.jpg)
LAN TỎA TIẾNG VIỆT TẠI BỈ
Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở Bỉ góp phần lan tỏa tiếng Việt ra thế giới, giúp cộng đồng người Việt giữ gìn bản sắc, tạo cơ hội cho người nước ngoài tìm hiểu, yêu mến văn hóa Việt Nam.
Theo phóng viên tại Brussels, từ hơn một năm nay, cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ có một điểm hẹn văn học để thỏa chí đọc những cuốn sách bằng tiếng Việt quý giá, từ sách thiếu nhi đến các tác phẩm dành cho người lớn, nhờ vào sự phát triển của Tủ sách Việt tại nhà hàng Việt.
Đây là một sáng kiến nhằm duy trì và phát huy tiếng Việt, giúp người Việt tại Bỉ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống xa quê hương.
Chị Phạm Quỳnh Châu là một độc giả thường xuyên của Tủ sách Việt tại nhà hàng Hanoi Station. Sống tại thủ đô Brussels từ 25 năm nay, chị Quỳnh Châu rất vui khi chị thường xuyên tìm được những cuốn sách hay để đọc, kết nối chị với đời sống văn học nước nhà.
Chị vừa đọc xong cuốn "Tạp bút Bảo Ninh" và rất thích thú khi tìm thấy cuốn "Quân khu Nam Đồng" của tác giả Bình Ca, kể về khu gia binh lớn nhất Hà Nội.
Cuốn sách đưa chị về với 50 năm trước của những năm tháng học phổ thông cùng những bạn bè sống ở "quân khu" Nam Đồng này.
Tủ sách tiếng Việt tại nhà hàng Việt Nam ở Bỉ là một sáng kiến của Kênh Việt Happiness Station, hay còn gọi là "Trạm hạnh phúc."
Theo chia sẻ của chị Kiều Bích Hương, một thành viên sáng lập của Kênh Việt, mục tiêu của dự án không chỉ đơn thuần là mở một tủ sách để mọi người đến đọc hoặc để sách tự động được đóng góp.
Điều mà chị cùng các thành viên của Kênh Việt trăn trở, đó là làm sao để tủ sách không chỉ là một nơi lưu trữ sách mà còn là cầu nối để lan tỏa tiếng Việt, văn hóa đọc và bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc mà nó đang gìn giữ.
Trong tương lai, dự án này dự định sẽ được mở rộng, không chỉ giới hạn ở việc duy trì tủ sách mà còn hướng đến việc sưu tầm thêm nhiều cuốn sách quý, đặc biệt là những tác phẩm chứa đựng dấu ấn lịch sử về hành trình của người Việt khi rời xa quê hương.
Các sách này không chỉ mang giá trị tinh thần mà còn phản ánh sự thay đổi trong nhận thức và biên sử lịch sử qua thời gian.
Chị Kiều Bích Hương cho biết một trong những mục tiêu của dự án là tìm lại những cuốn sách có phiên bản xuất bản từ 30 năm trước, thời kỳ mà giá sách chỉ vài đồng, hoặc những cuốn sách lịch sử Việt Nam được in ấn từ 20-30 năm trước để thấy được sự khác biệt trong cách tiếp cận và phản ánh lịch sử.
Dự án cũng có kế hoạch, khi có đủ sách và điều kiện thuận lợi, sẽ tổ chức các buổi trò chuyện, talkshow về văn hóa đặc trưng của người Việt ở nước ngoài.
Chị Kiều Bích Hương nhấn mạnh rằng, mục đích của những chương trình này là để lắng nghe những mối quan tâm, những trải nghiệm và những mong muốn của cộng đồng người Việt tại Bỉ, từ đó tìm cách kết nối và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.
Do đó, dự án cần sự hợp tác và đóng góp từ nhiều bên, không chỉ để duy trì tủ sách mà còn để tổ chức các buổi trò chuyện chuyên đề, qua đó góp phần lan tỏa văn hóa đọc và tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Cho đến nay, Kênh Việt đã mở được hai tủ sách Việt tại Bỉ. Ngoài tủ sách đặt tại nhà hàng Hanoi Station ở Brussels, một tủ sách khác cũng được đặt tại một nhà hàng ở thành phố Ostende, cách Brussels hơn 100km.
Chị Đào Hồng Hải, chủ nhà hàng Hanoi Station, chia sẻ rằng trong suốt một năm qua, khi tủ sách Việt được đặt tại nhà hàng, chị đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt.
Theo chị, tủ sách không chỉ phong phú hơn về số lượng sách mà còn đa dạng hơn về chất lượng và giá trị. Các cuốn sách có giá trị nhân văn, lịch sử, và văn hóa ngày càng tăng lên, đồng thời sự tham gia của cộng đồng người Việt tại Bỉ cũng trở nên mạnh mẽ hơn.
Chị Hồng Hải rất vui khi thấy không chỉ người Việt Nam, mà ngay cả các thực khách quốc tế đến ăn tại Hanoi Station cũng tỏ ra hào hứng đóng góp sách cho tủ sách Việt.
Chị kể lại rằng nhiều thực khách đã mang đến những cuốn sách quý về Việt Nam, đặc biệt có những cuốn sách được họ sưu tầm trong nhiều năm, như một cuốn sách ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả người Pháp Roger Pic được xuất bản từ năm 1976. Khi thấy tủ sách Việt có ý nghĩa và được cộng đồng đón nhận, họ không ngần ngại mang những cuốn sách quý mà họ gìn giữ bấy lâu nay đến tặng.
Cảm giác hạnh phúc của chị không chỉ đến từ việc cộng đồng người Việt tham gia đóng góp sách, mà còn từ việc những người bạn quốc tế cũng quan tâm và tham gia vào dự án này, giúp lan tỏa văn hóa Việt Nam đến một đối tượng rộng lớn hơn.
Qua tủ sách Việt, không chỉ những người Việt mà cả những người bạn quốc tế cũng dần hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa của Việt Nam.
Chị Hồng Hải cảm nhận được rằng, tủ sách Việt không chỉ là một không gian lưu giữ sách, mà còn là một cầu nối văn hóa, giúp mọi người hiểu hơn về Việt Nam, về những giá trị mà người Việt đang gìn giữ dù ở nơi xa quê hương.
Nhân dịp Ngày Quốc tế Tiếng Mẹ đẻ (International Mother Language Day) 21/2, một ngày lễ do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức nhằm tôn vinh sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa trên toàn thế giới, tủ sách Việt tại Hanoi Station lại có dịp đón nhận thêm những đầu sách mới, làm phong phú thêm kho tàng sách tiếng Việt tại đây.
Đặc biệt trong số sách mới là tuyển tập "Đúng hay điêu" dành cho lứa tuổi nhi đồng. Tập sách này được dịch giả Phan Hoàng Hà gửi tặng, với mong muốn mang lại những câu chuyện hấp dẫn về thế giới động vật và lịch sử, rất phù hợp với sự tò mò và yêu thích khám phá của trẻ em.
Tủ sách Việt tại nhà hàng Việt không chỉ mang lại những đầu sách phong phú mà còn là nơi kết nối cộng đồng người Việt ở Bỉ. Đây là một không gian để các thế hệ đi trước có thể chia sẻ những câu chuyện về quê hương, về những ký ức khó quên, giúp thế hệ trẻ không quên nguồn cội và duy trì tình yêu đối với văn hóa dân tộc.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để người Việt xa xứ giao lưu, học hỏi và hiểu thêm về những nền văn hóa khác, từ đó thúc đẩy sự đoàn kết và hòa nhập giữa các cộng đồng quốc tế.
Việc đặt Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt không chỉ là một ý tưởng độc đáo mà còn là một cách thiết thực để lan tỏa tiếng Việt ra thế giới. Nó giúp cộng đồng người Việt giữ gìn bản sắc, tạo cơ hội cho người nước ngoài tìm hiểu và yêu mến tiếng Việt.
QUẢNG BÁ VĂN HÓA & ẨM THỰC TẠI MỸ
Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ phối hợp với Hội Phu nhân Phu quân đã tổ chức buổi giao lưu văn hóa, ẩm thực Việt Nam cho Nhóm Arab và Nam Á của Tổ chức Giao lưu văn hóa Ngoại giao đoàn (CED).
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 19/2 tại Nhà Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ phối hợp với Hội Phu nhân Phu quân đã tổ chức buổi giao lưu văn hóa, ẩm thực Việt Nam cho Nhóm Arab và Nam Á của Tổ chức Giao lưu văn hóa Ngoại giao đoàn (CED).
CED là tổ chức được thành lập từ năm 1961 nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa ngoại giao đoàn và bạn bè sở tại Mỹ.
CED từng được các phu nhân của lãnh đạo trong chính quyền Mỹ bảo trợ, và hiện nay do Thị trưởng thủ đô Washington bảo trợ.
Tham dự buổi giao lưu có Chủ tịch Nhóm Arab và Nam Á Anita Rezazad, các Phu nhân Đại sứ, cán bộ và phu nhân cán bộ ngoại giao của gần 20 nước trong ngoại giao đoàn và tổ chức bạn bè sở tại.
Trong phát biểu chào mừng, bà Trần Thị Bích Vân, Phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, chia sẻ mong muốn giới thiệu với bạn bè Mỹ và quốc tế hai nét đẹp trong văn hóa Việt Nam là trang phục truyền thống và ẩm thực đặc sắc mà người Việt Nam rất tự hào và được bạn bè khắp thế giới yêu mến.
Tại buổi giao lưu, khách tham dự được nghe thuyết trình giới thiệu về văn hóa, lịch sử, trang phục truyền thống ba miền, ẩm thực Việt Nam và các phong tục ngày Tết.
Phần đặc sắc và thú vị nhất là khi các phu nhân Đại sứ, bạn bè quốc tế và sở tại được thử các trang phục áo dài, áo tứ thân, và vấn khăn mỏ quạ, và được trình diễn catwalk ngay tại Ngôi nhà Việt Nam.
Chương trình tiếp theo cũng không kém phần thú vị. Khách được trực tiếp hướng dẫn và tự tay cuốn nem Việt Nam.
Các vị khách đều bày tỏ thích thú với những trải nghiệm thú vị và sống động về văn hoá, ẩm thực phong phú của Việt Nam, và rất mong muốn đi du lịch ở Việt Nam.
Tiệc buffet với các món ăn bún chả, nem rán, mứt tết… đã đem lại ấn tượng sâu sắc cho các thành viên CED về nền ẩm thực Việt Nam tinh tế, đa dạng và có lợi cho sức khỏe.
Những sự kiện văn hóa được tổ chức tại Mỹ đã góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn tới bạn bè quốc tế và sở tại, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước.
NGHI VẤN LAO ĐỘNG NGƯỜI VIỆT GẶP TAI NẠN GIAO THÔNG Ở ĐÀI LOAN
.jpg)
Vụ tai nạn liên hoàn nghiêm trọng khiến hai người đàn ông tử vong tại chỗ. Có nghi vấn đây là lao động Việt Nam bỏ trốn.
Trang United Daily News (UND) ngày 19-2 thông tin về vụ tai nạn liên hoàn giữa 6 chiếc xe vào rạng sáng cùng ngày tại km 167,7 trên tuyến cao tốc số 1 của Đài Loan, đoạn hướng bắc qua quận Phong Nguyên. Hai người đàn ông tử vong tại hiện trường, nghi ngờ là lao động Việt Nam bỏ trốn.
Khi xảy ra va chạm, hai người thiệt mạng trong vụ tai nạn được cho là đã không thắt dây an toàn, khiến họ văng khỏi xe và tử vong tại chỗ. Hiện danh tính của họ được xác định là ông Le (30 tuổi) và ông Hoang (48 tuổi).
Theo lời kể của một số nhân chứng với trang UND, ngoài hai nạn nhân đã tử vong, chiếc xe gặp nạn có thể đã chở nhiều người hơn. Camera giám sát tại hiện trường ghi nhận hình ảnh một số hành khách khác có mặt trong xe vào thời điểm xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên ngay sau khi vụ việc xảy ra, những người này đã rời khỏi hiện trường trước khi cảnh sát đến và có thể đã được một xe khác đón đi. Hiện lực lượng cảnh sát đường cao tốc thuộc Đội cảnh sát cao tốc số 3 vẫn chưa xác nhận thông tin này, chỉ cho biết vụ việc đang được điều tra.
Bạn bè và đồng nghiệp của hai nạn nhân đã đến đồn cảnh sát cao tốc để tìm hiểu tình hình. Một số người khẳng định hôm đó họ vừa tan ca và đang trên đường trở về nhà thì gặp nạn. Họ cũng không rõ trong xe có bao nhiêu người vào thời điểm xảy ra tai nạn.
Một đồng nghiệp của hai lao động Việt Nam cho biết gia đình của hai nạn nhân ở Việt Nam đã gọi điện nhờ người này đứng ra lo liệu hậu sự. Người này cũng xác nhận rằng cả ông Le và ông Hoang đều là lao động nhập cư bỏ trốn.
Hai nạn nhân được đưa đến bệnh viện địa phương nhưng không có thân nhân đến nhận.
Hiện cảnh sát chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về việc họ có phải là lao động bất hợp pháp hay không.
Theo cảnh sát đường cao tốc, vụ việc sẽ được chuyển cho Cơ quan Di trú Đài Loan để xác minh danh tính và tình trạng cư trú của hai nạn nhân. Ngoài ra, quá trình điều tra sẽ tiếp tục để xác định nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn, cũng như truy tìm những hành khách có thể đã rời khỏi hiện trường.
NỮ DU HỌC SINH LÀ TIẾN SĨ TRẺ NHẤT Ở ĐH HÀN QUỐC
Trong lễ tốt nghiệp mùa xuân năm 2025 tại Đại học Nữ sinh Ewha (Hàn Quốc), người trẻ nhất tốt nghiệp tiến sĩ là một nữ du học sinh người Việt Nam.
Korea JoongAng Daily đưa tin vào ngày 24/2 sắp tới, Đại học Nữ sinh Ewha sẽ tổ chức lễ tốt nghiệp mùa xuân. Điều đặc biệt của lễ tốt nghiệp này là Nguyen Thi Anh (27 tuổi) - sinh viên người Việt Nam sẽ trở thành người trẻ nhất trường tốt nghiệp tiến sĩ trong năm nay.
Nguyen Thi Anh đã đăng ký chương trình thạc sĩ và tiến sĩ kết hợp của khoa Vật lý tại Đại học Nữ sinh Ewha vào năm 2020. Trước khi nhập học ở Ewha, Nguyen đã gặp các giáo sư khoa Vật lý khi họ đến thăm Đại học Sư phạm Hà Nội vào năm 2019 để tuyển chọn những sinh viên quốc tế tài năng.
Vào thời điểm đó, cô là sinh viên năm ba ngành Vật lý tại trường đại học ở Việt Nam, sau đó được mời thực tập tại Phòng thí nghiệm Vật lý Thiết bị Mới nổi của giáo sư Kim Dong-wook.
"Tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định theo học ngành Vật lý. Tôi rất biết ơn gia đình, những người đã động viên tôi tiếp tục học tập và tôi rất mong chờ vào những nghiên cứu trong tương lai", Nguyen chia sẻ.
Trước thềm tốt nghiệp, Nguyen đã được mời làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Khoa học Nano Lượng tử - phòng thí nghiệm tại Đại học Nữ sinh Ewha. Cô sẽ tiến hành nghiên cứu về tương tác vật liệu - ánh sáng lượng tử bằng kính hiển vi quét xuyên hầm.
Theo thống kê của Đại học Nữ sinh Ewha, tổng cộng 3.507 sinh viên sẽ tốt nghiệp trong buổi lễ sắp tới. Trong số đó, 2.189 người lấy bằng cử nhân, 1.179 người hoàn thành chương trình thạc sĩ và 139 người nhận bằng tiến sĩ.
Trong số 3.507 sinh viên tốt nghiệp, 192 người là sinh viên quốc tế, gồm 89 người lấy bằng cử nhân và 103 người hoàn thành chương trình thạc sĩ, tiến sĩ.
Người tốt nghiệp tiến sĩ lớn tuổi nhất trong mùa xuân năm nay là bà Paik Hee-young (62 tuổi). Bà Paik đăng ký chương trình tiến sĩ tại khoa Vận động học và Nghiên cứu thể thao vào năm 53 tuổi.
Trước khi học tiến sĩ, bà Paik lấy bằng cử nhân tại Đại học Nihon của Nhật Bản, bằng thạc sĩ tại khoa Giáo dục thể chất của Đại học Nữ sinh Ewha và bằng tiến sĩ về Giáo dục thể thao tại Đại học Hanyang (Hàn Quốc).
Nguồn: VTV4; VietnamPlus; Tuổi Trẻ; Zing News
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá