Thượng đỉnh NATO; Nội bộ BRICS lục đục; Israel tấn công ác liệt nhất tại Gaza; Nước cờ khó hiểu; Ukraine 'đi trên dây'

THƯỢNG ĐỈNH NATO & NHỮNG “TÂM SỰ BỘN BỀ”

Mỹ mong muốn tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh NATO suôn sẻ, không có kịch tính và tránh những lời “cay đắng” như sự kiện năm ngoái ở thủ đô Vilnius của Litva.

Khi hàng chục nhà lãnh đạo thế giới tề tựu tại Washington, D.C., để dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần thứ 75, họ sẽ tìm cách nhấn mạnh sự thống nhất của liên minh quân sự. Nhưng hội nghị hứa hẹn sẽ bị phủ bóng bởi những “sự kéo lùi” của Ukraine trên thực địa và những biến động chính trị do bầu cử ở cả đôi bờ Đại Tây Dương.

Tâm trạng “ảm đạm”

Tổng thống Mỹ Joe Biden – người đang đấu tranh cho sự nghiệp chính trị của mình sau màn tranh luận “tồi tệ” với đối thủ Donald Trump, người hoài nghi NATO – sẽ tạm thời dời sự chú ý của ông khỏi việc vận động tranh cử để chào đón các nhà lãnh đạo từ các quốc gia thành viên khi hội nghị khai mạc vào ngày 9/7.

Ông Biden cũng đã mời các nhà lãnh đạo của Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc – một dấu hiệu cho thấy vai trò ngày càng tăng của NATO ở châu Á, tới dự hội nghị.

Nhưng theo AFP, “ngôi sao” của sự kiện sẽ là nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky, người đang tìm kiếm những dấu hiệu ủng hộ vững chắc cho Kiev, mặc dù NATO sẽ không đưa ra lời mời tham gia liên minh cho đất nước ông.

Được thành lập vào năm 1949 với tư cách một liên minh phòng thủ, NATO dường như được “hồi sinh” kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022, đánh dấu bằng việc Moscow mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở quốc gia Đông Âu.

Sau những điều gây bất ngờ trên thực địa, cuộc xung đột hiện đang lâm vào bế tắc và trở thành một cuộc chiến tiêu hao, dai dẳng. Một quan chức châu Âu thừa nhận với AFP rằng tâm trạng trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO đã trở nên “ảm đạm” khi Ukraine rơi vào tình thế mong manh.

“Hội nghị Thượng đỉnh này sẽ rất khác so với các kế hoạch ban đầu vì nó diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với an ninh châu Âu”, vị quan chức này nói với AFP với điều kiện giấu tên. “Nga ngày nay đang ở trong một tình thế khá thoải mái”.

“Thời điểm tốt nhất và cũng là thời điểm tệ nhất”

Ông Max Bergmann, giám đốc chương trình Châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần thứ 75 diễn ra vào “thời điểm tốt nhất và cũng là thời điểm tệ nhất”.

“Thời điểm tốt nhất, theo nghĩa là liên minh biết mục đích của mình – ngăn chặn Nga. Các thành viên liên minh đang chi tiêu nhiều hơn”, ông Bergmann giải thích.

“Nhưng đó cũng là thời điểm tệ nhất – rõ ràng là do cuộc chiến ở Ukraine, những thách thức trong việc tăng cường chi tiêu quốc phòng của châu Âu, những lo ngại về độ tin cậy của Mỹ”, vị chuyên gia tiếp tục.

Ông Trump, người trước đây từng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, từ lâu đã chỉ trích NATO là gánh nặng không công bằng đối với Mỹ khi “xứ cờ hoa” chi tiêu cho quân sự nhiều hơn bất kỳ đồng minh nào khác.

Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2024 đã nhiều lần khẳng định rằng ông có thể chấm dứt cuộc chiến nhanh chóng nếu ông tái đắc cử, trong khi các cố vấn của ông đưa ra ý định “điều kiện hóa” sự hỗ trợ của Mỹ trong tương lai đối với Ukraine để buộc Kiev ngồi vào bàn đàm phán.

Ông Trump đã dẫn trước ông Biden sít sao trong các cuộc thăm dò gần đây. Trong khi đó, ở Tây Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – người đã cân nhắc việc gửi quân tới Ukraine – cũng đang phải đối mặt với những thay đổi về chính trị với kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn chứng kiến cú “lội ngược dòng” của phe cực tả trong khi phe trung dung của ông vẫn trì trệ.

Một động thái gây xôn xao giữa các thành viên NATO gần đây là chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, nơi ông đã được Tổng thống Nga Putin tiếp đón. Hungary cũng vừa bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU kéo dài 6 tháng.

Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần này cũng được cho là sẽ đánh dấu màn ra mắt ngoại giao của tân lãnh đạo Vương quốc Anh, quốc gia thành viên hàng đầu của NATO. Ông Keir Starmer đã nhậm chức Thủ tướng Anh sau chiến thắng vang dội của Đảng Lao động (Công đảng Anh) trong cuộc bầu cử lập pháp, đè bẹp hoàn toàn Đảng Bảo thủ của Thủ tướng vừa mãn nhiệm Rishi Sunak.

Tránh lời “cay đắng”

Tổng thư ký sắp mãn nhiệm của NATO, ông Jens Stoltenberg, đã khởi xướng và thúc đẩy các nỗ lực để chính liên minh này, chứ không phải Mỹ, đi đầu trong việc điều phối hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Ông Stoltenberg cũng muốn các đồng minh cam kết cung cấp viện trợ quân sự ít nhất 40 tỷ Euro (43 tỷ USD) mỗi năm cho Ukraine, đảm bảo sự hỗ trợ đáng tin cậy và nhất quán khi Kiev chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. Tuy nhiên, ít người tin rằng NATO hoặc sự hỗ trợ dành cho Ukraine có thể tồn tại theo cách tương tự nếu không có Mỹ, quốc gia dưới thời chính quyền Biden đã phê duyệt 175 tỷ USD cho Kiev về hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác.

Hội nghị Thượng đỉnh cũng diễn ra sau khi có thêm 2 quốc gia gia nhập NATO – Phần Lan và Thụy Điển – cả hai đều đã vượt qua sự miễn cưỡng trước đó để chính thức gia nhập liên minh. Trong khi đó, cánh cửa NATO vẫn chưa mở cho Ukraine.

Các nhà ngoại giao cho biết, Mỹ mong muốn tổ chức một hội nghị suôn sẻ, không có kịch tính và tránh những lời “cay đắng” như sự kiện năm ngoái ở thủ đô Vilnius của Litva. Năm ngoái, việc NATO không đưa ra khung thời gian rõ ràng cho Ukraine để trở thành thành viên đã khiến ông Zelensky nổi giận, gây ra “cơn bão” ngoại giao bằng cách chỉ trích rằng sự từ chối của liên minh này là “vô lý”.

Tuy nhiên, cuối cùng, ông vẫn không thành công lay chuyển các nhà lãnh đạo NATO khi họ vẫn kiên quyết nói rằng lời mời sẽ chỉ đến “khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”.

Các quan chức Ukraine thừa nhận rằng không có cơ hội thay đổi quan điểm ở Washington. Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đi đầu trong việc phản đối Ukraine trở thành thành viên, tin rằng việc kết nạp một quốc gia đang chìm trong xung đột sẽ tương đương với việc chính NATO đối đầu với một cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân như Nga.

Thay vào đó, Mỹ đã đạt được thỏa thuận an ninh 10 năm với Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết Mỹ sẽ sớm công bố khoản hỗ trợ quân sự mới trị giá 2,3 tỷ USD cho Kiev.

NGHI VẤN NỘI BỘ BRICS LỤC ĐỤC: ẤN ĐỘ QUYẾT DUY TRÌ SỬ DỤNG ĐỒNG USD

Tại sự kiện SCO mới đây, Ấn Độ đã nêu quan điểm muốn duy trì sử dụng đồng USD trong các hoạt động giao dịch thương mại.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) 2024, trong một động thái có thể định hình lại động lực của hoạt động thương mại quốc tế, Ấn Độ đã chính thức bác bỏ đề xuất của Trung Quốc về việc thay thế đồng USD bằng đồng Nhân dân tệ trong trao đổi thương mại.

Quan điểm cứng rắn của Ấn Độ đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ giữa các thành viên BRICS. Động thái này không chỉ phản ánh mối lo ngại của Ấn Độ về kinh tế mà còn là đối với tham vọng quy mô toàn cầu của Trung Quốc.

Tại SCO 2024, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực túc đẩy xu hướng phi đô la hoá với việc khuyến khích sử dụng đồng nội tệ, đặc biệt là Nhân dân tệ, đối với các giao dịch thương mại quốc tế. Đây là bước đi được Nga ủng hộ. Tuy nhiên, Ấn Độ lại phản đối sáng kiến này, tuyên bố sẽ tiếp tục sử dụng USD làm đồng tiền tệ tham chiếu cho các sàn giao dịch thương mại của mình.

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã cử Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar đến tham dự hội nghị. Qua đó, ông đã thể hiện rõ sự không đồng tình với đề xuất của Trung Quốc.

Năm 2022, Ấn Độ đã sử dụng đồng Nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối và đồng Rúp để thanh toán cho các giao dịch dầu mỏ với Nga. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn muốn duy trì sử dụng đồng USD trong hoạt động giao thương trong tương lai. Quyết định này có thể xuất phát từ mối lo ngại về kế hoạch phi đô la hoá của Trung Quốc.

Trong khi đó, mua dầu từ Nga cần thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, song Ấn Độ lại lựa chọn cách giảm nhập khẩu dầu của Nga do một phần ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, và mua dầu của Mỹ, thanh toán bằng USD. Theo Reuters, các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước như Indian Oil, Bharat Petroleum và nhà máy lọc dầu tư nhân Reliance Industries đã mua 7 triệu thùng dầu từ Mỹ chỉ trong tháng 3/ 2024.

Lập trường của Ấn Độ trước sự thúc đẩy xu hướng phi đô la hoá của Trung Quốc và Nga có thể tác động đáng kể đến động lực kinh tế toàn cầu. Với việc tuyên bố không dùng Nhân dân tệ trong trao đổi thương mại, Ấn Độ đã gửi đi một thông điệp rõ ràng về việc duy trì vai trò thống trị của đồng USD.

Quyết định này cũng có thể ảnh hưởng đến các thành viên BRICS khác, tạo ra sự chia rẽ trong quan điểm của khối về định hướng chính sách tiền tệ trong tương lai.

Sự ủng hộ của Nga đối với các sáng kiến phi đô la hoá của Trung Quốc cho thấy tham vọng của cả 2 quốc gia này trong việc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Tuy nhiên, quan điểm đi ngược lại của Ấn Độ có thể cản trở nỗ lực đó, gây khó khăn cho việc thực hiện quá trình tìm đồng tiền tệ thay thế.

Tác động từ lập trường của Ấn Độ đã ngay lập tức được thể hiện trong các giao dịch dầu mỏ, khi quốc gia này đã bắt đầu đa dạng hoá nguồn cung bằng cách chuyển hướng sang Mỹ, thanh toán bằng USD thay vì Nhân dân tệ hoặc Rúp. Bước đi này không chỉ tiếp tục củng cố vị thế của đồng USD trong ngắn hạn, mà còn cho thấy Ấn Độ thận trọng trước tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc.

Song, nhìn chung những tác động dài hạn từ việc Ấn Độ thể hiện quan điểm trái ngược với BRICS vẫn chưa chắc chắn. Nếu các quốc gia thành viên khác có lập trường tương tự, vị thế thống trị của đồng USD sẽ được củng cố. Ngược lại, nếu Trung Quốc và Nga có thể thuyết phục nhiều quốc gia khác quyết tâm phi đô la hoá, thì đồng USD sẽ gặp rủi ro.

Không chỉ về vấn đề sử dụng tiền tệ, Ấn Độ cũng có quan điểm cứng rắn về việc kết nạp thêm thành viên mới vào BRICS. Ấn Độ cho biết khối nên đợi 5 năm trước khi bổ sung thêm nhiều quốc gia khác, vì cho rằng BRICS cần thời gian để có sự hoà hợp với các thành viên mới.

GAZA HỨNG CHỊU CUỘC TẤN CÔNG ÁC LIỆT NHẤT

Israel oanh tạc Gaza City và xe tăng tiến vào từ nhiều hướng, tiến hành một trong các cuộc tấn công "dữ dội nhất" ở dải đất trong xung đột.

Người dân tại Gaza City ngày 8/7 cho biết đô thị ở phía bắc dải đất này đã bị đánh bom liên tục từ buổi đêm cho tới rạng sáng, khiến một số tòa nhà cao tầng bị phá hủy.

Xe tăng Israel cùng ngày tiến công từ ít nhất ba hướng dưới hỏa lực yểm trợ của bộ binh cùng không quân và đã tới trung tâm Gaza City, theo người dân địa phương. Điều này buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa để tìm nơi trú ẩn an toàn, một số phải ngủ ở ngoài đường. Các nhân chứng cho biết một xe tăng Israel đã đẩy người dân về hướng con đường phía tây gần Địa Trung Hải.

"Kẻ địch ở sau lưng, biển ở phía trước. Chúng tôi biết đi đâu bây giờ?", Abdel-Ghani, cư dân Gaza City, nói. "Đạn pháo xe tăng và tên lửa từ máy bay đang rải xuống đường và nhà cửa giống như ngọn lửa địa ngục từ núi lửa. Mọi người chạy tán loạn theo mọi hướng, không ai biết mình phải đi đâu".

Reuters dẫn lời người dân địa phương cho biết đây là "một trong các cuộc tấn công ác liệt nhất" của quân đội Israel ở Gaza kể từ đầu xung đột.

Cơ quan Khẩn cấp Dân sự Gaza cho biết hàng chục người có thể đã thiệt mạng, song lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận các thi thể do hoạt động quân sự của Israel vẫn đang diễn ra tại Daraj và Tuffah ở phía tây Gaza City, cũng như tại Sabra và Rimal.

Bệnh viện Al-Ahli Arab Baptist tại Gaza City đã phải sơ tán bệnh nhân tới bệnh viện Indonesia, vốn đã quá đông đúc và đang thiếu trang thiết bị, do ảnh hưởng của giao tranh. Một cuộc tập kích của Israel vào vùng ngoại ô Shejaia ở phía tây thành phố đã khiến 4 người thiệt mạng, theo các nhân viên y tế.

Quân đội Israel cùng ngày cho biết lực lượng này đang tiến hành chiến dịch nhằm vào cơ sở hạ tầng của các nhóm vũ trang tại Dải Gaza và đã hạ hơn 30 tay súng.

Tel Aviv nhấn mạnh đã cảnh báo dân thường về chiến dịch, đồng thời mở một tuyến đường để họ có thể sơ tán khỏi các khu vực bị ảnh hưởng. Quân đội Israel cũng cáo buộc lực lượng Hamas và đồng minh Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) ẩn nấp sau các công trình dân sự để tấn công họ.

Lữ đoàn Tử vì đạo Al-Aqsa, một trong các nhóm vũ trang ở Gaza, cho biết đã bắn đạn cối vào lực lượng Israel ở khu vực tây nam Gaza City.

Xung đột bùng phát vào tháng 10/2023 sau khi lực lượng Hamas bất ngờ mở chiến dịch tập kích hiệp đồng vào miền nam Israel, khiến hơn 1.100 người thiệt mạng. Nhóm vũ trang cũng bắt khoảng 250 người làm con tin.

Chiến dịch đáp trả sau đó của quân đội Israel vào Dải Gaza đã khiến hơn 38.000 người tử vong, chủ yếu là dân thường, theo cơ quan y tế địa phương.

NƯỚC CỜ KHÓ HIỂU VỀ ĐÀM PHÁN NGỪNG BẮN Ở GAZA

Vòng đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin tại Dải Gaza đang đứng trước triển vọng thành công mới nhờ các nỗ lực không mệt mỏi của các nước trung gian gồm Ai Cập, Qatar và đặc biệt là Mỹ - quốc gia đưa ra bản đề xuất cho thỏa thuận lần này.

Kể từ đợt ngừng bắn kéo dài 1 tuần hồi năm ngoái, đã hơn 8 tháng trôi qua, không chỉ người dân Israel mà cả dư luận quốc tế đều mong muốn có thêm một lệnh ngừng bắn mới, nhất là khi cuộc xung đột ở Dải Gaza đã bước sang tháng thứ 10 với nhiều hệ lụy và khủng hoảng. 120 con tin người Israel và một số quốc gia khác vẫn đang bị giam giữ tại Dải Gaza, trong khi số người Palestine thiệt mạng đã lên tới hơn 38.100 người. Hôm 31/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đích thân công bố phiên bản đề xuất ngừng bắn mới, chia làm 3 giai đoạn, bao gồm nhiều nội dung từ việc Hamas trao trả con tin, Israel rút quân khỏi Dải Gaza tới việc tái thiết mảnh đất bị chiến tranh tàn phá này. Ông tuyên bố: “Đã đến lúc cuộc chiến này kết thúc”.

Tuy nhiên, các vòng đàm phán liên tục thất bại do lập trường cốt lõi và tiên quyết của các bên vẫn quá khác biệt. Với Hamas là Israel phải ngừng bắn hoàn toàn và rút quân vĩnh viễn, còn với Israel là không chấp nhận các yêu cầu này chừng nào Hamas chưa bị triệt tiêu năng lực quân sự và năng lực quản lý. Mỗi lần thất bại là mỗi lần bên này lại đổ lỗi cho bên kia cố tình cản trở tiến trình đàm phán.

Tuần qua, lần đầu tiên phong trào Hamas có một sự điều chỉnh quan trọng về lập trường nhằm hướng đến một thỏa thuận với Israel. Theo đó, từ bỏ yêu cầu Israel phải cam kết bằng văn bản về việc ngừng bắn vĩnh viễn khi kết thúc giai đoạn đầu 45 ngày của kế hoạch gồm 3 giai đoạn. Ngoài ra, Hamas sẽ chấp nhận sự đảm bảo từ các đối tác quốc tế rằng việc đàm phán về “ngừng bắn vĩnh viễn” hoặc "ngừng bắn lâu dài" sẽ được tiến hành vào đầu giai đoạn 1 và tiếp tục diễn ra trong suốt giai đoạn này. Hamas cũng tuyên bố sẵn sàng chấp nhận việc Israel rút dần quân khỏi Gaza, thay cho yêu cầu ban đầu là "phải rút hết quân vào cuối giai đoạn 1". Ngoài ra, việc phóng thích các con tin sẽ phụ thuộc vào tiến triển của các cuộc đàm phán về ngừng bắn vĩnh viễn và rút quân vĩnh viễn.

Như vậy, về cơ bản Hamas đã chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ đề xuất, đồng thời các quan chức của phong trào này cũng tuyên bố “đang chờ phản hồi của phía Israel”. Một bộ phận lớn trong dư luận người dân Israel, đặc biệt là thân nhân của các con tin, hy vọng dưới tác động trực tiếp của Mỹ, đồng minh lớn nhất của Israel, vòng đàm phán này sẽ thành công. Bản thân giới lãnh đạo quân đội Israel gần đây cũng thiên về giải pháp hòa đàm để đưa số con tin trở về càng nhiều càng tốt. Bởi họ cho rằng đánh bại Hamas và giải cứu con tin an toàn là hai mục tiêu mâu thuẫn tự thân.

Về phía Israel, các nguồn tin cho biết quốc gia trung gian Qatar đã tiếp cận và thảo luận với các quan chức Israel nhằm tìm kiếm câu trả lời trong vòng vài ngày tới. Trước đó, ngày 5/7, Israel đã cử một đoàn đàm phán do Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad, ông David Barnea, dẫn đầu tới Doha. Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu cũng xác nhận các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần này. Bên cạnh Qatar, Ai Cập cũng sẽ tiếp đón các phái đoàn của Israel và Mỹ tới Cairo để thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời Ai Cập cũng tiếp tục duy trì kênh liên lạc với đại diện quân sự của Hamas.

Những nỗ lực của các bên trung gian, đặc biệt là sự “xuống thang” của Hamas, cho thấy đàm phán ngừng bắn đang có những tiến triển tích cực. Sự yếu thế trên chiến trường gần đây khiến Hamas nghiêng hơn về phía hòa đàm. Quân đội Israel tuyên bố đã kết thúc giai đoạn giao tranh căng thẳng nhất ở Gaza, sau khi kiểm soát được khoảng 70% thành phố Rafah, khiến các đơn vị của Hamas tan rã và phải chuyển sang chiến thuật đánh du kích.

Tuy nhiên, trong một diễn biến bất ngờ, ngày 7/7, Văn phòng Thủ tướng Israel phát đi thông báo của ông Netanyahu nhấn mạnh tới các điều kiện để tiến hành đàm phán, bao gồm: Bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải cho phép Israel tiếp tục cuộc chiến cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu đề ra; Chấm dứt tình trạng buôn lậu vũ khí qua Ai Cập vào Dải Gaza để cung cấp cho Hamas; Không cho phép hàng nghìn “kẻ khủng bố” vũ trang quay lại phía Bắc Dải Gaza; Số lượng con tin còn sống sẽ được trao trả phải ở mức tối đa.

Những người ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn và giải cứu con tin cho rằng tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu phát đi vào đúng thời điểm nhạy cảm, ngay trước khi diễn ra cuộc họp Nội các An ninh nhằm đánh giá tình hình để đưa ra quyết định đàm phán và trong khi các bên trung gian đang đẩy mạnh tiếp xúc nhằm ráp nối lập trường và yêu cầu của các phía đối địch. Một tuyên bố như vậy sẽ tạo tác động tiêu cực vào thời điểm vòng đàm phán có những tín hiệu thành công rõ rệt nhất.

Để tránh cho chính phủ liên minh khỏi nguy cơ tan vỡ, Thủ tướng Netanyahu đang ngày càng phụ thuộc vào các thành viên cực hữu, những người có quan điểm cứng rắn không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Hamas. Ngày 8/7, Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich một lần nữa cảnh báo sẽ lật đổ chính phủ liên minh nếu ông Netanyahu chấp nhận thỏa thuận. Trong khi đó, dư luận bên ngoài, nhất là từ Mỹ, về việc cần sớm ngừng cuộc chiến cũng đang tạo sức ép rất lớn. Gần đây, các phát ngôn của Thủ tướng Netanyahu một mặt thể hiện sự thiện chí đàm phán, mặt khác, nhà lãnh đạo Israel thường xuyên đưa ra các tuyên bố mâu thuẫn “không ngừng bắn chừng nào Hamas chưa bị loại bỏ”.

Theo kế hoạch, ngày 24/7 tới Thủ tướng Netanyahu sẽ có chuyến công du tới Washington, gặp Tổng thống Biden và có bài phát biểu trước các nghị sĩ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ. Những bất đồng liên quan tới cuộc chiến tại Dải Gaza cũng như nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện với phong trào Hezbollah ở Liban buộc nhà lãnh đạo này phải có những tính toán thận trọng, nhằm duy trì sự ủng hộ về tài chính, quân sự và cả tiếng nói từ đồng minh thiết yếu là Mỹ.

Giới quan sát nhận định mặc dù có cùng quan điểm với các chính trị gia cải cách và tướng lĩnh quân đội theo hướng ưu tiên ngừng bắn để giải cứu con tin, nhưng hiện Thủ tướng Netanyahu đã phụ thuộc quá lớn vào phe cực hữu, khiến ông không thể chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn nếu không có sẵn một kịch bản duy trì sinh mệnh chính trị cá nhân. Cũng như các vòng đàm phán trước, nhiều khả năng Thủ tướng Netanyahu sẽ tìm cách trì hoãn lệnh ngừng bắn và sẽ bác bỏ các yêu cầu của Hamas sau chuyến công du tới Washington. Vì vậy, tuyên bố mới nhất của ông về các điều kiện đàm phán được xem là một nước cờ khó hiểu.

BẦU CỬ Ở MỸ KHIẾN UKRAINE NHƯ NGƯỜI “ĐI TRÊN DÂY”

Giữa bối cảnh tương lai chính trị của Tổng thống Biden vẫn chưa rõ ràng và sự ủng hộ của cựu Tổng thống Donald Trump không chắc chắn cùng với hội nghị thượng đỉnh NATO sắp diễn ra, giới lãnh đạo Ukraine đang phải "đi trên dây" để giữ thế cân bằng.

Tình thế “đi trên dây” của Ukraine

Ukraine – quốc gia vốn phụ thuộc lớn vào sự hỗ trợ quân sự của Mỹ để chiến đấu, từ lâu đã cố gắng duy trì sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Washington. Điều này chưa bao giờ là dễ dàng và ngày càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi khả năng cựu Tổng thống Donald Trump quay lại Nhà Trắng ngày càng gia tăng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được hỏi gần như trong mọi cuộc trả lời phỏng vấn rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump ở Nhà Trắng liệu sẽ có ý nghĩa gì với Ukraine. Trong khi ông Zelensky lựa chọn ngôn từ một cách cẩn thận thì đôi khi những nhận định cảm tính vẫn được bộc lộ trong quan điểm của nhà lãnh đạo Ukraine, rằng ông Trump có thể chấm dứt sự hỗ trợ quân sự cho nước này và cho phép Nga thành công đạt được các mục tiêu ở Ukraine.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh Channel 4 News của Anh, Tổng thống Zelensky cho biết, khẳng định của ông Trump vào tuần trước trong cuộc tranh luận với Tổng thống Biden rằng chỉ mình ông biết con đường dẫn tới hòa bình "có một chút đáng sợ".

"Tôi đã nhìn thấy rất nhiều nạn nhân. Và điều đó thực sự khiến tôi căng thẳng", ông Zelensky nói với Bloomberg. Theo ông: “Nếu có những rủi ro cho sự độc lập của Ukraine, nếu chúng tôi mất đi nhà nước, chúng tôi muốn sẵn sàng cho điều này. Chúng tôi muốn biết rằng liệu tháng 11 tới chúng tôi sẽ nhận được sự hỗ trợ của Mỹ hay sẽ trở nên đơn độc".

New York Times nhận định, Tổng thống Vladimir Putin dường như ủng hộ triển vọng ông Trump quay lại Nhà Trắng khi đưa ra bình luận tại một hội nghị thượng đỉnh ở Astana, Kazakhstan.

"Thực tế là ông Trump, với tư cách là ứng viên tổng thống, nói rằng ông ấy sẵn sàng và muốn dừng cuộc xung đột ở Ukraine là điều chúng tôi sẽ xem xét một cách rất nghiêm túc", Tổng thống Putin nói, đồng thời cho biết: "Tôi chưa biết ý tưởng của ông ấy về việc ông ấy sẽ thực hiện điều đó như thế nào và đây là một câu hỏi quan trọng. Nhưng tôi không nghi ngờ gì việc ông ấy đã nói điều đó một cách chân thành và chúng tôi ủng hộ việc này".

Hồi tháng 4, tờ Washington Post đưa tin, ông Trump đã bí mật nói về kịch bản cho phép Nga giữ lại bán đảo Crimea (được Moscow sáp nhập vào năm 2014) và vùng Donbass (mà Nga đang kiểm soát một phần) để đối lấy hòa bình. Hai cố vấn chủ chốt cho ông Trump cũng đã trình lên ông một kế hoạch chấm dứt xung đột vũ trang mà theo đó, Ukraine sẽ chỉ nhận được thêm vũ khí Mỹ nếu chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Nga.

Tổng thống Putin đã nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đến các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng Ukraine phải đồng ý với các biện pháp "phi quân sự hóa" không thể đảo ngược như một điều kiện tiên quyết để ngừng bắn.

Tháng trước, ông Putin nói Nga sẵn sàng mở ngay các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine nếu nước này rút quân khỏi Donbass và các khu vực khác Moscow tuyên bố sáp nhập, đồng thời cam kết duy trì tình trạng trung lập. Ông cũng nói thêm rằng bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào cũng phải được phương Tây công nhận và dọn đường cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Nga. Cả Kiev và phương Tây đều bác bỏ đề nghị này.

Các quan chức Ukraine cả công khai và bí mật cho rằng môi trường chính trị bị phân cực sâu sắc ở Mỹ cùng với những nỗ lực của Nga nhằm khoét sâu những chia rẽ này, sự khó đoán định của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng như một Nhà Trắng đang bị phân tâm bởi nhiều vấn đề có thể tạo ra một thách thức ngoại giao khó khăn.

"Thực sự thì chúng tôi đang ở trong tình thế tương đối dễ tổn thương hiện nay", ông Oleksandr Merezhko, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ukraine nhận định.

Ông Oleksandr Merezhko cho rằng: "Nếu ông Trump trở thành tổng thống, đó không phải là cú sốc với chúng tôi". Tuy nhiên, việc tiếp cận những người thân cận với ông Trump, theo ông, "cần được thực hiện một cách khéo léo để không khiến đảng Dân chủ phản đối".

"Chúng tôi rất thận trọng để không vướng vào những tranh cãi chính trị nội bộ ở Mỹ. Chúng tôi không muốn phá hủy quan hệ với bất kỳ ai", quan chức Ukraine cho hay.

Mối lo ngại của Ukraine

Trên thực tế, Ukraine cảm thấy không hài lòng với cả 2 đảng của Mỹ. Nỗi thất vọng của Ukraine về nhịp độ hỗ trợ chậm chạp cũng như các giới hạn sử dụng vũ khí của chính quyền Tổng thống Biden chẳng khác là bao so với những lo ngại về sự quay trở lại của ông Trump.

Các quan chức Ukraine kín đáo cho rằng, các chính sách của chính quyền Tổng thống Biden khiến cho Ukraine rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi không có những vũ khí cần thiết để giành chiến thắng và cũng không có sự ủng hộ trọn vẹn của Mỹ trước những nỗ lực của Kiev nhằm bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình theo các điều khoản có lợi cho Ukraine. Tổng thống Biden đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ vào tháng trước bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky. Thay vào đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tham dự sự kiện này.

Các quan chức Ukraine có thể cảm thấy nhẹ nhõm một phần từ tuyên bố ngắn của ông Trump trong cuộc tranh luận khi ông nói rằng các điều khoản của Nga nhằm chấm dứt xung đột là không thể chấp nhận được. Nhiều quan chức cũng cho rằng Ukraine có sự ủng hộ sâu sắc trong đảng Cộng hòa và họ hy vọng điều đó sẽ ảnh hưởng tới ông Trump.

Họ nhận định, quan trọng hơn, ông Trump là một người khó đoán định và nếu ông không thể đảm bảo một thỏa thuận với ông Putin cũng như cảm thấy vai trò bị suy giảm trong quá trình này, cựu Tổng thống Mỹ có thể tăng cường sự hỗ trợ và nhiều khả năng là người ít bận tâm đến những lo ngại leo thang căng thẳng.

"Đó là một nghịch lý. Ông ấy dễ đoán trong sự khó đoán của mình", ông Merezhko nói.

Mối lo ngại trước mắt với Ukraine là vòng xoáy tranh luận về tương lai chính trị của ông Biden có thể trở thành chủ đề chính trong cuộc họp thượng đỉnh của NATO ở Washington tuần này, giữa bối cảnh NATO đang hướng đến một vai trò lớn hơn trong việc điều phối nguồn cung vũ khí và đạn dược cho Ukraine.

Chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng tránh để ông Trump có cơ hội chỉ trích họ về các cam kết hỗ trợ dài hạn cho Ukraine trong khi các chính phủ mới ở Pháp và Anh đều đang đối mặt với những thách thức kinh tế đáng kể.

Một số nước phương Tây đang tiến hành các biện pháp để cố gắng đảm bảo tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine bất kể điều gì diễn ra trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhưng những vấn đề chính trị nội bộ của họ đang làm phức tạp thêm những hành động tập thể.

Chẳng hạn, các đại sứ NATO đã nhất trí tuần trước sẽ thành lập một văn phòng ở Kiev nhưng những nỗ lực giữa các nước thành viên nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho Ukraine trong nhiều năm đã thất bại.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ban đầu thúc đẩy ý tưởng 5 năm với khoản hỗ trợ 100 tỷ USD cho Ukraine và đề nghị một số nước thành viên hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, Washington cùng một số nước bày tỏ nghi ngờ về đề xuất này và cho rằng nó sẽ có thể đối mặt với sự phủ quyết từ các quốc gia không mấy ủng hộ việc hỗ trợ Ukraine, chẳng hạn như Hungary và Slovakia. Thay vào đó, các nước NATO chỉ nhất trí đóng góp 40 tỷ USD vào năm tới cho Ukraine, tương đương với các khoản đóng góp trước đây và không có cam kết cụ thể về sự hỗ trợ trong tương lai.

Nguồn: Người Đưa Tin; Soha; Vnexpress; Báo Tin Tức; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang