Mỹ: Nới thị trường lao động; Vẫn dùng dầu Nga; Thỏa thuận fentanyl; Không thể hạn chế công nghệ TQ; Tái trừng phạt Venezuela

Thị trường lao động Mỹ tiếp tục được nới lỏng

(Ảnh minh họa).

Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 16/11, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần trước tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng, dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang dần hạ nhiệt.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần tính đến ngày 11/11 đã tăng 13.000 đơn, lên mức 231.000 đơn, mức cao nhất kể từ tháng 8/2023. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu chưa được điều chỉnh cũng tăng 1.713 đơn, lên mức 215.874 đơn.

Trong khi đó, số lượng đơn xin tiếp tục nhận trợ cấp sau 1 tuần thất nghiệp đầu tiên, chỉ số đại diện cho tình hình tuyển dụng, đã tăng 32.000 đơn, lên mức 1,865 triệu đơn trong tuần tính đến ngày 4/11, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021.

Các số liệu trên tiếp tục củng cố kỳ vọng của các nhà kinh tế về việc thị trường lao động Mỹ đang dần hạ nhiệt và chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang (Fed) sắp kết thúc. Các báo cáo của chính phủ gần đây cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ đã chậm lại trong tháng 10 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,9%, mức cao nhất gần hai năm qua. Tuy nhiên, các điều kiện của thị trường lao động vẫn khá chặt chẽ, với việc mỗi người thất nghiệp trong tháng 9 có 1,5 cơ hội việc làm.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, hàng loạt dữ liệu tích cực về tình hình lạm phát gần đây đã khiến thị trường tài chính dự báo sẽ có đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 5/2024.

Báo Mỹ: Lầu Năm Góc vẫn dùng dầu Nga

Bằng cách đi đường vòng, dầu mỏ của Nga được "rửa nguồn" rồi chuyển cho Lầu Năm Góc sử dụng, theo điều tra của báo Washington Post. Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ nói không biết về việc này.

Trước khi xung đột Ukraine bùng nổ, nhà máy lọc dầu Motor Oil Hellas của Hy Lạp nằm trên Biển Aegea - một nhà cung cấp then chốt cho quân đội Mỹ trong nhiều năm qua - vẫn thường nhận dầu từ Nga. Sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhà máy tuyên bố ngừng cách làm này.

Nhưng theo cuộc điều tra của Washington Post dựa trên dữ liệu giám sát hải trình tàu, dầu của Nga vẫn đến Motor Oil Hella sau khi đi đường vòng hơn hàng trăm dặm tới cơ sở lưu trữ dầu Dortyol ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyến đường này được cho là đã giúp che giấu xuất xứ của các sản phẩm dầu mỏ từ Nga vì chúng "đã đổi chủ nhiều lần rồi mới đến Hy Lạp".

Lượng dầu mazut được vận chuyển từ Dortyol đến Motor Oil Hellas, cùng với cách làm thường thấy trong ngành là pha trộn các sản phẩm có nguồn gốc khác nhau, sẽ bảo đảm rằng trong thành phẩm có lượng lớn nhiên liệu từ Nga, theo các chuyên gia trong ngành trả lời Washington Post.

"Tôi thấy không thể đi đến kết luận nào khác hơn là nhiên liệu của Nga đã đến tay Motor Oil Hellas", ông Robert Auers, nhà phân tích thị trường nhiên liệu tinh chế tại công ty nghiên cứu RBN Energy, xác nhận phát hiện của Washington Post.

Trong 2 năm qua, Dortyol đã nhận 5,4 triệu thùng dầu qua đường biển, trong đó 3,5 triệu thùng tới từ Nga, theo hồ sơ và dữ liệu từ hãng dữ liệu tài chính Refinitiv.

Kể từ khi lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực vào tháng 2, số dầu Nga tới Dortyol tổng cộng là 2,7 triệu thùng, chiếm hơn 69% nhiên liệu được chuyển tới đây qua đường biển.

Cũng kể từ tháng 2, Dortyol đã chuyển đi 7 triệu thùng dầu mazut, trong đó 4,2 triệu thùng đi đến Motor Oil Hellas, chiếm ít nhất 56% lượng dầu mazut mà nhà máy lọc dầu tại Hy Lạp này nhận qua đường biển, theo Washington Post.

Số nhiên liệu không còn được ghi nhận là có xuất xứ Nga khi đến Hy Lạp, nơi chúng được tinh chế và trộn lẫn vào thành phẩm cung cấp cho quân đội Mỹ.

"Không thể xác định chính xác lượng dầu mazut có nguồn gốc từ Nga trong các sản phẩm mà Lầu Năm Góc đã mua. Những sản phẩm đó được tinh chế bằng nhiều thành phần mà không phải tất cả đều có thể được theo dõi trong quá trình sản xuất", Washington Post viết.

Kể từ khi lệnh cấm vận của Mỹ đối với dầu của Nga có hiệu lực vào đầu tháng 3/2022, Lầu Năm Góc đã ký mới các hợp đồng trị giá gần 1 tỷ USD với Motor Oil Hellas, báo Mỹ đưa tin, dựa trên dữ liệu hợp đồng liên bang.

Trả lời Washington Post, Joe Yoswa - phát ngôn viên của Cơ quan Hậu cần Quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc, cơ quan phụ trách mua nhiên liệu cho quân đội Mỹ - nói rằng cơ quan này "không biết" về việc nhiên liệu Nga được chuyển đến nhà cung cấp Hy Lạp.

Cơ quan này cho biết các nhà thầu của họ, bao gồm Motor Oil Hellas, "có trách nhiệm đảm bảo thực thi các luật và quy định hiện hành liên quan đến kinh doanh với Nga và các công ty Nga".

Lầu Năm Góc chỉ có khả năng rà soát các nhà cung cấp ở mức hạn chế, ông Yoswa nói. Việc truy gốc từng lô sản phẩm tinh chế từ Motor Oil Hellas sẽ là "rất khó hoặc không khả thi".

Motor Oil Hellas khẳng định không mua, xử lý hoặc kinh doanh dầu hoặc sản phẩm của Nga và tất cả hàng hóa họ tiếp nhận đều được chứng nhận có nguồn gốc không bị trừng phạt.

Giới chức tại Global Terminal Services, vốn sở hữu Dortyol, cho biết họ chỉ là "trung gian" lưu trữ sản phẩm và không sở hữu những gì họ lưu trữ. Họ khẳng định không nhận lô hàng từ các tàu mang cờ Nga và tuân thủ các quy định liên quan, bao gồm lệnh trừng phạt.

Theo quy định của cơ chế trừng phạt, các cơ sở của Thổ Nhĩ Kỳ được phép tiếp nhận nhiên liệu của Nga. Nhà máy lọc dầu của Hy Lạp thì không.

Nhà chức trách Mỹ và EU đã nhiều lần cảnh báo các công ty rằng giấy chứng nhận xuất xứ có thể bị làm giả. Rất nhiều cơ quan chức năng và công ty có quyền phát hành loại giấy này và hiện chưa có hệ thống tập trung để xác nhận tính xác thực của chúng.

Hai ông Biden, Tập đối thoại thẳng thắn, đạt thỏa thuận về quân sự, fentanyl

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày thứ Tư 15/11 nhất trí lập đường dây nóng cấp nguyên thủ, nối lại liên lạc giữa hai quân đội và nỗ lực ngăn chặn việc chế biến fentanyl, những điều này cho thấy hai bên đạt được tiến bộ cụ thể trong cuộc đàm thoại trực tiếp đầu tiên của họ sau một năm.

Hai ông Biden và Tập gặp nhau trong khoảng 4 tiếng ở ngoại ô San Francisco để thảo luận về các vấn đề đã khiến quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng. Giữa hai bên vẫn còn tồn tại những khác biệt, đặc biệt là vấn đề Đài Loan.

Hai bên đạt một bước đột phá đáng kể là chính phủ hai nước có kế hoạch nối lại các liên lạc quân sự mà Trung Quốc đã cắt đứt sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan hồi tháng 8/2022. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc khi người đó được bổ nhiệm, một quan chức Mỹ cấp cao cho biết.

Ngoài ra, ông Biden và ông Tập nhất trí lập đường dây liên lạc cấp cao. “Tôi và ông ấy đồng ý rằng mỗi người chúng tôi có thể trực tiếp nhấc máy và sẽ được người ở đầu dây bên kia nghe máy ngay lập tức”, ông Biden nói trong một cuộc họp báo.

Nhưng ông cũng đưa ra một lời phát biểu có thể khiến phía Trung Quốc khó chịu khi nói với các phóng viên rằng ông không thay đổi quan điểm rằng ông Tập là một nhà độc tài.

Một quan chức Mỹ cho báo giới biết sau cuộc họp rằng ông Tập đã nói với ông Biden là thật không công bằng khi có những quan điểm tiêu cực ở Mỹ về Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhà Trắng cho hay ông Biden đã nêu ra các vấn đề mà Washington quan ngại, bao gồm tình trạng các công dân Mỹ bị bắt giam, nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong, cũng như các hoạt động hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Hai ông Biden và Tập nhất trí rằng Trung Quốc sẽ ngăn chặn việc xuất khẩu các chất liên quan đến chế biến ma túy fentanyl, bị xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sử dụng ma túy quá liều ở Hoa Kỳ.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ trực tiếp truy lùng các công ty hóa chất cụ thể sản xuất tiền chất fentanyl, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí sẽ đưa các chuyên gia hai bên ngồi lại với nhau để bàn về những rủi ro của trí tuệ nhân tạo.

Một quan chức Mỹ cho hay hai bên đã trao đổi về vấn đề Đài Loan, trong đó, Trung Quốc nói rằng ưu tiên của họ là thống nhất hòa bình với hòn đảo Đài Loan mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, nhưng ông Tập cũng nói thêm về các điều kiện mà Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực.

Ông Biden nhấn mạnh cần phải có hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Quan chức Mỹ cho biết ông Biden đề nghị duy trì hiện trạng và Trung Quốc tôn trọng tiến trình bầu cử của Đài Loan.

“Chủ tịch Tập đáp lại rằng hòa bình thì tốt đấy, nhưng đến một lúc nào đó chúng ta cần tiến đến giải pháp tổng thể hơn”, quan chức Mỹ tường thuật lại lời phát biểu của ông Tập.

Ông Tập cũng thúc giục Mỹ ngừng chuyển vũ khí tới Đài Loan và ủng hộ việc Trung Quốc “thống nhất” với Đài Loan một cách hòa bình, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.

Ông Biden nói rằng ông đã đề nghị ông Tập sử dụng ảnh hưởng của mình với Iran để thúc giục Tehran không thực hiện các cuộc tấn công ủy nhiệm vào các cơ sở của Mỹ ở Trung Đông cùng lúc xung đột Israel-Hamas vẫn đang tiếp tục diễn ra ở Gaza.

Ông Biden đón tiếp nhà lãnh đạo Trung Quốc ngay trước hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Ông Biden phát biểu rằng Mỹ và Trung Quốc phải đảm bảo sao cho sự cạnh tranh giữa họ "không dẫn đến xung đột" và hãy quản lý mối quan hệ của họ một cách "có trách nhiệm".

Sau khi hai ông gặp nhau, ông Biden đã chào đón các nhà lãnh đạo toàn cầu đến dự cuộc họp APEC ở San Francisco.

Mỹ không thể hạn chế công nghệ Trung Quốc

Mỹ đã đưa ra một loạt biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm ngăn chặn những tiến bộ trong ngành bán dẫn của Trung Quốc kể từ năm ngoái nhưng chúng đều không thành công.

Reuters dẫn báo cáo của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung (USCC) cho biết, các công ty Trung Quốc đang tiếp tục mua thiết bị sản xuất chip của Mỹ nhờ lợi dụng những lỗ hổng trong kiểm soát xuất khẩu của Washington.

Trước đó, năm 2022, Mỹ tung loạt hạn chế đối với các mẫu chip tiên tiến nhất được sử dụng cho công nghệ trí tuệ nhân tạo và thiết bị sản xuất chip đối với Trung Quốc. Các biện pháp này đã ngăn chặn khả năng sản xuất và phát triển chất bán dẫn tiên tiến giúp tăng cường năng lực quân sự của Bắc Kinh.

Danh sách hạn chế trên đã được mở rộng tính tới thời điểm hiện tại và một số công ty công nghệ Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách đen.

Theo báo cáo thường niên của USCC, trong khi các biện pháp hạn chế khiến xuất khẩu chất bán dẫn của Mỹ sang Trung Quốc giảm khoảng 50% kể từ năm ngoái (6,4 tỷ USD), quốc gia này vẫn mua được khoảng 3,1 tỷ USD chip và chip do Mỹ sản xuất trong 8 tháng đầu năm 2023.

Báo cáo lưu ý rằng những mặt hàng xuất khẩu này có thể bao gồm các công nghệ tiên tiến bị cấm bán, vì “các nhà nhập khẩu thường có thể mua thiết bị nếu họ cho biết nó đang được sử dụng trên dây chuyền sản xuất cũ hơn”.

Theo USCC, với khả năng kiểm soát đối tượng khách hàng còn hạn chế rất khó để xác minh thiết bị có được sử dụng để sản xuất chip tiên tiến hay không.

Hơn nữa, báo cáo cho thấy các biện pháp kiềm chế của Mỹ đã thúc đẩy Trung Quốc tăng cường mua các công cụ sản xuất chip tiên tiến từ các quốc gia khác, chủ yếu là Nhật Bản và Hà Lan, những quốc gia đã đưa ra các hạn chế riêng đối với xuất khẩu công nghệ này vào đầu năm nay.

Ví dụ Trung Quốc đã nhập khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn trị giá 3,2 tỷ USD từ Hà Lan trong khoảng thời gian từ tháng 1-8/2023 tăng đến 96,1%. Báo cáo lưu ý rằng tổng lượng nhập khẩu thiết bị bán dẫn của nước này đạt 13,8 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2023. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, chỉ riêng trong quý 3, nhập khẩu liên quan đến chip của nước này đã tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo chỉ ra rằng các biện pháp hạn chế rõ ràng không ngăn cản được tiến bộ công nghệ của Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu chỉ ra thực tế rằng vào tháng 9/2023 tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc Huawei đã bắt đầu bán điện thoại thông minh Mate 60 Pro sử dụng chip 7 nanomet cao cấp.

Vì có nghi ngờ rằng công nghệ này có thể được sản xuất mà không cần thiết bị do Mỹ sản xuất, một số chuyên gia trong ngành cho rằng Trung Quốc có thể đã tạo ra con chip này bằng các thiết bị cũ hơn không nằm trong danh sách hạn chế.

USCC cảnh báo rằng những tiến bộ trong công nghệ chip của Trung Quốc “đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc thực hiện kiểm soát xuất khẩu hiện tại”, lưu ý rằng các biện pháp hạn chế “ không chỉ nhằm đảm bảo Mỹ luôn dẫn trước Trung Quốc vài thế hệ” mà còn cả các công ty công nghệ Mỹ luôn duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này càng lâu càng tốt.

Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ, cho rằng chúng đi ngược lại các quy luật thị trường được công nhận trên toàn cầu.

Mỹ sẵn sàng tái áp đặt trừng phạt dầu Venezuela

(Ảnh minh họa).

Mỹ đã nới lỏng trừng phạt đối với lĩnh vực dầu và vàng của Venezuela, cho phép quốc gia Nam Mỹ là thành viên OPEC này xuất khẩu dầu và khí đốt sang một số thị trường

Mỹ sẵn sàng thu hồi tất cả các giấy phép xuất khẩu dầu gần đây được cấp cho Venezuela nếu Tổng thống quốc gia Nam Mỹ này là Nicolas Maduro không thực hiện các cam kết về bầu cử.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây Bán cầu Brian Nichols cho biết “mọi thứ đều được đặt lên bàn”, bao gồm cả việc thu hồi giấy phép được cấp gần đây cho phép Venezuela xuất khẩu dầu và khí đốt.

“Nếu họ không thực hiện các bước đã thỏa thuận, chúng tôi sẽ xóa giấy phép mà chúng tôi đã cấp”, ông Nichols cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 16/11 bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 ở San Francisco, Mỹ.

Trước đó, hồi tháng 10, Bộ Tài chính Mỹ đã nới lỏng phần lớn các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu và vàng của Venezuela, cho phép quốc gia thành viên OPEC này xuất khẩu dầu thô, nhiên liệu và khí đốt sang các thị trường đã chọn trong 6 tháng.

Động thái này, theo phía Mỹ, là một cử chỉ thiện chí đáp lại việc chính quyền Tổng thống Maduro ký kết một thỏa thuận với phe đối lập về cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024.

Trong số các bước đã được thống nhất có việc cho phép ứng cử viên của phe đối lập tham gia tranh cử. Nhưng Tòa án Tối cao Venezuela đã đình chỉ kết quả cuộc bầu cử sơ bộ của phe đối lập diễn ra ngày 22/10 vừa qua ở Venezuela, với người chiến thắng là bà Maria Corina Machado.

Bất chấp những bình luận của mình về khả năng tái áp đặt các lệnh trừng phạt, ông Nichols vẫn bày tỏ “tin tưởng” rằng chính quyền đương kim Tổng thống Maduro sẽ tuân thủ thỏa thuận với phe đối lập và mở đường cho bà Machado tham gia tranh cử.

Ông Maduro đã nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ không nhượng bộ những yêu cầu mà ông cho là hành động “tống tiền” từ Mỹ.

Xuất khẩu dầu của Venezuela trong tháng 9 đạt 800.000 thùng/ngày, mức trung bình hàng tháng cao thứ 2 trong năm nay, khi PDVSA và các liên doanh của gã khổng lồ dầu khí quốc doanh này khôi phục sản xuất, đặc biệt là ở Vành đai Orinoco.

Mặc dù Venezuela đã nâng công suất và tăng cường xuất khẩu dầu thô trong năm nay, nhưng sản lượng thường không ổn định từ tháng này sang tháng khác trong bối cảnh mất điện thường xuyên, các vấn đề về bảo trì và thiếu đầu tư để mở rộng sản lượng.

Ví dụ, trong tháng 8, quốc gia thành viên OPEC này đạt sản lượng 820.000 thùng/ngày, trong khi chỉ xuất khẩu được chưa đầy 700.000 thùng/ngày trong tháng 10, do những trục trặc tại khu vực sản xuất chính của đất nước. Điều này nói lên rằng sẽ mất thêm thời gian để Venezuela ổn định sản lượng theo hướng bền vững sau khi được Mỹ dỡ bỏ trừng phạt.

Phần lớn sản lượng hồi tháng 9 của Venezuela được xuất sang Trung Quốc, cả trực tiếp và thông qua các trung tâm trung chuyển.

Venezuela cũng đã tăng xuất khẩu sang đồng minh chính trị hàng đầu của mình là Cuba lên khoảng 86.000 thùng/ngày dầu thô, dầu nhiên liệu, dầu khí và xăng, từ mức 65.000 thùng/ngày trong tháng 8. Cuba đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu và thường xuyên đối diện nguy cơ mất điện do tồn kho nhiên liệu thấp để vận hành các nhà máy điện.

Theo tài liệu của PDVSA và dữ liệu theo dõi tàu chở dầu LSEG, xuất khẩu dầu Venezuela của Chevron sang Mỹ trong tháng 9 đã giảm xuống còn khoảng 145.000 thùng/ngày, từ mức 147.000 thùng/ngày trong tháng 8.

Ngay sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ được nới lỏng, PDVSA bắt đầu kêu gọi các khách hàng truyền thống của mình thiết lập lại mối quan hệ giao dịch, chủ yếu thông qua bán hàng giao ngay. Tuy nhiên, yêu cầu thanh toán trước của công ty đối với tất cả các giao dịch bán hàng hóa, thiếu đấu thầu trên thị trường mở và các vấn đề về chất lượng dầu đã gây trở ngại cho quá trình thanh toán

Nguồn: Báo Tin Tức; Dân Trí; VOA; CafeF; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang