Mỹ: 'Bạn gái AI' hủy hoại đàn ông; Trump được phép tranh cử; Ngó lơ viện trợ Ukraine; Thỏa thuận hạt nhân ở ĐNA

'Bạn gái AI' hủy hoại cả thế hệ đàn ông Mỹ?

(Ảnh minh họa).

Các chuyên gia cảnh báo sự trỗi dậy của các 'bạn gái AI', những 'nhân vật ảo' được trí thông minh nhân tạo (AI) tổ hợp, đang gieo rắc "đại dịch cô đơn" cho toàn bộ thế hệ đàn ông trẻ tuổi ở Mỹ.

"Bạn gái AI" sẽ gây nên cuộc khủng hoảng dân số Mỹ trong tương lai?

Nghe có vẻ khó tin, nhưng ông Liberty Vittert, giáo sư khoa học dữ liệu của Đại học Washington (Mỹ), đã thận trọng cảnh báo rằng nguy cơ này đang ở ngay trước mắt.

Hãy thử tưởng tượng: hàng triệu người dùng tiếp cận các ứng dụng cho phép tạo ra bạn gái 'ảo'. Cô gái này có thể trò chuyện với bạn, thân mật với bạn, cho phép bạn trải nghiệm mọi giấc mơ dù là cuồng loạn nhất. Không những thế, bạn gái này còn có thể học - thông qua dữ liệu - để biến thành một nhân vật bạn yêu thích và tạo ra mối quan hệ "hoàn hảo". Bạn có sẵn sàng hẹn hò với một bóng hình như vậy, thay vì tìm kiếm một mảnh ghép thực sự hay không?

Đây cũng chính là mô tả của giáo sư Vittert về "bạn gái AI". "Bạn gái" này có hấp lực đặc biệt. Người dùng có thể kết nối với "người phụ nữ nóng bỏng được đo ni đóng giày cho riêng mình" - một cô bạn gái lúc nào cũng lắng nghe, cảm kích và thủ thỉ những lời ngọt ngào.

Theo giáo sư Vittert, điều này là do AI nắm bắt được mọi phản ứng của người dùng, cho phép "bạn gái" nói "đúng lời đúng lúc". Sự xuất hiện của "bạn gái AI" cũng trùng vào thời điểm một loại "đại dịch" đang âm thầm diễn ra - đó là sự cô đơn, đặc biệt là đối với thế hệ đàn ông trẻ ở Mỹ hiện tại.

Thống kê cho thấy hơn 60% đàn ông trẻ (tuổi từ 18-30) đang độc thân, so với 30% số phụ nữ ở cùng độ tuổi. Cứ 5 đàn ông Mỹ có 1 người thừa nhận không có hề có bạn thân, tăng gấp 4 lần trong 30 năm qua. Số thời gian giao tiếp xã hội với bạn bè giảm đến 20 giờ/tháng và vẫn đang trên đà lao dốc.

Giáo sư Vittert cho hay những người đàn ông trẻ đang cô đơn đã quyết định chọn "bạn gái AI" thay vì bạn gái thật, mang đến hậu quả nghiêm trọng cho tương lai của nước Mỹ, vì họ không gặp gỡ phụ nữ thật, không kết hôn và sinh con.

Trong khi đó, nước Mỹ lại rất cần người dân sinh thêm con. Số ca sinh ở Mỹ trong năm 2023 dự kiến sẽ thấp hơn 600.000 ca so với cách đây 15 năm. Số con trung bình của mỗi phụ nữ Mỹ giảm hơn 50% trong vòng 60 năm.

Và trong tương lai, tình trạng "bạn gái AI" sẽ không chỉ dừng lại ở Mỹ mà còn lan rộng ra toàn thế giới.

Ông Trump ‘tham gia nổi dậy’, nhưng sẽ được tranh cử

Đài CNN ngày 18.11 đưa tin một thẩm phán tại bang Colorado (Mỹ) vừa bác bỏ đơn kiện đề nghị ngăn cựu Tổng thống Donald Trump tranh cử sơ bộ tại bang này. Trước đó, đơn kiện cho rằng do ông liên quan vụ nổi dậy ngày 6.1.2021 nên nếu đắc cử và giữ chức Tổng thống sẽ là vi hiến.

Phán quyết do thẩm phán Sarah Wallace đưa ra sau khi thẩm phán tại các bang Minnesota và Michigan cũng bác bỏ các đơn kiện tương tự. Ba vụ kiện này vốn thu hút tài trợ từ nhiều nhóm nhưng đến nay đều thất bại trong nỗ lực chặn ông Trump tranh cử tại cuộc bầu cử sơ bộ.

Dù bà Wallace nhận định “ông Trump tham gia một vụ nổi dậy hôm 6.1.2021 thông qua việc kích động”, nhưng cũng cho rằng “lệnh cấm đối với những kẻ nổi dậy” theo Tu chính án thứ 14 không áp dụng đối với các tổng thống.

Khoản 3 của Tu chính án số 14, được phê chuẩn năm 1868, có đoạn: “Những ai với tư cách là thành viên của Quốc hội, hoặc một quan chức Mỹ, hoặc một thành viên của một cơ quan lập pháp của bang, hoặc quan chức hành chính hay tư pháp của bất kỳ tiểu bang nào, đã tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp Mỹ, nhưng sau đó lại tham gia các cuộc nổi dậy hay phiến loạn chống lại Hiến pháp” sẽ bị cấm giữ các vị trí trong chính quyền.

Điều khoản này rõ ràng cấm những người nổi dậy làm thượng nghị sĩ, đại diện và thậm chí cả đại cử tri, nhưng không nói đến tổng thống. Điều khoản này cũng không đề cập văn phòng tổng thống.

“Sau khi xem xét lập luận của 2 bên, tòa án bị thuyết phục rằng ‘các quan chức của Mỹ’ không bao gồm Tổng thống Mỹ. Tòa án thấy rằng vì bất kỳ lý do gì đi nữa, những người soạn thảo Khoản 3 không có ý định bao gồm người đã đọc lời tuyên thệ tổng thống”, theo bà Wallace.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng những vụ việc trên sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ. Nhưng trước khi đó, các cử tri và một tổ chức giám sát đã nộp đơn kiện tại Colorado có thể nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Colorado.

Mỹ ngó lơ viện trợ cho Ukraine, Kiev có thể phải đợi đến 2024

(Ảnh minh họa).

Gói ngân sách bổ sung vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua không đi kèm viện trợ mới cho Ukraine và Kiev có thể phải đợi đến 2024.

Theo tờ Bloomberg , phải đến tháng sau chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đưa ra xem xét gói viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine. Việc gói ngân sách mới được ông Biden ký hôm 17/11 không bao gồm viện trợ cho Kiev một phần nào cho thấy điều này.

Viện trợ mới của Mỹ dành cho Ukraine nguy cơ bị trì hoãn đến giữa tháng 12 hoặc có thể lâu hơn. Điều này càng dấy lên những nghi ngờ về khả năng duy trì nguồn cung vũ khí mà chính quyền Biden cam kết với chính phủ Ukraine.

Bloomberg dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết, Washington bắt đầu hạn chế dòng viện trợ quân sự cho Kiev vì thiếu nguồn lực.

Trước sức ép từ các thành viên Đảng Cộng hòa, Quốc hội Mỹ có thể phải đến 2024 mới xem xét gói viện trợ mới cho Ukraine. Thậm chí người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby còn đưa ra cảnh báo rằng nguồn lực viện trợ cho Ukraine đã đạt tới giới hạn cuối cùng.

“Xung đột ngày càng leo thang và khả năng tiếp tục hỗ trợ Ukraine của chúng tôi đang đạt tới ngưỡng giới hạn” , ông John Kirby nhấn mạnh.

Báo cáo của Bloomberg được đưa ra sau khi nguy cơ đóng cửa của chính phủ Mỹ được ngăn chặn trong phút chót vào ngày 16/11 (theo giờ địa phương), khi Tổng thống Joe Biden ký thành luật một dự luật chi tiêu tạm thời trước hạn chót vào 0h 17/11.

Michael Maloof, cựu nhà phân tích chính sách an ninh cấp cao của Lầu Năm Góc, nói với Sputnik rằng, gói ngân sách bổ sung không bao gồm các yêu cầu viện trợ cho Ukraine và Israel. Điều này có nghĩa các quốc gia này sẽ không sớm nhận được thêm viện trợ từ Mỹ.

Khi được hỏi làm cách nào Ukraine có thể kiếm được tiền để thay thế sự hỗ trợ của Mỹ, ông Maloof cho biết, Kiev nên học cách sử dụng tiết kiệm ngân sách hiện có.

Đầu tháng này, ông Kirby cho biết Mỹ đã sử dụng gần 96% số tiền được phân bổ cho chính quyền Kiev kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

“Chúng tôi sử dụng khoảng 96% chương trình viện trợ và hơn 90% quỹ bổ sung hỗ trợ an ninh cho Ukraine”, ông Kirby nói.

Các nước phương Tây đã cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch đặc biệt, trong đó Mỹ là nhà tài trợ chính. Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng điều này sẽ chỉ làm leo thang và kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine.

Mỹ ký thỏa thuận hạt nhân bước ngoặt với quốc gia Đông Nam Á

Thỏa thuận cho phép Mỹ xuất khẩu công nghệ và vật liệu hạt nhân sang quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.

Theo Reuters, Mỹ và Philippines ngày 17/11 đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về hạt nhân dân sự, tạo điều kiện để 2 nước tăng cường hợp tác về an ninh năng lượng sạch.

Thỏa thuận, được ký bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố San Francisco, Mỹ, cho phép Washington xuất khẩu công nghệ và vật liệu hạt nhân sang Philippines.

Lễ ký kết có sự hiện diện của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Năng lượng Philippines Raphael P. M. Lotilla.

"Chúng tôi nhận thấy năng lượng hạt nhân đang trở thành một phần trong cơ cấu năng lượng của Philippines từ nay tới năm 2032. Chúng tôi vui mừng được đi trên con đường này cùng với Mỹ", Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố. "Năng lượng hạt nhân là một lĩnh vực mà chúng tôi có thể cho thấy mối quan hệ liên minh và đối tác Philippines - Mỹ thực sự hiệu quả".

"Mỹ sẽ có thể chia sẻ thiết bị và vật liệu với Philippines khi Manila nỗ lực phát triển các lò phản ứng nhỏ và cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân dân sự khác", Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói trong lễ ký kết ngày 17/11.

Theo thỏa thuận, chính phủ Mỹ và Philippines phải duy trì tiêu chuẩn cụ thể với nhiều hạng mục được áp dụng trong các chương trình năng lượng hạt nhân dân sự. Thỏa thuận dù đã được đôi bên ký kết nhưng phải trình lên Quốc hội Mỹ phê duyệt.

Theo Reuters, Philippines muốn khai thác năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng thay thế khả thi khi Manila hướng đến dừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện để đạt được mục tiêu về khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng. Quốc gia Đông Nam Á dễ bị ảnh hưởng bởi giá dầu toàn cầu biến động, tình trạng mất điện theo mùa và giá điện cao.

Nguồn: Thanh Niên; Việt Nam; Soha; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang