Người Nga chán ô tô TQ; Mì ăn liền xâm lược toàn cầu; Từ bỏ 'giấc mơ Mỹ'; Nga chặn loạt UAV; Mong manh thỏa thuận liên Triều

Doanh số bán hàng 'tụt dốc', người tiêu dùng Nga đã chán ô tô Trung Quốc?

“Cơn sốt” ô tô Trung Quốc dường như đã đạt đỉnh, do hoạt động trong nước của Nga dần phục hồi, trong bối cảnh chi phí nhập khẩu tăng và lãi suất bắt đầu giảm.

Doanh số bán ô tô Trung Quốc ở Nga bùng nổ, sau khi một loạt các nhà sản xuất ô tô của phương Tây quyết định rời khỏi nước này từ đầu năm 2022.

Tuy nhiên, “cơn sốt” này dường như đã đạt đỉnh, do hoạt động trong nước của Nga dần phục hồi, trong bối cảnh chi phí nhập khẩu tăng và lãi suất bắt đầu giảm.

Trước tháng 2/2022, thời điểm bắt đầu xung đột Nga-Ukraine, doanh số bán ô tô Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 10% tổng doanh số trên thị trường Nga. Nhưng đến tháng 8/2023, số liệu thống kê chính thức của tổ chức thống kê ngành ô tô Autostat và công ty tư vấn PPK cho thấy thị phần bán hàng của các thương hiệu ô tô Trung Quốc tại Nga tăng lên mức 56%.

Nhưng kể từ đó, tỷ lệ này đã chững lại. Trong tháng 9/2023, có khoảng 60.000 ô tô mang thương hiệu Trung Quốc được bán cho khách hàng Nga, tương ứng với 53% thị phần. Đáng chú ý doanh số bán xe này bao gồm cả xe nhập khẩu và xe sản xuất tại Nga.

Giám đốc điều hành Autostat, Sergei Udalov, nhận định các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với thị trường Nga trong hơn một năm qua.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, từ tháng 1-10/2023, Nga đã nhảy từ vị trí thứ 11 để trở thành thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất của Trung Quốc, đạt giá trị 9,4 tỷ USD. Con số này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, khi xuất khẩu ô tô từ Trung Quốc sang Nga chỉ đạt 1,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhu cầu hiện nay phần lớn đã được đáp ứng. Ông Udalov nói: “Thị trường đã đạt đến trạng thái cân bằng - các thương hiệu chính của Trung Quốc đã đến Nga và nhu cầu (bị dồn nén) đã được đáp ứng”.

Nhà kinh tế học Natalia Zubarevich, Giáo sư tại Đại học Quốc gia Moscow, cho biết: “Sự tăng trưởng của nhu cầu bị dồn nén bắt đầu vào cuối mùa Xuân 2023 và kéo dài đến tháng 8/2023, đã bắt đầu cạn kiệt vào tháng 9/2023”.

Giáo sư Zubarevich lý giải lạm phát gia tăng liên tục trong những tháng qua, kèm với lãi suất cao, đẩy chi phí vay mua xe của người tiêu dùng trở nên đắt đỏ hơn. Hiện lãi suất đã bắt đầu giảm, nhưng đồng Ruble trượt giá liên tục trong năm nay đã khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm sức mua ô tô Trung Quốc.

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, lệnh cấm nhập khẩu một số ô tô của Nhật Bản, áp dụng từ tháng 11/2023, kết hợp với việc đồng Ruble suy yếu, làm tăng giá ô tô nhập khẩu.

Liên tục trong các năm qua, những biến động địa chính trị và các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt với Nga đã làm suy giảm nền kinh tế lớn nhất khu vực bắc lục địa Á-Âu, gây giảm sản lượng và doanh số bán ô tô. Năm 2022, chỉ hơn 626.000 xe mới được bán ở Nga và gần 830.000 chiếc khác đã được bán trong thời gian từ tháng 1-10 năm nay.

Các nhà phân tích cho biết, quá trình phục hồi khiêm tốn đang diễn ra từ mức thấp nhất của năm 2022, nhưng việc mất đi công nghệ và kiến thức chuyên môn của phương Tây đang gây tổn hại cho ngành công nghiệp ô tô của Nga, ngay cả khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã thay thế các đối tác phương Tây tăng cường hoạt động tại nước này.

Dữ liệu của Cơ quan Thống kê Nga Rosstat cho thấy, trong 3 quý đầu năm 2023, nước này chỉ sản xuất thêm vài nghìn ô tô so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng số liệu hiện có xu hướng tăng lên.

Ông Udalov tiết lộ, nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nga là Avtovaz, “cha đẻ” của những chiếc xe mang thương hiệu Lada phổ biến nhất, đã quay lại sản xuất để đáp ứng nhu cầu về ô tô giá rẻ. Trong khi các thương hiệu Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống mà các nhà sản xuất phương Tây để lại đối với những chiếc xe đắt tiền hơn.

Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo của Autostat, triển vọng thị trường vẫn rất mong mang. Cả doanh số và sản lượng bán hàng đều sụt giảm. Tuần trước, Avtovaz đã hạ dự báo sản lượng bán xe Lada trong năm 2023 xuống thấp hơn 10% so với dự báo trước đó, còn 400.000 chiếc.

Giáo sư Zubarevich nhấn mạnh: “Thị trường đang ở trạng thái rất bất ổn và không ổn định”.

Sự xâm lược toàn cầu của mì ăn liền

Người tiêu dùng trên khắp thế giới – kể cả ở những quốc gia không có truyền thống ăn mì – đều đang tìm đến mì ăn liền với số lượng tăng dần, một phần do khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Khi ông Momofuku Ando phát minh ra mì ăn liền trong nhà kho của mình ở tỉnh Osaka 65 năm trước, ông không hề biết rằng món ăn đơn giản, tiện lợi, giàu tinh bột này sẽ trở thành thực phẩm chủ chốt toàn cầu.

Ông Ando, qua đời năm 2007 ở tuổi 96, đã chứng kiến công ty do ông sáng lập, Nissin Foods, đột phá thành công vào thị trường quốc tế qua các phiên bản kết hợp khẩu vị địa phương, và có khả năng phục vụ những người có nhu cầu ăn kiêng.

Phát minh của ông Ando lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường vào tháng 8 năm 1958 với tên gọi Ramen Gà, và được bán trong gói giấy bóng kính. Sợi mì được nấu chín, sau đó được nhúng trong nước dùng gà, nêm gia vị và rồi được chiên giòn trong dầu cọ để sợi mì mất nước. Mặc dù ban đầu mì ăn liền có giá cao hơn mì tươi, chúng có thể được nấu chỉ trong ba phút và ăn luôn tại nhà. Sau một năm thành công với người tiêu dùng ở khu vực Osaka, Ramen Gà đã dấn thân vào thị trường mì trên toàn quốc.

Nhiều thập kỷ sau, chúng trở thành một “món ăn toàn cầu” đích thực, theo ông Ichiro Yamato, một chuyên gia mì tại cửa hàng của ông ở Osaka.

“Nếu bạn nhìn vào lịch sử thời hậu chiến, rõ ràng là khi lực lượng lao động mở rộng, mức tiêu thụ mì ăn liền cũng tăng lên”, ông Yamato giải thích. “Điều đó đã xảy ra ở Nhật Bản trong thời kỳ kinh tế bùng nổ sau chiến tranh, khi mọi gia đình bắt đầu ăn mì ăn liền”.

Với nhu cầu ăn mì ramen thông thường phát triển khắp thế giới – được thấy qua sự lan rộng của các chuỗi nhà hàng Nhật Bản nổi tiếng trên đường phố New York và London, cũng như hàng dài du khách bên ngoài các cửa hàng ở Tokyo – mì đóng gói sẵn hiện đang dẫn đầu cuộc bùng nổ mì ramen thứ hai.

Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới có trụ sở tại Osaka, vào năm 2022, người tiêu dùng ở hơn 50 quốc gia đã tiêu thụ 121,2 tỷ khẩu phần mì ăn liền, một con số cao kỷ lục.

Các quốc gia có lịch sử ăn mì lâu đời thường có mức tiêu thụ cao, dẫn đầu là Trung Quốc, Hồng Kông và Indonesia. Việt Nam và Nhật Bản xếp thứ tư và thứ năm, tuy nhiên vị trí thứ ba lại thuộc về Ấn Độ, một dấu hiệu cho thấy món ăn này ngày càng phổ biến ở các quốc gia không có truyền thống nấu mì.

Tại Mexico, nhu cầu tăng vọt 17,2% vào năm 2021 – thời điểm nhiều người chuyển sang dùng mì ăn liền trong giai đoạn cách ly xã hội Covid-19 – nhưng vẫn tiếp tục tăng 11% vào năm ngoái. Mỹ cũng đang đón nhận mì ăn liền, một phần để giảm bớt áp lực tài chính của các hộ gia đình do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

“Người tiêu dùng cấp trung lưu trước đây không ăn mì ăn liền. Giờ họ đang kết hợp chúng vào cuộc sống hàng ngày của họ”, công ty Nissin Foods cho biết.

Nhờ đó, Nissin và đối thủ Toyo Suisan, mới đây đã công bố xây dựng cơ sở sản xuất tại Mỹ và Mexico vào năm 2025 để đáp ứng nhu cầu tăng vọt. “Số lượng người tiêu dùng thường xuyên ăn mì ăn liền ngày càng nhiều, và chúng tôi sẽ tạo thêm sự đa dạng về hương vị”, Toyo Suisan cho biết trong một tuyên bố với tờ báo kinh doanh Nikkei.

Trong tháng này, Nissin sẽ chi 228 triệu USD để mở rộng sức ảnh hưởng tại Mỹ, bao gồm một nhà máy mới ở bang Nam Carolina, bổ sung thêm vào các nhà máy hiện có ở California và Pennsylvania.

“Nissin Foods đã chứng kiến doanh số tăng trưởng bền vững qua từng năm, đặc biệt là trong 5 năm qua, nhờ nhu cầu chưa từng có đối với các sản phẩm của chúng tôi”, ông Michael Price, chủ tịch Nissin Foods tại Mỹ, nói.

Trong khi rất ít thực phẩm ở Nhật Bản thoát khỏi tình trạng tăng giá trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt – riêng giá mì ăn liền đã tăng 20% trong hai năm qua - thì mì dạng cốc và gói vẫn được coi là thực phẩm rẻ, cho dù có thể không nhiều dinh dưỡng.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Ăn liền Nhật Bản, người Nhật ăn khoảng 6 tỷ khẩu phần mì ăn liền vào năm 2022, nối tiếp xu hướng bắt nguồn từ sự xuất hiện của Cup Noodle – loại mì ngắn đựng trong cốc xốp – vào năm 1971. Ông Yamato cho biết khoảng 1.000 phiên bản mới xuất hiện ở Nhật Bản mỗi năm, nhưng chỉ một số ít tồn tại được trong thị trường đông đúc và cạnh tranh này.

Vào một buổi chiều gần đây, các nhóm khách du lịch đã tìm hiểu về sự phát triển của mì ramen ăn liền tại Bảo tàng Mì cốc ở thành phố Ikeda, ngoại ô Osaka, nơi khai sinh ra món ăn này. Trong khi 900.000 du khách hàng năm đến thăm bảo tàng có thể tạo ra phiên bản món Cup Noodle của riêng họ, hơn 50 tỷ cốc mì Nissin đã được bán trên toàn thế giới kể từ khi ra mắt vào đầu những năm 1970.

Sinh ra ở Đài Loan vào năm 1910, ông Ando đã thành lập tiền thân của Nissin vào năm 1948. Nếu ông nghe lời các đồng nghiệp của mình, thì món mì phổ biến có lẽ đã không bao giờ xuất hiện trong các siêu thị; các nhà nghiên cứu coi công thức của ông là “quá tham vọng”, nhưng ông Ando không sợ sự ngăn cản.

Ông Yamato cho rằng nhu cầu toàn cầu đối với thứ vốn là món ăn qua bữa dành cho sinh viên là do sự tập trung của các nhà sản xuất vào khẩu vị ẩm thực địa phương. Mì ăn liền thay đổi theo từng quốc gia, tuân theo luật lệ tôn giáo như phiên bản không có thịt lợn tại Indonesia và các nước khác có phần lớn dân số theo đạo Hồi, cho đến bổ sung thêm các hương vị quen thuộc như nước mắm ở Thái Lan, bột cà ri ở Ấn Độ và nấm mỡ ở Pháp.

Trong khi các nhà sản xuất tiếp tục mở rộng ra nước ngoài, Nhật Bản sẽ vẫn là một nơi sinh lời, ông Yamato, người ăn mì ăn liền mỗi ngày một lần, cho biết.

“Có vẻ như các bao bì đang trở lại phong cách cổ điển để mọi người cảm thấy hoài cổ”, ông nhận xét, đồng thời lưu ý rằng các thiết kế có ký tự tiếng Nhật đạt được thành công hơn hẳn. “Trên toàn thế giới, mì ăn liền chỉ có thể phát triển lớn mạnh hơn, dẫn đầu là Ấn Độ và các nước ở Châu Phi, Châu Á với dân số trẻ ngày càng tăng”.

Nhiều người nhập cư từ bỏ 'giấc mơ Mỹ 'để đến với 'giấc mơ Mexico'

Banegas, một người Honduras nhập cư vào Mexico cho biết thu nhập 1 tháng của anh vào khoảng 800 USD. Tuy ít hơn mức anh nghĩ mình sẽ kiếm được ở Mỹ nhưng đủ để gửi tối thiểu 50 USD/tháng về nhà cho gia đình. Quan trọng hơn, anh hòa đồng được với các đồng nghiệp người Mexico.

Walter Banegas - một người tị nạn Honduras làm việc tại một nhà máy ở thành phố Saltillo phía Bắc Mexico - lấy miếng kim loại nóng hổi ra từ máy đúc khuôn, tâm sự rằng anh vượt biên sang Mỹ lần đầu tiên khi còn là thiếu niên, để tránh phải gia nhập băng đảng ma túy địa phương. Tuy nhiên, Mỹ trục xuất anh vào năm 2014. Banegas lại trốn vào Mỹ để xin tị nạn năm 2020 nhưng một lần nữa bị trục xuất.

Do đó, đến năm 2021, Banegas không chọn Mỹ mà là Mexico khi anh buộc phải trốn khỏi các băng đảng ở Honduras. Banegas được Mexico cấp quy chế tị nạn vào tháng 1 với hỗ trợ từ chương trình tị nạn của Liên hợp quốc. Anh chuyển đến Saltillo và được nhận làm việc tại nhà máy ở Mexico của công ty kim loại Mỹ Pace Industries.

Từ lâu được coi là quốc gia di cư và quá cảnh, Mexico trong 5 năm gần đây lại trở thành điểm đến của nhiều người tị nạn. Họ lựa chọn Mexico bởi bởi hệ thống tị nạn ít hạn chế hơn so với Mỹ và cơ hội việc làm phong phú do nước này đang thiếu nhiều lao động.

Banegas cho biết thu nhập 1 tháng của anh vào khoảng 800 USD. Tuy ít hơn mức anh nghĩ mình sẽ kiếm được ở Mỹ nhưng đủ để gửi tối thiểu 50 USD/tháng về nhà cho gia đình. Banegas nói anh hòa đồng được với các đồng nghiệp người Mexico. Bên cạnh đó, anh tự hào khi cậu con trai sáu tháng tuổi David đã trở thành công dân Mexico. Banegas bộc bạch: “Tôi cảm thấy bình yên ở đây. Không nhất thiết phải đến Mỹ. Bạn cũng có thể phát triển ở Mexico”.

Cách đây một thập niên, có hàng trăm người tị nạn ở Mexico mỗi năm. Theo cơ quan tị nạn của Mexico, đến năm 2021, con số này đã tăng lên 27.000 người. Mexico đang phê duyệt ít nhất 20.000 trường hợp tị nạn trong năm nay, với hầu hết trường hợp đến từ Honduras, Haiti, Venezuela, El Salvador và Cuba.

Đại đa số người di cư vào Mexico tiếp tục di chuyển hướng Bắc tới Mỹ, đặt ra thách thức cho chính quyền Tổng thống Joe Biden. Mỹ đã nhận hơn 700.000 đơn xin tị nạn cá nhân vào năm 2022. Các quan chức Mỹ, Mexico và Liên hợp quốc đã kêu gọi hợp tác khu vực để giúp người di cư tái định cư ở những nơi như Mexico, Costa Rica và Colombia, giúp giảm tình trạng di cư bất hợp pháp sang Mỹ.

Chương trình của Liên hợp quốc giúp người tị nạn đến các thành phố ở miền Trung và miền Bắc Mexico, trợ cấp tiền mặt và hỗ trợ sắp xếp việc làm cũng như tiếp cận nhà trẻ, trường học và chăm sóc sức khỏe. Chương trình đã giúp tạo việc làm cho 5.500 người tị nạn vào năm 2022 và gần 3.000 người trong năm nay.

Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ở Mexico - ông Giovanni Lepri đánh giá nước này đang trở thành "lựa chọn rất chắc chắn" cho người tị nạn, một phần vì nhu cầu lao động cao.

Theo hiệp hội doanh nghiệp Coparmex, Mexico có hơn một triệu cơ hội việc làm trên toàn quốc và các nhà tuyển dụng trong ngành du lịch, nông nghiệp, vận tải, sản xuất thường gặp khó khăn trong tìm kiếm lao động. Theo khảo sát của Coparmex với hơn 2.500 doanh nghiệp được công bố vào tháng 7, 85% doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất thừa nhận gặp khó khăn trong tìm kiếm lao động.

Theo hiệp hội sản xuất Mexico INDEX, các công ty chuyển đến Mexico để gần khách hàng Mỹ hơn theo xu hướng “nearshoring”, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động. “Nearshoring” gia tăng trong thời gian đại dịch COVID-19 bởi chi phí vận chuyển sản phẩm qua Thái Bình Dương tốn kém hơn trong khi nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi thời gian vận chuyển nhanh chóng. Cây bút Peter S. Goodman của tờ The New York Times vào đầu năm nay nhận định rằng các công ty như Walmart đang đẩy mạnh hướng đến những quốc gia lân cận Mỹ để đáp ứng nhu cầu của họ trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Arturo Rocha tại Bộ Ngoại giao Mexico, cho biết chính phủ nước này đang tập trung vào mở rộng các chương trình thị thực việc làm và liên kết đơn vị sử dụng lao động với người di cư đang tìm việc. Mexico còn hợp tác với chính phủ Guatemala để đưa 20.000 công nhân đến Mexico hàng năm, và nước này kỳ vọng có thể mở rộng chương trình sang Honduras và El Salvador.

Khi Fernando Hernandez (24 tuổi), trốn khỏi Honduras đến miền Nam Mexico vào năm ngoái cùng với vợ và con gái nhỏ, kế hoạch của anh là đi qua đất nước này càng nhanh càng tốt để đến Mỹ. Sau đó, Hernandez nhìn thấy các bài đăng trên mạng xã hội về trẻ em chết đuối trên sông ở biên giới Mỹ-Mexico. Anh lo lắng cho con gái nhỏ của mình. Rồi anh lại nghĩ về mẹ, người đã di cư đến Mỹ vào năm 2017, sống trong một bãi đậu xe ở Texas, phải chi phần lớn tiền lương của mình để trả tiền thuê nhà.

Hernandez quyết định xin tị nạn ở Mexico. Sau khi được phê duyệt vào tháng 2, Liên hợp quốc đã giúp gia đình Hernandez chuyển đến thành phố công nghiệp phía Bắc Monterrey. Tại đây, Hernandez làm việc tại một cửa hàng tiện lợi. Anh nhanh chóng nhận thấy cơ hội việc làm ở khắp nơi. Hernandez vào làm tại một nhà máy, sau đó trở thành đầu bếp, kiếm được khoảng 225 USD một tuần. “Ở đây chúng tôi có mọi thứ: nhà ở, thức ăn và gia đình. Tôi không thể yêu cầu nhiều hơn”, anh chia sẻ.

Nga chặn loạt UAV hướng đến Moskva

Bộ Quốc phòng Nga thông báo phá hủy 20 UAV xâm nhập không phận, trong đó có nhiều chiếc nhắm vào thủ đô Moskva.

"Chính quyền Ukraine âm mưu dùng máy bay không người lái (UAV) tấn công khủng bố nhiều mục tiêu tại Nga, song kế hoạch này đã bị ngăn chặn. Lực lượng phòng không đã phá hủy 11 UAV trên vùng trời các tỉnh Moskva, Tula, Kaluga và Bryansk", Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm nay.

Nhiều vụ xâm nhập không phận Nga tiếp tục được ghi nhận thêm trong ngày. Tính đến 8h ngày 26/11 (12h giờ Hà Nội), tổng số UAV bị phòng không Nga bắn hạ là 20 chiếc.

Thị trưởng Moskva Sergey Sobyanin nhận định đợt tập kích bằng UAV lần này có quy mô lớn. Một số phi cơ nhắm vào thủ đô đã bị bắn hạ khi di chuyển qua các khu vực Naro Fominsk, Odintsovsky ở ngoại ô và vùng đô thị Podolsk. Những vụ nổ không gây thương vong hay thiệt hại vật chất.

Trong khi đó, tỉnh trưởng Bryansk Alexander Bogomaz cho biết ít nhất hai UAV bị bắn hạ trên vùng trời tỉnh này.

Giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin.

Nga cáo buộc Ukraine gần đây nhiều lần dùng UAV tập kích các thành phố và đô thị. Điện Kremlin cho rằng chiến dịch phản công thất bại khiến Ukraine "tuyệt vọng và thực hiện các vụ tấn công khủng bố" nhằm vào dân thường và công trình xã hội trên lãnh thổ Nga.

Sự việc xảy ra một ngày sau khi Nga không kích Ukraine với số lượng UAV lớn kỷ lục là 75 chiếc, với hướng tấn công chủ lực là Kiev. Phòng không Ukraine tuyên bố đánh chặn thành công 74 chiếc, nhưng vẫn ghi nhận thiệt hại tài sản và thương vong dân thường do mảnh vỡ.

Bộ Năng lượng Ukraine nói rằng cuộc tập kích khiến 120 cơ sở hạ tầng và 77 tòa nhà dân sự ở trung tâm thủ đô Kiev bị mất điện.

Đáp trả nhau cứng rắn, thỏa thuận quân sự liên Triều ở thế mong manh

Tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang bị đẩy lên cao trong bối cảnh Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) được Hàn Quốc và Triều Tiên ký kết năm 2018 nhằm giảm căng thẳng dọc biên giới liên Triều đang ở thế “mong manh”.

Những nỗ lực hòa giải liên Triều tiếp tục gặp nhiều trở ngại sau khi hai bên liên tiếp có động thái cứng rắn đáp trả nhau.

Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố sẽ không bao giờ bị ràng buộc bởi Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) liên Triều ký năm 2018, đồng thời cho biết sẽ khôi phục ngay lập tức các biện pháp quân sự, triển khai lực lượng và vũ khí mới uy lực hơn dọc Đường phân giới quân sự giữa hai miền Bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên còn lên tiếng cáo buộc chính "sự khiêu khích" của Hàn Quốc đã đẩy tình hình đến giai đoạn "không thể kiểm soát", đồng thời cảnh báo Hàn Quốc sẽ phải trả giá đắt cho quyết định của mình. Những phản ứng nêu trên của Triều Tiên được đưa ra không lâu sau khi Hàn Quốc đình chỉ một phần Thỏa thuận quân sự toàn diện để phản đối việc Triều Tiên phóng vệ tinh do thám Malligyong-1.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-Sik cho biết: "Việc đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự ký ngày 19/9/2018 là một biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân chúng ta. Đây là biện pháp tương ứng chống lại những hành động khiêu khích của Triều Tiên và là một hành động phòng thủ tối thiểu”.

Giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhận định quyết định đình chỉ một phần Thỏa thuận quân sự toàn diện của Hàn Quốc là phản ứng thận trọng và kiềm chế. Việc Triều Tiên không tuân thủ thỏa thuận được cho là đã gây ra thách thức đối với an ninh của Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh Mỹ ủng hộ các nỗ lực giảm căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên thông qua sự phối hợp quân sự, minh bạch và các biện pháp giảm rủi ro.

Giới chuyên gia lo ngại việc bãi bỏ Thỏa thuận quân sự toàn diện có thể làm tăng nguy cơ đối đầu dọc theo biên giới. Bruce Klingner, cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hiện đang làm việc cho Heritage Foundation tại Mỹ, nhận định, về mặt lý thuyết, Thỏa thuận quân sự toàn diện là một thỏa thuận tốt vì các biện pháp giảm thiểu rủi ro cũng như xây dựng lòng tin và an ninh đều có lợi cho cả hai bên. Song thỏa thuận này gần đây cũng bộc lộ nhiều bất cập, do thiếu các biện pháp tiếp nối, gây cản trở hoạt động giám sát, huấn luyện quân sự của Hàn Quốc và đồng minh, trong khi không giảm bớt mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên.

Thêm nữa, việc Triều Tiên gần đây phóng vệ tinh do thám đầu tiên vào quỹ đạo, khiến cộng đồng quốc tế không khỏi chỉ trích vì hành động này được cho vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ áp dụng cho các chương trình tên lửa đạn đạo. Hàn Quốc cho biết vệ tinh của Triều Tiên được cho là đã đi vào quỹ đạo nhưng sẽ cần thêm thời gian để đánh giá liệu nó có hoạt động bình thường hay không. Các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngay lập tức tổ chức các cuộc điện đàm phản đối việc Triều Tiên phóng vệ tinh mà 3 nước cho là vệ tinh quân sự.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: "Trung Quốc đặc biệt chú ý đến thông báo phóng vệ tinh của phía Triều Tiên cũng như phản ứng của các bên liên quan. Duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy tiến trình giải quyết chính trị vấn đề Bán đảo Triều Tiên là vì lợi ích chung của mọi quốc gia trong khu vực. Chúng tôi mong muốn các bên liên quan giữ bình tĩnh, kiềm chế, tuân thủ đường lối giải quyết chính trị chung, đi theo cách tiếp cận và nguyên tắc phát triển theo từng giai đoạn và đồng bộ, tham gia đối thoại có ý nghĩa và cân bằng để đáp ứng những mối quan tâm hợp lý của mỗi bên. Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị cho căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên”.

Song lý giải cho hành động của mình, Triều Tiên khẳng định, vụ phóng vệ tinh là quyền hợp pháp của nước này nhằm tăng cường năng lực tự vệ và thành công này sẽ góp phần đáng kể vào quá trình nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Triều Tiên phù hợp với môi trường an ninh được tạo ra ở bên trong và xung quanh đất nước.

Nguồn: Báo Quốc Tế; CafeF; Soha; Vnexpress; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang