11 học sinh ngộ độc; Cụ bà phát hiện mình 'đã chết'; Cứu thuyền viên gặp nạn; Streamer bất chấp ở đám tang nghệ sĩ

11 học sinh lớp 6 bị ngộ độc do ăn hạt quả ngô đồng

(Ảnh minh họa).

Chiều 10-3, thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, sáng cùng ngày, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân đã cấp cứu kịp thời cho 11 em học sinh bị ngộ độc do ăn hạt quả ngô đồng.

Theo thông tin ban đầu, trước đó, vào khoảng 9 giờ 30 phút sáng 10-3, có 11 em học sinh lớp 6C, Trường THCS Phổ Hải (huyện Nghi Xuân) khi đang trong giờ ra chơi, chơi bóng đá ở sân trường, thấy quả ngô đồng rụng xuống, cả nhóm đập hạt ăn.

Sau khoảng 5 đến 10 phút, các em thấy mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, được cô giáo chủ nhiệm và gia đình chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân để cấp cứu.

Tại đây, các em học sinh được bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương và các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân tiến hành cấp cứu kịp thời: Gây nôn, rửa dạ dày, truyền dịch, giải độc...

Sau khi được điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của các em học sinh hiện tại đã ổn định.

Theo Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân, hạt cây ngô đồng có chất curcin, là độc tố chính gây độc cho đường tiêu hóa và gan, người ăn sẽ bị đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy, bị nặng có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa, rối loạn thần kinh. Nếu trẻ không may ăn phải hạt cây ngô đồng thì các bậc phụ huynh nên làm bằng mọi cách để các cháu nôn ra, nôn càng nhiều càng tốt.

Trong khi nôn cần để đầu nghiêng về một bên và dùng khăn lau sạch các chất dịch, đàm nhớt. Cho trẻ uống một cốc nước ấm (có thể pha muối) rồi tiếp tục để trẻ nôn. Sau khi tiến hành sơ cứu tạm thời, các bậc phụ huynh hãy nhanh chóng đưa trẻ bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất.

(Nguồn: Kenh14)

Cụ bà 91 tuổi phát hiện mình "đã chết" khi làm lại căn cước công dân

Cụ Hoàng Thị Thử (SN 1932, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đi làm lại căn cước công dân (CCCD) thì phát hiện dữ liệu trên hệ thống tra cứu báo mình đã mất.

Vừa qua, báo VietNamNet nhận được thông tin phản ánh của ông Nguyễn Đình Tịnh (SN 1976, trú tại thôn Hưng Nam, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) về việc gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm căn cước công dân (CCCD) cho mẹ đẻ của mình là cụ Hoàng Thị Thử.

Theo ông Tịnh, cụ Hoàng Thị Thử (91 tuổi, quê xã Cẩm Phúc, nay là xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên) lấy chồng về xã Cẩm Hưng gần 70 năm trước. Ông bà có 6 người con, con đầu năm nay đã 66 tuổi, con út 47 tuổi. Hộ khẩu và chứng minh dân nhân mang tên cụ Thử được cấp lại vào năm 2018.

Tháng 3/2021, cụ Thử cùng chồng và con trai đi làm CCCD tại điểm trường THPT Cẩm Xuyên. Tại đây, việc chụp ảnh, lấy vân tay và cập nhật thông tin dữ liệu vẫn diễn ra bình thường, không có gì trục trặc. Tuy nhiên, sau đó chỉ chồng và con trai được phát CCCD, còn cụ không có.

Sau đó, ông Tịnh trực tiếp đến Công an huyện Cẩm Xuyên để hỏi về CCCD của mẹ mình thì được trả lời là thông tin dữ liệu về cụ chưa có trên hệ thống, phải đưa cụ đến để làm lại.

Gần đây, do tuổi già sức yếu, đi lại khó khăn, cần có CCCD để uỷ quyền cho con cái nhận tiền bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP, vì thế, ngày 3/3, cụ Thử được ông Tịnh chở đến Công an huyện Cẩm Xuyên để làm lại CCCD.

“Khi họ mở máy ra để làm thì phát hiện 2 thông tin sai, giới tính là nam và hiện trạng đã chết nên không thể làm các thủ tục tiếp theo. Về nhờ công an xã kiểm tra lại, họ cho xem trực tiếp trên máy tính cũng có cùng hiện trạng đó”, ông Tịnh cho biết.

“Sau đó, tôi sang nhờ cán bộ tư pháp xã kiểm tra xem có hồ sơ khai tử mẹ mình không thì họ trả lời là chưa khai tử, hiện hàng tháng vẫn đang chi trả tiền bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi đầy đủ”, ông Tịnh thông tin thêm.

Cũng theo ông Tịnh, sau đó Công an xã Cẩm Hưng hướng dẫn đến xã Nam Phúc Thăng xin giấy khai sinh để làm hồ sơ chuyển ra Hà Nội khôi phục thông tin cho mẹ.

Đến Nam Phúc Thăng, tư pháp xã yêu cầu về xã Cẩm Hưng xin trích lục mã định danh cá nhân để có cơ sở biết được bố mẹ bà là ai mới cấp được. Quay về Công an xã Cẩm Hưng thì được trả lời là hiện trạng đã chết nên không trích xuất mã định danh cá nhân.

Trao đổi với PV VietNamNet, đại uý Lê Trường Giang, Phó trưởng Công an xã Cẩm Hưng xác nhận, cụ Thử vừa bị sai giới tính vừa sai dữ liệu trạng thái là đã chết.

Lý giải về việc cụ Thử đang sống mà trong hồ sơ lưu trữ thể hiện đã chết, đại uý Giang cho biết, thôn Hưng Nam được nhập lại từ 1/2 xóm 15 và toàn bộ xóm 16 nên khi làm sạch dữ liệu, có thể anh em xoá nhầm, hoặc có khả năng ở xóm đó có 2 bà, qua xác minh là đã mất nên có trạng thái như vậy.

Sau khi làm đề xuất ra Bộ Công an để khôi phục trạng thái thì phát hiện cụ bị sai cả giới tính.

Theo đại uý Giang, quá trình phát phiếu thu thập thông tin dân cư vào năm 2017, ở mục giới tính có người ghi vào có người không, dẫn đến việc dữ liệu có sai sót.

“Nếu nhập sai giới tính thì CCCD sẽ bị nhảy số. Theo quy định 3 số đầu (042) là mã tỉnh Hà Tĩnh, số thứ 4 là giới tính (những người sinh từ năm 1900 đến hết năm 1999 thì nam là 0, nữ là 1 - PV). Khi nhập giới tính của cụ Thử là nam thì nó sẽ nhảy ra số 0. Muốn sửa được số này thì phải làm hồ sơ gửi ra huyện, huyện tổng hợp gửi ra tỉnh rồi tỉnh chuyển dữ liệu ra C06 mới xoá được số này và cấp lại cho cụ số khác”, đại uý Giang nói.

Đại uý Giang cũng khẳng định: “Chủ trương của Bộ Công an là phải đảm bảo dữ liệu dân cư đủ, đúng, sạch, sống', nghĩa là công tác làm sạch dữ liệu là công tác hàng ngày. Vì thế, tỉnh Hà Tĩnh đã không kể ngày đêm triển khai và được đánh giá rất cao. Trên tinh thần cầu thị, chúng tôi đã hướng dẫn cho công dân rất tận tình chu đáo để cấp CCCD cho cụ. Quá trình xử lý mất khoảng 1 tháng”.

(Nguồn: Vietnamnet)

Cứu sống 11 thuyền viên trên tàu biển gặp nạn ở Bình Thuận

(Ảnh minh họa).

Tàu biển chở hơn 2.600 tấn phân đạm hành trình từ cảng Cần Thơ đi Quy Nhơn bị phá nước tại khu vực biển Kê Gà (Bình Thuận), được tàu Superdong Phú Quý 1 cứu 11 thuyền viên.

Theo tin từ Bộ đội biên phòng Bình Thuận, tàu biển Xuyên Á 126 (hô hiệu: XVBI2, IMO 9647148), trên tàu có khoảng 7 tấn dầu DO và hơn 2.600 tấn phân đạm hành trình từ Cần Thơ đi Quy Nhơn, gặp nạn tại khu vực tọa độ 10°42′N - 10801'E, cách đảo Kê Gà chừng hơn 1 hải lý. Thời điểm tàu gặp nạn, trên tàu có 11 thuyền viên.

Khi đang hành trình qua khu vực biển Bình Thuận, tàu bị sự cố vỏ tàu (khả năng thủng vỏ tàu do va vào đá) có nguy cơ bị chìm. Thuyền trưởng đã phát tin cứu nạn khẩn cấp.

Ngay trong sáng nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Bình Thuận phối hợp Cảng vụ hàng hải Bình Thuận huy động tàu Superdong Phú Quý 1 ra vị trí tàu Xuyên Á 126 hỗ trợ cứu nạn. Toàn bộ 11 thuyền viên đã rời tàu Xuyên Á 126 sang tàu Superdong Phú Quý 1, hành trình về cảng vận tải Phan Thiết lúc 5 giờ 30 sáng nay 10.3.

Hiện tại, tàu Xuyên Á 126 neo đậu cách bờ biển Kê Gà khoảng 1.000 m, các van dầu trên tàu đã được khóa an toàn để phòng chống sự cố tràn dầu.

Các thuyền viên tàu bị nạn được đưa về Phan Thiết và đang được Bộ đội biên phòng chăm sóc y tế.

Các cơ quan chức năng của Bình Thuận đang điều tra nguyên nhân tàu biển gặp nạn tại khu vực biển Kê Gà.

(Nguồn: Thanh Niên)

Streamer bất chấp pháp luật và đạo đức ở lễ tang nghệ sĩ Việt

Theo chuyên gia, một số người làm nội dung trên YouTube, TikTok không có lương tâm, không được đào tạo bài bản, ném đá giấu tay khiến không gian mạng trở nên độc hại.

Nghệ sĩ Vũ Linh ra đi ngày 5/3 tại nhà riêng, trong vòng tay của người thân. Huyền thoại cải lương nằm xuống, để lại tiếc thương đối với giới nghệ sĩ và khán giả mộ điệu tuồng cổ.

Tuy nhiên, trong hơn 3 ngày diễn ra tang lễ cố nghệ sĩ, nhiều thông tin độc hại từ đội ngũ streamer trên mạng xã hội làm rối loạn thông tin, gây khó chịu cho gia đình, khán giả mến mộ cố NSƯT.

Tung tin giả, xô đẩy, livestream bất chấp

Khoảng 4 năm trở lại đây, bộ phận streamer hoạt động sôi nổi trên các diễn đàn. Mỗi khi có sự kiện hot, họ kéo nhau đến quay clip, chụp ảnh và “chớp tin nóng” đăng lên kênh cá nhân.

Tuy nhiên, bộ phận này gây quan ngại và bị nhiều người phàn nàn bởi cách làm việc bất chấp, đôi khi bỏ qua đạo đức nghề nghiệp. Dễ chứng kiến nhất, họ lợi dụng sự ra đi của các nghệ sĩ để câu view, kiếm tiền trên nỗi đau của gia đình người đã khuất.

Tại đám tang nghệ sĩ Vũ Linh, ngay từ chiều ngày nam nghệ sĩ ra đi, nhiều streamer (YouTuber, TikToker) kéo đến cố tình tìm mọi cách để quay thi hài ông. Sau đó, họ đăng tải lên mạng xã hội với những tiêu đề không đẹp. Gia đình cố nghệ sĩ tỏ ra bức xúc bởi ảnh động kém văn minh, làm xấu hình ảnh người đã khuất này.

Những tiêu đề như: Cận cảnh thi hài nghệ sĩ Vũ Linh; Trực tiếp đám tang nghệ sĩ Vũ Linh: Vợ và con ruột xuất hiện đòi phân chia tài sản; Công bố di chúc của ông hoàng cải lương Vũ Linh ngay tại đám tang; Tài Linh từ Mỹ gấp rút về đám tang Vũ Linh, ngất xỉu trước quan tài,... xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.

Dù gia đình đã lên tiếng cảnh báo, các tin giả này vẫn xuất hiện khắp nơi. Ngoài ra, các streamer còn bất chấp đặt điều, cho rằng Vũ Linh viết di chúc để lại hết tài sản cho con nuôi là Bình Tinh. Sự việc này gây ảnh hưởng lớn đến nữ nghệ sĩ, đến mức cô phải đính chính trên trang cá nhân để tránh gây hiểu lầm.

Vì lượt view và mức thu nhập hấp dẫn, các TikToker, YouTuber bất chấp mọi thứ, không từ chiêu trò để câu kéo người xem. Dù biết thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến nhiều người, họ vẫn không màng đạo đức.

Về phía người xem, vì sự hiếu kỳ và chưa biết cách chọn lọc thông tin, họ đổ xô xem những tin giả. Điều này đẩy view tăng cao, càng khiến một bộ phận streamer bất chấp hơn.

Sự bất chấp còn thể hiện ở việc đội ngũ streamer sẵn sàng chen lấn, xô đẩy để có được hình ảnh gần nhất, cận nhất người nổi tiếng. Ở lễ hạ huyệt nghệ sĩ Vũ Linh, nhiều streamer thậm chí đứng, trèo lên phần mộ của những người đã khuất ở nghĩa trang để quay hình.

Bình luận độc hại

Do không được kiểm soát về mặt đăng tải, phía dưới các video của đội ngũ streamer cũng xuất hiện nhiều bình luận tiêu cực, suy diễn từ người xem. Vì xem những thông tin không đúng sự thật, họ buông lời trách móc cố nghệ sĩ.

Thời trẻ ăn chơi trác táng nên cô độc lúc về già; Có vợ và con rơi mà suốt ngày bảo sống cô đơn trên giường bệnh; Có con rơi mà giấu giếm suốt nhiều năm,... là một vài bình luận độc hại phía dưới kênh của các YouTuber, TikToker. Những bình luận này khiến người hâm mộ nghệ sĩ bức xúc, gia đình nghệ sĩ tổn thương.

Một số người không liên quan đến câu chuyện cũng bị kéo vào. Cụ thể, khi nghệ sĩ Việt Hương đang livestream, có người vào bình luận vì sao không đi viếng Vũ Linh mà ngồi nhà phát trực tiếp.

Nữ nghệ sĩ thẳng thắn đáp trả, cho biết cô đang đi quay phim ở Cà Mau, vì điều kiện không cho phép nên không thể về viếng đàn anh. “Các bạn chỉ thấy bề nổi thôi, không phải tôi như vầy là không liên quan đến anh ấy. Thật ra khi người còn sống mình giúp mới gọi là kịp”, Việt Hương đáp trả.

Bên cạnh đó, nghệ sĩ Ngọc Huyền - người bạn diễn thân thiết của Vũ Linh lúc sinh thời cũng là nạn nhân của những bình luận tiêu cực. Trong đêm cuối tiễn biệt Vũ Linh tại nhà riêng, Ngọc Huyền góp giọng hát trước linh cữu anh lần cuối. Khi hát xong, Ngọc Huyền kiệt sức nên ngất xỉu trước quan tài, các đồng nghiệp phải đưa cô vào trong, sơ cứu 10 phút mới tỉnh lại. Tuy nhiên, một số bình luận trên mạng lại buông những lời chế giễu, cho rằng Ngọc Huyền giả xỉu, diễn để lấy lòng thương trong đám tang của nghệ sĩ Vũ Linh.

Những bình luận khiến người trong cuộc phiền lòng.

"Người làm content trên social cũng cần có đạo đức nghề nghiệp"

Trao đổi với Zing, chuyên gia truyền thông Phan Vĩnh Phúc cho rằng những người làm công việc sáng tạo nội dung (blogger, streamer) ban đầu có sự may mắn vì được khán giả xem nhiều. Sau một thời gian, nhiều người không biết phải làm gì tiếp theo vì không được đào tạo bài bản. Họ đi theo chiều hướng lá cải, bám theo hướng hiếu kỳ của khán giả để câu view.

Theo chuyên gia, người làm nội dung thiếu kỹ năng, kiến thức và nền tảng về truyền thông nên làm những nội dung không sạch. Ngoài ra, các nền tảng kiểm soát nội dung bằng máy, các nhà quảng cáo cũng phân phối nội dung bằng lập trình nên không thể kiểm duyệt tốt và góp phần đẩy nó đến khán giả gần hơn.

“Tôi nghĩ, những người làm nội dung nên được đào tạo, về cách giật tít, đưa nội dung đến khán giả và được đào tạo để thành người làm nội dung có lương tâm. Khi không biết bám vào đâu, họ bám vào những người nổi tiếng để tung tin, đặc biệt là những người đã khuất hay những nghệ sĩ tham dự đám tang”, chuyên gia nêu quan điểm.

Về phần bình luận độc hại của một bộ phận streamer và khán giả, theo chuyên gia, là bởi mạng xã hội có hiệu ứng đám đông và tính nặc danh.

“Khi nói chuyện với nhau qua mạng, người ta dễ dàng bày tỏ quan điểm và cá tính mạnh hơn. Cũng như việc ném đá giấu tay, khi không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, ai cũng rất sung sức”, ông Phan Vĩnh Phúc nói với Zing.

Theo ông, khi không đối thoại trực tiếp, người ta bộc lộ con người thật nhiều hơn, không còn những rào cản về văn hóa, đạo đức và ngôn ngữ mà ngày thường phải đối mặt. Ngoài ra, tâm lý đám đông cũng khiến nhiều người đưa ra những bình luận tiêu cực, gây tổn thương tâm lý đến người khác.

Chuyên gia Phan Vĩnh Phúc cho biết việc độc hại trên mạng xã hội đang là một vấn nạn. Bởi thế, người sáng tạo nội dung, các nền tảng kiểm duyệt, nhà quảng cáo và các khán giả đều nên lưu tâm vấn đề này.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang