
CHUỘT HOÀNH HÀNH Ở SINGAPORE
Chuột xuất hiện tại hàng loạt khu vực ở Singapore, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, buộc giới chức phải chuẩn bị các biện pháp ứng phó.
Trong hai lần chạy bộ gần nhất, Shantel Lim đều hoảng hốt khi bắt gặp chuột chạy vụt qua trước mặt ở khu Tampines, nơi cô sống ở phía đông Singapore, thành phố hiện đại và sạch sẽ bậc nhất thế giới.
"Lũ chuột len lỏi trong các kẽ hở, thùng rác, cống rãnh. Chúng rất lớn, phát ra những tiếng kêu chít chít chói tai. Có lần tôi còn thấy cả đàn 8 con chuột, rất mất vệ sinh và nguy hiểm", Lim nói, nhấn mạnh đây là vấn đề lớn ở Tampines, khi bạn bè cô sống gần đó cũng phải đối phó với chuột.
Trong vòng 10 ngày kể từ khi đề nghị độc giả trên khắp quốc đảo cung cấp thông tin về nơi họ nhìn thấy chuột, trang CNA của Singapore nhận được 320 tin báo, kèm cả ảnh lẫn video về lũ chuột xuất hiện ở sân chơi, hành lang, thang máy, thậm chí ở siêu thị. Tampines, Toa Payoh và Hougang là những khu vực có nhiều chuột nhất tại Singapore.
Eugenia Tan, sinh viên vừa ra trường ở Toa Payoh, cho hay lũ chuột đang xuất hiện nhiều hơn trước đây. "Đây có thể là vấn đề rất nghiêm trọng, bởi chuột sinh sản nhanh chóng", Tan, 23 tuổi, nói.
Martha Lee, bố của Tan làm việc tại một phòng khám đa khoa trong khu vực, đã quyết định tự bắt chuột sau khi phát hiện chúng trong công viên. Đến nay, ông đã bắt được hơn 80 con chuột, có lần bắt được 15 con trong một ngày.
Singapore thống kê số lượng hang chuột tại các khu vực công cộng mỗi hai tháng. Năm 2021, nước này phát hiện trung bình 3.900 hang chuột mỗi lần thống kê, tăng lên đến 5.200 hang vào năm ngoái.
Dựa trên các tin báo được độc giả gửi về, CNA lập "bản đồ chuột" trên khắp quốc đảo. Bản đồ hiển thị vị trí của một siêu thị thuộc chuỗi Giant, khi có người phát hiện chuột trên các kệ hàng.
Bản đồ cũng cho thấy chuột xuất hiện ở sân vận động Jurong West và trung tâm thể thao Clementi, buộc Hội đồng Thể thao Singapore (SportSG) phải tăng nỗ lực kiểm soát, khử trùng ở hai cơ sở, đồng thời nhắc nhở vận động viên cảnh giác, tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Jordan Poh, quản lý dự án bất động sản Tampines GreeFoliage, bày tỏ thất vọng khi dự án đã hoàn thành cách đây hai năm, song anh nhiều lần phát hiện chuột trên vườn sân thượng hay trong nhà để xe nhiều tầng.
Giới chức Tampines, Toa Payoh và Hougang đang sử dụng camera ảnh nhiệt để theo dõi hành vi của bầy chuột, đồng thời phối hợp với nhiều bên để giải quyết vấn đề, trong đó có Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA).
Giới chức Tampines còn kêu gọi các siêu thị, tạp hóa, công trường, cộng đồng hợp tác, nỗ lực giữ không gian công cộng luôn sạch sẽ. "Để giải quyết chuột hiệu quả nhất thì tất cả phải có nỗ lực nhất quán", chính quyền Tampines cho biết trong một tuyên bố.
Giới chức Toa Payoh cũng tăng cường kiểm soát, tiêu hủy chuột. Các nhân viên hàng ngày đi đặt bẫy ở các điểm có rác hay hang chuột. Họ cũng tiêu hủy chuột ít nhất hai lần một tuần.
Quan chức các khu vực ở Singapore đồng tình rằng cần điều tra kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân cơ bản của tình trạng chuột hoành hành.
"Chúng tôi sẽ kiểm tra nguồn thực phẩm đóng gói, công tác lưu trữ, xử lý chất thải", tuyên bố của giới chức Hougang có đoạn. "Người dân cũng cần xử lý, đóng gói và vứt rác đúng cách, không để lại thức ăn thừa nơi công cộng và không cho chim ăn".
THIẾU NHÂN LỰC, KINH TẾ UKRAINE CHAO ĐẢO
Tình trạng thiếu nhân lực ở Ukraine đang gây ảnh hưởng không chỉ trên mặt trận mà còn cả trong lĩnh vực kinh tế.
Theo Bloomberg, sự tiêu hao nhân lực đã làm suy yếu quân đội Ukraine trong ngăn chặn những cuộc tấn công dữ dội của Nga trên chiến trường, đồng thời đang làm suy giảm năng suất của các nhà máy, công trường xây dựng, hầm mỏ và rộng lớn hơn là nền kinh tế của quốc gia bị xung đột tàn phá này.
Vấn đề lao động đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng. Luật huy động có hiệu lực vào tháng trước nhằm mục đích bổ sung hàng trăm nghìn binh sĩ cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, việc thiếu lao động trẻ, khỏe đang tạo ra gánh nặng đối với các doanh nghiệp lớn và nhỏ vốn tạo nên "xương sống" của nền kinh tế Ukraine thời chiến.
Đó là một câu hỏi hóc búa đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đang muốn bổ sung lực lượng cho tiền tuyến trong khi vẫn phải đảm bảo rằng điều này không gây thiệt hại cho nền kinh tế mà Kiev cần để duy trì cuộc chiến.
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine Sergiy Nikolaychuk cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Kiev: “Chúng tội hiện đang trong một cuộc chiến tiêu hao. Thật khó để lựa chọn giữa bơ và súng".
Vấn đề sẽ càng trở nên trầm trọng hơn khi cuộc xung đột với Nga kéo dài và Ukraine buộc phải lấp đầy khoảng trống mà hàng triệu người đã rời khỏi đất nước, gia nhập quân đội hoặc tử trận để lại. Khi quân đội Ukraine nỗ lực chống chọi với các cuộc tấn công mới của Nga, nền kinh tế Ukraine - vốn đã mất 1/4 sản lượng kể từ khi cuộc xung đột nổ ra - có nguy cơ bị suy yếu hơn nữa do lực lượng lao động bị thu hẹp.
Ông Nikolaychuk cho biết sản lượng kinh tế sụt giảm so với năm 2021 có liên quan đến sự sụt giảm khoảng 27% lực lượng lao động so với mức trước xung đột. Đó là một thách thức chính sách không thể giải quyết được dù có sự viện trợ từ các đồng minh phương Tây, những nước đang huy động đạn dược và hệ thống phòng không cho Ukraine. Trong khi đó, nhân lực lại một vấn đề mang lại lợi thế cho Nga cùng nguồn tài nguyên khổng lồ của nước này.
Đơn vị sản xuất thép và khai thác mỏ Metinvest BV của Ukraine, sử dụng gần 60.000 lao động và đang tìm cách lấp đầy 4.000 chỗ trống, đã phải vật lộn để tìm công nhân vận hành lò luyện thép lộ thiên tại một nhà máy ở thành phố Zaporizhzhia.
Tetiana Petruk, Giám đốc phát triển bền vững của Metinvest, cho biết việc tìm kiếm khoảng 90 công nhân đã trở thành một cuộc tuyển dụng căng thẳng và mệt mỏi kéo dài ba tháng, nhiều thời gian hơn so với chỉ một tháng trong thời bình. Bà Petruk nói: “Không phải nguồn nguyên liệu thô, không phải thiết bị hay máy móc - câu hỏi ưu tiên là ai sẽ làm việc và liệu chúng tôi có thể giao hàng hay không”.
Quá trình tuyển dụng cũng trở nên rườm rà vì nhân viên nam không muốn làm ở các công ty lớn mà các nhà tuyển dụng quân sự nhắm tới. Bà Petruk nói: “Các sĩ quan tuyển quân điểm đã dán thông báo nhập ngũ ở các cổng vào - ngay cả cho những người xin việc của chúng tôi”. Bà Petruk cho biết khoảng 15% công nhân của Metinvest đã phải nhập ngũ.
Theo một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Tư vấn Chính sách có trụ sở tại Kiev thực hiện vào đầu năm nay, vấn đề này đứng thứ 2 sau chi phí gia tăng ở các công ty Ukraine. Khoảng một nửa số công ty được khảo sát cho biết họ đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động.
Hậu quả của tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động là tiền lương công nhân tăng vọt khi người sử dụng lao động muốn giữ chân những người lao động ở lại. Mặc dù lạm phát đã giảm gần 3% so với mức 27% vào thời kỳ đỉnh cao sau cuộc xung đột, Ngân hàng trung ương Ukraine đã trích dẫn hiện tượng này trong một báo cáo lạm phát, dự đoán rằng tiền lương được điều chỉnh sẽ vượt qua mức trước xung đột vào năm tới.
Volodymyr Landa, nhà kinh tế cấp cao tại Trung tâm Chiến lược Kinh tế có trụ sở tại Kiev, cho biết chính phủ phải theo dõi nhu cầu kinh doanh ngay cả khi tăng cường tiềm lực quân sự. Chuyên gia Landa nêu rõ: “Lý do rất đơn giản: Ukraine không có đủ ngân sách để tăng đáng kể sức mạnh quân sự của mình”.
Về phần mình, bà Petruk tại Metinvest cảnh báo sự thiếu hụt có thể gây ra hiệu ứng domino, với cơ sở thuế bị xói mòn và cuối cùng sẽ gây tổn hại cho các mục tiêu quân sự. Các doanh nghiệp có thể bị buộc phải cắt giảm sản xuất.
“Nếu việc nhập ngũ tiếp tục với tốc độ này, chúng tôi sẽ buộc phải dừng một số quy trình hoặc khu vực sản xuất vì sẽ không có đủ công nhân”, bà Petruk kết luận.
BƯỚC NGOẶT LỚN CỦA BRICS: 7 NƯỚC ĐỒNG LOẠT XIN GIA NHẬP

BRICS hiện đang chuẩn bị cho đợt kết nạp thành viên lớn, khi 7 quốc gia đã chính thức nộp đơn đăng ký gia nhập liên minh này ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 10.
Đây là một bước ngoặt quan trọng đối với môi trường địa chính trị toàn cầu và cũng là minh chức cho thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng của khối này, cùng tham vọng định hình lại trật tự kinh tế thế giới.
Sau khi kết nạp các thành viên mới, BRICS sẽ có khả năng thay đổi các mối quan hệ kinh tế và quốc tế, đồng thời đặt ra những thách thức và cơ hội với các quốc gia trên toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS dự kiến được tổ chức vào tháng 10/2024. Sự kiện này sẽ đánh dấu một giai đoạn quan trọng với việc chính thức kết nạp 4 thành viên mới: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Iran và Ethiopia. Việc khối này mở rộng sẽ nâng tổng số thành viên chính thức lên 9. Được biết, sự kiện sẽ diễn ra tại vùng Kazan của Nga, dưới sự chủ trì của Tổng thống Vladimir Putin.
Kể từ đầu năm 2024, 7 quốc gia đã bày tỏ ý định tham gia BRICS trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra. Đó là Cameron, Pakistan, Sri Lanka, Syria, Thái Lan, Venezuela và Zimbabwe. Sự xuất hiện của các quốc gia mới này đã thể hiện sức hấp dẫn của BRICS với những nước đang phát triển. Có thể, họ coi liên minh này có thể thúc đẩy quá trình loại bỏ sự thống trị của đồng USD.
Hơn nữa, việc BRICS mở rộng cũng đánh dấu bước ngoặt lớn về địa chính trị, giúp định hình lại sự cân bằng của cán cân quyền lực trên toàn cầu.
Gần đây, Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bày tỏ ý muốn gia nhập BRICS cũng như tham gia hội nghị thượng đỉnh năm 2024. Động thái này càng làm nổi bật sức hấp dẫn ngày một lớn của khối đối với các nền kinh tế mới nổi.
Kế hoạch của Thái Lan có thể củng cố vị thế của quốc gia này với tư cách là nước đóng vai trò chủ chốt ở khu vực châu Á, bằng cách đa dạng hoá các mối quan hệ đối tác kinh tế và chính trị.
Nhận định về bước đi này, tờ Global Times cho biết Bangkok cho thấy họ "không còn muốn sử dụng hoàn toàn đồng USD". Reuters thậm chí còn chỉ ra, Bangkok có thể đang tạo bước ngoặt cho họ trong một thế giới đa cực.
Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cũng cho biết nước này đang tìm hiểu các cơ hội hợp tác mới với một số đối tác như BRICS.
Trong khi đó, Pakistan đang thảo luận ngày càng tích cực với Nga về việc gia nhập BRICS, dù căng thẳng với Ấn Độ có thể cản trở phần nào nỗ lực này.
Việc BRICS mở rộng số lượng thành viên là sự chuyển biến quan trọng, khi khối này đặt mục tiêu loại bỏ sự thống trị của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Họ khuyến khích các thành viên sử dụng đồng nội tệ trong thương mại quốc tế. Quá trình thay đổi này có thể phá vỡ trật tự kinh tế vốn có và tác động đáng kể đến các nền kinh tế vốn phụ thuộc vào đồng USD.
30 VẠN QUÂN NATO SẴN SÀNG CHỜ LỆNH!
The Telegraph đưa tin hôm 4/6, NATO đang tạo ra loạt "hành lang trên bộ" để đưa quân đội Mỹ đi khắp châu Âu đối đầu với Nga trong trường hợp xảy ra xung đột lớn với Moscow.
Tờ Kyiv Independent đánh giá, những cảnh báo về việc Điện Kremlin có thể thực hiện tấn công một quốc gia NATO trong tương lai gần gia tăng trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, hãng tin AFP cho biết, trong cuộc gặp báo chí nước ngoài ngày 5/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow không nuôi dưỡng "tham vọng đế quốc" và cho rằng ý tưởng Nga lên kế hoạch tấn công NATO là "vớ vẩn".
NATO phát triển "hành lang trên bộ"
Hôm 4/6, tờ The Telegraph đưa tin, NATO đang phát triển nhiều "hành lang trên bộ" nhằm đưa quân đội và thiết giáp của Mỹ ra tiền tuyến trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột lớn trên bộ giữa châu Âu và Nga.
Các quan chức nói với The Telegraph rằng binh sĩ Mỹ sẽ đổ bộ tại một trong năm cảng ở Hà Lan, Hy Lạp, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Na Uy, từ đó họ sẽ đi qua các hành lang trên bộ tới các nước NATO giáp Ukraine để đối đầu với một cuộc tấn công có thể xảy ra từ Moscow.
Hành lang này xuất hiện trong bối cảnh các nhà lãnh đạo hàng đầu của liên minh cảnh báo các chính phủ phương Tây phải tự chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Nga trong 2 thập kỷ tới.
Theo các kế hoạch trước đây của NATO, quân đội Mỹ chỉ có thể đổ bộ vào Rotterdam ở Hà Lan. Tuy nhiên, dựa trên quan sát tình hình ở Ukraine về các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của Nga kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, liên minh phải suy nghĩ lại.
Việc mở rộng số lượng cảng và có nhiều hành lang trên đất liền có nghĩa là nếu một cảng bị tấn công thì những cảng khác vẫn có thể sử dụng được.
300.000 quân trong tình trạng báo động cao
Các tuyến đường hậu cần đã trở thành ưu tiên hàng đầu kể từ Hội nghị Thượng đỉnh của NATO ở Vilnius, Lithuania vào năm ngoái, khi các nhà lãnh đạo của liên minh nhất trí phát triển các kế hoạch mới để đảm bảo liên minh có thể cung cấp “300.000 quân trong tình trạng sẵn sàng cao độ” [trong trường hợp xung đột diễn ra].
Các kế hoạch tương tự cũng được đưa ra nhằm vận chuyển lực lượng từ các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp qua Bulgaria và Romania để tiếp cận sườn phía Đông của liên minh.
Trên các hành lang này, quân đội các quốc gia sẽ không bị hạn chế bởi các quy định của địa phương và sẽ được tự do vận chuyển các lô hàng mà không gặp phải những hạn chế thông thường.
Tờ Financial Times (FT) ngày 29/5 dẫn các nguồn tin cho biết, hơn 2 năm sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, khả năng phòng thủ của sườn phía Đông NATO chỉ ở mức 5% cần thiết để ngăn chặn một cuộc tấn công.
Các thành viên NATO ở Trung và Đông Âu trong những tuần gần đây đã công bố kế hoạch nhằm cải thiện khả năng phòng không tập thể của họ nhằm đối phó với mối đe dọa từ Nga.
NATO chỉ có 2-3 năm để chuẩn bị
Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Na Uy, Tướng Eirik Kristoffersen cho biết, liên minh NATO có thời gian từ 2 đến 3 năm để chuẩn bị trước khi Nga xây dựng lại khả năng thực hiện một cuộc tấn công mới.
Ước tính của Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Na Uy ngắn hơn so với ước tính của một số quan chức phương Tây khi các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thảo luận về việc Nga tăng cường năng lực quân sự và khả năng tái tổ chức lực lượng trong khi vẫn tiến hành chiến dịch quân sự toàn diện ở Ukraine.
Tướng Eirik Kristoffersen, 55 tuổi, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ở Oslo hôm 3/6: “Có một số người nói rằng Nga sẽ mất 10 năm những tôi nghĩ sẽ không tới bởi những gì đang diễn ra ở Nga. Sẽ mất một thời gian, điều này cho chúng tôi cơ hội trong 2 đến 3 năm tới để xây dựng lại lực lượng, xây dựng lại kho lưu trữ của mình, đồng thời với việc hỗ trợ cho Ukraine."
CỤC DIỆN CHÍNH TRỊ MỚI Ở ẤN ĐỘ

Không nằm ngoài dự đoán, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Modi đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và Thủ tướng Narendra Modi sẽ tái cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, nhưng kết quả này lại không đạt được như kỳ vọng.
Kết quả không như kỳ vọng
Theo kết quả kiểm phiếu cuối cùng được Ủy ban Bầu cử Ấn Độ công bố vào rạng sáng nay, khối Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) mà đảng BJP cầm quyền là nòng cốt đã về nhất với việc giành được 286 ghế trong tổng số 543 ghế của Hạ viện Ấn Độ khóa mới. Trong đó, riêng BJP giành được 240 ghế.
Về thứ hai trong cuộc chạy đua này là Khối Liên minh Toàn diện Phát triển Quốc gia Ấn Độ (INDIA) với 202 ghế; trong đó, đảng Quốc đại, nòng cốt của liên minh này chiếm 99 ghế.
Như vậy, khối NDA đã giành được chiến thắng cuối cùng đúng như các dự báo trước bầu cử để tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm 1 nhiệm kỳ 5 năm nữa. Tuy nhiên, kết quả này không được như ý bởi NDA, đặc biệt là BJP đã không thể tái lập chiến thắng áp đảo năm 2019. Trên hết, họ đã không đủ số ghế cần thiết để tạo ra liên minh chiếm đa số tuyệt đối tại Hạ viện khóa mới, như từng tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử.
Kết quả này có thể coi là một bước lùi đối với BJP và đương kim Thủ tướng Narendra Modi. Sau cuộc bầu cử vừa qua, BJP vẫn chưa giành đủ 272 ghế, tức một nửa số ghế tại Hạ viện khóa mới. Cục diện này khiến BJP sẽ không thể tự đứng ra thành lập Chính phủ khóa mới và sẽ phải chấp nhận liên minh để tiếp tục nắm quyền. Chắc chắn cục diện này sẽ có tác động nhất định tới đường lối chính sách của đất nước trong nhiệm kỳ tới, nhất là về kinh tế.
Sau 2 nhiệm kỳ liên tiếp nắm quyền gần như tuyệt đối, việc đảng BJP chiến thắng nhưng không thể giành được đa số tại Hạ viện khóa mới có thể coi là cú sốc lớn trong mùa bầu cử năm nay tại Ấn Độ. Nó cho thấy cử tri Ấn Độ đã có những thay đổi, có quan điểm khác về cục diện chính trị hiện tại của đất nước, với mong muốn đất nước có những điều chỉnh để mang lại ấm no, thịnh vượng cho từng người dân.
Ưu tiên chính sách của Thủ tướng Modi trong nhiệm kỳ mới
Tối ngày 4/6, ngay khi kết quả cuộc bầu cử Hạ viện được công bố, Thủ tướng Narendra Modi đã có cuộc họp với ban lãnh đạo đảng BJP cầm quyền và các đảng viên nòng cốt tại trụ sở ở thủ đô New Delhi. Ông tuyên bố, liên minh NDA do BJP lãnh đạo sẽ thành lập chính phủ kế tiếp thứ ba và đó là chiến thắng với quyết tâm của Tầm nhìn Viksit Bharat, hay Ấn Độ Phát triển. Thủ tướng Modi tuyên bố, đây là lần đầu tiên kể từ sau năm 1962, một chính phủ tại Ấn Độ đã hoàn thành đầy đủ hai nhiệm kỳ và đã tại nhiệm thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Ông tuyên bố, “lịch sử mới” đã được tạo ra sau 6 thập kỷ.
Rõ ràng, BJP và cá nhân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chuẩn bị tâm thế và cả những kế hoạch cần thiết cho nhiệm kỳ thứ ba của mình với mong muốn đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047, thời điểm tròn 100 năm trở thành nước độc lập. Đó sẽ là sự kế thừa những thành tựu đã đạt được trong 2 nhiệm kỳ vừa qua.
Nổi bật nhất trong các chính sách và ưu tiên của Ấn Độ trong nhiệm kỳ tới sẽ là việc tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất để biến quốc gia này thành trung tâm sản xuất mới của thế giới. Trong đó, Chính phủ Ấn Độ đang lên kế hoạch thực hiện một loạt các biện pháp hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp, bao gồm việc thông qua các quy định giúp tuyển dụng và sa thải công nhân dễ dàng hơn.
Chính phủ Ấn Độ cũng muốn tiếp tục các chương trình trợ cấp cho sản xuất trong nước theo mô hình các gói chính sách hỗ trợ gần đây dành cho các công ty bán dẫn và nhà sản xuất xe điện. Tiếp đến, Ấn Độ cũng có kế hoạch giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng đầu vào cho sản xuất hàng hóa trong nước, điều đã đẩy chi phí sản xuất của Ấn Độ lên cao.
Ấn Độ đặt tham vọng nâng đóng góp của nước này trong lĩnh vực sản xuất chế tạo của toàn cầu lên mức 5% vào năm 2030 và 10% vào năm 2047. Ưu tiên đẩy mạnh các ngành sản xuất trong nước cũng sẽ góp phần giải bài toán thất nghiệp cho kinh tế Ấn Độ - một vấn đề nhức nhối vốn chưa thể giải quyết triệt để trong thập kỷ qua. Chỉ khi nào mang tới công ăn việc làm cho đa số người dân, Ấn Độ mới có thể mang tới sự thịnh vượng và cất cánh trở thành nền kinh tế phát triển.
Những thuận lợi và thách thức
Rõ ràng, sau hai nhiệm kỳ cầm quyền, đảng BJP và Thủ tướng Narendra Modi đã xác định được mục tiêu, cách thức và xây dựng nền tảng để mang lại sự thịnh vượng cho hơn 1,4 tỷ người dân Ấn Độ. Thành công của giai đoạn trước tới vào thời điểm BJP cùng các đảng trong liên minh nắm đa số tại Hạ viện Ấn Độ nên có thể dễ dàng thông qua và thực thi các chính sách lớn về kinh tế. Nhưng với tình thế hiện tại, khi không thể tự mình đứng ra thành lập Chính phủ, liệu BJP có còn tập hợp đủ sự ủng hộ cần thiết để tiếp tục các cải cách hay không? Khả năng đàm phán lập liên minh của BJP trong thời gian tới sẽ quyết định đường hướng và thành công của các chính sách của Chính phủ trong tương lai.
Trong 10 năm vừa qua, thành công của chính quyền Modi là tạo ra đột phá về tăng trưởng kinh tế; khắc phục được một số điểm yếu của đất nước, mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư - cả trong và ngoài nước - về sự ổn định chính sách cũng như nỗ lực phối hợp hướng tới cải cách kinh tế. Tuy nhiên, quá trình này không hề dễ dàng và đôi khi vấp phải những cản trở từ trong nội tại đất nước. Ví dụ, Chính phủ đã thất bại trong việc tiến hành cải cách chính sách thu hồi đất đai hay không thể thuyết phục được nông dân về các dự luật cải cách ngành nông nghiệp và buộc phải bãi bỏ chúng. Vậy đâu là cơ sở để có thể tin rằng trong nhiệm kỳ 3 của Thủ tướng Modi, Ấn Độ có thể đẩy các cải cách đi tới tận cùng?
Một khảo sát do hãng tin Reuters tiến hành, tham khảo ý kiến của các quan chức, đại diện nhà đầu tư lớn, các nhà kinh tế và giới công đoàn đã xác định 3 trở ngại đáng kể đang cản trở Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Đó là luật lao động hạn chế, các vấn đề về thu hồi đất và chế độ thuế quan kém hiệu quả. Việc giải quyết 3 vấn đề này có thể sẽ là chìa khóa để tối ưu hóa các lợi thế của Ấn Độ trong lĩnh vực kinh tế.
Nguồn: Vnexpress; Báo Tin Tức; CafeF; Soha; VOV
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá