Hình ảnh Người Việt ở Đức: Ký ức thuở ban đầu “100 bà“ sang Đức “Lao động hợp tác“

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Ngày này, 07.09.1982, trên một chuyến phi cơ trong đoàn “100 bà “khởi hành từ Nội Bài, chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Berlin-Schönefeld. Không còn nhớ, là mấy giờ, lúc đó tối đen như mực và rất lạnh. Đón chúng tôi, có chị Dung phiên dịch và chị Trâm sang trước chúng tôi bốn tháng và vợ chồng ông bà Mischi đại diện cho nhà máy giầy Schuhfabrik Paulschäfer Erfurt, là những người phụ trách chúng tôi. In đậm mãi trong tôi hình ảnh ông bà phát 100 cái áo lông, cái nào cũng giống cái nào, đen tuyền, cùng 100 túi đồ ăn. Trong đó, có đủ thứ, nào bánh mì kẹp xúc xích, nào nước uống, đùi gà rán và cả hai quả táo đỏ óng mượt, thơm tinh khiết. Lần đầu tiên trong cuộc đời được hé miệng cắn lên qủa táo thơm ngon giòn tan mà cả thời thơ ấu đến giờ chỉ được biết đến, được mơ qua phim ảnh, trong những câu chuyện cổ tích mà thôi. Chao ôi, sao mà ngon đến thế, vị ngon ngọt của nó tứa vào nước miếng qua cỗ răng khổng lồ thèm khát, ngấu nghiến, thấm vào cơ thể từng tế bào ngất ngây.

Ông bà Tây to cao như King Kong, mỗi khi nói chuyện chúng tôi cứ phải ngửa trái, ngửa phải người lên đến sái cả cổ. Chắc ông bà cũng vậy, phải cúi xuống gù cả lưng vì “100 con”. Tóc bà búi cao trắng xoá, trông đẹp như tiên vậy. Ông bà luôn tươi cười, niềm nở, mà 100 con quạ đen xì co ro cúm rúm một chữ bẻ đôi không biết, phần thì ngỡ ngàng, phần do mệt mỏi, chỉ biết dương mắt nhìn. Riêng tôi cứ trố mắt, há mồm thán phục chị Trâm. Sao chị ấy giỏi thế, nói tiếng Tây như chém gió. Tôi thầm ước gì nói tiếng Đức được như chị. Tôi thấy chị ấy gọi ông khổng lồ kia là Vater, kêu bà tiên kia là Mutti. Hỏi ra mới vỡ lẽ chị gọi ông bà là bố và mẹ. Cái cách xưng hô tôn kính thân mật ấy cứ in dấu ấn trong mỗi một chúng tôi, bất kể già hay trẻ cho đến tận bây giờ, dù có người đã có gia đình, con cái, còn phần lớn chỉ là „chíp hôi“ mười tám, đôi mươi.

Trước ngày bay chúng tôi được học tập trung vài buổi (tôi không nhớ bao lâu), lúc đó gọi là gì nhỉ? Học chính trị? Gồm nội qui, cách đi đứng, ứng xử, văn hoá, phong tục, tập quán người Đức? Chữ thầy lại trả cho thầy. Móc óc, lôi trong đống u mê cho đến hôm nay, tôi không thể truyền tải lại mình đã học được cái gì? Riêng bài truyền bá Đông Đương của các “mẹ Hà Thành“ cứ hằn in trong tâm trí tôi, nhớ mãi không hề mang tính chất cá nhân bực bội hay giận hờn oán trách, mà chỉ mang nặng tính ngớ ngẩn, buồn cười mà thôi. Các “mẹ “ dặn chúng tôi không được nói nhà đông anh em. Chỉ được 2 thôi nhé. Để tôn vinh cho bản thân, cho văn minh của xã hội, tân tiến cho gia đình. Tự dưng tôi vẽ và khoác lên mình một chiếc áo mới, một lý lịch chỉ có hai anh em. Rồi còn 5 người anh em kia của tôi, tôi cất dấu ở đâu đây? Cũng vì lẽ ngớ ngẩn đó, khi anh ruột tôi sang học hội hoạ tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Birkenstein ở Halle, tôi có dẫn đến nhà bà Charlotte (người mẹ trên quê hương thứ hai) ở Erfurt và Postdam chơi, thật là dối trá quá sức, tôi đổi chỗ anh ruột thành anh họ vì đã trót giới thiệu anh cả đang làm nghiên cứu sinh ở Freiberg. Ngạn ngữ Đức có câu ”Nói dối phải có trí nhớ - Ein Lügner muß ein gutes Gedächtnis haben“, nên tôi đánh đã „trót“ thì phải “trét“. Tôi ân hận vô cùng mà vẫn chưa có cơ hội, có lẽ mãi mãi không có cơ hội thú tội và mong bà Charlotte rộng lòng tha thứ. À các mẹ còn dặn: ”Không được nói mình ăn Ngô, vì Ngô chỉ làm thức ăn cho gia súc”. Riêng chuyện này đến bây giờ tôi vẫn còn tiếc mãi. Sao mình không thể không hỏi thẳng hướng dẫn viên.

Là người Việt, ít nhiều tôi cũng không tránh khỏi vết xe lăn ”chó chạy trước cày”. Khi đó chúng tôi được học 3 tháng tiếng Đức trước khi xuống nhà máy làm việc. Bà giáo dạy tiếng Đức rất giỏi tiếng Nga. Thời phổ thông tôi học ngoại ngữ tiếng Nga. Tôi hay lắp bắp những từ ngữ phiên âm quốc tế như Ximang, Bonbon International... Thế là lúc nào cũng được khen là giỏi. Hồi đó học tiếng Đức sao khó thế, không có từ điển, mà nếu có thì nghĩa không thực dụng, nói Tây không hiểu. Tôi chuyển sang học tiếng Đức qua tự điển của Đức “Duden“. Sử dụng Duden nói chuyện với Tây rất dễ đồng cảm, nhưng khi dịch sang tiếng Việt thì hơi khó. Thế là chỉ còn cách sử dụng ngôn từ vận dụng phù hợp với hoàn cảnh.

Ngay từ khi học tiếng, như đã nói không có từ điển và không có phiên dịch, tôi đã là một thông dịch“đểu“. Nhớ mãi lúc thầy Hans khoanh vòng tay đưa lên miệng, tôi dịch cho cả lớp là ”kèn tù và“. Cả lớp cười ầm, vui nhộn hẳn lên khi thầy tìm mọi cách diễn tả cho chúng tôi hiểu là thầy muốn nói từ “uống - trinken“. Và cũng muốn khoe với các bạn tôi là học sinh cưng của thầy. Tôi hay đến nhà thầy cô chơi và nói chuyện. Qua thầy tôi học hỏi được rất nhiều điều. Có lần, trong lúc uống cà phê thầy hỏi: ”Minh ! Em không có đòi hỏi sinh lý à?”. Vô tư, tôi nhe răng nhoẻn miệng cười và trả lời: ”Thưa thầy, chưa ăn, chưa biết mùi vị, nên không thèm khát, không đòi hỏi“. Rồi thầy kể rất nghiêm túc: ”Ở đây bố mẹ và con cái tắm chung là chuyện thường tình“. Có lần con của thầy hỏi khi thầy và con cùng tắm chung trong cùng bể nước: ”Bố ơi. Cái ý của bố sao lại to thế? Còn của con thì bé?”. Và thế là tôi học được từ thầy, không câu hỏi nào ngu ngốc, mà chỉ có câu trả lời ngu ngốc mà thôi. Miệng trẻ vô tư, thấy lạ, không biết thì hỏi. Và người được hỏi cần phải giải thích đúng.

Rồi thập niên 1987-1988 người Việt ồ ạt sang lao động ở Đông Đức. Làn sóng đông đảo đó rất cần phiên dịch. Đại sứ quán tổ chức thi phiên dịch. Điều kiện dự thi là nói đọc hiểu viết và nói tiếng Đức thành thạo, có giấy chứng nhận tham gia học nghề hoặc trường bổ túc văn hoá. May sao những điều kiện trên tôi đều có đủ.

(Còn tiếp)

(Nguồn: Bài và ảnh FB Nguyen Thi Minh Ngoc và Ký ức DDR. Bài đã được biên tập lại theo văn phạm. Tựa đề do Toà soạn tự đặt).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Người Việt ở Đức

Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu cùng Liên hiệp hội Phụ nữ Việt Nam tại Đức trao bò sinh sản cho 12 hộ nghèo tỉnh Điện Biên

24/04/2024

  Ngày này, 07.09.1982, trên một chuyến phi cơ trong đoàn “100 bà “khởi hành từ Nội Bài, chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Berlin-Schö

Hướng dẫn thủ tục đón người nhà sang Đức thăm thân, và sau đó có thể làm thủ tục đoàn tụ

22/04/2024

  Ngày này, 07.09.1982, trên một chuyến phi cơ trong đoàn “100 bà “khởi hành từ Nội Bài, chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Berlin-Schö

Thụy Sỹ: Con đường gian nan người Việt sang làm nghề Nail; Nạn quảng cáo mại dâm với hứa hẹn sinh lợi nhất

22/04/2024

  Ngày này, 07.09.1982, trên một chuyến phi cơ trong đoàn “100 bà “khởi hành từ Nội Bài, chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Berlin-Schö

Lên đầu trang