- Thời sự
- Thế giới
(Ảnh minh họa).
Nợ công của Mỹ đã chạm đến ngưỡng đáng báo động và trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ nợ/GDP của siêu cường số một thế giới cũng tăng với tốc độ nhanh hơn hầu hết các nước G7 khác. Italy và Nhật Bản là hai thành viên duy nhất có nợ công cao hơn GDP.
Trước khi chuyển sang sắc xanh trong tháng 11, thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua một tháng 10 rực đỏ khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1,3%, S&P 500 và Nasdaq Composite mất lần lượt 2,1% và 2,8%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng nóng là áp lực chính đè nặng lên giá cổ phiếu. Trong đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm từng có lúc vọt lên 5%, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Đằng sau đà tăng mạnh mẽ của lợi suất là chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ chưa từng có của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kể từ những năm 1980.
Tính từ tháng 3 năm ngoái, Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản, qua đó đưa chi phí đi vay liên ngân hàng lên phạm vi 5,25 - 5,5%.
Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp nhiều lần tuyên bố sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài nhằm kéo lạm phát quay về mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, có lẽ nhiều người không chú ý là một yếu khác cũng đang thúc đẩy lợi suất đi lên. Đó chính là thói quen vay nợ không ngừng nghỉ của chính phủ Mỹ.
Mạnh tay vay nợ
Rắc rối bắt nguồn từ việc chính phủ liên bang chi tiêu quá nhiều so với số tiền kiếm được, dẫn đến thâm hụt ngân sách hàng năm. Khối nợ công của Mỹ chính là những khoản thâm hụt đó tích luỹ theo thời gian. Trong hơn 50 năm qua, chính phủ chỉ thặng dư ngân sách 5 lần, gần đây nhất là vào năm tài khoá 2001.
Thông thường, gần 2/3 chi tiêu liên bang hàng năm là các khoản bắt buộc dành cho chương trình An sinh Xã hội, Medicare, Medicaid, hỗ trợ thực phẩm, phúc lợi cựu chiến binh,...
Các nhà lập pháp có quyền kiểm soát các khoản chi tuỳ ý. Hơn một nửa hạng mục này dành cho quốc phòng, trong khi phần còn lại dùng cho các chương trình liên bang như giáo dục, giao thông, bảo vệ môi trường,...
Trong vài năm gần đây, các đợt cắt giảm thuế, hỗ trợ kinh tế khẩn cấp và đầu tư bổ sung càng khiến thâm hụt phình to hơn.
Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm do cựu Tổng thống Donald Trump ban hành năm 2017, gói viện trợ tổng trị giá 5.000 tỷ USD trong đại dịch COVID-19 và ba đạo luật đầu tư tổng quy mô 2.200 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden ban hành năm 2021 và 2022 lần lượt là ví dụ cho ba nhóm chi tiêu nói trên.
Để bù đắp thâm hụt và có thêm tiền chi tiêu, chính phủ phải vay nợ. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính, nợ công của Mỹ đã tăng chóng mặt từ 269 tỷ USD vào tháng 6/1946 lên con số kỷ lục 33.700 tỷ USD vào tháng 9/2023. Nói cách khác, nợ công của Mỹ hiện đã vượt xa tổng quy mô của các nền kinh tế lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Anh.
Trong đó, 7.100 tỷ USD là nợ do các cơ quan chính phủ nắm giữ (gọi là intragovernmental debt) và 26.600 tỷ USD là nợ do công chúng bao gồm các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức, chính phủ nước ngoài nắm giữ (debt held by the public).
Không chỉ khối nợ tăng theo thời gian, mức thâm hụt ngân sách so với quy mô của nền kinh tế Mỹ - được đo bằng tỷ lệ nợ/GDP - cũng đi lên đều đặn kể từ năm 2000 và lần đầu tiên vượt mức 100% vào quý I/2014, theo Văn phòng Quản lý và Ngân sách.
Mỹ còn là một trong 21 nền kinh tế có quy mô thâm hụt ngân sách vượt quá tổng GDP, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Theo đó, siêu cường số một thế giới đang ở cùng danh sách với cả Hy Lạp, Sri Lanka và Sudan.
Đồng thời, trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ nợ/GDP của Mỹ cũng tăng với tốc độ nhanh hơn hầu hết các nước G7 khác. Italy và Nhật Bản là hai thành viên duy nhất có nợ công cao hơn GDP.
Giờ đây, trong bối xung đột địa chính trị bùng nổ ở cả Ukraine và Trung Đông, Washington có thể phải chi tiêu nhiều hơn để giúp đỡ các đồng minh và thực hiện các chương trình viện trợ nhân đạo, dẫn đến thâm hụt nhiều hơn.
Báo cáo mới do Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) công bố vào tháng 5 cho thấy thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ tăng gần hai lần trong thập kỷ tới, từ 1.500 tỷ USD trong năm tài khoá 2023 lên 2.900 tỷ USD vào cuối năm tài khoá 2033.
Chính phủ không còn cách nào khác là phải vay thêm nợ, thông qua phát hành trái phiếu kho bạc. CBO dự đoán phần nợ do công chúng nắm giữ sẽ tăng thêm 22.100 tỷ USD trong thập kỷ tới lên 46.700 tỷ USD.
Trong một thông báo vào cuối tháng 10, Bộ Tài chính cho biết họ sẽ vay thêm 776 tỷ USD trong quý III/2023 (tức quý I của năm tài khoá 2024) và 816 tỷ USD trong quý I/2024.
Dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Tài chính và Lĩnh vực Chứng khoán (SIFMA), tính đến hết tháng 10, tổng lượng trái phiếu kho bạc đang lưu hành trên thị trường là 26.000 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình thế đáng lo
Động thái vay thêm nợ của chính phủ Mỹ diễn ra giữa thời điểm đáng ngại của thị trường trái phiếu kho bạc, khi những người mua lớn nhất dần rút lui.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy giá trị trái phiếu mà Nhật Bản, chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, nắm giữ đã giảm 6% trong 8 tháng đầu năm 2023.
Tương tự, sau khi hơn hai thập kỷ tăng cường mua chứng khoán nợ của chính phủ Mỹ, Trung Quốc đã lùi bước. Giá trị trái phiếu kho bạc mà Trung Quốc nắm giữ đã sụt 14% kể từ tháng 8.
Ngoài ra, Fed - từng là một trong những tổ chức mua mạnh nhất trên thị trường - cũng không gom thêm trái phiếu. Trái lại, trong một năm qua, Fed đã giảm lượng trái phiếu nắm giữ khoảng 650 tỷ USD. Đây là một phần trong chương trình thắt chặt định lượng để Fed hút bớt thanh khoản khỏi hệ thống.
Giữa lúc Fed báo hiệu sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài, sự thoái lui của các nhà đầu tư lớn sẽ càng khiến đà bán tháo của trái phiếu kho bạc diễn ra mạnh hơn. Nói cách khác, lợi suất trái phiếu dài hạn sẽ còn tăng cao hơn.
Khi đó, không những thị trường chứng khoán nợ lớn nhất và giàu thanh khoản nhất thế giới có nguy cơ sụp đổ mà sức mạnh tài khoá của Mỹ cũng có thể chịu rủi ro, gây ảnh hưởng hệ thống tài chính toàn cầu.
Thị trường trái phiếu
Hiện tại, nhiều trái phiếu kho bạc kỳ dài hạn được chính phủ phát hành cách đây vài năm đang giao dịch chỉ bằng 50% mệnh giá. Nếu xét trên thị trường chứng khoán, mức giảm này tương đương một cú sập lịch sử.
Nếu đà giảm này tiếp tục cho đến hết tháng 12, trái phiếu kho bạc sẽ có năm thua lỗ thứ ba liên tiếp. Theo Bank of America Global Research, đây sẽ là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Mỹ.
Nhìn chung, thị trường đang rơi vào một vòng luẩn quẩn: trái phiếu càng bị bán tháo, lợi suất càng lên cao, lòng tin của nhà đầu tư càng sụt giảm và trái phiếu sẽ càng mất giá.
Sức mạnh tài khoá của Mỹ
Mặt khác, lợi suất càng tăng thì chi phí lãi vay của Mỹ càng lớn. Chi phí lãi vay là khoản mục tăng nhanh nhất, đồng thời là khoản chi lớn thứ 4 trong chương trình ngân sách của Mỹ sau An sinh Xã hội, Medicare và quốc phòng.
Tỷ trọng của chi phí lãi vay ròng trong tổng chi tiêu liên bang đã tăng gần hai lần trong giai đoạn 2020 - 2023, từ 5% (tương đương 345 tỷ USD) lên 10% (khoảng 660 tỷ USD).
Theo ông Marc Goldwein, Giám đốc của Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm, trừ khi có những thay đổi về chính sách, các đợt nâng lãi suất gần đây của Fed có thể khiến chi phí lãi vay tăng thêm 3.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Chi phí lãi vay càng tăng cao, vấn đề thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ ngày càng trầm trọng hơn, đặt ra câu hỏi về tính bền vững của chính sách tài khoá. Rủi ro vỡ nợ và suy thoái cũng sẽ treo lơ lửng trên đầu nước Mỹ.
Hôm 10/11, Moody’s Investors Service đã hạ đánh giá triển vọng nợ công của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực, dù vẫn giữ xếp hạng tín nhiệm ở mức cao nhất là AAA.
Moody’s nhận định, rủi ro đối với sức mạnh tài khoá của Mỹ đã gia tăng và “sức mạnh tín dụng đặc biệt của Mỹ có thể sẽ không bù đắp được hoàn toàn rủi ro”. Cơ quan xếp hạng này dự đoán thâm hụt ngân sách sẽ vẫn rất lớn và khả năng trả nợ của Mỹ sẽ suy yếu đáng kể.
Với cùng lý do, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+ vào đầu năm nay, trong khi S&P có động thái tương tự vào năm 2011.
Hệ thống tài chính toàn cầu
Đáng lo hơn, trái phiếu kho bạc còn là xương sống của hệ thống tài chính toàn cầu. Lợi suất của các trái phiếu này quyết định nhiều loại lãi suất khác nhau, từ lãi vay thế chấp mua nhà, vay nợ cá nhân tại Mỹ cho đến lãi suất của các chứng khoán nợ trên khắp thế giới.
Nếu khối nợ công khổng lồ đẩy Mỹ vào suy thoái, nền kinh tế số một thế giới khó mà chìm một mình. Thiệt hại có thể lan rộng ra toàn cầu.
Đơn hàng xuất sang Mỹ của các doanh nghiệp Trung Quốc có thể cạn kiệt. Nhiều nhà đầu tư Thuỵ Sỹ sở hữu trái phiếu kho bạc sẽ chịu thua lỗ. Các công ty có trụ sở tại Sri Lanka không còn có thể dùng đồng USD như một giải pháp thay thế cho đồng nội tệ yếu kém.
Ông Mark Zandi, kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, từng cảnh báo: “Không ngóc ngách nào của nền kinh tế toàn cầu thoát được nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ và cuộc khủng hoảng không được giải quyết nhanh chóng”.
Cần một giải pháp triệt để
Kể từ năm 1960, khi chính phủ cận kề vỡ nợ, Quốc hội lại nâng hoặc đình chỉ trần nợ công, đến nay đã 78 lần. Đầu tháng 6 vừa qua, họ đã nhất trí đình chỉ giới hạn đi vay đến ngày 1/1/2025.
Tới thời điểm đó, nếu Mỹ mấp mé bờ vực lần nữa, Quốc hội nhiều khả năng sẽ lại can thiệp, bất chấp tình trạng bất đồng chính trị giữa hai đảng hiện nay. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Mỹ có nhiều cách để kiểm soát vấn đề vay nợ, chứ không nhất thiết phải trả toàn bộ 33.700 tỷ USD nợ vay hay cân bằng ngân sách ngay lập tức.
Mục tiêu chính là thu hẹp khoảng cách giữa chi tiêu và nguồn thu liên bang để tỷ lệ nợ công/GDP ổn định hoặc giảm dần theo thời gian. Washington sẽ buộc phải đồng thời cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và cải cách các chương trình ngốn nhiều ngân sách như An sinh Xã hội.
Đảng Cộng hoà nói họ muốn thu hẹp chi tiêu. Song, các đảng viên Cộng hoà đang nhắm đến các khoản chi khá nhỏ và bỏ qua những chương trình phúc lợi xã hội lớn và quốc phòng.
Trong khi đó, ông Biden muốn tăng thuế đối với các doanh nghiệp và người giàu, nhưng ông sẽ sử dụng phần lớn nguồn thu bổ sung cho các chương trình mới thay vì giải quyết khối nợ. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng đã không thể thúc đẩy các đề xuất tăng thuế khi Đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện của Quốc hội trong hai năm đầu nhiệm kỳ.
Bế tắc là điều nhiều người đã thấy rõ. Tuy nhiên, thị trường có thể buộc chính phủ và Quốc hội hành động vào một thời điểm nào đó nếu lãi suất tăng cao gây ra thiệt hại nặng nề và cử tri cuối cùng cũng nhận ra rằng một chính phủ chi tiêu ít hơn và thu thuế nhiều hơn là lựa chọn ít tồi tệ nhất cho nền kinh tế.
Dù tình trạng lạm phát đã giảm đáng kể và tỷ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức thấp, nhưng hầu hết người Mỹ đều có cái nhìn ảm đạm về nền kinh tế.
Một báo cáo của chính phủ Mỹ được công bố vào tuần trước chỉ ra rằng giá tiêu dùng đã không tăng trong suốt khoảng thời gian từ tháng 9 tới tháng 10, dấu hiệu mới nhất cho thấy lạm phát đang dần ổn định sau khi chạm mốc cao kỷ lục hồi năm 2022.
Bên cạnh đó, một báo cáo độc lập khác chỉ ra dù tốc độ mua sắm của người Mỹ giảm trong tháng 10, nhưng mức độ chi tiêu của họ vẫn đủ lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dù vậy, theo một khảo sát do hãng tin AP và Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Công chúng (NORC) phối hợp thực hiện, có tới 3/4 người được hỏi đánh giá không cao về tình hình nền kinh tế Mỹ; 2/3 nói chi phí sinh hoạt đã tăng lên và chỉ 1/4 cho biết họ được tăng thu nhập.
Vấn đề này trở thành một thách thức chính trị đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử năm tới. Kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ngày càng nhiều cử tri Mỹ không hài lòng với cách ông chủ Nhà Trắng xử lý các vấn đề liên quan tới nền kinh tế.
Mức lương tăng chậm
Có rất nhiều nguyên nhân đằng sau sự “ngán ngẩm” của người Mỹ về tình hình kinh tế. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đã chỉ ra lý do nổi bật nhất của tình hình này: Đó là sự trượt dốc kéo dài của nền kinh tế và ảnh hưởng đối với tâm lý người dân sau đợt lạm phát tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ qua. Trong năm qua, dù tình hình lạm phát phần nào đã được cải thiện và ổn định, chi phí nhiều loại hàng hóa và dịch vụ vẫn đắt hơn nhiều so với 3 năm trước. Lạm phát đang chậm lại, nhưng giá cả thì vẫn tăng cao.
Bà Lisa Cook, thành viên Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang, đã đề cập tới vấn đề này trong bài phát biểu gần đây tại Đại học Duke.
“Phần lớn người Mỹ không chỉ mong đợi lạm phát chậm lại. Họ mong muốn giảm phát. Họ muốn giá cả trở về mức như trước đại dịch (COVID-19). Tôi đã nghe được những mong đợi này từ chính các thành viên trong gia đình mình” , bà Cook cho hay.
Chi phí đã tăng đối với những loại hàng hóa và dịch vụ cơ bản nhất của người Mỹ, từ bánh mì, thịt bò, các mặt hàng tạp hóa tới giá nhà ở và các tiện ích khác. Hàng tháng, thậm chí hàng tuần, người tiêu dùng Mỹ đều được gợi nhắc về mức giá họ phải trả, rằng chi phí đã tăng cao như thế nào so với cách đây 3 năm.
Giảm phát - sự cắt giảm giá cả trên diện rộng - thường không phải điều các nhà kinh tế mong đợi vì sẽ khiến các công ty và người tiêu dùng ngần ngại chi tiêu. Do đó, các nhà kinh tế cho rằng một giải pháp tối ưu có thể là tăng thu nhập cho người lao động.
Mức điều chỉnh thu nhập theo lạm phát kể từ đại dịch tới nay là một vấn đề phức tạp, rất khó để có thể nắm bắt được trải nghiệm của khoảng 160 triệu người Mỹ thông qua một thước đo nhất định.
Theo tính toán của Wendy Edelberg, chuyên gia cao cấp tại Viện Brookings, thu nhập trung bình hàng tuần được điều chỉnh theo lạm phát của người lao động chỉ tăng với tỷ lệ 0,2%/năm, tính từ ba tháng cuối năm 2019 đến quý hai năm 2023. Mức tăng ít ỏi này khiến nhiều người Mỹ cảm thấy họ gần như không có sự cải thiện nào về mặt tài chính.
Đối với Katherine Charles, bà mẹ đơn thân 40 tuổi ở Tampa (Florida), sự suy giảm của lạm phát không giúp cuộc sống của cô trở nên dễ dàng. Tiền thuê nhà của cô đã tăng 15% trong tháng 5 vừa qua. Vào mùa hè, để giảm hóa đơn tiền điện, Charles đã phải tắt điều hòa bất chấp thời tiết nóng nực.
Cô cũng phải cắt giảm chi tiêu khi đi chợ dù các con đang trong tuổi phát triển. Charles nói: “Con trai tôi thích thịt đỏ. Chúng tôi không thể tiếp tục chi tiêu như trước đây nữa. Nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là đối với tôi”.
Chi phí sinh hoạt tăng đã dẫn đến làn sóng đình công và các hình thức hoạt động lao động khác trong năm nay.
(Ảnh minh họa).
Sau nhiều tháng bị công luận chỉ trích vì các thẩm phán cánh hữu nhận quà tặng mà không tiết lộ công khai, Tòa án tối cao Mỹ vừa công bố “các quy tắc và nguyên tắc hướng dẫn cách ứng xử của các thành viên Tòa án”. Đây là một động thái “chẳng đặng đừng” bởi lâu nay Tòa án tối cao Mỹ bị dư luận xem là còn nhiều vấn đề.
Bộ quy tắc dài 14 trang đã được tất cả 9 thẩm phán ký và đưa ra các nguyên tắc cơ bản mà theo đó họ phải hành xử. Bản quy tắc được công bố sau nhiều tháng Tòa án hứng chịu chỉ trích ngày càng gay gắt của công luận về việc các thẩm phán không áp dụng cho mình những quy tắc đạo đức cơ bản mà tất cả các thẩm phán khác ở Mỹ đều bị ràng buộc.
Tuy nhiên, ngay cả khi Bộ quy tắc được công bố, các thẩm phán vẫn giữ quan điểm, nhấn mạnh trong một tuyên bố ngắn gọn rằng sự phẫn nộ của công luận trong những tháng gần đây chỉ là một “sự hiểu lầm”. Tuyên bố nói rằng việc thiếu quy tắc trong những năm gần đây đã dẫn đến “sự hiểu lầm rằng các thẩm phán của tòa án này, không giống như tất cả các luật gia khác ở nước Mỹ, tự coi mình là người không bị hạn chế bởi bất kỳ quy tắc đạo đức nào”.
Trang đầu tiên tuyên bố rằng “một công lý phải tránh những điều không đúng đắn và không đúng mực trong mọi hoạt động”. Trong phần có tiêu đề “Ảnh hưởng từ bên ngoài”, Bộ quy tắc nói rằng 9 thành viên của tòa án không được “cố tình truyền đạt hoặc cho phép người khác truyền đạt ấn tượng rằng họ ở vị trí đặc biệt để ảnh hưởng đến công lý”.
Mặc dù Bộ quy tắc mới được thiết kế để dập tắt mối lo ngại ngày càng tăng về các tiêu chuẩn đạo đức của Tòa án tối cao, nhưng phản ứng tức thời của các chuyên gia cho rằng các hướng dẫn này không mang lại hiệu quả nào. Một số chuyên gia về đạo đức tư pháp chỉ ra rằng Tòa án tối cao như một cơ chế thực thi, khiến các thẩm phán phải tự mình thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát.
Gabe Roth, giám đốc điều hành của tổ chức “Fix the Court” (Chấn chỉnh tòa án) cho biết các hướng dẫn phần lớn là “công việc sao chép và dán” từ các bộ quy tắc của các tòa án cấp dưới. Trong trường hợp không có bất kỳ hệ thống thực thi nào, “làm sao công chúng có thể tin tưởng rằng họ sẽ làm bất cứ điều gì ngoài việc bao che cho nhau, đạo đức nằm ở đâu?”.
Bà Caroline Ciccone, Chủ tịch nhóm giám sát phi đảng phái Accountable.US nói rằng nếu không có cơ chế thực thi rõ ràng, “quy tắc ứng xử này chỉ là một chiêu trò PR để xoa dịu công chúng Mỹ vì họ yêu cầu Tòa án tối cao phải làm tốt hơn”.
Những bê bối về đạo đức bao trùm Tòa án tối cao đã xuất hiện vào tháng 4 khi tổ chức báo chí phi lợi nhuận ProPublica công bố một loạt báo cáo gây chấn động vạch trần những chuyến du lịch và kỳ nghỉ quốc tế xa hoa mà thẩm phán Clarence Thomas được hưởng từ sự hào phóng của nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa Harlan Crow. Các báo cáo sau đó tiết lộ rằng Crow đã trả học phí cho cháu nội của ông Thomas. Một thẩm phán bảo thủ khác là ông Samuel Alito cũng bị dính vào các bê bối về đạo đức sau khi ProPublica tiết lộ ông này đã bay trên một chiếc máy bay riêng thuộc sở hữu của tỷ phú Paul Singer trong một chuyến đi nghỉ.
Trong các quy tắc ứng xử vừa công bố, có một phần quy định khi nào các thẩm phán nên rút lui khỏi các vụ án. Cụ thể là các thẩm phán phải tự loại mình khỏi vụ án khi vợ hoặc chồng mình có “lợi ích có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi kết quả của quá trình tố tụng”. Vào tháng 1/2022, Tòa án tối cao đã bác bỏ yêu cầu của ông Donald Trump với số phiếu 8 chống, 1 thuận về việc ngăn chặn giao hồ sơ Nhà Trắng cho cơ quan điều tra của Hạ viện về cuộc nổi dậy ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol. Phiếu thuận duy nhất là của ông Thomas. Bà Ginni Thomas, vợ của ông này, cũng là người đã tích cực tham gia vào các tác động tới kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.
Một điều khoản khác trong bộ quy tắc ứng xử nói rằng “một thẩm phán không được phát biểu tại một sự kiện được tài trợ bởi hoặc liên quan đến một đảng chính trị hoặc một chiến dịch tranh cử chức vụ chính trị”, nói thêm rằng một thẩm phán không nên “cố ý làm diễn giả, khách mời danh dự hoặc xuất hiện trong chương trình” của một “sự kiện gây quỹ”.
Vào tháng 9, tổ chức báo chí ProPublica tiết lộ rằng Thomas đã là người thu hút ít nhất 2 sự kiện nhằm tài trợ cho mạng lưới cánh hữu của các ông trùm năng lượng, anh em nhà Koch. Báo cáo “bom tấn” mới nhất của ProPublica cho thấy ông Thomas có liên quan với hội nghị thượng đỉnh các nhà tài trợ Koch tại Bohemian Grove, một khu nghỉ dưỡng dành riêng cho nam giới ở bang California. Báo cáo cho biết ông Thomas đã không công khai những món quà hào phóng từ các nhà tài trợ thường xuyên có vấn đề phải ra tòa. Các tờ báo bao gồm New York Times và Politico cũng đã đưa tin về mối liên hệ giữa ông Thomas và vợ ông với các nhà hoạt động và nhà tài trợ có ảnh hưởng.
Báo cáo mới của ProPublica cho biết ông Thomas đã tham dự các sự kiện của Koch ít nhất 2 lần, đặt ông ta “vào vị trí đặc biệt khi đóng vai trò là người thu hút gây quỹ cho một mạng lưới đã đưa các vụ án ra tòa án tối cao, bao gồm cả một trong những vụ án được theo dõi chặt chẽ nhất trong nhiệm kỳ sắp tới”. Đó là vụ án Loper Bright Enterprises kiện Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo. Vụ án liên quan đến quyền của các cơ quan liên bang trong việc quản lý các doanh nghiệp trong các lĩnh vực bao gồm quyền lao động, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng.
Với động thái mới từ Bộ Tài chính Mỹ, nhiều công ty vận tải, thậm chí cả một số nước sẽ phải cân nhắc kỹ việc hợp tác với Nga trong ngành dầu khí.
Ngày 17/11, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 3 công ty vận tải biển có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và 3 tàu thuộc sở hữu những doanh nghiệp này vì đã giúp dầu của Nga đã bán vượt mức giá trần do các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7) đặt ra.
Theo giới quan sát, do mục tiêu giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Moskva chưa đạt được, nên Washington buộc phải dùng đến biện pháp cứng rắn nhằm đạt được mục đích.
Các pháp nhân nói trên bị cáo buộc giúp xuất khẩu dầu thô của Nga bán với mức giá trên 60 USD/thùng (ngưỡng giới hạn phương Tây tự đưa ra).
Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các chủ tàu đã sử dụng “dịch vụ của người Mỹ trong việc vận chuyển dầu thô có nguồn gốc từ Nga”.
Trước đây, OFAC chịu trách nhiệm giám sát, phát hiện và trừng phạt các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt, họ đã áp đặt các hạn chế đối với một số công ty Thổ Nhĩ Kỳ cũng như một số thực thể châu Âu và châu Á.
Địa lý chính trị và kinh tế của những biện pháp trừng phạt không ngừng mở rộng; các hạn chế đã bao trùm gần như toàn bộ thế giới, đặc biệt nếu nhìn vào số lượng các lệnh cấm vận và dân số của những nước phải hứng chịu.
Ngoài ra bây giờ các biện pháp trừng phạt cũng ảnh hưởng đến cư dân Mỹ kinh doanh ở nước ngoài.
Với bước đi này, Bộ Tài chính và Washington nói chung đã cho thấy rằng không có giới hạn nào đối với cuộc chiến thương mại.
Các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với cả đồng minh và đối thủ, áp đặt lên cả những cá nhân và công ty, như một phương tiện trừng phạt hoặc khen thưởng, ở bên kia đại dương và ngay tại quê nhà.
Theo một số chuyên gia, Nhà Trắng đơn giản là không thể dừng lại, khi họ đã đánh mất những phương thức liên lạc cũng như đàm phán hiệu quả hơn với phía đối phương, trong đó có phương pháp ngoại giao..
Việc tái xuất khẩu dầu Nga của Ấn Độ đang sụt giảm một cách nhanh chóng.
Nguồn: VietnamBiz; Soha; CAND; CafeF
Người Nga chán ô tô TQ; Mì ăn liền xâm lược toàn cầu; Từ bỏ 'giấc mơ Mỹ'; Nga chặn loạt UAV; Mong manh thỏa thuận liên Triều
Mỹ: Thu lượng hàng giả 1,3 tỷ đô; Lạm phát tăng chậm; Trump thắng kiện; Biden-Tập gặp mặt; Bí mật cấp vũ khí cho Israel
Cuộc đua ắc quy muối; TQ & 'đồng xu carbon'; Nga không chỉ muốn là Ukraine; Tương lai nào cho Gaza; Israel không kích Syria
1 tỷ người Ấn nín thở chờ đợi; Lạm phát tăng ở Nhật; Gaza tiếp tục giao tranh; Nga tập kích Avdiivka; Nội bộ OPEC+ bất đồng?
Mỹ: Cuộc chiến Tesla & Toyota; 'Pháo đài' chặn xe điện TQ; 'Soi' quỹ tài sản Trung Đông; 'Đùa với lửa'; IPEF xoay trục châu Á
Mỹ: Doanh số xe điện thấp; Kinh tế hạ cánh mềm; Thảm cảnh trung tâm mua sắm; Sa vào bẫy do TQ tạo ra; Gửi viện trợ cho Gaza
Mỹ: Hàng không gặp sự cố; Bán lẻ giảm giá; Giảm quyên góp thực phẩm; Buộc Ukraine đàm phán; Quân đội được 'khai sáng'
Mông Cổ chật vật tìm cỏ; Ngành mỹ phẩm lao đao; Avdeevka căng thẳng; Cuộc vượt sông Dnipro; Ngày đẫm máu ở Gaza
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá