.jpg)
HOÀN THÀNH PHẦN ỦY THÁC VỤ ÁN ĐINH LA THĂNG
Báo cáo của cơ quan thi hành án TPHCM cho hay, đã hoàn tất thu hồi tài sản vụ án ông Đinh La Thăng, phần do Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội ủy thác.
Cục Thi hành án dân sự TPHCM hôm nay (26/5) cho biết, vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm 2025.
Trong 6 tháng năm 2025, tổng số việc giải quyết là 93.663, tăng 16,59% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số tiền đã thi hành xong là hơn 20.217 tỷ đồng, tăng 10,98% so với cùng kỳ năm 2024.
Qua 6 tháng đầu năm, công tác thi hành án đã đạt tỷ lệ 45,49% về việc và 29,14% về tiền, vượt so với tiến độ đề ra.
Đáng lưu ý, đơn vị đã thi hành xong vụ án Đinh La Thăng - cựu Bí thư Thành ủy TPHCM phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, phần do Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội ủy thác.
Theo nội dung vụ án, năm 2006, theo đề án được Thủ tướng phê duyệt, PVN được thành lập mới một ngân hàng cổ phần dầu khí, trong đó PVN nắm trên 50% vốn điều lệ.
PVN đã hoàn thành một số thủ tục thành lập ban trù bị ngân hàng Hồng Việt. Tuy nhiên, đến năm 2008, PVN không tham gia vào việc thành lập ngân hàng này nữa mà chuyển sang góp vốn mua cổ phần của ngân hàng Oceanbank.
Trước khi góp vốn vào Oceanbank, theo đánh giá của PVN, ngân hàng này có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, khó đứng vững trong giai đoạn thị trường tài chính tiền tệ có nhiều biến động.
Dù vậy, ông Đinh La Thăng, khi đó là Chủ tịch HĐQT PVN đã không có bất cứ chỉ đạo nào đối với HĐQT và ban điều hành PVN để thống nhất chủ trương, thực hiện thẩm định, khảo sát Oceanbank, phương án góp vốn cũng như tính hiệu quả, khả thi của việc góp vốn vào ngân hàng này.
Ông Đinh La Thăng không thông qua HĐQT mà đã ký thỏa thuận thống nhất với Hà Văn Thắm (chủ tịch HĐQT Oceanbank) việc góp vốn vào ngân hàng này, cũng không báo cáo Chính phủ theo đúng quy định.
Sau khi ký thỏa thuận góp vốn, ông Thăng tiếp tục đồng ý chủ trương, ký ban hành các nghị quyết góp vốn, bổ sung vốn góp vào Oceanbank khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ; ký quyết định cử người đại diện phần vốn góp của PVN bằng 20% vốn điều lệ Oceanbank.
Dù được HĐTV và thư ký báo cáo về việc ban hành nghị quyết góp vốn không đúng quy định nhưng ông Thăng không chỉ đạo điều chỉnh hoặc thoái vốn. Việc làm của ông Thăng đã gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN tại Oceanbank.
NHÌN TỪ VỤ TRƯƠNG MỸ LAN: ĐỀ NGHỊ KHÔNG BỎ TỬ HÌNH TỘI THAM Ô TÀI SẢN
"Vụ án liên quan đến Ngân hàng SCB, khi Viện kiểm sát nhân dân đề nghị tử hình với bà Trương Mỹ Lan, vài hôm sau gia đình đã nộp tiền khắc phục, chuộc tội...", đại biểu Phạm Văn Hòa nêu.
Băn khoăn bỏ hình phạt tử hình 4 tội danh
Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Tại phiên họp, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) băn khoăn với việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với 4 tội danh: Tham ô tài sản, nhận hối lộ, vận chuyển ma tuý trái phép và sản xuất, kinh doanh thuốc giả.
Khẳng định những tội ác này gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, bà Lan cũng chia sẻ, khi lực lượng chấp pháp, cơ quan hành pháp phải hết sức vất vả đối với loại tội phạm này. Thế thì tại sao chúng ta lại giảm án ?
8 tội danh được đề nghị bỏ tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án, gồm các tội: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nhà nước; Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Gián điệp; Vận chuyển trái phép chất ma túy; Tham ô tài sản ; Nhận hối lộ.
“Nếu chúng ta nhân văn với tội phạm, thì thân nhân của những nạn nhân, rồi những người đã chết vì những tội lỗi này, người ta sẽ cảm thấy như thế nào? Và cũng đừng phát biểu rằng người ta không biết khi làm chuyện này”, bà Lan cho hay.
Đồng tình khi trong luật đã có những gia tăng về các khung hình phạt, song bà Lan cho rằng, vẫn cần giữ "chốt chặn cuối cùng" cao nhất đối với những trường hợp vi phạm cực kỳ nghiêm trọng - tử hình.
“Đó cũng là chứng minh để cho nhân dân thấy Quốc hội chúng ta xây dựng luật là vì nhân dân, vì xã hội, vì chúng ta phải có một môi trường an toàn cho người dân”, đại biểu đoàn TP HCM nêu quan điểm.
Nộp tiền khắc phục ngay sau đề nghị tử hình
Cùng đề cập đến 8 tội danh trên, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) không đồng ý bỏ án tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy và tội tham ô tài sản.
Theo ông Hòa, từ trước đến nay, chưa tử hình ai phạm tội tham ô tài sản, tuy nhiên vừa rồi, vụ án liên quan đến Ngân hàng SCB , khi Viện kiểm sát nhân dân đề nghị tử hình với bà Trương Mỹ Lan , vài hôm sau gia đình đã nộp tiền khắc phục, "chuộc tội" mong được hưởng khoan hồng, giảm án...
Nhấn mạnh án tử hình nhằm mục đích phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh là hết sức cần thiết, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu giữ hình phạt tử hình với tội tham ô tài sản.
Theo đại biểu, mặc dù giữ án tử hình nhưng nếu sau đó bị can khắc phục hậu quả tốt thì cơ quan chức năng sẽ xem xét giảm án cho bị can.
Lấy ví dụ vụ án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan làm thất thoát ngân sách cả triệu tỷ đồng, ông Hòa cho rằng, con số này rất lớn, không hình dung được.
"Nếu khắc phục được nửa số tiền này, chúng ta đã xây dựng được 50% tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam rồi", đại biểu nói.
Khẳng định chính sách hình sự tiến bộ và nhân đạo
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh trong dự thảo luật được người dân và đại biểu Quốc hội quan tâm sâu sắc. Bởi theo bà, hình phạt tử hình không chỉ là mức chế tài cao nhất trong hệ thống hình phạt của nước ta mà còn là biểu tượng của công lý, của sự phẫn nộ xã hội trước những hành vi đặc biệt nghiêm trọng.
Theo bà, việc giảm hoặc loại bỏ hình phạt này luôn gợi ra những băn khoăn về tính răn đe, khả năng phòng ngừa tội phạm cũng như tác động tâm lý xã hội.
Theo tiến trình phát triển của xã hội, từ năm 1999 đến nay, qua các lần sửa đổi, số lượng tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình đã giảm từ 29 tội xuống còn 18 tội và dần thu hẹp việc áp dụng hình phạt tử hình với một số đối tượng như người chưa thành niên, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, người cao tuổi...
Đại biểu cho rằng, quy định như vậy rất phù hợp với xu hướng hệ thống pháp luật quốc tế, đó là nhiều quốc gia trên thế giới đã xóa hình phạt tử hình hoặc hạn chế áp dụng ở mức tối đa.
"Điều này khẳng định chính sách hình sự tiến bộ và nhân đạo của Việt Nam, đặc biệt việc áp dụng hình phạt tử hình với một số tội danh không thật sự cần thiết và hiệu quả, trên thực tế hầu như không áp dụng", bà Nga nói.
Theo đại biểu, cũng cần nhìn nhận một cách công bằng rằng việc bỏ hình phạt tử hình trong một số tội danh không có nghĩa là khoan dung với tội phạm, mà là sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh pháp lý, nhận thức nhân quyền và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.
BỎ GIÁ THẤP NHẤT VẪN TRƯỢT THẦU, VÌ SAO?
.jpg)
Tập đoàn Sơn Hải cho biết đã gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư và UBND tỉnh Bình Phước đề nghị làm rõ quy trình chấm thầu
Ngày 26-5, UBND tỉnh Bình Phước thông tin đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm việc trực tiếp với lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hải về kiến nghị liên quan đến gói thầu xây dựng đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là trục cao tốc Bắc - Nam của 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và kết nối nhiều tuyến giao thông quan trọng, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Phước dài khoảng 7 km. Việc công bố kết quả đấu thầu gói thầu xây dựng đoạn qua tỉnh Bình Phước đang gây tranh cãi.
Theo đó, gói thầu này có giá hơn 880 tỉ đồng, thu hút 5 nhà thầu tên tuổi tham gia. Tập đoàn Sơn Hải ở Quảng Bình bỏ giá dự thầu 732,2 tỉ đồng (giảm 16,85%), tiết kiệm 148 tỉ đồng cho ngân sách. Tuy nhiên, ngày 22-5, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước (chủ đầu tư) công bố kết quả nhà thầu Liên danh cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành trúng thầu với giá 866,4 tỉ đồng, chỉ tiết kiệm khoảng 14 tỉ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Thanh Hướng, Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, cho biết đã gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư và UBND tỉnh Bình Phước đề nghị làm rõ quy trình chấm thầu để tránh thất thoát, lãng phí và bảo đảm minh bạch.
"Chúng tôi thực hiện hàng loạt công trình trọng điểm của đất nước, không có công trình nào bị đánh giá thấp về chất lượng. Trong hồ sơ dự thầu lần này, chúng tôi còn cam kết bảo hành công trình lên đến 10 năm, lâu nhất trong số các nhà thầu, nhưng vẫn bị loại với lý do không đạt yêu cầu kỹ thuật thực sự khó hiểu" - ông Hướng nói và cho biết thêm nếu không được giải quyết thỏa đáng, Sơn Hải sẽ theo đuổi các bước pháp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng.
UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh báo cáo sự việc để giải quyết. Còn ông Đinh Tiến Hải, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước, khẳng định đơn vị chưa nhận được bất cứ kiến nghị chính thức nào từ Tập đoàn Sơn Hải bằng đường văn thư cũng như trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mà chỉ biết thông tin trên các trang mạng xã hội. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước đang làm văn bản để báo cáo với UBND tỉnh theo quy định.
Theo Luật sư Vũ Xuân Hải, Giám đốc Công ty TNHH Luật Đông Dương, điều 43 Luật Đấu thầu quy định việc lựa chọn nhà thầu cần bảo đảm yếu tố cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả. "Nếu nhà thầu có giá thấp nhất, năng lực và kinh nghiệm được chứng minh qua thực tế nhưng vẫn bị loại mà không có lý do rõ ràng thì cần rà soát lại quy trình chấm thầu. Trường hợp phát hiện có vi phạm hoặc thiên vị, hoàn toàn có thể khởi kiện để bảo vệ lợi ích hợp pháp" - luật sư Hải nói.
SỔ HỒNG GIẤY BỊ KHAI TỬ?
Thay vì cấp sổ hồng theo cách truyền thống lâu nay, Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường kiến nghị cấp sổ hồng trên không gian số.
Tích hợp sổ hồng vào số căn cước công dân
Ngày 26.5 Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính chủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Thành ủy TP.HCM kiến nghị thực hiện số hóa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng).
Trong văn bản kiến nghị trên, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, cho rằng trong xu thế mới đất nước ta đang chuyển mình để hòa nhập với thế giới số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong phát triển khoa học, công nghệ, trí thức. Đây là điều tất yếu mà một đất nước muốn phát triển thịnh vượng, không thể thiếu.
Với vai trò là thành phố trí thức khoa học và kinh nghiệm thực tiễn trong nghiên cứu và đánh giá khoa học về lĩnh vực kinh tế tài nguyên, Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền định hướng số hóa khi cấp sổ hồng.
Theo TS Phạm Viết Thuận, để thuận tiện hơn cho người dân và tốt hơn cho công tác quản lý Nhà nước về quản lý đất đai một cách hệ thống, trong đó có hàng triệu sổ hồng đang cấp bằng giấy nên được định hướng chuyển đổi số bằng định danh thửa đất, tờ bản đồ tích hợp vào số căn cước công dân chủ sở hữu trên cả nước để quản lý, xác lập chủ sở hữu và cấp sổ hồng trên không gian số.
Điều này còn có mục tiêu làm dữ liệu nền cho các công tác quản lý Nhà nước khác. Trong đó có việc quản lý quy hoạch, xây dựng và thu thuế bất động sản khi chuyển nhượng. Thậm chí tránh làm giả sổ hồng. Điều này cũng phù hợp quy định trong luật Đất đai 2024 về hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Tiền sử dụng đất quá cao
Ngoài ra, Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường cũng đặt vấn đề: Trong quá trình xây dựng Nghị định 103/2024, Bộ Tài chính đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cung cấp dữ liệu để xây dựng với mục tiêu không làm tăng đột biến số tiền sử dụng đất tại các địa phương.
Tuy nhiên, cách tính tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân hiện nay tăng gấp hàng chục lần so với trước khi luật đất đai có hiệu lực. Điều này khiến người dân bất an, gây ra hệ lụy trong phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản. Dẫn đến người dân trên cả nước rất ít người đi chuyển mục đích sang đất ở vì tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích quá cao, có những địa phương gấp gần 20 lần so với luật Đất đai 2013.
Do vậy, qua kinh nghiệm trong nghiên cứu thực tế có thể dễ dàng nhận thấy trong quá trình xây dựng điều 8 Nghị định 103/2024 đã quên phép tính nhân tỷ lệ %. Đó là cách tính khoa học trong hệ số K hay hệ số Kn dẫn đến bất nhất trong điều 8 và điều 9 của Nghị định 103/2024.
TS Phạm Viết Thuận cho rằng, để thiết thực hơn với cuộc sống và nhu cầu của người dân sinh sống góp phần phát triển kinh tế xã hội, kiến nghị Chính phủ xem xét đánh giá lại một cách khách quan với những hệ lụy đang tồn tại do ảnh hưởng của Nghị định 103/2024 như không thu được tiền chuyển mục đích sử dụng đất trong quý 4/2024 và quý 1/2025. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tăng trưởng 2 con số của quốc gia, ảnh hưởng nỗ lực phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 68 và thị trường bất động sản của cả nước do giá đất tăng cao.
Nguồn: Vietnamnet; Soha; CafeF; Thanh Niên
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá