- Thời sự
- Thế giới
(Ảnh minh họa).
Nợ công toàn cầu trong quý III/2023 đã lên mức cao kỷ lục 307.400 tỷ USD, trong đó tỷ lệ nợ công tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các nền kinh tế đang nổi cũng ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Báo cáo ngày 16/11 của Viện Tài chính quốc tế (IIF) ước tính nợ toàn cầu đến cuối năm nay sẽ lên tới 310.000 tỷ USD, tăng 25% trong 5 năm. IIF cho biết nợ chính phủ trong quý III có mức tăng lớn nhất, trong khi nhiều quốc gia ghi nhận mức thâm hụt ngân sách ở mức cao hơn nhiều so với trước đại dịch COVID-19. Khoảng 65% số nợ tăng trong quý vừa qua tập trung ở các nền kinh tế phát triển, dẫn đầu là Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Anh. Các thị trường mới nổi Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mexico cũng ghi nhận mức tăng mạnh.
Báo cáo cũng lưu ý rằng nợ xấu chính phủ đã đạt mức cao kỷ lục trên 554 tỷ USD cho đến cuối năm 2022, trong đó khoảng một nửa là nợ trái phiếu. Dù tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu ít thay đổi ở mức 333%, tỷ lệ này lên tới 255% tại các thị trường mới nổi, tức cao hơn 32 điểm phần trăm so với cùng kỳ 5 năm trước, chủ yếu do nợ công của Nga, Trung Quốc, Saudi Arabia và Malaysia tăng. Tỷ lệ nợ công tính trên GDP ở Chile, Colombia và Ghana có mức giảm lớn nhất.
IIF cảnh báo rằng gánh nặng nợ nần đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn đang gia tăng ở các nền kinh tế lớn, trong đó có cả Trung Quốc và Mỹ, gây nhiều tác động tiêu cực đến nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến bầu cử và chuyển đổi năng lượng sạch.
Ông Emre Tiftik - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bền vững tại IIF - tính toán có hơn 50 cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong năm 2024, trong đó có bầu cử tại Mỹ, Ấn Độ, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. Ông nhấn mạnh trước sự phân cực chính trị và căng thẳng địa chính trị gia tăng, những cuộc bầu cử sắp tới này có thể mở đường cho các chính sách dân túy - yếu tố có thể nới lỏng kỷ luật tài chính, làm gia tăng khoản vay và chi tiêu của chính phủ. Theo ông, những điều này có thể tạo ra sự biến động hơn nữa trên thị trường.
Số ca nhiễm sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh trên khắp các khu vực tại châu Á bao gồm Đông Á, Đông Nam Á tới Nam Á.
Các chuyên gia cảnh báo, nắng nóng cực đoan và mưa bất thường do biến đổi khí hậu làm gia tăng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại nhiều khu vực rộng lớn ở châu Á.
Bài viết trên tờ Nikkei Asia số ra ngày 15/11 cho biết Đài Loan (Trung Quốc) đã chứng kiến đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết trên diện rộng từ tháng 6, với số ca tăng mạnh ở phía Nam. Tính từ ngày 6/11, số ca mắc bệnh vùng lãnh thổ này là 21.900 ca, đánh dấu đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn thứ hai trong 10 năm qua. Cơ quan y tế sở tại cho rằng nhiệt độ nắng nóng bất thường và việc nối lại hoàn toàn các hoạt động du lịch kể từ mùa Thu năm ngoái có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch sốt xuất huyết.
Tại Nam Á, Bangladesh đã ghi nhận số ca tử vong lên hơn 1.000 người, tức gấp gần 4 lần so với tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này trong cả năm ngoái.
Bangladesh đang đối mặt với đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Thông thường, dịch sốt xuất huyết xảy ra ở các khu đô thị đông dân cư ở nước này. Tuy nhiên, năm nay, dịch bệnh đã lây lan ra khắp cả nước.
Một lưu ý khác là số ca mắc bệnh thường tăng vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm, song năm nay làn sóng dịch bệnh này đã bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 4.
Ở khu vực Đông Nam Á, vốn hứng chịu nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng trong những tháng mùa Hè qua, Thái Lan ghi nhận số ca sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Còn số ca mắc bệnh sốt xuất huyết ở Malaysia tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Có ý kiến quan ngại rằng dịch sốt xuất huyết ở Đông Nam Á có thể ảnh hưởng đến các nước khác trên thế giới, chủ yếu là do hoạt động đi lại xuyên biên giới khi nhiều nước nối lại hoạt động du lịch sau đại dịch Covid-19. Cũng có quan ngại cho rằng dịch sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch của các nước đang chịu ảnh hưởng.
Trước đây, bệnh sốt xuất huyết từng được coi là một căn bệnh lưu hành chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều khu vực khác trên thế giới, bao gồm Nhật Bản, đã ghi nhận ca mắc bệnh này. Một số chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân gây ra sự thay đổi nói trên. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết thế giới đã ghi nhận 4,2 triệu ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong năm 2022, cao gấp 8 lần so với số liệu của năm 2000.
Bệnh sốt xuất huyết có thể gây sốt cao, đau đầu, nôn, đau cơ và trong trường hợp nguy hiểm nhất gây chảy máu ồ ạt và có thể dẫn đến tử vong. Hiện chưa có thuốc kháng virus hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu đối với căn bệnh này. Theo Nikkei Asia, vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết do hãng dược phẩm Nhật Bản Takeda sản xuất đã được phê duyệt sử dụng ở Thái Lan, Indonesia, Liên minh châu Âu và một số nước khác. Tuy nhiên, phần lớn các nước trên thế giới chưa thể tiếp cận được vắc-xin phòng bệnh này. Do đó, biện pháp ngăn chặn chính vẫn là tránh bị muỗi đốt.
(Ảnh minh họa).
Kể từ thời nhà Đường (618–907), Trung Quốc đã tặng hoặc cho các nước khác mượn gấu trúc, linh vật của đất nước, như một biểu hiện của thiện chí.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là có ý nói rằng Bắc Kinh có thể “phái cử” những con gấu trúc mới đến Mỹ, vài ngày sau khi ba chú gấu trúc sống nhiều năm trong Vườn thú Quốc gia Smithsonian ở Washington được hồi hương về Trung Quốc.
Trong bài phát biểu tối 15/11 tại San Francisco, ông Tập nói nhiều người Mỹ rất bịn rịn khi nói lời tạm biệt ba chú gấu trúc Mei Xiang, 25 tuổi, Tian Tian, 26 tuổi và Xiao Qi Ji, 3 tuổi, con của Mei Xiang và Tian Tian.
“Tôi được biết rằng nhiều người Mỹ, đặc biệt là trẻ em, thực sự không muốn xa rời chúng. Tôi cũng được biết rằng Sở thú San Diego và người dân California rất mong được chào đón gấu trúc trở lại”, ông Tập phát biểu tại buổi tiệc do Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung và Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Trung tổ chức.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc - hôm 15/11 gặp lại Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên sau một năm - đang đề cập truyền thống nuôi gấu trúc kéo dài hàng thập kỷ của Sở thú San Diego. Năm 2019, vườn thú này gửi hai con gấu trúc cuối cùng về Trung Quốc: cô gấu Bai Yun, sống ở San Diego 23 năm và Xiao Liwu, 6 tuổi, con của Bai Yun. Gấu Gao Gao, “chồng” của Bai Yun, hồi hương năm 2018.
“Gấu trúc từ lâu đã là đặc phái viên của tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Mỹ”, ông Tập nói trong bài phát biểu. “Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Mỹ về bảo tồn gấu trúc và cố gắng hết sức để đáp ứng mong muốn của người dân California nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta”.
Phát biểu với các phóng viên ở San Francisco, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói rằng nếu Trung Quốc quyết định gửi một số gấu trúc đến Mỹ thì “chúng tôi hoàn toàn chào đón chúng quay trở lại”. “Nhưng đó phải là quyết định mà Chủ tịch Tập đưa ra”, ông Kirby nói.
Gấu trúc châu Á (Ailuropoda melanoleuca), hay gấu trúc, là loài đặc hữu của Trung Quốc, nổi tiếng với bộ lông màu đen và trắng đặc trưng.
Gấu trúc tự nhiên chỉ sống ở một số khu vực cụ thể tại Trung Quốc, trong các rừng tre trên núi tại các tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc.
Trung Quốc có khoảng 1.800 con gấu trúc sống trong tự nhiên. Từ thời nhà Đường (618–907), những con gấu trúc lần đầu tiên được Trung Quốc tặng làm quà ngoại giao. Truyền thống ấy, tiếp tục cho đến nay, thường được gọi là “ngoại giao gấu trúc”.
Ba con gấu trúc vừa hồi hương nằm trong số 8 con gấu trúc sống ở sở thú Washington từ năm 1972. Sau chuyến thăm của Tổng thống Richard M. Nixon và đệ nhất phu nhân Pat Nixon tới Trung Quốc, Thủ tướng Chu Ân Lai tặng nước Mỹ hai con gấu trúc 18 tháng tuổi tên là Ling- Ling và Hsing-Hsing.
Ling-Ling đột ngột qua đời năm 1992 và Hsing-Hsing ốm yếu đã được an tử tháng 11/1999. Vườn thú khi đó không còn gấu trúc cho đến hơn một năm sau, tháng 12/2000, cặp gấu Tian Tian và Mei Xiang đến.
Ngoài Xiao Qi Ji, Mei Xiang và Tian Tian còn sinh ra ba con gấu khác vẫn còn sống. Những người tham quan vườn thú từ Washington từ khắp nơi có cơ hội ngắm nhìn những chú gấu trúc khổng lồ. Nước Mỹ đã trải qua 5 đời tổng thống kể từ khi cặp gấu Tian Tian và Mei Xiang đến Washington.
Cuộc nói chuyện về gấu trúc của ông Tập Cận Bình diễn ra ngay sau cuộc gặp mặt trực tiếp với ông Biden giúp giảm bớt căng thẳng giữa hai siêu cường. Hai bên đồng ý khôi phục liên lạc giữa quân đội hai nước, tăng cường hợp tác chống ma túy với hy vọng giảm bớt cuộc khủng hoảng fentanyl ở Mỹ. Dân chơi thường sử dụng thuốc giảm đau fentanyl, được sản xuất ở Trung Quốc và các nguồn khác, kết hợp với các loại ma túy để tăng “độ phê”.
Năm 1984, chính sách ngoại giao gấu trúc có sự thay đổi. Gấu không còn được tặng làm quà nữa, thay vào đó được cho mượn trong 10 năm và có thể được gia hạn. Việc này cho phép Trung Quốc tiếp tục quảng bá hình ảnh của mình ở nước ngoài và cũng để xây dựng “guanxi” (quan hệ). Cho mượn gấu trúc được coi là biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và các nước nhận.
Đổi lại, các nước tiếp nhận phải trả một khoản phí hằng năm khoảng 1 triệu USD cho mỗi con gấu và những chú gấu trúc sinh ra ở nước ngoài phải được trả về Trung Quốc trước sinh nhật lần thứ tư của chúng.
Theo một số học giả của Đại học Oxford nghiên cứu về ngoại giao gấu trúc, Trung Quốc cho các quốc gia có thỏa thuận thương mại song phương thuê gấu.
“Tại sao Sở thú Edinburgh có gấu trúc trong khi Sở thú London thì không? Có lẽ vì Scotland có nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Trung Quốc quan tâm”, nhà nghiên cứu Kathleen Buckingham của Trường Địa lý và Môi trường Oxford nói.
Những chú gấu trúc được gửi đến Scotland vào năm 2011 sau khi hai bên ký thỏa thuận dầu mỏ. Đã có nhiều quốc gia nhận được gấu trúc Trung Quốc bao gồm Mỹ, Đan Mạch, Đức, Nga, Scotland, Canada, Australia, Nhật Bản, Qatar…
Bốn con gấu trúc vẫn còn ở Sở thú Atlanta, Mỹ nhưng chúng cũng sẽ được gửi trở lại Trung Quốc vào năm tới nếu thỏa thuận không được gia hạn và nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên sau 5 thập kỷ Mỹ không có gấu trúc.
Những chú gấu ở Scotland và Australia cũng sẽ về nước trước cuối năm nay.
Trong trường hợp của Mỹ, các nhà phân tích đang suy đoán rằng việc thu hồi gấu trúc có thể không chỉ là sự kết thúc của một hợp đồng cho mượn.
“Với xu hướng hiện tại của mối quan hệ Mỹ-Trung, không có gì đáng ngạc nhiên khi chính quyền Trung Quốc để hợp đồng gấu trúc với các vườn thú Mỹ hết hạn”, Kurt Tong, nhà phân tích của công ty tư vấn Asia Group nói.
Mỹ có các thỏa thuận thương mại và tiếp tục bán thiết bị quốc phòng cho Đài Loan, động thái mà Bắc Kinh không mấy hài lòng.
Nếu sự hồi hương của gấu trúc xuất phát từ mối quan hệ đang xấu đi thì đây không phải là lần đầu tiên những con gấu phản ánh căng thẳng chính trị.
Những con gấu được giao đến Mỹ vào năm 2010 đã được gửi trả lại sau khi Tổng thống Barack Obama gặp Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng sống lưu vong.
Năm 2013, sau khi chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, quan hệ Malaysia - Trung Quốc căng thẳng, Trung Quốc tạm thời từ chối giao những con gấu trúc mới cho Malaysia mượn. Một tháng sau, hai con gấu Fu Wa và Feng Yi, đều 8 tuổi, mới hạ cánh xuống sân bay quốc tế Kuala Lumpur.
Trong 8 thập kỷ, Trung Quốc phát triển ngoại giao gấu trúc thành một chương trình quy mô toàn thế giới, trải dài từ Helsinki, Phần Lan đến Adelaide, Australia. Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Lâm nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia Trung Quốc, hiện có 63 con gấu trúc được trao đổi ở 19 quốc gia.
Các bác sĩ Palestine ngày 16/11 cho biết họ ngày càng lo sợ cho tính mạng của hàng trăm bệnh nhân và nhân viên y tế tại bệnh viện lớn nhất Gaza, bị cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài trong hơn một ngày sau khi lực lượng Israel tiến vào.
Israel nói lực lượng biệt kích của họ ngày 16/11 vẫn đang lục soát bệnh viện Al Shifa, hơn một ngày sau khi họ tiến vào khu vực này như một phần của cuộc tấn công mà Israel cho rằng nhằm mục đích tiêu diệt các phần tử hiếu chiến Hamas ở vùng đất Palestine.
Một quan chức Israel giấu tên nói: “Chiến dịch này được hình thành dựa trên sự hiểu biết của chúng tôi rằng có cơ sở hạ tầng khủng bố ẩn kín trong khu phức hợp”.
Israel cho đến nay đã công bố những bức ảnh cho thấy những gì họ nói là súng trường và áo khoác chống đạn được tìm thấy trong cơ sở này, nhưng không có bằng chứng nào về trụ sở chỉ huy Hamas rộng lớn dưới lòng đất mà họ cho biết đang hoạt động trong các đường hầm bên dưới.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW nhắc nhở rằng các bệnh viện có sự bảo vệ đặc biệt chiếu theo luật nhân đạo quốc tế.
Giám đốc HRW phụ trách khâu Liên hiệp quốc Louis Charbonneau nói với Reuters: “Các bệnh viện chỉ mất sự bảo vệ đó nếu có thể chứng minh được rằng các hành vi gây hại đã được thực hiện từ các bệnh viện đó”.
“Chính phủ Israel chưa cung cấp bất kỳ bằng chứng nào về điều đó.”
Giám đốc Khu phức hợp Al Shifa, Muhammad Abu Salamiya, cho biết bệnh viện “bị chiếm đóng trong 48 giờ và mỗi phút trôi qua” sẽ có thêm nhiều bệnh nhân tử vong.
“Chúng tôi đang chờ đợi cái chết từ từ”, ông nói với kênh truyền hình Al Jazeera.
Lực lượng Israel đã đưa một đoàn làm phim của BBC vào bệnh viện đêm qua và cho xem một số khẩu súng trường mà họ nói đã được tìm thấy ở đó, nhưng đài truyền hình này cho biết những người hộ tống của Israel đã cấm đội của họ tiếp xúc với bệnh nhân hoặc nhân viên.
Bộ Y tế Gaza cho biết binh sĩ Israel đã đưa các thi thể ra khỏi khuôn viên bệnh viện và phá hủy những chiếc ô tô đậu ở đó, nhưng họ không cho nhân viên hoặc bệnh nhân rời đi.
Phát ngôn viên của Bộ, Ashraf Al-Qidra, cho biết không có nước, thực phẩm hoặc sữa trẻ em ở Shifa, nơi có 650 bệnh nhân và khoảng 7.000 người di tản sau nhiều tuần không kích và pháo kích của Israel.
“Các toán y tế, bệnh nhân và những người phải sơ tán đang chống chọi với cái chết vì thiếu mọi nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống. Lực lượng chiếm đóng hiện có mặt trong khu phức hợp, nhưng họ không cung cấp bất kỳ nhiên liệu nào để bệnh viện tiếp tục hoạt động”, ông nói trong một tuyên bố.
Ông yêu cầu quân đội Israel rời đi.
Các bác sĩ trước đó cho biết hàng chục bệnh nhân, trong đó có 3 trẻ sinh non, đã chết vì thiếu nhiên liệu và vật tư cơ bản trong cuộc bao vây kéo dài nhiều ngày.
Hoạt động của UNRWA ‘gặp khó khăn’
Các tổ chức nhân đạo đã đưa ra một số cảnh báo nghiêm trọng nhất về tác hại mà chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza gây ra cho dân thường kể từ khi lực lượng này bắt đầu trả đũa Hamas sau vụ tàn sát chết người hôm 7/10 vào các thị trấn phía nam Israel.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết Dải Gaza phải đối mặt với nạn đói lan rộng, nguồn cung cấp thực phẩm và nước gần như cạn kiệt.
Giám đốc điều hành WFP Cindy McCain nói: “Với mùa đông đang đến rất nhanh, những nơi trú ẩn không an toàn và quá đông đúc, cũng như thiếu nước sạch, người dân đang phải đối mặt với nguy cơ chết đói trước mắt”.
Người đứng đầu cơ quan của Liên hiệp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết ông tin rằng có một nỗ lực cố tình nhằm “bóp nghẹt” công việc nhân đạo của họ ở Gaza, đồng thời cảnh báo cơ quan này có thể phải đình chỉ hoàn toàn hoạt động do thiếu nhiên liệu.
Israel từ chối nhập khẩu nhiên liệu vì cho rằng chúng có thể được Hamas sử dụng cho mục đích quân sự.
Tổng ủy viên UNRWA Philippe Lazzarini nói: “Nếu nhiên liệu không được cung cấp, mọi người sẽ bắt đầu chết vì thiếu nhiên liệu. Chính xác là từ khi nào thì tôi không biết. Nhưng điều đó sẽ xảy ra không sớm thì muộn”.
Các công ty viễn thông chính của Gaza, Paltel và Jawwal, cho biết tất cả các dịch vụ viễn thông ở Gaza đã ngừng hoạt động vì tất cả các nguồn năng lượng cung cấp cho mạng lưới đã cạn kiệt.
Đánh giá tình báo
Các nhà báo của Reuters đã không thể liên lạc được với bất kỳ ai bên trong bệnh viện Shifa trong hơn 24 giờ.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ đang cố gắng sắp xếp sơ tán các bệnh nhân khỏi Shifa, nhưng bị cản trở bởi những lo ngại về an ninh và không thể liên lạc với bất kỳ ai ở đó. Các quan chức WHO được biết vẫn còn khoảng 600 bệnh nhân ở bên trong, trong đó có 27 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Tất cả các bệnh viện ở phía bắc Gaza đã bị lực lượng Israel đóng cửa, họ đã ra lệnh sơ tán toàn bộ khu vực phía bắc của vùng đất này, nơi cư ngụ của hơn phân nửa dân số 2,3 triệu người.
Tại bệnh viện Indonesia ở Gaza, khoảng 45 bệnh nhân cần phẫu thuật khẩn cấp bị bỏ lại khu tiếp nhận, giám đốc bệnh viện Atef al-Kahlout nói với al Jazeera.
Israel khẳng định rằng các chiến binh Hamas đang điều hành một trụ sở chỉ huy trong một khu phức hợp đường hầm dưới bệnh viện Shifa, một tuyên bố được Washington ủng hộ.
Hôm 14/11, Israel đã công bố một đoạn video trong đó một người lính đi xem một tòa nhà bệnh viện, cho thấy ba túi chứa súng và áo khoác chống đạn mà ông nói đã được tìm thấy được cất giấu ở đó, cũng như một số khẩu súng trường khác trong tủ quần áo và máy tính xách tay, nhưng không có đường hầm.
Ông Kenneth Roth, cựu lãnh đạo tổ chức Human Rights Watch hiện đang làm giáo sư thỉnh giảng tại Princeton, cho biết trên nền tảng truyền thông xã hội X: “Israel sẽ phải đưa ra những gì nhiều hơn là một ít súng trường ‘nhặt được’ để biện minh cho việc đóng cửa những bệnh viện tại Gaza với cái gía khổng lồ về dân thường với những nhu cầu tiếp tế khẩn cấp.”
Hamas nói video của Israel đã được dàn dựng.
Ở những nơi khác, Israel đã ra lệnh cho dân thường rời khỏi bốn thị trấn ở phía nam Dải Gaza ngày 16/11, làm dấy lên lo ngại chiến tranh có thể lan rộng đến những khu vực mà Israel đã thông báo với người dân rằng họ sẽ an toàn.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói trong một tuyên bố rằng lực lượng Israel đã dọn sạch toàn bộ phần phía tây của Thành phố Gaza và “giai đoạn tiếp theo đã bắt đầu”.
Liên hiệp quốc cho biết khoảng 2/3 dân số Gaza đã trở thành vô gia cư, hầu hết trong số họ phải trú ẩn tại các thị trấn ở phía nam.
Các phần tử hiếu chiến Hamas đã xông qua hàng rào xung quanh Gaza hôm 7/10 trong một cuộc tấn công mà Israel cho rằng đã giết chết 1.200 người trong ngày đẫm máu nhất trong lịch sử của nước này. Khoảng 240 con tin đã bị Hamas đưa về Gaza.
Israel đã tấn công Gaza bằng các cuộc không kích và cắt nguồn lương thực, nhiên liệu. Các cơ quan y tế Gaza, vốn được Liên hiệp quốc coi là đáng tin cậy, cho biết hơn 11.000 người đã được xác nhận thiệt mạng, hơn 40% trong số đó là trẻ em.
(Ảnh minh họa).
Những bước tiến của Ukraine gần đây ở sông Dnipro liệu có giúp nước này xoay chuyển tình thế và cứu vãn sự ủng hộ của phương Tây?
Bước tiến ở sông Dnipro
Những tuần gần đây, sự chú ý vào cuộc xung đột ở Ukraine đang dần chuyển sang cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas ở Trung Đông, trong khi sự ủng hộ của phương Tây cho Kiev dường như đang lung lay.
Tuy nhiên, một điểm sáng đã xuất hiện trong chiến dịch phản công của Ukraine tuần này khi người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - ông Andriy Yermak cho biết các lực lượng của Kiev đã giành được "chỗ đứng" ở tả ngạn sông Dnipro ở phía Nam Ukraine, đánh dấu một bước tiến quan trọng cho Ukraine trong nỗ lực vượt qua hàng rào phòng thủ tự nhiên của quân đội Nga.
Tháng trước, một số bài báo lần đầu đưa tin quân đội Ukraine đã vượt sông Dnipro để vào khu vực Kherson do Nga kiểm soát trong khi các nhà quan sát quân sự Nga cho biết, các lực lượng của Kiev đã thiết lập được các vị trí quanh làng Krynky, cảnh báo rằng Ukraine có ý định lập nên một đầu cầu vững chắc qua sông.
Ukraine đã tiến hành các cuộc đột kích vượt sông trước đó trong khu vực này. Trong một chuyến thăm Washington, ông Yermak khẳng định, các lực lượng của Kiev đã thiết lập sự hiện diện ổn định ở bờ Đông của sông Dnipro để phản công mạnh mẽ.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với Economist, Tướng Valery Zaluzhny thừa nhận các lực lượng của Ukraine đã không thể đạt được đột phá lớn trước phòng tuyến nhiều lớp của Nga. So sánh tình hình hiện tại với một phân tích về các cuộc giao tranh trong Thế chiến I, ông Zaluzhnyi, "cũng giống như khi đó, mức độ phát triển công nghệ của chúng tôi hiện nay đã đặt cả chúng tôi và đối phương vào tình thế bế tắc".
Ukraine đã tiến hành cuộc phản công lớn dọc tiền tuyến phía Đông và phía Nam đầu mùa hè này nhưng chỉ đạt được thành quả hạn chế và giành lại một khu vực tương đối nhỏ.
Cuộc tiến công của Ukraine bị cản bước bởi các bãi mìn và công sự được chuẩn bị trước nhiều tháng của Nga. Tuy nhiên, Kiev cũng thành công trong việc tấn công các tàu chiến của Nga ở Biển Đen và thực hiện các cuộc tấn công UAV vào sâu trong lãnh thổ Nga. Dù vậy, tiền tuyến gần như không có sự dịch chuyển.
Cuộc phản công lần này của Ukraine dường như trái ngược với những bước tiến mạnh mẽ ở khu vực Kherson cách đây 1 năm, khi Nga buộc phải rút quân về một phía của sông Dnipro. Việc tuyên bố giành lại Kherson là một khoảnh khắc quan trọng của Ukraine nhưng thành phố Kherson và khu vực xung quanh trong năm qua liên tục đối mặt với các cuộc tấn công của Moscow dọc sông.
Càng đẩy lùi Nga ra xa khu vực Kherson thì càng có thể đặt các khu vực của Ukraine nằm ngoài tầm bắn của pháo binh đối phương và giúp Kiev có một vị trí để thúc đẩy các cuộc tiến công về phía Crimea. Tuy nhiên, những thành quả của Ukraine ở tả ngạn sông Dnipro vẫn tương đối hạn chế.
Một kênh Telegram ủng hộ Ukraine chuyên theo dõi các hoạt động quân sự cho biết, "một số chỗ đứng nhỏ đã bị bỏ lại" ở tả ngạn sông Dnipro. Theo kênh này, đây là điều hoàn toàn bình thường bởi việc củng cố các vị trí đó sẽ thu hút các lực lượng của Nga và một số vị trí nếu giữ lại sẽ phải trả đắt.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington phân tích thông tin nguồn mở từ chiến trường thông báo, các lực lượng của Ukraine "tiếp tục tiến hành chiến dịch lớn hơn bình thường ở bờ Đông (tả ngạn) của dòng sông trong khu vực Kherson ngày 15/11".
"Địa ngục rực lửa" đang chờ đợi Ukraine?
Trong một thừa nhận chính thức về bước tiến của Ukraine, ông Vladimir Saldo, Thống đốc khu vực Kherson do Nga lập nên, cho biết ngày 15/11 rằng có một mối lo ngại nhất định về sự hiện diện của lực lượng vũ trang Ukraine ở làng Krynky trên tả ngạn của sông Dnipro, đồng thời cho biết các lực lượng của Nga đang được triển khai bổ sung để đối phó với các lực lượng của Ukraine.
"Đối phương đã bị chặn lại ở Krynky, một địa ngục rực lửa đã được bố trí bao gồm bom, tên lửa, súng phun lửa hạng nặng, pháo và máy bay không người lái", quan chức này cho hay.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát quân sự Nga cũng cho rằng cuộc giao tranh cũng sẽ không dễ dàng với Nga.
"Các lực lượng của Nga đang cố gắng loại bỏ đầu cầu chính của lực lượng vũ trang Ukraine ở Krynky với sự hỗ trợ của các phương tiện tầm xa", một nhà quan sát cho hay và đánh giá, cho đến thời điểm này, nỗ lực đó vẫn chưa thành công.
Việc Ukraine giành được chỗ đứng dọc sông Dnipro diễn ra giữa bối cảnh Kiev cần cho phương Tây thấy nước này có khả năng duy trì đà tiến công trên chiến trường.
Những nỗ lực đó đã nhận được cú hích về mặt ngoại giao ngày 16/11 với chuyến thăm Kiev của tân Ngoại trưởng Anh David Cameron.
Trong cuộc gặp với ông Cameron, Tổng thống Zelensky nhận định, đây là một chuyến thăm quan trọng giữa bối cảnh "thế giới không còn tập trung vào tình hình chiến trường Ukraine”. Anh là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.
Chính phủ Ukraine cũng quan tâm đến cuộc đua với Nga để duy trì nguồn cung hậu cần cho binh lính giữa bối cảnh nước này đang bổ sung kho đạn dược để chuẩn bị cho các cuộc giao tranh với Moscow, đặc biệt ở khu vực Donbass, nơi Nga đang tăng cường lực lượng quanh thành phố Avdiivka.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 13/11 cho biết Ukraine cần phương Tây tăng cường nguồn cung đạn dược. Tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức thừa nhận EU sẽ không đáp ứng được mục tiêu cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn.
"Chúng tôi cần chúng được cung cấp nhiều hơn và nhanh hơn", ông Kuleba nói.
Liệu phương Tây có tăng cường nguồn cung đạn dược đủ nhanh chóng hay không tiếp tục là một câu hỏi để ngỏ và Ukraine dường như vẫn mắc kẹt trong cuộc xung đột hao người tốn của với Nga.
Nguồn: Báo Tin Tức; Người Đưa Tin; VTC; VOA; VOV
Người Nga chán ô tô TQ; Mì ăn liền xâm lược toàn cầu; Từ bỏ 'giấc mơ Mỹ'; Nga chặn loạt UAV; Mong manh thỏa thuận liên Triều
Mỹ: Thu lượng hàng giả 1,3 tỷ đô; Lạm phát tăng chậm; Trump thắng kiện; Biden-Tập gặp mặt; Bí mật cấp vũ khí cho Israel
1 tỷ người Ấn nín thở chờ đợi; Lạm phát tăng ở Nhật; Gaza tiếp tục giao tranh; Nga tập kích Avdiivka; Nội bộ OPEC+ bất đồng?
Cuộc đua ắc quy muối; TQ & 'đồng xu carbon'; Nga không chỉ muốn là Ukraine; Tương lai nào cho Gaza; Israel không kích Syria
Mỹ: Cuộc chiến Tesla & Toyota; 'Pháo đài' chặn xe điện TQ; 'Soi' quỹ tài sản Trung Đông; 'Đùa với lửa'; IPEF xoay trục châu Á
Mỹ: Doanh số xe điện thấp; Kinh tế hạ cánh mềm; Thảm cảnh trung tâm mua sắm; Sa vào bẫy do TQ tạo ra; Gửi viện trợ cho Gaza
Mỹ: Hàng không gặp sự cố; Bán lẻ giảm giá; Giảm quyên góp thực phẩm; Buộc Ukraine đàm phán; Quân đội được 'khai sáng'
'Cơn sốt vàng' mới; Kinh tế Nga 'né' trừng phạt; Mùa bùn lầy ở Ukraine; Bán đảo Triều Tiên dậy sóng; Israel-Hamas ngừng chiến
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá