Người Việt hải ngoại: Giảng viên xuất sắc nhất ở Tứ Xuyên; Vườn hoa hồng ở Mỹ; Gây tai nạn rồi bỏ chạy ở Gunma

Giảng viên Việt xuất sắc nhất trường ngoại ngữ Tứ Xuyên

(Ảnh minh họa).

PGS.TS Nguyễn Xuân Diện được Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên (SISU), Trung Quốc, trao danh hiệu giảng viên nước ngoài xuất sắc nhất vì những đóng góp với khoa tiếng Việt.

14 năm qua, thầy Nguyễn Xuân Diện gắn bó với công việc giảng dạy tiếng Việt ở SISU, thành phố Trùng Khánh. Thầy là giảng viên người Việt đầu tiên, cũng là một trong những người xây dựng khoa tiếng Việt của trường. SISU hiện là đại học duy nhất ở vùng phía tây Trung Quốc đào tạo ngành học này.

"Cơ duyên đưa tôi đến với tiếng Trung, với đất nước Trung Quốc. Sau này, cũng là cơ duyên giúp tôi trở thành giảng viên dạy tiếng Việt", thầy giáo 46 tuổi nói. Giảng viên người Việt hiện dạy môn khẩu ngữ, ngữ pháp tiếng Việt, tiếng Việt thương mại và văn học Việt Nam...

Năm 1992, tốt nghiệp THCS ở Lai Châu, cậu học trò Diện xuống Hà Nội, học tiếng Trung tại trường THPT chuyên Ngoại ngữ rồi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau đó, thầy Diện du học thạc sĩ ở Vũ Hán, Trung Quốc, năm 2002.

Năm 2009, SISU mở chuyên ngành tiếng Việt. Yêu thích nghề dạy học, thầy ứng tuyển và được nhận. Thầy Diện chọn Trùng Khánh còn một phần vì bạn gái cùng lớp, hiện là vợ, là người gốc ở đây.

Khoa tiếng Việt khi đó có ba giảng viên, trong đó hai người Trung Quốc. Vì mới thành lập, khoa thiếu đủ thứ, từ giáo viên, giáo trình, tài liệu lẫn kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt.

"Tất cả phải tự mày mò, làm từ đầu", thầy nhớ lại. Khóa đầu tiên có 25 sinh viên nhưng phần lớn được điều chuyển sang từ các chuyên ngành khác. Sinh viên đến lớp với tâm trạng bị ép buộc, chán nản.

"Điều đó khiến tôi suy nghĩ. Làm thế nào để khơi dậy niềm đam mê, truyền cảm hứng và lan tỏa được tiếng Việt, văn hóa Việt?", thầy Diện chia sẻ.

Theo thầy Diện, khó khăn lớn nhất của sinh viên khi học tiếng Việt là thiếu môi trường thực hành ngôn ngữ. Ngày đó, những tỉnh giáp biên giới Việt Nam như Vân Nam, Quảng Tây bùng nổ mở chuyên ngành tiếng Việt, giao lưu khá thuận lợi. Còn vùng ở sâu lục địa như Trùng Khánh, các hoạt động giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa và giáo dục với Việt Nam còn hạn chế. Người Việt đến đây chưa nhiều nên sinh viên học tiếng Việt ít cơ hội thực hành ngôn ngữ.

Vì ngữ pháp tiếng Việt và tiếng Trung khá giống nhau, hai nền văn hóa cũng có nhiều điểm tương đồng, thầy Diện nhìn nhận chỉ cần sinh viên dám nói và nói nhiều là có thể nâng cao được trình độ tiếng Việt. Để sinh viên tích cực và chủ động tương tác, thầy luôn tạo ra bầu không khí thoải mái, cố gắng sử dụng tiếng Việt nhiều nhất có thể. Thầy Diện sau đó còn đến các đại học ở Trùng Khánh, dò hỏi để tìm du học sinh Việt Nam, kết nối với học trò của mình để giao lưu.

"Cách đó rất hiệu quả", thầy Diện cho hay.

Ngoài ra, thầy Diện cho sinh viên tiếp xúc với tiếng Việt qua phim ảnh, ca nhạc và các chương trình truyền hình, các trò chơi dân gian, gần gũi hơn cả là qua ẩm thực. Không biết nấu ăn nhưng vì muốn thu hút học trò đến lớp, thầy học làm nem, nấu phở, bún chả. Món nào chưa biết cách làm, thầy gọi điện cho bạn bè, người thân ở Việt Nam nhờ hướng dẫn. Sinh viên thường tập trung ở nhà thầy nấu các món ăn truyền thống của Việt Nam rồi cùng thưởng thức.

Cô Tạ Lợi Châu, sinh viên khóa tiếng Việt đầu tiên, hiện là đồng nghiệp ở SISU với thầy Diện. Cô Châu kể không có tài liệu tham khảo, mạng xã hội cũng chưa phát triển nên sinh viên chỉ học trong giáo trình do thầy cô biên soạn.

"Thầy Diện hướng dẫn học như thế nào, chúng tôi học như vậy. Hết giờ, chúng tôi ở lại ôn bài, hỏi thầy cách phát âm tiếng Việt", giảng viên 31 tuổi, nhớ lại.

Học thầy Diện từ những năm đầu tiên, La Kinh hiện có thể trò chuyện lưu loát bằng tiếng Việt. Nam sinh cho hay thầy Diện giỏi tiếng Trung và luôn tận tình hướng dẫn sinh viên làm sao phát âm tiếng Việt chính xác nhất. La Kinh ngưỡng mộ thầy Diện và cũng mong ước trở thành giảng viên tiếng Việt trong tương lai.

"Thầy Diện rất gần gũi với sinh viên. Mỗi khi có vấn đề gì, chúng em đều mạnh dạn hỏi thầy", La Kinh, sinh viên năm thứ 4, nói.

Còn Quách Yến, nghiên cứu sinh năm thứ nhất, học thầy Diện môn dịch thuật và ngôn ngữ học. Yến ấn tượng ở phương pháp dạy dễ hiểu và hấp dẫn của thầy.

"Chúng em đều thích học với thầy. Sinh viên chưa hiểu chỗ nào, thầy đều kiên nhẫn giảng lại", Yến cho biết.

Khoa tiếng Việt của Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên đã đào tạo hơn 10 khóa sinh viên đại học tốt nghiệp. Từ 2014, khoa có thêm hệ thạc sĩ, đến nay đã được 6 khóa. Số sinh viên cả đại học và sau đại học ở khoa hiện hơn 100 người. Ngoài bốn kỹ năng tiếng cơ bản ban đầu, khoa đã mở rộng thêm nhiều môn như tiếng Việt thương mại, Văn học Việt Nam, dịch nói, dịch viết...

Thấy sinh viên Trung Quốc ngày càng yêu thích và quan tâm đến tiếng Việt hơn, thầy Diện hạnh phúc vì công sức được đền đáp xứng đáng. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Trung Quốc hôm 10/9, thầy Diện được tặng danh hiệu giáo viên nước ngoài xuất sắc nhất trường.

"Tôi luôn coi việc truyền cảm hứng cho sinh viên Trung Quốc học tiếng Việt, biết đến đất nước và văn hóa Việt Nam là sự nghiệp của mình. Tôi mong trở thành cầu nối, thúc đẩy quan hệ giữa hai nước phát triển", thầy Diện nói. Hai người con của thầy cũng được bố dạy và nói tiếng Việt hàng ngày để luôn nhớ về nguồn cội

Vườn hoa hồng hồi sinh người phụ nữ Việt ở Mỹ

Từ năm 2018, khi gia đình chuyển về San Jose, bang California, chị Nguyễn Thị Hà Giang, 53 tuổi, bất ngờ tìm thấy đam mê mới là làm vườn, đặc biệt trồng hoa hồng.

Chị Giang cùng gia đình sang Mỹ năm 2015. Thời gian đầu, khi chồng đi làm, các con đi học, cả ngày chỉ ở nhà một mình người phụ nữ 53 tuổi luôn cảm thấy trống vắng, buồn bã.

Cuối năm 2018, gia đình chuyển về ngôi nhà mới ở San Jose, xung quanh có các khoảng đất trống với vài cây ăn trái, ý tưởng gây dựng một vườn hoa trỗi dậy trong chị. Mơ ước từ nhỏ là được sống trong một ngôi nhà có vườn hoa bao quanh nên chị Giang thuyết phục chồng cải tạo khoảng 200 m2 thành những vườn hoa nhỏ.

Ban đầu, chị đến các nhà vườn mua vài giống hoa hồng về trồng mà không chọn lọc kỹ. Vì thế vườn trước chủ yếu là các loại hồng Mỹ dòng hybrid tea rose với bông to, hoa khỏe, thân mập mạp và có khi tới mái nhà. Sau này tìm hiểu kỹ, chị trồng thêm các giống hồng lai như Floribunda hay Grandiflora, đặc biệt là các giống hoa của nhà lai tạo David Austin ở Anh, với bông nhỏ hơn, rất sai. Vườn sau và hai bên hông nhà được phủ kín các loại dòng hoa này.

Vùng San Jose có khí hậu, đất đai thuận lợi cho trồng trọt, nên vườn hồng có thể khoe sắc suốt từ sang xuân tới đầu đông. Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm nên thời gian đầu cây hoa thường bị các bệnh nấm trắng, đốm đen hay gỉ sắt khiến bông không còn căng đầy, bền đẹp, lá bị khô úa.

Sau đi sâu tìm hiểu, cứ đến mùa đông chị Giang cắt gốc ngắn còn khoảng 40-50 cm so với mặt đất để dưỡng cây cho khỏe. Đến khi cây nảy mầm lên chút, chị bắt đầu xịt lên một loại dung dịch tự pha giúp hồng tránh được gần như mọi loại sâu bệnh. "Dung dịch này rất đơn giản chỉ với baking soda, xà bông, dầu ăn, xịt đều khắp vườn, cứ 10 ngày một lần", chị nói.

Hồng là một giống cần nhiều dưỡng chất. Ngoài phân bò, phân gà được bón một lần vào cuối mùa thu, khi cây bắt đầu nảy mầm sinh trưởng lúc đầu xuân chị sẽ bón một đợt các loại phân chuyên dành cho hoa hồng. Sau đó cứ trung bình một đến hai tháng sẽ tưới phân cá một lần, đồng thời làm hệ thống tưới nước tự động giúp nước ngấm sâu mà tiết kiệm.

"Bí quyết để có vườn hoa sai, trổ bông đồng loạt là cắt tỉa. Tôi cắt ngay trên mắt có năm lá, chứ không cắt ở mắt ba lá, sẽ giúp nảy bông trở lại", chị Giang nói.

Chị Giang cho biết ngày nào cũng dành thời gian để chăm sóc, kịp thời phát hiện để ngăn sâu bệnh phát sinh.

"Mỗi lần đi công tác về, ông xã luôn giúp tôi cải tạo vườn, làm hết các việc nặng nhọc như đào đất xây hồ cá, đóng giàn, lót gạch làm đường đi hay tỉa những giàn hồng leo", chị cho hay.

Chị Giang chưa từng nghĩ làm vườn, trồng hoa lại có tác dụng tốt với sức khỏe đến vậy.

"Trước đây tôi hoàn toàn không có tình yêu làm vườn, chỉ thích ngắm theo kiểu 'cưỡi ngựa xem hoa'. Nhưng từ khi có hoa hồng, tôi nghiện cây, nghiện làm vườn", chị nói.

Đến nay ngoài hoa hồng, chị Giang còn trồng thêm những loại hoa khác để không gian sống thêm phần rực rỡ như hoa huệ tây, hoa cúc, oải hương, tuylip và các loại cây ăn quả, rau trái.

Đến nay vườn có gần 50 gốc hồng phủ kín, song vì yêu thích nên gia chủ tiếp tục bổ sung thêm một số giống hồng leo mới. Vườn có nhiều loại nổi tiếng như hồng bụi Iceberg trắng; ba dòng trắng, hồng và đỏ Eden; hồng leo New Dawn, hồng tím rượu vang Ebb Tide hay loại hồng quý tộc Princess Alexandra of Kent.

Trong hình là giống hồng leo nổi tiếng Arborose Jasmina của nhà lai tạo Đức Kordes, với những chùm sai trĩu, bông nhỏ rất nhiều cánh và mềm mịn như nhung.

Với chị Giang, hoa hồng không chỉ để ngắm mà còn được sử dụng như thực phẩm hoặc sản phẩm làm đẹp. Mỗi năm đến mùa, chị sẽ hái hoa phơi làm trà, bánh kẹo và ngâm dầu dưỡng da để sử dụng, tặng người thân, bạn bè.

Khu vườn là một liều thuốc tinh thần mang đến cảm giác bình yên. Khi làm vườn được kết nối với đất đai, cây cỏ, chim chóc, sâu bướm, được hòa mình vào với thiên nhiên khiến chị thấy cuộc sống nhẹ nhàng, giảm bớt nhu cầu hướng ra bên ngoài để mưu cầu hạnh phúc mà tự nhiên quay vào bên trong để chiêm nghiệm chính mình.

"Cuộc sống trước đây có một số tổn thương mà tôi không biết cách để chữa lành. Nhờ khu vườn mà tôi hồi sinh. Chỉ cần chọn một góc vườn, ngồi xuống, hít một hơi thật sâu, có bao nhiêu âu lo, muộn phiền đều theo gió mang đi tất cả", chị nói.

Vài năm nay vườn còn trở thành nơi chị Giang tiếp đãi bạn bè, thưởng trà. Đúng đợt hoa nở rực rỡ mùa hè năm nay, vườn thành nơi tổ chức tiệc kỷ niệm ngày cưới cho bạn. Hôm ấy bạn bè nhiều nơi tụ về, cùng chụp hình, trò chuyện, ăn uống trong không gian tràn ngập hương hoa, khiến buổi tiệc trở thành kỷ niệm đáng nhớ.

"Ai cũng đầu hai thứ tóc cả rồi mà trong không gian lãng mạn ấy đều thấy mình như trẻ lại", chị Giang chia sẻ.

Nữ quái xế người Việt ở Gunma gây tai nạn làm 3 người bị thương rồi bỏ chạy

(Ảnh minh họa).

Vào ngày 11/12, đồn cảnh sát Oizumi tỉnh Gunma đã bắt giữ một phụ nữ 33 tuổi, quốc tịch Việt Nam, thất nghiệp, không có địa chỉ cố định vì nghi ngờ vi phạm Luật xử phạt lái xe cơ giới (không có giấy phép lái xe) và vi phạm Luật giao thông đường bộ (đâm người rồi bỏ chạy).

Nghi phạm bị bắt vào khoảng 10 giờ tối ngày 11 tháng 11 trên tỉnh lộ Watanuki Shinozuka Line ở Sakata, thị trấn Oizumi. Trước lúc bị bắt, cô này lái một chiếc xe hạng nhẹ và tông vào phía sau xe của một người đàn ông 34 tuổi sống ở thành phố Ota trong khi xe này đang đậu bên đường phía trước. Vụ tông xe khiến vợ và con trai lớn (14 tuổi) của ông bị thương nặng ở cổ, còn con gái 3 tuổi bị thương nhẹ.

Sau khi gây tai nạn cô ta đã bỏ trốn và lại gây ra một vụ tai nạn khác ở ngã tư thị trấn rồi bỏ lại xe. Cảnh sát đã xác định được danh tính người này qua hình ảnh camera an ninh. Được biết cô này không có lịch sử lấy bằng lái xe ô tô ở Nhật Bản.

Nguồn: Tin Mới 247; Vnexpress; LocoBee

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang