- Thời sự
- Thế giới
Nhà Trắng đã chỉ trích tỷ phú Elon Musk vì đăng lại một "lời nói dối xấu xa" về người Do Thái, sau khi ông chủ mạng xã hội X tỏ ra ủng hộ một bài đăng chống Do Thái trên nền tảng này.
Hôm 15/11, ông Musk đã phản hồi một bài đăng nói về thuyết âm mưu chống Do Thái, cho rằng nội dung trong đó là là "sự thật có thật".
Ông Musk đã phủ nhận rằng bài đăng này có tính chất bài Do Thái.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết sự tán thành của ông đối với bài đăng khiến cộng đồng mạng phẫn nộ cho rằng "không thể chấp nhận được".
“Chúng tôi lên án hành động cổ suý đáng ghê tởm cho lòng căm thù bài Do Thái và phân biệt chủng tộc bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất”, phát ngôn viên Nhà Trắng Andrew Bates cho biết.
Ông lưu ý rằng bài đăng mà ông Musk đã trả lời đề cập đến một thuyết âm mưu khiến một người đàn ông giết 11 người tại giáo đường Do Thái ở Pittsburgh vào năm 2018.
“Không thể chấp nhận được việc đăng lại lời nói dối ghê tởm đằng sau hành động bài Do Thái chết chóc nhất trong lịch sử Mỹ vào bất kỳ lúc nào, chứ đừng nói đến rằng diễn ra một tháng sau ngày chết chóc nhất với người Do Thái kể từ thảm kịch Holocaust”, ông Bates nhắc đến cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas vào Israel.
Giám đốc điều hành X Linda Yaccarino đã viết trong một bài đăng trước đó rằng công ty đã "cực kỳ rõ ràng về những nỗ lực của chúng tôi trong việc chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và phân biệt đối xử. Không có chỗ cho chuyện đó ở bất kỳ đâu trên thế giới - đó là chuyện xấu xa và sai trái".
Hôm 15/11, ông Musk đã chia sẻ một bài đăng cáo buộc cộng đồng Do Thái, khơi dậy "sự căm thù đối với người da trắng", cũng như có ý chống người nhập cư, cho rằng tác giả bài viết đang "nói lên sự thật".
Bài đăng dường như là sự chứng thực cho một thuyết âm mưu phân biệt chủng tộc và chống Do Thái được gọi là "diệt chủng người da trắng", lập luận rằng người Do Thái âm mưu một cách có hệ thống nhằm khuyến khích những người "không phải da trắng" nhập cư sang các nước phương Tây nhằm "loại bỏ" chủng tộc da trắng.
Zahed Amanullah, thành viên cấp cao tại Viện Đối thoại Chiến lược có trụ sở tại London, nói với BBC rằng bài đăng ban đầu mà ông Musk phản hồi đã "sử dụng ngôn ngữ cụ thể đã được sử dụng trong quá khứ để biện minh cho các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào giáo đường Do Thái".
Thuyết âm mưu đã thúc đẩy một kẻ sát nhân hàng loạt bước vào giáo đường Tree of Life ở Pittsburgh vào năm 2018 và bắn chết 11 tín đồ.
Ông Musk phủ nhận mình bài Do Thái và sau đó cho biết những bình luận của ông không đề cập đến toàn bộ người Do Thái mà đề cập đến các nhóm như Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL) và các "cộng đồng Do Thái" không xác định khác.
"Vào thời điểm chủ nghĩa bài Do Thái đang bùng nổ ở Mỹ và lan rộng khắp thế giới, việc sử dụng ảnh hưởng của mình để xác nhận và thúc đẩy các lý thuyết bài Do Thái là điều nguy hiểm không thể chối cãi", giám đốc điều hành ADL Jonathan Greenblatt đăng.
Tranh cãi về chủ nghĩa bài Do Thái xảy ra khi một số công ty lớn đã ngừng chạy quảng cáo trên X, trước đây gọi là Twitter, trích dẫn nội dung cực đoan trên mạng xã hội.
Hãng IBM đã ngừng chi tiền cho quảng cáo sau khi có báo cáo từ cơ quan giám sát truyền thông cánh tả cho biết nội dung của họ được đặt bên cạnh các bài đăng ca ngợi Adolf Hitler và Chủ nghĩa Quốc xã. Apple sau đó cho biết họ cũng sẽ dừng việc chạy quảng cáo trên nền tảng này, Axios đưa tin.
X nói với BBC hôm 16/11 rằng quảng cáo không được cố tình đặt bên cạnh các nội dung cực đoan, rằng các tài khoản quảng bá cho Đức Quốc xã sẽ không kiếm được tiền từ quảng cáo và các bài đăng cụ thể sẽ bị gắn nhãn "nội dung nhạy cảm".
Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu đã yêu cầu các bộ phận của mình ngừng chạy quảng cáo trên X vì lo ngại về thông tin sai lệch liên quan đến cuộc chiến Israel-Hamas, theo báo cáo của Politico.
Trên nền tảng hôm 17/11, ông Musk không trực tiếp đưa ra các tuyên bố của mình mà chỉ trích Media Matters và bấm phản hồi ủng hộ các bài đăng khác chỉ trích IBM và "truyền thông".
Tỷ phú này đã nhiều lần đăng lại các thuyết âm mưu và cũng chỉ trích các cơ quan giám sát truyền thông xã hội - bao gồm ADL và các nhóm khác - vì chỉ trích những thay đổi kiểm duyệt nội dung của ông tại X.
X tuyên bố rằng họ có các biện pháp kiểm soát an toàn thương hiệu mạnh mẽ hơn các mạng xã hội khác và những phát ngôn thù hận cũng như chủ nghĩa cực đoan đã giảm trên nền tảng này bất chấp sự cắt giảm lớn đối với đội ngũ kiểm duyệt của công ty. Một số nhóm bên ngoài không đồng ý với đánh giá của X và nói rằng chủ nghĩa cực đoan cũng như phát ngôn thù hận đã gia tăng dưới sự lãnh đạo của ông Musk.
Đầu năm nay, ông Musk đã đe dọa kiện ADL, cho rằng họ đang "cố gắng bóp chết nền tảng này bằng cách cáo buộc sai trái rằng tôi và mạng xã hội này bài Do Thái". Ông đổ lỗi cho các nhóm gây áp lực, chứ không phải thông tin sai lệch và các bài đăng cực đoan, đã khiến doanh thu quảng cáo giảm mạnh kể từ khi ông tiếp quản X.
Trong khi vị tỷ phú không thực hiện được lời đe dọa của mình đối với ADL, công ty đã kiện một nhóm nghiên cứu và chiến dịch khác, Trung tâm chống lại sự thù hận kỹ thuật số (CCDH).
Hôm 16/11, CCDH đã đệ đơn kiến nghị bác bỏ vụ kiện theo luật chống "các vụ kiện chiến lược chống lại sự tham gia của công chúng" - SLAPP của California, gọi vụ kiện X là "một nỗ lực nhằm kiểm duyệt, đe dọa và làm im lặng".
Bộ Tài chính Mỹ hôm 16/11 áp lệnh trừng phạt lên các hãng vận tải biển và tàu nhận chở dầu Nga có giá vượt trần của G7.
Trong thông báo, Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ trừng phạt 3 công ty có trụ sở ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và 3 tàu dầu do họ sở hữu. Đó là Kazan Shipping Incorporated, Progress Shipping Company Limited và Gallion Navigation Incorporated. 3 tàu dầu bị nêu tên là Kazan, Ligovsky Prospect và NS Century.
Giới chức Mỹ cáo buộc các tàu này tham gia vào hoạt động chở dầu thô Nga có giá bán trên 60 USD một thùng. Các tàu được cho là sử dụng dịch vụ của người Mỹ khi vận chuyển dầu thô có nguồn gốc từ Nga.
G7 và Australia năm ngoái thống nhất áp trần giá bán dầu Nga tại 60 USD một thùng. Mục tiêu là hạn chế nguồn thu của Nga từ xuất khẩu dầu thô, sau khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Lệnh cấm yêu cầu các công ty phương Tây không cung cấp dịch vụ bảo hiểm, cho vay và vận chuyển cho dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển, nếu giá bán trên 60 USD một thùng. Giới chức lý giải rằng lệnh cấm này sẽ vẫn giúp dầu thô Nga được đưa ra thị trường, nhưng hạn chế được nguồn thu từ xuất khẩu dầu của nước này.
Dù trần giá đã được áp dụng gần một năm, việc giá dầu năm nay tăng cao và số công ty sẵn sàng chở dầu Nga tăng lên cũng đồng nghĩa phần lớn dầu Nga hiện được giao dịch trên giá trần.
"Các hãng vận tải biển và tàu dầu tham gia vận chuyển dầu Nga, nhưng lại sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp thuộc các nước tham gia áp trần. Họ cần hiểu rằng chúng tôi sẽ buộc họ phải tuân thủ", Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết trong thông báo.
Theo lệnh trừng phạt, các tài sản ở Mỹ của các công ty trên sẽ bị phong tỏa. Người Mỹ cũng sẽ bị cấm giao dịch với những doanh nghiệp này.
Giá dầu Brent năm nay có thời điểm tiến sát 100 USD, do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) siết cung. Việc này đã hạn chế tác động của giá trần. Dù vậy, nguồn tin thân cận của Reuters cho biết các nước có thể siết thêm quy định để giá trần hiệu quả hơn.
Theo báo cáo đầu tuần này của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga giảm 70.000 thùng mỗi ngày trong tháng 10, về 7,5 triệu thùng một ngày.
Họ ước tính nguồn thu từ xuất khẩu của Nga giảm 25 triệu USD, về 18,34 tỷ USD. Dù vậy, giá dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga chủ yếu vẫn trên giá trần.
Đối mặt với sự lựa chọn có thể xảy ra giữa ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa hoặc ông Joe Biden của Đảng Dân chủ trong cuộc đua tổng thống năm 2024, nhiều người Mỹ đang khao khát những gương mặt trẻ hơn, ít gây chia rẽ hơn.
Một thị trường rộng lớn và có tiềm năng mang lại kết quả cho các ứng cử viên bên thứ ba - một thị trường chưa từng thấy kể từ những năm 1990 - là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng ở ông Trump và ông Biden, hai đảng lớn có khả năng sẽ đề cử những ứng cử viên không được ưa chuộng một cách bất thường.
Cuộc tái đấu tiềm năng của họ diễn ra khi đất nước đang vật lộn với nỗi lo kinh tế, sự chia rẽ chính trị sâu sắc, cuộc tấn công gây tranh cãi của Israel vào Gaza và những lời kêu gọi rộng rãi về một thế hệ lãnh đạo mới của Mỹ.
Theo một cuộc thăm dò gần đây của Viện Gallup, khoảng 63% người trưởng thành ở Hoa Kỳ đồng ý với tuyên bố rằng Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ “kém cỏi” trong việc đại diện cho người dân Mỹ đến mức “cần có một đảng lớn thứ ba”. Tỷ lệ này tăng 7 điểm phần trăm so với một năm trước và là mức cao nhất kể từ khi Viện Gallup lần đầu tiên đặt câu hỏi vào năm 2003.
Cả ông Biden và ông Trump đều phải đối mặt với những thách thức chính nhưng dự kiến sẽ trở thành ứng cử viên của đảng họ vào năm 2024, bất chấp những lo ngại sâu sắc về tuổi tác của ông Biden và hàng loạt cáo trạng hình sự liên bang và tiểu bang mà ông Trump đang đối mặt.
Chưa có ứng cử viên bên thứ ba nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thời hiện đại, mặc dù đôi khi họ đóng vai trò là kẻ phá hoại bằng cách lấy phiếu bầu từ các ứng cử viên của các đảng lớn.
Năm 1992, doanh nhân tỷ phú Ross Perot đã giành được 19% số phiếu bầu, được cho là đã chuyển Toà Bạch Ốc sang ứng viên đảng Dân chủ Bill Clinton thay vì Tổng thống đương nhiệm George H.W. Bush.
Nhà hoạt động chính trị Ralph Nader giành được ít hơn 3% sự ủng hộ vào năm 2000 nhưng đã lấy đủ số phiếu từ ứng cử viên Đảng Dân chủ Al Gore ở Florida để mang lại chiến thắng cho George W. Bush ở bang này và cùng với đó là Tòa Bạch Ốc.
Giờ đây, một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy Robert F. Kennedy Jr., hậu duệ của triều đại Đảng Dân chủ, người đã phát động cuộc tranh cử tổng thống độc lập vào tháng 10, có thể giành được 20% trong cuộc cạnh tranh tay ba với ông Biden và ông Trump.
Ông Kennedy được hỗ trợ bởi SuperPac “American Values 2024”, tổ chức đã huy động được hơn 17 triệu đô cho nỗ lực tranh cử của ông từ một số nhà tài trợ có túi tiền dồi dào, bao gồm cả một người ủng hộ ông Trump trước đây.
“American Values 2024” hôm 14/11 đã tổ chức một sự kiện nhắm đến các cử tri Da đen và La tinh ở Manhattan, thu hút khoảng 40 người, trong đó có một số người không biết các chính sách cốt lõi của ông Kennedy nhưng nói rằng họ đánh giá cao tiềm năng đột phá của ông.
“Chúng tôi tìm kiếm một kẻ nổi loạn kể từ thời ông Barack Obama. Chúng tôi nghĩ ông ấy là một kẻ nổi loạn, sau đó chúng tôi nghĩ ông Bernie Sanders là một kẻ nổi loạn. Sau đó, chúng tôi nghĩ ông Trump là một kẻ nổi loạn. Bây giờ, tất nhiên, chúng tôi biết, ông RFK là một kẻ nổi loạn,” ông Larry Sharpe, cựu ứng cử viên Đảng Tự do cho chức thống đốc New York, người đã tham dự sự kiện này, nói.
Cả hai đảng đều bày tỏ lo ngại về nỗ lực của ông Kennedy. Đảng Dân chủ lo ngại giòng họ nổi tiếng của ông và các chính sách ủng hộ môi trường, chống doanh nghiệp sẽ gây được tiếng vang với một số cử tri của họ. Đảng Cộng hòa lo ngại quan điểm chống vắc-xin và sự nổi tiếng của ông trên các nền tảng bảo thủ có thể thu hút sự ủng hộ của cử tri.
Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos và những cuộc thăm dò khác cho thấy ông Kennedy thu hút khá ngang bằng các đảng viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ trong cuộc đua ba bên. Tuy nhiên, đảng Dân chủ không xem nhẹ chuyện gì cả.
Ông Matt Bennett, người đồng sáng lập tổ chức trung tả Dân chủ Third Way, nói: “Quan điểm chung của chúng tôi là bất cứ điều gì gây chia rẽ liên minh chống Trump đều là xấu. Và vì vậy, bất kỳ lựa chọn nào bạn đưa ra cho những cử tri đơn giản là không thể bỏ phiếu cho ông Trump, ngoài Joe Biden, đều có vấn đề”.
Ông Tony Lyons, người đồng sáng lập “American Values 2024” nói với Reuters rằng ông Kennedy không nên bị coi là mối nguy hiểm đối với chỉ ông Biden hay chỉ ông Trump. Ông Lyons nói tại sự kiện ở Manhattan: “Ông ấy là mối nguy hiểm cho hệ thống hai đảng tham nhũng đang không làm những việc để giúp đỡ những người trong căn phòng này”.
Phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump, Steven Cheung, nói: “Các cuộc thăm dò cho thấy Tổng thống Trump hoàn toàn đè bẹp ông Joe Biden ngay cả khi có các ứng cử viên khác có mặt, cả trên toàn quốc và ở các tiểu bang chiến trường.”
Chiến dịch tranh cử của ông Biden từ chối bình luận.
‘Mọi người muốn có lựa chọn tốt hơn’
Trong khi tiền đang chảy vào các lựa chọn thứ ba, ông Biden và ông Trump thậm chí còn huy động được nhiều hơn. Tổng thống và các đồng minh của ông đã thu về 71 triệu đô la trong quý vừa qua và ông Trump đã huy động được 45,5 triệu đô la.
No Labels, một nhóm chính trị bên thứ ba, đã huy động được 60 triệu đô la cho năm 2024 và đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu ở 12 tiểu bang, bao gồm cả các tiểu bang chiến trường Arizona, Nevada và North Carolina – mà không có ứng cử viên nào tại chỗ.
Ông Ryan Clancy, chiến lược gia trưởng của No Labels, một nhóm lưỡng đảng đang nỗ lực tranh cử tổng thống đầu tiên sau vài năm ủng hộ các ứng cử viên ôn hoà trong Quốc hội, nói: “Chúng tôi đã cố gắng nắm bắt nhịp đập của cử tri trong hai năm qua và vẫn là một điều rằng mọi người muốn có những lựa chọn tốt hơn”.
Nhóm này đang ve vãn cựu Thống đốc Đảng Cộng hòa Larry Hogan của Maryland và Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Joe Manchin, một đảng viên Đảng Dân chủ bảo thủ đến từ Tây Virginia, người gần đây đã tuyên bố sẽ không tái tranh cử vào Thượng viện.
Khi được hỏi liệu ông có cân nhắc việc vào Toà Bạch Ốc hay không, ông Manchin ngày 15/11 nói với NBC News: “Tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ đất nước của mình”.
Ông Clancy cho biết No Labels lên kế hoạch tổ chức đại hội đề cử vào tháng 4 và sẽ chọn một liên danh tổng thống nếu trận tái đấu Biden-Trump là không thể tránh khỏi và nếu họ tin rằng các ứng cử viên của mình có thể giành chiến thắng.
Các ứng cử viên bên thứ ba khác được coi là ít đe dọa hơn. Ông Cornel West, một triết gia và nhà lãnh đạo xã hội Da đen, cũng đang tranh cử với tư cách là một người độc lập và hy vọng thương hiệu chính trị tiến bộ trực tiếp của ông sẽ ảnh hưởng đến cuộc tranh luận năm 2024.
Bà Jill Stein gần đây đã thông báo rằng bà sẽ một lần nữa tranh cử vào Toà Bạch Ốc với tư cách là ứng cử viên Đảng Xanh. Cả ông West và bà Stein đều dự kiến sẽ nhận được một tỷ lệ phiếu bầu không đáng kể và sẽ phải vật lộn để có tên trong danh sách phiếu bầu của các tiểu bang.
Cuộc đua giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng tại châu Á-Thái Bình Dương đã làm nóng Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra tại San Francisco, Mỹ.
Sau cuộc gặp trực tiếp kéo dài 4 giờ, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều gửi đi thông điệp về cam kết quản lý căng thẳng một cách có trách nhiệm và hành động vì sự phát triển chung của toàn khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30, Tổng thống Joe Biden đã gửi đi thông điệp rõ ràng về vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực, trong bối cảnh rủi ro toàn cầu gia tăng do tác động của các cuộc xung đột tại châu Âu và Trung Đông, cũng như quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch vẫn còn mong manh.
Theo Tổng thống Joe Biden, Mỹ luôn tìm cách quản lý mối quan hệ với Trung Quốc một cách có trách nhiệm và một mối quan hệ ổn định giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ tốt cho 2 nước, mà còn cho cả thế giới.
Ông Biden nói: "Thông điệp mà tôi muốn gửi đến tất cả các bạn ở đây ngày hôm nay là các bạn có thể tin cậy vào Mỹ. Chúng tôi đang thực hiện lời hứa của mình và chúng tôi đang tăng gấp đôi tiến độ của mình. Chúng tôi sẽ sớm trở thành đối tác mạnh mẽ và ổn định khi chúng tôi tiếp tục hợp tác để hiện thực hóa khu vực Châu Á Thái Bình Dương tự do và cởi mở, thịnh vượng và an toàn, kiên cường và kết nối".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 16/11 cũng có cuộc gặp mặt với các doanh nghiệp Mỹ. Tại đây, ông Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc là một đối tác tin cậy, luôn mở rộng cửa đón đầu tư quốc tế và không có ý định “gây hấn” với bất kỳ quốc gia nào. Trở lại Mỹ vào thời điểm quan hệ hai nước đang rơi xuống mức thấp, cũng giống như Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình cố gắng chứng minh hai nền kinh tế hàng đầu “tuy có liên hệ phức tạp và là đối thủ cạnh tranh với nhau, nhưng đôi bên sẽ cố gắng kềm chế, tránh để tình hình xấu đi thêm, ảnh hưởng đến ổn định, thịnh vượng chung của toàn cầu”.
Lập trường cũng được Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định trước đó: "Cuộc gặp ở San Francisco là cuộc gặp quan trọng nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, giảm bớt nghi ngờ, giải quyết những khác biệt và mở rộng hợp tác cho mối quan hệ Trung - Mỹ, đồng thời cũng là cuộc gặp quan trọng nhằm mang lại sự ổn định và tăng cường sự chắc chắn cho thế giới đầy biến động và đang thay đổi này. Hai nước đã vượt qua những bãi đá ngầm và bãi cạn nguy hiểm để đến San Francisco từ Bali, một điều không hề dễ dàng”.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và APEC nói riêng luôn đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Mỹ và Trung Quốc. Nhà trắng muốn tận dụng các cơ hội tại Tuần lễ cấp cao APEC để thúc đẩy Sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như mở rộng hợp tác với các đối tác khác trong khu vực.
Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của Tổng thống Joe Biden với các nhà lãnh đạo APEC kể từ khi lên nắm quyền 2021 sẽ là thông điệp mạnh mẽ nhất về mức độ quan tâm của Mỹ đối với khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc cũng không bỏ lỡ cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh quá trình phục hồi hậu đại dịch Covid-19 đang chậm lại. Theo các nhà phân tích, “cạnh tranh nhưng không tách rời” sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo của quan hệ Mỹ-Trung thời gian tới, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu dễ bị tổn thương hơn trước các rủi ro địa chính trị.
Thương vụ bán 400 tên lửa Tomahawk và các thiết bị kèm theo cho Nhật Bản trị giá 2,35 tỉ USD được Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận.
Theo báo Japan Times ngày 18-11, Bộ Quốc phòng Mỹ đã được Bộ Ngoại giao nước này chấp thuận đề xuất bán 400 tên lửa Tomahawk và các thiết bị liên quan cho Nhật Bản.
Thương vụ bao gồm 400 tên lửa Tomahawk tối tân, 14 hệ thống điều khiển vũ khí chiến thuật Tomahawk, phần mềm, trang bị hỗ trợ, linh kiện thay thế và hỗ trợ kỹ thuật. Tổng giá trị thương vụ vào khoảng 2,35 tỉ USD.
"Bằng cách củng cố an ninh cho một đồng minh quan trọng, quốc gia đại diện cho ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thương vụ được đề xuất sẽ hỗ trợ các mục tiêu trong chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia của Mỹ", Lầu Năm Góc tuyên bố.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh thương vụ này sẽ nâng cao năng lực đối phó với các nguy cơ hiện tại và tương lai của Nhật Bản, khẳng định Tokyo sẽ không gặp khó khăn trong việc tích hợp tên lửa Tomahawk vào lực lượng vũ trang của mình.
Được phát triển từ cuối những năm 1980, tên lửa hành trình Tomahawk là vũ khí đáng gờm của quân đội Mỹ, có mặt trong hầu hết các cuộc chiến Washington góp mặt trong nhiều thập niên gần đây.
Tên lửa Tomahawk sở hữu tầm bắn lên đến 1.600km, sai số rất thấp và tốc độ hành trình 890km/h.
Dù không thuộc vào tốp đầu vũ khí lợi hại nhất, những thông số trên vẫn giúp Tomahawk đủ khả năng đánh vào các căn cứ địch từ xa.
Do đó dòng tên lửa này đã có bốn lần nâng cấp lớn, với phiên bản hiện đại nhất là Tomahawk Block-5 ra mắt năm 2021.
Việc mua tên lửa Tomahawk từ Mỹ được xem là động thái đối phó với tình hình ngày càng phức tạp trên Thái Bình Dương của Tokyo.
Tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc ngày càng hùng mạnh, căng thẳng quanh vấn đề Đài Loan và một loạt vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên đã thôi thúc Nhật Bản cố gắng tăng cường sức mạnh quân sự trong nhiều tháng qua.
Trong cuộc hội đàm tại Washington hồi tháng 10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin đã "cùng nhìn nhận" rằng Tokyo sẽ mua dòng tên lửa Tomahawk Block-4 (phiên bản nâng cấp gần mới nhất) từ Mỹ vào năm tài khóa bắt đầu từ tháng 4-2025, sớm hơn một năm so với dự kiến ban đầu.
Việc Bộ Ngoại giao Mỹ bật đèn xanh cho thương vụ trên không có nghĩa hai nước đã hoàn tất quá trình đàm phán hợp đồng. Hai bên sẽ phải hoàn thành nhiều thủ tục khác, trước khi những lô Tomahawk đầu tiên được chuyển giao cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Nguồn: BBC; Vnexpress; VOA; Soha; Tuổi Trẻ
Mỹ: Biểu tình lan rộng; Cú sốc thuế quan; ‘Giấc mơ’ tiết kiệm 2.000 tỷ đô; Thế giới chấn động vì câu nói của Trump; Những cáo buộc gian lận
‘Phòng điều chế’ ma túy; Thêm liên minh mới nổi; Indonesia cấm điện thoại Google; Tự lực vũ khí, Ukraine chật vật; Israel sẵn sàng, Iran gặp khó
Mỹ: Bầu cử & giá vàng; So sánh chính sách Trump-Harris; Cuộc đua đốt tiền; 3 kịch bản bầu cử; Điều máy bay hạt nhân tới Trung Đông
Mỹ: Nhiệm kỳ thứ 2 của Trump; J.D.Vance chiến thắng; ‘Ván cược’ của Elon Musk; Bất mãn di sản của Biden; Trật tự thế giới thay đổi?
Mỹ: Rừng ma lan rộng; Giải mã lợi thế cạnh tranh; Tương lai không người nhập cư; Chọn nhất siêu hay đa cường; Cạn tên lửa đánh chặn
Mỹ trừng phạt ‘không lại’ với TQ; Dân Bắc Gaza bị bao vây; Tân thủ lĩnh Hezbollah; Vai trò Trung-Nga ở Trung Đông; Liên minh Nga-Triều
Ẩm thực Nhật vươn tầm; TQ siết thuế nhà giàu; Kêu gọi Triều Tiên rút quân khỏi Kiev; Israel ‘siết gọng kìm’; Cứu trợ ở Gaza gặp khó
Du lịch ‘làm nô lệ’ ở TQ; Sự bế tắc của OPEC+; Biểu tình ở Israel; Kiev thấy tương lai u ám; Google làm lộ căn cứ của Ukraine
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá