.jpg)
TRƯỜNG SA: ĐIỂM HẸN CỦA NHỮNG NGƯỜI CON XA XỨ
Trái tim kiều bào luôn hướng về Trường Sa, mang theo lòng tự hào và quyết tâm đồng hành cùng quê hương trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Dù cách xa hàng nghìn hải lý, Trường Sa vẫn luôn là điểm hẹn thiêng liêng trong lòng những người Việt xa xứ. Từ những chuyến hải trình đầy cảm xúc đến những hoạt động thiết thực khắp nơi trên thế giới, bà con kiều bào đã và đang gửi gắm những tình cảm chân thành đến những người lính nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc thân thương.
Năm nào cũng vậy, những đoàn kiều bào từ khắp nơi trên thế giới lại theo tàu cùng các chiến sĩ hải quân trong hành trình đến với Trường Sa. Khoảnh khắc chào cờ Tổ quốc, những giọt nước mắt nghẹn ngào khi gặp gỡ chiến sĩ trên đảo, tất cả như hòa quyện trong tình yêu Tổ quốc mà họ mang theo suốt bao năm tháng xa xứ.
Bà con kiều bào đã biến tình cảm, tâm huyết của mình dành cho biển đảo thành hành động thiết thực, góp phần vào sự phát triển của Trường Sa. Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, chia sẻ: "Hơn hai mươi năm qua, trong việc triển khai Nghị quyết 36, chúng ta thấy rõ các thành tựu đóng góp của kiều bào ngày càng tăng và ngược lại là sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với kiều bào cũng tăng theo, vị thế của đất nước tăng. Kiều bào càng ngày càng nhận thấy trách nhiệm cao hơn trong việc đóng góp vào sự phát triển đất nước và củng cố, tăng cường vị thế quốc gia."
Từ những chuyến tàu chở đầy quà tặng, thư từ và tình cảm chân thành đến Trường Sa cho đến các dự án đầu tư về giáo dục, y tế, cùng nhiều hoạt động vận động hỗ trợ từ cộng đồng Việt kiều tại Australia, Mỹ, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia..., tất cả đã mang lại những thay đổi tích cực cho quần đảo. Những ngôi trường khang trang, sách vở và đồ chơi cho học sinh, thiết bị y tế tiến dần đến hiện đại, hệ thống đèn năng lượng mặt trời... đều đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và các chiến sĩ đang sinh sống, làm việc trên quần đảo.
Bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Malaysia – Việt Nam cho biết: Năm 2024, cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia đã trao tổng số tiền trên 88 triệu đồng ủng hộ chương trình "Trường Sa xanh" cho đại diện Quân chủng Hải quân Việt Nam. Ngoài ra, đại diện Malaysia tham gia chuyến hải trình còn mang theo những phần quà cá nhân gửi tặng quân dân tại các điểm đảo, trong đó có cây đàn ghi ta Ukulele của cháu Lê Nguyễn Lưu An, một học sinh người Việt tại Malaysia, gửi tặng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo.
Không chỉ những người Việt lớn tuổi, thế hệ trẻ kiều bào cũng đang dành nhiều sự quan tâm đến Trường Sa. Thông qua những buổi toạ đàm, hội thảo, trại hè, nhiều bạn trẻ Việt kiều đã hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo, tự hào về quê hương và quyết tâm lan tỏa tinh thần yêu nước đến bạn bè quốc tế. Nguyễn Công Sơn, du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc, xúc động chia sẻ: "Sau chuyến đi Trường Sa, tôi càng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ là qua những bài học lịch sử, qua các phương tiện truyền thông báo chí mà chính là trải nghiệm về cuộc sống và làm việc của các chiến sĩ nơi đây. Chuyến đi là một hành trình tuyệt vời trong tuổi trẻ của tôi. Tôi biết ơn các chiến sĩ, những con người thầm lặng canh giữ bình yên của đất trời Việt Nam. Tôi luôn trân trọng tình yêu và tình cảm của tất cả mọi người dân Việt Nam luôn luôn hướng về biển đảo, luôn luôn hướng về Hoàng Sa và Trường Sa".
Trải qua những cảm xúc ngây ngất, đầy tự hào và xúc động khi được đặt chân lên đảo, được trực tiếp chứng kiến cuộc sống của quân và dân trên những hòn đảo xa xôi, những người con xa quê đã được tận mắt nhìn thấy, tận tay chạm đến mảnh đất thiêng liêng để rồi trở về với niềm yêu nước mãnh liệt hơn, quyết tâm lan tỏa đến cộng đồng mình đang sinh sống.
Trái tim kiều bào vẫn luôn hướng về Trường Sa, mang theo lòng tự hào và quyết tâm đồng hành cùng quê hương trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Dù xa quê hương hàng nghìn dặm, nhưng Trường Sa luôn hiện diện trong trái tim những người con đất Việt, như nhịp đập không ngừng của sóng biển quê hương.
GÌN GIỮ NGHỀ MỘC TẠI MỸ
Nghề mộc là một trong những ngành nghề truyền thống mà người Việt mang theo khi định cư tại Mỹ. Với sự chăm chỉ, khéo léo và tinh thần sáng tạo, cộng đồng người Việt đã xây dựng được chỗ đứng vững chắc trong ngành gỗ và nội thất tại xứ Cờ hoa.
Có không ít người Việt sang Mỹ với hai bàn tay trắng, nhưng nhờ kinh nghiệm sẵn có từ quê nhà, họ đã nhanh chóng thích nghi, lập nghiệp trên nền tảng ngành mộc. Ban đầu, phần lớn thợ mộc Việt Nam làm việc trong các xưởng gỗ của người bản xứ, vừa kiếm sống, vừa học hỏi kỹ thuật và cách vận hành. Sau một thời gian, họ mở xưởng riêng, cung cấp dịch vụ đóng tủ bếp, bàn ghế, cầu thang, sàn gỗ và sản phẩm nội thất khác.
Ông Ngọc Nguyễn (65 tuổi, sang Mỹ hơn 30 năm) sau thời gian làm công cho nhiều công ty, ông quyết định mở một xưởng mộc tại nhà ở miền Nam bang California. Nhờ chăm chỉ, công việc làm ăn thuận lợi, xưởng của ông mở rộng quy mô, nhân công từ 10 người lúc đầu giờ đã là 30 người. Ông bộc bạch: Nghề này không còn quá nhiều người làm, ngay cả ở Việt Nam. Vì vậy, tôi cảm thấy may mắn khi vẫn duy trì được nghề ở Mỹ.
Cùng với sự phát triển, khách hàng xưởng mộc của người Việt không chỉ có người Việt mà còn có nhiều cộng đồng khác ở Mỹ. Một số cơ sở dần trở thành những thương hiệu nội thất uy tín, được khách hàng đánh giá cao vì chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh. Nhu cầu đầu tư vào nhà cửa, nhất là sản phẩm gỗ chất lượng cao khá lớn nên vẫn là thị trường tiềm năng cho thợ mộc Việt, vốn có tay nghề khéo léo và năng lực sáng tạo. Anh Hạ Trần (45 tuổi, ở Houston, bang Texas), mở xưởng mộc riêng quy mô vừa phải và có việc làm liên tục nhờ phối hợp với các đối tác làm nghề kinh doanh bất động sản, có yêu cầu tân trang nhà cửa thường xuyên. Anh còn sử dụng công nghệ hiện đại như máy laser cắt gỗ giúp tăng năng suất, giảm chi phí và tạo ra nhiều sản phẩm chính xác hơn.
Tuy nhiên, nghề mộc ở Mỹ cũng đối mặt với không ít thách thức. Ông Ngọc Nguyễn cho biết, giá gỗ ngày càng cao khiến giá thành tăng cao, ảnh hưởng giá bán và sức mua. Lương công nhân khá cao cùng tiêu chuẩn và an toàn lao động nghiêm ngặt cũng là một thách thức lớn với nghề mộc. Ngoài ra, sự cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và với xưởng mộc của người Mỹ gốc Mexico, gốc Trung Quốc… cũng là thách thức không nhỏ. Điều này đòi hỏi người Việt phải nâng cao tay nghề và tạo ra sản phẩm độc đáo hơn để cạnh tranh.
Dù vậy, trên tất cả, người Việt vẫn giữ vững tinh thần, cần mẫn lao động, sáng tạo trong nghề mộc. Nhiều xưởng mộc chứng kiến sự tiếp nối thế hệ, giúp bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống này. Nhiều người còn mang phong cách mộc Việt vào các sản phẩm, kết hợp hoa văn Á Đông với thiết kế hiện đại để tạo dấu ấn riêng trên thị trường Mỹ. Có thể nói, nghề mộc của người Việt ở Mỹ không chỉ giúp ổn định cuộc sống mà còn là một cách để giữ gìn bản sắc dân tộc. Trong tương lai, nếu biết tận dụng công nghệ gắn với thị hiếu khách hàng, ngành mộc Việt ở Mỹ sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
CÔ GÁI VIỆT NỔI DANH TRONG NGÀNH QUẢNG CÁO THẾ GIỚI
La Tường Vi (26 tuổi, Hà Nội) hiện là chuyên gia chiến lược sáng tạo cấp cao của Rethink New York (Mỹ) – công ty quảng cáo được vinh danh top 1 tại Liên hoan Sáng tạo Quốc tế Cannes Lions 2024.
Một ngày làm việc của Tường Vi ở Rethink New York thường xoay quanh việc viết brief (bản tóm tắt) để định hướng bộ phận sáng tạo của công ty về cách hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh của các nhãn hàng, rồi làm việc với Giám đốc Sáng tạo trên ý tưởng đó.
Nhiệm vụ của Vi là làm sao để gói ghém các đặc tính và mục tiêu cụ thể của sản phẩm trong một thông điệp phù hợp, và truyền tải thông điệp này tới công chúng dưới dạng một chiến dịch quảng cáo có khả năng lay chuyển cảm xúc và hành vi của họ. Theo Vi, một chuyên gia chiến lược luôn đối mặt hai thách thức: đảm bảo bộ phận sáng tạo hiểu rõ cách tiếp cận của người làm chiến lược, và thuyết phục khách hàng với ý tưởng đề xuất.
Chia sẻ hành trình đến với ngành quảng cáo, theo Vi, đó không phải một sự đấu tranh của bản ngã. “Quảng cáo” là lựa chọn xuất hiện đầu tiên trong danh sách ngành học mong muốn khi Vi làm hồ sơ ứng tuyển đại học Mỹ vào năm 2016, và chị lập tức cảm thấy lựa chọn này phản ánh đúng sở trường của bản thân trong những chủ đề liên quan con người và sự sáng tạo. Với học bổng toàn phần ngành quảng cáo của Đại học Temple (bang Philadelphia) và sau này là học bổng 50% học phí của Đại học Fordham (bang New York), Vi đã dành nhiều năm trên giảng đường để nghiền ngẫm các lý thuyết về quảng cáo cũng như nhúng mình trong các cuộc thi và dự án thực tập.
Năm 2020, Vi tốt nghiệp Đại học Temple và có công việc toàn thời gian đầu tiên tại công ty quảng cáo Noble People, nơi mà tới giờ chị vẫn không ngừng biết ơn. “Đó là quãng thời gian tôi có cơ hội phát triển bản thân vượt bậc khi vừa đi làm, vừa học thạc sĩ”, Vi chia sẻ. Theo quan sát của Vi, mặc dù Mỹ là quốc gia có thị trường lao động rất cạnh tranh, song không phải ai cũng sẵn sàng dành nhiều thời gian cho công việc hơn mức tiêu chuẩn. “Nhiều đồng nghiệp quanh tôi chỉ có nhu cầu làm việc trong khuôn khổ giờ hành chính. Họ chọn cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân thay vì đầu tư thêm thời gian để trở nên xuất sắc hơn trong sự nghiệp”, chị cho biết.
Thời gian ở Noble People, Vi thường làm việc từ 9 giờ sáng tới 17 giờ, rồi lại rời văn phòng để đi học đến 22 giờ. Cuối tuần, Vi tiếp tục học và tranh thủ nghiên cứu về tâm lý người tiêu dùng Mỹ. Tới năm 2022, Vi trở thành chuyên gia chiến lược sáng tạo cấp cao trẻ nhất của Noble People. Sau này, trong nhiều cuộc phỏng vấn, các nhà tuyển dụng thường xuyên thắc mắc về việc Vi chỉ mất hai năm để đi từ vị trí thực tập sinh đến vị trí hiện tại – vốn nhanh hơn rất nhiều so với phần lớn người trong ngành, chị giải thích: “Mặc dù tôi có hai năm kinh nghiệm trên hồ sơ, nhưng thời gian thực tế mà tâm trí tôi hiện diện cho công việc thì nhiều hơn thế”.
Những nỗ lực của Vi còn được chắp cánh bởi sự trao quyền đúng thời điểm. Vi thừa nhận, có những cơ hội đến mà qua đó, chị được biết đến và ghi nhận bởi các cá nhân kỳ cựu trong ngành. Chẳng hạn tại Noble People, Vi từng được sếp giao tổ chức workshop để trình bày hiểu biết về thị trường NFT và tiền mã hóa cho những nhân sự cấp cao nhất của các công ty đối tác và khách hàng. Lời đề nghị được đưa ra sau khi sếp nhận thấy Vi thảo luận chủ đề này rất hăng say với đồng nghiệp vào lúc rảnh. Hay trong công việc hiện tại, Vi cũng thường được tin tưởng giao đảm nhiệm các dự án quảng cáo lớn mà theo Vi, có lúc chị ngờ vực rằng liệu mình có làm tốt được không.
Ngoài sự tận tụy và được trao quyền, theo Vi, hai yếu tố nữa giúp chị đạt được thành công hiện tại còn là tính chủ động và thái độ tò mò về cuộc sống. Nói về kỷ niệm tìm kiếm công việc lý tưởng hiện giờ, Vi nhớ lại: “Cuối năm 2023, tôi chủ động gửi mail cho người là sếp hiện tại của tôi ở Rethink New York, hẹn gặp chị trực tiếp để trao đổi về cơ hội công việc. Ở Mỹ, các quản lý cấp cao thường nhận được tới 10 tin nhắn như vậy mỗi ngày. Điều đó đồng nghĩa email của tôi sẽ ‘lọt thỏm’ trong danh sách vài trăm tin nhắn mà sếp tôi nhận được mỗi tháng. Vì vậy, tôi quyết định làm một bài thuyết trình độc đáo và hài hước một chút về bản thân. Kết quả là chị đã liên hệ lại và đồng ý hẹn gặp. Ngay từ lần đầu trò chuyện, chúng tôi đã cảm thấy cách tư duy và tiếp cận vấn đề của hai người rất hợp nhau”.
Tính chủ động của Vi còn nằm ở việc chị không ngần ngại nêu lên cách nghĩ của mình trước những người có kinh nghiệm dày dạn, như “từng đạt 30 giải thưởng trong lĩnh vực quảng cáo”. Vi thừa nhận mình sở hữu phong thái khá ‘sinh viên’ và không quá đĩnh đạc, song giải pháp của chị luôn là cố gắng trình bày ý tưởng của mình một cách tự tin và truyền cảm hứng nhất có thể.
Nói về thách thức lớn nhất khi mới vào nghề, Vi cho rằng đó vẫn là làm sao để hiểu được tâm lý người tiêu dùng Mỹ khi mình là người Việt Nam. Song, điều này dần được cải thiện khi Vi chịu khó xem và phân tích mọi thể loại quảng cáo của Mỹ, hay lướt TikTok một cách có định hướng để tìm hiểu “Những người Mỹ ngoài kia đang quan tâm điều gì?”. Đặc biệt, Vi từng tham gia biểu diễn hài trên sâu khấu kịch nói Gotham Comedy Club (New York). Theo Vi, một chiến dịch quảng cáo thành công không đến từ những khuôn hình đầy màu sắc, mà từ những phát hiện thâm thúy về tâm lý của con người quanh ta – điều mà chỉ những cá nhân luôn ‘tò mò’ và cố gắng nhìn thật sâu vào các lát cắt đời thường của cuộc sống – mới có thể nhận ra.
Nguồn: VTV4; Sài Gòn Giải Phóng; Thanh Niên
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá