.jpg)
RA MẮT CLB ÁO DÀI TẠI HÀ LAN
Sự ra đời của Câu lạc bộ là minh chứng cho tình yêu quê hương đất nước của chị em phụ nữ người Việt tại Hà Lan.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Lễ ra mắt Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tại Hà Lan kết hợp cùng Dạ hội trang phục Việt, được Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan tổ chức ngày 2/3 tại thủ đô Amstecdam.
Tới dự buổi lễ có Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam, đại diện Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tại châu Âu cũng như Câu lạc bộ các nước lân cận, các hội đoàn người Việt tại Hà Lan, đông đảo bà con người Việt yêu mến áo dài và nhiều bạn bè người Hà Lan. Sự kiện được diễn ra trong Tuần lễ Áo dài đã truyền tải thông điệp ý nghĩa về giá trị di sản văn hóa của trang phục truyền thống của người Việt.
Khách tham dự chương trình đã được chiêm ngưỡng màn trình diễn ấn tượng của các thành viên Câu lạc bộ qua trang phục áo dài các thời kỳ, từ cổ phục đến cách tân cũng như các trang phục truyền thống của các dân tộc trong đại gia đình đất nước Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ Đại sứ Ngô Hướng Nam nêu bật giá trị văn hóa truyền thống của áo dài, đánh giá cao những nỗ lực trong việc quảng bá về áo dài của chị em phụ nữ người Việt tại Hà Lan và ý nghĩa sự ra đời của Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tại Hà Lan.
Tại Lễ ra mắt đã công bố Quyết định của Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tại châu Âu về việc thành lập và công nhận Ban chấp hành Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tại Hà Lan.
Chủ tịch Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tại châu Âu TS Phan Bích Thiện đã gửi Thư chúc mừng Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tại Hà Lan, một thành viên mới trong mái nhà chung của Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tại châu Âu .
Ban chấp hành Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tại Hà Lan đã ra mắt với 15 thành viên với người đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Thị Lan Hương.
Sự ra đời của Câu lạc bộ là minh chứng cho tình yêu quê hương đất nước của chị em phụ nữ người Việt tại Hà Lan với nhiệt huyết cố gắng giữ gìn và lan tỏa giá trị di sản văn hóa của áo dài tới bạn bè Hà Lan nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung.
NƠI ƯƠM MẦM TƯƠNG LAI THẾ HỆ HỌC SINH TẠI LÀO
Kể từ khi đi vào hoạt động, Trường Trung học Cơ sở Thống Nhất ở Trung Lào chú trọng việc dạy và học, đặc biệt là bảo tồn tiếng Việt, cho thế hệ con em kiều bào và con em nước bạn Lào.
Văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam vẫn đều đặn vang lên hằng ngày qua mỗi tiết học, bài giảng hay qua những câu chuyện của các thầy, cô giáo Trường Trung học Cơ sở Thống Nhất của tỉnh Khammouane, ngôi trường của Hội người Việt Nam ở tỉnh Khammouane, Trung Lào.
Nằm cách Thủ đô Vientiane khoảng 400km, Trường Trung học Cơ sở Thống Nhất của tỉnh Khammouane được thành lập năm 2024 trên diện tích gần 3.500m2 với quy mô gồm 19 phòng, được đầu tư đầy đủ trang thiết bị cho 11 phòng học lý thuyết, một phòng học thực hành, phòng thư viện và các hạng mục phụ trợ. Tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng.
Kể từ khi đi vào hoạt động, nhà trường đã rất chú trọng việc dạy và học, đặc biệt là bảo tồn tiếng Việt cho thế hệ con em kiều bào và con em nước bạn Lào nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu thiết yếu của bà con kiều bào cũng như mong muốn của con em người Việt Nam tại tỉnh Khammouane nói riêng, học sinh của tỉnh nói chung.
Chia sẻ với phóng viên Việt Nam tại Lào, bà Nguyễn Thị Thương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đây là năm học đầu tiên.
Nhà trường có tổng cộng 28 cán bộ, giáo viên và 355 học sinh, trong đó con em người Việt chiếm khoảng 46%, số còn lại là học sinh người Lào.
Mỗi tuần các em học sinh sẽ được học bốn tiết tiếng Việt và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa khác do trường tổ chức như các chương trình văn nghệ, thể dục, thể thao…
Bà Nguyễn Thị Thương bày tỏ mong muốn nhà trường không chỉ là nơi giảng dạy mà còn là cầu nối gìn giữ, lan tỏa những nét đẹp nghìn năm văn hiến của Việt Nam đến với Đất nước Triệu voi xinh đẹp.
Mỗi thầy cô nơi đây chính là những "sứ giả" của tình hữu nghị, luôn tận tâm vun đắp và thắp sáng ngọn đuốc của tình hữu nghị Việt Nam-Lào trong sáng thủy chung.
Trong khuôn viên rộng rãi, tòa nhà ba tầng với lối thiết kế hiện đại cùng mái ngói đỏ tươi đang vang lên những tiếng đồng thanh đánh vần, tập đọc của các em học sinh trong tiết học tiếng Việt.
Cô giáo Đậu Thị Lệ Hải, giáo viên tỉnh Quảng Bình được cử sang Lào tham gia công tác giảng dạy từ năm 2019, cho biết con em của cộng đồng người Việt tại Lào rất đông nên cô muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc gìn giữ, lan tỏa tiếng Việt cho các em, cũng như cho các học sinh Lào yêu thích tiếng Việt.
Tương tự như cô Hải, cô giáo Đinh Thị Thơm cũng có nguyện vọng được giảng dạy lâu tại trường để giữ gìn và phát huy truyền thống tiếng Việt cho các em học sinh cả người Việt và người Lào.
Theo các cô giáo, học sinh của nhà trường vừa được học chương trình giáo dục của Lào, vừa được học tiếng Việt để luôn ghi nhớ cội nguồn văn hóa, lịch sử lâu đời cũng như truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, qua đó giúp các em có thể viết tiếp những ước mơ sau này và trở thành những công dân có ích cho xã hội của hai nước.
Em Phạm Quang Phước (10 tuổi), con em Việt kiều tại tỉnh Khammouane và là học sinh lớp 5 của Trường Trung học Cơ sở Thống Nhất, cho biết em rất thích học tiếng Việt để sau này khi tốt nghiệp cấp 3 ở Lào, em có thể về Việt Nam tiếp tục học tập.
Về tương lai của Trường Trung học Cơ sở Thống Nhất, Hội người Việt Nam tỉnh Khammouane đặt mục tiêu sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng quy mô, quyết tâm dạy tốt-học tốt và xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, phát triển toàn diện.
Ngoài ra, đây sẽ là một địa chỉ đỏ, nơi ươm mầm cho những thế hệ học sinh tài năng góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của hai dân tộc Việt Nam-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
LYNDA TRANG ĐÀI YÊU CẦU BẰNG CHỨNG TRỘM CẮP
.jpg)
Josephine Arroyo, luật sư của Lynda Trang Đài, gửi văn bản khiếu nại nữ ca sĩ không có tội, yêu cầu công tố viên cung cấp bằng chứng và vụ việc phải được xét xử bởi bồi thẩm đoàn.
Theo trang web chính thức của Thư ký Tòa án Quận Cam, bang Florida, Lynda Trang Đài gửi tài liệu dài 3 trang lên Văn phòng Công tố viên Quận Orange, Florida, Mỹ, nội dung Văn bản kháng cáo không có tội và Miễn trừ truy tố.
Josephine Arroyo, luật sư của Lynda Trang Đài, yêu cầu lệnh Tòa án chấp thuận việc Lynda vắng mặt tại tòa án. Luật sư cũng gửi văn bản khiếu nại nữ ca sĩ không có tội, yêu cầu vụ việc phải được xét xử bởi bồi thẩm đoàn.
Luật sư dẫn Quy tắc 3.160(a) của Quy tắc tố tụng hình sự Florida, thay bị đơn đưa ra lời biện hộ không có tội trước cáo buộc trộm cắp.
Josephine Arroyo đồng thời viện dẫn quy tắc 3.220(b), yêu cầu công tố viên tiết lộ cho luật sư bị đơn một số thông tin, bao gồm tên và địa chỉ của nhân chứng mà công tố viên cho là liên quan đến tội danh của Lynda Trang Đài và bất kỳ biện hộ liên quan.
Luật sư yêu cầu công tố viên cung cấp tuyên bố của những người có tên liên quan. Thuật ngữ "tuyên bố" ở đây bao gồm tuyên bố bằng văn bản, bài viết hoặc bản ghi âm có chữ ký chấp thuận. Thuật ngữ "tuyên bố" cũng được hiểu là báo cáo của cảnh sát và điều tra viên dưới bất kỳ hình thức nào được cho là liên quan đến vụ án.
Luật sư nêu rõ thông báo được nộp một cách thiện chí theo quy tắc 3.220(n)(3) và không nhằm mục đích trì hoãn. Bị cáo tiếp tục yêu cầu vụ án được xét xử bởi bồi thẩm đoàn.
Trong hồ sơ vụ án được đăng trên website của Thư ký Tòa án Quận Cam , bang Florida, Lynda Trang Đài bị cảnh sát bắt tội trộm vặt, quy vào khung chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm hàng hóa, nông sản hoặc phương tiện vận chuyển giá trị từ 100-750 USD - tội trộm cắp tài sản mức độ nhẹ.
Hồ sơ ghi Lynda Trang Đài đến mua nước hoa Gucci tại The Mall tại Orlando, Florida, Mỹ ngày 4/1. Nhân viên khai cô trộm hộp đựng tai nghe (giá khoảng 330 USD) trưng bày trên kệ, sau đó giấu món đồ vào túi, không thanh toán. Lynda Trang Đài bị cảnh sát bắt khi quay lại cửa hàng ngày 5/1.
Tại Nhà tù quận Cam, Lynda Trang Đài khai với cảnh sát rằng cô thử phụ kiện, sau đó đặt tại quầy vì không đúng kích cỡ tai nghe. Cô giải thích do vội nên ném đồ xuống đất. Nhưng trong biên bản được sĩ quan Stephen Erickson ký, nội dung ghi rõ camera ghi lại được Lynda Trang Đài lấy phụ kiện rời cửa hàng.
Cô tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh 1.000 USD. Trên trang cá nhân, nữ ca sĩ đăng video, ảnh đi diễn tại Mỹ.
TRỒNG CẦN SA TẠI ANH, 3 NGƯỜI VIỆT LÃNH ÁN TÙ
Ba công dân Việt Nam đã lãnh án tù do tham gia hoạt động tại một cơ sở cần sa mà một thẩm phán ở Anh mô tả là "lớn nhất mà tôi từng thấy" trong sự nghiệp tư pháp của ông.
Những người đàn ông gồm Cong Van Dinh, Hoa-Xuan Lau và Tien Nguyen đều được trả tiền để làm việc tại một xưởng cần sa nằm trong một nhà kho ở Huddersfield, một thị trấn miền bắc nước Anh.
Cảnh sát đã tìm thấy hơn 1.500 cây cần sa tại địa điểm này khi đột kích vào ngày 27/8/2024, với tổng giá trị thị trường gần 1 triệu bảng Anh (hơn 32 tỷ đồng).
Tòa án Leeds Crown ở miền bắc nước Anh hôm 27/2 đã kết án ông Cong Van Dinh 22 tháng tù, Hoa-Xuan Lau 27 tháng và Tien Nguyen 32 tháng tù sau khi họ nhận tội sản xuất chất ma túy nhóm B [theo quy định của Anh].
11 căn phòng trong tòa nhà đã được dành riêng để trồng cây cần sa, theo thông tin được công bố tại tòa án.
Tòa án cũng được thông báo rằng ba người đang ông Việt Nam có "vai trò nhỏ hơn" trong việc duy trì hoạt động của xưởng cần sa và đang làm việc "thay cho người khác".
Mặc dù công việc của họ không phải là "nô lệ hiện đại", nhưng một người bảo vệ đã được bố trí bên ngoài cơ sở trong khi họ làm việc.
Trong phần bào chữa cho ông Hoa-Xuan Lau, luật sư John Batchelor cho biết người đàn ông 34 tuổi này đã có đơn xin tị nạn chưa được giải quyết và bản án này sẽ ảnh hưởng đến đơn xin tị nạn đó.
"Nhìn lại, ông ta sẽ không bao giờ chọn con đường mà ông ta quyết định đi vì gia đình mình và ông ta phải trả giá cho điều đó," luật sư Batchelor nói thêm.
Đại diện cho ông Tien Nguyen, 54 tuổi, luật sư Eleanor Mitten cho biết người đàn ông có hai con này đã sang Vương quốc Anh để trả khoản nợ mà ông ta đã vay ở Việt Nam.
Ông Tien Nguyen đã có ba tiền án về các tội liên quan đến ma túy.
Trong khi đó, ông Cong Van Dinh, 49 tuổi, cũng được cho là đã sang Anh từ Đông Nam Á, mặc dù không giải thích hoàn cảnh cá nhân.
Cả ba người đàn ông này đều không có nơi cư trú cố định ở Anh, đã tham dự tại phiên tòa tuyên án thông qua video kết nối từ trại giam.
Thẩm phán Christopher Batty cho biết: "Mỗi người trong các vị đều đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất cần sa quy mô lớn."
"Đây chắc chắn là vụ lớn nhất mà tôi từng thấy trong suốt 16 năm làm thẩm phán."
"Đó là một cơ sở chuyên nghiệp và dấu hiệu lớn nhất về quy mô của cơ sở này là thực tế cần ba người trong số các vị để điều hành nó hằng ngày."
"Tuy nhiên, tôi chấp nhận rằng mỗi người trong số các vị đều đóng vai trò nhỏ hơn dưới sự chỉ đạo của những người kiếm tiền từ hoạt động này."
Tòa án được thông báo rằng Bộ Nội vụ Anh không có ý định trục xuất bất kỳ bị cáo nào.
Người Việt trồng cần sa ở Anh
Trồng cần sa là một nghề phi pháp có lãi lớn.
Trước đây đã có nhiều trường hợp người Việt Nam trồng cần sa ở Vương quốc Anh bị kết án.
Vào cuối tháng 5/2024, Cơ quan Tội phạm Quốc gia (NCA) cho biết một nhóm tội phạm sáu người, trong đó có ba người Việt Nam, bị cáo buộc là thành viên của một nhóm tội phạm chuyên trồng và vận chuyển cần sa trên khắp vùng miền Trung và miền Bắc nước Anh.
Mỗi người trong số họ đều bị buộc tội âm mưu đưa người lao động vào Vương quốc Anh để cưỡng bức lao động và sản xuất cần sa.
Vào giữa tháng 3/2024, một người đàn ông Việt Nam 47 tuổi bị tuyên án 5 năm tù vì trồng cần trái phép tại thị trấn Halifax, hạt West Yorkshire.
Công tố viên David McGonigal cho biết số cần sa được phát hiện tại trang trại của người đàn ông này có giá chợ đen lên tới 410.000 bảng Anh (13 tỷ đồng).
Vào đầu tháng 2/2023, hai người đàn ông Việt Nam phải ra hầu tòa sau khi một trang trại cần sa bị phát hiện ở hạt Down, Bắc Ireland.
Họ bị buộc tội sản xuất và tàng trữ cần sa. Một người bị buộc thêm tội nhập cảnh bất hợp pháp vào Vương quốc Anh. Người còn lại bị buộc thêm tội ở lại Vương quốc Anh quá thời hạn cho phép.
Trước đó vào tháng 3/2021, một người Việt đưa người di cư lậu vào Anh để làm việc trong các trại trồng cần sa của mình đã lãnh án 11 năm tù.
Năm 2019, hơn 20 người trong một băng đảng người Việt đã bị án tù sau khi cảnh sát ở Xứ Wales tịch thu 2,5 tấn cần sa trị giá 6 triệu bảng
Nguồn: VOV World; VTV4; Soha; BBC
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá