Điểm nóng: Đòi trục xuất gia đình ông Phạm Phi Sơn – Tòa án đình chỉ thủ tục tố tụng hình sự; Sở Ngoại Kiều tiếp tục xem xét

(Ông Phạm Phi Sơn và Luật sư Jenny Fleischer trên sóng truyền hình kênh ProSieben).

Tòa án đình chỉ thủ tục tố tụng hình sự

Vụ đòi trục xuất gia đình ông Phạm Phi Sơn vừa trải qua một bước sóng gió tiếp theo. Sáng thứ 2 vừa qua, ông bị triệu tập ra tòa địa phương Amtsgericht Chemnitz với cáo buộc tội hình sự nhập cư và cư trú bất hợp pháp.

Tội danh cáo buộc trên bị luật sư bác bỏ bằng những bằng chứng rõ ràng, nhập cư và cư trú đều công khai với chính quyền: Tháng 01.2016 ông về Việt Nam cưới vợ. Tới tháng 6.2016 thì ông phải nằm viện điều trị do vết thương thời chiến tranh tái phát. Nắm được luật Đức quy định thời hạn được phép xuất cảnh cư trú ở nước ngoài, nên ông gọi điện lên Đại sứ quán Đức tại Hà Nội xin gia hạn và thỏa thuận lịch hẹn. Đại sứ quán giải thích miệng những người cư trú ở Đức đã 15 năm thì được miễn áp dụng. Tháng 9.2016 ông sang Đức mang theo cả hồ sơ bệnh án nằm viện 5 tháng phòng chừng, và khi qua cửa khẩu nhập cảnh vào Đức không hề bị hỏi han gì. Tháng 12.2016, vợ ông cùng con sang Đức theo thị thực thăm thân được phép 3 tháng. Tiếp đó ông đệ đơn gia hạn được thêm 3 tháng. Tháng 5.2017, ông đệ đơn lên Sở Ngoại kiều xin cấp giấy phép cư trú cho vợ diện ăn theo chồng và nhập quốc tịch Đức cho con theo diện bố định cư ở Đức. Được Sở Ngoại kiều tiếp nhận xử lí hồ sơ theo đúng trình tự. Nhưng khi 2 bên thống nhất lịch hẹn cho lần gặp tới để lấy kết quả, thì trưởng phòng phụ trách xem kĩ lại hộ chiếu ông Phạm Phi Sơn ở trang thị thực, phát hiện dấu thị thực nhập cảnh so với thị thực xuất cảnh ở Đức bị quá thời hạn 6 tháng. Sở Ngoại kiều lập tức thu hồi giấy phép định cư chờ xem xét.

Chánh án chủ tọa phiên tòa, thừa nhận với hành vi diễn tiến như trên là không thể bị phạt hình sự. Do đó, Tòa quyết định đình chỉ thủ tục tố tụng với điều kiện bị cáo phải đóng một khoản tiền để được đình chỉ vụ án tiếng Đức gọi là Geldauflage ở mức 300 euro.

Đây không phải là tiền phạt Geldbuße dùng để ấn định cho những bị cáo vi phạm tội hình sự ở mức phạt tiền. Cũng vì vậy, người đóng tiền Geldauglage không bị ghi vào lí lịch tư pháp có tiền án, trong khi người bị phạt tiền Geldbuße bị ghi vào lí lịch tư pháp. Mức phạt tiền Geldbuße được tính theo thu nhập tiền lương của số ngày bị phạt. Geldauflage do chánh án tự cân nhắc. Tiền thu được từ Geldauflage được phân bổ cho các hội đoàn từ thiện. Còn Geldbuße được coi là thu ngân sách. (Khái niệm Geldauflage không có ở Việt Nam).

Paula Moser thuộc Hiệp hội ủng hộ người tị nạn tiểu bang Sachsen phát biểu với báo giới: Sau khi tòa xét thấy việc xét xử ông Phạm Phi Sơn là không phù hợp theo luật hình sự, câu hỏi đặt ra là liệu việc rút giấy phép cư trú của ông Phạm Phi Sơn có đúng không?

Luật sư Jenny Fleischer bảo vệ cho thân chủ Phạm Phi Sơn, nhấn mạnh: Tòa án tin vào hoàn cảnh chuyến đi Việt Nam của ông Phạm Phi Sơn đã gây ra sự cố đó. Đặc biệt thời gian ông ở lại đó lâu như vậy không phải do lỗi cố tình của ông ấy. Luật sư hy vọng mọi vấn đề giải quyết tiếp theo với ông Phạm Phi Sơn, các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan nhập cư ở Chemnitz cũng bằng cách nhìn vào bản chất của vụ việc như vậy.

Sở Ngoại kiều Chemniz đưa ra những điều kiện lao động và hòa nhập

Sau phiên tòa, vào buổi chiều, luật sư Jenny Fleischer cùng ông Phạm Phi Sơn đã gặp Sở Ngoại kiều Chemnitz theo lịch hẹn, nơi sẽ quyết định đơn ông Phạm Phi Sơn xin quyền ở lại theo chính sách nhân đạo. Sở Ngoại kiều cho biết sẽ gia hạn giấy phép cư trú tạm dung (Duldung) cho các thành viên gia đình đến tháng Năm. Đến lúc đó, cả ba thành viên trong gia đình phải xuất trình bằng chứng về trình độ ngôn ngữ. Luật sư Jenny Fleischer đã liên hệ khóa học và sẽ giúp đỡ cho gia đình ông Phạm Phi Sơn hoàn thành chương trình học tập theo đòi hỏi của Sở Ngoại kiều.

Vợ chồng ông Phạm Phi Sơn hiện đang làm việc trong một cơ sở kinh doanh ăn uống Được Sở Ngoại kiều yêu cầu tới tháng năm phải có hợp đồng lao động lâu dài. Hiện cả hai vợ chồng chỉ mới ở giai đoạn thử việc vì Sở Ngoại kiều mới cấp cho họ giấy phép lao động vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, chủ sơ sở kinh doanh đã xác nhận rất hài lòng với hiệu quả công việc của hai vợ chồng. Họ là những lao động đáng tin cậy rất khó tìm thấy trên thị trường lao động vốn đang thiếu lao động chuyên ngành hiện nay.

Ông Phạm Phi Sơn được mời tham gia sự kiện ở Berlin

Báo taz đã mời ông Phạm Phi Sơn tham gia một sự kiện về chủ đề hòa nhập ở Berlin vào tuần tới. Ông Sơn sẵn sàng tham gia, tuy nhiên với giấy phép tạm dung Duldung hiện nay, ông chỉ được phép di chuyển trong phạm vi tiểu bang. Do đó, taz đã đệ đơn xin giấy phép của Sở Ngoại kiều cấp cho ông Phạm Phi Sơn tới Berlin. Quyết định vẫn đang chờ xử lý.

Đức Việt Online


Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang