.jpg)
ÔNG HÙNG CAO ĐƯỢC ĐỀ CỬ LÀM THỨ TRƯỞNG HẢI QUÂN MỸ
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tối ngày 27/2 thông báo rằng ông sẽ đề cử cựu Đại tá Hải quân Hoa Kỳ Hùng Cao làm Thứ trưởng Hải quân, đài WTKR và Fox 5 đưa tin.
Ông Hùng Cao, cựu ứng cử viên Thượng viện Hoa Kỳ đại diện cho bang Virginia, là người tị nạn gốc Việt và phục vụ trong Hải quân trong 25 năm qua.
Tổng thống Donald Trump đưa ra thông báo này trên mạng Truth Social vào tối thứ Năm (27/2), nói rằng ông Hùng Cao là “hiện thân của Giấc mơ Mỹ”.
“Là một người tị nạn đến với Quốc gia Vĩ đại của chúng ta, ông Hùng đã làm việc không biết mệt mỏi để làm cho Đất nước tự hào vì đã cho gia đình ông một mái ấm”, bài đăng của ông Trump có đoạn. “Với kinh nghiệm của ông Hùng trong cả chiến đấu và tại Lầu Năm Góc, ông ấy sẽ hoàn thành nhiệm vụ”.
Đáp lại trên mạng X, ông Hùng Cao viết: “Xin cảm ơn Ngài Tổng thống. Đến lúc phải bắt tay làm việc”.
Đại tá Hùng Cao là người tị nạn, ông rời Việt Nam năm 1975 khi mới bốn tuổi. Sau một thời gian sinh sống và theo học trường Pháp ở Tây Phi, ông cùng gia đình đến định cư ở thành phố Annandale của bang Virginia vào năm 1982. Ông được nhận vào Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Annapolis, bang Maryland và sau khi tốt nghiệp trở thành Người nhái Biển sâu và Sĩ quan Tháo gỡ Bom mìn.
Khi phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ, ông từng tham gia các nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt ở Iraq, Afghanistan và Somalia.
CÔ GÁI PHÁP TÌM THẤY BỐ MẸ RUỘT Ở VIỆT NAM CHỈ SAU 6 NGÀY
Được mẹ nuôi tiết lộ bí mật, cô gái Pháp tìm thấy bố mẹ ruột ở Việt Nam chỉ sau 6 ngày dù cả hai đã mất liên lạc suốt 28 năm.
Trên đường đến sân bay trở về Pháp vào cuối tháng 2, Azalée Benoit (sinh năm 1995, Pháp) nói mình vừa sống những tháng ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tại Việt Nam. Bởi chị vừa tìm lại được bố mẹ ruột sau 28 năm xa cách.
Bí mật gần 3 thập kỷ
Azalée Benoit có tên khai sinh là Nguyễn Thị Thu Mai. Chị là con gái thứ 3 trong gia đình đông con của bà Nguyễn Thị Thu Huệ (sinh năm 1972, TP.HCM).
Ngày chị Mai chào đời, gia đình bà Huệ lâm cảnh khốn khó. Thấy người phụ nữ gầy gò không đủ điều kiện nuôi con nhỏ, hàng xóm khuyên bà nên cho con làm con nuôi ở nước ngoài để bé có cuộc sống tốt hơn.
Mong con gái thoát cảnh nghèo khó, bà Huệ bấm bụng đồng ý. Ít lâu sau, bé Mai được bà Benoit, một phụ nữ độc thân người Pháp, nhận nuôi.
Từ giã quê hương, Mai có tên mới là Azalée. Cô bé lớn lên trong tình yêu thương của mẹ nuôi, trải qua tuổi thơ êm đềm.
Những năm đầu đời, Azalée được bà Benoit cho biết mình là con nuôi người Việt Nam. Tuy vậy, bà nói với Azalée rằng bà không biết gì về bố mẹ ruột của chị. Bà gần như giấu kín mọi thông tin về gia đình ruột thịt ở Việt Nam của cô con gái nuôi.
Azalée kể: “Tôi luôn muốn tìm cha mẹ ruột. Khoảng 4-5 tuổi, tôi đã hỏi mẹ nuôi là cha mẹ ruột của tôi ở đâu, tôi trông giống ai nhất. Dù vậy, mẹ nuôi luôn nói bà là mẹ duy nhất của tôi, bà không biết gì về bố mẹ ruột của tôi và chúng tôi sẽ không thể tìm lại họ. Tôi lớn lên theo cách đó và dặn mình phải quên đi suy nghĩ tìm lại cội nguồn”.
Năm 27 tuổi, Azalée mới tìm về nơi mình sinh ra. Tại đây, Azalée đến những nơi mà chị nghĩ có liên quan đến quá khứ của mình như bệnh viện, trại trẻ mồ côi...
Dù vậy, chị không tìm thấy thông tin nào về nguồn cội của mình. Nhận thấy sự quyết tâm của con gái nuôi, bà Benoit quyết định tiết lộ bí mật mà mình đã giấu kín gần ba thập kỷ.
Bà đưa cho Azalée tập hồ sơ chứa tất cả tài liệu về việc nhận con nuôi của mình. Đó lần đầu tiên Azalée biết tên, địa chỉ của mẹ ruột. Chị vỡ òa hạnh phúc, quyết định đi tìm bà.
"Phép màu"
Azalée đăng tải thông tin, hình ảnh về mình và gia đình Việt Nam lúc còn bé lên mạng xã hội nhờ giúp đỡ. Chỉ sau 6 ngày, nhóm người ở Pháp chuyên hỗ trợ con nuôi người Việt tìm lại bố mẹ đã tìm thấy mẹ ruột của Azalée.
Sau đó, Azalée được kết nối, trò chuyện với bố mẹ, anh chị em ruột thông qua cuộc gọi trực tuyến. Giữa tháng 2/2025, chị về Việt Nam đoàn tụ với gia đình.
Ngày gặp nhau ở sân bay Tân Sơn Nhất, Azalée ôm chầm lấy cha, mẹ, bà nội và các anh chị em trong gia đình. Chị òa khóc trong niềm hạnh phúc khôn tả.
Azalée chia sẻ: “Tôi sẽ nhớ mãi ngày được ôm mẹ ruột vào lòng. Đó là một trong những ngày đẹp, ý nghĩa nhất cuộc đời tôi.
Cảm xúc đó thật khó diễn tả bằng lời. Tôi thấy tình yêu thương đong đầy trong mắt những người ruột thịt. Tôi biết họ yêu thương tôi, hạnh phúc khi có tôi bên cạnh.
Thời gian ở bên gia đình ruột thịt của tôi diễn ra như một giấc mơ. Ở bên cạnh bố mẹ, anh chị em ruột thịt, ngay cả những điều đơn giản nhất cũng khiến tôi hạnh phúc.
Chúng tôi có bữa cơm gia đình, đi thăm công viên, cùng chơi đùa như những đứa trẻ… Mọi việc diễn ra như thể chúng tôi chưa bao giờ xa cách”.
Trong khi đó, bà Huệ vẫn chưa tin mọi chuyện là sự thật. Bà không bao giờ nghĩ mình sẽ tìm lại được cô con gái đã cho đi từ lúc lọt lòng.
Bà tâm sự: “Sau khi cho con, gia đình tôi và bà Benoit vẫn giữ liên lạc. Mỗi khi nhớ con, tôi ra bưu điện, nhờ người viết thư gửi đến địa chỉ mà bà Benoit để lại hỏi thăm con.
Thời gian đầu, bà Benoit hồi âm, gửi hình ảnh Mai cho gia đình. Nhưng khi Mai lên 5-6 tuổi, chúng tôi không nhận được thư hồi âm nữa.
Từ đó, tôi sống trong buồn lo không dứt. Không biết con sống chết thế nào, tôi chỉ biết đi chùa thắp nhang, cầu xin cho con được bình an.
Giờ đây gặp lại con, tôi không dám tin là sự thật, cứ ngỡ mình đang nằm mơ. Tôi vui sướng đến nỗi không thể làm việc, đêm không thể ngủ.
Gặp lại con sau 28 năm, thấy con khôn lớn, trưởng thành là niềm vui vượt ngoài mong ước, tưởng tượng của tôi. Tôi thấy mình may mắn, hạnh phúc. Cuộc đời tôi như vậy là đã mãn nguyện rồi”.
BỖNG CHỐC NỔI TIẾNG NHỜ CÕNG CÔ GÁI TRUNG QUỐC ĐI CẤP CỨU
.jpg)
Sáng 20/2, anh Hiếu gặp cô gái đang ôm bụng quằn quại kêu cứu ở khu tường thành Thanh Nham cổ trấn (tỉnh Quý Châu), lập tức cõng đi 3 km tìm xe cấp cứu.
Ban đầu, anh Hiếu cõng cô gái đi khá nhanh do nghĩ có thể bị viêm ruột thừa, nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nhưng chàng trai Việt xuống sức sau khoảng 10 phút. Suốt quãng đường 3 km, anh dừng nghỉ bốn lần do phải trèo hàng nghìn bậc thang, quanh co của khu thành cổ vốn được ví như "tiểu Vạn lý trường thành". Vài trăm mét cuối cùng, anh nhờ bạn trong đoàn trợ giúp vì kiệt sức.
Sau 30 phút, nữ du khách và người bạn đi cùng đến được nơi có thể gọi taxi vào bệnh viện gần nhất.
"May mắn trong đoàn có vài anh em đi cùng nên tôi mới tự tin cõng cô ấy vượt quãng đường khó khăn đó", anh Phạm Trung Hiếu, 37 tuổi, giám đốc một công ty du lịch ở Hạ Long (Quảng Ninh) nói. "Cô gái nặng gần 50 kg nhưng đường đi khúc khuỷu, nhiều dốc cao khiến tôi mất sức nhanh".
Câu chuyện nam du khách người Việt tình nguyện cõng cô gái Trung Quốc không quen biết đi cấp cứu sau đó xuất hiện trên tờ Nhật Báo Quý Châu (Trung Quốc) và được chia sẻ trên nhiều trang tin, mạng xã hội của nước này, thu hút hàng nghìn bình luận.
Hầu hết người dùng mạng Trung Quốc bày tỏ sự cảm kích với hành vi nghĩa hiệp của anh Hiếu và nhóm bạn. Một số nói "nể" sức khỏe và sự dẻo dai của chàng trai Việt. Người dùng tên Hu Xiu bình luận dưới một bài đăng trên mạng xã hội: "Tình bạn giữa Trung Quốc và Việt Nam thật tuyệt vời khi chung tay cứu người. Bổ sung thêm kỹ năng sơ cứu cũng rất hữu ích trong những tình huống khẩn cấp".
Hành động của anh Hiếu cũng nhận nhiều lời ngợi khen trên các trang mạng xã hội Việt Nam. "Ở Việt Nam chúng tôi có câu 'không ai bị bỏ lại phía sau', giờ câu nói đó đã vươn tầm thế giới, quá tự hào", người dùng mạng tên Ly An viết.
Chia sẻ trên Nhật Báo Quý Châu, cô Luo, người được anh Hiếu cõng, nói biết ơn những người bạn Việt Nam. "Tôi may mắn gặp được những người xa lạ tốt bụng giúp đỡ, chỉ tiếc không thể trực tiếp nói lời cảm ơn họ do không có liên lạc", cô nói.
Anh Hiếu cùng một số người bạn khởi hành từ Hà Nội đến TP Quý Dương, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) hôm 18/2 trong chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm. Chuyến đi này do một công ty đối tác ở Quý Châu mời đến khảo sát địa điểm mới nhằm tăng cường thu hút khách Việt Nam.
Người đàn ông này có 15 năm kinh nghiệm tổ chức tour du lịch khám phá tại Quảng Ninh cùng khu vực lân cận cho khách Việt và quốc tế. Trong thời gian này, anh nhiều lần cứu hộ khách bị đuối nước ngoài biển. Anh nói, từ những lần chinh phục đỉnh Fansipan (Lào Cai), đi phượt qua nhiều quốc gia đã giúp rèn luyện sức khỏe dẻo dai và tinh thần kiên cường.
Nguồn: VOA; Zing News; Vnexpress
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá