Cuộc chiến chống lạm phát; Nga-Ấn xung đột tiền tệ; Bầu cử TT Nga; Trận chiến Avdeevka; Bước ngoặt mới ở Myanmar

Bước ngoặt trong cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu

(Ảnh minh họa).

Lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống giá cả tăng cao kéo dài trong suốt 2 năm qua của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Theo báo The Wall Street Journal, việc mức tăng trưởng giá tiêu dùng giảm xuống dưới 5% ở Anh, 3% ở Mỹ và khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) vừa qua đang làm tăng kỳ vọng về khả năng các ngân hàng trung ương có thể ngừng chu kỳ tăng lãi suất ngay trong năm 2024.

Những tín hiệu đáng mừng

Lạm phát được thúc đẩy bởi các gói kích thích kinh tế trị giá hàng tỉ USD của chính phủ Mỹ cũng như nhu cầu bị dồn nén và các khoản tiết kiệm mà người dân tích lũy trong thời gian đại dịch Covid-19. Theo các nhà kinh tế, đây chính là lý do tại sao lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao trong suốt gần 4 năm qua kể từ khi đại dịch bắt đầu và đó cũng là lý do vì sao các ngân hàng trung ương buộc phải liên tục tăng lãi suất để giảm lạm phát.

Tuy nhiên, lạm phát giảm trên khắp các châu lục gần đây cho thấy khi các yếu tố đẩy giá lên cao ngay từ đầu là đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tại Ukraine giảm bớt tác động, áp lực giá cả sẽ giảm theo một cách tự nhiên.

Hiện lãi suất chính phủ ở cả khu vực châu Âu và Mỹ đã giảm, giúp các nhà đầu tư kỳ vọng vào triển vọng giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ diễn ra nhanh hơn. Theo báo cáo ngày 15.11 của Cơ quan Thống kê Anh, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 4,6% vào tháng 10 (thấp hơn so với mức 6,7% hồi tháng 9) và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10.2021. Chuyên gia kinh tế Bruna Skarica tại Ngân hàng Morgan Stanley đánh giá nước Anh không còn là quốc gia có tỷ lệ lạm phát quá cao nữa.

Trong khi đó, mức lạm phát của Mỹ cũng đã giảm hơn so với dự kiến, xuống còn 3,2% trong tháng 10. Eurozone cũng báo cáo mức lạm phát giảm từ 4,3% vào tháng 9 xuống còn 2,9% trong tháng 10. Tín hiệu đáng mừng khác là giá tiêu dùng ở Bỉ và Hà Lan đã thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Stefan Gerlach, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland, phân tích lạm phát thấp hơn cho thấy hiệu quả của việc tăng lãi suất thêm 4 hoặc 5 điểm phần trăm. Ông đánh giá đây chắc chắn sẽ là một bước ngoặt đối với lạm phát và nhiều khả năng trong năm 2024, các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ cắt giảm lãi suất ở mức khoảng 1,5 điểm phần trăm.

Việc giảm giá tiêu dùng đã thuyết phục được một số nhà hoạch định chính sách châu Âu rằng cuộc chiến kiềm chế lạm phát đang trên đà thắng lợi, theo The Wall Street Journal. Trước cuộc họp với các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) vào trung tuần tháng 11 tại Brussel (Bỉ), Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire phát biểu rằng: "Chúng ta đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng lạm phát và trong vòng chưa đầy 2 năm nữa, châu Âu sẽ kiểm soát được lạm phát".

Hiện các nhà đầu tư đang tỏ ra lạc quan hơn. Theo dữ liệu từ Công ty phân tích dữ liệu tài chính Refinitiv (Anh), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khả năng sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ mùa xuân năm 2024 và Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tiến hành việc này vào mùa hè năm tới.

Chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc?

Vấn đề quan trọng hiện nay là liệu chu kỳ tăng lãi suất đã sắp kết thúc hay chưa? The Wall Street Journal dẫn lời các nhà kinh tế học cho biết các đợt tăng lãi suất vừa qua đã ảnh hưởng đến nền kinh tế, đè nặng lên hoạt động cho vay và tiêu dùng. Quá trình tạo việc làm chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ở cả châu Âu và Mỹ khiến cho tốc độ tăng trưởng mức lương giảm theo. Các hộ gia đình cũng hạn chế chi tiêu và ngày càng tiết kiệm hơn. Những điều này đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Theo số liệu công bố ngày 15.11 của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này đã giảm 0,1% trong tháng 10 so với hồi tháng 9 và là mức giảm đầu tiên kể từ tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, lạm phát cũng đang giảm do thị trường lao động ít biến động và chi tiêu tiêu dùng cho dù giảm nhưng ở mức ổn định. Điều này củng cố dự báo rằng áp lực giá sẽ tiếp tục giảm bớt mà không xảy ra suy thoái.

Ở châu Âu, bối cảnh kinh tế khó khăn hơn. Lục địa già hiện đang phải đối mặt với những cơn gió ngược đối với tăng trưởng từ việc thương mại toàn cầu chậm lại, tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc - thị trường xuất khẩu quan trọng của châu Âu - không như kỳ vọng, cho đến việc các chính phủ đang cố gắng giảm bớt chi tiêu. Hơn nữa, các hộ gia đình châu Âu cũng miễn cưỡng hơn so với các hộ gia đình ở Mỹ trong việc chi tiêu tiền tiết kiệm thời đại dịch. Tất cả những điều này có thể thúc đẩy ECB phải cắt giảm lãi suất sớm hơn.

Vẫn còn đó nhiều nỗi lo

Mặc dù thực tế cho thấy có nhiều triển vọng tích cực về việc các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất trong tương lai nhưng nhiều nhà kinh tế và đầu tư dự báo việc quay trở lại thời kỳ lãi suất cực thấp như trước đại dịch là khó xảy ra. Hơn nữa, các ngân hàng trung ương vẫn đang tỏ ra khá thận trọng vì tình hình lạm phát dai dẳng thời gian qua bất chấp các đợt nâng lãi suất liên tục. Tháng 10, Ngân hàng Trung ương Anh nhận định hiện còn quá sớm để tính đến khả năng cắt giảm lãi suất và dự báo sẽ chỉ đạt mức lạm phát mục tiêu 2% vào cuối năm 2025. Hơn nữa, nguy cơ giá năng lượng leo thang khi xung đột Hamas - Israel lan rộng ra các khu vực khác ở Trung Đông là rất lớn.

Những biến động địa chính trị trên thế giới hiện nay đang có tác động tiêu cực đến đà phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, áp lực về nhân khẩu học cũng đang ngày càng gia tăng. Trong những năm tới, lực lượng lao động ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc có thể sẽ giảm khi tỷ lệ dân số già ngày càng cao. Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây cũng sẽ làm tăng chi phí khi xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các nước khác ngoài Trung Quốc ngày càng tăng cao.

Vì vậy, khả năng lãi suất dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao trong vòng một vài năm tới là rất lớn.

'Xung đột tiền tệ' giữa Nga và Ấn Độ liên quan tới thanh toán dầu

Khó khăn đã nảy sinh trên một trong những tuyến đường mang lại nhiều lợi nhuận nhất để vận chuyển dầu của Nga tới Ấn Độ.

Theo hãng tin Reuters, các nhà cung cấp dầu thô Nga, sau khi hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây liên quan tới cuộc chiến tại Ukraine, đã chuyển hướng kinh doanh của họ sang New Delhi.

Ban đầu hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Nga và Ấn Độ rất tốt đẹp, khi New Delhi giúp Moskva thoát khỏi tình thế bị phong tỏa bằng cách tiêu thụ một lượng lớn dầu thô, bản thân họ cũng hưởng lợi nhờ nguồn hàng chi phí thấp.

Tuy nhiên vấn đề bắt đầu nảy sinh khi các quốc gia từ bỏ thanh toán bằng đồng đô la Mỹ.

Tờ báo Anh dẫn lời các thương nhân và đại diện của những công ty giấu tên ở Nga cho biết có nhiều khó khăn liên quan đến việc chuyển đổi đồng tiền Ấn Độ được dùng để thanh toán cho những lô hàng.

Vấn đề này có nguy cơ làm gián đoạn quan hệ thương mại giữa Moskva và New Delhi. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Ấn Độ bắt đầu mua thêm dầu của Nga, số hàng này được đưa tới bằng đường biển và trước đây vốn dành cho châu Âu. Khó khăn lộ ra khi khoản thanh toán trở nên rất lớn.

Các nguồn tin ẩn danh của Reuters lưu ý về tính nhạy cảm đặc biệt của vấn đề nói trên, tiền Ấn Độ thanh toán cho Nga đang “bị mắc kẹt” tại địa phương do chỉ thị không chính thức từ Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga về việc không chấp nhận đồng rupee.

Trong khi đó, đồng nội tệ của Ấn Độ khó chuyển đổi ở nước ngoài. Hiện tại, các nhà cung cấp Nga chưa thể làm cách nào lấy số tiền thu được từ thị trường Ấn Độ.

Với tình trạng trên, vào tháng 11, khoảng hơn chục tàu chở dầu lẽ ra đi đến Ấn Độ đã bị hai công ty khai thác dầu mỏ lớn của Nga chuyển hướng đến những khách hàng khác. Dự báo vướng mắc giữa Moskva và New Delhi rất khó được dàn xếp trong tương lai gần.

Bầu cử tổng thống Nga 2024: Thách thức nào khi 'so kè' với Vladimir Putin?

(Ảnh minh họa).

Cô Yekaterina Duntsova, một người muốn ra tranh cử tổng thống Nga, nói rằng Điện Kremlin nên chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine, thả các tù nhân chính trị và tiến hành cải cách mạnh mẽ để chống lại việc trượt vào một kỷ nguyên mới "dựng hàng rào kẽm gai" chia rẽ giữa Nga và Phương Tây, trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.

Gần 32 năm kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nước Nga đã được kỳ vọng sẽ trở thành một nền dân chủ mang tính cởi mở.

Duntsova, 40 tuổi, nói bản thân cô lo sợ, khi trả lời phỏng vấn của Reuters từ Moscow.

"Nỗi lo sợ là thường trực nhưng có thể ý thức được," Duntsova nói, người hồi tháng này tuyên bố muốn ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 3/2024.

"Bất kỳ một người tỉnh táo nào đi bước này đều cảm thấy sợ hãi - nhưng không thể để nỗi sợ thống trị."

Cô cho biết thêm bản thân phải cẩn trọng trong lựa chọn từ ngữ bởi vì luật pháp Nga được phép sử dụng để truy tố những người chỉ trích điều mà Điện Kremlin gọi là một "chiến dịch quân sự đặc biệt", và cô đã được cảnh báo vì nói chuyện quá nhiều với cánh phóng viên nước ngoài.

Cựu nhà báo truyền hình trong vùng, người có ba con, đã từ chối dùng từ "chiến tranh" để mô tả cuộc xung đột chết chóc nhất tại châu Âu, kể từ Thế chiến lần hai, viện dẫn luật pháp Nga.

"Sớm hay muộn, mọi cuộc xung đột vũ trang phải kết thúc, và tôi hy vọng cuộc xung đột này sẽ kết thúc sớm nhất có thể," cô Duntsova nói.

"Mọi người đã quá mỏi mệt về chuyện đang xảy ra. Nhưng sự mỏi mệt đó không được lên tiếng."

Cô từ chối mô tả một nền hòa bình khả thi có thể là thế nào.

Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử vào tháng Ba tới, và chắc chắn sẽ giành chiến thắng nếu quyết định vậy.

Cô Duntsova nói cần thu thập 300.000 chữ ký để ra tranh cử. Truyền thông nhà nước Nga đã bỏ mặc cô ấy.

Nước Nga của Putin

Các chính trị gia đối lập cho rằng cuộc bầu cử là một sự che đậy nền dân chủ được tô vẽ từ điều mà họ xem là nền độc tài tha hóa trong nước Nga của Putin.

Các cuộc bầu cử như vậy, họ cho rằng, thường chỉ có những ứng viên yếu kém để tạo một vỏ bọc là có những ứng viên cạnh tranh.

Giới ủng hộ Putin bác bỏ phân tích như vậy, chỉ ra những cuộc thăm dò độc lập cho thấy vị tổng thống Nga vẫn nhận được tỷ lệ ủng hộ hơn 80%. Họ nói Putin đã phục hồi trật tự và một trong số các sự ảnh hưởng mà Nga đã đánh mất trong thời gian hỗn loạn khi Liên Xô sụp đổ.

Khi được hỏi cô nghĩ gì về Putin, Duntsova mỉm cười một cách lo lắng.

"Tôi không nghĩ về Putin," cô nói. "Khi châu Âu và Mỹ nói nước Nga và người Nga là Putin - điều này không đúng. Tôi không phải là người ủng hộ về dạng tội lỗi tập thể này," cô đề cập đến cuộc chiến tranh Ukraine.

"Quyết định đang không được đưa ra từ tất cả người dân sống tại quốc gia này."

Duntsova nói cô không phải là một con tốt thí được sử dụng để chính danh hóa cuộc bầu cử và hy vọng sẽ có vòng hai. Cô bác bỏ bất kỳ mối liên hệ nào với Điện Kremlin.

"Không phải Kremlin, giới tài phiệt hay tập đoàn lớn nào - họ không hậu thuẫn tôi," cô khẳng định.

Khi được hỏi về lời chỉ trích theo chủ nghĩa dân tộc, theo đó, cho rằng nhiều người ủng hộ nền dân chủ tự do tại Nga là điệp viên cài cắm của tình báo Phương Tây nhằm phá hủy nước Nga, cô nói: "Tôi không phải là điệp viên của CIA."

Cô đưa ra một bình luận mỉa mai, rằng thật là tin tốt khi cô không bị Bộ Tư pháp Nga xếp loại là "điệp viên nước ngoài".

"Tôi yêu đất nước tôi," Duntsova nói, người sinh ra ở thành phố Krasnoyarsk, vùng Siberia, và sống tại thị trấn Rzhev, vùng Tver cho biết.

Một cuộc chiến tranh Lạnh mới?

Các công tố viên Nga đã triệu tập cô ấy hồi tuần rồi, để thảo luận về các quan điểm chính trị, bao gồm về "chiến tranh và hòa bình".

Duntsova cười nhẹ khi được hỏi về một bài báo trên mạng của Nga khi cô bị gọi là "nữ hoàng Yekaterina đệ Tam", và cho biết những người anh hùng của cô là lãnh đạo Ấn Độ, Indira Gandhi và cố Thủ tướng Nelson Mandela của Nam Phi.

Cô nói Nga nên thả các tù nhân chính trị, bao gồm Alexandra Skochilenko, Andrei Pivovarov, Ilya Yashin, Vladimir Kara-Murza và thậm chí Alexei Navalny.

Đề xuất của Duntsova về việc phân bổ "quyền lực theo phương dọc" (power vertical), một chủ nghĩa yêu nước trống rỗng và trao quyền lực cho quốc hội quyền lực sẽ dẫn đến một cuộc cải cách chấn động tại Nga.

Cô cho biết những người theo đường lối cứng rắn ở Phương Tây và Nga sẽ vui mừng khi thấy nước Nga cô lập mình với thế giới.

"Mỗi ngày, càng trở nên rõ ràng là luật pháp sẽ trở nên hà khắc hơn và có ít quyền và sự tự do hơn," cô Duntsova nói.

"Tôi cũng thật sự có cảm giác chúng tôi đã hoàn toàn đóng cửa rồi và sẵn sàng dựng nên một hàng rào kẽm gai."

Trận chiến Avdeevka: Hỏa lực Nga “xét nát” chiến lược của Ukraine

Trong những ngày gần đây, quân đội Nga đã đạt được thành công chiến thuật quan trọng ở Donbass.

Theo SF, ngày 27/11, một khu công nghiệp ở phía đông nam Avdeevka nằm dưới sự kiểm soát của họ. Mặc dù đây chỉ là một phần nhỏ của thị trấn nhưng việc chiếm được nó sẽ tác động về mặt chiến lược và tâm lý của cả hai bên.

Avdeevka, đặc biệt là phần đông nam của nó, liên tục được quân đội Ukraine củng cố trong cuộc chiến ở Donbass. Thị trấn đang trở thành bàn đạp cho cuộc tấn công của Ukraine vào Donetsk.

Cuộc tấn công của Nga vào khu vực này bắt đầu vào ngày 9/11. Vai trò chính trong chiến dịch được cho là do Lữ đoàn tấn công Cựu chiến binh đảm nhận. Lực lượng Nga vượt qua Đường vành đai Donetsk, tiến tới vùng ngoại ô và bắt đầu chiến đấu với Ukraine từ nhiều hướng. Họ phải phá hủy một số vị trí kiên cố của Ukraine và các vị trí bắn bằng súng máy hạng nặng với tầm nhìn tốt xung quanh.

Ngày 24/11 là ngày quan trọng của cuộc tấn công. Trụ sở hoạt động của Ukraine rời khu công nghiệp theo lệnh của Bộ chỉ huy tối cao. Các sĩ quan Ukraine rời bỏ binh lính của họ để tiếp tục cuộc phòng thủ vô nghĩa. Sau khi đốt trụ sở, họ đi bộ về phía bắc. Cùng ngày, các báo cáo ban đầu cho rằng Nga đang kiểm soát khu vực này.

Tính đến ngày 27/11, quân đội Nga đang hoàn tất chiến dịch truy quét vì tàn quân của quân đội Ukraine vẫn đang ẩn náu trong một số tầng hầm.

Người Nga hiện đang tăng cường tuyến phòng thủ phía trước, chuẩn bị cho các hoạt động tấn công tiếp theo. Trong khi đó, Ukraine đang cố gắng tiến hành các cuộc phản công cục bộ nhưng vô ích. Họ buộc phải rút lui về phía tây bắc vào khu dân cư. Một trong những thành trì mới của họ là Nghĩa trang Baykovoe. Không giống như phần phía nam đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, thị trấn Avdeevka nằm ở vùng đất thấp.

Play Video

Cuộc tiến công vào khu công nghiệp ở phía đông nam đã trở thành mối đe dọa lớn đối với lực lượng Ukraine còn lại trong khu vực rừng của khu phức hợp nông thôn Tsarskaya Okhota – cửa ngõ phía nam của thị trấn. Việc Ukraine rút lui khỏi đó chỉ là vấn đề thời gian.

Trận chiến giành Avdeevka là một trong những trận chiến then chốt của Donbass. Nó cho phép Nga phá hủy nhiều vị trí kiên cố của Ukraine, nơi lực lượng Ukraine đã pháo kích vào Donetsk và vùng ngoại ô trong nhiều năm.

Cuộc tiến công của Nga khẳng định, quân đội Nga đang áp dụng thành công kinh nghiệm giải phóng Donbass, sau các chiến thắng ở Bakhmut, Severodonetsk, Lisichansk, Soledar, Rubezhnoe , Mariupol,…

Bước ngoặt mới tại Myanmar: Lực lượng nổi dậy đồng loạt tấn công nhiều nơi

(Ảnh minh họa).

Gần 3 năm sau cuộc đảo chính, chính quyền quân sự Myanmar đang đối diện với thách thức lớn nhất của họ trong việc nắm quyền khi lực lượng đối lập nổi dậy tấn công trên nhiều mặt trận quân sự cùng một lúc.

Các tuần gần đây, các đội quân dân tộc mạnh mẽ của Myanmar đã hợp lực kháng chiến, mở các cuộc tấn công lớn với sự phối hợp chưa từng có tiền lệ, đánh chiếm các thị trấn chiến lược ở biên giới, các vị trí quân sự chủ chốt và các tuyến thương mại sống còn ở quy mô chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.

Matthew Arnold - một nhà phân tích độc lập về Myanmar cho biết, phong trào phản kháng đang “tập trung vào chiếm các thị trấn lớn nhằm đánh bại quân chính phủ một cách căn bản”.

Một cuộc tiến công mang tên Chiến dịch 1027, do liên minh 3 đội quân dân tộc hùng mạnh ở Đông Bắc Myanmar phát động vào cuối tháng 10/2023, đã phát triển thành một chiến dịch toàn quốc để giành quyền kiểm soát đối với các thị trấn và khu vực ở miền Bắc, miền Tây và miền Đông Nam của Myanmar.

Nội chiến giữa các chính phủ quân sự kế tiếp ở Myanmar và các đội quân dân tộc ở nước này đã dai dẳng trong nhiều thập kỷ. Nhưng đợt leo thang lần này diễn ra sau khi có phong trào phản kháng toàn quốc đối với cuộc đảo chính của quân đội Myanmar vào tháng 2/2021 lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi.

Kể từ sau đảo chính, các trận chiến đã nổ ra hàng ngày giữa quân đội chính phủ và các nhóm kháng cự đứng về phe “chính phủ đoàn kết quốc gia” lưu vong chống chính quyền quân sự. Quân đội chính phủ đã tiến hành không kích hàng loạt các mục tiêu mà họ gọi là “khủng bố”, khiến nhiều người thương vong và khoảng 2 triệu người phải di tản.

Mặc dù chưa lan tới các thành phố lớn, leo thang xung đột lần này (tính từ ngày 27/10) là một bước ngơặt trong phong trào kháng cự. Theo Văn phòng các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc, đụng độ vũ trang hiện nay là lớn nhất về quy mô kể từ cuộc đảo chính năm 2021.

Trao đổi với CNN, Bo Nagar - tư lệnh “Quân đội cách mạng quốc gia Miến Điện” (BNRA) cho rằng đây là sự khởi đầu cho quá trình kết thúc sự tồn tại của Hội đồng Hành chính quốc gia.

Bước ngoặt mới

Công bố cuộc tấn công tháng 10, Liên minh ba bên (gồm “Quân đội Giải phóng quốc gia Ta’ang”, “Quân đội Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar Kokang” (MNDAA), “Quân đội Arakan” (AA) và các lực lượng dân quân liên minh với 3 nhóm lớn, tuyên bố họ quyết tâm thay đổi chính quyền hiện tại.

Bên cạnh đó, liên minh này còn thề sẽ đấu tranh chống “nạn gian lận đánh bạc trực tuyến lan tràn ở Myanmar, đặc biệt là dọc theo biên giới Trung Quốc - Myanmar”.

Lực lượng phiến quân này cho biết, chiến tranh trên nhiều mặt trận đang kéo căng lực lượng của quân đội chính phủ, đẩy họ vào thế phòng thủ, đặc biệt là ở Đông Bắc.

Trong một hội nghị quốc phòng an ninh với giới tướng lĩnh hàng đầu vào đầu tháng 11 vừa qua, Tổng thống chính quyền quân sự Myanmar Myint Swe cảnh báo: “Nếu chính quyền không quản lý hiệu quả các sự cố xảy ra ở vùng biên giới, đất nước sẽ chia tách nhiều vùng khác nhau”.

Reuters cho hay, chính quyền Myanmar thừa nhận đã thực hiện các “cuộc tấn công lớn”, đã chỉ đạo nhân viên chính quyền và những ai có kinh nghiệm quân sự ở thủ đô chuẩn bị phục vụ nghĩa vụ trong tình huống khẩn cấp. Myanmar cũng đã thiết quân luật ở một số thị trấn Đông Bắc. Quân đội Myanmar tuyên bố “sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp an ninh cần thiết để bảo đảm hòa bình và ổn định cho khu vực”.

Các thị trấn chủ chốt

Các chiến binh phong trào phản kháng chia sẻ với CNN rằng ở các vùng biên giới miền núi phía Bắc của bang Shan, chính quyền đã mất kiểm soát đối với ít nhất 6 thị trấn bao gồm Chin Shwe Haw và Kunlong - 2 thị trấn biên giới chiến lược về thương mại và vận tải với Trung Quốc, các tuyến đường lớn, và hơn 100 tiền đồn và doanh trại quân sự. Truyền thông độc lập địa phương cũng cung cấp các thông tin tương tự.

Các tuyến giao thông huyết mạch trên khi bị cắt đứt sẽ là đòn giáng mạnh vào nguồn thu của chính quyền Myanmar hiện bị nhiều nước phương Tây trừng phạt về tài chính.

Liên minh kháng chiến nói trên tuyên bố đã kiểm soát được thị trấn Chin Shwe Haw và các con đường dẫn tới thị trấn Muse mà tới 98% thương mại xuyên biên giới của Myanmar với Trung Quốc, tương đương với 2,2 tỷ USD đi qua trong thời gian từ tháng 4-10/2023, theo các số liệu của Myanmar.

Ở bang Rakhine miền Tây, nhóm vũ trang dân tộc thiểu số Arakan đã nối lại chiến sự sau khi lệnh ngừng bắn kéo dài một năm đã tan vỡ, tạo thêm một mặt trận mới.

Giới phân tích cho biết, có dấu hiệu cho thấy quân đội Myanmar hiện bị căng mỏng lực lượng và không có đủ nhân lực cũng như năng lực tác chiến cần thiết để tái chiếm các thị trấn, các vị trí đã mất dù họ có dựa vào không quân và trọng pháo.

Ye Myo Hein - nghiên cứu viên tại Viện Hòa bình Mỹ và Trung tâm Wilson, nói: “Không dễ dự báo kết quả của tiến trình quân sự hiện nay nhưng có một điều chắc chắn là Chiến dịch 1027 đã thao đổi thế cân bằng quân sự theo hướng có lợi cho phong trào phản kháng”.

Nguồn: Thanh Niên; Soha; BBC; Người Đưa Tin; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang