EU: Nhượng bộ nông dân; Gặp khó vì lạm phát; Buộc Mỹ giải ngân 60 tỷ đô; Hiệp ước công nghiệp xanh; Anh sẵn sàng đối đầu Nga

Trước “điềm báo” về thách thức lớn tiếp theo, EU nhượng bộ nông dân

Ở châu Âu, nông dân là một lực lượng chính trị hùng mạnh, đủ để khiên cơ quan điều hành EU phải lùi lại một bước.

Ủy ban châu Âu (EC) vừa từ bỏ đề xuất về hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, một động thái thể hiện sự nhượng bộ của EU trước nông dân sau nhiều tuần biểu tình khiến nhiều thủ đô và huyết mạch kinh tế trên toàn khối 27 quốc gia bị tắc nghẽn.

Mặc dù đề xuất này đã bị đình trệ trong các tổ chức EU trong 2 năm qua, nhưng việc EC quyết định lùi lại một bước như vậy là dấu hiệu mới nhất cho thấy khối này sẵn sàng hy sinh các ưu tiên về môi trường để đảm bảo sự ủng hộ từ phía các cộng đồng nông nghiệp trên “lục địa già”.

Vấn đề thuốc trừ sâu chỉ là một trong một danh sách dài những bất bình đã thúc đẩy phong trào biểu tình rầm rộ của nông dân EU. Trong những tuần gần đây họ đã sử dụng máy kéo chặn các tuyến đường trọng điểm để phàn nàn về tình trạng thu nhập giảm trong khi chi phí sản xuất tăng cao.

Các cuộc biểu tình của nông dân ở châu Âu cũng đã chứng tỏ đó là “điềm báo” về thách thức chính trị lớn tiếp theo trong hành động vì khí hậu toàn cầu: Làm thế nào để trồng lương thực mà không gây tổn hại thêm đến khí hậu và đa dạng sinh học của Trái đất.

Xoa dịu làn sóng biểu tình

“Đề xuất về hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu đã trở thành biểu tượng của sự phân cực. Để tiến về phía trước, cần có nhiều đối thoại hơn và một cách tiếp cận khác”, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói với Nghị viện châu Âu (EP) tại Strasbourg, Pháp hôm 6/2.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng trong quá trình này, người nông dân vẫn là người cầm lái. Chỉ khi chúng ta cùng nhau đạt được các mục tiêu về khí hậu và môi trường thì nông dân mới có thể tiếp tục sinh kế”, bà Von der Leyen khẳng định.

Hiện chưa rõ khi nào các đề xuất mới sẽ được soạn thảo. Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu dự kiến diễn ra vào tháng 6, và hoàn cảnh khó khăn của nông dân đã trở thành tâm điểm của các chiến dịch tranh cử, thậm chí còn gạt vấn đề khí hậu sang một bên trong những tuần qua.

Theo Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal), EU đã đặt mục tiêu cắt giảm 50% tổng lượng sử dụng thuốc trừ sâu và các chất độc hại khác vào năm 2030. Đề xuất này đã bị chỉ trích bởi các nhà hoạt động môi trường vì cho rằng nó sẽ không đủ để đạt được các mục tiêu bền vững. Nó cũng vấp phải sự phản đối của các cộng đồng nông nghiệp vì nó được cho là bất khả thi và đe dọa làm mất đi sinh kế của nông dân.

Quyết định gác lại đề xuất về thuốc trừ sâu là động thái mới nhất của EU nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình của nông dân trên khắp lục địa, vốn đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của hàng chục triệu công dân EU và khiến các doanh nghiệp thiệt hại hàng chục triệu Euro do những chậm trễ về vận tải.

Nhiều chính trị gia, đặc biệt là cánh hữu, đã hoan nghênh tác động của các cuộc biểu tình. Ví dụ, Bộ trưởng Giao thông cánh hữu của Italy Matteo Salvini từng nói: “Những người nông dân có máy kéo đang buộc châu Âu phải rút lại những điều vô nghĩa do các công ty đa quốc gia và cánh tả áp đặt”.

Tuần trước, bà von der Leyen đã công bố kế hoạch bảo vệ nông dân EU khỏi các sản phẩm có giá rẻ hơn đến từ Ukraine và cho phép nông dân sử dụng một số đất mà họ bị yêu cầu bỏ hoang vì lý do môi trường.

Tại Pháp, nơi các cuộc biểu tình của máy kéo đã đạt quy mô lớn, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã hứa hỗ trợ tài chính bổ sung hơn 400 triệu Euro (436 triệu USD).

EC sẽ công bố thêm các biện pháp về cách đạt được các mục tiêu nghiêm ngặt nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Các nhà môi trường lo ngại có thể sẽ có nhiều nhượng bộ hơn trong bối cảnh biểu tình vẫn tiếp diễn trên khắp châu Âu.

Giữ gìn “bản sắc châu Âu”

Kể từ đầu ngày 6/2, nông dân trên khắp Tây Ban Nha đã tổ chức các cuộc biểu tình bằng máy kéo, chặn đường cao tốc và gây ùn tắc giao thông để yêu cầu những thay đổi về chính sách và ngân quỹ của EU cũng như các biện pháp nhằm chống lại việc tăng chi phí sản xuất.

Các cuộc biểu tình diễn ra khi Bộ Nông nghiệp Tây Ban Nha công bố khoản viện trợ 270 triệu Euro (290 triệu USD) cho 140.000 nông dân để giải quyết tình trạng hạn hán và các vấn đề do xung đột Nga-Ukraine gây ra.

Nông dân Bulgaria đã “tiếp lửa” cho các cuộc biểu tình của họ bằng cách di chuyển các phương tiện nông nghiệp hạng nặng từ đồng ruộng đến các đường cao tốc chính và cửa khẩu biên giới, làm tê liệt giao thông và làm tăng thêm khó khăn kinh tế của quốc gia Đông Nam Âu.

Động thái này diễn ra sau khi nông dân từ chối chấp nhận đề xuất hỗ trợ của Chính phủ Bulgaria, cho rằng số tiền đó không đủ để bù đắp cho họ những tổn thất do cuộc chiến ở Ukraine, chi phí sản xuất cao hơn, điều kiện khí hậu và các yêu cầu của Thỏa thuận Xanh châu Âu.

Vào tối ngày 5/2, nông dân ở Hà Lan đã chặn một số con đường và đường cao tốc bằng máy kéo của họ, đốt cỏ khô và lốp xe. Cảnh sát ở tỉnh nông thôn Gelderland cho biết họ đã hành động để xử lý những người nông dân cố tình chặn đường, nhưng chưa có báo cáo ngay lập tức về vụ bắt giữ nào.

Ngoài ra, trong những tuần gần đây, nông dân cũng đã biểu tình ở Pháp, Ba Lan, Hy Lạp, Ireland, Đức và Litva.

Nông dân các nước EU cho rằng họ đang chịu áp lực từ nhiều phía, bao gồm chi phí nhiên liệu cao, các quy định khắt khe của Thỏa thuận Xanh, sự cạnh tranh không công bằng từ các nhà sản xuất nông nghiệp ở những quốc gia có ít hạn chế về môi trường hơn.

Nông nghiệp chiếm 30% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhưng EU không thể đáp ứng các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng được quy định trong luật mà không thực hiện những thay đổi mạnh mẽ đối với hệ thống nông nghiệp của mình, bao gồm cả cách nông dân sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và phân bón, cũng như ngành chăn nuôi rộng lớn của khối này.

Nó cũng quan trọng về mặt chính trị. Việc thay đổi tập quán canh tác ở châu Âu đang tỏ ra vô cùng khó khăn, đặc biệt khi cuộc bầu cử quốc hội đang đến gần vào tháng 6. Nông dân là một lực lượng chính trị hùng mạnh, lương thực và nông nghiệp là những dấu ấn mạnh mẽ về “bản sắc châu Âu”.

Nông nghiệp chỉ chiếm hơn 1% nền kinh tế châu Âu và sử dụng 4% dân số. Nhưng nó nhận được 1/3 ngân sách của EU, chủ yếu dưới dạng trợ cấp

Nông châu châu Âu gặp khó vì giá sản phẩm đắt hơn hàng nhập

Nông châu châu Âu gặp khó vì giá sản phẩm đắt hơn hàng nhập trong khi đối diện lạm phát, lãi suất cao và giá năng lượng biến động.

Tài xế xe tải Jeremy Donf muốn hỗ trợ giới nông dân Pháp đang gặp khó khăn. Nhưng giống như nhiều người tiêu dùng khác, mua thực phẩm sản xuất nội địa đối với anh không phải lúc nào cũng là ưu tiên.

Tại siêu thị ngoại ô Paris, những quả chanh mà Jeremy Donf mua được trồng tại Tây Ban Nha. Tương tự, hầu hết nông sản khác cũng là hàng nhập khẩu. Còn khi thực phẩm Pháp có trên kệ không phải ai cũng đủ khả năng mua. Trong một ngôi chợ ở Paris tuần này, quả clementine từ Morocco và nấm từ Ba Lan có giá khoảng một nửa so với hàng nội địa.

Những ngày gần đây, các cuộc biểu tình của nông dân nổ ra khắp châu Âu, phản ánh tình trạng lực lượng này đang gặp khó khăn bởi nhiều vấn đề bao gồm lạm phát dai dẳng, lãi suất cao và giá năng lượng biến động.

"Chúng tôi hiểu sự tức giận của họ vì chúng tôi đánh giá cao nông dân. Chúng ta sẽ làm gì nếu họ không có ở đây? Chúng ta sẽ không có thực phẩm. Những cuộc biểu tình như vậy là quan trọng," Donf nói.

Giá lúa mì, ngô và các loại ngũ cốc khác - ngoại trừ gạo - đang thấp hơn so với trước xung đột Ukraine. Vì thế, thu nhập của nông dân châu Âu co lại trong khi họ đang đối mặt với giá năng lượng biến động.

Joseph Glauber, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, nói nông dân châu Âu đặc biệt khó khăn vì mất nguồn khí đốt giá rẻ của Nga và gián đoạn thương mại ở Biển Đỏ.

Biển Đỏ là tuyến đường thương mại quan trọng giữa châu Á và châu Âu. Vì vậy nông dân EU, Ukraine và Nga hiện đối mặt với tác động của việc các hãng vận tải đổi lộ trình vận chuyển xa hơn vòng qua cực nam châu Phi. "Người sản xuất sẽ gánh chi phí vận tải tăng thêm này", Glauber, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.

Không những vậy, lãi suất cao khiến việc vay vốn để mua thiết bị nông nghiệp và các nhu yếu phẩm khác trở nên đắt đỏ hơn. Nông dân châu Âu cũng chịu các quy định về khí hậu có thể làm tăng chi phí. Đây là điều mà các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ và các nơi khác không gặp phải.

Và quan trọng nhất, hàng ngoại giá rẻ chính là điều nông dân khắp châu Âu bất bình nhất. Điều này xuất phát từ việc lạm phát thực phẩm tại châu Âu đã giảm bớt khi các nền kinh tế chậm lại. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn có thói quen so sánh giá cả hiện tại với hai năm trước và cảm thấy thực phẩm rất đắt, theo Glauber, cựu Kinh tế trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ. Do đó, không có gì lạ khi họ ưu tiên chọn mặt hàng giá phải chăng hơn, thường là thực phẩm nhập khẩu.

Ở Pháp, trung tâm thương mại Rungis - chợ thực phẩm lớn nhất châu Âu là nơi hứng chịu phẫn nộ hàng đầu của làng sóng biểu tình. Bởi lẽ, Rungis cung cấp thực phẩm cho nhiều nhà hàng và siêu thị ở Paris nhưng cũng được coi là biểu tượng của chuỗi thực phẩm toàn cầu hóa.

Một nhóm nông dân từ vùng nông thôn phía Tây Nam Pháp đã cắm trại với máy kéo bên ngoài cổng chợ Rungis trong tuần này. Sau đó, họ vượt qua hàng rào xe bọc thép bảo vệ chợ, dẫn đến 91 vụ bắt giữ.

Jean-Baptiste Chemin, một nông dân trồng ngũ cốc và cây ăn trái, đã lái chiếc máy kéo của mình từ vùng Lot-et-Garonne miền nam nước Pháp đến chợ Rungis. Anh chọn địa điểm này để biểu tình vì nó mang tính biểu tượng cao. Gần chợ, một tấm bảng ghi dòng chữ "Chúng tôi đang nuôi dưỡng bạn và chúng tôi đang hấp hối".

Các cuộc biểu tình của nông dân đã thu hút sự ủng hộ rộng rãi của công chúng ở Pháp như Donf. Anh sống ở vùng ngoại ô Boussy-Saint-Antoine của Paris nhưng đến từ đảo Reunion thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương, nơi nông nghiệp rất quan trọng và nhiều người mua hàng trực tiếp từ nông dân địa phương.

Tại một chợ nông sản tuần này, một số khách hàng đã chọn thịt và rau Pháp đắt tiền hơn so với hàng nhập khẩu, một phần là do chứng kiến các cuộc biểu tình. Patrick Jobard, một người về hưu biết rõ rằng không dễ để một số người chi nhiều tiền hơn cho thực phẩm. "Nhưng vì lương hưu cho phép nên tôi quyết định ưu tiên các sản phẩm chất lượng cao của Pháp", ông nói.

Các chính phủ bao gồm Pháp, Tây Ban Nha và Hy Lạp những ngày gần đây đã đồng ý bơm hàng trăm triệu euro vào lĩnh vực nông nghiệp để xoa dịu những người biểu tình. EU cũng đưa ra những nhượng bộ cho nông dân trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6.

EU gây áp lực buộc Mỹ phải giải ngân 60 tỷ USD cho Ukraine

Ngày 6/2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu - Charles Michel đã đưa ra lời kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ giải phóng hàng chục tỷ USD mà đảng Cộng hòa đang nắm giữ trong bối cảnh ông Trump đang ngày càng nổi bật trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay.

Ông Charles Michel kêu gọi Hạ viện Hoa Kỳ giải ngân 60 tỷ USD (56 tỷ euro) cần thiết để đảm bảo sự ổn định tài chính của Ukraine. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington dự luật của Mỹ, nếu được thông qua, phần lớn sẽ thuộc về các công ty Mỹ, quân đội Mỹ và đồng minh.

Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông Michel cũng được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu đồng ý gói 50 tỷ euro cho Ukraine, bao gồm 33 tỷ euro cho các khoản vay và 17 tỷ euro tiền tài trợ từ ngân sách EU để cũng cấp một nguồn tài chính ổn định cho Ukraine – một khoản tiền chiếm chưa đến 0,08% GDP hàng năm của EU.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết một phần số tiền sẽ được dùng để tái thiết đất nước sau khi cuộc xung đột kết thúc. Các khoản thanh toán ban đầu có thể đã bắt đầu vào tháng 3, hiện đang chờ phê duyệt các bước cuối cùng.

Theo các nguồn tin, các nhà lãnh đạo EU có thể sẽ tiếp tục đưa ra cách tiếp cận mới đối với việc cung cấp viện trợ cho Kiev. Vấn đề này sẽ được EU thảo luận trong hội nghị sắp tới về cách triển khai và đánh giá hiệu quả các khoản viện trợ từ khối này cho Ukraine.

EC đề xuất xây dựng “Hiệp ước công nghiệp Xanh”

Trong bản lộ trình hướng đến mức trung hoà CO2 vào năm 2050 công bố ngày 06/2, EC đã đưa ra các khuyến nghị mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến đề xuất cần xây dựng một “Hiệp ước công nghiệp Xanh” của châu Âu.

Uỷ ban châu Âu (EC) hôm qua (06/2) đã công bố bản lộ trình mới hướng đến mức trung hoà CO2 vào năm 2050, trong đó nhấn mạnh đến đề xuất xây dựng “Hiệp ước công nghiệp Xanh” của châu Âu nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và nhất là hướng tới tham vọng cắt giảm 90% khí thải vào năm 2040 so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong bản lộ trình hướng đến mức trung hoà CO2 vào năm 2050 công bố ngày 06/2, EC đã đưa ra các khuyến nghị mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến đề xuất cần xây dựng một “Hiệp ước công nghiệp Xanh” của châu Âu.

Về nội dung, “Hiệp ước công nghiệp Xanh” của châu Âu sẽ định ra các chế tài cụ thể, giải quyết vấn đến chuỗi cung ứng, nguồn tài chính và trên hết là khả năng thúc đẩy, tiếp cận các nguồn năng lượng phi CO2 đầy đủ và có giá cả phải chăng như năng lượng tái tạo, năng lượng hydro hay năng lượng hạt nhân dân sự thông qua việc tăng cường sử dụng các lò phản ứng mô-đun nhỏ trong tương lai.

Về lộ trình, EC cho rằng sản xuất điện tại EU sẽ phải gần như phi các-bon hoá vào năm 2030, trong khi mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch cho sản xuất năng lượng cần giảm 80% vào năm 2040. Đối với lĩnh vực giao thông, các khuyến cáo cũng nhấn mạnh tích hợp các giải pháp công nghệ với việc ấn định giá CO2.

Về tổng thể, EC nhấn mạnh tiếp tục duy trì các chính sách khí hậu hiện nay để đạt mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí phát thải CO2 tại châu Âu năm 2030 so với thời kỳ tiền công nghiệp, hướng tới tham vọng nâng tỷ lệ này lên 90% vào năm 2040 và coi đây là giai đoạn then chốt để có thể hướng tới đích cuối cùng là trung hoà khí phát thải vào năm 2050.

Uỷ viên châu Âu phụ trách Hành động khí hậu, ông Wopke Hoekstra cho biết: “Trên cơ sở những dữ liệu khoa học tốt nhất hiện nay cùng một nghiên cứu báo cáo tác động chi tiết, chúng tôi đưa ra khuyến nghị đặt mục tiêu năm 2040 sẽ cắt giảm được 90% lượng khí phát thải nhà kính”.

Để đạt được các mục tiêu khí hậu, EC ước tính trong giai đoạn 2031-2050, mỗi năm sẽ cần những con số đầu tư khổng lồ với khoảng 660 tỷ euro cho lĩnh vực năng lượng và 879 tỷ euro cho giao thông.

EC cũng thừa nhận thách thức lớn hiện nay là thuyết phục cả các nhà công nghiệp và người dân tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu khí hậu. Sau cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6/2024, EC khoá mới sẽ cần luật hoá các nội dung trên để đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng và khả năng cạnh tranh của nền công nghiệp châu Âu.

Theo các nhà phân tích địa bàn, các khuyến nghị trong lộ trình khí hậu mới của EC đã “cố tình” bỏ qua một số vấn đề then chốt như thời điểm dừng sử dụng nhiên liệu hoá thạch hay mức cắt giảm khí thải CO2 trong lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh các cuộc biểu tình của nông dân châu Âu hay làn sóng phản đối các quy định về khí hậu siết chặt và chồng chéo ngày càng gia tăng.

Anh "lên dây cót" sẵn sàng, chuẩn bị kịch bản xung đột với Nga

Quan chức Anh nhấn mạnh sự sẵn sàng phòng vệ trước các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga trước tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng.

Trong cuộc phỏng vấn với Sky News tuần này, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố Anh đã chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng xảy ra xung đột với Nga.

Khi được hỏi liệu Anh có sẵn sàng phòng vệ nếu bị Nga tấn công hay không, Thủ tướng Sunak trả lời: "Có".

"Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của tôi là đảm bảo an toàn cho mọi người. Thật không may, thế giới đang trở nên ít an toàn hơn. Chúng ta có thể thấy điều đó rõ ràng với tình hình ở Nga và Ukraine. Nhưng gần đây nhất, chúng ta đã thấy điều đó ở Biển Đỏ", ông Sunak nói thêm.

Ông Sunak nhắc lại rằng với tư cách là Bộ trưởng Tài chính Anh (2020-2022), ông đã tăng ngân sách cho Bộ Quốc phòng lên mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, và các lực lượng vũ trang phải quyết định cách phân bổ khoản tiền này cho hoạt động phòng vệ.

"Tôi cho rằng chúng ta được bảo vệ tốt và đầu tư tốt. Chúng ta là quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai trong NATO. Chúng ta đã duy trì điều đó trong một thập niên. Có thể thấy từ những gì chúng ta đã làm ở Ukraine, chúng ta sẽ đứng lên vì những điều mà chúng ta tin tưởng. Chúng ta sẽ không để hành vi gây hấn diễn ra mà không bị kiểm soát và trừng phạt", nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh.

Trước đó, các thành viên Quốc hội Anh đã trình bày một báo cáo, trong đó cảnh báo lực lượng vũ trang Anh chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh cường độ cao trong thời kỳ bất ổn toàn cầu gia tăng.

Các vấn đề liên quan đến việc tuyển quân và giữ chân quân nhân được nhấn mạnh. Điều này đặt ra câu hỏi về mức độ sẵn sàng của lực lượng vũ trang Anh trong việc phòng vệ hiệu quả.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh, tướng Patrick Sanders, ngày 24/1 nói rằng Anh phải khẩn trương mở rộng quy mô quân đội lên khoảng 120.000 quân trong vòng 3 năm, gần như tăng gấp đôi so với lực lượng chưa đầy 76.000 quân hiện tại.

Nhưng theo tướng Sanders, điều này "vẫn chưa đủ". Ông nói thêm rằng Anh phải bắt đầu chương trình huấn luyện và trang bị cho "quân đội nhân dân" có thể được kích hoạt trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến với Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cũng cho biết nước này phải chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện với Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên, đồng thời nói rằng chi tiêu quân sự sẽ tăng vượt mục tiêu hiện tại là 2,5% GDP để đối phó các "mối đe dọa hiện hữu" này.

Gần đây quân đội của nhiều quốc gia NATO đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ xung đột với Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng Nga có thể tấn công một quốc gia NATO trong 5-8 năm tới. Báo Bild của Đức cũng trích dẫn một tài liệu mật cho biết, Đức đang chuẩn bị cho một kịch bản xung đột, trong đó Nga tiến hành một "cuộc tấn công mở" vào NATO vào giữa năm 2025, sau những thắng lợi lớn ở Ukraine.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Na Uy Bjorn Arild Gram kêu gọi nước này sẵn sàng cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Nga ngay cả sau khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về các mối đe dọa quân sự tiềm tàng, bao gồm khả năng Nga tấn công Ba Lan.

Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer, cũng cảnh báo người dân phải chuẩn bị cho cuộc chiến tổng lực với Nga trong 20 năm tới. Trong khi đó, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Đức cũng dự đoán vào tháng 11 năm ngoái rằng NATO nên chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn với Nga trong vòng 5-9 năm tới.

Nguồn: Người Đưa Tin; Việt Times; Soha; VOV; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang