Người Việt hải ngoại: Vận động lập CLB thầy thuốc trẻ ở Nga; Người lưu giữ ký ức cộng đồng tại Úc; 68 người Thượng bị bắt ở Thái Lan

VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP CÂU LẠC BỘ THẦY THUỐC TRẺ TẠI NGA

Mới đây, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, Hội sinh viên Việt Nam tại Nga đã tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2025).

Tham dự sự kiện có các đại diện Đảng ủy Đại sứ quán Việt Nam, Ban cán sự đoàn - Hội sinh viên Việt Nam tại Nga, Ban vận động thành lập Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ Việt Nam tại Nga.

Đặc biệt, về phía Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam có sự tham dự của Ths. Ds. Trương Văn Đạt – Phó Tổng thư ký và bà Đinh Hồng Hạnh - Phó Chánh văn phòng.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Ngô Thị Thu Hoài - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, ghi nhận và biểu dương ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tại Nga; đồng thời chuyển lời chúc mừng nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam từ Đại sứ Đặng Minh Khôi tới toàn thể các y bác sĩ, nghiên cứu sinh, sinh viên khối ngành y dược tại Nga.

Bà Ngô Thị Thu Hoài cũng gửi lời cảm ơn đến Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam đã hỗ trợ và đồng hành trong quá trình thành lập Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ Việt Nam tại Nga.

Chia sẻ tại buổi lễ, bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa - Bí thư thứ nhất, phụ trách Bộ phận giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, cho rằng, việc thành lập Câu lạc bộ là một thành công lớn, thể hiện tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của các bạn sinh viên ngành y đang học tập tại nước ngoài; duy trì các hoạt động thiết thực, tiếp tục hỗ trợ cộng đồng, chăm lo sức khoẻ và giải tỏa áp lực cho sinh viên.

Ngoài ra, việc truyền thông về chất lượng đào tạo và những thành tựu y học Nga qua các kênh thông tin của Hội còn giúp các bạn trẻ Việt Nam có cái nhìn rõ hơn về nền giáo dục y khoa tại đây.

Về dự án thành lập Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ Việt Nam tại Nga, anh Trương Văn Đạt - Phó Tổng thư ký Trung ương Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, cho biết Hội là thành viên của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và được quản lý chuyên môn bởi Bộ Y tế.

Hội có những hoạt động chính như tổ chức diễn đàn nghiên cứu khoa học, hội thảo, hội nghị chuyên môn; tình nguyện tư vấn, khám chữa bệnh cho hàng triệu người dân tại Việt Nam và trao giải thưởng Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu của năm.

Anh Trương Văn Đạt - Phó Tổng thư ký Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam chia sẻ qua trực tuyến.

Ngoài ra, Hội sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ Việt Nam tại Nga và hy vọng trong tương lai Câu lạc bộ sẽ có các hoạt động kết nối giữa các bác sĩ, sinh viên y dược thông qua việc tổ chức những buổi chia sẻ kiến thức, nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn.

Lễ mít tinh là dịp để cùng nhau ôn lại truyền thống và tôn vinh ngành y – một trong những nghề cao quý nhất, là cơ hội để ghi nhận và tri ân những đóng góp thầm lặng của các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đây đồng thời là dịp để gợi nhớ về lịch sử phát triển đầy tự hào của ngành y tế Việt Nam và thắt chặt tình đoàn kết giữa các thầy thuốc trẻ Việt Nam tại Nga.

Trước đó, ngày 9/2, Phó Bí thư Ban cán sự Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Nga Lê Huỳnh Đức đã trao quyết định của Ban thư ký Hội sinh viên Việt Nam tại Nga về việc thành lập Ban vận động thành lập Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ Việt Nam tại Nga.

Trưởng Ban vận động là anh Nguyễn Đình Bảo - Ths. Bác sĩ chuyên ngành Phẫu thuật thẩm mỹ Phòng khám đa khoa Extra, nghiên cứu sinh Đại học Nghiên cứu y khoa Nga mang tên N.I.Pirogov, Ủy viên Ban Chấp hành Hội sinh viên Việt Nam tại Nga, đại diện khối ngành y dược, Trưởng nhóm Y tế cộng đồng,

Thư ký Ban vận động là chị Lê Thị Thuỳ Linh - bác sĩ nội trú chuyên ngành Ngoại Tim mạch Đại học Nghiên cứu y khoa quốc gia mang tên N.I.Pirogov, Ủy viên Ban cán sự đoàn tại Nga, Bí thư Chi đoàn - Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Nghiên cứu Y khoa quốc gia Nga mang tên N.I.Pirogov.

Sau một tuần phát động đăng ký thành viên, Ban vận động đã nhận được 93 đơn đăng ký đến từ 10 trường Đại học y danh tiếng tại 7 thành phố trên toàn Nga cùng nhiều thảo luận, đóng góp sôi nổi đến từ các thành viên.

 

 

NGƯỜI LƯU GIỮ KÝ ỨC CỘNG ĐỒNG TẠI ÚC

Một thính giả thủy chung, người đã cần mẫn lưu giữ hơn 2,000 cuốn băng cát-sét chương trình phát thanh SBS hơn 30 năm qua. Ngoài 75 tuổi, phật tử Tâm Hạnh vẫn miệt mài với việc phân loại, sàng lọc các tư liệu quý giá, những tài sản văn hoá tinh thần của cộng đồng người Việt ở Úc. Những cái tên như Quốc Việt, Ngọc Hân, Phượng Hoàng, Vũ Nhuận hay Hoàng Thọ... đã gắn bó với bà suốt những năm đầu đến Úc trong thân phận người tị nạn.

Những âm thanh mà quý vị vừa nghe là tiếng của các xướng ngôn viên kỳ cựu của SBS Việt ngữ, Quốc Việt và Ngọc Hân, hai giọng nói được yêu mến từ những ngày đầu.

Đây là các chương trình được thu âm cách đây 20 năm, nằm trong số hơn 2000 chiếc băng cát-xét được một thính giả của SBS thu lại, lưu trữ và thu thập trong suốt 30 năm qua.

Tràn ngập lòng ngưỡng mộ các xướng ngôn viên kỳ cựu của SBS

Năm nay đã 75 tuổi, bà Tâm Hạnh vẫn miệt mài với việc phân loại, sàng lọc kho tài liệu quý giá - tài sản văn hoá tinh thần của cộng đồng người Việt ở Úc.

SBS ghé thăm ngôi nhà cất giữ nhiều ký ức về hành trình tị nạn của người Việt bằng âm thanh của bà. Các cuốn băng cát-sét xếp ngổn ngang, đang được phân loại theo chủ đề. Trong đó, những cái tên như Quốc Việt, Ngọc Hân, Phượng Hoàng, Vũ Nhuận hay Hoàng Thọ đã gắn bó với bà suốt những năm đầu đến Úc trong thân phận người tị nạn.

"Lúc mới đến Úc, ngày nào tôi cũng ngồi bên chiếc máy may Singer, chờ nghe đài SBS Việt ngữ," bà bồi hồi. "Tôi đặt hơn 10 chiếc máy thâu khắp nhà để thu âm những chương trình yêu thích. Tôi rất bận rộn, đôi khi không nghe rõ nội dung nên thu lại để nghe khi có thời gian, và cứ thế, dần dà trở thành thói quen."

"Hoặc có những chương trình quan trọng mà tôi muốn nghe lại sau này, như lịch sử Việt Nam, trận chiến Việt Nam hay những tiến bộ khoa học. Vì vậy, tôi bắt đầu có ý tưởng thu âm lại để lưu giữ cho mai sau."

"Lúc đầu, tôi chỉ có một vài chiếc máy cát-sét. Nhưng sau này, khi thực sự đầu tư vào việc ghi âm, tôi có hơn 10 chiếc, đặt khắp nơi trong nhà và chỗ làm việc. Lý do là vì khi đài đang phát thanh, tôi không biết mình đang ở đâu hoặc bận rộn thế nào, nên phải có sẵn nhiều máy để có thể bấm nút ghi âm kịp thời."

"Việc này không chỉ giúp ích cho tôi mà còn có thể chia sẻ lại cho những ai không kịp nghe đài. Khi mới qua Úc, tiếng Anh của tôi còn hạn chế, tôi phải cố gắng học để có thể hiểu biết đầy đủ hơn. Bây giờ, tôi thấy việc lưu giữ những chương trình này rất có ý nghĩa, giúp thế hệ sau biết được những đóng góp của người Việt cho cộng đồng."

"Tôi ghi âm những chương trình của các phát thanh viên kỳ cựu như Quốc Việt, Ngọc Hân, Phượng Hoàng, Vũ Nhuận, Hoàng Thọ. Có rất nhiều tư liệu quý giá mà đến giờ tôi vẫn lưu giữ. Đài SBS ở Sydney cũng có nhiều nội dung hay, đặc biệt là Ngọc Hân với những đề tài đáng lưu giữ."

"Ngày nay, với Google và YouTube, mọi người có thể dễ dàng tìm nghe lại chương trình, nhưng ngày trước thì không có những phương tiện này. Vì vậy, tôi mong muốn ai đó có thể tiếp tục công việc lưu trữ này để đôi khi đài phát thanh có thể phát lại những chương trình cũ, giúp cộng đồng người Việt hiểu hơn về 20 năm trước SBS đã cống hiến gì cho khán giả", bà Tâm Hạnh nói với SBS.

'Thế hệ sau cần biết cha ông đã trải qua biến cố gì...'

Đến nay, bà vẫn nghe lại những băng ghi âm từ mấy chục năm trước, đặc biệt vào những dịp đặc biệt, lễ Tết, ngày Hiền mẫu, Ngày của Cha. "Tôi muốn 'ôn cố tri tân', ôn lại chuyện cũ đặng hiểu rõ tận tường nguyên nhân, gốc rễ của vấn đề, từ đó hiểu những gì xảy ra hiện nay, đồng thời nhớ lại những giá trị để kể cho con cháu mai sau," bà nói.

"Tôi thường xuyên nghe lại những chương trình cũ, đặc biệt vào những dịp quan trọng như Tết, ngày tưởng niệm lịch sử, hoặc những biến cố lớn liên quan đến người Việt tị nạn. Mới đây, tôi vừa nghe lại chương trình về những chuyến đi thăm đảo Galang và Bidong để hiểu rõ hơn về tình trạng của người vượt biên ngày trước."

"Ngoài ra, tôi cũng lưu giữ những chương trình về phong tục Việt Nam để truyền lại cho con cháu. Ví dụ, Quốc Việt từng nói về phong tục thờ cúng ông bà, lý do tại sao người Việt phải thờ cúng tổ tiên, hay ý nghĩa của ngày mùng một tháng Chạp. Những kiến thức này giúp thế hệ sau hiểu được truyền thống của dân tộc."

Hành trình của bà Tâm Hạnh như một cuốn sách ghi lại ký ức, trách nhiệm với cộng đồng và tâm huyết bảo tồn những giá trị văn hoá của người Việt tại Úc.

 

 

68 NGƯỜI THƯỢNG BỊ BẮT Ở THÁI LAN

Hàng chục người dân tộc Êđê đang xin tị nạn ở Thái Lan bị cảnh sát bắt giữ, bảy người trong số đó đã được thả, tuy nhiên, một số người có thể đối diện nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam.

Hôm 23/2, vợ của ông Y Quynh Bdap (người đang bị Thái Lan xem xét yêu cầu dẫn độ về Việt Nam) thuê một sảnh đường cộng đồng ở tỉnh Nonthaburi để tổ chức buổi lễ cầu nguyện cho mẹ ruột vừa qua đời ở Việt Nam.

Nhiều người trong cộng đồng người tị nạn đến chia buồn và cầu nguyện theo phong tục của người Êđê, sau đó, bị cảnh sát bố ráp, bắt giữ.

Theo Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS), một tổ chức phi lợi nhuận làm việc trong lĩnh vực tự do tôn giáo, cho hay có 68 người bị bắt giữ và chỉ có 43 người đã có thẻ tị nạn của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn ở Thái Lan (UNHCR).

Trong số người bị bắt, có 10 trẻ vị thành niên đã được chuyển sang trại tạm trú của Sở Xã Hội tỉnh Nonthaburi.

Một ngày sau đó, bảy người lớn được trả tự do vì họ đã từng bị bắt tạm giam và đã đóng tiền bảo lãnh tại ngoại.

Ông Y Misin Knul, một trong số người được thả cho hay, cảnh sát đến nơi cầu nguyện bắt giữ người và lục soát, sau đó họ bị đưa tới đồn cảnh sát địa phương. Ông nói với RFA hôm 24/2:

“Chỗ đó là qua đồn rồi, họ (cảnh sát-PV) làm việc rất nhanh, mặc dù có yêu cầu luật sư đến nhưng họ làm việc gấp để tránh luật sư.

Họ lấy dấu vân tay rồi viết tên ngày hôm đó luôn, đến tận 1-2 giờ sáng, họ tiến hành gấp để đi qua cảnh sát tò mò (cảnh sát di trú)"

Ônh Y Misin là người dân tộc Êđê ở buôn Ea Khít, xã Ea Bhôk (huyện Cư Kuin), Đắk Lắk. Ông cùng gia đình trốn chạy sang Thái Lan hồi tháng 12/2018 để tránh đàn áp tôn giáo.

Ông cho biết bản thân là tín đồ Hội thánh Tin lành tư gia độc lập, thường bị công an địa phương mời làm việc và bị yêu cầu gia nhập Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) - một tổ chức được Nhà nước công nhận.

Nguy cơ bị dẫn độ

Ông Y Phic Hdok, một trong những thành viên sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ) cho biết, có tổng cộng 27 thành viên và người thân của tổ chức này bị Thái Lan bắt giữ.

Tháng 3 năm ngoái, Bộ Công an đưa MSFJ vào danh sách khủng bố vì cáo buộc liên quan đến vụ nổ súng ở Cư Kuin khiến ít nhất 9 người chết, điều mà tổ chức này luôn bác bỏ.

Những người này có thể đối diện với nguy cơ bị trục xuất. Ông Y Phic khẳng định với RFA trong tuyên bố hôm 25/2:

“Sau vụ việc chính phủ Việt Nam yêu cầu Thái Lan bắt giữ và dẫn độ Y Quynh Bdap, tình hình của người Thượng tị nạn tại Thái Lan ngày càng trở nên rủi ro.

Dù chưa có bằng chứng rõ ràng về sự can thiệp của Việt Nam trong vụ việc lần này, nhưng điều đó cũng cho thấy mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng.

Chính quyền Việt Nam có thể sử dụng mọi biện pháp ngoại giao để ép buộc người Thượng bị trục xuất về nước, nơi họ phải đối mặt với nguy cơ giam cầm, tra tấn và đàn áp."

Ông Y Quynh Bdap, thành viên sáng lập MSFJ, hiện đang ở nhà tù Reamand của Bangkok để xem xét yêu cầu dẫn độ của Việt Nam.

Toà án Hình sự Bangkok cuối tháng 9/2024 đưa ra phán quyết cho phép trục xuất ông và cho chính phủ nước này 90 ngày để thực thi.

Ngày 14/2 vừa qua, luật sư đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm yêu cầu hủy bỏ phán quyết của tòa án cấp dưới về việc dẫn độ Y Quynh Bdap về Việt Nam.

Hôm 25/2, bà Nadthasiri Bergman, người đại diện pháp lý cho Y Quynh, bày tỏ hy vọng tòa án sẽ xem xét quyết định và chấp nhận đơn kháng cáo.

Ông Nguyễn Đình Thắng, giám đốc của Ủy ban Cứu người Vượt Biển, (tổ chức vừa bị Bộ Công an quy vào danh sách khủng bố), cho biết một số cá nhân là thành viên của MSFJ có nguy cơ bị dẫn độ cao hơn những người khác, tổ chức của ông đang theo dõi rất sát cùng với Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Thái Lan.

Ông cho rằng phía chính quyền Việt Nam chưa đưa danh sách dẫn độ vì “có lẽ họ phải suy tính kỹ vì trường hợp của Y Quynh Bdap được quốc tế quan tâm ngày càng nhiều, nếu Việt Nam yêu cầu Thái Lan dẫn độ một lần nữa sẽ rất khó khăn.”

 

Nguồn: VTV4; SBS; RFA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang