Chìm ghe, 2 cha con mất tích; Những người trẻ sợ Tết; Kẹt xe 10km vì 2 vụ tai nạn liên tiếp; Vụ mang xăng tự đốt ở tòa

CHÌM GHE, 2 CHA CON MẤT TÍCH TẠI BÁN ĐẢO SƠN TRÀ - ĐÀ NẴNG

(Ảnh minh hoạ).

Hai cha con từ Thừa Thiên - Huế vào Quảng Nam mua ghe, trên đường về, khi đến khu vực Mũi Nghê, bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng thì gặp nạn.

Ngày 15-1, Đồn Biên phòng Sơn Trà - Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết đang chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ và huy động ngư dân địa phương tìm kiếm thi thể nạn nhân, trục vớt phương tiện gặp nạn tại khu vực Mũi Nghê, bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).

Trước đó, ngày 11-1, Đồn Biên phòng Sơn Trà nhận thông tin phối hợp từ Đồn Biên phòng Cửa Đại - Bộ đội Biên phòng Quảng Nam về việc có phương tiện đường thủy đi qua khu vực.

Sau đó, Đồn Biên phòng Sơn Trà nhận tin báo của người nhà ông D.V.C (SN 1960) và con là anh D.V.T (SN 1982, cùng trú thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) về việc phương tiện gặp nạn.

Theo trình báo, 2 cha con ông D.V.C từ Thừa Thiên - Huế vào Quảng Nam để mua ghe. Khi di chuyển trở ra, đến khu vực Mũi Nghê ở bán đảo Sơn Trà thì ghe chìm, 2 cha con mất tích.

Ngay sau đó, Đồn Biên phòng Sơn Trà huy động lực lượng, phối hợp với ngư dân địa phương để tìm kiếm tung tích nạn nhân.

Tuy nhiên, khu vực Mũi Nghê thường xuyên xuất hiện xoáy nước, sóng lớn, thời tiết diễn biến thất thường. Thời điểm phương tiện gặp nạn không có tàu thuyền lân cận để hỗ trợ. Phương tiện của 2 nạn nhân không khai báo với các trạm biên phòng nên công tác cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn.

(Nguồn: Kenh14)

NHỮNG NGƯỜI TRẺ SỢ TẾT

Trái ngược với sự háo hức trước kỳ nghỉ như thời còn đi học, nhiều người trẻ ngày nay không còn quá mặn mà với Tết Nguyên đán.

Ở lại công ty tới tận 21h để hoàn thành dự án cuối năm, Hà trở lại chỗ ngồi sau khi pha nhanh một ly cà phê gói với hy vọng giữ bản thân đủ tỉnh táo.

Làm việc cho một tập đoàn lớn về cung cấp dịch vụ ăn uống, ngồi lại cùng nữ nhân viên này là một nhóm khoảng hơn 10 người khác cũng thuộc phòng Marketing.

“Ở ngành này, Tết Nguyên đán là thời điểm vàng về doanh thu. Song song với đó là hàng loạt chương trình giảm giá, ưu đãi cho khách hàng nên áp lực và khối lượng công việc rất lớn”, Hà chia sẻ.

Bên cạnh công việc, những áp lực từ gia đình, họ hàng, tiền bạc, thời gian… cũng khiến một số người trẻ đánh mất sự chủ động trong việc kiểm soát cuộc sống hàng ngày.

Phạm Vân Hà: 27 tuổi, Ba Đình, Hà Nội, chuyên viên Marketing

Đây đã là cái Tết thứ 3 của tôi từ khi chính thức làm việc trong ngành F&B (Food and Beverage - kinh doanh ẩm thực), Dẫu vậy, tôi vẫn chưa thể hoàn toàn thích nghi được với tần suất làm việc khi bước vào khoảng thời gian này.

Bản thân marketing là ngành yêu cầu sự linh hoạt và nhanh nhạy với thời cuộc. Trong khi đó, Tết là dịp để các hội nhóm, lớp học, gia đình tổ chức ăn tất niên, gặp mặt cuối năm, nhu cầu là rất cao.

Vì thế, để cạnh tranh với các thương hiệu khác, chúng tôi gần như phải hoạt động gấp đôi, gấp 3 công suất với các ưu đãi nhằm thu hút khách hàng. Mặt khác, chúng tôi vẫn phải duy trì chất lượng sản phẩm, xử lý sự cố…

Bắt đầu từ đầu tháng 12, các kế hoạch liên quan Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán đã phải được chuẩn bị xong. Trong quá trình thực hiện, hàng loạt đầu mục phải hoàn thành liên quan cả nội dung online cũng như ấn phẩm offline.

Tuy nhiên, số lượng nhân sự có hạn, mỗi người trong phòng chúng tôi đều phải ôm đồm nhiều công việc khác nhau. Chuyện phải mang việc về nhà là bình thường. 0h, tôi vẫn phải nhắn tin trao đổi với sếp.

Có hôm ngủ rồi, tôi vẫn nằm mơ thấy mình đang phải “chạy” deadline. Sáng dậy, tôi cảm giác thực sự mệt mỏi, biết rằng còn hàng loạt đầu việc đang chờ mà không muốn rời nhà.

Dương Thanh Thảo: 24 tuổi, Đông Anh, Hà Nội, nhân viên tư vấn

Tôi không nhớ lần cuối cùng mình hào hứng với Tết là khi nào. Từ khi còn học cấp 2, Tết của tôi đã gắn liền với việc nấu nướng, thắp hương, mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, tiếp khách cùng bố mẹ…

Với gia đình tôi, việc chuẩn bị đón Tết là một kiểu nhiệm vụ hơn là kỳ nghỉ. Các bữa cỗ diễn ra liên tiếp từ ngày ông Công ông Táo, bữa tất niên, mâm cúng trung thiên, mâm cỗ mùng Một, mâm cúng Tạ… Khi bé, tôi chỉ phải phụ giúp bố mẹ, còn giờ tôi là người nấu chính.

Theo thời gian, các món ăn cũng đã được giản lược đơn giản hơn. Tuy nhiên, thời gian chuẩn bị các nguyên liệu, chế biến vẫn chưa bao giờ cho phép tôi có cơ hội “ngủ nướng” trong ngày Tết.

Và đương nhiên, khi nấu cỗ, việc diện quần áo đẹp cũng là điều hiếm khi xảy ra với tôi trong thời gian này. Thay vì váy áo điệu đà, tôi thường chọn phải các bộ quần áo gọn gàng để tiện cho các hoạt động trong bếp, đồng thời sẵn sàng bị ám mùi thức ăn.

Dù vậy, tôi lại không thể mặc đồ ở nhà như bình thường vì gia đình thường xuyên có khách đến thăm. Tôi buộc phải chọn những bộ đủ lịch sự để tiện chào hỏi.

Tất nhiên, Tết Nguyên đán vẫn mang đến những điều tốt. Tôi có cơ hội về thăm nhà lâu hơn, được tạm gác lại công việc và chuẩn bị cho những dự định mới. Dẫu vậy, mọi người vẫn nói Tết là dịp để thực sự nghỉ ngơi sau một năm bộn bề công việc. Với tôi, điều này không thực sự đúng.

Lưu Hồng Nguyệt: 26 tuổi, Đống Đa, Hà Nội, quản lý bộ phận chăm sóc khách hàng

Đôi khi tôi không hiểu bản thân mình. Làm việc trong lĩnh vực phải có khi phải nói chuyện với cả trăm người lạ mỗi ngày, tôi lại cảm thấy sợ khi đối diện với họ hàng, gia đình trong dịp Tết.

Có lẽ sau một năm ít, thậm chí không gặp, mọi người thường tìm đến những chủ đề phổ biến để hỏi như tiền bạc, cưới xin. Dù biết chỉ là những lời hỏi thăm gợi chuyện mang tính xã giao. Tôi vẫn không thể cảm thấy thoải mái với nó.

Tôi hiếm khi áp lực về việc mình phải kiểm bao nhiêu tiền, có mua được nhà, xe hay không. Dẫu vậy, tôi vẫn luôn hài lòng với cuộc sống đang có. Tuy nhiên, mỗi khi đứng trước những câu hỏi kiểu như “mỗi tháng kiếm được bao nhiêu”, “thế có tính mua nhà chưa” hay “làm đủ ăn không” của họ hàng, tôi lại bỗng xuất hiện những suy nghĩ bất an về tương lai, thậm chí nghĩ mình kém cỏi.

Câu hỏi kinh điển khác, tệ hơn cả, là “bao giờ được ăn cỗ (cưới) đây”. Trong mắt những người lớn tuổi ở gia đình tôi, phụ nữ tuổi 26 có lẽ đã giống một “quả bom nổ chậm”.

Thực tế là tôi có những mối quan hệ của riêng mình. Dù vậy, từ nhiều lý do khác nhau, tôi vẫn chưa đi đến bước đó. Tôi vẫn nghĩ kết hôn là cột mốc quan trọng, đâu thể tùy tiện cưới ai cũng được hay đơn thuần là cưới vì… quá tuổi.

Cá nhân tôi cho rằng dù có kết hôn ở tuổi 32-33 đi chăng nữa, nếu đúng người, đủ điều kiện tài chính và chín chắn về tư duy, đó mới là thời điểm phù hợp. Tôi cũng biết rằng nói những điều này với người lớn tuổi có lẽ sẽ không giúp ích gì.

Tuy nhiên, đáng nói là áp lực không chỉ với tôi. Những câu hỏi, tưởng chừng chỉ để bắt chuyện đó, ảnh hưởng tới cả bố mẹ tôi. Để rồi mỗi lần nhắc về vấn đề này, không khí lại trở nên nặng nề. Tết không nên diễn ra như vậy đúng không?

Tết là khoảng thời gian nhạy cảm

Trao đổi về các vấn đề tâm lý của người trẻ ngày nay trong dịp Tết Nguyên đán, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), nhận định cuối năm là dịp học sinh, sinh viên đối diện với các kỳ thi học kỳ; người đi làm đứng trước áp lực doanh số, tổng kết, đánh giá, thi đua, căng thẳng…

“Tất cả yếu tố đó có thể được xem là những nguy cơ kích hoạt khó khăn về mặt sức khỏe tinh thần. Nếu không được quan tâm để trợ giúp và phục hồi, tình trạng này có thể kéo dài và dẫn đến nguy cơ gặp rối loạn như lo âu, trầm cảm, ám ảnh…”, vị chuyên gia nói.

Cụ thể, về việc phải giao tiếp, nhận những câu hỏi của người thân, ông Thiện cho hay mỗi người sẽ có những chủ đề nhạy cảm khác nhau. Đó có thể là những tổn thương, ký ức đau buồn hay vết thương lòng chưa được chữa lành.

Vì thế, ông nhấn mạnh nếu ai đó, trong một tương quan chưa đủ an toàn, đề cập đến những chủ đề này có thể kích hoạt các suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc khó chịu của chúng ta.

“Tuy nhiên, cũng rất khó cho những người xung quanh vì đôi khi, họ không thể biết hết các vấn đề của mình. Dịp Tết lại là cơ hội mọi người họp mặt và có thể gây ra sự khó chịu khi nghe nhắc đến những chủ đề mình nhạy cảm”, ông nói thêm.

Từ đây, vị chuyên gia khuyên mọi người nên tự làm việc với bản thân, nhận diện các chủ đề dễ kích hoạt sự khó chịu hoặc làm mình tổn thương. Khi đó, chúng ta sẽ có sự chuẩn bị, đồng thời cũng là cơ hội hiểu hơn về bản thân.

Nếu các chủ đề đó vẫn được nhắc đến, chúng ta có thể chân thành bộc lộ sự bối rối, không thoải mái của mình và đề nghị người đối diện dừng lại. Đó cũng là cách tự bảo vệ cho tâm trí của mình.

Về áp lực từ những công việc nhà, chuyên gia tâm lý Toàn Thiện cho hay bất cứ sự thay đổi nào về hành vi so với thói quen hàng ngày cũng gây ra những phản ứng của bản thân và cơ thể.

“Khi bản thân chịu nhiều áp lực từ môi trường bên ngoài hoặc thậm chí kỳ vọng của chính bản thân phải làm hài lòng gia đình, bạn bè, chúng ta dễ có các phản ứng tiêu cực về mặt tâm lý như tình trạng stress quá mức, lo lắng, căng thẳng… từ đó ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm trạng”, vị chuyên gia giải thích.

Lúc này, nếu những căng thẳng đó không được xử lý phù hợp, nó có thể tạo thành các hành động, lời nói gây tổn thương những mối quan hệ xung quanh.

Theo chuyên gia tâm lý, quan niệm chung là phải dọn dẹp nhà cửa, nấu cỗ trong ngày Tết đó cũng có thể xem là một dạng định kiến bên ngoài, gây áp lực với chúng ta dẫn đến căng thẳng, lo lắng.

Trong trường hợp trên, ông khuyến cáo chúng ta cần thay đổi các kỳ vọng của chính mình cho phù hợp với khả năng thực tế của bản thân. Mặt khác, bản thân mỗi người đôi khi cần tìm sự cân bằng và thích nghi với những thay đổi.

(Nguồn: Vietnamnet)

CAO TỐC TP.HCM - TRUNG LƯƠNG KẸT XE GẦN 10 KM DO 2 VỤ TAI NẠN LIÊN TIẾP

(Ảnh minh hoạ).

Sáng 15.1, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương bị kẹt xe gần 10 km do liên tục xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông.

Khoảng 7 giờ 40 ngày 15.1, nhiều người chạy ô tô trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo hướng từ TP.HCM về miền Tây, khi đến đoạn Km26 (thuộc địa bàn H.Bến Lức, Long An) thì hoảng hốt khi nghe nhiều tiếng va chạm mạnh. Sau đó, phát hiện 1 chiếc xe tải và 3 ô tô con vừa va chạm liên hoàn. Những xe bị nạn nằm ngổn ngang, chiếm hết 2 làn đường. Phần đầu và phần đuôi của những chiếc xe này bị hư hỏng nặng.

Trước đó, khoảng 5 giờ 40 cùng ngày, tại Km31 cao tốc TP.HCM - Trung Lương hướng từ TP.HCM về miền Tây (đoạn thuộc địa bàn H.Thủ Thừa, Long An) cũng xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa 2 xe tải.

Hai vụ tai nạn không gây thiệt hại về người, nhưng làm đường cao tốc này kẹt xe gần 10 km.

Nhận được tin báo, đơn vị quản lý đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương phối hợp các đơn vị nghiệp vụ liên quan điều tiết giao thông và điều tra nguyên nhân tai nạn.

(Nguồn: Thanh Niên)

NGƯỜI ĐÀN ÔNG MANG XĂNG TỰ ĐỐT Ở TÒA ÁN BẮC GIANG TỬ VONG

Ngày 14/1, người đàn ông mang xăng tự đốt ở TAND tỉnh Bắc Giang trước đó đã tử vong, gia đình và người thân đang lo hậu sự cho cụ ông này.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Hùng - Tổ trưởng Tổ dân phố Vĩnh Ninh 1, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang - xác nhận, ông Nguyễn Ngọc H (SN 1947, cư trú ở Tổ dân phố Vĩnh Ninh 1) là người mang xăng tự đốt ở TAND tỉnh Bắc Giang (ngày 15/12/2022) đã mất vào khoảng 16h chiều 14/1.

Ông H. mất tại nhà riêng, trước đó ông đã được đưa từ bệnh viện về nhà. Hiện gia đình và người thân đang lo hậu sự cho ông H.

Trước đó, theo TAND tỉnh Bắc Giang, sáng 15/12/2022, ông Nguyễn Ngọc H (SN 1947, trú tại Tổ dân phố Vĩnh Ninh 1, phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang) xách theo túi vải có giấy tờ nhô lên miệng túi và đi qua cổng đến khu vực kho bếp nơi đang có cán bộ, bảo vệ, tạp vụ TAND tỉnh Bắc Giang. Khi cán bộ TAND tỉnh Bắc Giang hỏi, ông H nói đi nhờ nhà vệ sinh.

Sau khi đi vệ sinh xong, ông H. đi ra ngoài. Lúc này, có nhiều người dân đến để tham gia, theo dõi các phiên tòa đứng ở ngoài sân. Sau đó, bảo vệ phát hiện khe cửa phòng tiếp công dân của TAND tỉnh Bắc Giang có khói bốc ra ngoài nghi cháy.

Đội ngũ bảo vệ, tạp vụ và cán bộ TAND tỉnh Bắc Giang đã ngay lập tức mở cửa, dập tắt lửa và sơ cấp cứu ông H. đang ở trong đó ra ngoài và đưa ngay đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang để cấp cứu. Sau đó, ông H được chuyển lên Viện Bỏng Quốc gia cứu chữa.

Theo TAND tỉnh Bắc Giang, cơ quan này có thụ lý, giải quyết hai vụ án liên quan đến ông H. về tranh chấp đất đai và tài sản với người thân trong gia đình, trong đó có 1 vụ kiện đã giải quyết xong. Đối với vụ kiện thứ 2, ngày 7/12/2022, TAND tỉnh Bắc Giang đã xử phúc thẩm.

(Nguồn: Soha)

(Xem thêm:

=> Giải cứu bé gái rơi từ tầng 2; 3 nữ sinh bị cuốn vào gầm xe tải, 1 người chết; Vụ bé trai lọt trụ bê tông ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang