Người trẻ TQ 'trốn' Tết; Lực cản kinh tế Hàn Quốc; Ukraine 'hồi sinh' các thành phố; Avdiivka 'nguy cấp'

Tại sao người trẻ Trung Quốc ngày càng trốn tránh Tết

“Nếu được chọn, tôi chắc chắn sẽ không về quê,” Vũ Văn - 33 tuổi, đã thất nghiệp hơn 6 tháng - cho biết vài ngày trước Tết Âm lịch.

Rất nhiều người trong số gần 380 triệu lao động di cư của Trung Quốc chỉ có đủ tiền để về quê một lần mỗi năm - dịp Tết Âm lịch - ngày lễ quan trọng nhất để đoàn viên.

Đó là lý do vì sao đợt cao điểm đi lại trong Lễ hội mùa xuân (Xuân Tiết), gọi là Xuân vận, là cuộc di cư hàng năm lớn nhất trên thế giới. Giới chức dự kiến ghi nhận con số kỷ lục 9 tỷ lượt người trong năm rồng này.

Nhưng Vũ Văn sợ về quê vì anh sẽ bị người thân tra vấn về mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả tình hình công việc, tiền lương và đãi ngộ. Cha mẹ Vũ biết anh đang thất nghiệp và không đặt quá nhiều áp lực, nhưng họ hàng của anh thì vẫn chưa hay biết. Cả nhà đã thống nhất rằng Vũ Văn sẽ nói dối anh vẫn còn làm công việc cũ.

Vũ Văn sẽ chỉ ở nhà ba ngày, thay vì hơn một tuần như mọi năm. “Sẽ qua nhanh thôi,” anh nói.

Trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Xiaohongshu (Tiểu Hồng Thư) và Weibo, hàng trăm người trẻ đã viết rằng họ sẽ không về quê ăn tết. Giống như Vũ Văn, một số trong đó đã thất nghiệp gần đây.

Theo dữ liệu chính thức vào tháng 6/2023, hơn 1/5 số người trong độ tuổi từ 16 đến 24 ở thành thị đang thất nghiệp. Trung Quốc đã dừng công bố số liệu thất nghiệp của thanh niên cho đến tháng trước. Hiện con số này ở mức 14,9%, nhưng dữ liệu chưa bao gồm học sinh sinh viên.

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng thần tốc, nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà và kỳ vọng phục hồi sau Covid đã không thành hiện thực. Thị trường bất động sản trong nước đã sụp đổ và nợ của chính quyền địa phương ngày một chồng chất.

Nhưng cuộc khủng hoảng niềm tin có lẽ là vấn đề gai góc nhất - các nhà đầu tư lo ngại rằng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ ưu tiên sự kiểm soát của đảng hơn là phát triển kinh tế.

Dưới thời Tập Cận Bình, đã có nhiều cuộc trấn áp các doanh nghiệp tư nhân từ lĩnh vực công nghệ cho đến dạy thêm. Quan hệ với phương Tây cũng xấu đi khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra cứng rắn và thách thức trật tự toàn cầu do Mỹ đặt ra.

Vũ Văn là một nạn nhân của cuộc trấn áp doanh nghiệp tư nhân nói trên.

Năm 2014, anh quyết định theo học cao học ngành giáo dục tiếng Trung ở Bắc Kinh, cách quê anh ở tỉnh Hà Bắc gần 300 km. Đó là cách để "cưỡi cơn sóng chính sách quốc gia", vì trước đó một năm, ông Tập đã phát động sáng kiến ​​Vành đai và Con đường nhằm gây ảnh hưởng lớn hơn trên trường quốc tế.

Sau khi tốt nghiệp, anh nhanh chóng tìm được việc làm tại một công ty gia sư tư nhân và được giao trách nhiệm quản lý và đào tạo gia sư người nước ngoài cho học sinh Trung Quốc. Nhưng vào tháng 7/2021, chính phủ Trung Quốc đã cấm hoạt động kinh doanh dạy thêm tư nhân, với mục đích giảm bớt gánh nặng cho học sinh. Lệnh cấm này đã trở thành đòn giáng chí tử đối với ngành dạy thêm trị giá 120 tỷ USD.

Vũ Văn buộc phải đổi nghề, anh sau đó được nhận vào một công ty công nghệ lớn vào tháng 1/2023. Công việc của anh là xây dựng chính sách phát trực tiếp (live-streaming) cho các nền tảng ở nước ngoài của công ty và giám sát công việc của các influencer (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội).

Nhưng anh chỉ có thể gắn bó với công việc này trong năm tháng. Công ty của anh đã quyết định chuyển hoạt động của bộ phận nước ngoài ra khỏi Trung Quốc, sau khi Mỹ đe dọa trừng phạt các công ty công nghệ Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.

Đó chỉ là giọt nước tràn ly. Vì chiến dịch siết chính sách với công ty công nghệ từ cuối năm 2020 đã làm bốc hơi hơn một ngàn tỷ USD, theo một báo cáo của Reuters hồi tháng 7/2023.

Trong sáu tháng qua, Vũ Văn đã gửi hơn 1.000 hồ sơ ứng tuyển. Mặc dù đã hạ mức lương kỳ vọng, anh vẫn chưa nhận được bất kỳ lời mời làm việc nào. “Lúc đầu tôi còn khá bình thản, nhưng càng về sau tôi càng lo lắng. Không ngờ mọi việc lại khó khăn đến thế này”.

Tại thành phố Thâm Quyến ở phía nam, Thanh Phong, một huấn luyện viên thể hình, đã quyết định đi du lịch một mình dịp tết này. Anh sẽ nói dối cha mẹ rằng không thể mua được vé. "Ai mà chẳng muốn về quê đón năm mới chứ. Nhưng tôi xấu hổ lắm."

Sau khi rời quân ngũ vào năm 2019, Thanh Phong bắt đầu làm việc ở phòng tập, anh có thể kiếm được khoảng 20.000 nhân dân tệ (gần 70 triệu VND) ở Thượng Hải. Năm ngoái, anh chuyển đến Thâm Quyến để ở gần hơn với bạn gái, đang học tại Hong Kong gần đó.

Để tìm kiếm công việc ổn định hơn, chàng trai 28 tuổi đã chuyển sang làm cho một công ty thương mại với nước ngoài. Mức lương anh nhận là 4.500 nhân dân tệ (hơn 15 triệu VND), con số này không thể đủ vì tiền thuê nhà hàng tháng ít nhất đã tốn 1.500 tệ (hơn 5 triệu VND).

Xuất khẩu, mũi nhọn chính của nền kinh tế Trung Quốc, đã chịu tổn thất nặng, một phần do quan hệ với phương Tây xấu đi. Chính quyền Biden chưa dỡ bỏ bất kỳ khoản thuế nào áp lên hàng hóa Trung Quốc do Donald Trump đặt ra.

Thanh Phong nghỉ việc hai tháng sau đó và hiện đã được nhận vào một phòng tập mới sẽ mở cửa sau tết. Nhưng tết này anh không muốn gặp gia đình vì trong năm anh đã tiêu gần hết số tiền tiết kiệm. Anh không muốn tiết lộ cụ thể. “Cứ cho là tôi đã chơi chứng khoán thua lỗ đi.”

Đầu tháng Hai, chứng khoán Trung Quốc lao dốc xuống mức thấp nhất trong năm năm. Tài khoản Weibo của Đại sứ quán Mỹ thậm chí còn trở thành "bức tường than khóc" (theo tên một bức tường nổi tiếng ở Jerusalem) của các nhà đầu tư Trung Quốc, trong đó có người còn kêu gọi Mỹ giúp đỡ. Một số thậm chí còn chỉ trích giới lãnh đạo.

Thanh Phong không chắc liệu mình có thể kiếm được khách hàng mới trong tình trạng suy thoái kinh tế này hay không. "Nhiều phòng tập lớn gần đây đã phải đóng cửa vì nợ quá nhiều."

Nhưng kinh tế không phải là lý do duy nhất. Một số phụ nữ độc thân không muốn bị gia đình thúc ép chuyện kết hôn trong dịp Tết, Tiểu Bát là một trong số đó.

Trừ những năm đại dịch, đây sẽ là lần đầu tiên cô chọn không về quê ăn Tết.

"Tôi đã làm việc trên khắp cả nước. Mỗi lần tôi đến một nơi mới, mẹ tôi lại âm thầm kiếm đâu ra một người đàn ông và bắt tôi đi gặp. Thật quá đáng," cô gái 35 tuổi, đang làm quản lý dự án, than thở.

Dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp. Tỷ lệ sinh thấp đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ mất đi lực lượng lao động trẻ, động lực chính thúc đẩy nền kinh tế nước này. Theo số liệu chính thức, người trẻ đang ngày càng ngại kết hôn và sinh con, số lượng đăng ký kết hôn đã giảm liên tiếp trong chín năm.

Vào tháng Mười năm ngoái, ông Tập nói phụ nữ đóng “vai trò đặc biệt” trong việc phát huy các đức tính truyền thống tốt đẹp và cần tích cực bồi dưỡng “văn hóa hôn nhân và sinh đẻ kiểu mới” để giải quyết vấn đề già hóa dân số. Nhưng nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy tỷ lệ kết hôn và sinh con cho đến nay vẫn chưa cho thấy hiệu quả.

Tiểu Bát không còn lo chuyện kết hôn nữa mà đang tận hưởng cuộc sống. Cô dự định đón Tết Nguyên đán cùng con mèo của mình và xem chương trình tạp kỹ thường niên trên CCTV trong căn hộ cô thuê ở Thâm Quyến.

Vũ Văn hy vọng Tết sang năm sẽ khá hơn. "Tôi tin mình sẽ làm được, tôi đang rất quyết tâm. Bỏ cuộc chưa bao giờ có trong suy nghĩ của tôi."

Nhưng có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của anh. “Tôi không quá lạc quan về nền kinh tế năm 2024.”

Tỷ lệ sinh thấp - từ động lực thành lực cản của kinh tế Hàn Quốc

Giảm sinh con từng góp phần vào phép màu kinh tế Hàn Quốc nhưng việc người dân đang ngại sinh nở lại thành thách thức cho tăng trưởng.

Ngày 19/12/2023, 100 người đàn ông và phụ nữ Hàn Quốc tập trung tại một khách sạn gần Seoul trong bộ trang phục đẹp nhất để tham gia sự kiện hẹn hò do thành phố Seongnam tổ chức.

Với nỗ lực cứu tỷ lệ sinh đang lao dốc, chính quyền Seongnam quyết tâm tổ chức các cuộc hẹn hò với rượu vang đỏ, chocolate, dịch vụ trang điểm miễn phí và thậm chí cả kiểm tra lý lịch cho những người độc thân tham gia. Sau 5 vòng sự kiện, họ kỳ vọng 198 trong 460 người tham gia sự kiện tìm được đối tượng. Nếu thuận lợi, họ sẽ kết hôn và sinh những đứa trẻ.

Thị trưởng Seongnam Shin Sang-jin cho biết việc truyền bá quan điểm tích cực về hôn nhân sẽ giúp tăng tỷ lệ sinh, đồng thời nhấn mạnh các sự kiện hẹn hò chỉ là một trong nhiều chính sách để đảo ngược tỷ lệ sinh lao dốc. "Tỷ lệ sinh thấp không thể được giải quyết chỉ bằng một chính sách. Nhiệm vụ của thành phố là tạo môi trường để những người muốn kết hôn tìm được bạn đời", ông Shin nói.

Tỷ lệ sinh giảm ảnh hưởng đến hầu hết nước phát triển ở Đông Á và châu Âu, dẫn đến dân số già đi nhanh chóng. Tuy nhiên, không đâu nghiêm trọng như Hàn Quốc, nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới nhiều năm qua.

Năm 2021, tổng tỷ suất sinh của cả nước (tổng số trẻ em trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) là 0,81. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 1,16; Nhật Bản 1,3; Đức 1,58; Tây Ban Nha 1,19. Quan trọng hơn, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh dưới 1,3 đã hai thập kỷ.

Số liệu mới nhất còn giảm sâu hơn. Vào quý III/2023, tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc xuống mức thấp kỷ lục là 0,7, theo Văn phòng Thống kế quốc gia. Trong giai đoạn này, có 56.794 trẻ em được sinh ra, giảm 11,5% so với cùng kỳ 2022 và là mức thấp nhất kể khi thống kê vào năm 1981.

Đằng sau phép màu kinh tế

Những năm 1950, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Đến 1961, thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ khoảng 82 USD. Nhưng họ tăng trưởng mạnh từ 1962, khi chính phủ ra kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm và chương trình kế hoạch hóa gia đình nhằm giảm tỷ lệ sinh quốc gia.

Chính phủ đặt mục tiêu 45% cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai và nhiều gia đình nhận ra việc sinh ít con hơn sẽ cải thiện mức sống. Kết quả, dân số phụ thuộc - người trẻ và người già - ngày càng ít hơn người trong độ tuổi lao động.

Thay đổi về nhân khẩu học đã khởi đầu cho phép màu kinh tế kéo dài đến giữa những năm 1990. Năng suất tăng, kết hợp với lực lượng lao động mở rộng và tỷ lệ thất nghiệp giảm dần, giúp tăng trưởng GDP hàng năm từ 6% đến 10% trong nhiều năm. Ngày nay, Hàn Quốc là một trong những nước giàu nhất, với thu nhập bình quân đầu người là 35.000 USD.

Phần lớn sự biến đổi từ một nước nghèo thành nước giàu là do lợi tức nhân khẩu học trong quá trình giảm mức sinh. Nhưng lợi tức nhân khẩu học chỉ có tác dụng ngắn hạn. Trong khi, suy giảm mức sinh trong thời gian dài thường là thảm họa đối với nền kinh tế của một quốc gia, theo tạp chí nghiên cứu Conversation.

Và điều đó thực sự diễn ra. Hàn Quốc đã chứng kiến tình trạng sinh con giảm kinh niên khi nhiều người trẻ chọn cách trì hoãn hoặc từ bỏ việc kết hôn hoặc sinh con để phù hợp với sự thay đổi của chuẩn mực xã hội và lối sống.

Cùng với đó, nghiên cứu của Jisoo Hwang, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết tình hình cực đoan của tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc có thể được giải thích một phần bởi chi phí giáo dục và nhà ở cực kỳ cao.

Trong khi, công việc và tiền lương của một bộ phận thanh niên kém ổn định, khiến họ không còn đủ khả năng để lập gia đình. Quý III/2023, số lượng cuộc hôn nhân cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục là 41.706, giảm 8,2% so với cùng kỳ 2022.

Với tỷ lệ sinh cực kỳ thấp, Hàn Quốc đang giảm dân số mỗi năm và quốc gia sôi động một thời này đang trở thành nơi có nhiều người già và ít công nhân hơn. Nếu xu hướng này tiếp tục và không chào đón hàng triệu người nhập cư, dân số 51 triệu hiện tại sẽ giảm xuống dưới 38 triệu trong bốn hoặc năm thập kỷ tới.

Chạy đua tránh tăng trưởng âm

Việc thiếu trẻ em tạo ra những rủi ro lâu dài cho nền kinh tế, do làm giảm quy mô lực lượng lao động, cũng đồng thời là người tiêu dùng. Chi tiêu phúc lợi cho dân số già là gánh nặng ngân sách, mà lẽ ra có thể được sử dụng để thúc đẩy kinh doanh, nghiên cứu và phát triển.

Nghiên cứu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) năm ngoái dự báo, nếu tỷ lệ sinh giữ nguyên quỹ đạo hiện tại, đất nước có thể chứng kiến tăng trưởng âm từ năm 2050. Tính toán này dựa trên xu hướng tăng trưởng, loại trừ những biến động kinh tế ngắn hạn. Nói tóm lại, quy mô nền kinh tế Hàn Quốc chắc chắn sẽ bị thu hẹp nếu dân số giảm.

Nỗ lực ngăn chặn cơn ác mộng nhân khẩu học, chính phủ Hàn Quốc đang đưa ra các ưu đãi tài chính cho những cặp vợ chồng sinh con và tăng cường trợ cấp hàng tháng cho các bậc cha mẹ. Tổng thống Yoon Suk Yeol đã thành lập nhóm phụ trách chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh. Kể từ năm 2006, Hàn Quốc đã chi hơn 200 tỷ USD vào các chương trình nhằm tăng tỷ lệ sinh nhưng hầu như không hiệu quả.

Thậm chí, các sáng kiến mai mối như chính quyền Seongnam cũng có ý kiến trái chiều. Thủ đô Seoul từng cân nhắc sự kiện tương tự nhưng tạm dừng kế hoạch sau khi vấp phải những chỉ trích rằng sẽ lãng phí tiền thuế của dân nếu không giải quyết được lý do căn cơ là chi phí nhà ở và giáo dục cao.

Jung Jae-hoon, Giáo sư khoa Phúc lợi xã hội tại Đại học Phụ nữ Seoul, nói thật "vô nghĩa" khi hy vọng những sự kiện hẹn hò sẽ cải thiện tỷ lệ sinh. "Bạn cần chi nhiều tiền hơn vào việc hỗ trợ mang thai, sinh con và nuôi dạy trẻ để gọi đó là chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh", chuyên gia này nói.

Nghiên cứu của BoK cũng chỉ ra chi phí sinh hoạt cao, việc làm không ổn định và chi phí nuôi con, giá bất động sản tăng vọt góp phần gây ra lo lắng, khiến các vợ chồng không thể có con.

Theo BoK, giải pháp là giảm bớt tập trung dân số ở khu vực Seoul - nơi đang làm trầm trọng thêm áp lực cạnh tranh - đồng thời thực hiện hành động để ổn định giá nhà đất và nợ hộ gia đình cũng như cải thiện cấu trúc thị trường lao động. Ngoài ra, chính phủ cần tăng chi ngân sách để chia sẻ gánh nặng chăm sóc trẻ.

Conversation cho rằng cách thực sự có thể giúp Hàn Quốc xoay chuyển tình thế này là dựa vào nhập cư. Người di cư thường trẻ, năng suất và sinh nhiều con hơn người bản xứ. Nhưng Hàn Quốc có chính sách nhập cư rất hạn chế, để trở thành công dân hoặc thường trú nhân, người nhập cư phải kết hôn với người Hàn Quốc.

Vào 2022, người nhập cư chỉ hơn 1,6 triệu, chiếm khoảng 3,1% dân số nước này. Ngược lại, Mỹ phụ thuộc vào di dân để tăng cường lực lượng lao động, hiện chiếm hơn 14% dân số. Để nhập cư bù đắp cho tỷ lệ sinh giảm ở Hàn Quốc, lực lượng lao động nước ngoài cần phải tăng 10 lần.

Nếu không có điều đó, vận mệnh nhân khẩu học của Hàn Quốc sẽ khiến quốc gia này tiếp tục giảm dân số hàng năm và trở thành một trong những quốc gia già nhất thế giới, theo Conversation.

Ukraine "hồi sinh" các thành phố giữa bom đạn chiến tranh

Các nhà chức trách và người dân Ukraine bắt đầu triển khai các kế hoạch xây dựng lại các thị trấn và thành phố bị tàn phá dù xung đột chưa đi đến hồi kết.

Giữa các ga tàu và bến xe buýt ở thị trấn Trostianets của Ukraine, một máy xúc đang dọn đất và đống đổ nát để chuẩn bị cho dự án xây dựng một trung tâm giao thông.

Trostianets bị thiệt hại nặng nề trong trận chiến với lực lượng Nga gần hai năm trước. Đây là một trong 6 khu định cư được Ukraine xây dựng lại bằng nguồn vốn nhà nước trong một chương trình thí điểm nhằm trau dồi các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết cho nỗ lực tái thiết quy mô lớn hơn sau này.

Thị trưởng Yury Bova cho biết không còn nhiều thời gian để đưa cuộc sống trở lại các thành phố, nếu không muốn chứng kiến cảnh hàng triệu người Ukraine sẽ rời bỏ đất nước để sống lưu vong vĩnh viễn ở châu Âu, thay vì ở lại tái thiết đất nước.

"Chúng tôi đang chiến đấu để mọi người quay trở lại, để trẻ em được trở về và xây dựng tương lai ở đây. Chúng tôi cần khôi phục lại mọi thứ, bắt đầu từ các quán cà phê, thư viện, nhà máy, trường học, bệnh viện", ông Bova nói.

Các quan chức ở Kiev cũng nhận thấy sự cấp bách của việc tái thiết Ukraine. Đây là nỗ lực cần đến hàng trăm tỷ USD và liên quan đến nhiều công việc, chứ không chỉ đơn thuần là sửa chữa nhanh chóng các địa điểm quan trọng như bệnh viện, nhà máy điện và đường sắt.

Trong bối cảnh thiếu hụt tài chính, Ukraine vẫn phải tự vệ trước các cuộc tấn công mới của Nga sau khi chiến dịch phản công của Kiev không mang lại bước tiến đáng kể. Moscow cũng đã nối lại chiến dịch không kích hàng loạt vào các trung tâm dân cư nằm xa chiến tuyến.

Đối với ông Pavlo Kuzmenko, thị trưởng Okhtyrka, một khu vực chỉ cách Trostianets 20km và cũng là nơi bị tổn thất nặng nề sau các vụ tấn công của Nga trong giai đoạn đầu xung đột, việc hồi sinh các quảng trường trong thị trấn là một điều xa xỉ mà Ukraine không thể làm được vào lúc này.

Các quan chức ở Okhtyrka đã chậm chạp trong việc dọn dẹp đống đổ nát trên đại lộ chính, nơi từng có tòa thị chính, và vẫn chưa sửa chữa được cửa hàng bách hóa. Tuy nhiên, hầu hết các trường học đã được sửa chữa với cửa sổ mới, mái che hoặc hầm trú bom mới, phần lớn nhờ vào các nhà tài trợ quốc tế.

Ông Kuzmenko, người đã công khai chỉ trích các kế hoạch xây dựng Trostianets vào năm 2023 và than phiền về tình trạng thiếu nguồn lực, cho biết trọng tâm của hoạt động tái thiết nên là sửa chữa nhà cửa và cơ sở hạ tầng quan trọng. Theo ông, các khoản tiền còn lại nên dành cho quân đội.

"Có rất nhiều thứ cần xây dựng lại. Quảng trường và tất cả đồ trang hoàng có thể được thực hiện sau chiến tranh", ông Kuzmenko nói.

Đứng gần tàn tích của tòa thị chính, bà Antonina Dmytrychenko, 65 tuổi, cư dân Okhtyrka, cho biết bà đồng tình với thị trưởng. Bà nói rằng: "Đầu tiên chúng tôi cần chiến thắng, sau đó là tái thiết".

Những quan điểm khác nhau ở hai thị trấn trên đã cho thấy người Ukraine vẫn còn tranh cãi về cách chi tiêu trong thời chiến.

Các quan chức ở Odessa đã hủy hơn 9 triệu USD đấu thầu trong ba tháng cuối năm 2023 vì cho rằng việc chi tiêu cho những hoạt động như sửa đường, cải tạo sân vận động và phần mềm là không cần thiết trong thời chiến.

Một trong những quan chức phụ trách tái thiết Ukraine, ông Mustafa Nayyem, thừa nhận việc hồi sinh những thị trấn bị thiệt hại nặng nề như Trostianets sẽ đòi hỏi nguồn lực lớn.

"Nhà nước chưa bao giờ thực hiện việc tái thiết toàn diện các khu định cư trước đây. Chúng tôi không có kinh nghiệm trong việc này", ông Nayyem, người đứng đầu Cơ quan Phục hồi và Phát triển Cơ sở hạ tầng Ukraine, nói.

Đó là lý do Ukraine đã chọn 6 dự án, mỗi dự án có những thách thức khác nhau, để tái thiết bằng ngân sách nhà nước, chủ yếu lấy từ tài sản bị tịch thu của Nga. Khi công bố chương trình tái thiết vào tháng 4/2023, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết mục đích của chương trình là biến những khu vực bị chiến tranh tàn phá thành nơi tốt đẹp hơn.

Một ngôi làng đang được xây dựng lại hoàn toàn, trong khi ở một ngôi làng khác, hàng loạt nhà ở đang được sửa chữa. Tại Trostianets, trọng tâm tái thiết là một số dự án quan trọng nhằm giúp khôi phục đời sống kinh tế.

Vào tháng 10/2023, ông Shmyhal cho biết hơn 1,6 tỷ USD đã được phân bổ từ quỹ tái thiết của Ukraine. Các dự án thí điểm đã nhận được khoảng 86 triệu USD vào năm 2023, mặc dù ngân sách năm 2024 vẫn chưa được ấn định.

Ngân hàng Thế giới ước tính việc tái thiết Ukraine sẽ tiêu tốn hơn 400 tỷ USD trong thập niên tới. Các nước phương Tây cho Ukraine vay tiền đã ra tín hiệu rằng, họ sẵn sàng cung cấp phần lớn nguồn tài chính.

Tuy vậy, cuộc chiến đang diễn ra khiến việc lập kế hoạch dài hạn trở nên khó khăn. Ông Nayyem cho biết, những gì các quan chức có thể lên kế hoạch là "cơ sở hạ tầng cho việc tái thiết", xây dựng các tiêu chuẩn và thủ tục, hoàn thiện đội ngũ và củng cố mối quan hệ với các đối tác quốc tế.

Ông Nayyem bảo vệ các dự án thí điểm trước những người chỉ trích như Thị trưởng Kuzmenko. Ông nói rằng không ai xây dựng lại bất cứ thứ gì không cần thiết, thay vào đó nhà cửa và các dịch vụ mà người dân cần để duy trì cuộc sống sẽ phải được tái thiết.

Theo ông, những tuyến đường chiến lược nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển quân hoặc hàng hóa trên khắp Ukraine cũng như các tòa nhà hành chính nên được ưu tiên xây dựng.

"Chúng tôi không tái thiết thư viện hay viện bảo tàng", ông Nayyem nói.

Ở Trostianets, kế hoạch tái thiết bao gồm khôi phục hai khu chung cư, 3 cơ sở y tế, nhà ga, quảng trường, một tòa nhà khác gần đó và một con đường chính xuyên thị trấn. Tiền từ các nhà tài trợ quốc tế đã được chi để xây dựng lại một khu mới của bệnh viện chính trong thành phố.

Trong khi đó, 5 dự án thí điểm khác được triển khai ở Borodianka và Moshchun gần thủ đô Kiev, Yahidne ở phía bắc, Tsyrkuny ở phía đông và Posad-Pokrovske ở phía nam.

Quân Nga áp sát, Avdiivka 'nguy cấp'

Các nguồn tin thuộc Ukraine đã cảnh báo về tình hình của lực lượng Ukraine đang cố thủ thành phố Avdiivka, trong lúc lực lượng Nga đang có những bước tiến đáng kể tại đó.

Thị trưởng Vitaly Barabash của thành phố Avdiivka thuộc miền đông Ukraine hôm 8.2 nói rằng một lực lượng Nga đang đẩy mạnh cuộc tấn công từ nhiều phía nhằm giành quyền kiểm soát thành phố này, theo AFP.

"Thật không may, đối phương đang dồn ép từ mọi hướng, không có một khu vực nào trong thành phố của chúng tôi còn được yên tĩnh. Quả thực, Nga đang tấn công với lực lượng rất lớn", Thị trưởng Barabash nói với truyền thông Ukraine.

Kênh Telegram Ukraine Fights ngày 4.2 cảnh báo "tình hình trong thành phố [Avdiivka] đã trở nên nguy cấp", khẳng định các nhóm xung kích của Nga đã tiến vào thành phố từ phía đông bắc và binh sĩ Nga đã vượt qua đội hình chiến đấu của Ukraine và giành được chỗ đứng trong một số tòa nhà, theo báo Newsweek ngày 6.2.

"Điều này có nghĩa là quân Nga chỉ còn cách huyết mạch hậu cần chính của lực lượng phòng thủ Ukraine khoảng vài trăm mét. Số phận của Avdiivka đang được quyết định", Ukraine Fights viết.

Trong tháng 10.2023, Nga đã phát động một cuộc tấn công vào Avdiivka, nơi được xem là cửa ngõ vào thành phố Donetsk do Nga kiểm soát gần đó và là trụ cột trong mục tiêu giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng Donbass thuộc đông nam Ukraine.

Phía Nga đã chịu tổn thất lớn về binh sĩ và trang thiết bị trong chiến dịch giành Avdiivka, nhưng các kênh Telegram của Ukraina đã đưa ra những đánh giá bi quan về khả năng lực lượng Ukraine có thể giữ vững thành phố này, theo Newsweek.

Ngoài ra, kênh Telegram Butusov Plus khẳng định đã xảy ra các trận chiến trên đường phố ở vùng ngoại ô phía bắc Avdiivka, nơi các đơn vị Nga đang ở cách cửa ngõ thành phố chưa tới 1,6 km. Lữ đoàn cơ giới 110 của Ukraine và các đơn vị trực thuộc đang chiến đấu với số lượng binh sĩ Nga đông hơn và liên tục được tăng cường.

Cũng trong ngày 4.2, phóng viên Yaroslav Trofimov của tờ The Wall Street Journal viết trên mạng xã hội X rằng Avdiivka "ngày càng có nguy cơ trở thành thành phố đầu tiên của Ukraine thất thủ tính từ sau khi mất Bakhmut vào tháng 5.2023". Ông Trofimov cho rằng tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng ở Ukraine là do Quốc hội Mỹ từ chối viện trợ quân sự thêm cho Kyiv.

Ông Čedomir Nestorović, giáo sư địa chính trị và kinh doanh Hồi giáo tại Trường Kinh doanh ESSEC ở Singapore, cho rằng sự giảm sút viện trợ về tài chính, đạn dược và vũ khí cho Kyiv, cũng như những vấn đề mà Ukraine gặp phải trong việc huy động thêm quân, đồng nghĩa với "nguy cơ lớn là Avdiivka sẽ sớm thất thủ".

Giáo sư Nestorović lưu ý rằng Tổng thống Volodymyr Zelensky mong muốn tiếp tục giữ Avdiivka "bằng mọi giá", khác với Tổng tư lệnh Valerii Zaluzhny. Vì vậy, nếu Avdiivka thất thủ, tướng Zaluzhny sẽ có lợi hơn trong cuộc đối đầu quyền lực.

Chuyên gia Leon Hartwell, tại tổ chức tư vấn LSE IDEAS của Trường Kinh tế London (Anh), nhận định rằng việc Nga giành được quyền kiểm soát Avdiivka có thể củng cố quan điểm của những người phương Tây hoài nghi đang ủng hộ giảm hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine.

"Việc mất Avdiivka sẽ hạn chế khả năng Ukraine tiến hành các hoạt động phản công chống lại Nga ở Donbass, và việc giành lại thành phố này, nơi có hệ thống công sự phòng thủ vững chắc, sẽ đặt ra một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn", ông nhận định với Newsweek.

Ông Hartwel nhận định thêm: "Nga đã đầu tư rất nhiều vào việc giành Avdiivka, triển khai nhiều binh sĩ và thiết bị quân sự tới thành phố. Việc chiếm giữ Avdiivka có tầm quan trọng chính trị đáng kể đối với [Tổng thống Nga Vladimir] Putin… để thể hiện những chiến thắng cho Nga trước cuộc bầu cử tổng thống, và có khả năng là sẽ có thêm một đợt huy động binh sĩ mới".

Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Kyiv cũng như Moscow đối với những bình luận trên.

Nguồn: BBC; Vnexpress; Dân Trí; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang