.jpg)
TRUYỀN CẢM HỨNG CHO THẾ HỆ TRẺ VIỆT TẠI ANH
Dành tâm huyết cho cuộc thi khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ Việt Nam trên toàn cầu, chị Phạm Hà My - người sáng lập Học viện Hamy Academy tại Anh, mong muốn tìm kiếm và hỗ trợ những startup có tiềm năng đổi mới sáng tạo để đưa thương hiệu Việt vươn xa.
Cuộc thi Khởi nghiệp GVB Prize 2025 sẽ được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Global Vietnam Business Festival 2025 (GVBFest) với chủ đề "Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số".
Dù công việc tổ chức còn gặp nhiều thử thách, nhưng Trưởng Ban tổ chức Phạm Hà My hy vọng nhận được sự đồng hành của mọi người để cùng nhau tạo nên một sân chơi ý nghĩa và mang lại giá trị thiết thực cho thế hệ khởi nghiệp trẻ trong năm nay.
Kỳ vọng tạo ra cơ hội để các ý tưởng sáng tạo trẻ của Việt Nam có thể vươn ra thế giới có phải là ý tưởng để chị tổ chức sự kiện này?
Trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, tôi tin rằng Việt Nam không chỉ là một phần của dòng chảy kinh tế thế giới mà còn có thể vươn lên, khẳng định vị thế của mình.
GVBFest chính là cầu nối để doanh nghiệp Việt kết nối với thị trường quốc tế, thúc đẩy hợp tác và mở rộng cơ hội kinh doanh.
Sự kiện này không chỉ nhằm quảng bá sản phẩm và thương hiệu Việt Nam ra thế giới mà còn hướng đến việc chia sẻ tri thức, kinh nghiệm giữa các doanh nhân, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.
Tôi muốn GVBFest trở thành nơi các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân cùng nhau tìm ra những giải pháp phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng “Kỷ nguyên xanh” mà thế giới đang hướng tới.
Với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, các tổ chức kinh tế, chính phủ, đại diện từ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và nhiều đối tác quốc tế, GVBFest không chỉ là một sự kiện, mà là một phong trào thúc đẩy thương hiệu Việt, giúp các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh của Việt Nam tỏa sáng trên thị trường toàn cầu.
Cuộc thi GVB Prize 2025 ra đời từ chính khát vọng của tôi – một người luôn mong muốn nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam, đưa các sản phẩm, doanh nghiệp Việt vươn xa trên thị trường quốc tế.
Tôi tin rằng, để làm được điều đó, chúng ta cần một sân chơi thực sự dành cho những người trẻ tài năng, tham vọng – nơi họ có thể thử sức, phát triển, kết nối và chinh phục những cơ hội lớn.
Để có thể thu hút sự tham gia của các bạn trẻ toàn cầu, chị hẳn gặp nhiều khó khăn và thử thách?
Ban đầu, khi lên ý tưởng tổ chức GVBFest, đội ngũ sáng lập chỉ muốn tập trung vào các doanh nghiệp, tạo ra một không gian kết nối và hợp tác giữa các công ty Việt Nam trên toàn cầu.
Tuy nhiên, tôi luôn tin rằng các sân chơi về kinh doanh, thương mại cần có sự góp mặt của những bạn trẻ tài năng, những người sẽ mang đến làn gió mới, sự sáng tạo và khát vọng thay đổi.
Dù hào hứng khi bắt tay vào thực hiện, tôi sớm nhận ra hàng loạt thách thức phía trước, đặc biệt tại châu Âu chưa có hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp dành riêng cho người Việt.
Tôi đã nghĩ đến việc rút lại ý tưởng tổ chức cuộc thi, thay vào đó xây dựng một nền tảng kết nối startup và nhà đầu tư. Theo cách đó, các startup có thể tự lo kinh phí tham dự tại Anh và chủ động kêu gọi vốn, giúp tôi giảm bớt gánh nặng tìm kiếm thí sinh, gây quỹ giải thưởng hay quy tụ đội ngũ mentor.
Nhưng rồi, sáng hôm sau khi thức dậy, tôi cảm thấy trống rỗng. Tôi nhận ra rằng, mình có cơ hội để giúp đỡ startup, có thể tạo ra một sân chơi ý nghĩa, được cống hiến cho đất nước mình, vậy mà lại chọn con đường dễ dàng hơn.
Sau khi tôi tham dự một sự kiện của VN-UK Network. Tôi gặp gỡ một vài bạn trẻ và chỉ qua vài lời động viên đơn giản rằng họ sẽ giúp tôi chia sẻ thông tin về cuộc thi, tôi đã tìm lại được quyết tâm của mình. Tôi hiểu rằng nếu tôi tin vào GVB Prize, những người khác cũng sẽ tin tưởng và đồng hành cùng tôi.
Vì vậy, tôi chấp nhận rằng công tác tổ chức sẽ phức tạp hơn, nhiều thử thách hơn từ việc tìm kiếm đội ngũ mentors, Hội đồng cố vấn chuyên môn, xây dựng mạng lưới đối tác và truyền thông rộng rãi để những bạn trẻ tài năng trên toàn thế giới biết đến cuộc thi và có cơ hội tham gia.
Được biết, GVB Prize 2025 quy tụ một đội ngũ Ban Giám khảo uy tín, giàu kinh nghiệm đến từ các tổ chức hàng đầu trong nước và quốc tế?
Hội đồng cố vấn chuyên môn và Giám khảo đến từ Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; cố vấn cấp cao là ông Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch HUB Network - mạng lưới hỗ trợ startup toàn cầu với nhiều năm kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia hàng đầu là PGS. TS Hoàng Xiêm – giảng viên Đại học Công nghệ, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo; anh Đoàn Hải Nam đến từ ThinkZone Ventures, một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu tại Việt Nam; anh Nguyễn Thức Khoa – doanh nhân trẻ xuất sắc từng lọt vào danh sách Forbes Under 30, có nhiều kinh nghiệm xây dựng startup từ giai đoạn đầu; chị Lương Ngô Ngọc Mai – Quản lý Đối tác tại EduSpaze, chương trình tăng tốc khởi nghiệp hàng đầu về công nghệ giáo dục tại Singapore.
GVB Prize 2025 còn có sự tham gia của các mentor giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, tài chính, đến gọi vốn đầu tư. Các cố vấn sẽ hướng dẫn đội thi về chiến lược phát triển và tiếp cận mạng lưới nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế.
Đó là anh Phillip An – đồng sáng lập Homebase, startup bất động sản công nghệ từng gọi vốn thành công 30 triệu USD; anh Hùng Nguyễn – chuyên gia tài chính, từng làm việc tại các công ty tài chính lớn, với kinh nghiệm sâu rộng về quản lý quỹ đầu tư và chiến lược kinh doanh; Tiến sĩ Daniel Dao - chuyên gia tài chính với chứng chỉ CFA, một trong những chứng chỉ uy tín hàng đầu thế giới về tư vấn tài chính và đầu tư; anh Nguyễn Quang - Giám đốc Sunrise Technology, một công ty công nghệ phát triển giải pháp số cho doanh nghiệp…
Tất cả cùng mong muốn tìm kiếm những startup có tiềm năng phát triển dài hạn, có ý tưởng tốt, có tính thực tiễn khả thi và phù hợp với xu hướng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số hiện nay. Họ cũng sẵn sàng hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm giúp các dự án khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở ý tưởng mà có thể mở rộng quy mô và phát triển trên thị trường thực tế.
Thông điệp mà Ban tổ chức muốn gửi đến thông qua cuộc thi là gì?
GVB Prize 2025 không chỉ là một cuộc thi khởi nghiệp, mà còn là một sứ mệnh nhằm thúc đẩy hai xu hướng tất yếu của nền kinh tế Việt Nam: Chuyển đổi xanh – hướng đến phát triển bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và tạo ra giá trị lâu dài cho xã hội; Chuyển đổi số – ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa mô hình kinh doanh, nâng cao năng suất, tăng tính cạnh tranh và mở rộng thị trường toàn cầu.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực chuyển mình để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, chúng tôi mong muốn tìm kiếm và hỗ trợ những startup có tiềm năng đổi mới sáng tạo, sẵn sàng khai thác sức mạnh của công nghệ số và kinh tế xanh để đưa thương hiệu Việt vươn xa.
Phạm Hà My được cộng đồng người Việt biết đến với các nỗ lực lan tỏa giá trị văn hóa Việt tại hải ngoại. Không chỉ là nghệ sĩ opera, chị còn là giáo viên tiếng Việt, tiếng Anh, piano và thanh nhạc; là Trưởng Ban tổ chức nhiều cuộc thi ý nghĩa với mục đích kết nối cộng đồng như cuộc thi EV-Stellar - cuộc thi Piano, hát tiếng Việt dành cho trẻ em, thanh thiếu niên người Việt toàn châu Âu, cuộc thi vẽ EV-Stellar với chủ đề “Tình hữu nghị Việt - Anh”…
NHIỀU NGƯỜI VIỆT TẠI MỸ BỊ TRỤC XUẤT SANG PANAMA
Có người Việt trong chuyến bay trục xuất 119 người của không quân Mỹ sang Panama.
Hoa Kỳ vừa trục xuất 119 người có quốc tịch khác nhau từ nhiều nước châu Á đến Panama theo một thỏa thuận giữa chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và quốc gia Trung Mỹ này.
Trong họp báo vào ngày 13/2 tại TP Panama của Panama, Tổng thống Jose Raul Mulino cho biết đây là chuyến bay đầu tiên chở những người bị Mỹ trục xuất với nhiều quốc tịch khác nhau như Trung Quốc, Afghanistan, Pakistan, Uzbekistan, Ấn Độ, Việt Nam...
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đưa hai chuyến bay nữa tới Panama với tổng số người bị trục xuất sang Panama trên cả ba chuyến là 360 người, Tổng thống Jose Raul Mulino cho biết. Tuy nhiên ông không nói khi nào hai chuyến bay tới sẽ được thực hiện.
“Những người này sẽ tạm thời ở tại một khách sạn gần đó và rồi được chuyển đến một nơi đặc biệt mà chúng tôi có ở Darien, và chúng tôi hy vọng có thể đưa họ ra khỏi đó ngay khi có các chuyến bay từ Mỹ” - Tổng thống Jose Raul Mulino nói tại họp báo, khẳng định việc đưa những người này khỏi Panama sẽ do Mỹ thực hiện.
Khu vực Darien mà Panama đưa những người bị Mỹ trục xuất đến là khu rừng ngăn cách Trung Mỹ với Nam Mỹ mà những người di cư thường băng qua để đến Hoa Kỳ.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 13/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cũng khẳng định rằng Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ để nhận trở lại những công dân, dựa trên các thỏa thuận đã ký.
“Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với phía Hoa Kỳ để nhận trở lại công dân trên tinh thần các thỏa thuận đã ký và mong muốn Hoa Kỳ tạo điều kiện cư trú thuận lợi cho công dân Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của Hoa Kỳ cũng như góp phần tích cực vào quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”, bà Phạm Thu Hằng nói, theo Báo Tin Tức.
Kể từ khi bước vào Nhà Trắng hôm 20/1 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia tăng các nỗ lực trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.
Hoa Kỳ cũng đã nhận được những lời hứa từ các nước Nam Mỹ khác như El Salvador và Guatemala về việc tạm giữ các di dân từ nhiều quốc tịch khác nhau. Giới chức Mỹ hiện cũng đang thảo luận những thoả thuận tương tự với các quốc gia khác, theo New York Times.
Nhiều người Việt các năm qua đã tìm đường vượt biên vào Mỹ, chủ yếu là băng qua rừng ở Nam Mỹ đến Mexico rồi vào Mỹ.
Số liệu từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) của Mỹ gửi cho RFA cho thấy từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023, có gần 3.300 người Việt Nam vượt biên bằng đường bộ dọc biên giới phía Tây Nam nước Mỹ. Từ tháng 10/2023 cho đến hết tháng 2/2024, con số này là 2.400 người.
Khoảng hai tuần trước, Lực lượng Hải quân Nicaragua đã cứu sống ba người Việt Nam sau khi thuyền chở họ bị chìm ở vùng biển của nước này.
Những người Việt được cứu nằm trong số 17 người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau trên thuyền khởi hành từ đảo San Andres của Colombia di Nicaragua. Đây là tuyến đường nhiều người vượt biên đến Mỹ sử dụng thay cho cách vượt rừng từ Nam Mỹ vào Hoa Kỳ vốn bị cho là nhiều nguy hiểm hơn.
Một bài điều tra của Insightcrime.org cho thấy, số người vượt biển vào Mỹ theo tuyến đường này bị phát hiện đã gia tăng nhanh chóng trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023. Bài báo dẫn số liệu từ cơ quan di trú Colombia cho thấy, đã có 45 người Việt bị phát hiện đi theo đường này vào Mỹ trong năm 2023.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã xác nhận thông tin về ba người được cứu nhưng báo chí Nhà nước Việt Nam không cho biết những người này đang đi đâu.
ĐƯỜNG DÂY TRỘM CẮP CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT
.jpg)
Cảnh sát Tokyo lần theo dấu vết của một nhóm người Việt trộm hàng từ hiệu thuốc ở Nhật, xác định những nghi phạm cầm đầu đường dây đang ở Hà Nội.
Cảnh sát Nhật Bản tháng 11/2024 đồng loạt đột kích các điểm tập kết hàng hóa trộm cắp do nhóm người Việt lập trên toàn quốc, trong đó có các điểm tập kết ở vùng Kanto, Osaka.
Các điều tra viên cho biết đây là một phần của đường dây người Việt trộm cắp hàng hóa từ các hiệu thuốc rồi mang đến kho tập kết. Cảnh sát đến nay bắt 11 người là thành viên nhóm này.
Đài NHK hồi đầu tuần dẫn lời giới chức điều tra, cho biết đã xác định được vị trí "đại bản doanh" của nhóm này ở Hà Nội thông qua lời khai và phân tích dữ liệu trong smartphone tịch thu được.
Các nhà điều tra Nhật Bản cũng xác định danh tính hai người Việt được cho là điều hành đường dây, gồm một nam và một nữ. Giới chức không công bố danh tính hai nghi phạm, song cho biết họ từng đến Nhật.
Hai nghi phạm này bị cáo buộc gửi chỉ thị từ Việt Nam đến người Việt ở Nhật thông qua các ứng dụng nhắn tin, về những món đồ cần trộm và vị trí các điểm tập kết.
Hồi tháng 1, phóng viên NHK đã đến thăm dò "đại bản doanh" của nhóm này tại Hà Nội. Hình ảnh ghi lại cho thấy địa điểm này trông giống như một căn phòng trong dãy nhà trọ.
Một người đàn ông sống gần đó cho biết xe tải đến đây suốt đêm ngày để giao và gửi các bưu kiện, tần suất giảm dần từ khoảng tháng 12/2024. Một người trong "đại bản doanh" nói với ông rằng họ kinh doanh dược phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản.
Bình luận về thông tin này trong cuộc họp báo ngày 13/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết bộ đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để làm rõ thông tin, theo dõi sát quá trình điều tra nhằm có biện pháp xử lý phù hợp, qua đó "đảm bảo những hành vi vi phạm pháp luật được xử lý đúng người, đúng tội, có tính đến các quyền và lợi ích của công dân Việt Nam theo quy định pháp luật".
2 NGƯỜI VIỆT BỊ BẮT VÌ TRỘM CÁP ĐỒNG TẠI TOKYO
2 nghi phạm quốc tịch Việt Nam đã bị cảnh sát Tokyo bắt giữ do bị cáo buộc đột nhập vào công trường phá dỡ trụ sở cũ của quận Nakano, Tokyo vào tháng 11/2024 và đánh cắp dây cáp đồng cùng nhiều vật liệu xây dựng khác. Cả 2 trước đó đã bị truy tố vì tội danh tương tự tại trụ sở cũ của Cơ quan khí tượng Nhật Bản. Hiện cảnh sát Tokyo đang tiếp tục điều tra chi tiết vụ việc.
2 nghi phạm bị bắt là Lê Hữu Bình (?) 25 tuổi và Nguyễn Quý Bình (?) 32 tuổi, đều mang quốc tịch Việt Nam. Theo cảnh sát, vào tháng 11 năm 2024, hai người này đã lẻn vào công trường phá dỡ tòa nhà cũ của quận Nakano, lấy trộm 37 món đồ, bao gồm dây cáp đồng và tấm đồng, với tổng giá trị thị trường khoảng 420.000 yên (khoảng 70 triệu đồng). Dây cáp đồng bị đánh cắp vốn đã được nhà thầu phá dỡ cắt nhỏ và cất giữ tại tầng hầm thứ 2 của tòa nhà. Trong quá trình điều tra, cả 2 nghi phạm đều đã thừa nhận hành vi phạm tội.
Trước đó, vào tháng 12/2024, hai nghi phạm này cũng đã đột nhập vào trụ sở cũ của Cơ quan khí tượng Nhật Bản tại Otemachi, quận Chiyoda để đánh cắp dây cáp đồng và bị bắt giữ, sau đó bị truy tố. Cảnh sát Tokyo nghi ngờ rằng có những cá nhân khác đứng sau chỉ đạo hoặc liên quan đến vụ việc, và hiện đang tiếp tục mở rộng điều tra.
Nguồn: VTV4; RFA; Vnexpress; LocoBee
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá