'Bốc thuốc' cho thị trường vàng; Kẽ hở chuyển nhượng dự án đầu tư; Thanh tra toàn diện NƠXH; Dự án resort bỏ hoang ven biển

THUỐC NÀO TRỊ THỊ TRƯỜNG VÀNG?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quản lý thị trường vàng thời gian qua còn nhiều bất cập, đề nghị Chính phủ khẩn trương có giải pháp cho vấn đề này.

Không lẽ cứ để giá vàng nhảy múa

Trong báo cáo thẩm tra về tình hình KT-XH các tháng đầu năm 2024 trình bày tại phiên khai mạc phiên họp 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 13.5, Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh đánh giá quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp. Ông Thanh dẫn chứng, thị trường vàng có nhiều biến động, chỉ số giá vàng trong nước bình quân 4 tháng đầu năm tăng 20,8% so với cùng kỳ.

Ông Vũ Hồng Thanh phản ánh, có ý kiến cho rằng một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành thị trường ngầm về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát. Đặc biệt là hành vi "ưa thích" vàng, ngoại tệ ngày càng gia tăng, nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp. Theo ông Thanh, điều này có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường, phản ánh qua tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, tội phạm gia tăng thời gian qua.

Vấn đề thị trường vàng được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm. Phó chủ tịch QH Trần Quang Phương đặt vấn đề: Giá vàng "nhảy múa" như vừa qua thì công tác quản lý nhà nước thế nào ? "Không lẽ cứ để giá vàng nhảy múa như thế. Không để có thị trường nhảy múa như thế được. Tôi chưa bao giờ thấy thị trường mà giá vàng tăng - giảm đột biến thế. Tôi đề nghị công tác quản lý nhà nước phải rõ", ông Phương nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm này, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng chưa bao giờ giá vàng trong nước cao như hiện nay và chênh lệch với giá vàng thế giới quá cao. "Chúng tôi thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái (đang dự tại phiên họp - PV) đã có những chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để quản lý thị trường vàng, nhưng từ khi có chỉ đạo đến nay, giá vàng ngày càng tăng. NHNN cũng đấu thầu vàng được vài phiên, nhưng giá vàng vẫn tăng đến mức tột đỉnh", bà Nga nêu, đồng thời đề nghị cần quản lý chặt chẽ thị trường và cần có bàn tay của Nhà nước để can thiệp thị trường.

Theo Phó chủ tịch thường trực QH Trần Thanh Mẫn, việc giá vàng vừa qua "nhảy múa", lên đến 91 - 92 triệu đồng/lượng, sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước. Ông Mẫn đề nghị Chính phủ chỉ đạo theo dõi sát sao, có phương án điều hành linh hoạt, kịp thời cân bằng mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát. "Tôi cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng", ông Mẫn nhấn mạnh.

Có thổi giá, thao túng hay không ?

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về thị trường vàng, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết giá vàng thời gian qua tăng cao chủ yếu do giá thế giới tăng vì giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá thế giới. Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới tăng 14%. Bên cạnh đó, nguồn cung vàng trong nước hạn chế khiến chênh lệch giá trong nước cao so với quốc tế.

Về giải pháp, theo ông Hà, trước mắt, do thị trường thiếu nguồn cung nên NHNN sẽ tiếp tục đấu thầu để tăng nguồn cung, ổn định giá cả, thu hẹp khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới. NHNN cũng sẽ phối hợp Bộ Công an, Bộ Công thương… kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, đẩy giá vàng lên cao. Dự kiến hôm nay 14.5, cơ quan này tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng. Tuần này sẽ có 2 phiên đấu thầu, tăng 1 phiên so với trước, để thêm nguồn cung ra thị trường.

Báo cáo thêm tại phiên họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói trước năm 2012 vàng còn "nhảy múa" hơn vì lúc đó có tới 8 thương hiệu vàng miếng nên việc niêm yết giá theo thị trường rất phức tạp. Sau khi có Nghị định 24 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì 8 doanh nghiệp này không sản xuất, nhập vàng miếng nữa. Hiện Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng miếng.

Dù vậy, ông Khái thừa nhận vừa rồi tình hình biến động lớn, giá vàng cao hơn so với giá thế giới, thời điểm cao nhất lên tới 18 - 19 triệu đồng, thậm chí 20 triệu đồng/lượng; do vậy đòi hỏi phải quản lý. "NHNN cần đánh giá kỹ có vấn đề "thổi" giá, thao túng hay không, nhu cầu giao dịch vàng thế nào, có thật hay không… Việc này rất phức tạp. Nếu ta không kiểm soát nó bằng các giải pháp đồng bộ thì rất khó", ông Khái nêu quan điểm.

Chia sẻ với sự sốt ruột của UBTVQH, sự quan tâm của người dân, song Phó thủ tướng cho rằng đây là vấn đề cần đánh giá kỹ. "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất đau đầu về vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ thời gian tới các bộ, ngành tích cực vào cuộc thì chắc chắn không khó khăn gì chúng ta không xử lý được", Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu và cho biết hôm nay 14.5 ông có cuộc làm việc với NHNN về thị trường vàng. Sau khi đánh giá tình hình, sẽ giao thanh tra chuyên ngành thanh tra ngay những đầu mối lớn, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm chuyển cho Bộ Công an xử lý ngay.

CHUYỂN NHƯỢNG DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÒN LỘ NHIỀU KẼ HỞ

Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra nhiều kẽ hở, tồn tại và hạn chế trong việc huy động vốn đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, việc chuyển nhượng dự án đầu tư cũng như việc chuyển nhượng bất động sản (BĐS).

Chuyển nhượng khi “đói” vốn

Thời gian vừa qua, nhiều dự án, đặc biệt là các dự án BĐS tại các địa phương gặp khó khăn trong triển khai thực hiện và không ít dự án phải dừng thi công. Vướng mắc chủ yếu liên quan đến những vấn đề như: Quỹ đất, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, đấu giá đất, quy hoạch chi tiết không phù hợp với quy hoạch chung, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chung... Việc liên quan đến pháp luật về đầu tư cũng phát sinh nhiều khó khăn trong việc thẩm định, chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án.

Một trong những lý do mà một số dự án hiện nay đang bị đình trệ và bỏ hoang là do chủ đầu tư không thu xếp được nguồn vốn. Trong trường hợp này sẽ khiến nhu cầu chuyển nhượng, mua bán sôi động, tăng cao.

Cách đây không lâu, khi bắn tin nhận chuyển nhượng dự án BĐS, một tập đoàn có tên tuổi trong ngành BĐS ở Hà Nội ngay lập tức nhận được lời chào bán lại dự án của nhiều chủ đầu tư. Theo lãnh đạo tập đoàn này, trong các dự án chào bán, có dự án đang triển khai nhưng doanh nghiệp cạn vốn nên muốn chuyển nhượng, có dự án đã xây dựng xong nhưng không bán được hàng, buộc chủ đầu tư phải bán đứt cả dự án với giá rẻ để thu vốn đầu tư...

Có thể thấy, thị trường chuyển nhượng dự án cao điểm xảy ra khi doanh nghiệp chưa giải quyết được bài toán thiếu vốn và các ngân hàng vẫn hạn chế cho vay. Đây có thể coi là cuộc sàng lọc tích cực cho thị trường, nhằm giữ lại những chủ đầu tư có thực lực.

Tuy nhiên, việc chuyển nhượng dự án cũng có nhiều rủi ro, hạn chế như trong báo cáo của Bộ Tài chính gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Nhiều rủi ro

Bộ Tài chính cho biết, đối với việc chuyển nhượng dự án đầu tư, người nộp thuế là pháp nhân thực hiện việc chuyển quyền đầu tư, khai thác một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư cho tổ chức, cá nhân khác theo hình thức chia tách, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp hoặc chuyển nhượng vốn góp chịu sự điều chỉnh của pháp luật về đất đai, đầu tư, nhà ở, kinh doanh BĐS.

Trường hợp tổ chức chuyển nhượng là doanh nghiệp Nhà nước còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật về quản lý tài sản công.

“Hoạt động trên chịu nhiều rủi ro như việc tổ chức khai giá chuyển nhượng không đúng với giá thực tế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước; chuyển nhượng dự án khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật; bán tài sản không qua đấu giá gây thất thoát tài sản công của Nhà nước; sử dụng đất không đúng mục đích”, Bộ Tài chính khẳng định.

Cá nhân là thành viên góp vốn hoặc cổ đông sáng lập ban đầu được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, Nhà nước cho thuê đất (trả tiền hàng năm hoặc trả tiền một lần) để thực hiện dự án đầu tư, sau một số lần chuyển nhượng phần vốn góp cổ phần dẫn đến thay mới toàn bộ thành viên góp vốn cổ đông sáng lập ban đầu.

Thực tế doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư không thay đổi (mã số thuế doanh nghiệp không đổi) nhưng thành viên góp vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã thay đổi. Có thể nói thực chất là bán dự án BĐS thông qua hình thức chuyển nhượng vốn của các thành viên góp vốn hoặc cổ đông sáng lập.

“Các hoạt động của người nộp thuế nêu trên có nhiều rủi ro về thuế gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và rủi ro vi phạm quy định của pháp luật về quản lý đất đai”, báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.

Bộ Tài chính kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp BĐS, đảm bảo năng lực tài chính phù hợp với việc triển khai các dự án được cấp phép để giảm thiểu rủi ro cho lĩnh vực kinh doanh BĐS. Cần nghiên cứu bổ sung các quy định khi thành lập doanh nghiệp BĐS hoặc cấp phép xây dựng/ đầu tư các dự án BĐS đảm bảo các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án.

NHÀ Ở XÃ HỘI SẮP BỊ THANH TRA TOÀN DIỆN

“Có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.

Mới giải ngân 6 tỷ đồng với người mua nhà

Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế- xã hội 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ , Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội , xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội.

Cùng với đó, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. Thống kê cho thấy, đến nay mới có 29/63 UBND tỉnh công bố 69 dự án tham gia chương trình nhưng chỉ có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, với tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết khoảng 7.000 tỷ đồng; tổng số tiền đã giải ngân đạt 640 tỷ đồng cho 8 chủ đầu tư và giải ngân 6 tỷ đồng đối với người mua nhà tại 3 dự án.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, doanh nghiệp BĐS tiếp tục phải đối mặt với khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối.

“Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động. Xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Nguồn lực xã hội “chôn” vào đất

Cụ thể, theo cơ quan thẩm tra, hệ lụy thấy rõ là người có nhu cầu thực để ở, để sản xuất, kinh doanh, không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang do bị đầu cơ;

Hệ lụy khác là, nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế;

“Người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng”, ông Thanh nói.

Từ phân tích trên, theo Ủy ban Kinh tế, có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị xây dựng kế hoạch để tổ chức và triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội ban hành, nhất là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS…

Cùng với đó, tập trung rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà ở xã hội và tiếp cận vốn vay; quyết liệt thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

ĐIỆP KHÚC CHẬM LẠI ĐIỀU CHỈNH CỦA DỰ ÁN RESORT BỎ HOANG VEN BIỂN

Các dự án chậm tiến độ đều giở bài xin điều chỉnh, "ép" lãnh đạo các tỉnh cứu vớt, vòng xoay kéo dài hơn một thập kỷ khiến du lịch Nam...

Điệp khúc “xin điều chỉnh dự án”

Đối phó với việc chậm tiến độ các doanh nghiệp lại giở bài xin điều chỉnh dự án. Để “cứu” doanh nghiệp, lãnh đạo các tỉnh cũng đành chấp thuận. Vòng xoay này kéo dài hơn một thập kỷ khiến du lịch Nam Trung Bộ chưa thể bứt phá xứng với tiềm năng.

Cách đây 19 năm, tháng 8/2005, UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép cho Công ty Cổ phần và Du lịch Bình Tiên (gọi tắt là Công ty Bình Tiên) làm Chủ đầu tư Dự án Khu du lịch Bình Tiên tại xã Công Hải (huyện Thuận Bắc), với tổng vốn 550 tỷ đồng.

Sau đó, Công ty Bình Tiên nâng mức đầu tư lên gần 5 lần, rồi hơn 40 lần. Sau mỗi lần điều chỉnh như thế thì tiến độ được kéo dài ra.

Theo tiến độ thực hiện, dự án hoàn thành trong 6 năm (từ năm 2005 - 2010). Làm mãi không xong, đến tháng 10/2009, UBND tỉnh Ninh Thuận gia hạn tiến độ giai đoạn II, hạn đến tháng 9/2014 phải đưa toàn bộ Dự án vào hoạt động.

Thế nhưng sau gần 20 năm xây dựng và trải qua nhiều “đời” Chủ tịch tỉnh, đến nay dự án mới chỉ có một số hạng mục hoàn thành và đi vào hoạt động.

Tại Bình Định, ngày 30/10/2023, UBND tỉnh Bình Định công bố quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 dự án trên tuyến quốc lộ 1D nối Quy Nhơn với Sông Cầu.

Dự án khu nghỉ dưỡng La Costa do công ty Thanh Linh Quy Nhơn làm chủ đầu tư, được cấp phép năm 2017. Năm 2022, tỉnh từng điều chỉnh tiến độ xây dựng khu A từ giai đoạn 2018 - 2019 sang 2020 - 2023. Theo quyết định mới, thời gian hoàn thành khu A được điều chỉnh đến quý III/2024 thay vì đến quý IV/2023 như trước.

Tương tự, dự án khu Ami Resort - Spa do công ty TNHH đầu tư phát triển kỹ thuật Đông Nam làm chủ đầu tư, được cấp phép năm 2017, khởi công năm 2019. Theo chủ trương mới, quý I/2024 dự án mới đi vào hoạt động thay vì quý IV/2020 như quyết định cũ.

Tại Khánh Hòa, ngày 20/12/2023, UBND tỉnh này cho biết đã có kết quả xử lý đối với 14 dự án, công trình không đưa hoặc chậm đưa đất vào sử dụng gây lãng phí tài nguyên, đất đai được nêu tại nghị quyết số 74/2022 của Quốc hội. Trong đó, nhiều dự án được xem xét cho điều chỉnh đầu tư.

Có thể kể đến dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Mỹ Mỹ Resort (trước đây là khu biệt thự du lịch biển Bãi Dài) của Công ty TNHH Carava Resort chậm tiến độ. Chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh và được Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi lần thứ 8 (năm 2022).

Dự án khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Flowers (trước đây là khu nghỉ dưỡng Bãi Dài) của Công ty TNHH khu nghỉ dưỡng Bãi Dài chậm tiến độ và bị xử phạt hành chính.

Tháng 3/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, tiến độ hoàn thành thủ tục cấp phép xây dựng quý I-2024 và hoàn thành công trình vào quý I-2027.

Đối với dự án khu thương mại và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Oải Hương (Công ty CP Du lịch Oải Hương) tháng 8/2023, UBND tỉnh này có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, cho phép điều chỉnh tiến độ đến trước ngày 31/8/2024.

Đến ồ ạt thu hồi

Giai đoạn trước dịch COVID-19, Quy Nhơn nổi lên như một điểm đến mới với sự đổ bộ của nhiều ông lớn bất động sản. Tuy nhiên, sau đó do ảnh hưởng của dịch bệnh và những khó khăn chung trên thị trường bất động sản, việc triển khai các dự án nghỉ dưỡng của một số doanh nghiệp tại đây cũng bị ảnh hưởng.

Chỉ tính từ tháng 6-8/2023, đã có 3 dự án du lịch trăm tỷ đồng tại Quy Nhơn bị thu hồi gồm L’Amour Resort, Casa Marina Island và núi Bà Hỏa ở Quy Nhơn. Các dự án này từng được kỳ vọng sẽ góp phần phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của du khách trong và ngoài nước.

Tại Khánh Hòa, ngày 20/12/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có kết quả xử lý 14 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng gây lãng phí tài nguyên, đất đai. Trong 14 dự án, có một số dự án bị kiến nghị thu hồi.

Tỉnh Khánh Hòa đã chỉ ra những dự án, công trình đang bị chậm tiến độ. Trong đó, dự án Tổ hợp khách sạn du lịch, nghỉ dưỡng, nhà bán và cho thuê Trimet Nha Trang do Công ty CP Trimet Nha Trang làm chủ đầu tư bị các sở ngành kiến nghị thu hồi, do chậm tiến độ.

Tương tự, nhiều dự án khác chậm tiến độ bị kiến nghị thu hồi, như các dự án: Quảng trường biển xanh, Khu du lịch Manna, Vogue Resort (tên trước đây là Tropicana Resort), KDL nghỉ dưỡng Mỹ Mỹ Resort; dự án khu du lịch, dịch vụ tổng hợp bắc bán đảo Cam Ranh do Công ty TNHH Hoàn Cầu Cam Ranh làm chủ đầu tư.

Tại Ninh Thuận, mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất ngừng hoạt động với 2/22 dự án du lịch trọng điểm là dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia - Ninh Chữ do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Aminia Ninh Chữ làm chủ đầu tư và dự án Sailing Bay Ninh Chữ do Công ty cổ phần Ninh Chữ Bay làm chủ đầu tư. Nguyên nhân đề xuất ngừng hoạt động là do hai dự án này quá chậm tiến độ thi công, chậm tiến độ sử dụng đất.

Nguồn: Thanh Niên; Lao Động; CafeF; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang