- Thời sự
- Thế giới
(Ảnh minh họa).
Mỹ đang bị lôi kéo vào các cuộc khủng hoảng và căng thẳng địa chính trị ở ba nơi xa xôi trên thế giới, khiến Washington phải đối đầu với những cường quốc có ảnh hưởng lớn.
Theo bình luận của kênh CNN mới đây, bất chấp thỏa thuận dừng bắn tạm thời và thỏa thuận con tin giữa Israel và Hamas, các lực lượng Mỹ vẫn đang phải cảnh giác ở Trung Đông.
Quân đội Mỹ đã trở thành mục tiêu của hàng chục cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa từ các nhóm vũ trang ở Iraq, Syria và Yemen. Tại Đông Âu, về cơ bản, Mỹ đang tham gia vào một cuộc chiến ủy nhiệm với Nga liên quan đến xung đột ở Ukraine.
Tác giả của bài bình luận trên CNN, ông Christopher McCallion, cho rằng trong bài phát biểu tại Nhà Trắng vào tháng trước, Tổng thống Joe Biden lập luận tất cả các điểm nóng này là những mặt trận có mối liên hệ với nhau và Mỹ là quốc gia không thể thiếu trong đó, đồng thời lưu ý sự lãnh đạo của Mỹ giúp gắn kết thế giới lại với nhau. Ông Biden khẳng định thêm rằng đảm bảo Israel và Ukraine thành công là điều quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Trong một bài đăng trên tờ Washington Post cuối tuần trước, ông Biden nhắc lại rằng Mỹ là quốc gia thiết yếu.
Tuy nhiên, việc Mỹ vướng vào những cuộc khủng hoảng này chỉ càng làm căng thẳng quá mức khả năng của mình, gây ra những rủi ro không cần thiết, tạo ra sự thù địch ở những khu vực đó và tiêu tốn nguồn lực của Mỹ. Thật vậy, người dân Mỹ ngày càng phản đối dự luật viện trợ quân sự vô thời hạn cho các cuộc xung đột ở nước ngoài. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đối với Israel cũng như Ukraine ngày càng giảm.
Việc Mỹ duy trì chính sách "bạn bè và kẻ thù vĩnh viễn" kéo dài hàng thập kỷ ở Trung Đông đã phản tác dụng đối với sự ổn định trong khu vực. Trong những năm gần đây, Mỹ đã chống Iran với chiến dịch trừng phạt kinh tế gây áp lực tối đa và thực hiện ám sát Tướng quân sự chủ chốt của Iran Qasem Soleimani. Trong khi đó, Mỹ đã vô tình tăng cường ảnh hưởng trong khu vực của Tehran bằng cách lật đổ chính phủ Saddam Hussein ở Iraq và sau đó cung cấp vũ khí cho các lực lượng chống Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến ở Syria, điều này cuối cùng đã trao quyền cho các lực lượng được Iran hậu thuẫn.
Sự ổn định trong khu vực cũng không được thúc đẩy bởi các đồng minh và đối tác của Mỹ, những nước đã và đang tự do hành động với với sự hỗ trợ vô điều kiện từ Washington. Mỹ đã liên tục ủng hộ Israel bất chấp việc nước này vẫn tiếp tục xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng và phong tỏa Gaza, góp phần tạo nên cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đang đe dọa nhấn chìm khu vực Trung Đông.
Cùng với đó, Mỹ đã ủng hộ cuộc chiến của Saudi Arabia nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen, cuộc xung đột đã tạo ra khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với khoảng 377.000 người thiệt mạng và khoảng 80% người dân Yemen cần viện trợ nhân đạo.
Trong khi đó, không có dấu hiệu nào cho thấy các đồng minh có hiệp ước với Mỹ mất niềm tin vào độ tin cậy trong cam kết phòng thủ chung của Washington. Chi tiêu quốc phòng thấp của các quốc gia có năng lực như Nhật Bản và Đức cho thấy các đồng minh của Mỹ vẫn tự tin rằng họ có thể tiếp tục chuyển "gánh nặng" phòng thủ cho Washington. Nếu Mỹ giảm cam kết quốc phòng, Nhật Bản và Đức gần như chắc chắn sẽ tăng cường năng lực vì nhu cầu tự bảo vệ.
Hiện tại, sự liên kết an ninh ngày càng tăng giữa Trung Quốc, Nga và Iran phần lớn dựa trên mối đe dọa chung từ Mỹ. Vì vậy, theo ông McCallion, Mỹ nên áp dụng một đại chiến lược kiềm chế hơn, một chiến lược sẽ đặt ra các ưu tiên hợp lý hơn liên quan đến các lợi ích ở nước ngoài, gây ra ít rủi ro, vướng mắc hơn, ít có xu hướng khiêu khích các đối thủ ở xa cũng như phù hợp hơn với các nguồn lực và nhu cầu trong nước của Mỹ.
Mỹ cũng nên chuyển gánh nặng quản lý các mối đe dọa khu vực sang cho các đối tác ở đó, đặc biệt là ở Trung Đông và châu Âu. Tình trạng thiếu đạn dược do xung đột ở Ukraine và Gaza chỉ là một minh chứng cho thấy nguồn lực của Mỹ là hữu hạn.
Ngoài ra, việc giảm bớt sự hiện diện quân sự quá mức của Mỹ sẽ khuyến khích các quốc gia có năng lực trong khu vực quan tâm đến việc tự bảo vệ mình, tập hợp lực lượng để đối trọng với các mối đe dọa của họ. Việc chuyển gánh nặng sang các đối tác trong khu vực cũng sẽ giảm thiểu nguy cơ Mỹ bị kéo vào một cuộc chiến tranh lớn và giảm chi phí đáng kể cho việc duy trì lực lượng ở nước ngoài.
Hàng trăm cơ quan khắp nước Mỹ đang tuyển dụng hơn 400 nhân sự vị trí giám đốc trí tuệ nhân tạo (CAIO), sau khi Tổng thống ra sắc lệnh yêu cầu mọi văn phòng nhà nước đều phải có một chuyên gia AI.
Sau sắc lệnh của ông Biden, Văn phòng Quản lý và Ngân sách đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện đến các cơ quan liên bang. Trong đó, cách thức để tuyển được CAIO là một trong những điều được đưa lên đầu tiên. Bản thân Văn phòng Hành pháp Tổng thống cũng cần tuyển một vị trí như trên.
Theo các thông tin ghi nhận, nhiệm vụ chính của CAIO là “điều phối, sáng tạo và quản trị rủi ro đối với việc sử dụng AI trong cơ quan nhà nước”, nắm vai trò cố vấn và quan sát tình hình cho những người đứng đầu. Bên cạnh đó, CAIO còn phải phát triển các chiến lược AI cho cơ quan nơi mình làm việc, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhân sự trong mọi phòng ban, từ nhân sự, IT, dữ liệu, an ninh mạng cho đến quyền công dân, trải nghiệm khách hàng.
Theo cấp bậc nhân sự trong cơ quan nhà nước, một CAIO sẽ ở mức Giám đốc Dịch vụ Cấp cao, đòi hỏi trình độ tiến sĩ và mức lương tối đa 212.000 USD. Thế nhưng dữ liệu từ Glassdoor cho thấy mức lương CAIO thấp nhất trong các công ty tư nhân đã là 223.184 USD, còn mức trung bình là trên dưới 300.000 USD. Hay nói cách khác, mức lương cao nhất trong cơ quan nhà nước còn chưa bằng mức thấp nhất trong khu vực tư nhân.
Tuy nhiên trên thực tế, các cơ quan vẫn tuyển được người. Chẳng hạn Bộ An ninh Nội địa đã tìm được CAIO. Hoặc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sự đang có đời CAIO thứ 2 kể từ năm 2021 và đã xuất bản một cẩm nang về AI. Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị có hướng đi mới hơn, khi chỉ định Giám đốc tài chính làm CAIO.
Tất cả CAIO từ mọi khu vực, cả công lẫn tư, đều sẽ tụ họp tại hội nghị thượng đỉnh ở Boston ngày 14/12.
Đối với các đồng nghiệp ở chính phủ, CAIO tư nhân dành lời khuyên rằng họ cần phải đòi hỏi nhiều quyền lực hơn, chạm đến nhiều chức năng hơn, từ phát triển, thực thi đến quản lý chiến lược, nhân sự, sản phẩm.
Dan O'Connell, Giám đốc AI và Chiến lược tại Dialpad, cho rằng vấn đề quan trọng nhất với ông là các cấp lãnh đạo trực tiếp.
Còn Steve Mill, giám đốc Đạo đức AI tại BCG, cho rằng khi tìm kiếm một CAIO, những người đứng đầu các cơ quan nhà nước nên nhìn rộng ra nhiều khía cạnh khác, đừng nên chỉ tập trung vào kiến thức kỹ thuật. Đó phải là những người không chỉ biết quản lý các chương trình phức tạp, mà còn phải là người biết tư duy hướng về việc dùng AI cải thiện trải nghiệm dịch vụ công của công dân.
Tuy nhiên, những người đứng đầu cần phải hiểu là nếu không cung cấp đủ nguồn lực hoặc sự hỗ trợ trực tiếp cho các CAIO, thì không thể kỳ vọng CAIO sẽ làm được tất cả những gì liên quan đến AI.
(Ảnh minh họa).
Mỹ và Trung Quốc đang có tầm nhìn đối lập về những gì tạo nên một chuỗi cung ứng bền vững và linh hoạt, đánh dấu chương mới nhất trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Washington và Bắc Kinh nhằm khẳng định rằng hệ thống thương mại toàn cầu được xây dựng dựa trên nhu cầu kinh tế tương ứng của họ.
Hôm 28-11, Trung Quốc khai mạc Hội chợ triển lãm xúc tiến chuỗi cung ứng quốc tế lần thứ nhất với chủ đề “Kết nối thế giới vì một tương lai chung” diễn ra đến 2-12 tại thủ đô Bắc Kinh, với sự góp mặt của các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ như Tesla, Apple, Intel và Qualcomm.
Với mục tiêu “hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia sâu hơn vào phân công lao động công nghiệp toàn cầu” và “thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt”, 515 công ty và tổ chức của Trung Quốc và nước ngoài tham gia triển lãm để giới thiệu các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới. Hội chợ triển lãm gồm 5 lĩnh vực lớn: xe thông minh, nông nghiệp xanh, năng lượng sạch, công nghệ số và lối sống lành mạnh.
Theo Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc, hội chợ triển lãm là “bằng chứng cho thấy sự chân thành và sẵn sàng của Trung Quốc trong việc mở cửa nhiều hơn cũng như trách nhiệm của nước này với tư cách là một nước lớn”.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, chỉ vài giờ trước khi hội chợ triển lãm nói trên diễn ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong nỗ lực nhằm củng cố và bảo vệ chuỗi cung ứng của Mỹ tuyên bố thành lập Hội đồng Phục hồi Chuỗi Cung ứng. Trong cuộc họp đầu tiên của hội đồng tại thủ đô Washington, nhà lãnh đạo xứ cờ hoa công bố 30 biện pháp mới “nhằm củng cố chuỗi cung ứng quan trọng đối với an ninh kinh tế và quốc gia”. “Các biện pháp này có thể giúp chúng ta xác định được các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng trước khi chúng bị gián đoạn toàn diện mà chúng ta từng chứng kiến trong đại dịch COVID-19. Tất cả chúng ta đều thấy điều gì đã xảy ra khi đó. Chuỗi cung ứng bán dẫn từ châu Á đến châu Mỹ ngừng hoạt động” - Tổng thống Biden phát biểu tại cuộc họp.
Các biện pháp trên nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất các loại thuốc thiết yếu trong nước, đồng thời cắt giảm sự phụ thuộc vào “nguồn cung cấp nước ngoài rủi ro cao” đối với các sản phẩm y tế. Chúng cũng đòi hỏi Mỹ phải đầu tư mới vào các công cụ giám sát chuỗi cung ứng bằng cách chia sẻ dữ liệu một cách hiệu quả hơn giữa các cơ quan liên bang và đánh giá rủi ro đối với việc cung cấp các nguồn năng lượng tái tạo. Trong số 30 biện pháp nhằm tăng cường chuỗi cung ứng, ít nhất 11 biện pháp đề cập đến nguồn cung ứng năng lượng tái tạo. Hiện Mỹ đang đổ 275 triệu USD vào các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi việc các mỏ than hoặc các nhà máy điện than bị đóng cửa để tạo ra chuỗi cung ứng năng lượng sạch mới.
Động thái trên được đưa ra sau khi chuỗi cung ứng gặp khó khăn đã thúc đẩy lạm phát hồi năm 2021 khi Mỹ vất vả phục hồi thời hậu COVID-19.
Trước đó, Nhà Trắng cũng đã tìm kiếm đồng minh và đối tác để giảm thiểu tác động của sự thống trị của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng như khai thác khoáng sản thông qua các sáng kiến như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng nhằm tìm cách thiết lập các quy tắc, từ bảo vệ dữ liệu đến giảm phát thải carbon. Không những vậy, Washington còn thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong lĩnh vực bán dẫn - công nghệ nền tảng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ cảnh báo rằng để sản xuất thêm chất bán dẫn, Washington phải phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc cung cấp 100% nguồn cung gali và than chì cho Mỹ và 50% nguồn cung germanium cho nước này. Cả 3 loại khoáng sản này đều được sử dụng trong công nghệ sản xuất năng lượng sạch. Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ mới đây cho biết, Bắc Kinh đã bắt đầu cắt quyền tiếp cận của Washington đối với một số nguyên tố quan trọng, chẳng hạn như gali, germanium và phốt phát, gây ra mối đe dọa trực tiếp cho an ninh quốc gia và năng lượng Mỹ.
Singapore quyết định chia đều các hợp đồng đấu thầu xây dựng trung tâm dữ liệu mới cho cả doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ.
Lựa chọn "2 đều" cho Mỹ và Trung Quốc của Singapore
Với một chính phủ ổn định, đội ngũ dồi dào các kỹ sư tài năng và cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, Singapore đã trở thành trung tâm quan trọng cho các công ty công nghệ từ Đông và Tây. Quốc gia này là nơi cung cấp phần lớn sức mạnh điện toán cho nền kinh tế kỹ thuật số đang mở rộng nhanh chóng của Đông Nam Á và là nơi chiếm gần một nửa công suất trung tâm dữ liệu trong khu vực.
Vì vậy, vào tháng 7 năm ngoái, khi Singapore công bố kết quả cuộc đấu thầu xây dựng trung tâm dữ liệu mới - lần đầu tiên kể từ năm 2019 - đã thu hút sự quan tâm lớn.
Theo những nguồn tin liên quan, hơn 20 đề xuất đã được gửi đến từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm từ tập đoàn viễn thông khổng lồ NTT của Nhật Bản và các doanh nghiệp địa phương như Singapore Telecommunications.
Nhưng điều mà một số người trong ngành mô tả là đáng ngạc nhiên, các hợp đồng có tính cạnh tranh cao lại được trao cho 2 công ty do Trung Quốc hậu thuẫn và 2 công ty được Mỹ hậu thuẫn. Trong số này bao gồm nhà điều hành trung tâm dữ liệu lớn của Mỹ Equinix, Microsoft và một liên doanh gồm chủ sở hữu TikTok là ByteDance và AirTrunk của Úc. Không có công ty địa phương nào đấu thầu dự án thành công.
Lựa chọn chia thầu giữa các nhà cung cấp Trung Quốc và Mỹ khiến một số người cho rằng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên trong một thị trường mà cả hai siêu cường đều có lợi ích quốc gia và công nghệ kỹ thuật số - đặc biệt là dịch vụ đám mây - ngày càng được coi là tài sản chiến lược. Trong khi đó, Singapore tỏ ra không muốn đứng về phía nào.
James Murphy, giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của DC Byte, một công ty thu thập thông tin thị trường trung tâm dữ liệu, cho biết: "Singapore không muốn bị coi là trao toàn bộ năng lực cho các công ty phương Tây hoặc Trung Quốc. Vì vậy, việc chia đều gói thầu đã ít nhiều cho thấy điều đó."
Cơ quan quản lý kỹ thuật số của Singapore Infocomm - đơn vị phụ trách đấu thầu, nhấn mạnh rằng các đề xuất đã được chọn dựa trên "đánh giá một cách toàn diện, nhằm giúp thúc đẩy vị thế của Singapore như một trung tâm khu vực và đóng góp cho các mục tiêu kinh tế rộng lớn hơn".
Theo một báo cáo năm nay của Google, Temasek Holdings và công ty tư vấn Mỹ Bain & Co, nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ của khu vực Đông Nam Á là một trong số ít nơi trên thế giới chứng kiến sự cạnh tranh trực diện giữa các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc và Mỹ, dự báo thị trường sẽ đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Cùng với những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ là Microsoft, Google, Amazon.com và Meta, Singapore là nơi đặt trụ sở khu vực cho các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như bộ phận đám mây của Alibaba và TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance.
Các quân cờ trong ván cờ này là những trung tâm dữ liệu khổng lồ lưu trữ và xử lý dữ liệu, vốn đóng vai trò không thể thiếu trong thế giới kỹ thuật số ngày nay. Theo S&P Global, là nơi có gần một nửa công suất trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á, Singapore đóng vai trò là "khu vực trung lập" cho các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu.
Cuộc chiến trên "những đám mây"
Lewis, tác giả báo cáo của CSIS về dịch vụ đám mây, cho biết dịch vụ đám mây là một lĩnh vực ngày càng mang tính chiến lược trên toàn cầu. Chính phủ Mỹ đang tranh luận về việc có nên bổ sung dịch vụ đám mây vào danh sách "cơ sở hạ tầng quan trọng" được coi là thiết yếu cho an ninh quốc gia hay không. Việc lựa chọn nhà cung cấp đám mây có thể tạo ra sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ đám mây đối với tất cả các công nghệ kỹ thuật số, từ ngân hàng đến hãng hàng không và thậm chí cả ô tô.
Lewis cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei: "Mọi kỹ thuật số và kết nối mạng đều dựa vào dịch vụ đám mây. Đám mây là nền tảng cho nền kinh tế kỹ thuật số".
Lewis cho biết 3 điều sẽ quyết định kết quả của cuộc cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây thống trị khu vực: chất lượng dịch vụ, giá cả và độ tin cậy. "Hiện tại, Mỹ dẫn đầu về chất lượng, Trung Quốc dẫn đầu về giá, nhưng không nhiều", ông nói thêm.
Đông Nam Á đang nổi lên như một trung tâm toàn cầu cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Theo IDC, doanh thu cơ sở hạ tầng đám mây của khu vực đã tăng lên 2,18 tỷ USD vào năm 2022, tăng 25% so với năm trước. Singapore chiếm khoảng một nửa tổng số, trong khi Philippines, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đều ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm trên 30%, vượt xa các thị trường còn lại trong châu Á và toàn cầu, với mức tăng trưởng lần lượt là 25% và 29%.
Marvin Tan, nhà phân tích tại TeleGeography, cho biết: "Đông Nam Á là trọng tâm chính của các nhà cung cấp mạng, dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu toàn cầu".
Indonesia trở thành "tiền tuyến"
Kể từ khi mở trung tâm dữ liệu ở Indonesia vào năm 2018, Alibaba đã bổ sung thêm 2 trung tâm dữ liệu tại nước này trong 3 năm. Năm ngoái, công ty đã mở một cơ sở mới ở Thái Lan. Selina Yuan, chủ tịch mảng kinh doanh quốc tế của Alibaba Cloud Intelligence, cho biết khu vực này là "thị trường trọng điểm" cho nỗ lực mở rộng quốc tế của họ, được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng từ khách hàng toàn cầu.
Chi phí là một lợi thế lớn cho các công ty Trung Quốc. Theo các nhà phân tích trong ngành, Huawei, vốn coi điện toán đám mây là một ngành công nghiệp chủ chốt ngang hàng với chất bán dẫn, đã vào Thái Lan vào năm 2018 và đưa ra những báo giá thấp tới 2/3 so với các đối thủ cạnh tranh.
Indonesia đã trở thành "tiền tuyến" cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây của Mỹ và Trung Quốc với hy vọng thâm nhập vào quốc gia đông dân thứ tư thế giới. Chỉ trong một thập kỷ, thị trường lớn nhất khu vực đã trở thành một trung tâm công nghệ sôi động, được thúc đẩy bởi một loạt các công ty khởi nghiệp. Đội ngũ bán hàng của cả hai bên đang gấp rút ký kết các thỏa thuận với các công ty trẻ đầy triển vọng, những công ty này có xu hướng bắt tay nhanh hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn.
Sau Alibaba, Google đã ra mắt "vùng đám mây" hay cụm trung tâm dữ liệu đầu tiên tại Indonesia vào năm 2020, đây là khoản đầu tư sớm nhất trong số các nhà cung cấp Mỹ. Thị trường Indonesia là "ưu tiên hàng đầu" đối với Google Cloud, một giám đốc điều hành có trụ sở tại Đông Nam Á nói với Nikkei. Ông nói thêm rằng số lượng nhân viên của Google Cloud ở Indonesia lấn át số lượng nhân viên của các mảng khác của Google, chẳng hạn như quảng cáo và tìm kiếm. Đây là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á nơi mảng dịch vụ đám mây có nhiều nhân viên nhất.
Theo các dữ liệu thị trường, đất nước này là nơi cạnh tranh gay gắt giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc, thường đối đầu nhau trong các hoạt động đấu thầu. Trong khi các công ty Mỹ vẫn thống trị thị trường dịch vụ đám mây ở Đông Nam Á thì Alibaba đang có vị thế vững chắc ở Indonesia, là nhà cung cấp đám mây đầu tiên trên toàn cầu triển khai trung tâm dữ liệu tại đây.
Một giám đốc điều công ty dịch vụ đám mây Mỹ cho biết: "Công ty nào đi đầu sẽ có lợi thế nhất định", đồng thời lưu ý rằng nhiều công ty khởi nghiệp ở Indonesia đã quyết định sử dụng dịch vụ của Alibaba vì đây là một trong số ít các lựa chọn sẵn có. "Đó là lý do tại sao mọi người đều đổ xô thâm nhập thị trường mới càng nhanh càng tốt – và cố gắng giữ vị trí dẫn đầu".
Vào tháng 12/2021, AWS đã công bố cam kết trị giá 5 tỷ USD tại Indonesia trong 15 năm tới, bao gồm cả việc xây dựng thêm trung tâm dữ liệu. Một năm sau, Huawei cũng gia nhập thị trường Indonesia với trung tâm dữ liệu mới ở Jakarta và cam kết đầu tư 300 triệu USD trong 5 năm tới.
(Ảnh minh họa).
Đại diện đảng Cộng hòa Marjorie Taylor Greene cho rằng tiền của người nộp thuế ở Mỹ không nên bị lãng phí vào “cuộc chiến thua cuộc” của Ukraine.
Bà Marjorie Taylor Greene khẳng định, bất kỳ dự luật chi tiêu nào kết hợp tăng cường an ninh biên giới của Mỹ với việc viện trợ quân sự cho Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga sẽ là "một cái tát vào mặt" người dân Mỹ.
Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer hôm 26/11 tuyên bố, ông sẽ tổ chức bỏ phiếu liên quan tới yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về khoản hỗ trợ quân sự trị giá 106 tỷ USD cho Ukraine và Israel trong tuần đầu tiên của tháng 12.
Chính quyền Tổng thống Biden cho đến nay đã thất bại trong việc thông qua đề xuất bổ sung về "an ninh quốc gia". Theo ông Schumer, "vấn đề lớn nhất" là sự phản đối của đảng Cộng hòa, những người nhấn mạnh rằng viện trợ bổ sung cho Kiev không nên được kết hợp với tài trợ cho an ninh ở khu vực biên giới Mỹ - Mexico.
"An ninh biên giới của chúng ta là cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ", đại diện đảng Cộng hòa Greene viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) hôm 28/11. Theo AP, số lượng người vượt biên trái phép qua biên giới Mỹ - Mexico đã vượt qua con số trung bình hàng ngày là hơn 8.000 người trong tháng 9. Tuy nhiên, số người di cư đã giảm khoảng 14% kể từ đó.
"Ukraine không phải là bang thứ 51 (của Mỹ)", bà Greene nói. "An ninh biên giới của Mỹ không nên đi đôi với việc tài trợ cho cuộc chiến đang thua ở Ukraine".
Nữ nghị sĩ chỉ trích đảng Dân chủ vì chống lại việc đảng Cộng hòa thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn và tăng cường an ninh ở biên giới nước Mỹ. Bà Greene tuyên bố: "Người Mỹ không ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine và không muốn tiếp tục tài trợ cho Ukraine. Vì vậy, bất kỳ dự luật nào kết hợp an ninh biên giới của chúng ta với nhiều tỷ USD hơn (để tài trợ) cho Ukraine đều là một cái tát vào mặt người dân Mỹ".
Chính quyền của ông Biden đã cung cấp cho Ukraine hơn 76 tỷ USD viện trợ quân sự và các hỗ trợ khác kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu nổ ra vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, gần đây họ nói rằng số tiền này sắp cạn kiệt vì một số thành viên đảng Cộng hòa từ chối ủng hộ bất kỳ khoản hỗ trợ, gói viện trợ mới nào cho Ukraine.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, người đã đến thăm Kiev vào tuần trước, đã công bố một loạt vũ khí và đạn dược mới với trị giá chỉ 100 triệu USD cho Ukraine.
Công chúng Mỹ dường như không ủng hộ Ukraine khi cuộc thăm dò gần đây của AP-NORC cho thấy, khoảng 45% người dân Mỹ tin rằng Washington đang gửi quá nhiều tiền cho Kiev.
Nguồn: Báo Tin Tức; Diễn Đàn Doanh Nghiệp; Báo Cần Thơ; Soha; VTV
Mỹ: Biểu tình lan rộng; Cú sốc thuế quan; ‘Giấc mơ’ tiết kiệm 2.000 tỷ đô; Thế giới chấn động vì câu nói của Trump; Những cáo buộc gian lận
‘Phòng điều chế’ ma túy; Thêm liên minh mới nổi; Indonesia cấm điện thoại Google; Tự lực vũ khí, Ukraine chật vật; Israel sẵn sàng, Iran gặp khó
Mỹ: Bầu cử & giá vàng; So sánh chính sách Trump-Harris; Cuộc đua đốt tiền; 3 kịch bản bầu cử; Điều máy bay hạt nhân tới Trung Đông
Mỹ: Nhiệm kỳ thứ 2 của Trump; J.D.Vance chiến thắng; ‘Ván cược’ của Elon Musk; Bất mãn di sản của Biden; Trật tự thế giới thay đổi?
Mỹ: Rừng ma lan rộng; Giải mã lợi thế cạnh tranh; Tương lai không người nhập cư; Chọn nhất siêu hay đa cường; Cạn tên lửa đánh chặn
Mỹ trừng phạt ‘không lại’ với TQ; Dân Bắc Gaza bị bao vây; Tân thủ lĩnh Hezbollah; Vai trò Trung-Nga ở Trung Đông; Liên minh Nga-Triều
Ẩm thực Nhật vươn tầm; TQ siết thuế nhà giàu; Kêu gọi Triều Tiên rút quân khỏi Kiev; Israel ‘siết gọng kìm’; Cứu trợ ở Gaza gặp khó
Du lịch ‘làm nô lệ’ ở TQ; Sự bế tắc của OPEC+; Biểu tình ở Israel; Kiev thấy tương lai u ám; Google làm lộ căn cứ của Ukraine
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá