽ cố gắng cứu lấy chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi về quê hương sớm nhất có thể. Cứu lấy chúng tôi!"

Một phụ nữ ở tỉnh Kiên Giang có con gái đang bị kẹt lại cùng nhóm người trên hôm 01/12 cho hay, con bà cùng nhiều người khác được quân đội Myanmar giải cứu trong một cuộc kiểm tra hành chính ở một công ty có tên Việt là Tập đoàn Liên Thắng.

Người phụ nữ không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh cho biết, 166 người sống trong những phòng học, chỉ được cấp điện từ một đến hai tiếng trong buổi sáng, không có nước sinh hoạt, quân đội phát đồ ăn ngày hai bữa, tiêu chuẩn một bữa chỉ được một bát cơm và canh rau cho mỗi người.

"Thời tiết bên đó bây giờ lạnh rồi mà nhiều người không có áo ấm để mặc," bà thuật lại lời người con.

Đang làm việc ổn định ở một nhà hàng địa phương, con bà bỏ nhà sang Myanmar vào giữa tháng 8 theo lời dụ dỗ có công việc nhẹ nhàng với mức lương 21 triệu đồng/tháng. Bà chia sẻ với RFA:

“Hai tuần đầu thì tương đối dễ chịu, được đi nhà hàng và mua sắm. Sau đó công ty ký hợp đồng lao động và bắt đầu siết chặt con tôi lại liền. Nó không cho dùng điện thoại luôn.

Ký hợp đồng xong là công ty bắt con tôi sử dụng mạng xã hội Facebook để kêu gọi đầu tư, lừa đảo người Việt Nam. Nếu không đạt chỉ tiêu doanh thu một ngày 200-300 triệu thì công ty sai người đánh đập con em của mình hoặc là bỏ đói trong phòng, có khi là chích điện.

Công ty ép buộc một số cháu khác tìm người Việt Nam qua bên đó làm việc cho công ty. Nếu mà không được chỉ tiêu là công ty cũng cho người đánh đập và chích điện.”

Bà cho biết con của bà cùng đi với nhóm bạn hàng chục người và đều làm trong cùng một công ty. Điều hành công ty là những người nói tiếng Trung Quốc và Myanmar, và công ty có thông dịch viên người Việt để truyền đạt mệnh lệnh cho nhân viên.

Những người Việt bị kẹt đến từ nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước qua Myanmar làm việc theo lời dụ dỗ, riêng Kiên Giang có khoảng 100 người, bà cho hay.

Một số người trong nhóm bị kẹt trên đã được RFA đưa tin vào ngày 15/9. Theo đó, nhóm buôn người lừa và ép đưa sang Myanmar để làm công việc lừa đảo trực tuyến trong nhiều tiếng đồng hồ một ngày. Họ bị hành hung và tra tấn khi không làm đúng theo ý của chúng hay không đạt chỉ tiêu.

Sau khi những nạn nhân gọi điện về nhà cầu cứu, bà cùng các thân nhân khác viết đơn đề nghị giải cứu công dân đến Sở Ngoại vụ và Công an tỉnh Kiên Giang vào ngày 16/10, và bốn ngày sau họ lặn lội ra Hà Nội để gửi đơn cho Cục Lãnh sự và Bộ Ngoại giao, nhưng cho đến nay chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan này.

“Hồi bữa chúng tôi có điện lên chỗ mà chúng tôi nộp đơn thì người ta nói hiện nay Việt Nam và Myanmar đang đàm phán với Trung Quốc để phía Trung Quốc mở tạm cửa khẩu để người Việt rời vùng chiến sự của Myanmar để sang đó tạm lánh.

Tôi nghe thông tin công dân của các quốc gia Thái Lan, Campuchia, và Philipine đã được về nước qua đường Trung Quốc, nhưng không hiểu sao con tôi và các bạn vẫn bị kẹt tại Myanmar.”

Ngày 01/12, Bộ Ngoại giao Malaysia cho hay có 121 người chủ yếu là công dân Malaysia bị nghi là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến đã được sơ tán khỏi Myanmar sau khi họ bị mắc kẹt do giao tranh giữa quân đội và các nhóm nổi dậy ở phía bắc đất nước.

Trong khi đó theo trang myanmaritv, có hơn 700 công dân Trung Quốc cư trú bất hợp pháp được hồi hương từ Myanmar hôm 28/11 nâng tổng số công dân Trung Quốc được đưa về nước từ cuối tháng 10 đến nay là gần 10.000 người.

16 công dân Lào trong tình trạng tương tự cũng được hồi hương hôm 13/11.

Một người đàn ông ở Kiên Giang không muốn nêu danh tính cũng có con gái đang bị mắc kẹt trong nhóm 166 người, cho RFA biết theo thông tin của con ông thì họ bị tạm giam để phía Myanmar điều tra, nhưng không rõ điều tra gì mà mấy tháng rồi họ không được đưa trở về Việt Nam, công an địa phương cũng nói với ông như vậy.

Phóng viên nỗ lực liên lạc với những người bị mắc kẹt qua các ứng dụng nhắn tin nhưng không được hồi đáp.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Myanmar để hỏi thông tin về nhóm người Việt trên nhưng chưa nhận được phản hồi.

Phóng viên gọi điện cho Đại Sứ quán Việt Nam ở Myanmar trong buổi chiều ngày 01/12 nhưng người trực máy đề nghị phóng viên gọi cho Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Một cán bộ trực Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao sau đó khẳng định với phóng viên RFA:

"Đối với những trường hợp người dân bị đưa về tạm giữ tại doanh trại quân đội thì bên Đại Sứ quán đang có báo là đề nghị bên mình giữ bình tĩnh, bởi vì công việc giải cứu và hỗ trợ những người bị mắc kẹt ở Myanmar hiện tại rất phức tạp và mất thời gian vì bên đó đang có nội chiến."

Khi phóng viên hỏi thêm vì sao công dân của các nước khác đã được hồi hương nhưng công dân Việt vẫn còn ở lại, cán bộ này đề nghị gọi cho Đại Sứ quán hoặc chờ bên Cục Lãnh sự Việt Nam đưa tin.

Một cán bộ tên Lập của Phòng Lãnh sự- Sở Ngoại vụ của tỉnh Kiên Giang cho biết cơ quan của ông đã nhận được hơn 20 lá đơn của thân nhân những người của địa phương đang bị kẹt ở Myanmar. Cơ quan này đã chuyển đơn đến Cục Lãnh sự và Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng chưa nhận được trả lời.

Hôm 26/11, trang Facebook của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đăng thông báo đề nghị các công dân Việt Nam đang ở thị trấn Laukkaing và cửa khẩu Myanmar giáp Trung Quốc nhanh chóng gửi hình chụp trang nhân thân hộ chiếu gửi email cho cơ quan này trước ngày 27/11 để kịp làm thủ tục với các bên nước ngoài liên quan, danh sách đính kèm lên đến hơn 400 người.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 09/11, Phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng của Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi của VnExpress:

"Về tình hình người Việt được giải cứu từ các sòng bạc lừa đảo ở Myanmar, cho đến nay đã xác định được 166 công dân Việt Nam trong số người nước ngoài được giải cứu, những người này đã được đưa về khu vực an toàn ở biên giới phía bắc Myanmar, giáp với Trung Quốc."

Theo bà Hằng, khu vực biên giới phía bắc cùng một số nơi khác ở Myanmar đang xảy ra giao tranh. Do vậy, việc tiếp cận và bảo hộ công dân gặp khó khăn.

VnExpress dẫn lại lời bà Hằng về hoạt động của phía Việt Nam trong việc hồi hương nhóm người này:

"Đại sứ quán Việt Nam ở Myanmar đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng sở tại và trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở Trung Quốc để có phương án bảo hộ công dân và đẩy nhanh công tác điều tra, xác minh, hoàn tất các thủ tục để hỗ trợ đưa công dân về nước trong thời gian sớm nhất, đồng thời đề nghị Myanmar có phương án bảo đảm an ninh, an toàn và điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho công dân."

Nguồn: Báo Quốc Tế; Vnexpress; Soha; RFA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang