Cưỡng ép người Indonesia lừa đảo; Cô gái bị 'tắm sơn đỏ'; Vụ 'golfer đánh bạc'; Mua bán thận xuyên quốc gia; Lừa bán thuốc

30 người Indonesia bị cưỡng ép sang Việt Nam giả làm cảnh sát đi lừa đảo

(Ảnh minh họa).

Chiều 24/3, Công an TP.HCM tổ chức họp báo về vụ khởi tố 3 người Malaysia liên quan đến việc tổ chức cho 30 người Indonesia ở lại Việt Nam trái phép, cưỡng ép họ thực hiện hành vi lừa đảo.

Theo thông tin từ buổi họp báo, khoảng 17h45 chiều 12/3, Công an TP.HCM nhận được thông báo của Sở Ngoại vụ TP.HCM về việc 30 công dân Indonesia đến Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM xin cầu cứu.

Nhóm 30 người này trình báo, có một số đối tượng đưa họ sang Việt Nam rồi “giam lỏng” tại 1 tòa nhà và cưỡng ép thực hiện việc giả danh cơ quan chức năng Indonesia (công tố viên viên, cảnh sát, nhân viên ngân hàng) gọi điện thoại cho nhiều người ở Indonesia lừa đảo, yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Ban giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng An ninh điều tra phối hợp các đơn vị có liên quan khẩn trương xác minh, điều tra vụ việc.

Qua các biện pháp nghiệp vụ và mô tả của 30 công dân Indonesia, Công an TP.HCM xác định, nhóm này bị “giam lỏng” tại căn nhà số 455 đường Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh.

Khi công an tiến hành kiểm tra tại địa chỉ trên, số đối tượng quốc tịch Malaysia đã bỏ trốn.

Lực lượng công an tiến hành truy xét, khoanh vùng được, nhóm đối tượng quốc tịch Malaysia đang thuê phòng tại một khách sạn ở đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận và đã mua vé máy bay để chuẩn bỏ trốn khỏi Việt Nam vào chiều ngày 13/3.

Khi ập vào kiểm tra, công an đã đưa 6 đối tượng về trụ sở làm việc.

6 đồi tượng này gồm: Leaw Boon Kiat (SN 1987), Tee Cheng Sheng (SN 1994), Leaw Boon Leong và Thong Joon Kin (cùng SN 1991), Poon Sook Yin (SN 1995), Gan Ban Lee (SN 1981).

Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận: Leaw Boon Kiat thông qua một công ty du lịch tại Indonesia để quảng cáo, giới thiệu việc làm “dịch vụ khách sạn, nhà hàng” nhằm dụ dỗ 30 công dân Indonesia trên đến Việt Nam.

30 người này được chia thành 6 nhóm. Trong đó, nhóm đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 11/2022, nhóm gần nhất đến ngày 10/3 vừa rồi.

Ngay sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, 30 công dân Indonesia trên bị các đối tượng thu giữ hộ chiếu, điện thoại, đưa về tòa nhà tại địa chỉ số 455, đường Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh và không cho ra ngoài. Nhóm người Malaysia cưỡng ép họ thực hiện theo “kịch bản” giả danh cơ quan công tố Indonesia (công tố viên, cảnh sát, nhân viên ngân hàng...) gọi điện thoại cho nhiều người ở Indonesia yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.

Qua điều tra, Công an TP.HCM thu giữ các tang vật gồm: 2 ô tô, 54 điện thoại, 9 máy tính xách tay, 21 thẻ ngân hàng các loại, 38 thẻ sim các loại, 2 thiết bị phát sóng mạng di động... là phương tiện, công cụ thực hiện hoạt động lừa đảo.

Trong quá trình điều tra, công an xác định, Leaw Boon Kiat đã nhờ vợ là N.T.L (SN 1992, quốc tịch Việt Nam, ngụ quận Bình Thạnh) thuê căn nhà 455 Bình Quới với giá 109 triệu đồng/tháng và căn nhà 1244, Quốc lộ 1A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân với giá 150 triệu đồng/tháng để làm nơi thực hiện hành vi phạm tội.

Cơ quan An ninh điều tra làm rõ, nhóm 3 đối tượng gồm: Leaw Boon Kiat, Thong Joon Kin, Gan Ban Lee đã có hành vi thuê nhà, chứa chấp, cưỡng ép 30 công dân Indonesia để huấn luyện và thực hiện hoạt động lừa đảo, mặc dù biết nhiều người trong đó đã quá hạn lưu trú theo diện miễn thị thực nhằm mục đích hưởng lợi.

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 đối tượng: Leaw Boon Kiat, Thong Joon King, Gan Ban Lee về hành vi “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”, theo Điều 348 Bộ Luật hình sự. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.

Hiện cơ quan Công an TP.HCM đang củng cố chứng cứ; đồng thời phối hợp Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) và Hiệp hội Tư lệnh Cảnh sát các nước Đông Nam Á (Aseanpol) mở rộng điều tra vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.

(Nguồn: Vietnamnet)

Lời kể cô gái bị 2 thanh niên "tắm sơn đỏ" ở BR-VT

Cô gái bán nước giải khát ở vỉa hè bị 2 kẻ lạ mặt đi xe máy tạt nguyên xô sơn vào mắt, đầu...

Ngày 24-3, Công an huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) cho biết đang truy tìm 2 đối tượng (chưa rõ lai lịch) tạt sơn dã man chị N.T.C.D. (SN 1994, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) gây bức xúc dư luận.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chị D. cho hay khoảng 6 giờ ngày 14-3, chị và em gái đẩy xe đến vỉa hè để bán thì bất ngờ xuất hiện 2 thanh niên đi xe Exciter màu xanh cầm theo xô nhựa đựng đầy sơn đỏ đi đến.

Chị D. chưa kịp hỏi thì lập tức bị 2 đối tượng cầm xô sơn hất thẳng vào mặt... Bị tạt sơn vào mắt, chị D. hoảng loạn kêu cứu thì 2 đối tượng mới vứt xô sơn lại hiện trường tẩu thoát.

Chị D. được người dân dìu vào lề đường rồi dùng nước rửa mắt, đầu... Chị D. và em gái sau đó phải nghỉ bán nhiều ngày vì sợ tiếp tục bị trả thù.

"May mắn mắt và đầu tôi không bị thương nặng. Tôi mong cơ quan công an sớm tìm được 2 kẻ lạ mặt để xử lý nghiêm trước pháp luật" - chị D. mong mỏi.

Chị D. cho hay chị mới bán nước giải khát ở vỉa hè được 4 ngày thì bị tạt sơn. Đến ngày 21-3, chị D. và em gái mới dám quay lại bán sau khi trình báo vụ việc với công an.

Chi D. kể từng có thời gian làm nhân viên cho một chủ quán cà phê tại Khu công nghiệp Đất Đỏ (xã Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhưng do mâu thuẫn nên chị đã xin nghỉ. Trước khi xảy ra vụ việc, chị D. mua xe đẩy để bán nước giải khát dạo tại vỉa hè trên con đường dẫn vào Khu công nghiệp Đất Đỏ.

Theo chị D., khi chị bán trên vỉa hè thì có nhiều khách quen đến. Chủ quán cà phê cũ thấy vậy đã có những lời lẽ chê bai và yêu cầu chị D. vào nhà nói chuyện nhưng chị không đồng ý...

(Nguồn: Kenh14)

NÓI THẲNG: Hãy sòng phẳng với 20 "golfer đánh bạc"!

(Ảnh minh họa).

Trên 4,6 tỉ đồng là số tiền không nhỏ so với 1 đêm “quyết đấu”. Điều khiến dư luận quan tâm là ngoài hai ông Linh và Nam, 20 “ứng viên” còn lại là ai, sao chưa công khai danh tính!

Ông Lê Hùng Nam, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam; ông Trần Anh Linh, Giám đốc công ty Trần Lê Gia ở TP HCM cùng 20 golfer (người chơi golf, golf thủ) khác vừa bị công an bắt quả tang về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc trong khách sạn. Tại hiện trường đêm 20-3, 4.650.000 điểm phỉnh tương đương hơn 4,6 tỉ đồng và nhiều đồ vật tài liệu khác có liên quan bị phát hiện.

Vụ việc vi phạm pháp luật này ngẫu nhiên thay, xuất hiện ngay khi những lùm xùm đánh phụ nữ của ông Nguyễn Viết Dũng, golf thủ, cựu đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam, còn chưa lặng sóng.

22 nghi phạm cờ bạc trên được xác định hầu hết là chủ doanh nghiệp, có điều kiện kinh tế. Họ thuê khách sạn để chuẩn bị tham dự giải golf VGA Union Cup 2023 do Hiệp hội Golf Việt Nam tổ chức từ ngày 23 đến 25-3 trên sân golf Heron Lake Golf Course & Resort của Công ty CP khu nghỉ dưỡng và sân golf Đầm Vạc (Vĩnh Phúc).

Đáng nói, từ hôm 7-3, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi Hiệp hội Golf Việt Nam thông báo về việc Công ty CP Khu nghỉ dưỡng và sân golf Đầm Vạc không đủ điều kiện để tổ chức giải đấu vì thiếu nhiều hồ sơ, thủ tục.

Như vậy, có ít nhất ba khả năng. Thứ nhất, những đại gia "mù" thông tin về việc không đủ điều kiện tổ chức giải đấu. Thứ hai, cố tình tham gia một sự kiện thiếu tính chính danh do sân thi đấu thiếu thủ tục. Cuối cùng, phương án "giả điếc" để lấy cớ lập nhóm sát phạt được tính đến. Và dù nằm trong khả năng nào đi nữa cũng đều gặp nhau ở điểm cuối mang tên "trả giá".

Điều khiến dư luận quan tâm là ngoài hai ông Linh và Nam, 20 "ứng viên" còn lại cho cái giá ấy là ai, tại sao chưa công khai danh tính.

Bởi, con số trên 4,6 tỉ đồng là số tiền không nhỏ so với 1 đêm "quyết đấu". Dù có là doanh nghiệp, đại gia nứt đố đổ vách nhưng sẵn sàng mang hàng trăm triệu đồng khuấy vào máu đỏ đen thì không thể không đặt câu hỏi số tiền đó có từ đâu. Tiền từ mồ hôi, công sức, xoắn trí, vặn não để có hay tiền từ những mánh mung thiếu nghiêm chỉnh trong làm ăn, kiếm chác dự án?.

Nên, nếu đã công khai ông Nam, ông Linh thì thật thiếu công bằng khi 20 vị kia yên tâm trong chế độ ẩn. Nó càng gây sự so bì bởi những nghi phạm có yếu tố hình sự khác như trộm cắp, cướp giật, gây rối… luôn được công bố rõ ràng chỉ vài chục phút kể từ khi bị bắt.

Việc công khai danh tính, ở mặt nào đó, cũng là một kênh quan trọng để làm rõ số tiền tang vật kia ban đầu xuất phát từ tiền bẩn hay tiền sạch. Từ đấy, biết đâu phát lộ nhiều chuyện động trời vượt xa mức độ đánh bạc tiền tỉ.

Nhiều vụ án lớn được khám phá chẳng phải đôi khi khởi đầu từ những sự vụ nhỏ lẻ hoặc từ nguồn tin của người dân đó sao!

(Nguồn: Soha)

Tuyên án các bị cáo trong đường dây mua bán thận xuyên quốc gia

Sau một ngày xét xử, chiều 23/3, TAND Tp.HCM tuyên án đối với 7 bị cáo trong đường dây mua bán thận xuyên quốc gia.

Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, vi phạm nguyên tắc nhân đạo trong hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người nên cần phải có bản án nghiêm khắc để răn đe.

Từ nhận định trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đào Đức Hai Việt, 29 tuổi, quê tỉnh Bắc Ninh; Hoàng Đức Tùng, 32 tuổi, quê tỉnh Hà Giang bị tuyên cùng mức án 16 năm tù.

Bị cáo Vũ Trâm Duy Khôi, 27 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang bị tuyên phạt 16 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó là 24 năm 6 tháng tù.

Các bị cáo còn lại cũng phải lãnh từ 10 đến 15 năm tù cùng về tội Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.

Ngoài bản án hình sự, HĐXX còn tuyên buộc các bị cáo phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

Theo bản án vừa tuyên, năm 2009, khi đi ghép thận tại Trung Quốc, Tôn Nữ Thị Huyền (SN 1975) có quen biết với Đoàn Thành Nhân (người Việt, chưa rõ lai lịch) sinh sống tại Campuchia.

Cuối năm 2016, Huyền sang Campuchia thì gặp Nhân. Trong lúc trò chuyện, Nhân rủ Huyền tìm mối bán thận với bác sỹ tên Trần (người Singapore làm việc tại một bệnh viện ở Phnom Penh, Campuchia).

Thông qua Nhân, Huyền gặp bác sĩ Trần và được người này trao đổi việc về Việt Nam tìm người có nhu cầu bán thận đưa sang Campuchia cho Trần. Theo thỏa thuận, Trần sẽ trả cho Huyền từ 15 - 17 ngàn USD/quả thận và Huyền đồng ý.

Để đảm bảo chất lượng, bác sỹ Trần hướng dẫn Huyền cách tuyển chọn người và phương pháp làm các xét nghiệm kiểm tra đối chiếu chéo.

Không lâu sau khi về Việt Nam, Huyền tìm được Đào Đức Hai Việt có nhu cầu bán thận và Huyền đưa người này sang Campuchia. Cũng từ đây, Huyền dụ dỗ Việt tham gia vào đường dây mua bán thận của mình.

Nhiệm vụ của Việt là lên các trang mạng xã hội tìm kiếm người bán thận. Mỗi trường hợp Việt tìm thành công sẽ được Huyền trả từ 15-25 triệu đồng.

Ngoài ra, Huyền còn giao cho Việt đưa những người bán thận đến xét nghiệm tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với thù lao từ 1-3 triệu đồng. Các mẫu xét nghiệm này Huyền đưa cho Trần để đối chiếu chéo và lấy kết quả.

Ngoài Việt, Huyền còn dụ dỗ Đào Quang Hưng tham gia vào đường dây mua bán thận của mình. Đáng chú ý, Hưng cũng là một nạn nhân bán thận trong đường dây của Huyền.

Từ sự phân công, chỉ đạo của Huyền, các bị cáo Hưng và Việt đã dẫn dắt thêm 5 người tham gia vào đường dây buôn bán thận do Huyền điều hành. Tất cả 5 người này đều đã bán thận cho Huyền rồi được dụ dỗ tham gia.

Thông qua mạng xã hội, nhóm của Huyền đã tìm được và đưa những người bán thận đến các bệnh viện như Chợ Rẫy, Hòa Hảo, Thống Nhất, Trí Đức, 115, phòng khám Thuận Kiều…tiến hành các xét nghiệm theo hướng dẫn trước đó của bác sỹ Trần.

Khi các chỉ số xét nghiệm của giữa người ghép thận và người bán thận phù hợp với nhau, Huyền tổ chức đưa những người này sang Campuchia làm phẫu thuật cắt bán thận.

Những người được Huyền đưa sang Campuchia để bán thân được sống tập trung cùng nhau. Mỗi ngày, lần lượt 2 người được Huyền đưa đến bệnh viện nơi bác sĩ Trần công tác để cắt thận.

Người bán thận được chăm sóc, nghỉ dưỡng tại bệnh viện trong 12 ngày. Khi sức khỏe ổn định, họ được đưa về Việt Nam và được trả từ 200 – 210 triệu đồng/người.

Bằng phương thức trên, từ tháng 4/2017 đến ngày 21/1/2019, nhóm của Huyền đã tìm kiếm được 100 người bán thận và đưa 37 người sang Campuchia cắt ghép thận. Số nạn nhân còn lại chưa tìm được người ghép thận phù hợp nên Huyền chưa đưa sang. Huyền thu lợi 1,4 tỷ đồng nhờ những phi vụ mua-bán trót lọt như vậy.

Phạm tội với vai trò đồng phạm, 7 bị cáo giúp Huyền đưa người bán thận đến bệnh viện; tìm người bán thận, môi giới qua internet và được hưởng lợi từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Theo kết quả giám định, tỉ lệ thương tật của những nạn nhân bán thận cho Huyền, người thấp nhất mất 45% sức khỏe, người cao nhất mất tới 69%.

Trong vụ án này, Tôn Nữ Thị Huyền được xác định là cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo, điều hành đường dây mua bán thận tại Việt Nam.

Cuối tháng 4/2021, do bệnh nặng nên Tôn Nữ Thị Huyền phải nhập viện và bác sĩ chỉ định phải chạy thận mỗi ngày. Một tháng sau, thì Huyền tử vong. Sau đó, TAND Tp.HCM ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Tôn Nữ Thị Huyền.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Ba "chị đẹp" giả danh bác sĩ để lừa bán thuốc "rởm"

(Ảnh minh họa).

Ba "chị đẹp” gồm Kim Anh, Sen, Sang đã cấu kết với nhau, đóng giả là bác sĩ đông y, bác sĩ Bệnh viện Mắt Đà Nẵng làm xảo thuật biến hạt mạch nha thành "thuốc chất lượng cao" chữa bách bệnh, làm đẹp cho phụ nữ để lừa đảo hàng loạt nạn nhân, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Chiều tối 23/3, Công an quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) thông tin, Cơ quan CSĐT Công an quận vừa bắt tạm giam nhóm phụ nữ lừa đảo bán sản phẩm thuốc giả, chữa bệnh và làm đẹp cho nhiều phụ nữ tại các chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Trước đó, khoảng giữa tháng 3/2023 Công an phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm của chị L.T.D (trú Hòa Thọ Đông) về việc bị 3 "bác sĩ" nữ lừa chiếm đoạt 9 triệu đồng tại chợ Cẩm Lệ dưới hình thức mua thuốc làm đẹp, chữa bệnh “Kim Sương”.

Từ thông tin phản ánh, lực lượng Công an tiếp tục rà soát nhân dạng đặc điểm, khoanh vùng truy tìm và làm rõ phương thức thủ đoạn của đối tượng, thấy nổi lên 3 phụ nữ tình nghi gồm: Nguyễn Thị Kim Anh (SN 1987, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng), Trần Thị Sen (SN 1990, trú huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) và Trần Thị Sang (SN 1987, trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).

Nhóm 3 đối tượng nữ này không chỉ hoạt động, bán sản phẩm thuốc “Kim Sương” tại quận Cẩm Lệ, mà còn mở rộng địa bàn quảng cáo, rao bán tại chợ Cồn (quận Hải Châu); chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), chợ Hòa Cầm (Hòa Vang). Đặc biệt, đối tượng Nguyễn Thị Kim Anh khi được “mời” lên trụ sở Công an làm việc thì luôn xảo biện, chỉ cho rằng mình “bán lại” từ một số phụ nữ bán hàng rong cung cấp.

Kim Anh còn tìm cách “đánh động” báo cho 2 “đồng nghiệp” là Sen và Sang biết, yêu cầu xóa hết dữ liệu điện tử, tin nhắn, thông tin liên lạc rồi lẩn trốn sự truy tìm của cơ quan chức năng. Tuy nhiên trước những chứng cứ xác thực của lực lượng Công an, cả 3 đối tượng nữ này đã phải thừa nhận hành vi giả danh bác sĩ, lừa đảo, bán thuốc giả chiếm đoạt tài sản của mình.

Theo Kim Anh khai nhận, cả 3 bàn bạc phân công từng người: Kim Anh đến chợ Cồn mua hạt mạch nha với giá 55,000 đồng/kg rồi chuẩn bị sẵn cân, bao bì mang đến ngồi chờ trước chợ Cẩm Lệ giả làm người bán thuốc đông y chữa bệnh. Còn Sen, Sang giả vờ làm bác sĩ đi xung quanh, mồi chài lôi kéo những phụ nữ đi chợ, người dân nhẹ dạ đưa ra các thông tin gian dối dẫn họ đến chỗ Kim Anh để mua thuốc.

Cao tay hơn, nếu Sen tìm được người mua dẫn đến chỗ bán thuốc của Kim Anh, thì Sang sẽ đóng giả làm người mua thuốc, khoe các công dụng của thuốc mà mình đã qua sử dụng cũng như những thông tin gian dối khiến nhiều người cả tin, sập bẫy mua thuốc chữa bệnh, làm đẹp, chữa bọng mắt với giá cao.

Các nạn nhân của bộ 3 này cho biết thêm: Kim Anh, Sen, Sang còn sử dụng chiêu tự nhận là bác sĩ của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, quảng cáo, tuyên truyền là “uống thuốc Kim Sương” sẽ có nhiều công dụng chữa bệnh, cải lão hoàn đồng, biến tóc bạc thành tóc đen... Khiến trong khoảng thời gian chưa đầy 1 tháng (từ 10/2 đến khi bị phát hiện bắt quả tang vào ngày 17/3), bộ 3 này đã cho hàng chục nạn nhân mà hầu hết đều là phụ nữ trên địa bàn TP Đà Nẵng và một số xã lân cận thuộc tỉnh Quảng Nam sập bẫy lừa mất tổng số tiền hơn 250 triệu đồng.

Cơ quan CSĐT Công an quận Cẩm Lệ đề nghị ai là bị hại, nạn nhân của sự việc lừa mua thuốc dỏm, chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự, liên hệ Công an quận Cẩm Lệ (298 Cách Mạng Tháng 8, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cung cấp thông tin, giúp Công an tiếp tục mở rộng, điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng mạo danh bác sĩ.

(Nguồn: CAND)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang