Người Việt hải ngoại: Giải bóng đá đặc biệt tại Nhật; Cựu tiếp viên sang Thụy Điển định cư; Quảng bá văn hóa tại Sri Lanka

Giải bóng đá đặc biệt của người Việt tại Nhật

(Ảnh minh họa).

Ngày 10.12 sắp tới, một giải bóng đá rất đặc biệt của người Việt tại Nhật sẽ bắt đầu diễn ra trên sân Redsland, thành phố Saitama.

Đó là vòng chung kết FAVIJA CHAMPIONS CUP 2023 với sự xuất hiện của 32 đội bóng đạt thứ hạng cao nhất tại 7 giải bóng đá khu vực trên toàn Nhật Bản, được tổ chức kéo dài từ tháng 2 đến cuối tháng 11 trong năm 2023.

Tổng số hơn 200 đội bóng không chuyên của người Việt (mỗi đội không có quá 2 cầu thủ Nhật Bản), đã tham gia các giải khu vực để giành lấy tấm vé quá ít ỏi so với tỷ lệ số lượng đội bóng tham gia để có mặt ở vòng chung kết toàn quốc này.

Đã có những đội bóng đặt quyết tâm lấy bằng được tấm vé vào chung kết, họ phải vượt hàng ngàn km đi thi đấu tại nhiều giải khu vực khác nhau nhưng cuối cùng vẫn chưa thể chạm tới may mắn.

Vòng chung kết này không chỉ có sức hấp dẫn với các cầu thủ bóng đá phủi người Việt tại Nhật, mà ngay cả những ngôi sao bóng đá trong nước cũng thấy "liêu xiêu". Sự góp mặt giao lưu của những cầu thủ như Đỗ Kim Phúc, Đại Cán, Tuấn "vỉa"... càng khiến vòng chung kết của FAVIJA CHAMPIONS CUP 2023 thực sự là giải đấu trong mơ, làm nóng bừng không khí mùa đông tại Redsland, thành phố Saitama cuối tuần này.

Giải bóng đá là sân chơi thể thao mang lại rất nhiều mục đích thiết thực và ý nghĩa. Vừa giúp các cầu thủ rèn luyện sức khỏe, thỏa sức đam mê, đồng thời còn gắn kết cộng đồng, tăng tình đoàn kết, hữu nghị. Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi các chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

FAVIJA CHAMPIONS CUP 2023 được tổ chức bởi Tổ chức giao lưu quốc tế Việt Nam Nhật Bản (FAVIJA) và được bảo trợ bởi Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Cùng đồng hành với giải đấu là các doanh nghiệp người Việt tại Nhật như Sun Shine, Hoang Hai Mobile, Nippon Travel, HTC Group, Tín Phát Group...

Ông Đỗ Quang Ba, Chủ tịch FAVIJA cho biết đội bóng vô địch giải thi đấu năm nay, ngoài giải thưởng bằng hiện kim, hiện vật, còn nhận được trái bóng kỷ niệm có chữ ký của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Võ Văn Thưởng.

Bỏ lại tất cả để sang Thụy Điển định cư, cựu tiếp viên hàng không người Việt cay đắng "mất cả chì lẫn chài" và màn vùng lên ấn tượng

Thực tế cho thấy, với một người mới sang định cư ở nước ngoài, sẽ có rất nhiều khó khăn và thử thách.

Một cô gái xinh xắn, rạng rỡ, với sự nghiệp không quá lẫy lừng nhưng cũng là mơ ước của bao người, tiếp viên hàng không. Tương lai phía trước đang vô cùng sán lạn. Là bạn, bạn có đủ can đảm để rũ bỏ hết, chấp nhận xa gia đình đến một đất nước khác sinh sống?

Đó là cách mà cô gái tên Trịnh Thị Phương Thảo đã làm để chứng minh tình yêu mãnh liệt của mình. Tuy nhiên, cuộc sống thì vô vàn những điều không ai biết trước được. Và Thảo cũng không thể ngoại lệ. Đặc biệt là khi cô dám bỏ lại sau lưng tất cả, để xây dựng cuộc sống mới ở nơi đất khách quê người.

Nghe theo tiếng gọi của con tim

Thảo vốn là nữ tiếp viên hàng không làm việc cho một hãng hàng không lớn. Vài năm trước, khi sự nghiệp đã đi vào ổn định, Thảo quyết tâm bỏ lại để theo chồng sang Thụy Điển định cư. Có lẽ thời điểm ấy, với cô, được nghe theo tiếng vẫy gọi của con tim là điều đúng đắn nhất. Thảo cho biết: "Mình là một người ưa khám phá, thích học hỏi những điều mới lạ cho nên mình đã lựa chọn công việc làm tiếp viên hàng không, giúp mình có cơ hội được bay đến những vùng đất mới và cho mình nhiều trải nghiệm.

Mình gặp chồng cũ của mình khi anh ấy sang Việt Nam du lịch. Bọn mình gặp nhau thông qua một người cô. Ban đầu, bọn mình cũng chỉ nghĩ là bạn bè nói chuyện cho vui thôi và sau đó anh trở về Thụy Điển nhưng vẫn giữ liên lạc với mình. Sau 3 tháng nói chuyện qua mạng thì bọn mình có tình cảm với nhau và anh lại quay lại Việt Nam để gặp mình. Đó là lúc 2 đứa chính thức xác định mối quan hệ.

Khi anh sang Việt Nam lần nữa thì bọn mình quyết định là làm đám cưới. Lúc đó, mình nghĩ rất đơn giản là sẽ theo chồng sang nước ngoài sinh sống khi được sở di trú cấp thẻ định cư.

Động lực lớn nhất khiến mình từ bỏ công việc của mình là mình rất yêu chồng, muốn theo chồng và nghĩ về một tương lai, một gia đình hạnh phúc bên chồng mình và mình sẵn sàng bắt đầu lại từ đầu".

"Nhưng mọi thứ lại không như mình tưởng tượng...". Có lẽ đây mới là điểm bắt đầu cho một thử thách đầy gian nan mà cô gái trẻ người Việt phải đối mặt ở xứ người.

Không "dễ sống" như người ta vẫn nghĩ

Lúc chưa sang nước ngoài, thông qua phim ảnh, mạng xã hội, Thảo luôn tưởng tượng cuộc sống ở Châu Âu rất tốt đẹp, chẳng hạn như môi trường sống hiện đại, tiến bộ...

Nhưng thực tế cho thấy, với một người mới sang định cư ở nước ngoài, sẽ có rất nhiều khó khăn và thử thách. Không có người thân, không bạn bè, không biết ngôn ngữ của người bản xứ là một trở ngại vô cùng lớn.

Văn hóa, luật pháp cũng rất khác biệt, đồ ăn thức uống hoàn toàn khác xa so với Việt Nam, chi phí giá cả cũng rất đắt đỏ.

"Một người mới sang Thụy Điển sẽ phải mất ít nhất 2 đến 3 năm để học tập và làm quen dần với sự khác biệt này. Để xin được việc cũng gặp khó khăn vì đa phần các nhà tuyển dụng ưu tiên cho người có kinh nghiệm và biết tiếng Thụy Điển nhiều hơn", Thảo nhấn mạnh.

Cô cho biết, khi mới sang Thụy Điển, người không có bằng cấp phải làm những công việc chân tay để trang trải cuộc sống, thời gian làm việc thường rất dài và hơn 8 tiếng một ngày. Thời tiết mùa đông quá lạnh, màn đêm thường kéo dài từ 3h chiều cho đến 8h sáng hôm sau sẽ dễ khiến cho tâm trạng đi xuống.

"Nên mọi thứ thực sự sẽ không dễ dàng như nhiều người nghĩ. Nhưng khi trải qua được những năm tháng đầu tiên khó khăn rồi thì mọi thứ sẽ dần đi vào quỹ đạo và dần ổn định cuộc sống hơn", Thảo cho hay.

Sóng gió ập đến

Với một người bình thường, cuộc sống ở nước ngoài đã vô cùng khó khăn, thì với Thảo mọi thứ còn tồi tệ hơn rất nhiều khi chồng cô, người duy nhất có thể ở bên cạnh chia sẻ, lại tỏ ra không hiểu được lòng cô.

Thảo tâm sự: "Bọn mình bất đồng quan điểm rất nhiều từ khi mình mới bắt đầu sang Thụy Điển. Tư duy và quan điểm sống không giống nhau. Ví dụ, mình mong muốn sau này ổn định thì sinh con nhưng quan điểm của anh là không thích có con.

Mình tự nhận bản thân đã thiếu sót về điều này trong quá trình tìm hiểu đối phương. Mình mặc định theo tư duy của phụ nữ Á Đông rằng lấy chồng sẽ sinh con, còn anh theo tư duy phương Tây, con cái không thực sự quan trọng. Lúc đó mình cũng bị áp lực từ phía gia đình trong vấn đề này và gia đình mình luôn thúc ép chuyện con cái trong khi mình và chồng không tìm được tiếng nói chung".

Chưa hết, Thảo và bạn đời còn bất đồng cả trong công việc và sự nghiệp. Lúc mới sang Thụy Điển, Thảo muốn xin việc làm nhưng chồng cô không đồng ý. Thảo vẫn muốn được đi làm nên phải tự cố gắng tự xin việc, còn chồng thì nghĩ rằng cô chỉ nên ở nhà và đi học gì đó cho khuây khỏa. Cô tự nhận thấy lối sống đó không phù hợp với tính cách của mình. Bởi cô thích tự do, độc lập về tài chính.

Thảo cũng không có quen ai nên cuộc sống chỉ xoay quanh chuyện đi học, làm việc nhà. Nói chung, với cô, cuộc sống khi ấy rất nhàm chán. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào chồng nên cô cảm thấy rất bức bối trong khi bản thân vốn là người sống rất tự lập.

"Thời điểm mình mới sang là đúng vào mùa đông luôn nên tâm trạng dễ đi xuống, cảm giác hụt hẫng lạc lõng và dễ buồn chán", Thảo kể. "Chúng mình có nhiều quan điểm khó có thể chia sẻ với nhau. Lâu dần vợ chồng trở nên xa cách, tình cảm giảm sút, trở nên thiếu tôn trọng nhau.

Cuộc sống gia đình từ đó trở nên ngột ngạt, mình cảm thấy không hạnh phúc khi sống với một người bạn đời không cùng chung chí hướng, không có tương lai và tình cảm cũng không còn như trước nữa.

Anh nghĩ rằng mình sẽ mãi ở đấy và không dám đi đâu vì mình một thân một mình không quen biết ai nơi đất khách quê người. Nhưng mình không còn muốn có cuộc sống gia đình như vậy, một mối quan hệ không hạnh phúc đã ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần của mình trong một thời gian dài nên mình quyết định ra đi. Ra đi với duy nhất chiếc vali quần áo và 2 bàn tay trắng".

"Sau đó, mình đã tập trung vào việc đi học và đi làm. Mình hầu như không có thời gian để suy nghĩ về mối quan hệ cũ. Mình biết cuộc sống của mình chỉ có thể tốt hơn khi mình được là chính mình. Vì thế, đối với mình việc học và đi làm là quan trọng hơn hết. Mặc dù lúc đó mình gặp rất nhiều khó khăn trong công việc và học tập nhưng mình vẫn cố gắng vượt qua", cô tâm sự.

Gồng mình vượt qua giông bão

Đã có lúc, Thảo cảm thấy quá mệt mỏi vì một mình ở đất khách quê người, nhưng cuối cùng, cô vẫn phải tự gồng gánh mọi thứ. Trời phú cho cô bản tính tự lập từ nhỏ, nên mặc dù có mệt mỏi thật sự nhưng chưa bao giờ cô chịu gục ngã.

Thụy Điển cũng là quốc gia tiên tiến, có nền giáo dục hiện đại nên Thảo cũng đã học hỏi được từ họ rất nhiều điều. Cô cảm thấy vui khi được học và làm việc cùng người Thụy Điển mặc dù áp lực vì tiếng Thụy Điển của cô thời gian đầu "không đủ giỏi".

Sau biến cố lớn ấy, Thảo tự rút ra bài học cho bản thân rằng cần phải trang bị cho mình kiến thức về tình yêu, hôn nhân, gia đình. Đây là một kiến thức rất quan trọng mà mình nghĩ nhiều bạn trẻ đã mắc phải sai lầm.

Khi "sự đã rồi", Thảo mới tìm hiểu và nhận thấy mình thiếu kiến thức một cách trầm trọng. Cô tự nhận sai về phần mình nữa. "Khi mình trang bị cho mình kiến thức về chuyện tình cảm, hành xử đúng đắn trong một mối quan hệ, hiểu được tâm lý sinh học của người bạn đời thì mọi chuyện sẽ khác", Thảo nói.

Sau cùng, Thảo dành lời khuyên cho các bạn mới sang nước ngoài sinh sống rằng các bạn nên tìm hiểu thật kỹ về đất nước nơi mình sẽ đến. Vì trước khi đi, nhiều người có tâm lý háo hức và luôn nghĩ về viễn cảnh màu hồng là mình sẽ được đặt chân đến những nơi đẹp, được trải nghiệm những điều thú vị chưa bao giờ được thấy, được sống ở một môi trường mà nhiều người ao ước, được học tập trong một môi trường tiên tiến hiện đại...

"Nhưng bên cạnh đó, mọi người cũng nên chuẩn bị sẵn cho mình một tâm lý là mình sẽ cần phải chấp nhận và chịu khó vượt qua khó khăn, thử thách để khi sang sẽ đỡ cảm thấy bị hụt hẫng. Nhiều người đã từng thất vọng đến nỗi chỉ muốn quay trở về quê hương", cô nói.

Thảo khuyên mọi người cũng cần phải đầu tư vào phát triển ngôn ngữ, phát triển bản thân để theo kịp với cuộc sống nơi đất khách quê người.

"Muốn cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn thì bạn phải hi sinh rất nhiều trong giai đoạn đầu. Học hỏi và làm quen thì chắc chắn là mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn...", cô nhắn gửi.

Cảm ơn Phương Thảo về những chia sẻ của bạn!

Quảng bá văn hóa Việt tại Hội chợ Từ thiện Quốc tế Sri Lanka 2023

(Ảnh minh họa).

Bộ Ngoại giao Sri Lanka đã chủ trì, phối hợp với các Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao đoàn, doanh nghiệp Sri Lanka tổ chức Hội chợ Từ thiện Quốc tế ngày 2/12 tại thủ đô Colombo.

Đây là năm đầu tiên Bộ Ngoại giao Sri Lanka tổ chức Hội chợ từ thiện với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc. Sự kiện diễn ra nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh và ngày thành lập Bộ Ngoại giao Sri Lanka và được tổ chức nhằm giúp đỡ bệnh nhân nhi tại nước này, cũng như tăng cường tinh thần đoàn kết quốc tế

Tham dự Hội chợ Từ thiện năm nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka đã trưng bày, giới thiệu các sản phẩm truyền thống như lụa Hà Đông, sơn mài, nón lá, và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như tranh dân gian Đông Hồ, các sản phẩm làm bằng chất liệu như tre, dừa… những nguyên liệu có thể dễ dàng tìm thấy ở Sri Lanka.

Quan khách tham dự Hội chợ Từ thiện cũng được thưởng thức các món ăn đặc sản, truyền thống của Việt Nam như nem rán, cà phê sữa đá…; trưng bày poster nhằm quảng bá hình ảnh tươi đẹp về đất nước, con người, du lịch Việt Nam.

Điểm nhấn của chương trình là Đại sứ các nước tham gia trình diễn trang phục truyền thống saree, batik của Sri Lanka, Đại sứ quán nhiều nước tham gia biểu diễn nghệ thuật, giới thiệu các món ăn dân tộc truyền thống, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ…

Hội chợ Từ thiện Quốc tế là dịp để các cơ quan ngoại giao đoàn ở Sri Lanka tăng cường giao lưu, tăng sự hiểu biết về nét đẹp văn hóa, ẩm thực, đất nước, con người của nhau, qua đó thúc đẩy hợp tác giữa các sứ quán và với các cơ quan sở tại. Sự kiện đã thu hút sự tham gia đông đảo của khoảng 60 sứ quán, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp cùng nhiều cơ quan báo chí truyền thông địa phương.

Số tiền thu được từ Hội chợ sẽ dành tặng Bệnh viện nhi Lady Ridgeway ở thủ đô Colombo.

Nguồn: Thanh Niên; Afamily; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang