- Văn nghệ
- Văn xuôi
Hôm nay anh thất nghiệp đúng 30 ngày!
Tính anh hiền lành, chỉ biết chúi đầu vào làm việc, ít giao tiếp, khi công ty bắt đầu sa thải nhân viên thì anh càng cố gắng làm việc nhiều hơn. Cách đây một tháng, vừa đến chỗ làm, đã được sếp mời vào phòng, anh biết kết cuộc cũng không khác gì các đồng nghiệp trước.
Thu dọn đồ đạc, ra khỏi công ty sớm, anh chán chường nhìn lên bầu trời xanh trong rực rỡ. Đã bao lâu nay anh không tận hưởng được cuộc sống thanh bình như vậy! Nhà ở xa, mỗi buổi sáng chụp cái nón bảo hiểm lên đầu, anh cắm đầu, cắm cổ, phi đến cơ quan cho kịp giờ, chiều muộn ra khỏi công ty thì đã tối mịt. 10 năm rồi anh cần mẫn cuốc cày để tạo dựng gia đình mình. Ôi chao! vậy mà đã 10 năm!
Một tháng nay điều mà anh ngại nhất không phải là ánh mắt mong chờ của vợ, mỗi chiều muộn anh lê bước về nhà, ánh mắt nhìn anh như muốn hỏi “Anh đã tìm được việc làm chưa”, mà là vẻ trầm mặc của mẹ vợ. Bà đi ra, đi vào, làm việc luôn chân, luôn tay, chỉ gật đầu chào khi anh về, chứ không hỏi gì hết. Vậy mà anh cảm thấy rất khó chịu.
Ngày còn yêu nhau, đứng bên hàng rào anh vô tình nghe cuộc nói chuyện giữa vợ (khi đó là người yêu) và mẹ cô ấy. Bà nói khẽ nhưng vang mồn một trong đêm hôm khuya khoắt:
- Mẹ chỉ duy nhất có mình con. Ba mày mất sớm, mẹ dồn hết tình thương cho mày. Lo cho mày không thua kém ai. Mày vừa học giỏi vừa là hoa khôi của trường đại học, biết bao nhiêu người có điều kiện mày không chịu mà lại chịu thằng Hưng. Mẹ không chê tư cách nó, nhà mình với nó là hàng xóm lâu năm. Bố mẹ nó bỏ nhau, thẩy nó cho bà nội nuôi rồi mỗi người đều đi bước nữa. Nó vừa thi đậu đại học thì bà nội nó mất. Năm năm nay nó vừa phải làm đủ việc để kiếm tiền đóng học phí, tiền ăn, nhà cửa rách nát. Mày lấy nó biết bao giờ ngóc đầu lên nổi hả con?
- Nhưng con yêu anh ấy!
- Mấy chục năm nay mẹ thức khuya dậy sớm, miệt mài bên gánh hủ tiếu, cũng mong con mình lớn lên lấy được tấm chồng khá giả, thấy cảnh mày sắp bước chân vào, mẹ lo lắng, thương xót lắm. Mẹ nói cho con thấy trước tương lai mà tự tính.
- Mẹ ơi chúng con đều sắp đi làm, sẽ có lương tốt. Mẹ đừng lo, con chỉ thương anh Hưng thôi.
Sau đó mấy tháng, một đám cưới hết sức đơn giản diễn ra rồi chị về nhà anh sống. Hàng rào giữa hai nhà chỉ việc đập đi một góc là qua lại thoải mái.
10 năm vợ chồng, anh làm quần quật vì luôn biết ơn vợ đã chọn lấy mình. Chị cũng cố gắng hết sức, nhưng vì sanh liên tiếp 3 đứa, nên cả nhà trông chờ chủ yếu vào lương của anh. Anh đã nhảy việc 4 công ty. Đã đập đi cái chòi cũ hai bà cháu, xây lên được căn nhà một trệt, một lầu cho vợ con ở. Bà ngoại sáng sớm tinh mơ dậy đi chợ, rồi sang chuẩn bị bữa sáng cho các con nhà anh, sau đó chở đứa lớn đi học, 2 đứa bé gửi nhà trẻ, trưa hai giờ bà đã chuẩn bị cơm nước để 4 giờ đi rước các cháu về, tắm rửa cho chúng, đút ăn cho chúng. Vợ anh đi làm 6 giờ mới về đến nhà. Còn anh thường xuyên tăng ca đến 8, 9 giờ tối. Lúc vợ chồng anh mới có đứa con đầu, bà vẫn bán hủ tiếu và phụ trông cháu. Đến đứa thứ hai, bà nghỉ bán để giúp con cái toàn phần.
10 năm qua bà đã làm bao nhiêu việc cho gia đình anh, nhưng chỉ khi thất nghiệp ở nhà, anh mới nhận thấy, buổi sáng cầm cặp lồng cơm bà đưa là anh ra khỏi nhà sớm nhất, chiều về nhà muộn nhất. Ám ảnh vì cuộc nói chuyện ngày xưa nên anh rất ngại tiếp xúc với bà. Mặc dù bà nói đúng, nhưng anh rất buồn vì hoàn cảnh mình có đủ cha mẹ, mà không khác gì trẻ mồ côi.
Hôm nay cũng vậy. Buồn quá nên anh tắt điện thoại nguyên ngày, ngồi ở công viên. Đến chiều về gần tới nhà, xe chết máy anh dẫn bộ, đến sát cửa nghe tiếng mẹ vợ:
- Sao đến giờ thằng Hưng vẫn chưa về? Mày gọi điện thoại cho nó chưa?
- Con gọi muốn nát máy rồi mà có được đâu. Thôi để ông ấy đi kiếm việc chứ cả một đống tiền tiêu hàng tháng con chịu gì nổi. Nội tiền học của ba đứa đóng muốn phát khùng lên.
- Nó mới thất nghiệp có một tháng mày đừng làm quá. Năm nay ở Sài Gòn thất nghiệp đầy đường, có phố toàn treo bảng cho thuê nhà. Sông có khúc người có lúc. Nó về mày đừng có làm áp lực cho nó.
Nghe đến đây anh lại lủi thủi dắt xe đi. Khuya thật khuya, anh để xe cho thợ sửa ở đầu ngõ rồi đi bộ về. Mở cổng vào thấy bên nhà mẹ vợ có tiếng lầm bầm. Anh lách rào bước qua ngửi thấy mùi nhang thơm và tiếng mẹ vợ anh:
- Ông ơi! ông phù hộ cho thằng Hưng nhanh chóng có công việc nhé! Tội nghiệp thằng bé, tôi thương nó như con trai vậy.
Anh bước nhanh về nhà, một giọt nước mắt âm thầm rớt xuống. Vậy mà bao nhiêu lâu nay anh cứ nghĩ bà coi thường, chê bai anh. Nghĩ lại mới thấy 10 năm qua không có bà một tay lo cho 3 đứa cháu, lo cơm nước cho vợ chồng anh chu đáo, thì anh có thể toàn tâm, toàn ý kiếm tiền không? Anh nhớ bà chả có mơ ước gì, chỉ thỉnh thoảng vừa ôm cháu xem phim bộ vừa tặc lưỡi:
- Trời ơi tuyết rơi sao mà đẹp quá! Ước gì ngoại được một lần thấy tuyết!
Sáng sớm hôm sau, lần đầu tiên anh chủ động chào mẹ vợ rõ to, chứ không lí nhí như mọi ngày:
- Con chào mẹ, mẹ mới sang ạ!
Bà cười tươi tắn:
- Ờ! hôm nay mẹ nấu bún riêu mà con thích nhất đó.
Hai tuần sau anh có việc làm mới, lương cao hơn chỗ cũ. Một năm sau vợ chồng anh mua vé cho mẹ vợ đi Trung Quốc ngắm tuyết rơi, cả nhà vui vẻ, nghe tiếng mẹ vợ lanh lảnh trong điện thoại:
- Tuyết rơi đẹp lắm các con ơi! Cảm ơn các con nhiều nhé!
Nguồn: FB Tác giả Chu Thị Hồng Hạnh
Câu chuyện này cảm động
Các bạn đã nghe chưa?
Vì nó rất ý nghĩa,
Nghe lại cũng không thừa.
Có một diễn viên nọ
Mời nghỉ hưu, mùa hè
Đến thăm người chị họ
Ở một làng vùng quê.
Hàng ngày ông đi dạo
Tha thẩn giữa đồng xanh,
Vui được ngắm cảnh đẹp,
Thở không khí trong lành.
Tuy nhiên, ông thấy lạ.
Cũng nơi ấy, hàng ngày
Một cậu bé, mười tuổi,
Tóc xoăn, người gầy gầy.
Cậu kiên nhẫn chờ đợi
Những đoàn tàu chạy qua,
Những đoàn tàu tuyệt đẹp
Giữa cánh đồng đầy hoa.
Những đoàn tàu đẹp ấy
Với hành khách bên trong
Với cậu là mơ ước,
Một thế giới màu hồng.
Mỗi lần có tàu đến,
Cậu bật dậy, vẫy tay,
Hy vọng có ai đó
Đáp lại cái vẫy này.
Thế mà tiếc, chắc vội,
Tàu đến rồi tàu đi,
Không người nào vẫy đáp,
Cứ như không thấy gì.
Suốt một tuần như thế,
Ông lão diễn viên già
Thấy, mà thương cho cậu,
Thoáng ngậm ngùi, xót xa.
Một hôm, ông dậy sớm,
Cùng với chiếc xe thuê
Ngược lên mấy ga trước,
Rồi lên tàu quay về.
Ông cải trang thật kỹ,
Đẹp như một ông tiên,
Mũ cao vành, râu trắng,
Với nụ cười thật hiền.
Ông mở toang cửa sổ,
Thò sẵn đầu và tay,
Hồi hộp chờ tàu đến
Chỗ ông dạo hàng ngày.
Khi cậu bé lại vẫy,
Ông vẫy đáp, mỉm cười.
Một việc tưởng đơn giản,
Thế mà ông lặng người.
Cậu bé ấy vui sướng,
Đứng vẫy tay rất lâu.
Cả khi không còn thấy
Ông già và con tàu.
Ông già diễn viên ấy
Thường nói với mọi người
Đó là vai diễn xuất
Thành công nhất trong đời.
Nguồn: FB Thái Bá Tân
Có một nghề chở khách qua sông
Tháng năm đi qua, buồn vui, trăn trở
Có một nghề trồng hoa trên trang vở
Cho hoa cuộc đời thắm mãi niềm tin.
Có một nghề viết khát vọng trong tim
Cho bao thế hệ, bao mầm xanh đất nước
Trang giáo án in bóng hình tổ quốc
Đêm miệt mài, bỏng cháy mắt em thơ.
Có một nghề cho trẻ biết ước mơ
Từ câu ca mặn mồ hôi của mẹ
Từ xóm làng thân thương nhỏ bé
Quê nội cần lao nhưng vẫn diệu kì ...
Có một nghề khi ve báo mùa thi
Lại thấy bâng khuâng, bồi hồi cảm xúc
Quy luật mà! Sao nhói đau trong ngực?
Mai xa rồi những đứa trẻ thân thương...
Có một nghề mồ hôi đẫm sân trường
Chẳng quản khó khăn, bộn bề cuộc sống
Trẻ hồn nhiên, vòng tay ta dang rộng
Bởi yêu nghề, yêu mãi ở trong tim.
Nguồn: FB Vũ Tuấn
Đức Việt Online
Tình mẹ; Người già
Sư Minh Tuệ và pháp hành dưới góc nhìn phật giáo; Trở về miền nhớ
Sống chung; Khi bạn trắng tay
21 thói quen biến chàng trai thành đàn ông; Đúng người tri kỉ; Tôi sẽ về họp lớp nhé bạn ơi
Hôn nhân đừng miễn phí; Dạy vợ
Người khôn ngoan không tranh cãi đúng sai; Nào ai đó; Người bạn đời thầm lặng
Thấm từng câu chữ qua những câu nói trong văn học Việt Nam; Nhỡ một cơn mưa; Ngơ ngác tình nhau
Để khắc cốt ghi tâm, suy ngẫm vợ chồng; Ai cũng mong một tri kỷ trong đời; Cuộc đời
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá