Hồi ức sau hơn 30 năm; Đừng so sánh; Có một bài thơ

HỒI ỨC SAU HƠN 30 NĂM…

Bình Giang là tên nàng. Âm gọi vang làm cho người ta có cảm giác ổn an như đứng trước một dòng sông đêm mùa Thu...

Vậy nhưng không phải vậy. Theo trào lưu và cũng bởi vì nhà nghèo thuở những thập niên 80 hơn ba mươi năm trước nàng đi "đổi đời " ở đất nước xa lạ này, mà khi nói đến ai cũng trầm trồ thán phục: Đi xuất khẩu lao động sang Cộng Hoà Dân Chủ Đức.

Khi mới đặt chân đến cái gì cũng lạ, mới mẻ

Giữa tháng Bẩy nhưng lạnh và mệt mỏi vô cùng. Sau hơn mười mấy tiếng bay rời quê hương cả nhóm đã được đón về thành phố Karl Marx Stadt (Chemnitz bây giờ). Toàn nữ thuộc QĐND VN bổ sung cho một đội nam trước đó về một liên hiệp bông sợi chỉ.

Mới, nên phải đi học tiếng sáu tháng. Có những chuyện cười ra nước mắt... Có một người cùng đội khi tụ hội nhau kể: Lúc mới sang đi vệ sinh thấy cái bồn cầu, đặt cả hai chân lên ngồi, đang phiêu nhìn ngó quanh trầm trồ... Đúng ở tây hiện đại và chu đáo thật, trang bị cả cái chà lưng cho tắm. Sau mới ngã ngửa ra khi biết đấy là cái chổi cọ rửa sau khi vệ sinh. Chuyện như đùa. Cũng khổ, ở sân ga người ta đứng ôm nhau hôn, lại bĩu môi bảo thật lố bịch...

Đi một ngày đàng học một sàng khôn, các cụ ở quê nói chẳng sai.

Tất cả đều phải học... Từ những điều nhỏ nhặt nhất. Đi phải nhấc chân không lê loẹt quẹt. Không nói to cười lớn. Không co chân lên ghế. Ăn không nhai chóp chép, không xỉa răng như hồi còn "ở nhà"... Mới đầu chưa hiểu hết cũng có vị bảo thủ nói “Trời đánh tránh ...”. Không biết đó là những chuyện nhỏ nhưng không nhỏ ở nơi này. Bởi hầu hết đoàn của nàng đi từ quân đội... Có cái đã từng trải, có cái chưa mục sở thị bao giờ.

Quay lại nàng Bình Giang

Nàng mới lớn nên hơi ngơ ngác như con thỏ non" nơi đất khách quê người. Rời ghế nhà trường hưởng diện con cháu tiêu chuẩn trong quân đội. Vào dạng ít tuổi theo đội ngũ các bậc tiền bối đi làm thuê nước người, gọi mỹ miều là “đi xuất khẩu lao động”.

Được cái học gì cũng nhanh... Nhất là khoản cặp bồ và tăm hàng. Thời đó mua được vài chục bánh xà phòng Bông Hồng, vài chục lọ kem đánh răng là sung sướng lắm, nào dám khoe. Chúng nó mà biết ra cửa hàng mua vét hết. Tiêu chuẩn ba tháng được gửi một thùng hàng về quê hương, nên cứ thắt lưng buộc bụng dù thèm đủ thứ và cũng đủ thứ ăn chưa quen ví như món gạo nấu sần sật trộn sữa với quế, món phomai mùi như “đậu hũ thối” của xứ tàu ...

Sau khi tan ca, chỗ nàng làm là nhà máy chỉ khâu Oederan được chia làm ba ca sáng, chiều, đêm. Lại tất tưởi vội vàng lên tầu hoặc xe buýt đi tăm hàng... Bởi quá vất vả khó khăn nên mới nẩy ra phong trào cặp bồ... Lập tức xuất hiện dạng “góp gạo thổi cơm chung”. Bất chấp tất cả (nó na ná như một loại bệnh truyền nhiễm vậy, hầu như toàn thể những người đi hợp tác lao động, sau này mới biết không chỉ ở nước này mà ở tất cả các nước XHCN cũ. Dù nhiều người đã có gia đình trước khi đi, “nhà dột” ).

Gạt bỏ và tự trấn an lòng tự tôn của bản thân. Mục đích vẫn là mua được những đồ cần gửi về nhà giải quyết cái khổ sở cơ cực của cả một đoạn đời bao cấp, chiến tranh nghèo khó của gia đình mình.

Đàn ông đi tăm hàng về chia đôi, đàn bà cơm nước giặt giũ... Cuối tuần lại như “tuần trăng mật”. Căn phòng tập thể thường ba đến bốn giường cá nhân lập tức được căng che như kiểu “ ri đô” ở trong nước thuở xưa...

Hơi chút ngậm ngùi bởi Bình Giang thấy vẩn vơ buồn, đúng như người ta nói thời đó: “Vợ hay chồng đi tây giống như chiếc xe đạp để ở Bờ Hồ không khoá...”.

May mắn Bình Giang có một “cây si” cũng đi xuất khẩu lao động theo diện con em như nàng. Chàng cho từ A đến Z (hắn là một nửa của nàng bây giờ), không phải kiểu “già nhân ngãi non vợ chồng”.

Sau này khi trở về thăm quê hương kể chẳng mấy ai ở “chùm khế ngọt” tin... Thư đến thư đi của ai người ấy đọc. Cấm xâm phạm và không tham gia chuyện ở nhà của nhau.

Sau bao nhiêu năm đã ổn an định cư khi bức tường Belin sụp đổ. Ngẫm lại thấy xót xa... Đã bao nhiêu gia đình tan đàn sẻ nghé. Hoặc họ thấu hiểu được và chấp nhận quên mọi chuyện đau cũ để sang đoàn tụ gia đình.

Bây giờ đã ba mươi năm trôi đi, nàng Bình Giang đã an ổn với “cây si” thỉnh thoảng gặp lại các vị "tiền bối " xưa ôn những chuyện về năm tháng cũ ai cũng đôi chút ngậm ngùi buồn...

Đời là vậy. Mấy ai tránh được cám dỗ khi từ một nơi khổ nghèo đến đất nước này? Vạn vật đổi thay... Hôm nay người từng ở cùng nàng Bình Giang viết đôi dòng nhớ lại.

Nguồn: FB Hang Nguyen - Plauen

ĐỪNG SO SÁNH...

Thôi em ạ, mình hãy ngừng so sánh

Ai hơn ai nào có nghĩa lý gì

Đó chính là nguồn gốc của sân si

Rồi thất vọng, lại nghĩ suy phiền muộn.

Xinh đẹp, giỏi giang nào ai mà không muốn

Giàu có, chức quyền có ai nỡ nào chê

Xã hội phân công mỗi người mỗi một nghề

Ai cũng có việc mà mình phù hợp.

Đừng vội thấy người ta giàu mà ngợp

Cơ ngơi kia đâu phải dễ mà thành

Em hãy nhìn mọi thứ ở xung quanh

Càng rực rỡ càng mong manh dễ vỡ.

Đừng chế giễu những người duyên dang dở

Đâu phải do lỗi ăn ở mà thành

Có những người lỡ cả tuổi xuân xanh

Đều do họ cả tin vào lời hứa.

Đừng so sánh giữa mình và ai nữa

Ai cũng mang ưu, nhược điểm riêng mình

Hãy mỉm cười và sống thật lung linh

Bằng lòng với những gì mình đang có.

Vạn vật sinh sôi, cỏ sống đời của cỏ

Cây phận cây, lá cũng có phận mình

Hà cớ gì phải so sánh, chứng minh

Cao hay thấp phải chi là tội lỗi.

Đừng so sánh mà trở nên sống vội

Rồi không may đắc tội với người đời

Đời của mình hãy sống thật thảnh thơi

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến...!

Nguồn: FB An nhiên giữa dòng đời. Tác giả Minh Hồng

CÓ MỘT BÀI THƠ

Có một bài thơ em viết cho anh.

Giữa đêm về bàng hoàng tỉnh thức.

Dấu nỗi buồn sâu vào đáy mắt.

Bài thơ không gửi nào dám tỏ lời...

Hồn chơi vơi nơi chốn biển khơi.

Chẳng kim chỉ nam em lạc lối.

Có một bài thơ đọc lên rất tội.

Mơ ước ngày lành ta sẽ gặp nhau.

Biển ầm ào bão vần vũ trên đầu.

Em ngập sâu vào lòng biển cả.

Nước mặn chát sao cứ tuôn lã chã.

Giữa trùng dương chẳng thể cặp bến bờ.

Có một bài thơ viết trong nỗi khắc khoải đợi chờ.

Giữa đêm và ngày sao lạc lối...?

Bài thơ viết xong nào đâu dám gửi.

Đọc cho mình nghe nước mắt ngậm ngùi rơi...

Nguồn: FB Lan Lam Long. Tác giả Thu Hằng

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang