
CUỘC ĐUA KHOA HỌC CHƯA HỒI KẾT
Trong tương lai, công nghệ và an ninh quốc gia sẽ không tách rời trong một thế giới chia rẽ.
Trung Quốc đang nỗ lực khẳng định là siêu cường khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới như một phần của chiến lược An ninh quốc gia toàn diện, được đưa ra vào năm 2014.
Trong đó, vi mạch bán dẫn là trung tâm của chiến lược an ninh kinh tế, vì chúng cần thiết cho tất cả công nghệ dân sự và quân sự. Vi mạch bán dẫn sẽ giúp quyết định liệu Bắc Kinh có đạt được các mục tiêu địa kinh tế và địa chính trị trong những thập kỷ tới. Cuộc cạnh tranh của Trung Quốc và phương Tây trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới.
Mỹ gia tăng biện pháp hạn chế
Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức năm 2021, ngày càng có nhiều người lo ngại rằng các công nghệ mới của phương Tây giúp Trung Quốc trở thành đối thủ quân sự đáng gờm, có khả năng nhanh chóng vượt qua Mỹ để trở thành siêu cường trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu.
Trong thập kỷ qua, phương Tây ngày càng chứng kiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng về thiết bị y tế, chất bán dẫn và nguyên liệu thô quan trọng. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã có những bước đi quyết liệt nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Tháng 8/2022, Mỹ ban hành Đạo luật CHIPS hay Luật kích thích sản xuất chất bán dẫn, nhằm chuyển một phần sản xuất vi mạch ở nước ngoài về Mỹ và tăng sức cạnh tranh quốc tế, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu và gián đoạn nguồn cung. Đạo luật CHIPS có kế hoạch đầu tư 52 tỷ USD cho phát triển sản xuất tại Mỹ và hơn 24 tỷ USD cho các ưu đãi thuế liên quan.
Hai tháng sau, Nhà Trắng công bố một loạt biện pháp trừng phạt và công cụ kiểm soát nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và an ninh quốc gia của Mỹ, đồng thời khiến Trung Quốc khó có được hoặc khó sản xuất chip tiên tiến từ 14-16 nanomet trở xuống. Mỹ cũng cấm cung cấp cho Nga và Trung Quốc các bộ xử lý đồ họa tiên tiến từ Nvidia của Mỹ được sử dụng để chế tạo siêu máy tính. Đến tháng 3/2023, Đạo luật CHIPS đã thắt chặt hơn đối với Trung Quốc, với một lệnh cấm được đưa ra đối với các khoản đầu tư vào sản xuất chip có cấu trúc liên kết nhỏ hơn 28 nanomet đặt tại Trung Quốc.
Hiện tại, Mỹ chiếm 10% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, nhưng thống trị tới 39% chuỗi giá trị, còn Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) nắm 53%.
Trong khi Mỹ dẫn đầu quy trình thiết kế mạch tích hợp thượng nguồn, Hà Lan và Nhật Bản lại có vị trí vững chắc trong sản xuất mạch tích hợp trung nguồn, cũng như đóng gói và thử nghiệm. Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất 92% lượng chip tinh vi nhất thế giới có kích thước từ 3-5 nanomet và 80% có kích thước từ 7 nanomet trở xuống.
Mỹ cũng đẩy mạnh hợp tác và phối hợp trừng phạt với Nhật Bản, Hà Lan và nhiều nước khác, để tăng cường kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn hiệu suất cao. Ví dụ, năm 2018, công ty ASML của Hà Lan đã đồng ý cung cấp thiết bị in thạch bản EUV tiên tiến cho Tập đoàn quốc tế sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc (SMIC). Với công nghệ in khắc cực tím (EUV), các bóng bán dẫn có thể được tạo ra với kích thước chỉ nanomet (nm). Dưới áp lực của Mỹ, chính phủ Hà Lan sau đó đã phải rút lại thỏa thuận này.
Gần đây, Nhật Bản cũng áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với 23 loại công nghệ chip mà các công ty Nhật Bản có thể xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc. Các công ty Nhật Bản không nổi bật như ASML của Hà Lan hay TSMC của Đài Loan, nhưng họ thống trị một số giai đoạn của quy trình sản xuất chip.
Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của cả Mỹ và Nhật Bản đều không hạn chế cung cấp chip thế hệ cũ cho Trung Quốc. Chính vì vậy, các công ty sản xuất chip của Trung Quốc vẫn có thể sử dụng thiết bị công nghệ cũ được coi là sau các đối thủ TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc vài thế hệ phát triển, theo trang mạng gisreportsonline.com.
Phản ứng của Trung Quốc
Kể từ năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi xây dựng chiến lược quốc gia nhằm đạt được khả năng tự lực bằng cách giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu các công nghệ quan trọng và linh kiện của phương Tây. Chiến lược “Made in China năm 2015” của Bắc Kinh đã xác định việc tăng khả năng tự chủ về chip từ 10% lên 70% là mục tiêu đến năm 2025. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Theo Topwar.ru, vào năm 2022, con số này chỉ là 16%. Sau đó, mục tiêu được điều chỉnh thành 75% đến năm 2030.
Năm 2023, Bắc Kinh nhập khẩu thiết bị bán dẫn với số lượng kỷ lục từ Hà Lan, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) trước khi Mỹ triển khai chính sách hạn chế xuất khẩu mới. Mùa Hè năm ngoái, nước này bổ sung 41 tỷ USD vào Quỹ nhà nước đầu tư ngành mạch tích hợp Trung Quốc, ra mắt vào năm 2014 để thúc đẩy ngành công nghiệp chip.
Tổng cộng đến nay, Bắc Kinh được cho đã đầu tư khoảng 150 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm các cơ sở nghiên cứu và phát triển – nhiều hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác kể từ năm 2015. Vào năm 2020, nhiều báo cáo cho rằng SMIC sẽ cần bảy năm để bắt kịp các công ty phương Tây hiện dẫn đầu về công nghệ. Tuy nhiên, SMIC và Huawei đã tiến bộ nhanh chóng với việc sản xuất chip tiên tiến 7 nanomet vào năm 2023.
Không chỉ thúc đẩy nghiên cứu sản xuất chip trong nước, để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc cấm nhập khẩu các sản phẩm từ tập đoàn sản xuất chip nhớ Micron của Mỹ cho cơ sở hạ tầng quan trọng và các lĩnh vực nội địa khác kể từ tháng 5/2023 vì “rủi ro an ninh nghiêm trọng”. Năm 2022, Micron sản xuất một phần tư số chip nhớ DRAM của thế giới, và Trung Quốc chiếm gần 11% doanh số bán hàng của hãng này.
Đến tháng 7/2023, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu hai kim loại quan trọng trong thành phần đất hiếm là gali và germanium, được sử dụng rộng rãi trong vi điện tử, vốn cần thiết cho việc sản xuất vũ khí công nghệ cao cũng như pin, màn hình và nhiều sản phẩm công nghệ cao khác. Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 80% lượng gali và 60% lượng germanium của thế giới. Do đó, biện pháp hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc đã giới hạn đáng kể khả năng tiếp cận của một số nhà sản xuất nước ngoài đối với các nguyên liệu quan trọng này và làm tăng giá bởi rất ít lựa chọn thay thế.
Trong khi tìm cách cải thiện khả năng thương lượng với Mỹ trong ngắn hạn, những chính sách này cũng cho thấy nỗ lực của Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp quan trọng nhất về nhiều loại nguyên liệu thô then chốt và các sản phẩm tinh chế. Tuy nhiên, việc cắt giảm xuất khẩu cũng có thể khiến Mỹ đẩy nhanh các dự án đưa hoạt động sản xuất trở về Mỹ hoặc chuyển hoạt động sản xuất sang các nước thân hữu.
Kể từ năm 2023, Trung Quốc đã mở rộng phạm vi áp dụng Luật chống gián điệp để giải quyết các “mối đe dọa an ninh quốc gia” chưa được xác định rõ ràng. Chương trình này yêu cầu các công ty nhà nước trong lĩnh vực tài chính, năng lượng... thay thế phần mềm nước ngoài trong hệ thống công nghệ thông tin của họ. Những công ty này bao gồm hơn 60 trong số 100 công ty niêm yết lớn nhất Trung Quốc.
Vào cuối tháng 12/2022, Huawei, một trong những công ty tư nhân lớn nhất Trung Quốc cho biết đã làm chủ một phương pháp thiết kế vi mạch trước đây do phương Tây độc quyền. Thành công này của Huawei mở ra triển vọng rằng cuối cùng Trung Quốc đã có thể bắt đầu tự sản xuất một số vi mạch nhỏ nhất và mạnh nhất, làm chủ phương pháp sản xuất chip quan trọng. Mặc dù cần đợi thêm thời gian để xem Huawei có thể thách thức biện pháp trừng phạt của phương Tây tới đâu, nhưng việc Trung Quốc có thể vượt qua các lệnh cấm và hạn chế để phát triển ngành công nghệ sản xuất chip bán dẫn tiên tiến khiến phương Tây đau đầu.
Theo trang mạng gisreportsonline.com, việc Trung Quốc bắt kịp Mỹ chỉ là vấn đề thời gian, cho dù có thể phải đối mặt với các lệnh cấm vận mới. Tuy nhiên, SMIC đã có thể mua phụ tùng thay thế và dịch vụ kỹ thuật để duy trì cơ sở sản xuất chip 7 nanomet của mình, bất chấp việc Mỹ tăng cường biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Thậm chí, Huawei và SMIC đang có kế hoạch sản xuất chip ASCEND 920 tiên tiến 5 nanomet, giúp thu hẹp khoảng cách với các chip AI tiên tiến 3 nanomet của phương Tây và khả năng là cả chip 2 nanomet.
Các chính sách hướng tới mục tiêu tự cung tự cấp và tách khỏi phương Tây của Trung Quốc cùng với sự gia tăng nỗ lực trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và đồng minh đang làm leo thang cuộc chiến toàn cầu tranh giành các loại chất bán dẫn và chip tiên tiến nhất thế giới. Tuy nhiên, chính sự cạnh tranh khốc liệt này lại là cơ hội để Trung Quốc bứt phá, vươn lên thành một "cường quốc chip" thực sự trong tương lai không xa.
NHẬT BẢN VÀ VẤN NẠN 'CÁI CHẾT CÔ ĐƠN'
Theo cảnh sát, khoảng 68.000 người dự kiến sẽ qua đời một mình và không được để ý đến trong năm nay, trong khi dân số đất nước tiếp tục già đi.
"Thỉnh thoảng chúng tôi có chào nhau, nhưng chỉ thế thôi. Nếu một trong những hàng xóm của tôi qua đời, tôi không nghĩ mình sẽ nhận ra”, bà Noriko Shikama, 76 tuổi, chia sẻ. Bà sống một mình trong căn hộ Tokiwadaira ở rìa Tokyo và đã đến trung tâm đón tiếp Iki Iki để cập nhật thông tin cùng với các cư dân khác bên tách cà phê do tình nguyện viên phục vụ.
Tại đây, giữa những cuộc trò chuyện hàng ngày về việc nhuộm tóc bạc, họ cũng chia sẻ tin tức về cái chết cô đơn mới nhất, hay “kodokushi” – được định nghĩa chính thức là “một người chết mà không có ai chăm sóc và thi thể của họ được tìm thấy sau một thời gian nhất định”.
Vài ngày trước, một người phụ nữ đã được phát hiện sau khi hàng xóm nhận thấy họ không nhìn thấy bà ngoài ban công. Bà đã mất được năm tháng. “Cái mùi ấy… bạn sẽ mãi mãi mắc kẹt với nó”, bà Shikama nói.
Theo báo cáo gần đây của cơ quan cảnh sát quốc gia, gần 22.000 người Nhật Bản qua đời tại nhà một mình trong ba tháng đầu năm nay, với khoảng 80% trong số họ từ 65 tuổi trở lên. Đến cuối năm nay, cơ quan ước tính số trường hợp chết một mình sẽ lên tới 68.000, so với khoảng 27.000 vào năm 2011.
Cách đây hai thập kỷ, Tokiwadaira ở thị trấn Matsudo là cộng đồng đầu tiên buộc phải đối mặt với hiện tượng đau buồn này, khi thi thể của một người đàn ông nằm trong căn hộ của mình đã không được ai phát hiện trong suốt ba năm. Tiền thuê nhà và các hóa đơn của ông đã được thanh toán tự động và cái chết của ông chỉ được chú ý sau khi tiền tiết kiệm của ông cạn kiệt.
“Căn hộ đó không phải là nơi mà bạn có thể hình dung là có người sinh sống”, bà Aiko Oshima, Phó Chủ tịch Hiệp hội cư dân Tokiwadaira, cho biết. “Chúng tôi không muốn chuyện khủng khiếp như vậy xảy ra lần nào nữa”.
Khi những người đầu tiên chuyển đến đây sống hơn sáu thập kỷ trước, những tòa chung cư bốn tầng ở Tokiwadaira được coi là nơi ở trong mơ của nhiều gia đình trẻ trong làn sóng kinh tế phát triển thời hậu chiến của Nhật Bản.
Khu phố từng vang vọng tiếng trẻ con chơi đùa quanh cây tuyết tùng non. Ngày nay, những cây đó rợp bóng vòng quanh 170 khu chung cư giống hệt nhau, tạo nên một trong những khu nhà ở tập thể lớn nhất Nhật Bản.
“Khi đó, nền kinh tế đang bùng nổ và các gia đình đều khao khát được sống ở đây. Đó là một nơi sôi động. Nhưng bây giờ mọi người đều già đi”, bà Oshima, người chuyển đến Tokiwadaira cùng chồng và con trai nhỏ vào năm 1961, nói.
Giờ đây, khi dân số Nhật Bản tiếp tục già đi, ngày càng có nhiều người phải trải qua những năm cuối đời trong sự cô lập. Theo Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia, số người trên 65 tuổi sống một mình ở mức 7,38 triệu người vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên gần 11 triệu người vào năm 2050. Theo cuộc điều tra dân số năm 2020, các hộ nhà độc thân chiếm gần 38% tổng số nhà, tăng 13,3% so với cuộc khảo sát 5 năm trước đó.
“Xác suất của những cái chết đơn độc chắc chắn sẽ tăng lên trong xã hội kể từ bây giờ. Điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết vấn đề này một cách trực tiếp”, Bộ trưởng Y tế Keizo Takemi tuyên bố vào tháng trước.
Tại Tokiwadaira, ước tính có khoảng 54% cư dân ở độ tuổi trên 64, và 1.000 trong số 7.000 người ở đây sống một mình. Nhưng một loạt cái chết “kodokushi” đã thúc đẩy người dân địa phương bắt tay vào hành động. Hiệp hội cư dân đã thiết lập một đường dây nóng để những người hàng xóm có thể thông báo chính quyền. Vào năm 2004, chiến dịch “không có người chết đơn độc” đã được phát động và hiện nó đã trở thành tấm gương cho các khu nhà ở cũ kỹ khác. Năm nay, khu chung cư đã giới thiệu “kizuna”, một thiết bị giám sát được trang bị cảm biến giúp xác nhận người cư trú trong căn hộ đang di chuyển.
Các đội tuần tra tình nguyện cũng dựa vào một số dấu hiệu nhận biết đáng ngờ: đồ giặt để ngoài ban công sau khi khô, kéo rèm vào ban ngày, thư từ không được thu thập và đèn bật sáng suốt đêm.
Bà Oshima mở một cuốn album chứa ảnh của một số nạn nhân “kodokushi” ở Tokiwadaira, khuôn mặt của họ được giấu đi để bảo vệ sự riêng tư. Những hình ảnh này thật đáng lo ngại, nhưng bà tin rằng chúng là lời nhắc nhở quan trọng về những gì có thể xảy ra khi sự cô lập xã hội chiếm chỗ mối quan hệ cộng đồng. “Khi tôi đưa những thứ này cho các quan chức phúc lợi và tình nguyện viên đến thăm, họ đều rất phiền lòng. Nhưng tôi nói với họ rằng, đây là thực tế của cái chết đơn độc… và nó đang xảy ra ngay bây giờ, cách Tokyo không xa”, bà nói.
Chiến dịch này không loại bỏ được những cái chết cô đơn – bà Oshima cho biết “vẫn có vài trường hợp mỗi năm” – nhưng khả năng có người bị bỏ quên hàng tuần, thậm chí hàng tháng đã giảm.
Trong không gian cộng đồng ở trung tâm Iki Iki, các bức tranh của một họa sĩ địa phương khuyến khích mọi người ra ngoài và gặp gỡ hàng xóm, cũng như một biểu đồ trình bày lợi ích sức khỏe của việc đi bộ thường xuyên. Khoảng nửa chục người đi vào trung tâm phục hồi chức năng để tham gia một lớp tập thể dục. Hai đứa trẻ mặc đồng phục đi bộ từ trường về nhà và tiếng khóc của một đứa bé vang lên qua cửa sổ đang mở. Nhưng đây chỉ là những ví dụ hiếm hoi của một tầng lớp trẻ gần như không còn tồn tại ở các khu vực như Tokiwadaira.
Những người tuần tra tình nguyện đến thăm bà Yoko Kohama, 87 tuổi, người đã sống một mình kể từ khi chồng bà qua đời tám năm trước. Bà điều hành một cửa hàng quần áo và tiệm chơi mạt chược ở Tokyo trước khi chuyển đến Tokiwadaira để nghỉ hưu, giờ bà dành cả ngày bên máy tính và làm món mận chua umeboshi.
“Tôi không còn khỏe nữa”, bà Kohama trả lời khi bà Shikama hỏi dạo này bà thế nào. Kể từ khi chú chó nuôi (thú cưng của bà trong 18 năm) qua đời vào năm ngoái, việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài của bà bị hạn chế ở những chuyến đi chơi mạt chược hàng tuần.
“Tôi nhận được một khoản lương hưu khiêm tốn và tôi lo lắng cho sức khỏe của mình. Tôi không biết hàng xóm của mình là người như thế nào. Tôi đã nghĩ sẽ kết bạn khi chúng tôi chuyển đến đây, nhưng điều đó đã không xảy ra”, bà vừa nói vừa chỉ về phía hộp thuốc điều trị bệnh phổi mãn tính.
Bà Kohama, người không có con, tự hào trưng bày khay umeboshi đã lên men trên ban công nhà mình. “Sẽ là nói dối nếu nói rằng tôi không lo lắng về việc chết một mình. Nhưng chúng ta không thể kiểm soát được thời điểm và cách mình ra đi. Điều đó tùy thuộc vào Chúa”, bà nói thêm.
CHỜ LÀN GIÓ MỚI TỪ TÂN TỔNG THỐNG IRAN

Với chiến thắng sít sao trước đối thủ trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai của Iran, ứng cử viên cải cách Masoud Pezeshkian chính thức trở thành tổng thống thứ 9 của nước CH Hồi giáo. Kết quả này phản ánh kỳ vọng của người dân quốc gia Trung Đông về một sự thay đổi.
Cuộc bỏ phiếu vòng hai chứng kiến "cuộc đua song mã" giữa ứng cử viên chủ trương cải cách Pezeshkian và ứng cử theo đường lối cứng rắn bảo thủ Saeed Jalili. Do đó, cuộc bỏ phiếu đã thu hút sự quan tâm lớn của đông đảo cử tri Iran khi tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tăng vọt từ khoảng 40% ghi nhận trong vòng đầu lên 49,8%. Điều này cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo dân chúng đối với phe cải cách, với kết quả ông Pezeshkian nhận được 53,6% số phiếu bầu (tương đương 16,3 triệu phiếu), trong khi ông Jalili chỉ nhận được 13,5 triệu phiếu bầu. Ông Mehrzad Boroujerdi, nhà phân tích về Iran tại ĐH Khoa học và Công nghệ Missouri (Mỹ), nhận định chiến thắng của ông Pezeshkian đã cho thấy ông có thể thu hút được sự ủng hộ từ các cử tri có quan điểm khác nhau trong xã hội Iran, bao gồm cả những người theo chủ nghĩa cải cách và những người theo chủ nghĩa bảo thủ. Theo tờ Financial Times, chiến thắng của ông Pezeshkian là một bước ngoặt đáng chú ý đối với phe cải cách khi phe này không có đại diện nào thắng cử tổng thống Iran trong hai thập niên qua.
Tổng thống đắc cử Pezeshkian (69 tuổi) là một nhà cải cách và một bác sĩ phẫu thuật tim. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Y tế dưới thời Tổng thống theo chủ nghĩa cải cách Mohammad Khatami trong giai đoạn 2001-2005. Ông Pezeshkian là thành viên Quốc hội từ năm 2008 đến nay, đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội trong giai đoạn 2016-2020.
Chiến thắng của ông Pezeshkian trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 của Iran được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới cũng như những đổi thay tích cực cho quốc gia Trung Đông này. Giữa lúc Iran đang phải vật lộn với nhiều khó khăn về kinh tế và không ít thách thức từ môi trường bên ngoài, Tổng thống đắc cử Pezeshkian và ban lãnh đạo Iran sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ nặng nề. Đó là thách thức liên quan đến kinh tế, lạm phát, lệnh trừng phạt của phương Tây và xung đột khu vực.
Ý thức được những khó khăn phía trước, ngay sau khi thông tin kết quả bầu cử được công bố, ông Pezeshkian đã viết trên mạng X: "con đường trước mắt rất khó khăn và sẽ chỉ được dễ dàng với sự hợp tác, đồng cảm và tin tưởng" của người dân Iran.
Nhiệm vụ hàng đầu là phải thiết lập một chính phủ có năng lực quản trị tốt hơn để giải quyết những vấn đề nội tại của đất nước. Về chính sách đối nội, ông Pezeshkian cam kết sẽ triển khai một loạt nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm vực dậy nền kinh tế, giảm lạm phát xuống một chữ số, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tạo nhiều việc làm hơn, thúc đẩy sự đoàn kết và gắn kết xã hội, cải thiện các dịch vụ cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội, chống tham nhũng và xây dựng một xã hội cởi mở hơn. Trên thực tế, các đón trừng phạt của Mỹ đã làm điêu đứng nền kinh tế từng hưng thịnh một thời của Iran, với lạm phạt tăng vọt và đồng nội tệ rial mất giá thảm hại so với đồng USD. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô nền kinh tế của Iran trong giai đoạn 2017-2023 đã giảm mạnh từ 486,63 tỷ USD xuống còn 367,97 tỷ USD. Lạm phát luôn ghi nhận mức cao từ 35% đến 49% trong những năm qua, trong khi tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức hai chữ số.
Về chính sách đối ngoại, ông Pezeshkian sẽ cố gắng đưa Iran thoát ra khỏi sự cô lập quốc tế hiện nay. Trong khi tiếp tục chính sách hướng Đông cũng như xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại và đầu tư với các quốc gia láng giềng Arab trong khu vực, Iran sẽ cố gắng cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây. Iran sẽ có cách tiếp cận linh hoạt và thực dụng hơn để từng bước khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc, qua đó dần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế với mục tiêu đưa Iran hội nhập trở lại nền kinh tế toàn cầu. Iran có nguồn tài nguyên dầu khí rất lớn và lực lượng lao động dồi dào với khoảng 87 triệu dân, song các biện pháp trừng phạt của Mỹ là vật cản vô cùng lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế Iran.
Trong nền chính trị đặc thù của Iran, mặc dù nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei là người có tiếng nói cuối cùng về mọi vấn đề của đất nước, tổng thống vẫn có vai trò nhất định trong việc thiết kế và hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại cho từng giai đoạn. Tổng thống đắc cử Pezeshkian chắc chắn sẽ có chương trình nghị sự của riêng mình, đặc biệt là thúc đẩy những thay đổi cơ bản liên quan đến nền kinh tế và xây dựng quan hệ với phần còn lại của thế giới. Tuy vậy, ông sẽ vẫn phải đảm bảo các lợi ích chiến lược của Iran. Các chính sách đối nội và đối ngoại của ông Pezeshkian sẽ vẫn dựa trên nguyên tắc cốt lõi và lợi ích quốc gia, phù hợp với chỉ thị cũng như quỹ đạo của nhà lãnh đạo tối cao Khamenei. Chuyên gia Sina Toossi của Trung tâm Chính sách quốc tế (Mỹ), nhận định cơ cấu quyền lực bao trùm và bối cảnh chính trị của Iran sẽ chi phối mức độ thay đổi của Iran dưới thời tổng thống đắc cử. Nhà phân tích người Iran Saeed Laylaz cho rằng để tránh gây tranh cãi trong chính giới, trước mắt tổng thống đắc cử sẽ ưu tiên “cải thiện các khía cạnh xã hội và kinh tế”.
Theo đánh giá của giới phân tích tại Trung Đông, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Iran sẽ có tác động tích cực đến hệ sinh thái chính trị và an ninh khu vực, trong bối cảnh tình hình địa chính trị tại Trung Đông chưa bao giờ hết nóng.
LIÊN HIỆP 3 NƯỚC ĐẢO CHÍNH Ở CHÂU PHI
Burkina Faso, Mali và Niger ký hiệp ước thiết lập liên hiệp nhằm tăng cường hội nhập, sau khi ba nước này đều chọn rời khối ECOWAS truyền thống của châu Phi.
Lãnh đạo Burkina Faso, Mali và Niger ký hiệp ước "Liên hiệp quốc gia vùng Sahel" tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức ngày 6/7 ở thủ đô Niamey của Niger. Động thái nhằm "tăng cường hội nhập giữa các nước", tuyên bố phát sau hội nghị cho biết.
Liên hiệp viết tắt là AES, lãnh đạo Niger Abdourahamane Tchiani mô tả hội nghị thượng đỉnh AES là "đỉnh cao của quyết tâm chung, nhằm giành lại chủ quyền quốc gia". Ba nước này từng ký hiệp ước phòng thủ chung hồi tháng 9/2023.
Theo giới quan sát, động thái mới cho thấy ba nước quyết tâm từ bỏ Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS). ECOWAS thành lập năm 1975 gồm 15 nước là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo.
ECOWAS đã đình chỉ tư cách thành viên đối với Mali, Burkina Faso và Niger sau các cuộc đảo chính lần lượt vào năm 2020, năm 2022 và tháng 7/2023. Ba nước hồi tháng 1 tuyên bố rời khỏi ECOWAS, cáo buộc khối đi chệch khỏi lý tưởng ban đầu.
"Chúng tôi thiết lập AES của người dân, thay vì một ECOWAS nhận chỉ thị từ các cường quốc ngoài châu Phi", ông Tchiani nói.
ECOWAS hôm nay tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Abuja, Nigeria. Khối dự kiến thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có quan hệ với AES.
PHÓ TƯỚNG CỦA ÔNG SHOIGU ÔM 10 TỶ ĐÔ BỎ TRỐN, BỘ QUỐC PHÒNG NGA RÚNG ĐỘNG

Theo Kommersant, mạng xã hội đang lan truyền tin cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nga biến mất với khối tài sản khổng lồ và đào tẩu sang Pháp, tạo ra "cơn địa chấn" ở Nga. Thực hư ra sao?
"Biến mất bí ẩn"
Theo tờ Kommersant (Nga), cuối tháng 6, trên mạng xã hội Telegram và một số kênh truyền thông - trong đó có kênh truyền hình Tsargrad TV của Nga - bắt đầu lan truyền thông tin: Bà Tatyana Shevtsova (54 tuổi) - cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nga và "cánh tay phải" của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu "đột nhiên biến mất".
Bà Shevtsova đã giữ cương vị Thứ trưởng Quốc phòng Nga cho tới ngày 17/6/2024, trước khi Tổng thống Vladimir Putin ra quyết định miễn nhiệm cùng 3 Thứ trưởng Quốc phòng khác của Nga. Kremlin cho biết, quyết định thay loạt thứ trưởng được đưa ra trong bối cảnh Nga đang tiến hành cải tổ sâu rộng Bộ Quốc phòng.
Tới ngày 30/6, trên mạng Telegram xuất hiện thông tin nói bà Shevtsova đã bí mật rời Nga để "tới một quốc gia NATO".
Theo Tsargrad TV, các nguồn đề cập thông tin này nói rằng, bà Shevtsova đã bắt đầu lo sợ kể từ khi chứng kiến cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nga Timur Ivanov bị bắt vào tháng 4 năm nay vì cáo buộc lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ từ năm 2018-2023 với tổng giá trị ít nhất là 1,185 tỷ rúp (1,3 triệu USD). Khi rời Nga, bà Shevtsova mang theo "khối tài sản khổng lồ".
Trong bài đăng về tiểu sử của bà Shevtsova, hãng tin RBC (Nga) cho biết, bà Shevtsova được điều chuyển tới Bộ Quốc phòng Nga vào tháng 5/2010 và được bổ nhiệm là Thứ trưởng Quốc phòng Nga vào tháng 8 cùng năm, phụ trách các hoạt động tài chính-kinh tế của Bộ.
Theo RBC, bà Shevtsova có mức thu nhập 10,75 triệu rúp vào năm 2014 và tăng lên 10,9 triệu rúp vào năm 2015.
Năm 2021, Bộ Quốc phòng Nga đã giữ kín thu nhập của các Thứ trưởng theo luật bảo vệ của Liên bang Nga đối với các thẩm phán, quan chức thi hành pháp luật và cơ quan quản lý. Cũng từ thời điểm này, thông tin về thu nhập của các Thứ trưởng Nga những năm trước đó không còn được lưu trữ trên website Bộ Quốc phòng Nga.
Các phiên bản tin đồn
Theo Tsargrad TV, bà Shevtsova đã không xuất hiện trước truyền thông một thời gian dài trước khi nhận quyết định miễn nhiệm. Việc này lại diễn ra không lâu sau khi ông Ivanov bị bắt, từ đó làm nảy sinh "nhiều phiên bản tin đồn".
Một phiên bản nói rằng, bà Shevtsova đã nộp đơn từ chức chỉ vài ngày sau khi ông ông Ivanov bị bắt bởi lo sợ "một cuộc kiểm tra sâu rộng hơn". Tuy nhiên, tới cuối tháng 5/2024, khi bà bất ngờ xuất hiện trong quân phục tại trường nội trú của Quân đoàn Thiếu sinh quân Moscow, những tin đồn về việc bà Shevtsova từ chức bắt đầu trở nên khó tin.
Lúc này câu chuyện bắt đầu xoay sang hướng "bà Shevtsova đã hợp tác với cuộc điều tra chống lại các tướng lĩnh vi phạm".
Trong phiên bản tin đồn xuất hiện cuối tháng 6, bà Shevtsova được cho là đã đóng gói một "vali khẩn cấp" với lượng tiền mặt khổng lồ, lên tới 1,1 tỷ USD và đào tẩu sang Pháp, đồng thời chuyển 10 tỷ USD tiền ảo ra khỏi lãnh thổ Nga. Vụ việc khiến tân Bộ trưởng Quốc phòng Andrey Belousov "vô cùng phẫn nộ", cơn giận dữ bao trùm Bộ Quốc phòng Nga.
Cũng theo các nguồn lan truyền tin đồn này, bà Shevtsova được cho là rất giàu có, sở hữu một căn hộ 3 phòng nhìn ra Moika (trung tâm thành phố) trị giá 70 triệu rúp, một ngôi nhà nhỏ ở Pargolovo (ngoại ô St. Petersburg), cũng như 1 dinh thự bên bờ sông Moscow trị giá 2 tỷ rúp.
Ngoài bất động sản đắt giá ở Nga, một số nguồn tin nói rằng bà Shevtsova còn có biệt thự tại một trong số các nước EU.
Chuyên gia Nga chỉ ra 3 điểm bất thường
Tuy nhiên, trước các tin đồn liên quan tới bà Shevtsova, các chuyên gia Nga đã chỉ ra 3 điểm bất thường.
Đầu tiên, làm thế nào bà Shevtsova có thể sở hữu các bất động sản khổng lồ và tài sản ở nước ngoài dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan tối cao Nga?
Thứ hai, ngay từ năm 2022, bà Shevtsova đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của phương Tây. Chẳng có lẽ các nước phương Tây không thể phát hiện, đóng băng và thu giữ tài sản của bà Shevtsova?
Thứ ba, làm thế nào bà Shevtsova có thể đi tới một quốc gia NATO giữa bối cảnh đầy rẫy lệnh trừng phạt?
Những điểm bất thường này càng làm gia tăng nghi ngờ về tính xác thực của các tin đồn liên quan tới cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nga.
Người trong cuộc lên tiếng
Trước những tin đồn ngày càng rầm rộ, vào hôm qua (6/7), hãng thông tấn TASS cho biết, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nga Tatyana Shevtsova đã chính thức lên tiếng, phủ nhận mọi tin đồn về việc bà rời Nga.
Trả lời phóng viên của TASS, Shevtsova cho biết, bà đang có mặt tại Moscow, đồng thời bác bỏ thông tin "chạy trốn sang Pháp".
"Hôm nay, tôi đang ở Kremlin để tham dự một giải đấu khiêu vũ tuyệt vời, nơi các cặp đôi sẽ biểu diễn và thể hiện kỹ năng của họ. Tất cả những tin đồn đó đều không đúng sự thật" - Bà Shevtsova nhấn mạnh.
Theo tờ Lenta (Nga), trong bối cảnh nước Nga đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, ngày càng có nhiều tin đồn chưa xác thực xoay quanh vấn đề này. Do vậy, các cơ quan chức năng của Nga đang đồng thời đẩy mạnh các hoạt động chống thông tin sai lệch.
Nguồn: Báo Quốc Tế; CafeF; Báo Tin Tức; Vnexpress; Soha
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá