Án lệ: Hủy hợp đồng nhân thọ sớm được lấy lại một nửa tiền bảo hiểm

Bảo hiểm nhân thọ Lebensversicherung là một dạng tiết kiệm dài hạn kết hợp với việc bảo đảm tài chính cho thân nhân phòng khi có rủi ro xảy ra liên quan tới tính mạng. Các sản phẩm về bảo hiểm nhân thọ đã từng có một thời hoàng kim ở Đức, được coi là một trong những hình thức tiết kiệm ưa chuộng nhất bởi tính bảo đảm an toàn cao, lãi suất ổn định ở mức tương đối phù hợp với nhu cầu đòi hỏi của phần lớn người tiêu dùng.

Bởi thế, hầu như không một gia đình Đức nào không có bảo hiểm nhân thọ. Với số lượng khoảng 90 triệu hợp đồng, bảo hiểm nhân thọ đóng vai trò lớn trong cuộc sống của người dân Đức, đặc biệt trong việc tiết kiệm cho tuổi già.

Tuy nhiên, theo thống kê, có tới 80% hợp đồng bảo hiểm không tồn tại được cho đến khi kết thúc. Có nhiều lí do khiến khách hàng phải cắt hủy hợp đồng trước thời hạn, nhưng lí do chính là cần tiền hoặc không còn khả năng để tiếp tục đóng bảo hiểm. Cũng giống như tất cả các loại hợp đồng, khi một bên không tiếp tục thực hiện được trách nhiệm theo như thỏa thuận, hợp đồng sẽ buộc phải hủy bỏ và bên vi phạm sẽ phải chịu ít nhiều thiệt hại do mình gây ra. Trong trường hợp này nhiều khi khách hàng sẽ không nhận lại đủ toàn bộ số tiền đã đóng. Trường hợp xấu nhất như trước đây khách hàng chỉ lấy lại được một phần nhỏ hoặc thậm chí có khi bị mất trắng. Tình trạng này đã được thay đổi sau khi có phán quyết của Tòa thượng thẩm Liên bang vào năm 2005 và năm 2012, Án số: IV ZR 17/13 và IV ZR 114/13, buộc các hãng bảo hiểm phải tính toán lại, bảo đảm quyền lợi cho người đóng bảo hiểm.

Theo đó, sau khi khấu trừ các khoản chi phí của hãng bảo hiểm, khách hàng phải được nhận lại ít nhất là một nửa số tiền mình đã đóng, khi hợp đồng này bị cắt hủy trước thời hạn. Phán quyết trên chỉ dành cho những hợp đồng được ký từ năm 2001 đến năm 2008. Với những hợp đồng trước đó, Tòa thượng thẩm Liên bang đã ra phán quyết đã có hiệu lực từ năm 2005 với nội dung tương tự. Hợp đồng ký sau 2008 không liên quan đến những phán quyết này, bởi luật pháp đã có những quy định mới phù hợp hơn. Theo đó phí môi giới cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ được tính trải ra trong thời gian 5 năm kể từ khi hợp đồng bắt đầu, khác với trước đây là được tính luôn tất cả một lúc vào thời điểm hợp đồng ký có hiệu lực. Bởi vậy, kể cả khi hủy hợp đồng chỉ sau một vài năm, khách hàng vẫn nhận lại được ít nhất là một nửa số tiền đã nộp vào hợp đồng và so với trước đây điều đó là một cải thiện lớn trong chính sách bảo vệ người tiêu dùng của nhà nước Đức.

Theo tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở Đức, hầu như không một hãng bảo hiểm nào tự động liên lạc với khách hàng sau khi có phán quyết của tòa về vấn đề này để thanh toán lại và trả tiền thêm cho khách hàng, mà khách hàng phải chủ động viết thư đòi quyền lợi. Mẫu thư thích hợp có thể tải xuống từ trang mạng của Trung tâm bảo vệ người tiêu dùng Hamburg: www.vzhh.de/versicherungen.

Tất nhiên, nhiều hãng bảo hiểm sẽ dựa vào kỳ hạn đòi quyền lợi trong vòng 3 năm do luật pháp quy định để từ chối yêu cầu này. Bởi thế những khách hàng đã cắt hủy hợp đồng trước năm 2009 phải xác định là có thể sẽ bị từ chối và không còn quyền lợi gì nữa. Mặc dù vậy, không vì thế mà khách hàng phải bỏ cơ hội của mình chịu chấp nhận thiệt hại. Trường hợp cần thiết, ví dụ số tiền nhận lại quá ít hoặc khoản tiền bị thiệt hại quá lớn, khách hàng có thể nhờ luật sư tư vấn. Bởi theo nhận định của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Đức, bà Edda Castelló, chuyên viên về lĩnh vực bảo hiểm của tổ chức này, thì „áp dụng hạn kỳ 3 năm đòi quyền lợi trong trường hợp này là lạm dụng luật pháp“ . .

Theo một điều tra nhỏ và thống kê sơ bộ của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Hamburg với khoảng 500 trường hợp khách hàng yêu cầu hãng bảo hiểm thanh toán lại các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị cắt hủy sớm trước thời hạn, thì bình quân mỗi hợp đồng được nhận lại khoảng 733 Euro. Hợp đồng được nhận thêm ít nhất là 17 Cent và nhiều nhất 22.000 Euro. Cần biết rằng: tòa chỉ xác định số tiền ít nhất mà khách hàng phải được nhận lại, điều đó có nghĩa là thực tế có thể sẽ cao hơn nhiều, theo nguyên tắc: „cắt hủy hợp đồng càng muộn, sẽ nhận lại được càng nhiều“.

Với tất cả các khách hàng của tập đoàn bảo hiểm ERGO, thông báo về phán quyết nói trên của Tòa thượng thẩm Liên bang đã được gửi đến từng người. Mỗi một hợp đồng có liên quan, hãng bảo hiểm đều gửi thông báo để khách hàng được rõ. Phán quyết này trở thành một điều khoản cố định bổ sung thêm trong các thỏa thuận của hợp đồng.

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang